nhà văn Toan Ánh |
Mấy năm gần đây ở Việt Nam, sách cũ trước 75 tái bản ồ ạt. Sách cũ đủ loại, nhất là tiểu thuyết, mặc sức lấn át sách quốc doanh, khiến loại sách nặng mùi xã hội chủ nghĩa này ngóc lên không nổi. Trong số sách tái bản có tác phẩm của Toan Ánh.
Nhìn thấy sách mà nhớ người. Kỷ niệm xa xưa về một nhà văn kỳ cựu lội ngược dòng thời gian trở về trong ký ức tôi. Tôi nghe danh Toan Ánh đã từ lâu lắm rồi. Nguyên là, năm ấy, thân phụ tôi (nhà văn Nguyễn Triệu Luật) chủ biên nguyệt san Tao Đàn của nhà xuất bản Tân Dân ở Hà Nội. Toan Ánh thường gởi bài đến cậy đăng. Hồi bấy giờ tôi mới mười một tuổi, ham đọc sách báo. Mọi bài lai cảo đều đọc hết. Nhìn địa chỉ ghi dưới bài, được biết tên thật của người viết vở hài kịch Gương vỡ, Gương lại lành là Nguyễn Văn Toán, thư ký tại Tòa Công Sứ Phúc Yên. Đồng liêu quen gọi ông là anh Toán. Hai chữ anh Toán đọc lái lại là Toan Ánh.
Năm 56, tôi nạp đơn xin việc làm tại Bộ Xã Hội và Y Tế, trụ sở đặt ở II4 Bùi Thị Xuân, Sài Gòn, do Vũ Quốc Thông làm Bộ Trưởng. Bộ này sau tách thành hai cơ quan biệt lập. Một là Bộ Y Tế. Hai là Tổng Nha Xã Hội trực thuộc Phủ Tổng Thống, do Nguyễn Lương làm Tổng Giám Đốc. Toan Ánh là Giám Đốc Hành Chính Tổng Quát. Tôi được tuyển dụng. Ông nói một câu khiến tôi bùi ngùi nhớ mãi: “Tôi nhận anh vào làm không phải vì nhu cầu công vụ gì cả mà chỉ vì anh là trưởng nam của nhà văn quá cố Nguyễn Triệu Luật. Vậy Thôi.”
Thoạt kỳ thủy, tôi làm ở Phòng Báo Chí. Rồi qua phòng Cứu Tế Xã Hội mà chủ sự là nhà văn Triều Đẩu. Kế đến Phòng Pháp Chế. Tiếp tục viết mục Dân Sinh cho Đài Tiếng Nói Quân Đội và mấy tờ báo dân sự. Mỗi bài báo cứ hễ đánh máy xong đều đưa cho Toan Ánh. Gọi là liếc mắt đọc qua rồi cho ý kiến. Hồi bấy giờ đang có cao trào tố cộng. Cuốn Đồng Chí Thương Binh của tôi (Quốc Gia Văn Đoàn xuất bản năm 56) bán rất chạy. Năm chục ngàn cuốn tiêu thụ hết vèo trong vòng năm tháng. Quả là việc hi hữu, bất ngờ. Bèn nẩy ra ý định viết cho tờ Chỉ Đạo, cơ quan ngôn luận của người Việt Tự Do chống Cộng. Cho nên, viết xong chuyện ngắn đầu tiên Cái Chảo Gang, tôi đưa cho Toan Ánh đọc.
Đọc xong, ông phì cười. Khen tôi viết rí rỏm. Bảo tôi gởi ngay cho Chỉ Đạo. Tờ báo này do Ngô Quân làm chủ bút, Nguyễn Mạnh Côn là bỉnh bút phụ tá. Truyện được đăng liền, mở đầu cho sự cộng tác thường xuyên. Đưa đến việc thay Nguyễn Mạnh Côn, chủ biên tờ Chỉ Đạo từ 61, năm tôi nhập ngũ.
Một bữa, coi Vũ Khúc Sao Đỏ của tôi, Toan Ánh bảo :
- Viết ngắn quá. Mạch văn anh dài mà anh viết cô đọng, thành ra thiếu xót. Một tác phẩm có giá trị không nhất đán phải dài. Nhưng đa số tác phẩm có giá trị đều dài. Bẩy chục trang đánh máy mà đã tưởng là dài à ? Không đâu. Ty-pô nuốt chữ ghê lắm. Truyện của anh đem xắp chữ chỉ được hai chục trang in, khổ sách bỏ túi. Cần khai triển tối đa nội dung. Phong phú hóa tối đa tình tiết. Chỉnh lại về từ ngữ, về cú pháp, về hành văn sau. Xóa bỏ những đoạn rườm rà, luộm thuộm sau. Có dài mà gạch bớt đi cũng là vừa. Chớ nếu viết ngắn quá, cắt xén đi là hết truyện. Đó là kinh nghiệm viết lách của riêng tôi. Nếu anh thấy đó là một điều hay thì nên rút tỉa.
Kinh nghiệm đó, theo Toan Ánh, sở dĩ mà có là do nghề dạy nghề. Trăm hay không bằng tay quen. Rút tỉa, ứng dụng trong thực tiễn, thấy rất đạt ý. Một bữa khác, đọc Màn Bạc, Chân Mây của tôi, dài chín chục trang, Toan Ánh tỏ ra đắc ý, bảo :
- Anh viết thế là tiến bộ đấy. Đại phàm ai có khả năng viết nổi ba trăm trang truyện dài phải kể là giỏi. Hay hay dở chưa xét vội. Hãy cứ biết: viết được bằng ấy trang là cừ rồi. Kể ra cứ phóng bút viết cho thành truyện thì cũng dễ thôi. Nhanh nữa. Sửa lại mới khó, mới lâu. Đòi hỏi nhiều công phu.
Trong những giờ rảnh việc ở sở, Toan Ánh hay kể chuyện vui. Ông có tính hài hước, hay pha trò chêm vào. Hết chuyện về phong tục cổ truyền như hội hè đình đám ngày xuân đến chuyện luận cổ suy kim, Đông cũng như Tây. Ông thường kể về sự tích giai nhân thời Chiến Quốc bên Trung Hoa. Chẳng hạn như Võ Hậu, Triệu Cơ. Đề tài này, Toan Ánh đã biên soạn thành sách. Người Đẹp Thời Chiến Quốc là một cuốn đã sử viết theo thể văn ký sự. Một tác phẩm bất hủ song song với Tiết Tháo Một Thời.
Có nhiều giai thoại được thuật lại trong lúc trong lúc kể không thấy chép trong sách. Lý do là quá ư dung tục. Lại là dung tục một cách bất bình thường, có một không hai trên thế gian này nữa. Điển hình là trường hợp Lao Ái và Tiết Ngao Tào. Mặc dầu có sự gạn lọc, thận trọng tới độ khe khắt ấy, cuốn ký sự của Toan Ánh vẫn dồi dào sức cuốn hút. Hình dung như tấm gương phản ánh trung thực và sinh động thời đại cũ vậy.
Trong số thính giả (đều là nhân viên sở) có Triều Đẩu, nhà văn trào phúng, châm biếm số một với Trên Vỉa hè Hà Nội, Trên Vỉa hè Sài Gòn, có kiến trúc kiêm kịch sĩ Võ Đức Diên, có Phan Yến Linh, cây bút trẻ đang lên. Một hôm, Toan Ánh đang thao thao bất tuyệt thì có khách. Khách quý tạt qua thăm ông. Đó là tiểu thuyết gia Lê Văn Trương và kịch tác gia Vi Huyền Đắc. Hai văn hào tiền chiến này, đối với tôi, không phải là người xa lạ. Tác giả Cô Tư Thung, Tôi là Mẹ, Một Người Cha là bạn tri kỷ của gia phụ. Còn tác giả Ương Ương, Hoàng Mộng Điệp, Kim Tiền là chú tôi (bà thân sinh cụ Vi là em ruột của nội tổ tôi.)
Đến thăm cố nhân mà thấy Toan Ánh mải mê kể chuyện khó dứt ra được nên hai cụ cũng dự thính luôn. Cụ Lê chỉ cười tủm tỉm mà không nói gì. Còn cụ Vi thì lát lát lại bổ sung từng đoạn, từng chi tiết.
Năm 58, tôi được Sở Mật Vụ Phủ Tổng Thống tuyển dụng. Năm 61, được đặc phái qua Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc phòng (tiền thân của Cục Tâm Lý Chiến), mang cấp bậc thiếu úy, chủ biên báo Chỉ Đạo. Từ đó, không còn liên lạc với Toan Ánh nữa.
NGUYỄN TRIỆU NAM
Ghi chú của Vườn Tao Ngộ: [PBTD]
Nhà văn Toan Ánh [1915-2009] đã mất tối ngày 14 tháng 05 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào năm 2009. Ông đã viết hơn 100 tác phẩm về văn hóa VN – về phong tục tập quán của người Việt 3 miền, kể cả những sắc thái đặc biệt của các sắc tộc thiểu số như người Thượng, người Chàm. Tất cả đều là những cuốn sách biên khảo công phu và rất có giá trị.
Trước đây trong mấy năm liên tục tôi, Vũ Uyên Giang, Bùi Ngọc Tuấn đều kêu gọi khoảng 30 thân hữu ở Hoa Kỳ góp tiền trong dịp cận Tết để gởi về trợ giúp các văn nghệ sĩ cũ còn ở lại trong nước để họ có cơ hội họp mặt tất niên và nhận tiền tiêu xài, vui Xuân. Mỗi người góp tượng trưng 10 hay 20 đo la. Riêng cá nhân tôi năm nào cũng bỏ ra 2 ngàn để gởi về nhờ bạn bè lo dùm.
Dịp Tết năm 2008 cũng có cụ Toan Ánh đến dự tại quán ăn văn nghệ của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đó là dịp cuối cùng tiên sinh có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên cùng những cây bút trẻ tuổi hơn. Hai năm qua, tôi thường ở nước ngoài, hơn nữa được biết chương trình đã không thực hiện đúng theo mong muốn, đã bị lạm dụng, nên tôi đã ngưng bỏ luôn. Rồi tự mình lo việc trợ giúp những khi có cơ hội về VN.
Nhà văn Toan Ánh [1915-2009] đã mất tối ngày 14 tháng 05 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào năm 2009. Ông đã viết hơn 100 tác phẩm về văn hóa VN – về phong tục tập quán của người Việt 3 miền, kể cả những sắc thái đặc biệt của các sắc tộc thiểu số như người Thượng, người Chàm. Tất cả đều là những cuốn sách biên khảo công phu và rất có giá trị.
Trước đây trong mấy năm liên tục tôi, Vũ Uyên Giang, Bùi Ngọc Tuấn đều kêu gọi khoảng 30 thân hữu ở Hoa Kỳ góp tiền trong dịp cận Tết để gởi về trợ giúp các văn nghệ sĩ cũ còn ở lại trong nước để họ có cơ hội họp mặt tất niên và nhận tiền tiêu xài, vui Xuân. Mỗi người góp tượng trưng 10 hay 20 đo la. Riêng cá nhân tôi năm nào cũng bỏ ra 2 ngàn để gởi về nhờ bạn bè lo dùm.
Dịp Tết năm 2008 cũng có cụ Toan Ánh đến dự tại quán ăn văn nghệ của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đó là dịp cuối cùng tiên sinh có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên cùng những cây bút trẻ tuổi hơn. Hai năm qua, tôi thường ở nước ngoài, hơn nữa được biết chương trình đã không thực hiện đúng theo mong muốn, đã bị lạm dụng, nên tôi đã ngưng bỏ luôn. Rồi tự mình lo việc trợ giúp những khi có cơ hội về VN.