văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, October 20, 2011

PHAN * Dang Dở


Lão gia vớ được cuốn báo xuân của vợ, vừa đi chợ về. Lão nhào vô phòng họp một người để khỏi bị sai, “xách đồ vô nhà cho em, nhẹ tay chút được không?...” Làm như trứng gà bị xách mạnh tay thì luộc ra con vịt không bằng, có cái trứng nào không đập ra mà ăn được, trước sau cái trứng cũng vỡ ra mới ăn được chứ! - Không quang quác không phải đàn bà. - Con cá thu đẻ mỗi lần mười ngàn trứng, chẳng ai hay. Con gà đẻ mỗi cái trứng, cả làng biết! Thằng nhóc con lượm đâu ra câu ấy mà nhổ vào tai lão hôm qua, làm lão phấn chấn hơn mùa xuân về, lão cười thầm khi nghĩ đến có dịp… phải cho đàn bà biết, đừng tưởng lấy được thằng chồng thì nhà khỏi mua trâu.
Vợ chồng mấy mươi năm, xuân về tết đến, lại quê người chớ phải quê nhà. Thế mà trở bạn thành thù từ hôm tìm được tấm hình lão chụp chung với ai, nhớ chết liền! Nhưng cứ chụp mũ là bồ cũ của lão, “Ông có con với người ta không, khai thật cho tôi biết!” Lão lặng thinh thì vật vã ra mà khóc như trúng bún mắm; nhưng trả lời không thì không tin, trả lời có, thì đâu? Đường nào cũng chết! Làm sao tin nổi đàn bà, “Con nào cũng là con, giẫu tôi không đẻ, người ta đẻ thì cũng là con ông. Nước chảy xuôi ông à! Cha nào bỏ con… sao ông đành đoạn!” Rồi khóc bù lu bù loa, nhưng làm sao tin được người chỉ thấy tấm hình đời cố hỷ cố lai đã nổi máu Hoạn Thư phừng phừng như nấu bánh chưng. Xưa lão chỉ huy một đại đội tác chiến, không bằng đối phó má thằng Cu.

Rồi cũng thằng nhóc con cứu lão, nó hiểu sự tình nên giả khờ qua ải, khi vợ lão chìa ra tấm hình cho nó xem để điều tra, “Chú ưa chè chén với anh, có nghe anh nói tới người này không?” Nó ra chiều tư lự, “Hình như anh có kể về người em cô cậu, thương anh lắm, khi anh còn độc thân, đời lính gì đó...” Thế là hoá giải. Cu chim hoà hợp, sợ chẳng còn gì hoà giải cho nhau. Nhưng lão hoá thạch từ hôm mừng thượng thọ, ưa để bụng, cố chấp và ngang bướng. Lão tự tin vô những lý luận tuổi tác như thế, lão không muốn thọ nữa thì phải! “Nghĩ cho cùng, người ta sống đến sáu mươi đã xấu hổ lắm rồi, đời người nhìn lại càng xa càng thấy nhục. Bạn lão đó, bao nhiêu người chết giữa tuổi thanh niên, chết ngạo nghễ giữa trận tiền. Lão trong nhóm người đứng khóc bạn hy sinh, tới sáu mươi mới thấy lãng òm cho đám mừng mình không chết. Bây giờ sống vô gia cư vì nhà là của nhà băng, mai chết vô địa táng vì thiêu rẻ hơn chôn.” Lão gở chết xuân này hay sao mà nhiều tâm sự. Thằng nhóc con nghe mệt xỉu.

Dù sao lão đã trốn được việc xách đồ ngoài xe vô nhà. Tay cầm cuốn báo xuân mà lòng không thấy xuân, cái ức lâu ngày dâng lên tận cổ, “Đàn bà họ lạ cái mua, xách hết cái chợ bỏ lên xe cũng được. Nhưng về đến nhà mà chồng không xách vô cho thì nguyền rủa đàn ông tàn ác, vô trách nhiệm. Rồi chứng tỏ mình là người có-dư-trách-nhiệm, để minh họa cho tên già kia đúng là vô tích sự nên đi nấu cho lão ăn. Nhưng đàn bà mà, mặc trời đánh tránh bữa ăn, vì nhất vợ nhì trời nên nuốt chưa qua cổ đã oang oang… cấm ăn thứ này; không cho ăn thứ khác. Sao không lột da gà rồi hẵn luộc, hay luộc rồi thì lột trước khi chặt. Mà phải chờ khi người ta đưa miếng cổ gà lên đến miệng mới la làng như mất gà: “Bỏ đi, đừng ăn da gà. Cholesterol của ông đã đụng ceiling rồi!” Lão thơ thẩn nghĩ suy khi đi họp chỉ là cái cớ trốn việc. Chợt nhớ ra ý tưởng trước khi vào đây là đọc báo xuân.

Bây giờ thì lão đọc báo xuân Canh Dần 2010, lại còn bói xuân bằng cách mở đại trang nào thì năm nay may rủi theo trang nấy! Lão mở nhằm trang thơ, không lẽ bói quẻ đầu năm mà có chuyện quẻ không hên thì bói lại, mất linh. Lão không hảo thơ siêu tốc bây giờ, càng toát mồ hôi với bài thơ “dang dở” của nữ sĩ Thu Lưu, cũng đành hên sui theo nữ sĩ. Nhưng lão thắc mắc sao không lấy thơ hiệu là Nguyên Tạ, cho rõ ràng trăm ký. Dù gì cũng dễ hình dung hơn là “thù lù”ø, biết đâu mà lường. Lão gọi thằng nhóc con, thằng vạn sự thông giảng giải làm lão mắc ỉa bất thần, nó nói: Chuyện nàng thơ mấy cái xuân xanh đã xưa rồi Diễm, nàng thơ bây giờ tính ký tính pound… chuyện ni phải ra quán vỉa hè mới bàn được. Lão tức lắm, cái trò chửa nặn bụt đã nặn bùi, trứng mà đòi khôn hơn rận. Lão đây, sẽ dậy mày chứ đừng dậy lão. Cúp phôn. Nhưng ở nhà không được nghĩ bậy chứ đừng nói tới nói bậy. Lão tĩnh toạ trên bàn ngồi, đọc thơ, thả són… không ngờ trên đời có một tình yêu không bao giờ thay đổi - tình yêu quê hương. Người ta bỏ quê mà đi chứ quê chôn nhau cắt rốn vào lòng, quê ngả vào hồn lả ngọn thu cam… Lại một từ “thu” khó hiểu! Lão suy diễn, nữ sĩ thu cam nên đàn ông chạy hết! Chỉ còn tình bơ vơ chiều đông ủ ỉ nên sáng tác thi phẩm dang dở để khóc hận tình thù. Nghĩ rồi lại thấy không được, không được. Nghĩ đúng tim đen phụ nữ không phải đàn ông, đàn ông phải biết nghĩ theo ý nghĩ đàn bà mới văn minh. Lão cố nghĩ khác đi cho hiện đại. Có thể bài thơ nói lên: con người đa sầu đa cảm, nhưng vong ơn bội nghĩa; đất đa đoan nuôi lớn con người bội bạc nhưng không lời oán than. Tội nghiệp đất quá!

Vợ lại gọi ơi ới như kêu đò qua sông, “Anh sao rồi, sao lâu vậy? Không bao giờ chịu ăn trái cây mà…” Lão giận thì giận mà thương thì thương, giận người làm mất thơ hứng của lão. Giận rồi thương biết bao cho vừa, từ hồi em gả cho anh thì lão mới thấy lại quê hương của lão từng ngày qua mồng tơi, mướp đắng. Mấy năm mới tới xứ này, chỉ bánh mì, mì gói qua ngày. Bài thơ kể lể cơ hàn, rau cháo có nhau; oán than giàu có vong phụ tình em… lão thấm thía tình cảnh của nàng thơ trăm ký, mắt híp môi chề như tranh hoạ Bảo Huân. Tự nhiên xúc động đến mủi lòng là cảm giác xưa kia không hề có.

Bài thơ ám ảnh lão từ đó. Lão quyết định về Việt Nam thăm đất. Quyết định xong, lão tự hỏi mình là “đi” Việt Nam hay “về” Việt Nam? Ba mươi năm rồi, lão nghĩ mình là một người Mỹ chân chính. Thế thì phải nói là “đi” Việt Nam. Nhưng lão còn đọc được tiếng Việt, đi ăn nhà hàng Mỹ khi chưa có nhà hàng Việt Nam. Từ khi người Việt mở ra được tiệm phở tại thành phố nhà, lão kéo Mỹ đi ăn phở. Lão là người Việt Nam, vậy bây giờ phải nói là “về” Việt Nam mới đúng. “Đi” hay “về”, cùng giống nhau là có một điểm xuất phát; một điểm đến. Người Mỹ đi lên đến mặt trăng, rồi về lại trái đất, nhưng người Việt đi ra khỏi nước là đi luôn. Lỗi của người đi quên hết quê nhà, hay quê nhà xua đuổi người đi? Không biết trên đời có giống người nào trở về làm khách của nhà mình. Người xưa hay nói: nữ nhi ngoại tộc; dâu là con, rể là khách. Người con gái bị kể như người ngoài gia đình; nhưng sau hôn nhân, về thăm nhà, tình cảm đối với gia đình; gia đình đáp lại còn đậm đà hơn trước lúc xuất giá vu quy. Người Việt trở về sau nhiều năm xuất ngoại, tình cảm tính bằng tiền của người khách trên quê hương mình…

Lão trầm ngâm sau ba mươi năm biệt xứ, mang tâm trạng một người không có quê hương. Mỹ không phải là quê của lão, nhưng lão đã xem Mỹ là quê hương. Tới hôm đọc bài thơ, lão hỏi mình quê đâu! Nghe người ta nói “quê hương thứ hai”, lão chỉ nghĩ người ta một mẹ; tuổi thơ một lần. Làm gì có quê hương thứ hai trong một đời người. Trái đất có rộng bằng mười trái đất thì người ta cũng sinh ra một nơi nào đó thôi. Ai cũng cần có một chỗ để về bằng đôi chân, hay ít nhất cũng có một chỗ để về trong tâm tưởng. Lão không còn người thân nào bên Việt Nam; tâm đã chết từ bao giờ thế nhỉ? Không chấp nhận nơi này nhưng sống với nó riết thành quen. Nhớ nơi xa thiệt là nhớ lắm, không biết người Mỹ đi xa, họ nhớ gì? Nhà chọc trời, bar rượu có vũ nữ khoả thân, đường xa lộ chạy hoài không hết… Lão nhớ lắm nơi xa và tuổi nhỏ, nhớ tới khóc được cho sự nghèo nàn chứ cây cầu khỉ, trái bần chua có gì đáng nhớ. Cái thì trơn trợt, cái thì.. không có gì ăn, mơí bỏ vào mồm cho đỡ buồn miệng. Kính phục những người trải lòng nhung nhớ quê hương qua nhịp cầu tre, tiếng xe trâu xe bò… phải gần gũi súc vật lắm mới đồng cảm được. Lão chịu hết nổi tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ vang vọng chiều đông. Tiếng chuông có từ khi lão mua nhà gần trung tâm xì xụp cho vừa lòng nhạc mẫu ở ké còn đòi mua nhà gần chùa. Mẹ hắn mất sớm cũng là phần phước của con dâu.

Lão buồn từ hôm ấy, chiều đưa ông Táo về trời, lão ngỏ lời trên bàn cơm gia đình: “Anh định về Việt Nam một chuyến, em có muốn đi với anh không? Ba định về Việt Nam một chuyến, con muốn đi với ba má không?” Không ngờ bữa cơm mất vui như mọi ngày, hai người phụ nữ trong nhà, một mẹ một con bỏ đũa sớm trong âu lo ra mặt. Lão ngồi lại một mình với cái bàn ăn ê hề thực phẩm thơm ngon mà lòng buồn vô lượng.
Đêm về trên hai cánh tay đan đã mấy hôm, mắt tho ló nhìn trần nhà vô vọng. Trời ngày càng lạnh, gió bên ngoài u hoài một nỗi nhớ xa xôi… vợ lão thấy chồng trằn trọc đã mấy hôm, nàng xót xa! “Anh đừng trách con gái, nó sợ Việt Nam lắm! Lại thương ba, nên…”
“Vậy còn em?”
“Em. Em không về đâu! Mình có còn ai thân thích bên ấy mà về…”

Hết chuyện. Lão lo nhà cửa như mọi năm tết đến. Chỉ cần tươm tất, sạch sẽ… như dọn dẹp nhà cửa mỗi năm một lần. Thật ra vợ con đã làm từ hôm lễ Tạ ơn, đến Giáng sinh, rồi Năm mới tây lịch lại dọn dẹp. Tết Việt Nam cũng chẳng còn gì để làm, ngoài bổn cũ soạn lại. Đưa cây mai giả trên trần nhà xuống, quét bụi qua loa, gắn lại bông rụng… dựng đứng ở góc phòng khách cho con gái nói cười luyên thuyên, tay gắn những bao lì xì màu đỏ lên cây trong niềm thích thú của tuổi thơ. Bây giờ nó chỉ thích đủ tiền để trả bill hơn tết! Tết ở đây đâu có gì vất vả như Việt Nam. Lão nhớ mẹ, tết đến chưa lo tết cho gia đình đã lo chạy tiền trả nợ. Người cho khất nợ đến sang năm là phải lo quà cáp biếu xén cho phải lẽ. Mẹ lão chưa ăn tết bao giờ, cho đến con cái lớn khôn thì người đi sớm, không cho con cái cơ hội đền ơn đáp nghĩa. Lão ra được nước ngoài thì cũng tết nhất gì đâu, thời độc thân bôn ba, đi học đi làm đến khi có gia đình thì thương con kính vợ… nhìn lại mình đã mất quê hương. Lão thiết tha về lại một lần để dõng dạc nói câu từ giã, chứ ngày xưa đi lén lút, đêm hôm, có từ giã chi đâu…

Thế là lão khăn gói ra phi trường, chưa bao giờ đi máy bay lâu đến phát ớn. Tiếng cô tiếp viên hàng không, nói giọng Hà nội nghe hay hay, “Máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân sơn nhất…” Lão tính ứa nước mắt, bước xuống thang máy bay là cúi hôn đất mẹ như đứa con lưu lạc đã về nhà. Nhưng sợ hành khách chung chuyến bay, nhỡ ai biết lão thì qua Mỹ, nó thổi phồng hơn bắp rang. Gặp thằng thiếu tử tế, nó cho mớ nónđộicảnămkhônghết.
- [.......................................... ].
Lão theo đoàn người hớn hở trở về, quang cảnh rộng, nhiều người dồn dần vô ngõ hẹp để kiểm tra như vịt về chuồng, loài bầy đàn di chuyển theo quán tính bầy đàn. Không ai biết lão hối hận đã về đây mà chia sẻ một câu an ủi. [.....................................................] Lão nghe rõ giọng đối phương, “Ông anh về lần đầu à? Mang nhiều rượu thế này thì chết thuế. Ông anh thông cảm cho chúng em vài chai ăn tết…” [....] .[....] Tiếng vợ lão đánh thức, “Anh. Qúy tử của anh gọi về mừng tết bố mẹ đây. Nói với con vài câu, đừng mắng thằng bé đầu năm đầu tháng anh nhé!” Lão tỉnh cơn mơ giữa ban ngày. Trên ban thờ nghi ngút hương thơm, chờ lão thắp nhang mời tiên tổ. Tiếng con trai lão nơi xa gọi về mừng tuổi cha mẹ. Lão ờ ờ cảm ơn, nhớ mẹ lão cũng ờ ờ những năm còn sống, lão gọi về mừng tuổi mẹ đấu năm, mẹ cũng ờ ờ… “Con ráng lo cho tụi nhỏ ăn học. Mẹ chả cần gì.”


Phan