văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, October 10, 2011

Phan Xuân Sinh * Đụng Vào Cõi Thơ

Lời Tác Giả: bài “Đây là một bài Phiếm tác giả tưởng tượng ra mọi tình huống, mọi dữ kiện để người đọc mua vui trong chốc lát. Không hề có chủ ý châm chích ai. Nếu các hư cấu nầy có trùng hợp với vài trường hợp cá nhân thì đó là  ngoài ý muốn của tác giả. Kính xin quý vị lượng tình tha thứ.”  PXS.


Thơ, một cõi đứng riêng biệt cho những người múa may chữ nghĩa trên văn đàn. Nhà thơ chính hiệu và nhà thơ không chính hiệu đều tiến bước song song không bị một lực cản nào cả. Cái đích mọi người phải đạt tới là sự nổi tiếng. Phương tiện truyền tải là báo chí, mà báo chí hải ngoại  thì thật dễ dãi với những người làm công tác trí tuệ, nghĩa là báo chí sẵn sàng dành đất cho họ cắm dùi. Không đăng trên những tờ báo nổi tiếng thì đăng trên báo chợ, báo địa phương nầy không đăng thì địa phương khác đăng. Miễn sao họ có nặn ra chữ nghĩa thơ phú thì họ có ngay đất dụng võ. Có một điều lạ là những nhà thơ nổi tiếng thì họ rất khiêm cung, nhún nhường. Bước đi của họ thong thả mực thước, không gây ồn ào. Họ thận trọng từng lời từng chữ trong thơ cũng như trong giao tiếp, được văn giới nể nang và kính trọng. Còn một số ít, cũng may là số nầy không nhiều, họ xô đẩy chen lấn, cố ngoi lên bằng con đường tắt không phải bằng tài năng mà bằng thủ đoạn. Một nhà thơ nào đó thấy được cảnh dầu sôi lửa bỏng nầy, than rằng: “bây giờ người làm thơ nhiều quá, mà tìm đỏ mắt không thấy được một thi sĩ”.

Tôi cũng chập chững làm thơ, nhưng tôi thấy làm thơ quá khó, ngồi cả buổi chẳng rặn ra được chữ nào, có khi làm được năm bảy câu ngày mai xem lại thấy chẳng giống ai, chẳng ra cái gì nên đành phải xé bỏ. Có người nói với tôi rằng một ngày họ có thể làm được vài bài thơ như chơi, họ đúng là thiên tài. Có người đến Mỹ mới có 5 năm họ làm được 5 ngàn bài thơ. Họ thuộc vào loại Thánh thơ.
Tôi không đề cập tới vấn đề thơ hay hoặc thơ dở. Thơ thì không thể  xét đoán một cách hồ đồ được, nhất là cái nhìn của tôi lại thiển cận. Khen người nầy chê người khác là điều cấm kỵ đối với tôi. Ai làm thơ được đều hay cả, chứ không thể nào dở được. Đó là tâm huyết của họ gởi gấm trong đó. Mình không thích cũng không nên nói lên sự thật phũ phàng nầy, phải khen cho được lòng. Chính vì điểm đó, các nhà thơ dù hay, dù dở cũng được tâng bốc lên tận mây xanh. Họ cảm thấy rằng trong thiên hạ không có ai qua mặt được mình, thơ của mình đã đạt tới đỉnh cao của nền văn học. Đọc thơ mà không khen sẽ bị tác giả phản ứng ngay lập tức: “Ồ, thằng đó mà biết gì thơ phú, chỉ rúc vào xó bếp hầu cơm cho vợ là được việc.” Cho nên, đừng bao giờ dại dột chạm đến điều húy kỵ nầy. Tôi chỉ biết mỗi một điều là đọc thơ ai tôi đều khen tới tấp, khen không ngớt hơi. Tôi không thực lòng, nhận xét ba phải? Thà chịu tiếng như vậy, chứ láng cháng bày đặt chê bai thì sẽ lãnh đủ mọi búa rìu.

Có một anh bạn kể cho tôi nghe một chuyện thật thâm thúy. Có một nhà thơ nữ  gửi đến biếu cho nhà phê bình nọ một tập thơ còn nóng hổi mới ra lò. Bà chờ đợi mãi tuần nầy qua tuần khác vẫn không thấy ông nói gì về tập thơ của mình gởi tặng. Bà nhờ một người nguyên là bạn thân của nhà phê bình nọ đến dọ hỏi xem ý kiến của ông ấy nghĩ thế nào về tập thơ của mình. Sau một màn chuyện vãng loanh quanh, ông kia hỏi nhà phê bình đã xem tập thơ chưa? Nhà phê bình vừa vuôùt râu hể hả trả lời: “Sau khi xem tập thơ đó, tôi mới khám phá ra được một điều là tôi cũng có khả năng làm thơ được”.  Nhà phê bình đòi nhảy qua lãnh vực thơ? Thật là điều tréo cẳng ngỗng. Oâng muốn nói, nếu làm thơ mà dễ như vậy thì ông đã làm thơ từ khuya rồi. Nhà phê bình mà không dám đụng vào cõi nầy, thì cái thứ tép riu như tụi tôi thì làm sao sớ rớ tới.
Cõi thơ cũng thật lắm chuyện, nhà thơ lớn, nhà thơ nhỏ, chiếu trên, chiếu dưới, người viết trước, người viết sau, kẻ thành danh, kẻ chập chững v.v… nghĩa là lắm thứ, lắm chuyện, nó giống như mâm cỗ ở đình làng phải ngồi theo tiên chỉ, lão làng, thứ dân, cùng đinh… Cho đến bây giờ tôi cũng không biết thước nào đo để tiện sắp theo thứ bậc. Thường các thứ bậc nầy đều do chính tác giả vỗ ngực tự nhận, họ tự đánh giá và tự phong cho họ ngang hàng với ai. Còn người đọc thì chưa có ai đứng ra làm một thống kê sắp xếp. Tham gia giữa đám văn nghệ ở một vùng nào đó, dù chúng ta giữ thái độ bình tĩnh chúng ta vẫn cảm thấy nóng mặt trông thấy những khuôn mặt hiu hiu tự đắc, hợm hĩnh, coi trời bằng vung. Họ cho họ thuộc hàng “minh chủ” của vùng nầy, họ phán thế nầy, đòi hỏi thế kia, có ai nổi một chút là họ xâm xỉa, đè bẹp, ganh ghét. Không thấy Thái Sơn ở đây sao mà còn láng cháng. Kiểm lại văn nghiệp của họ thì chẳng có chi gọi là ghê gớm, đọc thơ của họ thấy thấp thoáng kiểu thơ thời xa xưa, từ ý cho đến thể thơ cũ mềm, không mang hơi hám nào mới lạ. Thế mà có khi họ đòi phải ngang hàng với các tiền bối thi ca thì mới xứng danh văn nghiệp của họ.

Đọc một tờ báo nọ, thấy vị nữ giáo sư Việt văn phê bình một nhà thơ với lời lẽ quá nặng. Bà bảo rằng Nhà Thơ nọ không biết niêm luật của một bài thơ Đường, vì ông ta gieo vần lộn xộn, nên bà phán rằng dù dễ tính vẫn không thể bảo ông là một nhà thơ được. Vài ngày sau có một văn nhân khác bênh vực cho nhà thơ kia, với một lý luận hết sức… hàm hồ. Ông cho vị nữ giáo sư Việt văn kia chê vì tỵ hiềm, vì  ân oán cá nhân chứ rõ ràng vị thi sĩ nhà ta đúng là bậc “Thánh thơ” mà bà ta lại không biết nên quá khắc khe.  Bài thơ Đường kia đúng là thơ Cổ Phong chứ không phải thơ Đường Luật. Nghĩa là theo ý ông ta cứ làm thơ Đường, nếu ta trật luật thì chẳng sao cả nó sẽ thành thơ Cổ Phong. Lời qua tiếng lại bao nhiêu danh từ nặng ký mang chất thơ đều tuôn ra như nhả ngọc phun châu, mạt sát nhau thậm tệ.  Nói cho cùng người bênh vực cũng chẳng biết loại thơ cổ phong là loại thơ gì , cốt ý là choảng lại người kia cho hả tự ái của bạn mình. Đã bảo rồi đọc thơ là phải khen. Vị nữ giáo chức nọ bao năm gõ đầu học trò, tưởng rằng đầu của Nhà thơ “bậc thánh” nầy cũng giống như học trò của mình nên gõ đại, đâu ngờ bị phản ứng mạnh mẽ. Tôi đưa ra chuyện nầy để quí vị biết là khi đã là một “Nhà Thơ” thì  không thể “sai”, và nếu mà họ lỡ sai thì mọi người cắn răng chịu đựng, chứ không ai được quyền phê phán chê bai.

Tôi có một người bạn, xin tôi địa chỉ của một nhà thơ đã lừng danh qua nhiều thập niên, tôi nghĩ anh bạn tôi muốn gởi biếu  ông thi sĩ nọ cái gì đó. Vài ngày sau anh cho tôi biết anh muốn gởi bản thảo của một tập thơ sắp sửa in, nhờ ông ta viết lời giới thiệu. Tôi hỏi anh bạn chuyện nầy thật cần thiết như vậy sao? Anh trả lời với tôi là được một nhà thơ lớn viết giới thiệu cho tập thơ thì không có gì vinh dự bằng. Nghĩa là theo ý anh, độc giả cần đọc lời giới thiệu hơn là đọc nội dung của tập thơ. Hoặc là được nhà thơ lớn giới thiệu sẽ tăng cái hay của thơ anh lên, nếu không có cái nầy thì sẽ bị chìm nghĩm. Hoặc là anh đương nhiên ngang hàng với những người thành danh, vì thơ anh hay thì nhà thơ lớn kia mới giới thiệu chứ v.v…nghĩa là thơ hay hoặc thơ dở không cần chính tài năng của mình, mà chỉ dựa vào lời người giới thiệu, nhất là người đó là  một nhân vật nổi tiếng. Quan niệm đơn giản như vậy nên làng thơ bây giờ  tác phẩm nhiều hơn sung rụïng. Nhà sách không nhận bán giùm thơ, vì nếu nhận thì không đủ kệ để sắp thơ lên bày bán.

Một người bạn khuyên tôi không nên viết lời giới thiệu hay lời bạt cho bất cứ tập thơ nào, dù người đó có thân thiết cách mấy cũng đừng dại dột làm điều nầy. Anh cho tôi biết trường hợp của anh như sau. Một người bạn mang tới một tập bản thảo của tập thơ sắp in, nhờ anh viết lời giới thiệu. Anh sốt sắng nhận lời. Anh đem tất cả tâm huyết ra viết, không ngớt lời khen tặng, thổi phồng con kiến thành con voi. Viết xong anh đọc đi đọc lại rất hả dạ. Qua nhiều đêm suy nghĩ anh lý luận rằng tập thơ nào cũng không tránh khỏi vài khuyết điểm nho nhỏ. Độc giả  tinh ý họ sẽ biết, chê mình ba xạo, viết lếu láo. Khen quá đọc thấy cũng ngượng hay mình lấy rút ra vài điểm lấy lệ để độc giả khỏi phiền lòng. Thế là giông bão nỗi lên, ông bạn của tôi và nhà thơ đó xem như đoạn tuyệt. Có nhiều trường hợp tác giả tự viết lời giới thiệu, tự khen mình rồi để tên bạn của mình. Đặt cái cày trước con trâu, người bạn không phản ứng được vì mọi chuyện đã rồi, gạo đã thành cơm. Người bạn ngậm bồ hòn làm ngọt. Làm gì có cái chuyện liêm sĩ khi mà người ta dùng thủ đoạn để được nổi tiếng.
Vài năm gần đây, tại hải ngoại có một phong trào rất “dễ thương”: Thơ phổ nhạc. Nhiều nhà thơ tìm tới những nhạc sĩ danh tiếng lẫy lừng, để nhờ phổ nhạc bài thơ của mình. Thường thì  người nhạc sĩ trước đây đọc được bài thơ mà họ cảm thấy hay, họ có cảm hứng và phổ bài thơ đó. Còn bây giờ nhà thơ mang thơ của mình tới, nài nĩ, quỳ lụy, trả thù lao cho người nhạc sĩ để họ phổ thơ của mình thành nhạc. Trong tập thơ có nhạc phổ thơ của các nhạc sĩ nổi tiếng thì danh tiếng của mình càng thêm vang lừng, độc giả lé mắt, các người làm thơ khác phải cúi đầu kính phục. Có người mang mấy bản nhạc phổ thơ của mình về Việt Nam, thuê các ca sĩ chuyên nghiệp đang ăn khách hát để thâu vào CD, qua đây gửi bày bán ở các nhà sách lớn. Có một nữ sĩ phải dùng thẻ tín dụng để trang trõải cho các chi phí thâu CD tại Việt Nam. Qua Mỹ nợ đòi hàng tháng cấp bách, nên nơi nào có đám đông người Việt, bà xè mấy cuốn CD nài nỉ người mua giống như một người đi xin, bất kể sĩ diện. Bà nghe nơi nào có cuộc họp mặt là bà nhào tới, không cần biết được mời hay không, bà khệ nệ cái khay CD đến từng người mua giùm. Muốn nổi tiếng cũng thật vất vả và cũng lắm công phu.

Có những tập thơ mà khi mở ra ta mới hay đây là một cuốn album của nhà thơ đó, đủ loại hình ảnh từ vợ con, người yêu, bạn bè v.v…đều có mặt. Có người muốn giới thiệu sự nghiệp trước đây của mình sau một trang thơ là vài ba trang hình ảnh một thời sung túc của mình, quan quyền, vợ đẹp con ngoan. Thật vui mắt. Không cần thơ, chỉ cần hình ảnh vàng son cho mọi người thấy cả cuộc đời “lên voi” của mình. Ai dám chê thơ của mình là ngô nghê, nhìn hình ảnh oai hùng như thế mà thơ ngô nghê sao được. Có một nhà thơ viết tiểu sử vài ba chục trang giấy, những bằng cấp học vị của ông trải qua các trường học từ Việt Nam tới Mỹ, chiếm hầu hết các trang giấy. Độc giả không cần phải đọc thơ chỉ thấy bằng cấp là đủ choáng ngợp. Người bạn của tôi cầm tập thơ của ông lên, thử làm một con tính số năm của ông ngồi mài kinh sử ở các trường Đại Học mất chừng 100 năm, mới lãnh đủ các bằng cấp như vậy. Người thông thái như ông thì khỏi phải đọc thơ cũng đủ biết thơ ông ở vào cõi vô minh, chứ người trần tục không thể hiểu những dòng thơ bác học như vậy.

Thường thì những nhà thơ nữ thuận lợi hơn những nhà thơ thuộc đấng mày râu. Ở đây chúng ta không nói đến tài năng, có lẽ thơ bây giờ không cần ở tài năng mà chỉ cần ở ngoại hình chăng? Hèn gì mà ta thấy các nhà thơ nữ chiếm ưu thế quá chừng, họ hùng hổ nhập cuộc một cách hăng hái và số lượng nữ giới tham gia vào làng văn nghệ đông đảo chưa từng thấy. Nơi nào mà có bóng dáng đàn bà là tự nhiên vui nhộn hẳn lên, tự nhiên tươi mát  và cũng lắm điều phiền toái. Nói thế chắc quý bà không bằng lòng, nhưng thực tế là vậy. Có quý bà là anh em chúng tôi hay sinh sự với nhau nhiều hơn và mức độ gây sự cũng trầm trọng hơn. Còn quý bà gặp quý bà  thì cũng ngọt ngào như đường và đôi lúc cũng chanh chua như dấm. Nhưng thôi chuyện nầy không nên đào sâu, tôi đang nói về các nhà thơ nữ mà bỗng dưng nhảy qua lãnh vực khác ngon ơ như vậy, thôi cho tôi xin trở về lại với đề tài . Các bà cứ làm thơ, cứ in thơ bảo đảm không thể nào lỗ lã được. Các bà đi đâu cũng được đón tiếp một cách nồng hậu. Bằng chứng là có một nhà thơ nữ nổi tiếng trước hết không phải là thơ mà là sắc đẹp, người ta biết sắc đẹp của bà trước khi người ta biết đến cõi thơ của bà.  Có lẽ thơ của bà không bắt kịp được sắc diện của bà nên cho đến bây giờ thơ của bà ít ai nhắc đến. Bà từ một lục địa xa xôi, thế nhưng lại bay đến Mỹ và Canada ra mắt thi phẩm của mình. Những nhà thơ có máu mặt dành nhau đứng ra tổ chức cho bà, bà đến tiểu bang nào cũng được đón tiếp  một cách chu đáo, và thơ của bà bán ra như tôm tươi. Cỡ như Tô Thùy Yên , Du Tử Lê, vẫn còn vất vả trong vấn đề ra mắt thơ và bán thi phẩm không phải là chuyện dễ. Thế nhưng bà tái bản thơ bao nhiêu lần vẫn không kịp bán, nhiều nơi đặt cọc mời bà đến viếng, trước là diện kiến dung nhan, sau là diện kiến cõi thơ của bà. Chưa có môt nhà thơ lớn nào dám xuyên lục địa chỉ ra mắt mỗi một tập thơ mà thành công như bà. Đây cũng là một hiện tượng nổi bật nhất trong làng thơ Việt Nam hải ngoại. Như vậy ta nên đặt lại vấn đề, giới thưởng ngoạn thơ bây giờ  tại hải ngoại có cách nhận xét khác lạ hơn trước đây vài thập niên. Các nhà thơ phải có vóc dáng ăn khách trước khi làm thơ. Nghĩa là diện mạo sẽ định đoạt sự nghiệp thi ca của họ. Thơ không được hay lắm nhưng  thuộc phái nữ mà lại đẹp thì chắc chắn phải hốt bạc.

Một anh bạn nhà văn kể cho tôi nghe một trường hợp thật tức cười về người bạn của anh. Hồi trước năm 75 anh gởi thơ đến Nguyệt san Văn ( không biết lúc ấy ai điều khiển tờ báo), anh gởi mãi mà Văn chẳng chịu đăng. Bực mình anh lấy một trong các bài mà báo Văn loại ra ngoài, anh ký lại tên khác thuộc phái nữ và lại gởi đến Văn.  Vài tháng sau anh thấy bài đó đăng rất nghiêm chỉnh trên Văn. Từ đó về sau anh buộc lòng phải lấy tên ấý dù anh không bao giờ muốn vậy. Trong mọi sinh hoạt đường đường là một đấng nam nhi, nhưng đến khi làm thơ thì phải đội lốt nữ giới kể ra cũng thiệt thân, nhưng biết làm sao? Như thế mới hay người nữ ở đâu cũng được trọng dụng, ưu đãi. Cho nên trước đây ta không lạ gì với những cái tên như Trần Như Liên Phượng và một vài tên nữ khác mà quả thật họ là đàn ông chính hiệu, chứ không ái nam ái nữ  gì ráo.

Ở hải ngoại báo chí nhiều quá, tiểu bang nào có người Việt sinh sống là nơi đó báo chí tràn lan, giành giựt quảng cáo, sẵn tờ báo trong tay, ghét ai là chửi xiên chửi xỏ,  nên sinh ra cảnh đánh đấm túi bụi. Quả thật đây cũng là hiện tượng xô bồ và loạn xạ, gây cho ngành báo chí truyền thông một sự tổn thương không ít. Chính vì báo nhiều mà người viết lại ít, nên bài vở gởi tới là đăng ngay không cần kiểm soát, mà đôi lúc người chủ trương tờ báo lại không có khả năng nhận định, họ chỉ biết có bài trám vô chỗ trống là may lắm rồi.  Đọc những tờ báo tại địa phương họa hoằn lắm chúng ta mới bắt gặp được một bài thơ tàm tạm. Hiện tượng nầy tạo nên những nhà thơ không cần qua sự gạn lọc nào cả, không cần độc giả chấp nhận hay không, ông chủ báo nhiều lúc thấy thơ chẳng ra gì nhưng vì ơn nghĩa nên cho đăng kẻo sợ mích lòng.  Miễn có thơ đăng báo là họ hiển nhiên trở thành một nhà thơ, chuyện như vậy cũng chẳng có chi đáng nói, nhưng đằng nầy lại xẩy ra lắm chuyện lắm lời. Có một số ít họ tự thấy như vậy tức là mình đã thành công, tất cả người lớn kẻ nhỏ khi đã là nhà thơ thì  đều la øcá mè một lứa với mình, chẳng coi ai ra gì và có đôi lúc khiếm nhã với các bậc trưởng thượng. Họ không chịu đọc thơ của ai khác, không thấy cái hay của người khác, không biết cái mới lạ của thi ca. Thơ của họ là vô địch thiên hạ, họ chỉ thấy lời khen tặng xã giao tưởng là chân thật. Họ là người làm thơ mà họ lại quên một điều thật hệ trọng. Không ai dám mở miệng chê bai thơ của người khác, nếu có tình trạng nầy tức là người phê bình và tác giả bài thơ sẽ là hai kẻ tử thù.  Ở đời ai dại gì gây thù gây oán với nhau và các nhà thơ của ta chỉ nghe toàn là lời khen. Lời khen đó làm họ tự đắc,  họ tự sánh mình ngang hàng với những nhà thơ lớn. Tập thơ của mình cũng được xếp trang trọng trong các kệ sách ngoài tiệm  giống như những tác phẩm lớn. Tình trạng lạm phát thơ kiểu nầy ở hải ngoại thật vô số, không sao liệt kê hết. Mỗi lần địa phương có tổ chức sinh hoạt gì,  người xướng ngôn giới thiệu về sự có mặt tham dự của các nhà thơ, nhà văn thôi cũng đủ thấy mất thì giờ. Như vậy chúng ta đủ biết  nhà văn, nhà thơ “local” nhiều quá chừng. Nhà thơ trung ương với nhà thơ địa phương có cái gì để phân biệt? Điều nầy thật khó khăn, và cũng chẳng có ai dám làm một cuộc thống kê. Chỉ còn biết nhờ vào sự thẩm định của người đọc.

Một anh bạn làm thơ nói với tôi tại sao anh trở thành nhà thơ vĩ đại (cũng là chuyện tự phong). Mỗi tuần anh gom lại một số báo địa phương, lật trang thơ ra đọc tên tác giả. Nếu tác giả là một nữ thi sĩ, thì lập tức anh họa ngay lại bài thơ của người đẹp, lời lẽ trong thơ của anh tâng bốc người đẹp lên tận mây xanh, thế nào người đẹp cũng rủ lòng. Tiếng thơ của anh réo rắc thật ảo nảo đọc lên trong đêm khuya nghe lạnh người. Từ đó anh thành một nhà thơ mà theo lời anh là có tầm cỡ ở  đây. Một nhà thơ khác lại có cách nổi tiếng mà theo lời lẽ anh lý luận với tôi là làm thơ lục bát không cần phải gieo vận, miễn sao chữ cuối câu sáu vần bằng, thì chữ thứ sáu của câu tám cũng vần bằng là chỉnh rồi. Thời buổi tân tiến thơ phải thoải mái cần chi phải đúng vần đúng vận cho mệt. Anh cũng là một nhà thơ thuộc loại nổi tiếng ở đây. Người thứ ba mà tôi gặp, anh nầy thì cung cách làm thơ nặng phần thi sĩ hơn. Khi làm thơ anh phải pha một bình trà nóng, hút thuốc mơ màng, vặn nhạc nho nhỏ. Có các thứ đó thì anh làm thơ mới được, vần điệu và suối thơ mới chảy ra ào ào. Lúc nào bí anh bợ nguyên một câu nhạc để vào trong thơ mình, chẳng hạn như ” mai ta chết dưới cội đào” thì cũng chẳng sao. Trong thơ anh thỉnh thoảng bắt gặp một số câu nhạc thì cũng đừng lấy làm lạ. Ai mà không chấp nhận, phát hiện điều nầy mà nói ra thì thế nào cũng bị chửi mắng  thậm tệ.

Một lần ngồi nhậu với vài anh em, thì có một nhà thơ bước vào. Oâng cũng lớn tuổi thuộc hàng trưởng thượng. Tất cả anh em trong tiệc rượu rất nể nang ông vì tuổi tác,  qua vài tuần rượu ông mới bắt đầu khai mùi thơ của ông. Oâng rút trong túi áo ra một xấp thơ và chia cho mỗi người một bài, rồi từng người một lên đọc thơ của ông. Thơ của ông giống như những câu khẩu hiệu, thế nhưng không ai được cười nhé, phải gật gù khen hay. Ai gật gù nhiều thì ông cho người đó đúng là bậc thức giả, hiểu tường tận từng chữ trong thơ ông, hiểu được ý ông. Còn ai yên lặng không nói gì thì ông chê là thứ dân kém hiểu biết. Oâng thuộc loại ăn nói hàm hồ và lỗ mãng nên mọi người không muốn dây dưa đến sự rắc rối vào thân, người nọ truyền người kia nên khi ngồi nhậu, đến cái mục đọc thơ là tất cả đều gật gù như gà mắc đẻ. Oâng hiu hiu tự đắc, ngồi rung đùi mãn nguyện. Oâng chắc ăn thơ của mình đã đi vào lòng dân chúng, cần thiết cho mọi người, nên ông cho in ngay tập thơ. Ở hải ngoại nầy có một tập tục rất dễ thương, là khi in thơ phải tổ chức ra mắt cho bàng quan thiên hạ biết sự xuất hiện tác phẩm của mình. Oâng cũng không thể tránh khỏi tập tục nầy, và có lẽ ông mong muốn có ngày ra mắt để ông được chễm chệ lên diễn đàn, nói về con người ngoài võ biền còn là con người văn nghệ của ông. Thơ của ông bán chẳng được bao nhiêu, và mọi người không chú ý tới thơ nhưng lại chú ý tới ngày  giờ của ông làm bài thơ đó ghi cuối bài thơ. Sỡ dĩ có chuyện nầy bởi vì tất cả những bài thơ ông làm đều ở trong các trại cải tạo, ra ngoài nhớ  để viết lại đã là điều khó khăn, đằng nầy ông ghi cả ngày tháng làm bài thơ đó ở trại cải tạo nào thì thật trí óc vô cùng vĩ  đại,(mà quả thật chẳng cần thiết như vậy). Ông nhờ  nhiều người diễn ngâm những bài thơ của ông trong dịp ra mắt, thế nhưng chẳng có ai chịu ngâm giùm cho ông. Có lẽ thơ của ông chỉ đứng ra hét chứ không cách nào ngâm được.

Khi còn phụ trách một tờ báo, một người quen biết của tôi mang đến cho tôi một bài thơ và bảo tôi đăng giùm. Sau khi đọc bài thơ tôi thấy có một vài lầm lỗi quan trọng, nếu đăng thì thật tội nghiệp, người ta sẽ đánh giá trình độ không tốt về cách làm thơ của anh. Vì vậy tôi cân nhắc giữa cái lợi và cái hại, giữa sự mích lòng và sự chê bai. Tôi chọn cái lợi và sự mích lòng, tránh đi cái hại và sự chê bai. Tôi không đăng mặc dù tôi đã layout xong. Sau khi tôi không còn cộng tác với tờ báo đó, thì người phụ trách sau nầy lấy bài thơ đó đăng lên. Bây giờ người đó xem tôi như một thứ  thiếu văn hóa, không biết đánh giá tài năng. Trước đây chúng tôi rất thân thiện nhưng vì chuyện thơ phú mà chúng tôi có vẻ lạnh nhạt với nhau. Mới hay tôi đã thiếu tế nhị, thiếu suy xét nên gây ra cảnh bất đồng, đụng vào tự ái của người khác. Đây là một bài học mà tôi cần phải sửa đổi nếu sau nầy gặp trường hợp tương tự.

Một lần khác tôi được may mắn dự một bữa tiệc rượu gồm chừng năm bảy nhà thơ. Tôi không biết ai đưa ra sáng kiến là mỗi người đọc một bài thơ đắc ý nhất của mình. Thế là tôi có dịp nghe các ông đọc thơ của mình và nói về thơ mình. Có ông thì sợ người khác không hiểu thơ của mình nên đọc câu nào là giải nghĩa từng chữ, như ngày xưa học Hán Tự vậy. Có ông thì trình bày trường hợp nào mà ông đã xuất thần làm nên bài thơ vô-tiền-khoáng-hậu nầy. Có ông thì nhắm mắt lim rim đọc một bài thơ thiền, thơ thiền thì phải đọc một cách thanh thoát, êm ái, nhẹ nhàng thì mới đúng là thiền chứ  không thì hỏng mất đi khí tiết của một bài thơ. Sau khi tham dự đêm thơ nầy, tôi mới nhìn lại cái cao ngạo của Cao Bá Quát còn thua xa các bậc hậu sinh thời nay. Cao bá Quát chỉ nhận có hai bồ, chia cho bạn mình một bồ, còn một bồ cho thiên hạ. Còn các nhà thơ bây giờ thì ôm trọn hết không chia cho ai cả, mỗi người là một ông trời.

Một hôm tới Santa Ana, ngồi nói chuyện với một anh bạn trong quán cà phê thì gặp một nhà thơ trẻ. Anh bạn tôi hỏi cho qua chuyện: “Thế nào, lúc nầy thơ phú ra sao rồi?”. Thế là trúng được mạch chảy mà lâu ngay đã ứ đọng. Người bạn trẻ kéo ghế ngồi với chúng tôi, nói thao thao bất tuyệt về thơ, giảng cho chúng tôi nghe về thơ hiện đại, chê bai tất cả nhà thơ nổi tiếng trước đây. Tôi sững sốt không ngờ người bạn trẻ  hùng hổ một cách thái quá như vậy. Thơ cũ, thơ mới, thơ tự do, thơ tân hình thức v.v…mỗi thời có một chỗ đứng của nó, tất cả trước sau đều góp công làm giàu nền thi ca của dân tộc. Làm thế nào cho thơ hay mới khó, Còn chuyện thơ mới, thơ cũ chúng ta không nên đố kỵ quá như vậy. Đừng sợ người đọc không hiểu thơ của mình mà hãy thả ra, nếu thiên hạ chấp nhận thì còn tồn đọng, còn thiên hạ quên đi thì xem như chúng bị chết non.

Có một nhà thơ kể cho tôi nghe về việc gây chú ý một cách ngoạn mục. Lấy một bài thơ của ai đó ra bình phẩm, diễu cợt. Phải lấy những lỗi lầm mắc phải của bài thơ mà người khác khó thấy được rồi chê, sài xể với một giọng văn đểu cáng, trịch thượng, kẻ cả. Tác giả của bài thơ là người đã nổi tiếng càng tốt, vì như vậy độc giả mới thấy kẻ phê bình trên cơ tác giả bài thơ đó nhiều. Rồi kề trang báo đó đăng bài thơ của nhà phê bình. Như vậy trong ấn tượng của người đọc bao giờ cũng nể nang kiến thức sâu rộng của người phê bình, nên khi đọc bài thơ của người đó lập tức thấy hay ngay (?). Không biết điều nầy có đúng không, nhưng tôi thấy thỉnh thoảng ông ta chạm đến những nhà thơ thật nổi tiếng. Họ càng nổi tiếng thì ông càng mạt sát, sài xể thậm tệ.  Chủ ý của ông cho người đọc biết  nổi tiếng cỡ thi sĩ kia mà ông coi chẳng ra chi, thì các cây viết khác phải coi chừng, đừng có léng phéng. Đây cũng là một hình thức nổi tiếng đốt giai đoạn, không cần qua sự thẩm định của độc giả, và cũng không cần sự gạn lọc của thời gian. Một quan niệm thật mới mẽ và cũng thật liều lĩnh. Thế nhưng hỏi ra thì mới hay tiếng tăm của ông chẳng bay xa, chẳng có ai biết tới. Họa hoằn lắm mới có người biết ông, nhưng không phải nức tiếng về văn chương, mà nức tiếng về chửi bới thô tục.

Ngày xưa, các văn nhân thi sĩ họ tương kính nhau, thuần phục nhau. Cung cách xử thế của họ thật mã thượng. Bây giờ  thật hiếm thấy. Chơi với nhau theo phe nhóm, hắc bạch rõ ràng. Kèn cựa nhau từng li từng tí, chờ kẻ khác sơ hở là phang ngay, không kể chi đến tình thâm nghĩa nặng. Cõi thơ bây giờ không còn là hoa bướm mộng mị, không còn thanh thoát lãng mạn. Cõi thơ bây giờ chúng ta thấy thấp thoáng gươm đao, đè nhau cứa cổ. Hạ nhục nhau, mạ lỵ nhau. Các nhà thơ phải mặc áo giáp, sẵn sàng trong vị trí chiến đấu, gươm luôn luôn rút ra khỏi vỏ thọc ngay vào tử huyệt của đối phương nếu cần.  Người làm thơ không cần phải đọc thơ của ai cả, chỉ biết đọc thơ của mình. Không có thơ của ai hay bằng thơ của mình. Quan niệm về thi ca mỗi thế hệ mỗi khác, mỗi thời mỗi thay đổi. Trong thời buổi tân tiến như hiện nay làm thơ cũng nhanh như chớp, người đọc chấp nhận hay không cũng chẳng cần, miễn sao có tác phẩm trình làng. Người thưởng ngoạn thơ bây giờ cũng dễ dãi, thơ nào hay thì đọc chơi, thơ nào tệ quá thì coi như mất năm bảy phút phù du. Chứ không bực bội, phẩn nộ như ngày trước.

Làm sao chúng ta tìm được một không khí thơ mộng của ngày xưa. Làm sao chúng ta đến với thơ bằng sự trung thực, không gian dối. Bây giờ mỗi lần đến cõi thơ, chúng ta mang một cái mặt nạ thật lố lăng như đi dự một cuộc hóa trang. Giả dối còn hơn một kép hát. Ai cũng biết vậy nhưng không có ai dám chọc thủng bức tường nầy bằng những lời lẽ chân thật. Chúng ta không tìm đâu thấy lời lẽ của Cao Bá Quát phê phán nhóm Thi Xã: “Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An” để họ chừa bớt đi cái tính hênh hoang, kênh kiệu, tự đắc. Coi thiên hạ chẳng ra gì.  Chúng ta không chấp nhận cái lối ác độc như vậy, nhưng có phải chăng đây là cách duy nhất để dạy cho người khác bài học lễ độ của người làm thơ?  ( Như lời thang vang của một nhà thơ kỳ cựu khi đụng phải một vài kẻ hậu sinh thất lễ). Còn có biện pháp nào kêu gọi lòng tự trọng của mọi người khi đụng vào cõi thơ? Người nào làm được công việc nầy thì nó cũng to lớn bằng công của bà Nữ Oa đội đá vá trời.

Phan Xuân Sinh