Sao em thấy khu này ghê quá hở anh?”
Người đàn ông luống tuổi, đang đứng bên cửa kính, quay lại điềm đạm:
“Em nói không sai! Đây là khu chung cư mà tình trạng an ninh không mấy gì gọi là sáng sủa, khả quan cho lắm. Khu chung cư mà hầu hết người Á châu đều tránh xa, chứ chẳng riêng gì người Việt Nam, ngoại trừ chỉ có anh mà thôi. Nhìn ngang nhìn ngửa chỉ thấy toàn là Mỹ đen và người Mễ. Chẳng có đêm nào mà không có xe cảnh sát chạy tuần tiễu ở quanh đây. Cách đây ba hôm, cảnh sát mới hốt ở đây năm, sáu mạng có liên quan đến vấn đề đĩ điếm và ma túy.
Ban đêm, nhất là cuối tuần, em sẽ thấy nhạc ráp trổi lên đinh tai, nhức óc cùng tiếng vỏ chai ném loảng xoảng ngoài parking. Đôi khi cao hứng còn lôi cả súng ra bắn chỉ thiên nữa là đằng khác.”
“Biết vậy mà sao anh không dọn đi nơi khác!”
“Đi đâu cũng chẳng bằng chỗ này. Vừa rẻ mà lại vừa thoải mái. Đặc biệt nhất là chẳng khi nào nghe chủ đề cập đến vấn đề tăng tiền nhà. Vả lại, anh cũng chẳng thấy có điều gì đáng tiếc xảy ra. Thú thật, hôm mới dọn đến, anh cũng cảm thấy hơi ơn ớn. Nhưng ở riết rồi cũng thấy quen dần. Anh thì lúc nào cũng chủ trương dĩ hòa vi quí. Mình đừng có đụng chạm đến người khác thì được rồi. Đấy là câu phương châm hữu hiệu nhất để mà sống. Từ khi nghe tin anh dọn về đây, mấy ông bạn đều trợn mắt kêu lên: Ông điên rồi hay sao? Thậm chí có ông còn nói: Ông đúng là uống thuốc liều. Có ngày rồi cũng toi mạng đấy ông ạ. Ấy thế mà tám năm trôi qua rồi đấy. Đâu có chuyện gì xảy ra đâu! Anh vẫn bình chân như vại, mà ngược lại, hầu hết mọi người ở quanh đây đều tỏ ra có cảm tình đặc biệt đối với anh. Thế mới lạ chứ.”
Người đàn bà phá lên tiếng cười dòn:
“Anh thì lúc nào cũng giống như kẻ chán đời.”
Người đàn ông không nói, đứng lặng thinh, dõi mắt nhìn ra bên ngoài. Tiếng gió đập nhẹ ngoài cửa kính. Tiếng rú hốt hoảng của chiếc xe vừa chạy vụt qua, để lại chuỗi âm thanh rền rã, dài dằng dặc, rồi tuần tự nhỏ dần và lịm tắt ở mãi tận cuối đường.
Dưới ánh sáng mát dịu của ngọn đèn nê ông, người đàn bà ngồi thu mình trên chiếc ghế đệm khổ dài, thô kệch, cũ kỹ đặt ở giữa phòng. Phía trong, sát chân tường là chiếc TV kịch cợm, lỗi thời, đã ngả màu, hoen ố theo thời gian. Đối diện với bà ta là một chiếc bàn gỗ thấp hình chữ nhật, và trên đó, lẻ loi có chai rượu chát màu đỏ thẫm cùng hai chiếc ly đặt sẵn ở gần đấy. Người đàn bà đứng tuổi, có mái tóc phủ dài cùng khuôn mặt khả ái, sầu muộn. Bà ta sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn rồi nhỏ nhẹ:
“Em thật không ngờ anh ạ! Cảm giác đầu tiên đến với em là một sự bàng hoàng thì đúng hơn. Làm sao mà không bàng hoàng, sửng sốt hở anh? Trước đây, ai nấy cứ đinh ninh rằng: Gia đình anh đã mất tích trên chiếc ghe định mệnh ấy rồi. Người ta đồn, chuyến anh đi bị bão lớn và cả chiếc ghe bị nhận chìm xuống đáy biển. Thậm chí ngay đến người bà con xa của anh cũng quả quyết với em như vậy. Rồi đùng một cái, thình lình lại gặp anh ở bên đây, thử hỏi làm sao mà em không giật mình được! Thú thật, ngay từ lúc đầu, em cứ ngờ ngợ không dám nhận. Em liếc trộm sang bàn anh mãi. Đầu óc lúc bấy giờ chỉ thấy toàn là những câu hỏi lần lượt đổ về, bủa vây kín mít ở tâm tư em. Em tự hỏi với chính mình: Không lý nào anh lại còn sống ở trên đời này hay sao? Chính vì thế mà em cứ lưỡng lự, đắn đo, suy nghĩ mãi đến gần cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng thì em không còn nghi ngờ gì nữa! Lúc đó em mới mạnh dạn lên tiếng gọi anh.”
Người đàn ông bóp trán ra chiều suy nghĩ. Mãi sau ông ta mới hạ thấp giọng:
“Nhắc đến cái chuyến đi ấy mà bây giờ anh vẫn còn cảm thấy rùng mình, ớn lạnh. Gần ba tuần lễ thì kể như mất một tuần không có lương thực và nước uống. Chiếc ghe bị hư máy, thả trôi trên giòng nước cũng giống như con diều bị đứt giây. Bao nhiêu tàu bè chạy ngang qua như mắc cửi mà chẳng có chiếc nào chịu vớt. Mọi người trên ghe la riết đến khan cả cuống họng. La chán rồi chẳng còn ai thiết tha gì đến vụ kêu cứu nữa! Mà có còn hơi sức nữa đâu mà kêu! Ai nấy đều rũ ra, mềm nhũn, nằm thiêm thiếp, bất động trông y hệt như những cái xác không hồn. Thế mới biết cơn đói nó hành hạ, dày vò thể xác con người ta đến chừng nào. Nếu không có cơn bão thì bọn anh cũng chẳng có cơ hội đặt chân lên chiếc tàu buôn của người Đức. Anh vẫn còn nhớ, lúc ấy vào khoảng năm giờ chiều của ngày thứ mười tám. Chỉ cần chậm trễ thêm vài ba tiếng đồng hồ nữa, thì toàn thể năm mươi mấy người, kể cả nam lẫn nữ đều trở thành miếng mồi ngon cho cá biển.”
“Sao cơn bão đến nhanh quá anh nhỉ?”
“Nhanh đến nỗi mà anh không thể nào ngờ được! Cơn giông bão ồ ạt kéo đến thật dữ dằn, thật khủng khiếp, thì thử hỏi: Đêm hôm đó làm sao mà tụi anh có thể chống đỡ nổi!”
Người đàn bà nheo mắt, nhún vai tỏ vẻ sợ hãi:
“Eo ơi! Cũng may anh nhỉ?”
Người đàn ông không nói, chăm chú, dán mắt nhìn vào khoảng trống vô nghĩa trước mặt.
“Thế chuyến đó có bị mất mát người nào không anh!”
“Có! Rất may là chỉ có một người. Hắn ta còn rất trẻ. Độ chừng hai mươi hai hoặc hai mươi ba tuổi là cùng. Gương mặt hắn lúc nào cũng tỏ ra lầm lì, ít nói. Nguyên nhân dẫn đến cái chết nói trên, cũng chỉ vì quá tuyệt vọng, khiến cho hắn ta bị khủng hoảng, quẫn trí, rồi đâm ra liều lĩnh, ôm cái can bằng ni lông, nhảy xuống biển với hy vọng sẽ được tàu vớt. Nhưng anh tin chắc rằng, sớm muộn gì hắn ta cũng sẽ chết. Hắn chết đi là cả một đề tài nóng bỏng, khiến cho ai nấy đều bàn tán xôn xao rồi cho rằng: Nhờ hắn ta linh thiêng, phù trợ nên mọi người mới được cứu thoát.”
“Cũng có thể lắm chứ anh!”
Người đàn ông trầm ngâm lúc lâu mới lên tiếng:
“Ở đời đâu có ai biết được chữ ngờ hở em! Ngay như anh em mình cũng vậy. Có khi nào mà chúng ta nghĩ đến ngày hội ngộ hôm nay. Trước đây, tâm trạng của những kẻ bỏ nước ra đi, chẳng khi nào nghĩ rằng, rồi sẽ có một ngày trở về thăm lại quê hương. Nghĩ lại thật có nhiều chuyện buồn cười. Như mấy ông Cộng Sản cũng thế. Sau năm bảy mươi lăm, mấy ông ấy cứ gay gắt lên án, kết tội nặng nề đế quốc Mỹ, thì bây giờ lại tỏ ra ve vãn, chào đón giống như một thượng khách. Còn mấy ông tướng, ông tá trước đây thuộc loại ăn trên ngồi chốc ở miền Nam, hớt hải bỏ cả đơn vị, bỏ cả binh sĩ thuộc quyền, chạy bán sống, bán chết sang bên đây, còn tỏ ra huênh hoang, khoe khoang về thành tích chiến đấu của mình trước kia. Có ông còn hăng say, hô hào đấu tranh để quang phục quê hương. Thế mới lạ chứ.”
Như chợt nhớ ra điều gì, ông ta cất cao giọng:
“À! Còn Kiệt, chồng em. Anh nghe nói, hình như nó chẳng còn người nào thân thích. Phải không em? Như vậy thì đâu có ai tới lui thăm viếng, chăm sóc cũng như lo việc hương khói cho nó.”
Người đàn bà ngước lên:
“Ngoài em ra, chứ còn ai vào đấy nữa hở anh!”
“Anh cứ tưởng, thể nào em cũng bước thêm bước nữa. Vả lại, Kiệt mất cũng khá lâu. Trong khi đó, em còn quá trẻ. lại có nhan sắc, thì làm sao mà có thể ở vậy suốt đời được!”
Người đàn bà mỉm cười, ra chiều đắc ý:
“Ấy thế mà em vẫn chỉ có một mình, chứ đâu có hai ba mình gì đâu!”
“Kể cũng lạ thật! Bây giờ em sang đây thì lấy ai ra mà lo cái công việc ấy.”
“Thì cũng đành vậy thôi! Trước khi đi em có nhờ vài người bạn thân, thỉnh thoảng nhớ ra thắp nhang và dọn dẹp dùm em. Em tính sau này làm lụng có tiền, em sẽ về thuê người ta bốc lên, đem thiêu rồi đưa vào chùa, có hương, có khói và tối sớm còn được nghe kinh kệ nữa. Như vậy vừa được ấm áp mà lại còn dễ siêu thoát hơn.”
“Em tính như vậy cũng phải.”
Im lặng. Không khí trong phòng chợt chìm xuống sự im lặng lạ thường. Thứ im lặng khô cứng, đặc quánh, giống như không khí trầm mặc của giáo đường vào buổi trưa đầu tuần hoang vắng. Bất chợt, anh liên tưởng đến ngôi mộ vắng chủ cô quạnh, hiu hắt. Ngôi mộ tẻ nhạt, lạnh lẽo gần như bị bỏ quên. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh thấy gợn nhăn lên nỗi xót xa, tê tái ở trong lòng.
“Bích sang đây lâu chưa?” Anh buột miệng.
“Mới đây thôi anh ạ.”
“Em thấy bên này ra sao?”
“Bên đây thì buồn là cái chắc. Nhưng ngược lại, đời sống thì sướng hơn ở Viêt Nam.”
“Anh nghe nói, đời sống ở bên đấy bây giờ cũng dễ thở lắm cơ mà. Chánh sách mở cửa của nhà nước đã đưa mức sống của người dân có phần cao hơn trước đây nhiều.”
Người đàn bà bật lên tiếng cười khẩy:
“Anh đừng có tin vào mấy ông này, anh Toàn ạ. Anh nên nhớ rằng: Tuyên truyền là cái ngón nghề của mấy ông ấy hay sao? Em thấy ở ngoài này vẫn còn nhiều người tỏ ra ngây thơ, tin vào những điều mấy ông ấy nói. Thế nào gọi là dễ thở! Thế nào gọi là khởi sắc! Dễ thở là đối với giới con ông cháu cha có thế lực kìa. Giới buôn bán hoặc có thân nhân ở nước ngoài cơ. Còn về phía dân nghèo thì vẫn tồi tệ như xưa. Anh thử tưởng tượng xem, đứa con gái mới mười bốn, mười lăm tuổi, không bà con thân thuộc, lạc lõng, trôi dạt từ miền Bắc vào Sài Gòn kiếm sống. Ở vào cái tuổi ấy, thì làm sao mà có đủ trí khôn, đủ bản lãnh để vượt qua mọi cạm bẫy của những tổ chức buôn người đưa ra nước ngoài. Sau mấy năm gần đây, người miền Bắc đổ xô vào Sài Gòn lập nghiệp rất đông. Vì thế mà dân số tại thành phố này gia tăng rất nhanh. Còn mấy ông nhà nước thì chỉ biết hà hiếp, bóc lột, sống trên mồ hôi, xưong máu của kẻ khác. Nhiều người phải bán máu, bán con để mà sống. Anh thử hỏi: Cái xã hội như thế thì làm sao mà sống được! Tình trạng luân lý bị đảo lộn, suy đồi. Người ta bây giờ không còn ai nghĩ đến hai chữ nhân phẩm cũng như hai chữ sĩ diện nữa. Chung qui cũng chỉ vì đồng tiền, vì miếng ăn mà thôi.”
“Hiện giờ thì em đang sinh sống ở đâu?”
“Tạm thời em đang ở với gia đình của đứa em gái dưới Pomona. Hôm nay vợ chồng nó đi chơi xa. Còn lại một mình buồn quá. Nhân tiện có chị bạn lại chơi, rủ em xuống đây đi ăn uống, rồi sau đó chui vào vũ trường nghe nhạc, không ngờ lại gặp anh ở trong đấy. Anh còn nhớ con Thu không? Con nhỏ mũm mĩm để tóc ngắn đấy. Nó vượt biên sang đây lâu lắm rồi. Chính nó đứng ra bảo lãnh cho em. Thoạt đầu em cứ đắn đo, chần chờ mãi! Bởi vì như anh cũng biết, mọi chi phí từ vé máy bay cho đến bảo hiểm sức khỏe, nó đều phải đưa vai ra gánh chịu hết. Em trằn trọc. suy nghĩ suốt mấy đêm liền. Cuối cùng em mới chợt nghĩ lại: Nếu không đi thì sau này lấy ai ra mà nuôi mình! Năm mươi mấy tuổi đầu rồi còn gì nữa! Vả lại, em sống cô quạnh chỉ có một mình. Bây giờ ở tuổi này thì khả dĩ còn tự săn sóc cho mình được! Nhưng đến mai mốt thêm dăm ba tuổi nữa thì biết tính sao? Nghĩ đến đấy em mới giật mình, hoảng hốt rồi quyết định một cách dứt khoát là ra đi. Dù sao thì sang bên đây cũng sướng hơn ở Việt Nam nhiều. Thiếu gì người muốn đi mà còn không được! Phải không anh?”
Người đàn ông di nhẹ gót chân xuống nền nhà.
“Trước đây anh cứ tưởng em có con với Kiệt. Hóa ra em chẳng có đứa nào cả.”
Ngẫm nghĩ giây lát, Bích lên tiếng hỏi:
“Còn anh thì sao?”
“Anh vẫn vậy.”
“Không! Ý em muốn hỏi về chị cùng các cháu.”
“À! Em muốn hỏi về chị Loan. Anh và chị ấy đã ly dị ngót sáu năm nay. Còn mấy đứa con thì đứa nào cũng lớn khôn hết cả rồi. Chúng nó đều lập gia đình và đã ra ở riêng hết. Ở Mỹ mà! Chúng nó có khi nào ở chung với mình đâu! Vì thế, tối sớm anh chỉ lủi thủi có một mình. Lâu lâu hoặc lễ lậy, chúng nó đáo ngang qua thăm bố vài ba tiếng đồng hồ rồi lại đi.”
“Kể ra thì cũng buồn anh nhỉ?”
“Riết rồi cũng thấy quen. Vả lại, đời sống cứ quay vù vù chẳng khác nào cái chong chóng, khiến cho mình nhiều lúc cũng chẳng có thì giờ để mà suy nghĩ.”
“Em thấy ngày xưa anh chị khắn khít với nhau lắm cơ mà.”
“Ngày xưa khác, còn bây giờ khác. Ngày xưa, đời sống bị đóng khung trong bối cảnh của xã hội Viêt Nam. Còn sang bên đây thì mọi thứ đều thay đổi. Người đàn bà bắt đầu đi làm và giao tế, hòa nhập với xã hội ở bên ngoài. Từ đó, sự suy nghĩ cùng cái nhìn có phần thay đổi, khác hơn. Chẳng riêng gì gia đình anh, mà phần đông các gia đình khác đều rơi vào cái tình trạng đó. Nhiều người đàn bà trước kia tỏ ra hiền hậu, nhưng sang đến bên đây thì tự nhiên đâm ra đổi tính, rồi sinh ra chuyện này, chuyện khác và cuối cùng thì đi tới quyết định là đường ai nấy đi. Xét cho cùng thì đời người ai nấy đều có số hết. Anh chẳng bao giờ tỏ ra thái độ trách cứ gì Loan cả. Tại cái số của mình như thế thì phải chịu vậy thôi, chứ biết nói sao bây giờ.”
“Từ ngày ấy đến giờ, có khi nào chị về thăm anh không?”
“Chẳng bao giờ! Ly dị xong thì họ cũng giống như con chim xổ lồng, bay đến một nơi thật xa, chứ đâu có còn thì giờ mà nghĩ đến chuyện thăm hỏi làm gì!”
Toàn nói xong, cất giọng cười ngất. Nụ cười chua chát, tiềm ẩn nỗi đắng cay, tê tái ở trong lòng. Bích ngước lên thành khẩn:
“Anh cho em xin lỗi. Vì quá tò mò nên nhắc đến chuyện buồn của anh. Mong anh bỏ qua cho em.”
Toàn xua tay, uể oải rời khỏi khung cửa rồi tiến lại ngồi xuống ở đầu ghế.
“Anh dùng tạm một ly cho khuây khỏa nhé!”
Toàn lấy giọng tự nhiên:
“Em cho anh một ly. Cả em nữa. Chúng ta mừng gặp lại.”
Bằng động tác thật khoan thai, Bích nâng chai rượu, nhẹ nhàng rót vào hai cái ly thủy tinh trong vắt rồi đẩy sang cho Toàn:
“Nào! Mời anh! Chúng ta mừng gặp lại nhau trên xứ người.”
Hai người nâng ly rượu lên môi rồi ngửa cổ uống cạn. Chờ cho hơi men thấm dần vào cơ thể, Toàn quay sang nhìn đăm đăm vào người Bích:
“Em vẫn còn đẹp như ngày nào.”
Bích hóm hỉnh:
“Anh dạo này lại biết nói đùa nữa cơ à! Già khú rồi còn gì nữa.”
“Già thì già! Nhưng nó vẫn có cái đẹp riêng của nó chứ.”
Bất giác, Toàn cất nhẹ lên tiếng thở dài:
“Chóng thật! Mới đấy mà bây giờ tất cả đều già hết cả rồi. Thế mới biết đời người chẳng khác nào cơn gió thoảng em nhỉ? Ngẫm cho kỹ lại thì mấy cụ mình ngày xưa nói chẳng sai tý nào.”
“Ngày xưa mấy cụ đều là nhà nho thâm trầm, uyên bác. Mà nhà nho nói ra chẳng khác nào như mũi gươm nhọn khắc hằn lên phiến đá. Nhắc đến mấy cụ là nhắc đến tấm gương sáng của người xưa để lại cho đời sau soi mặt. Nhiều lúc nhìn lại, mới thấy nuối tiếc cái tuổi thanh xuân. Em còn nhớ, dạo ấy anh đạo mạo lắm cơ mà! Đúng là nhà giáo có khác. Mẫu mực và nghiêm nghị. Mấy đứa nhỏ ở trong xóm học anh, chúng nó bảo anh khó lắm. Chúng nó còn nói, chẳng thấy khi nào anh cười! Anh có biết, chúng nó đặt cho anh cái danh hiệu gì không?”
Người đàn ông lắc đầu, Bích liến thoắng:
“Chúng nó bảo anh là thằng cha hắc ám.”
Nghĩ ngợi giây lát, nàng kể lể:
“Dạo ấy, em với Kiệt mới bắt đầu yêu nhau. Yêu say mê. Yêu cuồng nhiệt anh ạ. Ngày nào mà tụi em chẳng gặp nhau. Ngày nào mà chẳng hẹn hò. Hẹn hò riết rồi chẳng biết nói gì với nhau. Ngôn ngữ của tình yêu nhiều khi nó trở thành ngớ ngẩn anh nhỉ? Anh không biết đâu! Mẹ em ngăn cấm em nhiều lắm đấy. Cấm mãi mà vẫn chẳng thấy có kết quả. Mẹ em liền đổi sang chiến thuật tình cảm. Bà tỏ ra mềm mỏng, dạy dỗ, khuyên bảo em đủ điều mà em vẫn chẳng hề lay chuyển. Tức quá, bà bảo em là đứa con cứng đầu, không biết vâng lời cha mẹ. Bà còn gán ghép cho em cái tội bất hiếu nữa chứ! Em thấy mình chẳng có tội tình gì cả. Bao nhiêu đám đến dạm hỏi, em vẫn một mực chối từ. Mẹ em tức điên lên: Người ta đều là con nhà nề nếp, gia giáo, hiền lành, tử tế mà mày vẫn một mực không chịu. Mày cứ nhất định lấy cho bằng được cái thằng Kiệt. Coi cái mã ấy thì nó làm nên được cái tích sự gì, mà mày cứ mê nó như điếu đổ, hở cái con kia! Mẹ em đay nghiến em suốt từ ngày này sang ngày khác. Bà còn cấm đoán không cho tụi em gặp nhau. Cứ mỗi lần thấy anh ấy đi ngang qua nhà, thì y như mẹ em lại tỏ ra thái độ giận dữ, tức bực, biểu lộ qua các động tác mạnh bạo như đóng cửa hoặc la rầy con cái chẳng hạn. Ngày đó em đã nảy sinh ra ý định táo bạo, là bỏ nhà ra đi với Kiệt. Em tính ra đi thời gian ngắn rồi trở về, coi như gạo đã nấu thành cơm, thì dù muốn dù không, buộc lòng mẹ em cũng phải chịu thôi. Ai ngờ, Kiệt lại tỏ ra quá nhút nhát, không dám bỏ nhà ra đi với em. Anh ấy cứ bảo: Mình chẳng có cái nghề nào trong tay thì biết làm gì để mà sống! Bởi vì thế mà ý định ấy bị dẹp bỏ. Em nghĩ nát óc mà chẳng tìm ra được giải pháp nào khác. Mãi cho đến năm em thi rớt phần hai. Mẹ bắt em phải lấy một ông sĩ quan hành chánh quân y. Ông này phục vụ trong ngành quân y, chứ không phải là bác sĩ. Ông ta khá đẹp trai mà gia đình lại giàu có, ở mãi tận ngoài Nha Trang. Tính tình ông này tỏ ra rất lịch thiệp và hào phóng. Kể ra dạo đó mà lấy được ông chồng như thế thì tạm gọi là yên thân. Thời chiến mà có tấm chồng phục vụ tại đơn vị ở hậu tuyến thì kể như là người có diễm phúc. Nhưng em cứ một mực từ chối không chịu. Mẹ em hết mềm dẻo rồi lại trở sang cứng rắn. Có thể nói, lần này bà tỏ ra quyết liệt hơn. Nguyên nhân cũng chỉ vì má ông này là bạn học của mẹ em trước kia. Mẹ em làm dữ lắm. Lúc nào bà cũng tỏ ra hằn học đối với em. Tình trạng căng thẳng ấy kéo dài mãi cho đến khi cô em có dịp từ Đà Lạt về chơi, biết chưyện, mới ngỏ lời khuyên giải me em. Theo lời đứa em gái em nghe lóm được, kể lại: Chị làm riết khiến nó quẫn trí, rồi đâm ra dại dột, liều lĩnh quyên sinh thì chết. Chớ! Chị đừng có ép nó vào đường cùng thì nguy đấy. Con trai, con gái thời bây giờ thì khác với cái tuổi của chị em mình trước kia. Ngày xưa, bố mẹ đặt ngồi đâu thì mình phải ngoan ngoãn ngồi đấy. Còn bây giờ thì không được đâu chị ạ! Chúng ta không thể áp dụng giống như ngày xưa được. Làm bố mẹ ngày hôm nay thì khó khăn gấp vạn lần so với ngày trước. Nó đòi hỏi bậc làm cha mẹ phải hiểu được tâm lý của con cái mình muốn gì! Tốt hơn hết, chị cứ cho cháu nó có cái quyền tự do định đoạt. Trong thì nó nhờ, mà đục thì nó ráng chịu. Ngộ nhỡ sau này, nếu có chuyện gì xảy ra, thì nó cũng chẳng có lý do gì để oán trách mình được. Cô em nói nhiều lắm nên mẹ em mới xiêu lòng, chứ không thì bà cứ ghìm em mãi. Hôm đám cưới tụi em, bà vẫn tỏ ra vui vẻ với tất cả mọi người ở chung quanh, nhưng nếu nhìn kỹ trên sắc diện của mẹ em, thì sẽ thấy bà không mấy gì được vui cho lắm. Em biết, mẹ em không ưa gì anh Kiệt. Anh ấy chỉ là một anh công chức quèn. Học hành thì xoàng xĩnh chẳng đi tới đâu, mà gia đình thì lại không lấy gì gọi là khá giả cho lắm. Đấy chính là hai yếu tố then chốt khiến cho mẹ em không được hài lòng. Rốt cuộc rồi cũng xong. Tụi em chung sống với nhau tròn trĩnh vừa đúng năm năm, mà chẳng có đứa con nào ra đời. Rồi, đột nhiên Kiệt ngã bệnh và ra đi. Em buồn quá, chẳng khác nào như kẻ chán đời. Mà chán thật chứ anh! Nhiều người cứ tưởng rằng, dần dà rồi thời gian sẽ nguôi ngoai và thể nào em cũng bước thêm bước nữa! Nhưng, thật tình không ngờ anh ạ! Đến ngay mẹ em cũng phải sốt ruột kêu lên: Mày tính ở vậy cho đến mãn đời hay sao, hở Bích? Em chẳng nói gì cả! Tự nhiên em cảm thấy dửng dưng, chẳng còn tha thiết hoặc ham muốn gì nữa! Mặc dù dạo ấy cũng có khối ông theo đuổi, săn đón em. Nhưng trước cử chỉ cùng thái độ lạnh nhạt của chính em, khiến họ cũng đâm ra chán nản rồi từ từ dãn xa dần. Em chẳng hiểu tại sao cả? Ngay chính em cũng chẳng hiểu nổi về con người thật của em! Có thể, theo như anh nói, đời người ai nấy đều có số cả. Căn cứ theo như lời me em thuật lại, thì hồi còn nhỏ, có ông thày tướng số coi cho em. Ông ấy bảo: Số con bé này lớn lên sẽ đội tang chồng ở cái tuổi thanh xuân, và càng về già thì cô quạnh chỉ có một mình. Em nghiệm lại thì quả thật thấy đúng một phần rồi đấy anh!”
“Thế em có tính gì không?”
“Em mới sang đây, nên đường xá còn mù tịt, mà xe cộ thì lại chưa biết lái. Em chỉ mong rằng, sau khi lấy được cái bằng lái xe, tạm thời ban ngày em ra shop may làm để lấy tiền chi dụng cho hàng tháng. Còn ban đêm, em sẽ cố gắng đi học thêm về Anh ngữ để chuẩn bị cho bước đường kế tiếp, đó là giai đoạn học nghề. Em nhất quyết phải học thêm cái nghề để tự nuôi sống lấy bản thân mình. Anh thấy em tính như vậy có được không? Chứ con bạn em thì nó cứ dục: Mày nên học cái nghề nail đi, để sau khi có được cái licence ở trong tay, tao với mày sẽ bay sang tiểu bang khác để làm ăn. Nó còn nói: Mình phải ráng chịu khó thêm vài ba năm nữa, để kiếm số vốn khả dĩ rồi hãy quay trở lại đây, chuyển sang nghề khác để làm ăn.”
“Bước đầu thì ai cũng vậy. Dần dà rồi cũng sẽ qua đi. Bên đây thì đời sống khác hẳn với quê nhà. Vì thế, nó đòi hỏi mình phải có sự kiên trì ở trong đấy.”
Bên ngoài, gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Dự báo thời tiết ngày hôm qua cho biết đêm nay sẽ có bão lớn. Tiếng gió rít xoắn rùng rợn trên các tàng cây ngoài hiên nhà, kéo theo những ánh chớp dồn dập lóe lên tận ngoài xa như báo hiệu cơn mưa sắp kéo đến. Toàn lẩm bẩm:
“Trời sắp mưa rồi.”
Dáo dác nhìn chung quanh, Bích bỗng kêu lên:
“Ấy chết! Gần ba giờ sáng rồi đấy anh!”
Toàn ôn tồn:
“Thôi! Đi ngủ đi em. Khuya lắm rồi. Mải nói chuyện nên chẳng để ý gì đến giờ giấc. Sáng mai, anh sẽ đưa em đi ăn, rồi đến chiều anh chở em về dưới đó.”
“Em làm phiền anh nhiều quá.”
“Có gì đâu mà phiền! Chỗ anh em mà.”
Ngừng lại vài giây, anh dơ tay chỉ vào phía trong:
“Em vào phòng anh mà ngủ. Trong ấy có đầy đủ hết. Có rest room và bàn chải đánh răng cùng mấy bộ đồ ngủ còn mới toanh, chưa ai đụng tới. Em cứ tự nhiên coi như ở nhà. Đừng có ngần ngại gì cả.”
“Anh để cho em nằm ở ngoài này cũng được.”
“Em là đàn bà, con gái, đâu có thể để nằm ở ngoài này được. Nhỡ mai mốt vợ chồng Thu biết chuyện, rồi tụi nó sẽ đánh giá thế nào về con người của anh. Thôi! Vào trong ấy ngủ dùm tôi đi cô.”
Bích liếc mắt nhìn sang Toàn khẽ mỉm cười, rồi từ từ đứng dạy, khoan thai tiến dần vào phía trong. Tới cửa phòng, nàng còn ngoái lại:
“Gớm! Bao nhiêu năm không gặp, anh bây giờ cũng ghê đáo để.”
Chờ cho Bích vào đến tận bên trong và cánh cửa phòng ngủ tư từ khép lại, Toàn rướn người, vươn tay bấm nhẹ vào cái công tắc điện gắn ở gần đấy. Ánh sáng chợt phụt tắt và bóng tối bắt đầu ngự trị, lên ngôi. Anh lưỡng lự giây lát rồi ngả lưng nằm xuống. Có tiếng sấm đì đùng, gầm thét ở đằng xa và cơn mưa bắt đầu ào ạt kéo đến như muốn cuốn phăng đi mọi rác rưởi, bụi bặm, phiền toái ở tại đời sống này. Toàn đặt nhẹ tay lên trán, miên man nghĩ về thân phận, về cuộc đời. Cuộc đời chẳng khác nào giấc chiêm bao, là cơn gió thoảng, là bóng chim vụt qua khung cửa, để rồi vào buổi hoàng hôn nào đó, đột ngột xuôi tay giã từ khỏi đời sống phù phiếm này, bước sang cái thế giới của hư vô, đi về với tro bụi. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh cảm thấy ngán ngẫm, tê tái.
Chán nản, anh uể oải, xoay người, quay mặt vào thành ghế, lim dim đôi mắt tìm giấc ngủ./.
Trang Luân
Người đàn ông luống tuổi, đang đứng bên cửa kính, quay lại điềm đạm:
“Em nói không sai! Đây là khu chung cư mà tình trạng an ninh không mấy gì gọi là sáng sủa, khả quan cho lắm. Khu chung cư mà hầu hết người Á châu đều tránh xa, chứ chẳng riêng gì người Việt Nam, ngoại trừ chỉ có anh mà thôi. Nhìn ngang nhìn ngửa chỉ thấy toàn là Mỹ đen và người Mễ. Chẳng có đêm nào mà không có xe cảnh sát chạy tuần tiễu ở quanh đây. Cách đây ba hôm, cảnh sát mới hốt ở đây năm, sáu mạng có liên quan đến vấn đề đĩ điếm và ma túy.
Ban đêm, nhất là cuối tuần, em sẽ thấy nhạc ráp trổi lên đinh tai, nhức óc cùng tiếng vỏ chai ném loảng xoảng ngoài parking. Đôi khi cao hứng còn lôi cả súng ra bắn chỉ thiên nữa là đằng khác.”
“Biết vậy mà sao anh không dọn đi nơi khác!”
“Đi đâu cũng chẳng bằng chỗ này. Vừa rẻ mà lại vừa thoải mái. Đặc biệt nhất là chẳng khi nào nghe chủ đề cập đến vấn đề tăng tiền nhà. Vả lại, anh cũng chẳng thấy có điều gì đáng tiếc xảy ra. Thú thật, hôm mới dọn đến, anh cũng cảm thấy hơi ơn ớn. Nhưng ở riết rồi cũng thấy quen dần. Anh thì lúc nào cũng chủ trương dĩ hòa vi quí. Mình đừng có đụng chạm đến người khác thì được rồi. Đấy là câu phương châm hữu hiệu nhất để mà sống. Từ khi nghe tin anh dọn về đây, mấy ông bạn đều trợn mắt kêu lên: Ông điên rồi hay sao? Thậm chí có ông còn nói: Ông đúng là uống thuốc liều. Có ngày rồi cũng toi mạng đấy ông ạ. Ấy thế mà tám năm trôi qua rồi đấy. Đâu có chuyện gì xảy ra đâu! Anh vẫn bình chân như vại, mà ngược lại, hầu hết mọi người ở quanh đây đều tỏ ra có cảm tình đặc biệt đối với anh. Thế mới lạ chứ.”
Người đàn bà phá lên tiếng cười dòn:
“Anh thì lúc nào cũng giống như kẻ chán đời.”
Người đàn ông không nói, đứng lặng thinh, dõi mắt nhìn ra bên ngoài. Tiếng gió đập nhẹ ngoài cửa kính. Tiếng rú hốt hoảng của chiếc xe vừa chạy vụt qua, để lại chuỗi âm thanh rền rã, dài dằng dặc, rồi tuần tự nhỏ dần và lịm tắt ở mãi tận cuối đường.
Dưới ánh sáng mát dịu của ngọn đèn nê ông, người đàn bà ngồi thu mình trên chiếc ghế đệm khổ dài, thô kệch, cũ kỹ đặt ở giữa phòng. Phía trong, sát chân tường là chiếc TV kịch cợm, lỗi thời, đã ngả màu, hoen ố theo thời gian. Đối diện với bà ta là một chiếc bàn gỗ thấp hình chữ nhật, và trên đó, lẻ loi có chai rượu chát màu đỏ thẫm cùng hai chiếc ly đặt sẵn ở gần đấy. Người đàn bà đứng tuổi, có mái tóc phủ dài cùng khuôn mặt khả ái, sầu muộn. Bà ta sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn rồi nhỏ nhẹ:
“Em thật không ngờ anh ạ! Cảm giác đầu tiên đến với em là một sự bàng hoàng thì đúng hơn. Làm sao mà không bàng hoàng, sửng sốt hở anh? Trước đây, ai nấy cứ đinh ninh rằng: Gia đình anh đã mất tích trên chiếc ghe định mệnh ấy rồi. Người ta đồn, chuyến anh đi bị bão lớn và cả chiếc ghe bị nhận chìm xuống đáy biển. Thậm chí ngay đến người bà con xa của anh cũng quả quyết với em như vậy. Rồi đùng một cái, thình lình lại gặp anh ở bên đây, thử hỏi làm sao mà em không giật mình được! Thú thật, ngay từ lúc đầu, em cứ ngờ ngợ không dám nhận. Em liếc trộm sang bàn anh mãi. Đầu óc lúc bấy giờ chỉ thấy toàn là những câu hỏi lần lượt đổ về, bủa vây kín mít ở tâm tư em. Em tự hỏi với chính mình: Không lý nào anh lại còn sống ở trên đời này hay sao? Chính vì thế mà em cứ lưỡng lự, đắn đo, suy nghĩ mãi đến gần cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng thì em không còn nghi ngờ gì nữa! Lúc đó em mới mạnh dạn lên tiếng gọi anh.”
Người đàn ông bóp trán ra chiều suy nghĩ. Mãi sau ông ta mới hạ thấp giọng:
“Nhắc đến cái chuyến đi ấy mà bây giờ anh vẫn còn cảm thấy rùng mình, ớn lạnh. Gần ba tuần lễ thì kể như mất một tuần không có lương thực và nước uống. Chiếc ghe bị hư máy, thả trôi trên giòng nước cũng giống như con diều bị đứt giây. Bao nhiêu tàu bè chạy ngang qua như mắc cửi mà chẳng có chiếc nào chịu vớt. Mọi người trên ghe la riết đến khan cả cuống họng. La chán rồi chẳng còn ai thiết tha gì đến vụ kêu cứu nữa! Mà có còn hơi sức nữa đâu mà kêu! Ai nấy đều rũ ra, mềm nhũn, nằm thiêm thiếp, bất động trông y hệt như những cái xác không hồn. Thế mới biết cơn đói nó hành hạ, dày vò thể xác con người ta đến chừng nào. Nếu không có cơn bão thì bọn anh cũng chẳng có cơ hội đặt chân lên chiếc tàu buôn của người Đức. Anh vẫn còn nhớ, lúc ấy vào khoảng năm giờ chiều của ngày thứ mười tám. Chỉ cần chậm trễ thêm vài ba tiếng đồng hồ nữa, thì toàn thể năm mươi mấy người, kể cả nam lẫn nữ đều trở thành miếng mồi ngon cho cá biển.”
“Sao cơn bão đến nhanh quá anh nhỉ?”
“Nhanh đến nỗi mà anh không thể nào ngờ được! Cơn giông bão ồ ạt kéo đến thật dữ dằn, thật khủng khiếp, thì thử hỏi: Đêm hôm đó làm sao mà tụi anh có thể chống đỡ nổi!”
Người đàn bà nheo mắt, nhún vai tỏ vẻ sợ hãi:
“Eo ơi! Cũng may anh nhỉ?”
Người đàn ông không nói, chăm chú, dán mắt nhìn vào khoảng trống vô nghĩa trước mặt.
“Thế chuyến đó có bị mất mát người nào không anh!”
“Có! Rất may là chỉ có một người. Hắn ta còn rất trẻ. Độ chừng hai mươi hai hoặc hai mươi ba tuổi là cùng. Gương mặt hắn lúc nào cũng tỏ ra lầm lì, ít nói. Nguyên nhân dẫn đến cái chết nói trên, cũng chỉ vì quá tuyệt vọng, khiến cho hắn ta bị khủng hoảng, quẫn trí, rồi đâm ra liều lĩnh, ôm cái can bằng ni lông, nhảy xuống biển với hy vọng sẽ được tàu vớt. Nhưng anh tin chắc rằng, sớm muộn gì hắn ta cũng sẽ chết. Hắn chết đi là cả một đề tài nóng bỏng, khiến cho ai nấy đều bàn tán xôn xao rồi cho rằng: Nhờ hắn ta linh thiêng, phù trợ nên mọi người mới được cứu thoát.”
“Cũng có thể lắm chứ anh!”
Người đàn ông trầm ngâm lúc lâu mới lên tiếng:
“Ở đời đâu có ai biết được chữ ngờ hở em! Ngay như anh em mình cũng vậy. Có khi nào mà chúng ta nghĩ đến ngày hội ngộ hôm nay. Trước đây, tâm trạng của những kẻ bỏ nước ra đi, chẳng khi nào nghĩ rằng, rồi sẽ có một ngày trở về thăm lại quê hương. Nghĩ lại thật có nhiều chuyện buồn cười. Như mấy ông Cộng Sản cũng thế. Sau năm bảy mươi lăm, mấy ông ấy cứ gay gắt lên án, kết tội nặng nề đế quốc Mỹ, thì bây giờ lại tỏ ra ve vãn, chào đón giống như một thượng khách. Còn mấy ông tướng, ông tá trước đây thuộc loại ăn trên ngồi chốc ở miền Nam, hớt hải bỏ cả đơn vị, bỏ cả binh sĩ thuộc quyền, chạy bán sống, bán chết sang bên đây, còn tỏ ra huênh hoang, khoe khoang về thành tích chiến đấu của mình trước kia. Có ông còn hăng say, hô hào đấu tranh để quang phục quê hương. Thế mới lạ chứ.”
Như chợt nhớ ra điều gì, ông ta cất cao giọng:
“À! Còn Kiệt, chồng em. Anh nghe nói, hình như nó chẳng còn người nào thân thích. Phải không em? Như vậy thì đâu có ai tới lui thăm viếng, chăm sóc cũng như lo việc hương khói cho nó.”
Người đàn bà ngước lên:
“Ngoài em ra, chứ còn ai vào đấy nữa hở anh!”
“Anh cứ tưởng, thể nào em cũng bước thêm bước nữa. Vả lại, Kiệt mất cũng khá lâu. Trong khi đó, em còn quá trẻ. lại có nhan sắc, thì làm sao mà có thể ở vậy suốt đời được!”
Người đàn bà mỉm cười, ra chiều đắc ý:
“Ấy thế mà em vẫn chỉ có một mình, chứ đâu có hai ba mình gì đâu!”
“Kể cũng lạ thật! Bây giờ em sang đây thì lấy ai ra mà lo cái công việc ấy.”
“Thì cũng đành vậy thôi! Trước khi đi em có nhờ vài người bạn thân, thỉnh thoảng nhớ ra thắp nhang và dọn dẹp dùm em. Em tính sau này làm lụng có tiền, em sẽ về thuê người ta bốc lên, đem thiêu rồi đưa vào chùa, có hương, có khói và tối sớm còn được nghe kinh kệ nữa. Như vậy vừa được ấm áp mà lại còn dễ siêu thoát hơn.”
“Em tính như vậy cũng phải.”
Im lặng. Không khí trong phòng chợt chìm xuống sự im lặng lạ thường. Thứ im lặng khô cứng, đặc quánh, giống như không khí trầm mặc của giáo đường vào buổi trưa đầu tuần hoang vắng. Bất chợt, anh liên tưởng đến ngôi mộ vắng chủ cô quạnh, hiu hắt. Ngôi mộ tẻ nhạt, lạnh lẽo gần như bị bỏ quên. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh thấy gợn nhăn lên nỗi xót xa, tê tái ở trong lòng.
“Bích sang đây lâu chưa?” Anh buột miệng.
“Mới đây thôi anh ạ.”
“Em thấy bên này ra sao?”
“Bên đây thì buồn là cái chắc. Nhưng ngược lại, đời sống thì sướng hơn ở Viêt Nam.”
“Anh nghe nói, đời sống ở bên đấy bây giờ cũng dễ thở lắm cơ mà. Chánh sách mở cửa của nhà nước đã đưa mức sống của người dân có phần cao hơn trước đây nhiều.”
Người đàn bà bật lên tiếng cười khẩy:
“Anh đừng có tin vào mấy ông này, anh Toàn ạ. Anh nên nhớ rằng: Tuyên truyền là cái ngón nghề của mấy ông ấy hay sao? Em thấy ở ngoài này vẫn còn nhiều người tỏ ra ngây thơ, tin vào những điều mấy ông ấy nói. Thế nào gọi là dễ thở! Thế nào gọi là khởi sắc! Dễ thở là đối với giới con ông cháu cha có thế lực kìa. Giới buôn bán hoặc có thân nhân ở nước ngoài cơ. Còn về phía dân nghèo thì vẫn tồi tệ như xưa. Anh thử tưởng tượng xem, đứa con gái mới mười bốn, mười lăm tuổi, không bà con thân thuộc, lạc lõng, trôi dạt từ miền Bắc vào Sài Gòn kiếm sống. Ở vào cái tuổi ấy, thì làm sao mà có đủ trí khôn, đủ bản lãnh để vượt qua mọi cạm bẫy của những tổ chức buôn người đưa ra nước ngoài. Sau mấy năm gần đây, người miền Bắc đổ xô vào Sài Gòn lập nghiệp rất đông. Vì thế mà dân số tại thành phố này gia tăng rất nhanh. Còn mấy ông nhà nước thì chỉ biết hà hiếp, bóc lột, sống trên mồ hôi, xưong máu của kẻ khác. Nhiều người phải bán máu, bán con để mà sống. Anh thử hỏi: Cái xã hội như thế thì làm sao mà sống được! Tình trạng luân lý bị đảo lộn, suy đồi. Người ta bây giờ không còn ai nghĩ đến hai chữ nhân phẩm cũng như hai chữ sĩ diện nữa. Chung qui cũng chỉ vì đồng tiền, vì miếng ăn mà thôi.”
“Hiện giờ thì em đang sinh sống ở đâu?”
“Tạm thời em đang ở với gia đình của đứa em gái dưới Pomona. Hôm nay vợ chồng nó đi chơi xa. Còn lại một mình buồn quá. Nhân tiện có chị bạn lại chơi, rủ em xuống đây đi ăn uống, rồi sau đó chui vào vũ trường nghe nhạc, không ngờ lại gặp anh ở trong đấy. Anh còn nhớ con Thu không? Con nhỏ mũm mĩm để tóc ngắn đấy. Nó vượt biên sang đây lâu lắm rồi. Chính nó đứng ra bảo lãnh cho em. Thoạt đầu em cứ đắn đo, chần chờ mãi! Bởi vì như anh cũng biết, mọi chi phí từ vé máy bay cho đến bảo hiểm sức khỏe, nó đều phải đưa vai ra gánh chịu hết. Em trằn trọc. suy nghĩ suốt mấy đêm liền. Cuối cùng em mới chợt nghĩ lại: Nếu không đi thì sau này lấy ai ra mà nuôi mình! Năm mươi mấy tuổi đầu rồi còn gì nữa! Vả lại, em sống cô quạnh chỉ có một mình. Bây giờ ở tuổi này thì khả dĩ còn tự săn sóc cho mình được! Nhưng đến mai mốt thêm dăm ba tuổi nữa thì biết tính sao? Nghĩ đến đấy em mới giật mình, hoảng hốt rồi quyết định một cách dứt khoát là ra đi. Dù sao thì sang bên đây cũng sướng hơn ở Việt Nam nhiều. Thiếu gì người muốn đi mà còn không được! Phải không anh?”
Người đàn ông di nhẹ gót chân xuống nền nhà.
“Trước đây anh cứ tưởng em có con với Kiệt. Hóa ra em chẳng có đứa nào cả.”
Ngẫm nghĩ giây lát, Bích lên tiếng hỏi:
“Còn anh thì sao?”
“Anh vẫn vậy.”
“Không! Ý em muốn hỏi về chị cùng các cháu.”
“À! Em muốn hỏi về chị Loan. Anh và chị ấy đã ly dị ngót sáu năm nay. Còn mấy đứa con thì đứa nào cũng lớn khôn hết cả rồi. Chúng nó đều lập gia đình và đã ra ở riêng hết. Ở Mỹ mà! Chúng nó có khi nào ở chung với mình đâu! Vì thế, tối sớm anh chỉ lủi thủi có một mình. Lâu lâu hoặc lễ lậy, chúng nó đáo ngang qua thăm bố vài ba tiếng đồng hồ rồi lại đi.”
“Kể ra thì cũng buồn anh nhỉ?”
“Riết rồi cũng thấy quen. Vả lại, đời sống cứ quay vù vù chẳng khác nào cái chong chóng, khiến cho mình nhiều lúc cũng chẳng có thì giờ để mà suy nghĩ.”
“Em thấy ngày xưa anh chị khắn khít với nhau lắm cơ mà.”
“Ngày xưa khác, còn bây giờ khác. Ngày xưa, đời sống bị đóng khung trong bối cảnh của xã hội Viêt Nam. Còn sang bên đây thì mọi thứ đều thay đổi. Người đàn bà bắt đầu đi làm và giao tế, hòa nhập với xã hội ở bên ngoài. Từ đó, sự suy nghĩ cùng cái nhìn có phần thay đổi, khác hơn. Chẳng riêng gì gia đình anh, mà phần đông các gia đình khác đều rơi vào cái tình trạng đó. Nhiều người đàn bà trước kia tỏ ra hiền hậu, nhưng sang đến bên đây thì tự nhiên đâm ra đổi tính, rồi sinh ra chuyện này, chuyện khác và cuối cùng thì đi tới quyết định là đường ai nấy đi. Xét cho cùng thì đời người ai nấy đều có số hết. Anh chẳng bao giờ tỏ ra thái độ trách cứ gì Loan cả. Tại cái số của mình như thế thì phải chịu vậy thôi, chứ biết nói sao bây giờ.”
“Từ ngày ấy đến giờ, có khi nào chị về thăm anh không?”
“Chẳng bao giờ! Ly dị xong thì họ cũng giống như con chim xổ lồng, bay đến một nơi thật xa, chứ đâu có còn thì giờ mà nghĩ đến chuyện thăm hỏi làm gì!”
Toàn nói xong, cất giọng cười ngất. Nụ cười chua chát, tiềm ẩn nỗi đắng cay, tê tái ở trong lòng. Bích ngước lên thành khẩn:
“Anh cho em xin lỗi. Vì quá tò mò nên nhắc đến chuyện buồn của anh. Mong anh bỏ qua cho em.”
Toàn xua tay, uể oải rời khỏi khung cửa rồi tiến lại ngồi xuống ở đầu ghế.
“Anh dùng tạm một ly cho khuây khỏa nhé!”
Toàn lấy giọng tự nhiên:
“Em cho anh một ly. Cả em nữa. Chúng ta mừng gặp lại.”
Bằng động tác thật khoan thai, Bích nâng chai rượu, nhẹ nhàng rót vào hai cái ly thủy tinh trong vắt rồi đẩy sang cho Toàn:
“Nào! Mời anh! Chúng ta mừng gặp lại nhau trên xứ người.”
Hai người nâng ly rượu lên môi rồi ngửa cổ uống cạn. Chờ cho hơi men thấm dần vào cơ thể, Toàn quay sang nhìn đăm đăm vào người Bích:
“Em vẫn còn đẹp như ngày nào.”
Bích hóm hỉnh:
“Anh dạo này lại biết nói đùa nữa cơ à! Già khú rồi còn gì nữa.”
“Già thì già! Nhưng nó vẫn có cái đẹp riêng của nó chứ.”
Bất giác, Toàn cất nhẹ lên tiếng thở dài:
“Chóng thật! Mới đấy mà bây giờ tất cả đều già hết cả rồi. Thế mới biết đời người chẳng khác nào cơn gió thoảng em nhỉ? Ngẫm cho kỹ lại thì mấy cụ mình ngày xưa nói chẳng sai tý nào.”
“Ngày xưa mấy cụ đều là nhà nho thâm trầm, uyên bác. Mà nhà nho nói ra chẳng khác nào như mũi gươm nhọn khắc hằn lên phiến đá. Nhắc đến mấy cụ là nhắc đến tấm gương sáng của người xưa để lại cho đời sau soi mặt. Nhiều lúc nhìn lại, mới thấy nuối tiếc cái tuổi thanh xuân. Em còn nhớ, dạo ấy anh đạo mạo lắm cơ mà! Đúng là nhà giáo có khác. Mẫu mực và nghiêm nghị. Mấy đứa nhỏ ở trong xóm học anh, chúng nó bảo anh khó lắm. Chúng nó còn nói, chẳng thấy khi nào anh cười! Anh có biết, chúng nó đặt cho anh cái danh hiệu gì không?”
Người đàn ông lắc đầu, Bích liến thoắng:
“Chúng nó bảo anh là thằng cha hắc ám.”
Nghĩ ngợi giây lát, nàng kể lể:
“Dạo ấy, em với Kiệt mới bắt đầu yêu nhau. Yêu say mê. Yêu cuồng nhiệt anh ạ. Ngày nào mà tụi em chẳng gặp nhau. Ngày nào mà chẳng hẹn hò. Hẹn hò riết rồi chẳng biết nói gì với nhau. Ngôn ngữ của tình yêu nhiều khi nó trở thành ngớ ngẩn anh nhỉ? Anh không biết đâu! Mẹ em ngăn cấm em nhiều lắm đấy. Cấm mãi mà vẫn chẳng thấy có kết quả. Mẹ em liền đổi sang chiến thuật tình cảm. Bà tỏ ra mềm mỏng, dạy dỗ, khuyên bảo em đủ điều mà em vẫn chẳng hề lay chuyển. Tức quá, bà bảo em là đứa con cứng đầu, không biết vâng lời cha mẹ. Bà còn gán ghép cho em cái tội bất hiếu nữa chứ! Em thấy mình chẳng có tội tình gì cả. Bao nhiêu đám đến dạm hỏi, em vẫn một mực chối từ. Mẹ em tức điên lên: Người ta đều là con nhà nề nếp, gia giáo, hiền lành, tử tế mà mày vẫn một mực không chịu. Mày cứ nhất định lấy cho bằng được cái thằng Kiệt. Coi cái mã ấy thì nó làm nên được cái tích sự gì, mà mày cứ mê nó như điếu đổ, hở cái con kia! Mẹ em đay nghiến em suốt từ ngày này sang ngày khác. Bà còn cấm đoán không cho tụi em gặp nhau. Cứ mỗi lần thấy anh ấy đi ngang qua nhà, thì y như mẹ em lại tỏ ra thái độ giận dữ, tức bực, biểu lộ qua các động tác mạnh bạo như đóng cửa hoặc la rầy con cái chẳng hạn. Ngày đó em đã nảy sinh ra ý định táo bạo, là bỏ nhà ra đi với Kiệt. Em tính ra đi thời gian ngắn rồi trở về, coi như gạo đã nấu thành cơm, thì dù muốn dù không, buộc lòng mẹ em cũng phải chịu thôi. Ai ngờ, Kiệt lại tỏ ra quá nhút nhát, không dám bỏ nhà ra đi với em. Anh ấy cứ bảo: Mình chẳng có cái nghề nào trong tay thì biết làm gì để mà sống! Bởi vì thế mà ý định ấy bị dẹp bỏ. Em nghĩ nát óc mà chẳng tìm ra được giải pháp nào khác. Mãi cho đến năm em thi rớt phần hai. Mẹ bắt em phải lấy một ông sĩ quan hành chánh quân y. Ông này phục vụ trong ngành quân y, chứ không phải là bác sĩ. Ông ta khá đẹp trai mà gia đình lại giàu có, ở mãi tận ngoài Nha Trang. Tính tình ông này tỏ ra rất lịch thiệp và hào phóng. Kể ra dạo đó mà lấy được ông chồng như thế thì tạm gọi là yên thân. Thời chiến mà có tấm chồng phục vụ tại đơn vị ở hậu tuyến thì kể như là người có diễm phúc. Nhưng em cứ một mực từ chối không chịu. Mẹ em hết mềm dẻo rồi lại trở sang cứng rắn. Có thể nói, lần này bà tỏ ra quyết liệt hơn. Nguyên nhân cũng chỉ vì má ông này là bạn học của mẹ em trước kia. Mẹ em làm dữ lắm. Lúc nào bà cũng tỏ ra hằn học đối với em. Tình trạng căng thẳng ấy kéo dài mãi cho đến khi cô em có dịp từ Đà Lạt về chơi, biết chưyện, mới ngỏ lời khuyên giải me em. Theo lời đứa em gái em nghe lóm được, kể lại: Chị làm riết khiến nó quẫn trí, rồi đâm ra dại dột, liều lĩnh quyên sinh thì chết. Chớ! Chị đừng có ép nó vào đường cùng thì nguy đấy. Con trai, con gái thời bây giờ thì khác với cái tuổi của chị em mình trước kia. Ngày xưa, bố mẹ đặt ngồi đâu thì mình phải ngoan ngoãn ngồi đấy. Còn bây giờ thì không được đâu chị ạ! Chúng ta không thể áp dụng giống như ngày xưa được. Làm bố mẹ ngày hôm nay thì khó khăn gấp vạn lần so với ngày trước. Nó đòi hỏi bậc làm cha mẹ phải hiểu được tâm lý của con cái mình muốn gì! Tốt hơn hết, chị cứ cho cháu nó có cái quyền tự do định đoạt. Trong thì nó nhờ, mà đục thì nó ráng chịu. Ngộ nhỡ sau này, nếu có chuyện gì xảy ra, thì nó cũng chẳng có lý do gì để oán trách mình được. Cô em nói nhiều lắm nên mẹ em mới xiêu lòng, chứ không thì bà cứ ghìm em mãi. Hôm đám cưới tụi em, bà vẫn tỏ ra vui vẻ với tất cả mọi người ở chung quanh, nhưng nếu nhìn kỹ trên sắc diện của mẹ em, thì sẽ thấy bà không mấy gì được vui cho lắm. Em biết, mẹ em không ưa gì anh Kiệt. Anh ấy chỉ là một anh công chức quèn. Học hành thì xoàng xĩnh chẳng đi tới đâu, mà gia đình thì lại không lấy gì gọi là khá giả cho lắm. Đấy chính là hai yếu tố then chốt khiến cho mẹ em không được hài lòng. Rốt cuộc rồi cũng xong. Tụi em chung sống với nhau tròn trĩnh vừa đúng năm năm, mà chẳng có đứa con nào ra đời. Rồi, đột nhiên Kiệt ngã bệnh và ra đi. Em buồn quá, chẳng khác nào như kẻ chán đời. Mà chán thật chứ anh! Nhiều người cứ tưởng rằng, dần dà rồi thời gian sẽ nguôi ngoai và thể nào em cũng bước thêm bước nữa! Nhưng, thật tình không ngờ anh ạ! Đến ngay mẹ em cũng phải sốt ruột kêu lên: Mày tính ở vậy cho đến mãn đời hay sao, hở Bích? Em chẳng nói gì cả! Tự nhiên em cảm thấy dửng dưng, chẳng còn tha thiết hoặc ham muốn gì nữa! Mặc dù dạo ấy cũng có khối ông theo đuổi, săn đón em. Nhưng trước cử chỉ cùng thái độ lạnh nhạt của chính em, khiến họ cũng đâm ra chán nản rồi từ từ dãn xa dần. Em chẳng hiểu tại sao cả? Ngay chính em cũng chẳng hiểu nổi về con người thật của em! Có thể, theo như anh nói, đời người ai nấy đều có số cả. Căn cứ theo như lời me em thuật lại, thì hồi còn nhỏ, có ông thày tướng số coi cho em. Ông ấy bảo: Số con bé này lớn lên sẽ đội tang chồng ở cái tuổi thanh xuân, và càng về già thì cô quạnh chỉ có một mình. Em nghiệm lại thì quả thật thấy đúng một phần rồi đấy anh!”
“Thế em có tính gì không?”
“Em mới sang đây, nên đường xá còn mù tịt, mà xe cộ thì lại chưa biết lái. Em chỉ mong rằng, sau khi lấy được cái bằng lái xe, tạm thời ban ngày em ra shop may làm để lấy tiền chi dụng cho hàng tháng. Còn ban đêm, em sẽ cố gắng đi học thêm về Anh ngữ để chuẩn bị cho bước đường kế tiếp, đó là giai đoạn học nghề. Em nhất quyết phải học thêm cái nghề để tự nuôi sống lấy bản thân mình. Anh thấy em tính như vậy có được không? Chứ con bạn em thì nó cứ dục: Mày nên học cái nghề nail đi, để sau khi có được cái licence ở trong tay, tao với mày sẽ bay sang tiểu bang khác để làm ăn. Nó còn nói: Mình phải ráng chịu khó thêm vài ba năm nữa, để kiếm số vốn khả dĩ rồi hãy quay trở lại đây, chuyển sang nghề khác để làm ăn.”
“Bước đầu thì ai cũng vậy. Dần dà rồi cũng sẽ qua đi. Bên đây thì đời sống khác hẳn với quê nhà. Vì thế, nó đòi hỏi mình phải có sự kiên trì ở trong đấy.”
Bên ngoài, gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Dự báo thời tiết ngày hôm qua cho biết đêm nay sẽ có bão lớn. Tiếng gió rít xoắn rùng rợn trên các tàng cây ngoài hiên nhà, kéo theo những ánh chớp dồn dập lóe lên tận ngoài xa như báo hiệu cơn mưa sắp kéo đến. Toàn lẩm bẩm:
“Trời sắp mưa rồi.”
Dáo dác nhìn chung quanh, Bích bỗng kêu lên:
“Ấy chết! Gần ba giờ sáng rồi đấy anh!”
Toàn ôn tồn:
“Thôi! Đi ngủ đi em. Khuya lắm rồi. Mải nói chuyện nên chẳng để ý gì đến giờ giấc. Sáng mai, anh sẽ đưa em đi ăn, rồi đến chiều anh chở em về dưới đó.”
“Em làm phiền anh nhiều quá.”
“Có gì đâu mà phiền! Chỗ anh em mà.”
Ngừng lại vài giây, anh dơ tay chỉ vào phía trong:
“Em vào phòng anh mà ngủ. Trong ấy có đầy đủ hết. Có rest room và bàn chải đánh răng cùng mấy bộ đồ ngủ còn mới toanh, chưa ai đụng tới. Em cứ tự nhiên coi như ở nhà. Đừng có ngần ngại gì cả.”
“Anh để cho em nằm ở ngoài này cũng được.”
“Em là đàn bà, con gái, đâu có thể để nằm ở ngoài này được. Nhỡ mai mốt vợ chồng Thu biết chuyện, rồi tụi nó sẽ đánh giá thế nào về con người của anh. Thôi! Vào trong ấy ngủ dùm tôi đi cô.”
Bích liếc mắt nhìn sang Toàn khẽ mỉm cười, rồi từ từ đứng dạy, khoan thai tiến dần vào phía trong. Tới cửa phòng, nàng còn ngoái lại:
“Gớm! Bao nhiêu năm không gặp, anh bây giờ cũng ghê đáo để.”
Chờ cho Bích vào đến tận bên trong và cánh cửa phòng ngủ tư từ khép lại, Toàn rướn người, vươn tay bấm nhẹ vào cái công tắc điện gắn ở gần đấy. Ánh sáng chợt phụt tắt và bóng tối bắt đầu ngự trị, lên ngôi. Anh lưỡng lự giây lát rồi ngả lưng nằm xuống. Có tiếng sấm đì đùng, gầm thét ở đằng xa và cơn mưa bắt đầu ào ạt kéo đến như muốn cuốn phăng đi mọi rác rưởi, bụi bặm, phiền toái ở tại đời sống này. Toàn đặt nhẹ tay lên trán, miên man nghĩ về thân phận, về cuộc đời. Cuộc đời chẳng khác nào giấc chiêm bao, là cơn gió thoảng, là bóng chim vụt qua khung cửa, để rồi vào buổi hoàng hôn nào đó, đột ngột xuôi tay giã từ khỏi đời sống phù phiếm này, bước sang cái thế giới của hư vô, đi về với tro bụi. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh cảm thấy ngán ngẫm, tê tái.
Chán nản, anh uể oải, xoay người, quay mặt vào thành ghế, lim dim đôi mắt tìm giấc ngủ./.
Trang Luân