Đối với một người Mỹ làm việc bình
thường thì mỗi năm có một kỳ nghỉ lễ dài nhất là ngày Lễ Tạ Ân – Thanksgiving –
kéo dài từ thứ Năm đến Chủ Nhật của tuần lễ cuối tháng 11. Lễ nầy liên quan đến
“ân tình” giữa dân da trắng và da đỏ châu Mỹ trong buổi đầu lập quốc của nước Mỹ
chứ chẳng liên quan gì đến tôn giáo nào cả. Theo tthông lệ, ngày thứ Năm ăn gà
Tây, ngày thứ Sáu là ngày mua sắm bận rộn nhất trong năm trên toàn nước Mỹ. Đó
là ngày Thứ Sáu Đen – Black Friday – vì thiên hạ đổ xô đi mua hàng đại hạ giá.
Người mua phải xếp hàng chờ thâu đêm đợi các cửa hàng mở cửa, gây cảnh phố xá
đông nghẹt người, đường sá kẹt xe, hàng hóa chất đầy, khách hàng xuôi ngược,
xách mang hụt hơi nên trần gian xinh đẹp nầy bỗng thành… đen thui, đen
thủi!
Bé Na từ New York về thăm nhà ở Cali
nhân dịp lễ Tạ Ân. Khác với mọi năm, sáng ngày Black Friday năm nay, tôi ngạc
nhiên vì cô con gái út thức dậy rất sớm, nhưng ngồi lặng lẽ trong phòng và không
hề nhắc đến chuyện mua sắm như mọi năm. Mấy chị hỏi, Na trả lời đơn giản: “Na có
các thứ đủ dùng rồi. Để cho mấy người còn thiếu đi mua.” Tôi hơi ngạc nhiên vì
thái độ trầm tĩnh của cô gái út thường láu táu nhất nhà. Mặc dầu bé Na cũng làm
nghể thầy thuốc Tây, hàng ngày phải làm việc với bệnh nhân trong phòng mạch như
hai cô chị, nhưng bản tính hồn nhiên cười to, nói tếu pha chút nghịch ngợm với
người thân vẫn không khác đi từ khi ra trường làm việc. Ngạc nhiên với sự thay
đổi, tôi phải hỏi loanh quanh hoài bé Na mới tiết lộ là dạo này thích ăn chay và
thường tu học thiền tịnh với các nhà sư Tây Tạng sau giờ làm việc hơn cả năm nay
rồi.
Giữa ngày, trời bỗng mưa to gió lớn.
Cơn bão đầu mùa đang đến. Mấy cô chị, cô em có vẻ thất vọng ra mặt vì chiều nay
cả nhà phải đi ăn đám cưới con gái bác Thuận, một người rất thân vượt biển Đông
cùng ghe với gia đình chúng tôi 30 năm trước. Ấu Hương, cô dâu, là bạn thân của
bé Na nên đã mời Na làm người điều khiển chương trình cho tiệc cưới. Ngoài lý do
là đôi bạn thân, còn có lý do tế nhị hơn nữa về ngôn ngữ và văn hóa vì đây là
cuộc hôn nhân của hai gia đình Mỹ - Việt nên cần một người trẻ nói được cả hai
thứ tiếng và biết ứng xử tự nhiên những nét có liên quan đến văn hóa cả Ta lẫn
Người trước đám đông. Những người ăn mặc đẹp đẽ, áo quần tươi tắn như hoa mà mặt
buồn rười rượi. Nhìn lại, chỉ có bé Na là không bị bụi mưa thấm đẫm khuôn mặt và
nụ cười.
Giờ mời tiệc cưới đã tới gần mà cơn
mưa bão vẫn còn vật vã. Ra khỏi nhà, đúng là cảnh “nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ
ruột”. Xa lộ số 5 với tốc độ thường ngày 120 cây số một giờ như đông đặc lại với
bốn dãy xe nối đuôi nhau chạy chậm rì rì. Xe cảnh sát, xe câu, xe chữa lửa, xe
cứu thương hụ còi inh ỏi, đèn chớp loang loáng. Hết chiếc nầy đến chiếc khác
chạy luồn lỏi giữa các dòng xe. Mọi người ngồi ẩn kín trong xe. Tôi ngồi ghế
trước với bé Na cầm tay lái. Những “hành khách tài xế ghế sau” là bà mẹ và mấy
cô chị bẻm miệng cũng là những tay lái xe đầy tinh thần Lương Sơn Bạc vì thường
níu giờ làm đẹp, phải chạy đua tới nơi làm việc cho khỏi trễ giờ vào phút chót.
Cô nầy hiến kế là phải lấn bên nầy, lách bên kia để lợi đường hơn một quãng. Cô
kia cố vấn là phải tăng tốc đổi qua lối bên cạnh để chiếm thế thượng phong…
Nhưng mặc ai nói ngã nói nghiêng, thì Na vẫn tỉnh như kiềng lửa xăng. Nhìn vào
khuôn mặt tĩnh lặng như không có gì đáng chú ý của bé Na, lại đến lượt bố già
nóng ruột lên tiếng, tôi hỏi:
- Sao con không gắng vượt trước một
vài xe. Mình có việc cần mà.
Bé Na mỉm cười hiền hậu:
- Thì biết đâu người ta cũng cần như
mình.
- Mình khác họ vì mình có đám cưới
đang chờ. Con lại làm em xi – Master of Ceremony – nữa nên cần đến sớm
hơn.
- Dạ, con biết. Trời gần tối rồi, lại
gặp lúc mưa bão nên ai cũng có người chờ hết ba ơi.
- Con nắm chương trình trong tay, nếu
trễ thì làm sao ăn nói với người ta.
- Mình giữ lời hứa, làm đúng hết sức
mình đến sớm nhưng gặp chuyện trở ngại bất ngờ thì đành chịu thôi. Lo lắng cũng
không làm mưa gió lặng được ba à.
Ngoái nhìn đằng sau thấy toàn cả
những khuôn mặt đầy dáng vẻ căng thẳng. Nhưng liếc nhìn cô con út đang lái xe,
vẻ mặt vẫn thư giản và bình lặng. Tôi cảm thấy sự nôn nao của mình dịu lại.
Dường như sự an tịnh tạo ra được một không gian xa tít tắp để cuốn hút những dấy
động ưu tư tạm thời vào thanh thản. Bé Na nhìn bố già cười tươi và bắt gặp nét
cười thân thương trả lại.
Chúng tôi đến nhà hàng Happy Garden
đã quá giờ mời nhưng khung cảnh vẫn còn trống trải. Khách dự tiệc cưới trú mưa
trong xe đóng kính bịt bùng, chen chúc trên những ngã đường đầy mưa gió bây giờ
mới lục tục kéo đến. Tất cả đều thoáng vẻ mệt mề vì lo sợ bất an trên đường đi
và chưa dịu bớt sự căng thẳng vì lo lắng trễ giờ. Vừa bước vào cửa nhà hàng, gia
đình bác Thuận và Ấu Hương đã ùa tới. Ấu Hương ôm chầm bé Na, giọng vui mừng và
xúc cảm đến muốn khóc:
- Hú hồn hú vía, tao mừng quá vì mi
tới được. Cứ sợ mưa bão mi không tới được hay tới trễ giờ thì chết tao
thôi.
Bé Na nói nhẹ nhàng:
- “Don’t worry”! (đừng lo mà mệt),
tụi mình vẫn sống nhăn răng đây nè. Tao tới “trễ sớm” một giờ mà vẫn còn bị sớm.
Hì, hì… chờ bà con tới đông hơn chút nữa tụi mình sẽ bắt đầu vô chương trình mi
nghe.
Bé Na xuất hiện trên sân khấu với vẻ
tươi mát, nhẹ nhàng. Trong một dạ tiệc năm sáu trăm người vừa qua những giờ phút
lên ruột trong cơn mưa bão, giọng nói trong trẻo cả tiếng Việt phụ tiếng Anh và
dáng dấp thanh thản, thân tình, duyên dáng của người điều khiển chương trình đã
cuốn hút cả khách Việt lẫn khách Mỹ.
Từ phía bàn khách dành cho người thân
ngay trước sân khấu, tôi không rời mắt theo dõi bé Na. Suối nguồn tâm linh đã
thay đổi điệu sống của con người, một điệu sống hài hòa và an lạc.
Sau buổi tiệc cưới gần như hoàn mãn,
trên đường về, hai bố con lại rì rầm nói chuyện. Tôi tò mò hỏi bé Na:
- Các nhà sư Tây Tạng đã dạy cho con
những điều gì mới lạ?
Bé Na trả lời gọn lỏn:
- Dạ, mấy Thầy dạy Thiền Giữa
Đường!
Suýt nữa tôi cười to, hỏi
lại:
- Cái gì là thiền giữa đường. Sao lại
có pháp môn “Thiền Giữa Đường” kỳ cục vậy kìa?!
- Dạ đó là Middle Path hay Middle Way
mà Thầy có nói thêm bằng tiếng Ấn Độ là Madhyama-pratipada hay
Majjhima-pratipada gì gì đó khó đọc quá mà con quên mất rồi!
Tôi bỗng nhớ ra và cười giòn khoái
chí, giải thích:
- A, đó là Trung Đạo; là con Đường
Giữa chớ không phải là ở giữa đường. Đây là con đường đi mà Đức Phật đưa ra để
tránh những cực đoan trong cách sống và tu học.
- Con dốt tiếng Việt mà ba làm con rối mù rồi
đó. Cực đoan là gì ba?
- Hà, hà… cực đoan là chỉ theo về một phía. Nếu
chỉ có một phía bên nầy thì sẽ có phía bên kia đối nghịch lại. Phía nầy mạnh thì
phía kia cũng mạnh. Phía nầy nhẹ thì phía kia cũng nhẹ. Nên khi không dính mắc
vào bên nầy thì sẽ tránh được phản ứng bên kia. Như thương lắm thì sẽ có ngày
ghét lắm. Thương chút chút thì sẽ có ngày ghét chút chút. Trong cái nầy đã chứa
sẵn cái kia. Hai phía cực đoan ấy cứ đối chọi qua lại với nhau hoài không bao
giờ ngừng nghỉ.
- Dạ, con nhớ ra rồi. Thầy Lạt Ma dạy con có kể
chuyện ngày xưa Đức Phật cũng đã thử như thế. Ngài đã bỏ giàu sang để tìm khổ
cực. Ngài đã nhịn ăn, sống đói rách để quên mình mong tìm được điều tốt đẹp.
Nhưng cách đó không “work”, nên Ngài phải trở lại đời sống bình thường thì mới
thành ông Phật phải không ba?
Tiếng cười tươi dòn của bé Na kéo tôi về thực
tại và hỏi:
- Vậy con có khi nào thực tập “Thiền giữa
đường” chưa?
Đến lượt bé Na ngạc nhiên hỏi lại:
- Thì con đã sống theo “Thiền giữa đường” từ
hôm về thăm nhà đến giờ Ba không thấy à?
Tôi đặt tay lên vai con gái, hỏi
dồn:
- Khi nào vậy con?
Bé Na nói như cười vui với chính mình, kể
ra:
- Buổi chiều từ New York về Sacramento, vì trời
sương mù, máy bay trễ mất ba giờ, cả nhà lo, mẹ gần khóc nhưng con không thấy lo
lắng vì máy bay trễ do thời tiết là thường. Chiều nay lái xe dưới trời mưa bão,
nhưng con vẫn cảm thấy không khác gì như đi trong trời tạnh nắng. Ngồi trong xe,
ba mẹ và mấy chị ai cũng muốn chen lên, vượt người khác vì sợ trễ giờ, nhưng con
không thấy gì cần phải giành đường hơn thua với người khác vì họ cũng muốn đi
đâu đó sớm như mình thôi. Vào nhà hàng, nhiều người chưa hết lo sợ, nhưng con
lại thấy bình an và vui lòng giúp bạn… Thầy con gọi như vậy là sống thiền, sống
đạo đó ba.
- Ừ, thì “bình thường giai thị đạo”
mà.
- Nữa, ba lại nói Sino-Vietnamese (Hán Việt)
làm con không hiểu gì hết.
- Ba quên. Câu đó có nghĩa là khi mọi cái đều ở
chỗ bình thường, nghĩa là không bị lay động làm mất đi thế đứng yên ngay chính
giữa như không cao không thấp, không sướng không khổ, không ghét không thương,
không vội không chậm… như con lái xe chiều hôm qua là gần với đạo, là gần ở thế
Trung Đạo.
- Dạ, thầy Lạt Ma cũng nói vậy. Thầy dạy thiền
là sống với “mind” (tâm) chớ không phải sống với “body” (thân). Thân có thể
nằm, ngồi, đi, đứng nhưng tâm vẫn ở “giữa đường” là thiền.
Tôi lại cười và nhắc:
- Ở Trung Đạo chớ không phải là ở giữa
đường.
Bé Na như khám ra một điều gì mới lạ, kêu
lên:
- Ơ! Mà con “thiền giữa đường” thiệt đó ba.
Ngày nào con cũng phải lái xe đi làm xa. Đường Freeway ở New York kẹt xe khiếp
lắm. Nhớ lời Lạt Ma, con đi sớm không sợ trễ, không phiền vì trời sương mù,
không vui vì trời nắng hay mưa, không buồn vì trời mưa hay nắng. Lái xe là lái
xe. Cứ nhắm thẳng đường mà chạy, không chen, không lách nên khỏi động đến ai nên
cũng không có ai động đên mình. Gặp khi kẹt xe thì chạy nhanh, chạy chậm hay
dừng theo xe trước; người ta sao mình vậy. Không lo, không sợ, không buồn, không
giận ai làm gì cho mệt.
Nghe con bé kể chuyện lái xe trên đường cũng
hay hay, nhưng vẫn còn thắc mắc, tôi hỏi:
- Như vậy con chỉ có “thiền giữa đường” khi lái
xe thôi sao?
- Ui cha! Nhiều nhiều lắm kể không hết đâu. Khi
con thấy vui và chẳng lo lắng gì trên đường chạy xe thì con tìm ra được nhiều
thứ khác mà mấy năm trước con không thấy, không nghe. Trên đường đi con thấy rõ
những con đường và con đường nào cũng có vẻ hay riêng của nó. Có khi con đọc
được những câu vui vui, hay hay của người đi trước dán sau xe. Cũng có lúc con
nghe cả hơi thở của mình ra vào mà thương cái mũi mình làm việc nhiều quá không
có “vacation.” Rồi cái vui cứ theo con đến chỗ làm việc. Con thấy đôi mắt của
người nào con khám cũng đẹp mà trước đây con thường thấy đôi mắt người trẻ thì
đẹp, người già thì xấu, chỉ có mắt bệnh hay mắt khỏe thôi. Khi con tự vui trước
thì người khác cũng vui theo. Rồi nhiều người thích con và con cũng cũng thích
họ tự nhiên mà không cần cố gắng nói nhiều chi cả.
Tội nghiệp con bé cố tìm cho ra chữ, ra câu để
kể chuyện vừa qua cho bố già nghe và quay về với thực tại:
- Chừ ngồi đây với ba mẹ và gia đình, sáng sớm
mai con về lại New York rồi, nhưng con không cảm thấy mình buồn muốn khóc như
mấy lần trước vì ở đâu mà con thương mẹ, thương ba, thương anh chị em thì con
đang có ba mẹ và gia đình bên cạnh và trong tâm con rồi.
Tôi rơm rớm nước mắt vì cảm động và thương con,
đồng thời có dịp suy tư về con đường Trung Đạo. Dẫu được gọi dưới bao nhiêu danh
từ, định nghĩa qua bao nhiêu khái niệm, biện luận qua bao nhiên nan đề thì con
đường chính giữa, ngay thẳng, không một mảy may dao động vẫn là con đường hóa
giải hận thù, thuần hóa đua tranh và dụng trí cứu khổ.
Thật đáng vui vì bé Na không bị kẹt giữa những
luận thuyết quá cao xa về đạo Phật. Người thuyết giảng đạo Phật có tài cũng ví
như người nấu ăn ngon. Khi món ăn thơm ngon do một đầu bếp giỏi nấu ra thì người
mù chữ hay nhà đại khoa bảng đều cùng thưởng thức hương vị thơm ngon của thức ăn
mà không cần lý luận quanh co, không cần nhãn hiệu.
Đạo Phật đơn giản mà rắc rối như một dòng sông.
Trăm nguồn trộn chung về một nhánh; trăm nhánh trộn chung về một dòng; và trăm
dòng rồi cuối cùng cũng trôi ra biển cả.
Bởi vậy, chẳng lạ gì người theo Nhất thần thì
cho đạo Phật là “duy vật” vì không tin có một Đấng Sáng Tạo sinh ra muôn vật.
Người theo Đa thần thì cho đạo Phật là “duy tâm” vì ai cũng có ông Phật, ông
Thánh, ông Bồ Tát, ông Thiện, ông Ác trong tâm; hễ dụng công tìm cầu ai thì gặp
nấy. Người theo Duy vật lại cho đạo Phật là “dầu Cù là” vì chỉ thoa dịu vết đau
tạm thời mà không chữa lành bệnh tình nhân thế. Người theo Duy tâm lại cho đạo
Phật là thuốc “Xuyên Tâm Liên” vì bệnh gì cũng dùng được như “vạn pháp đều là
Phật pháp”. Tất cả họ đều đúng khi nhìn từ vị thế của mình. Nhưng tất cả đều sai
hay ít nhiều khập khiễng khi xét từ thế Trung Đạo.
Vì đạo Phật không có một con đường mà có quá
nhiều con đường thường được gọi là “vô lượng pháp môn” nên tuổi trẻ như bé Na
cần phải có nơi nương tựa tinh thần. Tìm về đạo Phật mà không gặp được ân sư
chân chính là những bậc chân tu thì sẽ rất dễ rơi vào cảnh “rước lang băm về
chữa bệnh, rước thầy cúng về trừ tà.” Cuối cùng, phải đối diện với cảnh niềm
tin bị đổ vỡ. Hệ lụy khó tránh được là sự buông tay trôi theo những dòng cuốn
thực dụng của chiến lược cải đạo toàn cầu đang diễn ra khắp nơi
với kế sách “chinh phục tâm lý để hoán chuyển tâm linh”. Dẫu đó là một cách
chinh phục mang tính bản năng tương tự như lề thói “lấy tình dục chinh phục tình
yêu” giữa cảnh đời thường; nhưng nhất thời vẫn lôi kéo được bao người ra khỏi
đường Trung Đạo.
Nếu chiều nay được đi lại trên con đường cũ –
dẫu ở quê hương hay ở quê người – thì tôi vẫn nhớ “thiền giữa đường” như một
hình ảnh rất vui nhắc nhở rằng ở Việt Nam đang có một phong trào gieo cười, tìm
cười, tập cười với phương châm “vui là chính” gọi là Đạo Cười. Người theo Đạo
Cười cho rằng Hội Long Hoa đang khai diễn và đức Phật Di Lặc đang hóa thần về
trần xung quanh chúng ta: Ai biết cười là người Di Lặc! Đạo Phật là con đường
cứu khổ mua vui. Có ông bạn thi sĩ đàn em của Bút Tre đã đổi luôn cả ca dao để
kiếm một nụ cười rất… “thiền giữa đường”:
Dẫu xây chín đợt phù đồ,
Sao bằng làm phước chọc cho phải
cười!
Việt Nam ta có tới mấy mươi kiểu cười, nhưng
toàn cả những nụ cười có đeo theo vũ khí. Chỉ có độc nhất một kiểu cười: Cười
thống khoái phát ra từ cái tâm mở rộng, bình an, vô sự, vui thật trong lòng,
không so đo tính toán như… Thằng Bờm có cái quạt mo.
Sacramento, mùa Noel 2011
Trần Kiêm
Đoàn
|