văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, January 10, 2012

Mh.Hoài Linh Phương * Tùy bút




Ừ, hình như mai xuân về người ạ!
Mai xuân về rôi tình vẫn chia xa
Người vẫn đó, nhưng ngàn năm xa khuất
Vẫn những ngậm ngùi, đau đớn riêng ta...

( Hình Như Mùa Xuân – MHHLP)


Chuyến đi xa bắt đầu hình thành trong tôi từ một buổi tối...
Về ngang hiệu café Starbucks ngào ngạt thơm nồng được gói thành quà tặng cuối năm, tôi ngẩn ngơ buồn. Tiếp tục lang thang cho hết một vòng IDS Center hòa trong giòng người hối hả, với đèn hoa rực rỡ, đón chờ năm mới, tôi đã tự hỏi sao tôi không về bên cạnh những thân yêu cho lòng ấm áp phút tàn năm.
Với Nghi – em trai tôi, cách xa gần ba ngàn dặm, nhưng tình chị em vẫn đầy ắp dâng tràn như ngày còn thơ ấu. Và với Alain, Louis, những đứa cháu, mắt sáng, ngời trong, da thơm và mát như thạch, ngon như quả táo đầu mùa, líu lo như chim, nhưng cũng bi bô, ngọng nghịu trong từng câu nói đầu đời đã là những thôi thúc dễ thương, thầm lặng. Phải rồi, sao tôi không về Little Saigon – một quê hương thu nhỏ – cho tôi vơi đi nỗi nhớ mưa nắng Saigon, cho tôi nhìn lại chính tôi.


Tiếng của người tiếp viên phi hành, thời tiết Los Angeles rất ấm : 60 độ khi chuyến bay chuẩn bị đáp xuống phi đạo, cho tôi nhẹ nhõm người, mỉm cười một mình, vì ít ra là cũng thoát được một nơi khởi hành chỉ ở 12 độ âm.
Áo coat màu bồ quân, dày nâu, và khăn quàng màu gõ quý, cho tôi không giống ai, lạc loài ở phi trường, như người tới từ Alaska. Cali mùa đông vẫn chỉ áo T. shirt, quần jeans, đôi khi thấp thoáng một vài bộ hành với jacket nhẹ khi đêm đã vào khuya hay trời còn sương sớm.

Nghi ôm chặt tôi. Hai chị em phải đi ăn tối ở một nơi còn mở cửa muộn. Khách hàng thưa thớt, tất bật cho một năm mới gần kề. Tôi lơ đãng nhai những cọng mì dòn nhưng nhão nhừ trong cổ họng. Miếng sandwich cho dinner lạnh ngắt trên máy bay vẫn còn làm no ứ.
Hơn mười năm xứ người, phải nhập gia tùy tục, mà sao tôi vẫn chưa “ quen “ được những món ăn Mỹ. Cứ nhạt nhạt, ngọt ngọt, không biết làm sao. Trong khi bánh mì Pháp lúc nào cũng nóng dòn, thì sandwich Mỹ, ngàn năm giữ trong ngăn lạnh. Cho nên, chẳng trách những nhà hàng bán món ăn Pháp thật đắt hàng khi khách Mỹ biết thưởng thức gout ăn uống lịch lãm của dân Parisien.
Đêm bên ngoài nhè nhẹ bình yên. West Garden Inn ở Garden Grove im lặng, ngủ say khi cô bé con receptionist ở quầy lơ đãng lim dim trên một tờ tạp chí. Xe khách xa trong parking đầy kín. Cách kiến trúc của hotel bình dị với những dãy nhà ngang, cho tôi liên tưởng đến những tháng năm nội trú ở quê nhà từ một thời tuổi nhỏ. Ngôi trường Saint Esprit với các Soeur Dòng Mến Thánh Giá. Dãy nhà nguyện, với hoa sứ trắng rụng đầy sân. Hoa ngọc lan ngát nồng hương mỗi tối. Chúng tôi – đám nữ sinh nội trú, ăn ngủ, học hành, đọc kinh theo một thời khóa biểu ấn định, sống kỷ luật như những thanh niên trong trại lính. Chỉ được đón về nhà với Ba Mẹ khi Tết đến hoặc mỗi dịp hè sang. Cuộc sống đều đều một nhịp trong thời niên thiếu, nhưng chẳng biết sao, tôi bằng lòng chấp nhận, không buồn phiền, than oán, dù nhà tôi ở đường Trần Hưng Đạo, chỉ cách nơi nội trú ba blocks mà thôi. Có lẽ vì vâng lời khuyên nhủ của Mẹ tôi. Mẹ muốn gửi tôi vào sống với các soeur, để được rèn luyện, dạy dỗ cho nên người.
Và có thể cũng từ trong nỗi tĩnh lặng đó, tôi mới tìm đến thơ văn như một an ủi cho riêng mình. Cô bé con lên mười với áo dài xanh đồng phục, quần còn ống thấp, ống cao đã tập đứng vững chải một mình giữa bao người xa lạ, khi những đứa trẻ con cùng lứa tuổi vẫn êm đềm bên gối Mẹ Cha. Nhưng nhìn lại, phải chân thành cám ơn Ba Mẹ tôi, nhờ vậy về sau trong tuổi trưởng thành, tôi mới có thể đương đầu với bao thăng trầm, dâu bể.

Tôi nhớ những ngày gần Tết, học trò lần lượt được đón về nhà. Khu nội trú vắng im, tôi thơ thẩn ở vườn sau nhìn các chị đang tu để trở thành soeur, tưới cây bằng những gàu quay ở giếng. Lần đâu tiên biết điều ấy, tôi vô cùng thích thú, vì ngồ ngộ làm sao. Bây giờ nghĩ lại, sao các soeur, không làm giếng máy cho đỡ nhọc công. Ngay giữa thành phố mà cứ như ở mãi một miền quê xa tít nào. Hay là phải như thế, vì các chị đang trong thời kỳ “huấn nhục “ trước khi khấn trọn đời...
Nếp sống nội trú quen thuộc đến độ, có lần tôi có ý định đi tu vào năm 12 tuổi. Tôi thương hết mọi khuôn mặt quanh mình. Từ Soeur Marie Christiane dạy Pháp Văn, cũng là giáo sư hướng dẫn lớp, với nét chữ rắn rỏi, dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt sáng, tưởng chừng nghiêm khắc, nhưng tình cảm đầy ắp, tràn bờ. Soeur rất thương tôi, vì môn tiếng Pháp, tôi được ghi nhận là xuất sắc, được xướng danh nhiều lần, sau buổi chào cờ hàng tuần vào sáng thứ hai. Chỉ vì Dictée lúc nào tôi cũng viết không lỗi. Récitation về những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, tôi thuộc như máy. Cũng như khi làm Rédaction, tôi cũng phóng bút văng mạng, nhưng bù lại, rất chính xác Grammaire. Chẳng giỏi giang gì, nhưng có lẽ giữa đám học trò mù, tôi anh chột nên được làm vua.
Soeur Marie Christiane là môt hình ảnh mẫu mực mà tôi vươn tới. Nên thương soeur, tôi cũng muốn đi tu là vậy. Giữa thời buổi đó mà Soeur lái xe trường nhanh như gió thật cừ khôi. Đưa các soeur trong trường đi thăm các tu viện và cô nhi viện khác ở các vùng Cái Sắn, Củ Chi, Vũng Tàu, Bà Rịa... Nét chữ Soeur viết trong sổ liên lạc gia đình hay học bạ đẹp hết chỗ chê. Mạnh bạo, và sắc nét như đàn ông. Tôi mơ mình được như Soeur. Nên chú Hy tôi ngạc nhiên khi khám phá chữ viết tôi với những nét đá lên, sổ xuống y hệt con trai năm tôi 14 tuổi là vì thế.
Đến Soeur Rosalina, rất trẻ trung, nhưng đôi mắt thẳm sâu chìm trong khuôn mặt chịu đựng, dạy L’Anglais Vivant. Bài học nhập môn “ This is Jack. Jack is a boy... “, cho tôi nhớ mãi một thời... những cây bàng xoay tròn trong khuôn viên trường cũ, những ngày sắp Tết trời nổi gió, tôi nôn nao chờ Ba tôi đến đón về sum họp với gia đình trong tiếng pháo giao thừa, dưa hấu đỏ, bánh chưng xanh

Con sông tuổi thơ đã trôi xa, không bao giờ trở lại, nhưng có phải trong ký ức dễ thương vẫn lưu giữ trong ta yêu dấu muôn đời.
Nước nóng từ bồn tắm làm tôi tỉnh táo khi giũ hết bụi đường với gần bốn tiếng đồng hồ bay và hai tiếng delayed vì chờ máy bay Orlando về trong cơn mưa bão.
Tôi bỗng nhớ Vinh. Lá thư của Vinh đã khua đông trong tôi bao ngày tháng cũ…... Mới đó mà mười hai năm. Saigon quấn quít yêu thương và chứa chan kỷ niệm. Những ngày giáp Tết, chân bước bên người qua phố đông vui. Nguyễn Huệ chợ hoa rực rỡ một góc trời hàm tiếu.Đâu biết trong tiếng cười là tiếng khóc chực chờ sang.
Phải không anh, có hạnh phúc nào không chen lẫn đắng cay khi chúng ta đã lìa nhau như chim xa rừng, như thuyền bỏ bến. Nước mắt xuân thì lại chảy xuống cho cuộc tình tan.
Em đã lặng lẽ bước đi, không ngoái đầu nhìn lại. Cho nguôi quên những cay đắng, ngậm ngùi. Đã hết. Đã thôi. Từ ngày tháng ấy... Ta không thể nào còn nữa riêng nhau.
Bây giờ, ta biết tìm nhau ở đâu, khi mùa xuân chỉ môt lần đi và đến. Ngày hôm nay không thể nào còn nữa chuyện hôm qua. Em đã sống được đời em. Bằng lòng. An phận. Đã mười hai năm, như nước chảy qua cầu...
Không đinh, nhưng tôi đã bước về phía nhà sách Tự Lực. Chỉ cách hotel tôi ở một block đường thôi. Quán sách nhỏ nhưng đầm ấm, tình thân. Người bán ân cần, chu đáo. Năm nào về Little Saigon, tôi cũng ghé đây để tìm sách mới. Tôi ôm một mớ sách của Nguyễn Thụy Long, được discount phần tiền lẻ. Tôi hỏi đùa. Ông không tặng cho khách hàng thân tín cái mũ mùa đông hay sao, cái mũ mùa hè mang tên Tự Lực tôi vẫn còn giữ đó, để đi Picnic, câu cá và bơi thuyền khi Minneapolis vào hạ. Người quản lý cười, cám ơn chị về ý kiến hay, nhưng chúng tôi chưa có. Tôi quên hẳn một điều Cali làm gì có mùa đông. Nếu tôi không muốn ôm thêm một cái mũ mùa hè về xứ tuyết, thì cũng đành thôi.
Trên phố Brookurst, vẫn dập dìu xe cộ ngược xuôi. Người ta yêu nhau như đã yêu nhau. Tôi nhớ lời Nghi dặn, bánh xèo Vân bên này, và Nem nướng Ninh Hòa Bonard bên kia. Thưởng thức để nhớ quê nhà. Một quận lỵ nghèo sát biển, miền quê Ngoại, ở đó những mẻ cá tươi xanh từ làng chài Dốc Lết, những hàng phi lao xỏa tóc rì rào trên đồi cát trắng, đời sống an bình dân dã, những dấu chân trần trên bờ cát ướt để tìm kiếm những rỗ ghẹ, những con cua đầy gạch đỏ au, cho du khách hương vị đậm đà, hít thở khí trời trong lành mênh mông biển cả.
Ngưòi sành ăn vẫn nhắc nhở về nem Thủ Đức, nem Lai Dung... Nhưng có lẽ họ chưa được ngược về miền Trung để thưởng thức nem Ninh Hòa, nổi tiếng về dòn, thơm, với mùi tiêu, mùi tỏi sống, đươc gói bằng lá vông bên trong, lá chuối bao ngoài, tiếng vang ra xa ba miền đất nước.

Những Tết ấu thơ ở miền quê Ngoại, chỉ cần có hai đồng lì xì mới trong tay, là tôi có thể chễm chệ làm thực khách ngồi chờ ở hàng nem nướng đợi đến phiên mình. Cuốn nem tròn với chả ram, nem nướng, xà lách, rau thơm, dưa leo, chuối chát, khế... đươc gói thoăn thoắt từ tay bác Bốn Thành, người đàn bà bán buôn dễ thương nhất xóm, luôn làm dich vị được tiết từ kẻ răng khi đươc dùng với một loại nước chấm đặc biệt quyện lại, xay nhuyễn từ gan heo, thịt bầm và tôm tươi giã nhỏ. Bác Bốn lại thường cho thêm tôi một vài khoanh nem, và chả ram nhâm nhi cho quên trời, quên đất. Sau khi no nê, tôi mới về nhà, cùng bạn bè bé con vui chơi bầu cua cá cọp.
Nhưng không phải mùa xuân nào cũng đứng gió. Tuổỉ nhỏ mật ngọt qua đi, để nhường lại những cơn gió hoang vu thổi buốt môt thời thiếu nữ lao đao.
Những đêm nghe tiếng thở dài cô quạnh, mùa xuân không áo mới, không lụa là, phấn son.
Tưởng như mình thành cô phụ, khi người xưa ngựa trâu trong kiếp lưu đày. Tôi nhìn bóng tôi chênh vênh trên bờ tường trắng. Gió ở nơi nào sao thổi mãi không thôi. Hết một mùa xuân. Tàn một mùa hạ. Qua tới thu buồn. Và heo hút mùa đông. Đêm vẫn hư không và ngày đầy bóng tối.
Ở đó là những giấc mơ âm thầm, vụn vỡ, một tương lai mịt mù trong nhức buốt, hư hao. Ta có còn nhau không, hay chỉ là kỷ niệm. Đường anh đi với gió núi mây ngàn, phiêu bạt giữa lầm than. Em ở lại đây, nơi thành phố cũ, nhớ thương anh cũng chỉ biết ngậm ngùi. Thôi cũng đành thôi Biết đến bao giờ, hỏi mình định mệnh có còn cho ta gặp lại nhau không. Hỡi anh yêu dấu!

Phan từ Los Angeles ghé thăm. Anh hỏi Thụy ngủ được không, hay lạ chiếu, lạ giường? Vì là những ngày lễ Tết, nên khách xa đầy kín hotel, tiếng sầm sập đi ngoài hành lang chen lẫn với tiếng cười nói, cho tôi không chợp mắt được.
Trở dậy, thay quần áo, thành phố trở mình còn tẩm đẩm hơi sương. Băng qua đường. Lee’s Sandwiches ở góc phố bên kia. Phan mua cho tôi một ít bánh Pâté chaud. Hương vị café thơm đắng, ngất ngây cổ họng. Café của Lee’s Sandwiches tuyệt vời. Ngày nào tôi cũng phải đến đây mang café về phòng, “ đầu cơ tích trữ “ hai, ba ly một lúc. Phan kêu lên: Thôi, em nghiện café rồi Thụy ơi! Tôi cười. Tại anh chân chính quá. Luôn luôn ăn uống điều độ. Không café, thuốc lá, nên em bỗng thành kẻhoang đàng.

Phan đến với tôi thật mộc mạc, nhưng chân tình, yêu thương, chiều chuộng. Nghe tin tôi đi Cali, từ Maryland, anh lập tức lấy vé bay theo. Và ngỏ lời cầu hôn. Tôi không trả lời anh, vì thời gian quen biết ngắn quá, để hiểu về nhau. Tôi cảm động ở tình anh. Nhưng điều đó đã đủ chưa cho một đời sống vợ chồng mai sau.

Tôi nói, đừng yêu Thụy, anh sẽ khổ. Anh chấp nhận tất cả, vì anh thương em. Không có điều gì để lầm lẫn. Anh nhìn em rất đúng. Thụy, có nghe anh nói không.
Thím Hy ở Austin, Texas lập lại với tôi một lần nữa, con gái khi yêu hãy chọn kẻ mình yêu, nhưng bước vào một đời chồng vợ hãy lấy người yêu mình. Còn mẹ tôi, con có thể trẻ hoài, để đi về thênh thang một bóng hay không. Riêng chú Thái ở Sacramento, ai rôì cũng phải qua chuyện duyên nợ một lần. Cháu cũng không trốn tránh đươc đâu. Mọi người đẩy tôi đến, bắt tôi suy nghĩ. Nhức căng đầu óc, nhiều lần, tôi nói với Phan, nếu anh cứ thúc hối, Thụy sẽ biến mất, cho anh sống một mình cho vui.
Phan nhất định không buông tôi, và không sợ ai cười. Thời khóa biểu của tôi hàng ngày, Phan biết rõ cả giờ giấc. Đêm nào cũng nói chuyện với nhau ít nhất ba tiếng đồng hồ. Ngày trang email dày đặc thư Phan. Bi “ địch “ tấn công, tôi không nao núng. Kết quả, “ địch “ lui quân, để chuẩn bi tiến tới.
Phan xuống nước. Thụy không về Maryland, là anh bán nhà dọn qua Minneapolis. Tôi trêu chọc: Anh điên khùng. Xứ tuyết này người ta chỉ có dọn đi, ai thèm đến đây, khi đời sống họ đã ổn định như anh. Nhưng anh sẽ có Thụy. Lập luân “ địch quân “ vững chắc như vậy, làm tôi lung lay, muốn giơ tay đầu hàng.
Điều gì sẽ xảy ra, tôi không biết. Chỉ biết, Phan làm tôi bận rộn hơn nhưng vẫn thấy mình cô độc khôn nguôi.
Tiếng xe Van ngừng lại dưới sân, cho tôi hé cửa ra nhìn. Ái, Tâm và hai con từ Pomona, bắt tay làm loa, chị Thụy ơi, chúc mừng năm mới.
Và chúng tôi đón Tết tại Sea Food Co. Quây quần bên nhau, các em tôi bên này, và Tâm, Ái bên kia. Ái của những ngày đầu tiên găp tai trường Willow, mùa xuân hoa hồng rực nồng trên đường Sunkist. Ái nhỏ nhắn, hao gầy như cánh vạc bay. Gặp Ái lần đầu tôi có cảm tình ngay. Có phải tôi đã nhìn thấy lại tôi, ngày tôi xa Quân, cũng từng ấy tuổi. Mơ mộng đầy tay và yêu dấu ngập hồn. Có biết đâu rằng bão nổi sau lưng….
Ái bằng lòng lấy chồng sau một cuộc tình tan. Mới biết tình đầu mãi mãi khói sương, mù xa, ảo ảnh. Nhưng Ái đã tìm thấy hạnh phúc. Hay có phải hạnh phúc chỉ là những điều gần gũi nhất, có sẵn trong tay mà ta không hề hay biết.
Một thoáng mà đã hơn mười năm. Mười năm của bao lần cây thay lá, của bao mùa gió buốt thổi qua, của xuân nồng mấy độ.
Tôi nghĩ đến Phan đang trên chuyến bay trở về Washington DC. Không biết đó có phải là đinh mệnh của tôi, hay vẫn mãi rồi cũng chỉ là rong chơi, dong ruổi.
Có cần không khi Phan tình nguyện làm người khêu ngọn lửa, cho tro than tôi cháy lại, thắp sáng nồng nàn. Có thật không, ở phía nào vẫn còn những tấm lòng gửi gấm cho nhau. Giá buốt rồi sẽ qua. Đêm nồng rồi sẽ tới.
Mai mùa xuân rồi Phan, Thụy biết, và xin tạ tình anh.