văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, January 30, 2012

LAN ĐÀM * MÙA XUÂN 1975


Đỗ Duy Tuấn
 
Những cơn mưa mùa dài dòng như một người kể chuyện vô duyên nhất đã chỉ làm được một điều tốt là làm cho bầu trời ô nhiễm của vùng Los Angeles sạch sẽ hẳn. Những cơn mưa lê thê cũng níu kéo cái lạnh của những ngày cuối đông, làm cho tháng ba ở đây mang đầy hình ảnh của một thành phố Đà Lạt trong quá khứ. Tâm Như mặc chiếc áo coat bằng dạ màu nâu sậm mua tại Ann Taylor từ hơn ba tháng trước. Lúc đó là mùa thu. Buổi chiều thứ sáu Bích Hà điện thoại cho Tâm Như, giọng nói hốt hoảng như vừa nghe tin động đất ở Seattle:
- Ann Taylor nó hạ đại giá mùa thu! Mày ghé tao rồi chúng mình đi Brea Mall.
Tâm Như chọn hai cái khăn quàng cổ và chiếc áo coat dạ. Hai món hàng này đều được trừ 50% và còn trừ thêm extra 10% nữa. Bích Hà chọn một chiếc áo coat màu đen.
- Tao thích màu nâu như mày chọn. Nhưng nếu cả hai đứa đều mặc màu nâu, tụi bạn chúng lại kêu lên là mình ở viện mồ côi ra…
Ngồi ở food court, Bích Hà kể:
- Mày biết không, năm 1975 tao vừa bảy tuổi, bố tao định cho hai anh em tao làm trẻ mồ côi để được di tản sang Mỹ …
Tâm Như ngạc nhiên:
- Hai anh em? Tao có bao giờ thấy anh mày đâu?
- Anh Hải ở với chú tao bên Maryland. Chính chú tao đã lo cho gia đình tao đi Mỹ. Mày không biết là tao còn một người anh lớn nữa. Anh ấy ở Virginia. Bốn mươi lăm tuổi rồi mà chưa có vợ!
Tâm Như thấy đau nhói trong tim. ‘Mình cũng ba mươi lăm rồi mà vẫn chưa có chồng’. Ba Tâm Như là một sĩ quan cao cấp trong quân đội VNCH cũ. Ông là một người lịch thiệp nhưng kín đáo. Ngay đối với vợ con, ông cũng không bao giờ để lộ một xúc động tình cảm nào cả. Một vài lần cả gia đình đi ăn tiệm, Tâm Như hết sức cảm động khi thấy nhiều người đồng hương ghé lại bàn chào ba Tâm Như thật kính cẩn, ‘Ở nhà Ba chỉ là một người cha bình thường. Ra đường Ba được mọi người kính trọng…’. Một lần ba Tâm Như giải thích ‘ Họ là những chiến hữu của ba’. Những companion-in-arm. Tâm Như biết ba là một quân nhân, nhưng Tâm Như không biết một chút gì về quá khứ của ông. Tâm Như cũng không biết gì về chiến tranh, ngoài những cuốn phim như The Longest Day, Forest Gum hay Saving Private Ryan … mà Tâm Như đã xem một cách thờ ơ. Tâm Như không thể hiểu được rằng tại sao lại phải có chiến tranh? Tại sao con người có thể cầm súng bắn con người, như người thợ săn bắn một con thú? Trong cuốn album gia đình, chỉ gồm những tấm ảnh ghi lại những ngày còn ở quê nhà, có một tấm chụp ba Tâm Như mặc đại lễ đứng giữa một đám đông trong một buổi tiếp tân nào đó. Tâm Như rất thích hình ảnh của những quân nhân lịch thiệp trong những bộ đại lễ lộng lẫy giữa khung cảnh rực rỡ của những buổi dạ vũ mà Tâm Như thường thấy trên màn bạc. Tâm Như nhớ hình ảnh của André và Pierre trong War And Peace, của Napoléon trong Désirée…Nhiều lúc Tâm Như thấy mình như là một thứ alien, một kẻ ngoại cuộc giữa đám đông vui vẻ, nhộn nhịp. Một lần Tâm Như đã thoáng nghe mẹ than thở với ba:
- Con gái hơn ba mươi tuổi rối mà chưa lập gia đình. Con mình nó đẹp chứ nó đâu có xấu! Lại còn học hành đàng hoàng…
Mẹ Tâm Như nói về số mệnh, về tuổi tác, về các vì sao trên trời. Tâm Như nghe ba trấn an mẹ:
- Mình đang ở Mỹ chứ không còn ở Việt Nam thời Tự Lực Văn Đoàn nữa. Con gái bây giờ muốn lấy chồng lúc nào cũng không muộn…
Mẹ thở dài:
- Vẫn biết vậy nhưng nếu con nó lập gia đình sớm, mình sớm có cháu ngoại bế…
Những cơn mưa vội vàng buổi sáng đã tạnh hẳn. Bầu trời phía bắc còn u ám nhưng nắng đã trải óng ánh trên thảm cỏ vàng của những ngọn đồi nằm hai bên xa lộ. Xe chạy qua exit Imperial Highway, lối dẫn vào Brea Mall, đường bắt đầu lên dốc. Ở điểm cao nhất của xa lộ, những ngọn đồi hai bên như vạt rộng ra, mở trước mắt Tâm Như một khoảng núi trùng trùng điệp điệp, đỉnh cao phủ tuyết trắng như bạc. Tâm Như ngẩn ngơ, ‘ Mấy tuần nay không ghé thăm Bích Hà, không ngờ thiên nhiên đã thay đổi tuyệt vời như vậy!’. Cảnh đẹp khiến cho lòng Tâm Như tươi sáng. Tâm Như chợt hứng khởi hát nho nhỏ theo người ca sĩ qua radio trên xe ‘ I just call to say I love you’. Tâm Như không có ai để điện thoại và nói ‘ I love you’ dù Tâm Như muốn được nói điều này. Tâm Như khao khát được nói ra điều này. Tâm Như rất ngạc nhiên trước thái độ sống của Bích Hà. Vinh, chồng Bích Hà, tình nguyện đi làm ở Singapore hai năm. Bích Hà không đi theo vì ‘ Tao có công việc của tao ở đây và tao cũng còn phải trông coi bà già tao nữa chứ! Đi hai năm không đóng thuế, không chi phí gì, anh ấy có thể để dành tiền, mai mốt retire sớm…!’.
Khi Tâm Như đậu xe trước cửa nhà Bích Hà, trời đã nắng ráo. Tâm Như mở cửa xe bước xuống đường và chợt chú ý đến một chiếc SUV to cao sừng sững đậu trên driveway. Xe mang bảng số của tiểu bang Virginia với dòng chữ ‘Virginia Is For Lovers’. ‘ Bích Hà có khách phương xa lại thăm. Nó không cho mình biết gì về việc này cả…’.
Bích Hà đón tiếp Tâm Như thật nồng nhiệt, tưởng như hai người đã lâu lắm không gặp mặt nhau. Bích Hà lúc nào cũng có nụ cười trên môi, nụ cười thật tươi, thật tự tại, ‘ Con nhỏ này không bao giờ biết buồn’. Tâm Như ngồi xuống ghế sofa trong family room. Bích Hà đi vào trong bếp,
- Để tao pha bình trà.
Bích Hà biết Tâm Như thích uống trà. Bích Hà luôn luôn ghi nhớ những ý thích của bạn hữu. Tâm Như hơn Bích Hà ba tuổi nhưng hai người thân thiết với nhau từ những ngày học ở UCLA. Những ngày thật vui, thật vội vã, thật nuối tiếc, ‘ Mình bắt đầu thấy sợ hãi những bước chân của thời gian’. Bích Hà từ trong bếp đi ra với một khay trà.
- Mày có khách phương xa tới thăm à?
Bích Hà đặt trà xuống bàn:
- Không phải khách. Anh Phong, anh già của tao ở Virginia, có job mới ở California nên bỏ đất của những người tình để về đây.
- Ông ấy đâu rồi? Xe đậu ngoài cửa…
- Ông ấy đưa bà già tao đi chợ. Bà già bảo không bao giờ bà thèm leo lên chiếc xe cục mịch như xe đò của anh Phong. Anh Phong lái chiếc Saab của tao.
Bích Hà gọi mẹ là bà già, nhưng Tâm Như thấy bà chưa già. Mẹ Bích Hà có một vẻ đẹp quý phái, bà có đôi mắt như mắt người mẫu trong tranh tố nữ của Trung Hoa. Mẹ của Bích Hà chắc chỉ trên sáu mươi, bà là một người có trái tim rộng lượng, lúc nào cũng trang trọng như một người khách quý ghé thăm bạn hữu trong những chuyến du lịch mùa hè. Bà ăn nói điềm đạm nhưng cởi mở, hành động chững chạc nhưng thân tình.
Bích Hà rót trà ra tách nhỏ :
- Trà sen thật do bà ngoại tao từ Hà Nội gửi qua đấy. Trà sen hóa học uống hắc xịt mà còn hại cho sức khỏe nữa.
- Bà ngoại của mày ở Hà Nội?
Tâm Như thấy Bích Hà như một cuốn sách, mỗi trang lại có thêm cái mới, mỗi chương lại có thêm một biến cố. Tâm Như thích thú tìm hiểu về Bích Hà, về gia đình Bích Hà, như một người say mê đọc một cuốn tiểu thuyết.
- Chắc có một ngày nào đó mày sẽ cho biết là ông tằng tổ của mày là một vị vua nhà Lê…
Bích Hà đưa tách trà cho Tâm Như:
- Giòng họ tao không có ai làm lớn cả. Hình như tao có ông cụ ngoại đậu cử nhân nên được gọi là Cụ Cử. Mẹ tao rất hãnh diện về cái lai lịch này.
Tâm Như nhìn Bích Hà, và chợt ghi nhận những thay đổi nhỏ trong cách trang trí cái family room quen thuộc này. Trong những bức hình treo trên tường có một bức hình mới. Hình một người lính trẻ đứng bên một dòng sông. Bức hình mờ nhạt như bị out-of-focus, nụ cười của người trong ảnh chỉ là một vệt dài trắng xóa. Và bức tượng bán thân của Beethoven đặt trên mặt chiếc đàn dương cầm, mọi lần chỉ đeo cái headphone, hôm nay lại được trang bị thêm một chiếc mũ beret đỏ. Tâm Như chợt nhớ lại có một lần Bích Hà tâm sự:
- Anh tao là lính nhảy dù. Qua Mỹ, anh ấy giữ mãi chiếc mũ beret đỏ. Ông ấy dặn dò mẹ tao giữ cái mũ cho ông ấy như của gia bảo vậy.
- Mỗi người đều giữ một kỷ niệm…
- Kỷ niệm của anh tao là chiếc mũ beret đỏ. Ông ấy gàn bát sách nên đến bây giờ vẫn không có vợ…
- Chưa có vợ?
- Tao nghĩ tao dùng chữ ‘không’ rất chính xác. Mỗi lần anh tao về Cali, anh ấy lại đem cái mũ beret đỏ ra đội và ngắm mình trong gương cứ như anh chàng Narcissus vậy.
- Tao nghĩ ông ấy không chỉ yêu một kỷ niệm mà còn hãnh diện về quá khứ. Người ta có quyền hãnh diện với quá khứ là cựu cái này, cựu cái kia. Ông ấy có quyền hãnh diện với quá khứ là người lính đội mũ beret đỏ…
Tâm Như đặt tách trà xuống bàn, chậm rãi đứng dậy và bước lại bên bức tường treo những khung ảnh đủ cỡ.
- Người lính này là anh của mày phải không?
- Ừ, hình anh Phong đấy. Hình chụp bên bờ sông Thạch Hãn. Anh Phong bảo Thạch Hãn có nghĩa là mồ hôi của đá. Tao thấy đó là hình ảnh của cuộc đời người lính…Mẹ tao được điện thoại anh tao bảo về Cali, bà mang hình đóng khung và treo ở đây. Bà cũng đem cái mũ beret đỏ của anh Phong ra triển lãm…Tao nghĩ mẹ tao phải là một chính trị gia, một chính trị gia giống như Bà Hillary… Anh Phong về, anh ấy cảm động lắm, anh ấy mua tặng bà già tao cái đồng hồ Cartier.
- À, từ lúc nãy tao để ý không thấy bác trai đâu. Chắc bác đi xoa mà chược?
- Không, bố tao theo ông chồng tao qua Singapore. Ông chồng tao điện thoại về mời,’ Bố retired rồi, bố qua đây chơi cho nó thay đổi không khí. Vui thì bố ở lâu, buồn thì bố về Mỹ’…. Tao xúi dục thêm ‘ Bố qua bên đó canh chừng chồng con hộ con…’

Tâm Như cầm chiếc mũ beret đỏ trên đầu bức tượng bán thân của nhạc sĩ Beethoven. Tâm Như chợt nhớ như một bức ảnh phóng đại đặt ngay trước mắt, bức ảnh những người lính đội mũ beret đỏ đứng giữa một khu phố vắng tanh vào một buổi chiều mùa xuân kinh hoàng tại thành phố Sàigòn hơn hai mươi lăm năm về trước…
Tâm Như nhớ thật rõ theo nhịp tim đập dồn dập, Sàigòn đang tắt lịm như một ngọn nến tàn. Chiến tranh dưới mắt nhìn của một đứa trẻ lên mười mang những đe dọa thật kinh hoàng. Chiến tranh đang tiến dần về thành phố Sàigòn, đang bao quanh thành phố Sàigòn. Chiến tranh như một đám mây đen chụp xuống một tòa lâu đài cổ trong một cuốn phim ma quái.
Tâm Như nhớ mãi buổi chiều hôm đó, mẹ mặc chiếc áo len xanh cho Tâm Như, mẹ viết tên tuổi Tâm Như lên một tờ giấy lớn gấp tư, nhét vào túi áo trước ngực có kim băng cài giữ. Mẹ vẫy xe taxi đưa Tâm Như vào Tân Sơn Nhất, ‘ Mẹ muốn cả gia đình xum họp vào lúc Sàigòn sụp đổ’. Xe taxi bị chặn lại trước Bộ Tổng Tham Mưu. Tâm Như ngơ ngác trước những người lính nhảy dù đội mũ đỏ. Tâm Như nhớ mãi khuôn mặt người lính nhảy dù thật trẻ nhìn qua cửa kính xe,
- Thưa bà, bà nên đưa em trở về nhà. Nơi đây sắp sửa thành bãi chiến trường.
Người tài xế taxi hốt hoảng đuổi khách, ông ta nhảy bổ khỏi xe và mở toang cửa sau,
- Bà xuống đi, tôi không tính tiền xe đâu! Tôi phải trở lại Sàigòn ngay…
Hai mẹ con Tâm Như đứng giữa một con đường lặng câm, với người lính bình thản, và bầu không khí chiến tranh nặng nề đến nghẹt thở. Người lính nhảy dù trẻ ái ngại nhìn hai mẹ con Tâm Như :
- Bà nên đưa em về nhà ngay…
Mẹ Tâm Như đáp thật tự nhiên, Tâm Như chưa lần nào thấy mẹ lạnh lùng như vậy:
-Tôi là vợ Đại Tá Thu, tôi muốn ở bên cạnh chồng tôi vào lúc nguy khốn này. Xin anh giúp tôi và cháu gặp nhà tôi..
Người lính dù chợt đổi sắc diện. Tâm Như tưởng như đôi mắt sáng trưng của anh chợt mờ đi:
- Bà và em đứng tránh dưới gốc cây này, để tôi trình với thượng cấp của tôi .
Anh vội vã chạy đi, và một lúc sau đó trở lại với một người sĩ quan cũng còn thật trẻ :
- Thưa bà, đây là thiếu úy Phan…
Thiếu úy Phan nghiêng người chào mẹ Tâm Như:
-Thưa bà, ông nhà đang họp trong Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi được lệnh đưa bà và em vào phi trường di tản. Trung sĩ Phong sẽ đưa bà và em vào phi trường. Xin bà đừng lo, ông nhà và chúng tôi sẽ di tản sau nếu cần thiết.
Trung sĩ Phong lái xe Jeep đưa mẹ con Tâm Như vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tâm Như nhìn sang, thấy người lính nhảy dù trẻ có một vết sẹo ở phía trên lông mày. Vết sẹo như nhát dao xẻ trên những ổ bánh mì nóng Tâm Như vẫn thường ăn vào buổi sáng mỗi ngày. Tay áo trận sắn cao, cánh tay anh xâm hình một con chim soải cánh.
Xe đậu giữa phi đạo hỗn loạn, trung sĩ Phong đưa mẹ con Tâm Như đến bên một chiếc trực thăng lớn. Anh dơ tay chào người phi công và gửi gấm:
- Gia đình Đại Tá Thu, xin Đại úy lo giùm.
Trung sĩ Phong giúp mẹ con Tâm Như leo lên trực thăng. Trước khi từ giã, anh dúi vào tay Tâm Như một thanh kẹo chocolat:
- Chúc bà và em may mắn.
Mẹ Tâm Như móc tờ giấy trong túi áo Tâm Như, viết vài hàng chữ và trao cho trung sĩ Phong:
- Nhờ anh đưa cho ông nhà tôi.
Sau này khi gia đình đoàn tụ tại Subic Bay, ba Tâm Như kể với mẹ, ‘ Nhận được giấy từ trung sĩ Phong, anh yên tâm vì em và con đã di tản nên sau đó, ở phút cuối cùng, anh đã quyết định cùng một số chiến hữu ra đi…’
Tâm Như và Bích Hà đang ngồi nói chuyện ngoài sân sau thì mẹ Bích Hà đi chợ về. Bác Minh Tâm, mẹ của Bích Hà, ôm Tâm Như:
-Tuần trước Bích Hà xuống dưới đó chơi với cháu nên bác không được gặp cháu. Bác cảm thấy như mất một buổi xum họp đại gia đình. Cháu vào trong nhà để bác giới thiệu anh trai của Bích Hà với cháu.
Ba người cùng đi vào nhà trong. Khi đi qua phòng bếp, Tâm Như thấy một thanh niên hai tay ôm hai túi giấy đi chợ. Tâm Như tự hỏi, ‘ Mình xếp loại anh ta là một trung niên hay một thanh niên? Anh chàng chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa!’
Bác Minh Tâm nắm tay Tâm Như:
-Phong, anh của Bích Hà đấy cháu. Còn đây là Tâm Như, bạn của Bích Hà.
Phong gật đầu chào Tâm Như. Phong có một vẻ gì thật quen thuộc, ‘ Mình phải gặp Phong ở đâu rồi? Hay Phong giống một người nào mình quen?’. Tâm Như chợt để ý đến vết sẹo phía trên lông mày phải của Phong . ‘Chẳng lẽ anh chàng này là…? Không hiểu cánh tay Phong có xâm hình con ó hay không?’. Phong đặt hai túi giấy xuống bàn :
- Mẹ tôi bảo nhà có khách. Mẹ tôi lại không giỏi nghề nấu nướng. Bà đề nghị ra tiệm Tàu mua thức ăn về nhà ăn cho tiện.
Bà Minh Tâm cười:
- Tiệm Sam Woo nấu ăn được lắm cháu. Bác nghĩ nấu nướng ở nhà cũng chỉ ngon đến vậy là cùng…
Mọi người vui vẻ bày thức ăn ra bàn. Khi Phong đưa bát cơm cho Tâm Như, anh phân trần:
- Ba tôi bảo nếu mẹ tôi nấu nướng cũng giỏi như bà chơi mà chược thì ông là người hạnh phúc nhất trên đời này!
Bích Hà bênh mẹ:
- Mẹ bỏ mà chược cũng đã hơn bốn năm nay rồi!
Bác Minh Tâm nhìn Phong, đôi mắt bác chợt mang đầy nét trìu mến. Bác nói thật nhỏ nhẹ, thật chân thành:
- Từ hơn bốn năm nay mẹ vẫn ăn chay mỗi tháng một tuần. Mẹ cầu xin Trời Phật cho Phong lấy được một người vợ hiền. Nếu mẹ giầu, mẹ đã xây chùa, mẹ đã đúc chuông…
Bích Hà nắm tay bác Minh Tâm:
- Con cũng sẽ ăn chay để cầu Trời Phật cho anh Phong lấy được vợ.
Phong cười lớn:
- Cám ơn mẹ, cám ơn Bích Hà. Nhưng tại sao mọi người đều đang đói bụng, nhìn thức ăn thì ngon mà không chịu ăn đi. Nhà lại có khách quý, chúng ta không nên làm phiền khách quý vì những chuyện lôi thôi của tôi…
Tâm Như tự nhiên muốn đặt mình vào trong cuộc:
- Tại sao anh Phong sợ lấy vợ? Tôi nghe nói một người lính chiến không bao giờ biết sợ. Anh là người lính dù, anh yêu cái mũ beret đỏ của anh…
Phong quay sang nhìn Tâm Như, đôi mắt chân thật, đôi mắt tự tin của một chiến sĩ :
- Chuyện sợ hay không sợ là một chuyện thật dài. Tôi mong sẽ có dịp trình bày với cô Tâm Như. Chuyện tôi không có vợ nó không liên hệ đến chữ sợ mà nó liên hệ đến chữ cơ và chữ duyên. Cái cơ đã đẩy tôi chạy thục mạng trong suốt cuộc đời tôi. Ngày trượt tú tài, tôi tình nguyện đi lính nhảy dù. Chọn lựa này cũng chẳng liên hệ gì đến chữ sợ hay chữ không sợ. Nó là một chọn lựa bốc đồng. Cả nhà tôi khóc như mưa, như gió. Lính nhảy dù đánh trận quanh năm không có thì giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình. Tôi đi lính đúng vào lúc chiến trường sôi động cực độ. Qua Mỹ, tôi cắm cố đi học lại cho mẹ vui lòng. Học xong đi làm để trả nợ. Và ngoảnh đi ngoảnh lại đã… sắp già. Còn chữ duyên thì là tôi không có duyên với ai, hay chưa có duyên với ai…
Tâm Như thấy Phong thật lạ, anh nói về cuộc đời như anh nói về một cuộc vui chơi. Tâm Như cố xếp Phong đứng ở một khu phố vắng tại Sàigòn vào một ngày cuối cùng trước khi sụp đổ. Phong cũng có vết sẹo ở trên long mày phải . ‘ Phong có xâm con ó ở tay hay không?’. Trời tháng ba ở Cali còn lạnh. Phong mặc chiếc áo len rộng màu ngọc thạch. Tâm Như chợt thấy Phong thân thiết như một người bạn cũ, một người bạn chân thành và tận tình. Một người bạn hiểu rõ lòng ta như một thứ alter-ego. Phong nói về Phong, như nói về Tâm Như. Tâm sự của Phong cũng là tâm sự của Tâm Như . ‘ Mình cũng chạy hụt hơi theo cuộc đời, và bây giờ mình đã ba mươi lăm tuổi rồi!’.
Sau bữa cơm trưa thật thoải mái, Bác Tâm Minh bảo bác có tật xấu do ảnh hưởng của thực dân Pháp để lại . ‘ Bác phải ngủ trưa nửa tiếng đồng hồ thì đầu óc bác mới minh mẫn…’. Bích Hà pha một bình trà mới.
- Tụi mình ra ngồi ngoài patio nhìn tuyết trên núi cao.
Buổi trưa tháng ba thật đẹp. Những cơn mưa vừa đổ qua khiến bầu trời như tấm kính được lau chùi sáng choang. Không khí thoang thoảng mùi hoa trà. Ba người ngồi quanh chiếc bàn gỗ đặt dưới giàn hoa giấy. Bích Hà là người yêu nghệ thuật, hay nói đúng ra, Bích Hà là người yêu vẻ đẹp của vườn tược. Khu vườn sau nhà Bích Hà giống như một khu rừng nhiệt đới, đầy bóng mát, đầy cây cỏ. Màu xanh của lá khiến cho Tâm Như cảm thấy lòng mình thật thoải mái.
Phía sau bức tường đá xanh che chở khu vườn là những dốc đồi ngổn ngang. Tường có treo những chậu hoa đầy màu sắc, tô từng mảng màu rực rỡ trên nền đá sần sùi. Xa xa là những dãy núi đỉnh phủ đầy tuyết trắng. Tâm Như chợt hiểu tại sao tâm Bích Hà lúc nào cũng bình yên. Thiên nhiên là bàn tay vỗ về và nâng đỡ dịu dàng nhất. Thiên nhiên không bao giờ làm dáng nhưng thiên nhiên lúc nào cũng đẹp tuyệt vời.
Tâm Như chợt ghi nhận là Phong đội chiếc mũ beret đỏ không rõ từ lúc nào. Hơn bốn mươi tuổi, Phong trông vẫn còn nhiều nét thơ dại. Hình ảnh ngày cuối cùng ở Sàigòn đột ngột chuyển qua lũ lượt trước mặt Tâm Như. Những người lính dù ở gần phi trường Tân Sơn Nhất. Những người lính thầm lặng và bình thản giữa một không khí chiến tranh ngột ngạt. Tâm Như hỏi Phong:
- Anh là một người lính chiến, anh hãy kể một kỷ niệm đẹp nhất trong đời quân ngũ của anh đi. Tôi đọc sách, thấy những người lính chiến thường nhắc lại quá khứ của họ như nhắc về những mối tình thật đẹp…
Phong gỡ chiếc mũ beret đỏ đặt xuống bàn:
- Kỷ niệm tôi không bao giờ quên được là kỷ niệm về lần uống rượu sau cùng với các bạn đồng ngũ. Tôi không bao giờ uống rượu sau lần đó nữa. Tôi nhớ chúng tôi nghe lệnh đầu hàng của vị tổng thống sau cùng đọc trên đài phát thanh. Lệnh đầu hàng như một trái bom nổ ngay chỗ đóng quân. Chúng tôi đang ở giữa thành phố Sàigòn thân yêu vậy mà chúng tôi vẫn cảm thấy thật cô đơn, cô đơn như những kẻ sống sót cuối cùng trên một hành tinh đang tàn lụi.
Tôi nhớ anh Sáu, anh Sáu là xếp lớn, là đại bàng của chúng tôi, anh Sáu đứng trên capot xe Jeep chỉ huy, anh nói thật bình thản, thật gãy gọn như anh vẫn thường nói với chúng tôi từ bao nhiêu lâu nay. Anh bảo, ‘ Vận nước có lúc thịnh, có lúc suy. Nhưng ngay bây giờ đây là vận mạt của tổ quốc. Cũng đành vậy thôi !’ Cũng đành! Nghe như một tiếng thét tuyệt vọng. Anh Sáu bảo ‘ Chúng ta hãy uống với nhau một lần sau cùng rồi chia tay’. Rượu chỉ còn hai chai Martell. Anh bảo,‘ Hãy bắt chước người xưa, rượu hòa với nước, trên dưới cùng uống’. Rượu được hòa với nước, mỗi người múc môt ca mà uống, như uống chính nỗi điên cuồng trong lòng mình. Rượu nhạt thếch, nhưng rượu thật đắng cay. Thiếu úy Hạnh uống ca rượu, rồi ngẩng mặt nhìn trời khóc nức nở,‘Tại sao?’. Chính tôi cũng tự hỏi tại sao ? Và tôi, cùng đồng đội, cùng bật khóc như Thiếu Úy Hạnh.
Rồi mọi người chia tay sau những cái vung tay chào giã biệt. Tôi tình nguyện lái xe đưa anh Sáu đi ‘ thăm Sàigòn của chúng ta một lần cuối cùng’, vì tôi chẳng còn nơi đâu để về… và trời đất xô đẩy làm sao, hai thầy trò ghé vào một tiệm hủ tiếu ở Cầu Ông Lãnh. Một ông chủ ghe đã mời hai thầy trò chúng tôi lên một chiếc ghe bầu chở đầy dưa hấu. Ghe chạy ra Vũng Tàu, rồi ra khơi nơi có hạm đội Mỹ. Khi chia tay, người chủ ghe bảo ‘ Con trai tôi cũng là lính nhảy dù!’. Tôi không bao giờ uống rượu nữa, vì tôi không bao giờ quên được bữa rượu ngày hôm đó…
Tâm Như cảm thấy mình cũng muốn tâm sự với Phong:
- Tôi cũng có một kỷ niệm về những người lính mũ đỏ. Tôi nhớ một buổi chiều mùa xuân buồn thảm của một ngày Sàigòn đang chờ tan rã. Mẹ con tôi vẫy được chiếc taxi để đi tìm bố tôi. Xe bị chặn ở gần phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi nhớ người lính mũ đỏ nhìn qua cửa kính xe. Anh có vết sẹo phía trên lông mày bên phải.
LAN ĐÀM