văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, March 30, 2012

Trần Văn Sơn * Lui Binh Hành




tặng 2 vị Tiểu đoàn trưởng của tôi: Lê Phi Ô & Lê Hùng



Lui binh lui binh hề lui binh
tướng giỏi nghiến răng ném bất bình
chiến trận bao năm chưa chiến bại
một ngày buông súng quỉ thần kinh


Gìm súng đêm đen đồi Bảo Đại
quân đi ngậm thẻ nuốt hờn căm
Hoài Đức pháo rơi như đậu vãi
về đâu quốc lộ 1 mù tăm


Băng rừng vượt chốt mở đường máu
tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
bi đông cạn nước tay lựu đạn
máu trộn mồ hôi lẫn xác người


Sông núi rùng mình Biển Lạc khóc
ba lô nón sắt vững lòng dân
hình vợ thẻ bài đeo trước ngực
Lăng Quăng cầu gãy lính chồn chân

La Ngà, Gia Huynh địch vây khổn
Tánh Linh tràn ngập bầy kên kên
quan nghinh đầu súng lính đoạn hậu
sống chết trời cho súng nổ rền


Vợ trẻ chờ chồng con chờ cha
giặc ruồng thôn xóm nát tan nhà
Võ Xu, Chính Đức rồi Võ Đắt
về đâu La Gi xa thật xa


Người lính can trường vuốt mắt bạn
cắn nát môi nuốt lệ rưng rưng
hỡi ơi chiến trận anh hùng tận
vùi thây đánh dấu gốc bằng lăng


Đêm sao Bắc Đẩu soi mắt thần
mỗi bước chân mìn bẫy giăng ngầm
Suối Kiết, Láng Gòn, Tân Long bến
hải đội đâu mà biển lặng câm



Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
mất tích thương vong lính tả tơi
tận nhân lực anh hùng mạt vận
xuôi đời theo vận nước nổi trôi


Lui binh lui binh hề lui binh
tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
trăm trận ra quân trăm trận thắng
tháng tư bẽ súng đất trời kinh


Trần Văn Sơn * 3/2012

Tuesday, March 27, 2012

Nguyễn Mạnh Trinh * Nguyễn Đình Toàn: viết nhạc như một thi sĩ

 



Hai mươi năm văn học miền Nam có thi sĩ Nguyễn Đình Toàn với những bài thơ được chép trong những cuốn vở học trò thì có văn sĩ Nguyễn Đình Toàn với tác phẩm Áo Mơ Phai được giải thưởng văn chương toàn quốc.Và cón có một chân dung nghệ sĩ nổi bật không kém. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.
Trong một cuộc nói chuyện với ông, tôi có nói rằng bản Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên là bản nhạc mà tôi thích nhất của ông vì nó gợi ra cho tôi những kỷ niệm. Thì ông trả lời ngay rằng những bản nhạc có tính chất thời sự như thế ông sáng tác vì sự bức xúc nhưng chưa phải là những bản nhạc mà ông tâm đắc nhất mặc dù nó nổi danh vì được nhiều người chia sẻ. Ông cho rằng những bản tình ca sẽ muôn đời ở trong tim óc mọi người như chính những lời viết giới thiệu mà ông đã đọc trong chương trình Nhạc Chủ Đề ngày xưa…

Kỷ niệm nào thì cũng đáng nhớ và những bản nhạc gây ra ấn tượng trong tiềm thức ấy cũng sẽ là những điều chẳng thể nào quên.
Như bản nhạc “ Sài Gòn niềm nhớ không tên” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.
Bản nhạc ấy đã gây thật nhiều cảm xúc cho tôi vì tôi nghe bản nhạc ấy lần đầu tiên ở trại tù Long Khánh do một người bạn đồng tù hát. Nhạc đệm chỉ là một cây đàn guitare tự chế bằng tôn nhôm và gỗ săn nhặt được và giây đàn được làm bằng những sơi dây điện thoại tước ra từng sợi nhỏ tạo thành. Cũng như ca sĩ là người chung cảnh ngộ hát bằng cả tấm lòng và giọng hát thầm thì như của một người đang làm một công việc mạo hiểm , hát để cho vơi tâm sự mặc kệ mọi sự cấm đoán đe dọa của hệ thống quản giáo cai tù đầy dẫy ăng ten báo cáo. Tôi cũng chẳng hiểu làm sao mà những bản nhạc như thế lại được hát và phổ biến ở trong tù như vậy. Chúng tôi xung quanh ngồi nghe như uống từng nốt nhạc , như chắt từng câu ca. Sài Gòn xa rồi, bây giờ ở ngoài vòng rào kẽm gai mịt mùng. Sài Gòn , vẫn còn gần gũi những ngày mà thành phố thảng thốt lọt vào tay giặc thù, những anh hồn liệt sĩ còn phảng phất đâu đây từ những ngày bi thảm mà chúng tôi bị buông súng một cách tức tưởi…
Lời nhạc lôi kéo chúng tôi; ngôn ngữ hiền từ tha thiết không kêu gọi máu lửa nhưng sao lại lôi cuốn chúng tôi dường ấy:
“Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên- như dòng sông nước quẩn quanh buồn-như người đi cách mặt xa lòng- ta hỏi thầm em có nhớ không… Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao-trong niềm vui tiếng hỏi câu chào- sáng đời tươi thắm vạn sắc màu- còn gì đâu..”

Lúc ấy, chúng tôi chưa biết bản nhạc ấy là của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Tên nhạc sĩ tác giả là cả một huyền thoại đối với chúng tôi lúc đó. Có người bảo đó là của nhạc sĩ khác hát bản nhạc ấy ở hải ngoại rồi cảm xúc đến nỗi bị ngất xỉu ngay trên sân khấu.Có người bảo đó là một bản nhạc của một nhạc sĩ đang bị giam ở khám Chí Hòa truyền ra ngoài và phổ biến. Đến mãi về sau, khi đã qua Mỹ định cư tôi mới biết tác gỉa là người chủ trương Chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn và là thi sĩ, văn sĩ nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam…

Chương trình Nhạc Chủ Đề do nhà văn Nguyễn Đình Toàn thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn vào buổi tối ngày thứ năm hàng tuần với mục đích giới thiệu với thính giả những bản nhạc được lựa chọn và được viết với lời giới thiệu và giọng đọc rất đặc biệt của người chủ trương. Cuối thập niên 1960, có ba chương trình nhạc chọn lọc được giới trẻ sinh viên học sinh ưa thích là chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc phụ trách, ban Tiếng Tơ Đồng do nhạc sĩ Hoàng Trọng thực hiện và chương trình Nhạc chủ đề của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Người được kể là đọc lời dẫn nhập vào chương trình hay nhất là nhà văn Mai Thảo đọc cho chương trình nhạc của ca sĩ Anh Ngọc và giọng đọc Của Nguyễn Đình Toàn cho Nhạc Chủ Đề…

Theo như ý kiến của nhiều người, những lời giới thiệu nhạc hay nhất trong lịch sử âm nhạc có lẽ là bài viết và giọng đọc của các nhà văn kể trên. Những bài viết ấy đã mở ra những khung trời lãng mạn mà người nghe có cảm giác như đã quên đi hiện tại để bồng bềnh trong mênh mang của chữ nghĩa và âm nhạc…
Chương trình Nhạc chủ đề ấy có những lời mở đầu như những cánh tay mở khung cửa mơ mộng, để ở đó tình yêu trở nên mơ màng hơn, có chuốt lọc nhưng lại có những cảm giác nhẹ nhàng như tơ làm mềm lòng những tuổi thanh xuân đang hăm hở vào đời với sự tinh khôi trong sáng của những bình minh hứa hẹn những giọt nắng thủy tinh ngời tin yêu nồng biếc .

Ai đã nghe qua những lời mở thế này mà không rung động? Nhất là những chàng tuổi trẻ ngày xưa nay đã thành những ông già lão nhìn lại quá khứ ngày nào đã rất xa , thật xa mà sao lại còn rưng rưng nỗi niềm chia sẻ:
“Tình ca- những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người- bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương , một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau.. Tất cả mùa màng , thời tiết, hoa lá , cỏ cây, của cái vùng đất thần tiên đó , kết hợp lại, làm nên hạnh phúc,làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”
Hay như một lời ngỏ khác, thầm thì, kêu gọi những bước trở về , đi ngược lại vòng quay vô tình của thời gian:
“Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ,tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố…Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ…Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố…”

Những câu mở đầu như thế trên làn sóng điện phát thanh đã làm cho bao nhiêu người tuổi trẻ mến mộ. Nó là cánh cửa mở vào cõi âm thanh của những ca sĩ và những ca khúc của một thời âm nhạc Việt Nam. Những khúc nhạc tiền chiến và những bản nhạc mà về sau này đã thành tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam mà tác gỉa là những Trinh Công Sơn , Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng,…Từ những ca khúc đầu tay được trình diễn, họ đã mau chóng nổi tiếng…

Tôi thời còn là sinh viên đã rất mê chương trình này. Có thể nói , đó là một phần khá đẹp của cuộc sống tôi. Bây giờ , nghe lại CD của Nhạc Chủ Đề cũ, tôi lại bồi hồi và một phần đời đã qua như hồi sinh lại.
Sau này, ở xứ Mỹ, tôi có hỏi ông về trường hợp sáng tác bản nhạc này như thế nào thì ông chỉ nói qua với sự rất hờ hững coi như đó chỉ là một trong những gần trăm bản nhạc ông đã sáng tác. Và ngay cả khi tôi hỏi về cách ông thực hiện hàng trăm chương trình nhạc làm say mê cả một thế hệ trẻ trong thời kỳ ấy hoặc hỏi về mấy trăm bài thơ và mấy chục tác phẩm vừa tiểu thuyết vừa tùy bút nổi danh một thời thì cũng với vẻ hờ hững ấy , ông cũng trả lời với vẻ thản nhiên của một người đã trải qua nhiều thay đổi và hiểu được rằng có những điều không cần biện giải của cái tự nhiên đã có.
Cũng như, khi tôi hỏi về những khó khăn của cuộc sống hiện nay, ông cũng trả lời chẳng có gì cưc nhọc dù rằng tôi hiểu được đó là một sự thản nhiên chấp nhận của một người đã trải qua nhiều mệt mỏi của cuộc đời.

Nói về âm nhạc của mình, ông nói đó là những ca khúc mà ông gọi là viết trong những thời gian tăm tối nhất của lịch sử và của chính cuộc sống ông. Nhưng đó lại là những lời kêu gọi yêu thương mong con người trở về với tình tự dân tộc. Có những bài hát trong tuyển tập nhạc “ Hiên cúc vàng”, “ Tôi muốn nói với em “ và Mưa trên cây hoàng lan” đã chứng tỏ điều ấy. Chất nhân bản đã làm thành những ca từ đẹp và có sức thuyết phục mạnh với thính giả và cũng chuyên chở một cách thâm trầm những thông điệp gửi cho người cho đời những ước vọng và tâm sự.

Những lòi nhạc như “Tôi đã bám lấy đất nước tôi. bằng sức người vô hạn. Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom. Tim mang nghìn dấu đạn. Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi. Để mong ở lại đây. Nhưng đất đã đỏ vì bị nung bằng những lời dối trá. Người bám vào lửa đã đốt cháy tay. Lửa hờn căm, lửa hiểm thâm, lửa khốn cùng cay đắng. Người lừa nhau trời đất còn bưng mặt thảm thương. Ba mươi năm cuộc tương tàn chưa đủ? người giết người không kịp mở mắt trông. Ba mươi năm mạng người như rác cỏ, giây hòa bình còn thắt cổ người tin…”trong bản nhạc ” Tôi cố bám lấy đất nước tôi” có phải là những lời chân thành dù trong cơn tuyệt vọng nhưng vẫn còn cố gắng bám víu vào cuộc sống một ý nghĩ nào tích cực nhất.?

Những lời ca viết cho thành phố Sài Gòn trong thời thế ấy bỗng dưng trở thành những lời kêu gọi của một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ. Hết rồi những cơn mưa chiều cũ, mất rồi những buổi sáng rực rỡ xưa. Lời ca, ý nhạc lôi kéo chúng ta trở về con hẻm nào của những hẹn hò, của nụ hôn môi tuyệt vời , của hương tóc thề e ấp phả trong tà áo lụa xôn xao. Cái cảm giác ngày nào như sống lại, làm gai gai trong da thịt nỗi ngây ngất thuở nào. Nghe đâu đây như bước chân nào trở về đồng vọng….

Tình ca Nguyễn Đình Toàn là một tuyệt phẩm cho những người yêu nhau. Nếu chúng ta có tràn đầy kỷ niệm với “Em đến thăm anh đêm ba mươi” thì chắc chúng ta cũng bồi hồi nhớ lại thuở nào với “Căn nhà xưa”. Câu hát thầm thầm trong trí nhớ “Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm trong giấc ngủ anh thơm, sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp tết hay lòng mình đang tết, tháng ngày cũng phôi pha rụng từng mùa..”. Còn tình tứ nào hơn và cũng tiếc nuối nào hơn cái giây phút của cuối năm. Hay những lời nhạc trong “Căn nhà xưa” với những hình ảnh thân quen với những ấn tượng chẳng thể nào phai nhạt trong caí thuở yêu nhau mà chẳng nghĩ đến buổi chia tay: “Em có nhớ đến căn nhà xưa bên khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái.. Có những sớm mai em tìm đến với những đóa hồng khép nép trong vòng tay ôm.. Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng..”

Có một bản nhạc với tên khá lạ lùng. “Chim đắng đót” Tôi cũng chưa hình dung ra được con chim này như thế nào nhưng biết chữ đắng đót từ câu thơ:” Đắng đót ghê thay mùi tục lụy/bực mình theo Cuội tếch cung mây” và theo Việt Nam Tự Diển của Lưu văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì đắng đót có nghĩa lađàu đớn khổ sở. Chim đắng đót kêu mãi kêu hoài trong ca khúc:
“ trên núi cao kia
tôi nghe tiếng con chim đắng đót kêu sương
Chim nhớ ai mà lời chim đau thương?
Trên cánh đồng kia
Có con bướm khô cành rơi trên đường
Nước mắt tôi khóc tràn
Không dập tắt được
Lửa tình trong tôi
Oâi có ai kia thức thâu đêm mới biết đêm sâu
Mới biết tim ta là bể đau khi yêu
Như chiếc thuyền con
Giữa cơn sóng xô , cuốn trôi vật vờ
Đến lúc về đến bờ
Sóng xô sóng dồn chỉ còn hồn bơ vơ
Trên núi cao kia tôi nghe tiếng con chim có lúc bay qua
Tôi nói với ai để lòng tôi nguôi ngoai
Hỡi những người tình sống trong thú vui dối gian cợt cười
Sẽ có khi các người
Khóc thương cho tình của mình
…như tôi”

Với những bản tình ca ấy , dù có chút đớn đau , có chút hoài niệm nhưng vẫn bàng bạc ở trong những lời tinh khôi một điều gì nhẹ nhàng tựa như tiếng gọi thầm của những hứa hẹn cho hạnh phúc mai sau. Không gian có thể là biền biệt hai đại lục xa cách một biển trời. Thời gian có thể là những tháng năm chồng chất vui buồn mà vui thì hiếm hoi và buồn thì tràn khắp.Nhưng vẫn trong nhạc mà lời thơ đan kết , tình ca ấy vẫn là tiếng thở của con tim một người nghệ sĩ nhạy cảm tuy nhiều bi quan nhưng lại vẫn tin tưởng vào cuộc đời và những trong sáng tình người. Những ca khúc thiết tha ấy bao giờ cũng ngân lên từ những nơi chốn mà một đời người đã gắn bó lâu dài. Hà Nôi , Sài Gòn, chẳng còn phải là một thành phố mà hơn nữa, nó là thánh địa của yêu thương mà ở đó tâm hồn người tháp cánh để vượt lên trên thời gian không gian xa cách.

Nghĩ và viết về chiến tranh , trong văn, trong thơ, trong nhạc chúng ta có rất nhiều. Chiến tranh là một trời tang tóc, là những bi kịch cho cả dân tộc.Và cuộc chiến càng ác liệt bao nhiêu thìkhát vọng hòa bình lại càng lớnlao như thế. Nhưng, đau đớn thay, khi ngưng tiếng súng thì lại bắt đầu một thời kỳ vô cùng bi đát của lịch sử Việt Nam. Nguyễn Đình Toàn cho đó là hiện tượng những người không làm ra lịch sử mà lại phải gánh chịu những thảm họa của lịch sử. Kẻ làm ra những bi kịch ấy , hình như là những người lạ mặt, là những mắt xanh râu xồm , là những kẻ thúc giục một cuộc chiến để phá vỡ một hệ thống xã hội đang có để thành lập một chế độ khác tệ hại hơn vạn lần. Cái trớ trêu của lịch sử Việt Nam là có những kẻ rao giảng những điều không tưởng của ý thức hệ ngoại lai để tạo thành cảnh núi xương sông máu.Tuổi trẻ Việt Nam đã có những lời kinh cầu từ:
“Vâng tuổi trẻ tôi như lá thu
đã nửa vàng từ cơn gió đưa
hồn còn trong như một bài kinh
vâng tuổi trẻ tôi như phúc âm
đã gian truân từ đêm tối tăm
người còn say sưa bày tiệc vui
từng thịt xương máu người còn khơi
hòa bình đến với lời cầu xin
triệu hồi chuôngtrong tháp tin vui
nhưng âm vang chưa tàn
đã thấy một thủy triều nước mắt đầy hơn…”

Sau 1975, bị đi tù với tội danh là “ văn nghệ sĩ”, ngồi trong khám nghe ngoài kia đời sống bình thường trôi qua, những ca từ như có một chút gì thầm thỉ nhớ về. Chiều ở trong tù thật buồn , như nỗi nhớ thương cứ loang trong huyết quản. Bài nhạc “Chiều trong tù”:
Ai nghe chăng tiếng đàn xa vắng
Ta nghe ta đã dường khác xưa
Tay qua ngang vết hằn năm tháng
Trong đau thương tóc người cứng khô
Ytên hoang vu những tầng mây trắng
Ta nghe ta trong niềm xót xa
Vvai em thơm như mùa thu nắng
Vai bao nhiêu.. máu hồng tình xa
Chiều trong tù anh nhớ em
Anh trông trời, trời như tấm khăn
Trông quanh mình như hàng khóa câm
nhưng mắt người quầng thâm cũng trông
người nhớ người , hơi nhớ hơi
trong âm thầm còn ai nhớ ai
cho mưa lạnh lùng rơi xuống rồi
cho đêm buồn một cơn đau dài”

Có phải thơ là nhạc và nhạc là thơ và nỗi nhớ mong cũng rất.. Nguyễn Đình Toàn, một chút nhẹ nhàng sương khói, một chút bàng bạc xót xa. Và trong cùng tận thâm tâm vẫn là mong manh mơ hồ một niềm tin nào vẫn còn hiện hữu.
Viết về Nguyễn Đình Toàn, hình như tôi bị vướng vất với kỷ niệm của tôi. Mà trong ký ức ấy, có rất nhiều niềm vui của người luôn luôn sống từng giây từng phút với dĩ vãng mình. Nó sống sinh động, là ký vãng chứ không phải là quá vãng. Đọc văn ông, đọc thơ ông và nghe nhạc của ông tôi không dừng được từ những miên man cảm xúc. Và lúc ấy , tôi có cảm giác là sống thêm được một vài giây phút mà tôi cho là “bonus“ của một ngày của riêng tôi…

Trần Vấn Lệ * Gửi Bạn Mình Phan Bá Thụy Dương




Tháng Tư bạn về thăm Cố Quân
Gọi giùm tôi với Cố Nhân ơi!

Long Hương sóng chắc trào ly rượu
Vĩnh Hảo mây còn níu nước nôi…

Tôi đã là bèo không ở lại
Bạn đang làm gió để quay lui

Thì non sông đó dành cho bạn
Một chút lòng tôi một chút thôi!


Trần Vấn Lệ

Tiểu Tử * Con Mẹ Hàng Xóm


Nguyễn Trung


Hắn tên là Cui, Đặng văn Cui. Thứ ba, nên người ta gọi là Ba Cui. Và vì nước da hắn ngâm ngâm, nên sau này khi đi lính quốc gia, bạn đồng đội đặt cho hắn biệt danh "Cui Đen". Không phải để phân biệt với thằng Cui khác, mà là để cho dễ nhớ ! Bởi vì tiếng "Cui" một mình vừa cộc lốc, tối nghĩa, vừa khó nhớ nữa !
Thật ra, hồi đi làm khai sanh, ông già hắn đặt tên hắn là "Qui", nghĩa là "Về", vừa văn vẻ lại vừa nhắc nhở năm đó ông đưa vợ con trở về quê làm ruộng sau một thời gian dài "bôn ba bá nghệ" ở Sài Gòn Chợ Lớn. Nhưng không biết tại vì ông phát âm không rõ hay tại vì ông chánh lục bộ lãng tai mà tiếng "Qui" trở thành "Cui" trong sổ bộ ! Thành ra, trong gia đình và trong xóm người ta gọi hắn là "Qui", còn trong trường và sau này khi ra đời, hắn vẫn mang cái tên "Cui" cứng ngắt đó và thường bị người ta hỏi "Cui là gì ?".
 
Coi vậy chớ tên "Cui" có vẻ như là cái tên... "tiền định", bởi vì rất hạp với con người và tánh tình của hắn. Con người hắn không đến nỗi quá cục mịch nhưng, thật tình, cũng không có nét gì thanh tú hết ! Người gầy gầy,nước da đen đen như người Miên, mắt lộ, gò má cao, môi mỏng dánh, giọng nói thì nhọn hoắt. Vậy mà trong cử động đi đứng, hắn lại rất lanh lẹ, không... ù lì chút nào. Còn tánh tình thì cứng cỏi, thẳng răng, gan góc... như cây dùi cui!
 
Hồi đó – cái thời còn là lính quốc gia – hắn đánh giặc hăng lắm. Khi lâm trận, mặt nào địch bắn rát nhứt là có Cui Đen phóng tới. Làm như hắn không biết sợ là gì. Vậy mà suốt cuộc đời "binh nghiệp" của hắn, chưa bao giờ hắn bị thương ! Bạn đồng đội nói: "Chắc thằng Cui Đen nó có vô bùa !".
Hắn đánh giặc "hết mình" như vậy, không phải tại vì hắn có lý tưởng này lý tưởng nọ hay có ý thức chánh trị gì gì, mà tại vì hắn nghĩ rất đơn giản: "Nhà ai nấy ở. Mắc mớ ông cha gì tụi nó mà tụi nó kéo vô đánh mình ? Rõ ràng là tụi nó muốn đánh chiếm xứ mình để đô hộ như tụi Tàu tụi Tây hồi đó. Mẹ bà nó ! Phải đánh chết cha tụi nó hết !".
Đánh giặc "chết bỏ" như Cui Đen vậy mà Trời không thương. Cho nên mới có ngày 30 tháng tư năm 1975...
 
... Được lịnh đầu hàng, hắn tức muốn ói máu ! Hắn cắn chặt môi, chĩa súng lên trời bắn như điên. Bắn hết đạn, hắn liệng súng vào đống binh cụ. Trước khi quay đi, hắn nhìn lại võ khí, ánh mắt câm hờn dịu xuống. Hắn nhìn với cái nhìn của người đàn ông nhìn cô nhân tình lần cuối, nhưng hắn lại đưa tay lên trán chào như hắn chào người đồng đội vừa vĩnh viễn nằm xuống nơi chiến trường... Trong đời đánh giặc của hắn, hắn đã từng chào như vậy. Nhưng lần này hắn nghe như hắn đang chào vĩnh biệt một cái gì to lớn hơn, một cái gì quan trọng hơn, một cái gì quí giá hơn người lính cộng hòa chết trận. "Cái gì đó" hắn không định nghĩa được nhưng hắn cảm nhận được. "Cái gì đó" cũng bất thần lảnh một viên đạn vào đầu, cũng ngã gục xuống không kịp trối. Nhưng, trong "cái gì đó", hắn thấy rõ có hắn, có vợ con hắn, có bà con hắn, có đồng bào hắn nữa. Xưa nay, Cui Đen không biết khóc. Nhưng bây giờ, bỗng nhiên hắn nghe hai mắt mình xót xót...
 
Một người bạn trong đơn vị chở Cui Đen về nhà bằng Honda.
Nhà Cui Đen ở gần chợ Bà Chiểu, trong một hẻm ngắn nhưng rộng, xe hơi vào được. Đó là loại phố trệt, có sân trước sân sau, và tường rào cao cỡ đầu người. Cui Đen, vợ và hai con nhỏ, ở căn cuối cùng trong hẻm. Vợ chồng hắn ở đó từ thời chưa có con, nên cả hẻm đó đều biết hắn. Ở đây, người ta gọi hắn là "Ba Cui".
 
Ba Cui bước vào sân thấy cửa nhà đóng im ỉm. Mở cửa vội vã, thấy đồ đạc còn y nguyên, kể cả chiếc xe đạp của hắn. Hắn bước nhanh vào trong, vừa bước vừa gọi lớn: "Lựu ! Lựu à ! Mẹ con em đâu ? Anh về đây nè !". Im lặng. Im lặng kéo dài ra tới sân sau. Căn nhà bỗng như rộng minh mong... Trong cái trống vắng đó, Ba Cui nghe như muốn ngộp thở. Hắn trở ra nhà trước, kéo ghế ngồi. Bỗng hắn để ý đến một tờ giấy trắng xếp hai nằm dưới cái gạt tàn thuốc. Lấy lên xem, thì ra là thơ của vợ hắn. Thơ viết vắn tắt: "Em và hai con di tản theo anh Sáu. Anh ở lại, nhớ nhìn kỹ Thẩm Thúy Hằng để mà sống. Em Lựu". Đọc câu đầu, hắn nghe yên tâm vì anh Sáu – anh vợ hắn – là trung tá hải quân. Đọc câu sau, hắn "xì" một tiếng, bỏ lá thơ lên bàn rồi lấy tay vỗ lên đó nghe một cái bốp, miệng lẩm bẩm: "Đến nước này mà còn viết móc lò móc chảo !". Nói như vậy, bởi vì Ba Cui vốn mê đào hát. Hắn cắt hình mấy cô minh tinh trong mấy tờ báo Tết, lộng vô khuôn kiếng treo đầy tường. Người mà hắn thường ngắm say mê nhứt là Thẩm Thúy Hằng !
 
Ba Cui đốt điếu thuốc, vừa hút vừa nhìn quanh. Rồi theo thói quen, mắt hắn dừng lại ở khuôn hình người minh tinh mà hắn ái mộ. Cặp mắt quá đẹp ! Cái mũi quá đẹp ! Nụ cười quá đẹp ! Bỗng hắn nghĩ: "Chẳng lẽ trong cái chộn rộn sanh tử của mấy ngày này mà Lựu còn nghĩ tới chuyện con nít như vậy à ?". Một lúc lại nghĩ: "À ! Mà xưa nay Lựu đâu có ghen về vụ này !". Rồi hắn lại nhìn chầm chầm khuôn hình, miệng lẩm nhẩm: "Nhớ-nhìn-kỹ-Thẩm-Thúy-Hằng... Tại sao phải nhìn kỹ ? Mà tại sao để-mà-sống ? Và tại sao lại gạch đít trọn câu này ? Chắc Lựu muốn nói gì đây !". Hắn đứng lên, bước lại gần để nhìn. Nhìn một lúc, rồi tò mò, hắn nhắc khuôn hình xuống, lật xem phía sau: trên miếng gỗ ép dính bụi có nhiều dấu tay nho nhỏ. Hắn chạy xuống bếp lấy con dao rồi cạy bật mấy cây đinh gài miếng gỗ ép. Miếng gỗ được lật ra, dán dính ở mặt trong bằng băng keo là ba lượng vàng. Ba Cui đứng ngẫn ngơ, quên mất điếu thuốc trên môi đang cháy dở !
 
Sau ngày 30 tháng tư là chuỗi dài... bận rộn ! Đi mết-tinh. Rồi họp rồi hội rồi học tập. Rồi họp rồi hội rồi học tập nữa. Khi tàm tạm yên, kiểm điểm lại thì những người trong hẻm không có ai đi di tản hết. Thành ra Ba Cui phải nói trớ là vợ con hắn về dưới quê "sống dễ thở hơn".
 
Thời gian sau, lần lần người trong hẻm đổi nghề. Có lẽ cho hạp với thời cuộc, với cái gọi là "đổi đời" mà Nhà Nước cách mạng lúc nào "lên lớp" cũng nói. Cho nên thấy thầy Trân nghỉ dạy tiểu học ở phường Sáu, thầy giáo đó bây giờ... "tháo giày" đi làm thợ hồ. Thấy bác Năm thợ bạc bây giờ ngồi bán chuối chiên ở đầu ngõ. Thấy ông thầy chích hạ bảng "Y tá có bằng cấp" rồi sơn viết lại "Hớt tóc bình dân". Thấy bà Ba "thớt thịt" nghỉ bán thịt heo ở chợ Bà Chiểu, tối ngày nằm nghe băng nhạc cải lương, để chồng con chạy áp-phe tuốt trong Chợ Lớn. Thấy ông "Chánh Ký" chuyên cho mướn xe ba bánh bây giờ bán hết dàn xe rồi ra đứng nấu mì cho thằng con có tiệm cà phê ở ngang hông chợ... vv.
Còn Ba Cui thì đi đạp xích-lô !
 
Một hôm, trong lúc đạp rề rề trước nhà thương để đón khách, Ba Cui bị xe bộ đội chạy loạn đụng gãy chân mặt. Hắn phải mang băng bột cả tháng. Lúc nào xê dịch cũng phải chống hai cây nạng gỗ. Hắn tức lắm ! Khi người trong hẻm qua thăm, hắn thường cầm cây nạng gõ vô ống băng bột cốp cốp, để nói: "Mẹ bà nó ! Hồi đó đánh giặc, tụi nó không bắn được tôi bị thương. Bây giờ yên rồi, tụi nó cũng ráng đụng cho tôi gãy chân, tụi nó mới nghe ! Quân chó chết !".
 
Hồi còn ở nhà thương, khi nhận hai cây nạng gỗ, hắn cặp hai bên nách rồi chĩa thẳng về phía trước như hai cây súng. Mắt hắn trừng lên, hắn bắn bằng miệng: "Pằng ! Pằng ! Pằng ! Pằng !...". Cho... đỡ tức ! Sau đó, hắn gỡ bỏ hai gù cao su của đầu nạng, để mỗi lần hắn chống đi có tiếng côm cốp khô khan sắc bén. Hay khi hắn nói chuyện, hắn gõ đầu nạng xuống mặt gạch nghe cành cạch. Cho... đỡ tức !
 
Hôm đi cắt băng bột, Ba Cui nói với đôi nạng gỗ: "Tụi bây chịu trận với tao bữa nay nữa là... lễ tất !". Nào dè, sau khi cắt băng, chân mặt bây giờ ngắn hơn chân trái, mà chỗ xương gãy lại cong cong, thành ra chân bị thương đó bây giờ không còn chống chỏi mạnh như xưa nữa. Hắn tức giận, quăng cặp nạng vào góc tường, chửi lớn: "Mẹ bà nó ! Gia tài có cặp giò để đạp xích-lô mà bị như vầy thì còn làm ăn khỉ gì được ?". Cô y tá nói nhỏ: "Tại số anh xui. Hôm đó anh nhập viện nhằm ca của ông bác sĩ ngoài đó...". Hắn lầm bầm: "Mẹ bà nó !". Rồi lò cò lại góc tường lượm đôi nạng lên chĩa thẳng về phía trước, miệng bắn lớn: "Pằng ! Pằng ! Pằng ! Pằng !...". Mà lần này, hắn bắn đến ba bốn đợt nhưng sao vẫn chưa nghe hả tức ! Bỗng hắn thèm có khẩu M16 để hắn... ria một hơi...
Về sau, Ba Cui sắm thùng đồ nghề rồi ngày ngày đạp xe ra góc đường gần Ủy Ban Nhân Dân ngồi sửa xe đạp. Và lúc nào cũng có đôi nạng gỗ, bây giờ đầu dưới có bịt sắt ! Cho nó... oai !
 
... Thầy Hai Khuê ở khít vách Ba Cui, hồi thời trước làm thơ ký kế toán cho một hãng buôn ở Chợ Cũ, sau thời gian đổi nghề đi đan mây tre chắc chịu không nỗi nên... bán nhà. Người chủ mới là đàn bà, cỡ tuổi Ba Cui, con người thanh tú, "coi được lắm". Cô ta ở một mình. Làm việc ở đâu không biết, nhưng ngày nào cũng thấy đi thấy về bằng chiếc xe Vélo-Solex. Vì vậy, trong hẻm gọi cô ta là "cô Hai Sô-lết".
Cô Hai không giống người trong xóm. Thời buổi này mà cô ta vẫn ăn mặc như hồi đó, vẫn áo dài màu in bông trang nhã quần hàng trắng ống thon thon. Vẫn chút phấn chút son chút dầu thơm loại "xịn". Cho nên người trong xóm cũng ngại, không muốn gần, mặc dầu thấy cô Hai Sô-lết cũng dễ thương, gặp ai cũng chào cũng hỏi. Riêng Ba Cui thì thẳng thừng: "Con mẹ này... Tôi coi không vô ! Cái thứ đàn bà ở một mình mà tối ngày son phấn... tôi nghi lắm". Cho nên, gặp cô ta mấy lần mà hắn chẳng hỏi thăm xã giao một tiếng. Chỉ gật đầu lấy lệ rồi đi luôn !
 
Một buổi tối, tên công an phường đi xe Honda tới nhà cô Hai Sô-lết với một anh bạn. Họ và cô Hai chào hỏi nhau, giọng điệu chứng tỏ họ đã quen thân nhau từ lâu. Ba Cui nằm trên ghế bố đặt ở phòng khách – hắn ngủ ở đây cho nó mát – nghe cái lối chào đón của "con mẹ hàng xóm" mà phát ghét. Hắn lầm bầm: "Mẹ bà nó ! Tao nói có sai đâu ! Cái thứ này... xài không được !"
 
Bên kia, chắc họ bày biện ăn uống ở ngoài sân nên Ba Cui nghe rõ mồn một:
- Biết bà chị neo đơn nên chúng tôi có mang đến thịt quay và phá lấu đây này.
- Các anh bày vẽ. Hồi trưa, ở cơ quan, em đã bảo đừng mang gì hết. Em có bia nè. Em có tôm khô củ kiệu nè. Em có cua rang muối nè.
- Đấy ! Đồng chí thấy không ? Tôi đã bảo là chị Tâm chu đáo lắm mà đồng chí không tin.
- Ấy ! Đây là lần đầu, tớ cũng phải có cái gì để ra mắt bà chị chứ !
- Mình là người nhà với nhau hết, mấy anh đừng khách sáo. Em không thích đâu.
- Vâng ! Thế thì cho tôi xin bà chị. Lần sau sẽ nghiêm túc hơn.
Nằm bên nây, Ba Cui vừa lắng nghe vừa suy nghĩ: "Con mẹ này ghê lắm chớ không phải vừa. Thằng công an mà còn gọi bằng chị thì không phải thứ cóc cắn đâu. Theo cách nói chuyện của con mẻ thì con mẻ vô ra cơ quan Nhà Nước như đi chợ. Vậy là người của tụi nó rồi". Nghĩ đến đó, hắn có ngay một thái độ: "Mẹ bà nó ! Mình phải coi chừng. Trong hẻm này toàn là dân ngụy không mà con mẻ chen vô đây làm gì ? Phải có ý đồ gì đó ! Mình phải cho lối xóm biết mới được".
 
Sau đó, cứ năm bảy hôm là cô Hai Sô-lết có nấu nướng ăn nhậu với bọn công an. Rồi công an kéo theo công an. Họ nói năng cười cợt như chỗ không người. Cả xóm đều biết. Cho nên mọi người đều dè dặt lẩn tránh cô Hai Sô-lết. Chỉ có Ba Cui là làm ngược lại. Trước đây, hắn không thèm chào một tiếng. Bây giờ thì hắn nghĩ: "Mình phải làm cho nó thấy là mình biết nó là ai. Mình phải đương đầu với nó để cho nó thấy rằng mình không sợ nó, mặc dầu nó là bà chằn hay ông kẹ gì gì. Mẹ bà nó ! Phải như hồi đó, tao ria cho một trận là chết cha hết !".
Cho nên, có hôm, nghe Ba Cui nhái giọng nửa Bắc nửa Nam của "tụi giải phóng" để hỏi cô Hai Sô-lết – hỏi trổng:
- Thế nào ? Tốt chứ !
- Dạ... Cám ơn anh. Cũng tàm tạm.
- Chà... Dạo này thấy... béo ra đấy !
- Em thấy em cũng vậy, hà.
- Có chứ ! Cứ ăn nhậu mãi là phì ra thôi !
Bỗng cô Hai nhìn thẳng vào mắt Ba Cui, nghiêm giọng:
- Anh Ba à ! Mình ăn cây nào mình rào cây nấy, chớ anh !
Hắn phun nước miếng xuống đất, khoát tay rồi chống nạng cành cạch đi vô nhà. Thiếu chút nữa là hắn phun thẳng vào mặt con mẹ hàng xóm đó ! Cho bỏ ghét !
 
Càng ngày, cô Hai Sô-lết càng tiếp đãi "tụi nó" thường hơn, đông hơn và nhiều thành phần hơn. Có cả cán bộ đến bằng xe hơi có tài xế nữa ! Ngoài việc ăn uống – hình như chủ nhà có tài nấu nướng nên lúc nào cũng nghe "thực khách" hết lời khen ngợi thán phục – không biết họ có... "làm gì" nữa không ? Ba Cui nhiều lần cố ý rình nghe nhưng chẳng thấy có gì khả nghi hết. Nhưng, đối với Ba Cui, nguyên cái sự ăn uống cười đùa thân mật thoải mái của "tụi nó" cũng đủ làm cho hắn "tức con mắt". Còn con mẹ hàng xóm thì hắn dứt khoát: cái giống gì mà hắn... hửi không vô ! "Cái giống" đó cõng rắn cắn gà nhà, mở ngỏ đưa đường cho tụi ngoài đó vô xâm chiếm thống trị miền Nam rõ ràng mà nói là "đi giải phóng". Mẹ bà nó !
 
Một đêm đó, cũng gần khuya, trong lúc bên kia, hai tên công an và gia chủ còn chuyện trò, bên nây Ba Cui tắt đèn nằm trên ghế bố nghĩ vẩn vơ chờ giấc ngủ, thì nghe tiếng xe hơi chạy vào thắng gấp trước nhà cô Hai. Hắn lẩm bẩm: "Giờ này mà còn kéo tới nữa ! Thiệt... cái lũ này...". Nhưng sao không có tiếng mở cửa đóng cửa xe mà lại nghe có tiếng chân người phóng xuống. Vậy là thuộc loại xe "gíp" chớ không phải xe nhà. Lại nghe tiếng súng khua và tiếng lên cò lách cách. Ba Cui phóng nhanh lại cửa, lắng tai nghe. Giọng quen thuộc của tên công an phường vang lên:
- Này ! Các đồng chí làm gì thế ?
Một giọng lạ, nghiêm nghị:
- Hai đồng chí hãy ngồi yên. Con này, đứng vào góc tường kia !
Tiếng cô Hai la: "Ối !". Có vẻ đau. Tên công an la lên:
- Này ! Nhẹ tay chứ đồng chí. Có vấn đề gì thì ta hãy từ từ giải quyết. Loạn à ?
- Ừ ! Loạn ngay trong phường của đồng chí mà đồng chí còn hỏi nữa à ? Đồng chí hãy ngồi xuống ! Còn con này, quay mặt vào tường, đứng yên ! Không, tao bắn nát óc !
Rồi ra lịnh cho đồng bọn vào lục soát trong nhà xem "có tên nào ẩn nấp trong ấy hay có cất giấu vũ khí không" và "phải cảnh giác".
 
Không khí bên đó có vẻ căng thẳng. Tên công an thấp giọng:
- Chị Tâm đây là người của Thành ủy. Chắc đồng chí lầm người rồi.
Không nghe trả lời. Ba Cui đoán bọn mới tới là bộ đội và "thằng xếp" này có vẻ coi thường hai tên công an.
Một lúc sau, nghe:
- Báo cáo đồng chí: không phát hiện gì cả.
- Tốt ! Hai đồng chí ra ngoài.
Im lặng. Rồi lại nghe giọng "thằng xếp":
- Các đồng chí có biết con này là ai không ?
Ngừng một chút. Chừng như để cho câu nói tiếp theo có hiệu lực hơn, bởi vì "thằng xếp" gằn từng tiếng:
- Người ta biết nó là Trần thị Tâm, nhưng tên thật của nó là Nguyễn Kim Hoa. Nó được bọn ngụy cài vào hàng ngũ của ta từ ngày giải phóng. Chính nó bao lâu nay bí mật đưa tin cho lũ phản động đang ẩn nấp ở vùng biên giới để chống phá cách mạng. Ác ôn như thế đấy !
Lại ngừng một chút, rồi tiếp:
- Bây giờ thì hai đồng chí về đi, để chúng tôi xử lý vụ này. Sáng mai chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Một lúc, có tiếng Honda của bọn công an rồ máy rồi chạy ra ngõ. "Thằng xếp" ra lịnh:
- Con này ! Đi ngay !
- Anh cũng phải để tôi dọn dẹp mấy thứ này vô nhà rồi tắt đèn đóng cửa chớ !
- Ừ ! Nhưng khẩn trương lên !
 
Bên này, Ba Cui chống hai tay lên cửa, đầu gục xuống. Hắn cắn môi kềm xúc động. Hắn nghe ân hận vô cùng: "Cô Hai là người của mình mà lâu nay mình khinh miệt cổ như đồ phản quốc ! Còn đòi phun nước miếng vào mặt cổ nữa ! Mẹ bà nó ! Mình tệ quá ! Bây giờ làm sao xin lỗi cổ đây ?". Trong đầu hắn bỗng hiện lên hình ảnh của cô Hai Sô-lết. Bây giờ, sao hắn thấy cô Hai đẹp quá, cao cả quá, rắn rỏi quá. Cô vẫn giữ nguyên nét ngụy, từ cái áo cái quần tới chút phấn chút son. Cô vẫn tự trọng chớ không làm ra vẻ lam lũ theo... thời trang cách mạng. Cô đáng phục quá ! Bây giờ mới hiểu câu nói "ăn cây nào mình rào cây nấy" của cô Hai. Phải rồi. Cô phải "rào" cho kỹ để rút tỉa tin tức cần thiết cho "Kháng Chiến Phục Quốc", vậy mà mình đã nghĩ rằng cô là phường bợ đỡ chánh quyền ! Thiệt là bậy !
Bên kia, giọng cô Hai Sô-lết nghe rất bình tĩnh:
- Rồi. Tôi xong rồi.
- Mang gì thế kia ?
- Bao quần áo, bàn chải đánh răng, khăn, lược. Nè ! Anh xét đi !
- Thôi ! Được ! Lên xe !
Xe rồ máy, sang số de rồi lùi ra hẻm.
 
Bên nây, Ba Cui bỏ tay xuống, lắc đầu thở dài. Bỗng, một tiếng nổ chát chúa, tiếp theo là tiếng xe đụng vào tường rào rầm rầm rầm rồi im. Ba Cui giựt mình, đứng thẳng người lên, lắng tai nghe. Tiếng người xôn xao ngoài hẻm:
- Xe bộ đội nổ ! Xe bộ đội nổ !
- Nó đụng tường rào nhà bác Năm !
- Có ai sao không ?
- Có ai bị gì không ?
- Anh chị Năm với mấy đứa nhỏ có sao không ?
- Không ! Không có sao ! Tụi này đang ngủ trong nhà.
Ba Cui định mở cửa chạy ra coi nhưng nghĩ lại :" Trong hẻm nầy, chỉ có mình mình là lính ngụy. đứng xớ rớ ở đó nguy hiểm ." Bên ngoài vẫn nghe xôn xao :
- Đứa nào chạy kêu công an coi bây ! Trời ơi !
- Lấy đèn pin rọi coi !
- Rọi đây nè ! Mầy rọi ở đâu vậy ?
- Sao không thấy ai nhúc nhích hết vầy nè !
- Thấy ghê quá !
- Mầy rọi vô giữa coi ! Cứ ria ria ngoài nầy thì thấy khỉ gì được. Thằng... nhát gan quá mậy !
- Đưa đèn đây tao rọi coi.
- Trời ơi ! Cô Hai Sô-lết chết banh xác trong nầy nè !
 
Ba Cui bỗng thở hắt ra, gục đầu vào tường, không nghe rõ gì gì nữa. Làm như tiếng nổ vừa rồi làm cho hắn lùng bùng lỗ tai. Kinh nghiệm chiến trường cho hắn biết đó là tiếng nổ của lựu đạn, loại lựu đạn mà hồi thời còn "đánh giặc chết bỏ" hắn vẫn thường dùng để diệt địch. Bây giờ, cô Hai đã dùng nó để nói lên tiếng nói cuối cùng. Một-tiếng-nói-cuối-cùng...
Hình ảnh cô Hai Sô-lết lại hiện về trong đầu Ba Cui, thật rõ, thật đẹp, nhưng thật hiên ngang, thật oai hùng, thật vĩ đại. Trong bóng tối, hắn bỗng đứng nghiêm, trịnh trọng đưa tay lên trán chào. Xưa nay, hắn không biết khóc. Vậy mà bây giờ hắn bật khóc ! Không biết nước mắt ở đâu mà tuôn ra nhiều như vậy ?
 
Mặc dầu một chân ngắn một chân dài, Ba Cui vẫn đứng thẳng, trong tư thế chào vĩnh biệt người đồng đội vừa tử trận, đứng lâu thật lâu...

Thursday, March 22, 2012

HÀ THƯỢNG NHÂN * bài tặng Phan Bá Thụy Dương


Người như dòng thác đỉnh trời
Nước tung trắng cả nửa vời non cao

Ta vừa trong giấc chiêm bao
Gặp người chiến sĩ áo bào điểm sương

Người về có thấy bên đường
Hàng phong lan đã nhớ thương mà gầy

Từ đâu người lạc đến đây
Nhạc reo nghe đã mưa đầy hoàng hôn.

Phấn hương nào phũ mộng hồn
Bước chân phiêu lãng đã chồn mỏi chưa?


HÀ THƯỢNG NHÂN - 2005

Tiểu Tử * Thằng chó đẻ của má


Thanh Trí

Hôm nay là ngày Giỗ Mẹ.
Má ơi! Bữa nay là ngày 23 Tháng Chạp, ngày đưa ông Táo.
Không biết những người Việt lưu vong như tụi con có còn giữ phong tục hằng năm cúng đưa ông Táo về Trời hay không, chớ vợ của con năm nào đến ngày này cũng mua hoa quả bánh ngọt cúng đưa ông Táo, cũng thành khẩn như ngày xưa, hồi còn ở bên nhà.

Năm nay, nhờ vợ của con lau dọn bàn thờ ông Táo để sửa soạn bày lễ vật ra cúng, nên con mới nhớ ra là ngày 23 Tháng Chạp. Ngày này cũng là ngày sanh của má. Hồi đó, má hay nói: “Ngày sanh của đứa nào còn khó nhớ, chớ ngày sanh của tao là ngày ông Táo về Trời, không dễ gì quên!” Và ngày này hồi đó, khi cúng vái, má hay cầu khẩn: “Ông về ở trển nhờ tâu lại bữa nay tôi lên thêm một tuổi, cầu xin Ngọc Hoàng bớt cho tôi chút đỉnh khổ cực...” Hồi đó, nghe má cầu xin, con phì cười. Bây giờ, nhớ lại, con bỗng ứa nước mắt... Cuộc đời của má - theo lời tía kể - cũng lắm gian truân từ ngày má bỏ cái làng quê ở bờ sông Vàm Cỏ để đi theo tía dấn thân làm cách mạng vào những năm 1928/29. Gia đình dòng họ từ bỏ má cho nên hồi sanh con, tía bận đi xa, má nằm chèo queo một mình trong nhà bảo sanh, chẳng có người nào đi thăm hết. Vậy mà sau đó, má vẫn tiếp tục bôn ba... Mãi về sau, khi con lên sáu bảy tuổi, có lẽ chỉ vì sanh có một mình con nên tía má mới “trụ hình” - vẫn theo lời tía kể - với nhiều cực nhọc và khó khăn tiếp nối dài dài... Hỏi sao sau này mỗi lần đưa ông Táo má không có lời cầu khẩn nghe tội nghiệp như vậy?

***

Nhớ lại, cách đây ba năm má thọ tròn trăm tuổi. Tính ra, từ ngày con đi chui theo ý má muốn -má nói: “Mầy đem vợ con mầy đi đi, để tao còn hy vọng mà sống thêm vài năm nữa!” - cho đến năm đó, con xa má 25 năm. Con mới 72 tuổi mà cứ bịnh lên bịnh xuống nhưng năm đó con quyết định phải về. Và con đã về...
Thằng Bảy, con chị Hai Ðầy ở Thị Nghè nghỉ chạy xe ôm một bữa để đưa con về cái làng quê nằm bên sông Vàm Cỏ. Nó nói: “Ði xe đò chi cho tốn tiền, để con đưa cậu Hai về, sẵn dịp con thăm bà Tám luôn.”

Hồi tụi con bước vào nhà, cả xóm chạy theo mừng. Con nhỏ giúp việc vội vã đỡ má lên rồi tấn gối để má ngồi dựa vào đầu giường: “Thưa bà cố, có khách.” Má nhướng mắt nhìn, hai mắt sâu hõm nằm trên gương mặt gầy nhom đầy vết nám thâm thâm: “Ðứa nào đó vậy?” Con nghẹn ngào: “Dạ, con...” Chỉ có hai tiếng “Dạ, con” mà má đã nhận ra con ngay mặc dầu đã xa con từ 25 năm! Má nói: “Mồ tổ cha mầy! Trôi sông lạc chợ ở đâu mà bây giờ mới dìa? Mà dìa sao không cho tao hay?” Con ngồi xuống cạnh má: “Sợ cho hay rồi má trông.” Má nói mà gương mặt của má nhăn nhúm lại: “Tao trông từ hai mươi mấy năm nay chớ phải đợi đâu tới bây giờ!” Rồi má nhắm mắt một vài giây mới để lăn ra được hai giọt nước mắt. Cái tuổi một trăm của má chỉ còn đủ hai giọt nước mắt để cho má khóc mừng gặp lại thằng con... Xúc động quá con gục đầu vào vai má khóc ngất, khóc lớn tiếng, khóc mà không cần biết cần nghe gì hết. Cái tuổi bảy mươi hai của con còn đầy nước mắt để thấm ướt cái khăn rằn má vắt trên vai...

Suốt ngày hôm đó, má con mình nói biết bao nhiêu chuyện, có sự tham dự của họ hàng chòm xóm. Nhớ gì nói nấy, đụng đâu nói đó... vui như hội. Vậy mà cuối ngày, không thấy má mệt một chút nào hết. Con nhỏ giúp việc ngạc nhiên: “Bình thường, bà cố nói chuyện lâu một chút là thở ồ ồ. Bữa nay sao thấy nói hoài không ngừng! Có ông Hai dìa chắc bà cố sống thêm năm bảy năm nữa à ông Hai!”

Ðêm đó, má “đuổi” con vô mùng sớm sợ muỗi cắn. Con nằm trên bộ ván cạnh cái hòm dưỡng sinh của má. Con hỏi: “Bộ cái hòm hồi đó má sắm tới bây giờ đó hả?” Má cười khịt khịt vài tiếng rồi mới nói: “Ðâu có. Cái hòm mầy nói, tao cho cậu Tư rồi. Hồi Cao Miên pháo kích quá, tao đem cậu Tư về đây ở, rồi ổng bịnh ổng chết. Tao có sắm cái hòm khác, cái đó tao cho thằng Hai con cậu Tư. Tội nghiệp thằng làm ăn suy sụp nên rầu riết rồi chết!” Con nói chen vô: “Vậy, cái nầy má sắm sau đám của anh Hai.” Má lại cười khịt: “Ðâu có. Cái hòm sắm sau cái hòm cho thằng Hai, tao cho dì Sáu rồi. Hồi chỉ nằm xuống, nhà chỉ không có tiền mua hòm thì lấy gì làm đám ma?” Ngừng lại một chút rồi má mới nói: “Còn cái hòm nầy chắc tao không cho ai nữa. Họ hàng quyến thuộc lần hồi chết hết, còn lại có mình tao thôi, có nó nằm gần tao cũng yên bụng!”

Nằm tơ lơ mơ một lúc bỗng nghe má hỏi: “Thằng chó đẻ... ngủ chưa?” Con trả lời: “Dạ chưa” Má tằng hắng: “Tao tụng kinh một chút nghen.” Con: “Dạ” mà nghe tiếng “Dạ” nghẹn ngang trong cổ. Mấy tiếng “thằng chó đẻ” của má kêu con đã làm cho con thật xúc động. Hồi đó - lâu lắm, cách đây sáu mươi mấy bảy chục năm, hồi con còn nhỏ lận - má hay gọi: “Thằng chó đẻ, lại hun cái coi!” Hồi đó, mỗi lần cưng con, nựng con, ôm con vào lòng má luôn luôn gọi con bằng “thằng chó đẻ”! Mà con thì chỉ biết sung sướng khi nghe má gọi như vậy. Rồi con lớn lần, má không còn gọi con bằng “thằng chó đẻ” nữa. Con không để ý và chắc má cũng không để ý đến chuyện đó. Mãi đến bây giờ má lại gọi con bằng “thằng chó đẻ,” gọi tự nhiên như hồi còn nhỏ. Chỉ có mấy tiếng thật thô thiển bình dị, nghe khô khan như vậy mà sao con cảm nhận tình thương thật là tràn đầy. Và đối với má, dầu tuổi đời của con có cao bao nhiêu nữa, con vẫn là “thằng nhỏ,” “thằng chó đẻ cưng.” Con bắt gặp lại sự sung sướng của hồi đó khi được má gọi như vậy. Rồi bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời hiện về trong đầu con, liên miên chớp tắt. Ðêm đó, con trằn trọc tới khuya...

Sáng hôm sau, má biểu con đẩy xe lăn đưa má đến từng bàn thờ để má thắp nhang tạ ơn Trời Phật, Ông Bà. Cuối cùng, đến bàn thờ của tía, má nói: “Ông ơi, có thằng nhỏ nó dìa đó. Ông độ cho nó được mạnh giỏi, độ cho vợ con nó ở bên Tây được suôn sẻ trong công việc làm ăn...” Ðứng sau lưng má, con phải cắn môi thật mạnh để khỏi bật lên thành tiếng nấc!

Ðẩy má ngang bàn viết cũ của tía, con thấy trên tường có treo hai khuôn kiếng lọng văn bằng đỏ chói có đóng dấu cũng đỏ chói của nhà nước. Con ngừng lại đọc: một tấm là huân chương hạng nhứt và một tấm là huy chương hạng ba cấp cho Lê Thị Ráng. Con hỏi: “Cái gì vậy, má?” Má nói: “Mề-đai của tụi nó cho tao. Tụi nó bươi chuyện thời ông Nhạc nào đâu hồi mấy năm 1928-29 rồi chạy lại cho. Cái hạng nhứt đó cho năm ngoái, còn cái hạng ba mới cho đây.” Con cười: “Vậy là họ hạ cấp má rồi.” Má hỏi: “Sao mầy nói vậy?” Con giải nghĩa: “Thì từ hạng nhứt tuột xuống hạng ba là bị hạ cấp chớ gì nữa?” Má cười: “Mầy không biết. Cái đầu hạng nhứt đó, cho treo chơi chớ không có tiền. Cái hạng ba đó mới có cho tiền.” Con đùa: “Vậy má chia cho con chút đỉnh lấy hên coi!” Má khoát tay: “Ối... từ ngày nhận cái mề-đai đó tới nay đã ba tháng rồi mà có thấy tụi nó đưa tiền đâu. Nghe nói còn mấy khâu gì gì đó chưa thông nên có hơi trễ ” Thấy trên văn bằng đề “Lê Thị Ráng” con thắc mắc: “Ụa! Mà Lê Thị Ráng đâu phải là tên của má. Trong khai sanh của con, má là Lê Thị Láng mà!” Má cười khục khục mấy tiếng rồi mới nói: “Ðể tao nói cho mầy nghe. Hồi đó tao sanh mầy ở gần nhà thờ Cha Tam, trong Chợ Lớn. Cô mụ người tàu, nói tiếng Việt còn lơ lớ. Cổ hỏi tao tên gì để làm khai sanh. Tao nói tao tên Ráng, mà R cổ nói không được, nên ra sở khai sanh, cổ nói Ráng thành Láng là như vậy “Mãi tới bảy mươi hai tuổi con mới biết tên đúng của má là” Ráng”!

Hôm đưa ông Táo, con có tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng một trăm tuổi của má, có họ hàng tham dự đầy nhà. Vừa ngồi vào bàn, dì Bảy Giang nói: “Theo phong tục mình, con cái phải quì lạy để chúc thọ mẹ cha. Bây giờ, chị Tám được một trăm tuổi, hiếm lắm, quí lắm. Mầy phải lạy má mầy đi rồi ăn uống gì ăn.” Mọi người vỗ tay tán thành. Má cũng cười, nói: “Ồ phải! Hồi nẳm, đám cưới của mầy, mầy có đi học lạy với cậu Bảy Dinh, nhưng bên đàng gái miễn lễ chỉ bắt xá thôi, rồi về đây tía mầy cũng miễn luôn. Cho nên tao chưa thấy mầy lạy ra sao hết. Ðâu? Mầy lạy tao coi!” Mọi người lại vỗ tay nữa. Con đứng trước mặt má, chấp tay ấp úng: “Thưa má. Hôm nay là ngày sanh thứ một trăm của má, con xin lạy mừng thọ má.” Rồi con lạy ba lạy, cũng đủ điệu bộ lên gối xuống gối như con đã học lạy cách đây gần năm chục năm. Con lạy mà nước mắt chảy quanh. Con biết rằng lần lạy đầu tiên này có thể là lần lạy cuối cùng, bởi vì qua Tết, con sẽ trở về Pháp với cái lạnh cắt da của mùa Ðông, rồi sau đó biết có còn về nữa hay không? Sức khỏe của con càng ngày càng kém, bao nhiêu thứ thuốc uống vô hằng bữa liệu kéo dài sự sống của con được đến bao lâu? Ðiều này, con đâu dám cho má biết. Mọi người lại vỗ tay khi con lạy xong. Rồi thì nhập tiệc.
Bữa tiệc hôm đó thật là vui. Người vui nhứt là má.

***

Má ơi! Bữa nay là ngày sanh thứ 103 của má, ngày đưa ông Táo về Trời. Vậy là ba năm qua rồi, con đã không về thăm má. “Thằng chó đẻ “của má vẫn còn “trôi sông lạc chợ,” để cho má cứ phải trông nó về, trông hằng ngày, trông mòn con mắt, trông khô nước mắt!
Má thương con, xin má tha thứ cho con... tha thứ cho con....

Wednesday, March 21, 2012

Tuệ Sỹ - Sơ Huyền




Tang thương một giãi tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn sa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng


Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu

Một kiếp sống, một đoạn đường lay lắt
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Ðợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao

Một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ
Ðường âm u nối lại mấy tiền thân
Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn
Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn

Tuệ Sỹ

Tuesday, March 20, 2012

ĐINH TỪ THỨC * The Artist, Oscars và Cộng sản

TheArtistTeam

Chú chó Uggie cùng những người làm phim The Artist
nhà sản xuất Thomas Langmann (trái),
diễn viên Jean Dujardin (giữa), đạo diễn Michel Hazanavicius (phải),
tại giải Quả Cầu Vàng, Los Angeles, 15/01/2012.
Ảnh của REUTERS/Lucy Nicholson


Trước khi đoạt năm giải Oscars vào tối Chủ Nhật 26 tháng 2, 2012, tại Hollywood, gồm toàn các giải hàng đầu như phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, nam tài tử xuất sắc nhất, cuốn phim của Pháp The Artist đã đoạt tới hai chục giải thưởng tại các đại hội điện ảnh khác, từ Pháp đến Anh, và Hoa Kỳ.

Ra mắt tại Cannes Film Festival năm ngoái, The Artist đoạt hai giải, một cho nam diễn viên chính Jean Dujardin, và giải Palm Dog cho con chó Uggie. Vẫn tại Pháp, phim này được 6 giải César (tương đương với Oscar của Mỹ); cũng toàn những giải giá trị như phim hay, đạo diễn (Michel Hazanavicius), và nữ diễn viên xuất sắc nhất (Bérénice Bejo). Tại Anh, The Artist được 7 giải BAFTA (British Academy of Film and Television Arts). Tại Mỹ, trước khi được Oscars là 3 giải Trái Cầu Vàng (Golden Globes của Hội Báo chí Ngoại quốc ở Hollywood), giải của Nghiệp đoàn các nhà sản xuất (Producers Guild Awards) ở Los Angeles, và giải Independent Spirit tặng cho nhà sản xuất độc lập (Thomas Langmann). The Artist là cuốn phim Pháp được đề cử nhiều nhất, và đoạt nhiều giải thưởng nhất trong lịch sử.

Một cuốn phim “câm” đen trắng, dài 100 phút, được nhiều giải cao quý “xuyên đại dương” như vậy, là chuyện hiếm, và ắt phải có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều phần chắc là người viết truyện kiêm đạo diễn Hazanavicius, cũng như nhà sản xuất Langmann không có dụng ý gì liên hệ tới cộng sản. Người châu Âu hiện nay coi Cộng sản như chuyện đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, chẳng còn gì phải bận tậm. Sau khi nhận giải Oscar, đạo diễn Hazanavicius đã cho biết ông yêu mến phim câm như thế nào: “Tiếng nói hữu dụng, nhưng chỉ hữu dụng thôi. Tuy nhiên nó cũng làm giảm giá trị của truyền thông. Khi một đứa trẻ không biết nói, cười với bạn, làm bạn xúc động khác với cái cười của người lớn. Ngay cả với những người bạn yêu, không phải lúc nào bạn cũng dùng lời nói để biểu lộ những việc quan trọng. Tôi nghĩ khi bạn không cần phải nói, đó mới thực sự là sức mạnh”. Như vậy, ý của người làm phim đã khá rõ ràng. Đối với ông, “im lặng là vàng”. Nhưng người thưởng ngoạn phim, cũng như xem tranh, nhiều khi được tác phẩm cho những cảm hứng riêng, chẳng ăn nhập gì tới ý của tác giả. Với người viết bài này, câu truyện giả tưởng qua The Artist lại phản ảnh diễn tiến thật, đầy thú vị của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.

Về thể loại, The Artist được coi là một phim lãng mạn bi hài (romantic comedy drama). Sự xuất hiện, bành trướng và sụp đổ của chế độ cộng sản cũng là một bi hài kịch lãng mạn của nhân loại vào thế kỷ 20. Khởi đầu, nhiều người theo cộng sản vì lãng mạn. Khi chế độ cộng sản gây ra chết chóc cho hàng trăm triệu người, lãng mạn thành bi kịch, rồi sụp đổ một cách khôi hài bởi bàn tay của người anh hùng bí tỉ như Yeltsin.

Peppy

Peppy Miller (Bérénice Bejo) đang đọc tin về chính mình, trong phim The Artist

Thời gian câu truyện The Artist diễn ra trong vòng 5 năm, tại Hollywood, từ 1927 đến 1932, là thời kỳ nghệ thuật thứ Bảy tiến từ giai đoạn phim câm sang phim nói, như một đứa trẻ từ bỏ quãng đời chỉ biết diễn tả bằng nụ cười và những cử chỉ khuơ chân múa tay, gật hay lắc đầu, sang giai đoạn có thể diễn đạt bằng lời nói. Mở đầu bằng cảnh chiếu ra mắt cuốn phim mới nhất của tài tử lớn George Valentin (Jean Dujardin), “Một điệp vụ Nga” (A Russian Affair), trong đó vai chính bị tra khảo bằng điện, bắt phải nói, nhưng nhất định không nói (cảnh mà người dẫn chương trình Billy Crystal đã bắt chước khi mở đầu buổi phát giải Oscars). Khi buổi chiếu ra mắt chấm dứt, khán giả trong rạp đứng dậy nhiệt liệt hoan hô, tài tử chính George Valentin phải nhiều lần ra vào cám ơn khán giả ngưỡng mộ. Ngoài cửa rạp, phóng viên ảnh đổ xô tới chụp hình tài tử chính. Giữa cảnh đông đảo chen chúc, Peppy Miller (Bérénice Bejo), một cô gái trẻ tuổi mới tới Hollywood, ôm mộng trở thành diễn viên, chẳng may (hay may mắn) đụng vào tài tử lớn Valentin, người mà cô hằng ngưỡng mộ. Chàng thoáng ngạc nhiên lúc đầu, nhưng trước công chúng, vội vàng cười, tỏ cử chỉ khả ái. Trước sự khuyến khích của đám đông và các phóng viên chụp hình, nàng đáp lại bằng nụ hôn cảm ơn. Trên trang nhất báo chí hôm sau đăng hình lớn của chàng và nàng, với câu hỏi “cô đó là ai?” Nhờ sự đụng chạm bất ngờ này, sau đó, cô đã kiếm được một vai vũ công trong cuốn phim kế tiếp “Một điệp vụ tại Đức” (A German Affair).

DujardinAsValentin

Đại tài tử phim câm George Valentin (Jean Dujardin):
“Tôi thành công, nhờ khán giả tới xem tôi diễn xuất,
đâu phải để nghe tôi nói. Âm thanh là chuyện vớ vẩn…”

Năm 1929, là năm xẩy ra vụ khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Để đối phó với tình hình khó khăn, giới làm phim cũng phải có quyết định khó khăn: đột phá hay là chết. Chủ hãng phim Kinograph Studios là Al Zimmer (John Goodman) quyết định thôi làm phim câm, chuyển sang phim nói. Tài tử lớn George Valentin vẫn giữ vững lập trường, coi phim câm là đỉnh cao của nghệ thuật, không thể thay thế. Để chứng tỏ mình đúng, Valentin tự bỏ vốn và tự sản xuất một phim mới. Trong khi ấy, Peppy Miller được hãng Kinograph cho đóng trong phim nói. Kết quả là khán giả xếp hàng dài cả dẫy phố đợi mua vé xem phim do Peppy Miller đóng, còn rạp chiếu phim của đại tài tử Valentin vắng như chùa bà đanh; hình Valentin in sẵn để phát cho giới ái mộ rơi rớt trên vỉa hè, dưới gót giầy của kẻ qua người lại, chẳng ai thèm nhặt.

Thất bại trong nghề nghiệp, cộng với thất bại về tài chính, Valentin trong tình trạng rất đáng thương. Vợ cũng bỏ đi. Gia tài bị bán đấu giá. Chỉ còn hai kẻ thân thiết là con chó Uggie và ông tài xế già Clifton (James Cromwell). Cuối cùng phải cho ông tài xế đi nốt, vì cả năm không có tiền trả lương.

Về phần Miller, phim nói giúp cô thành công rực rỡ, cả về danh vọng lẫn tiền tài. Cô là người có tình, vẫn ái mộ Valentin, cố thuyết phục chủ hãng Kinograph cho anh một vai. Nhưng khi nhận được truyện phim, anh vẫn tỏ vẻ khinh bỉ, coi phim nói như một thứ rác rưởi. Trong tình trạng thất vọng cùng cực, anh trở thành say sưa, gần như điên dại. Đến nỗi, đem tất cả những cuốn phim nổi tiếng mình đã đóng (chỉ giữ lại cuốn phim đầu có Miller), châm lửa đốt, làm cháy nhà, may nhờ con Uggie cứu, thoát chết. Trong khi anh còn mê man tại bệnh viện, Peppy Miller xin đem anh về dinh thự của mình để tĩnh dưỡng. Sau khi đã bình phục, một hôm Valentin khám phá chính Peppy đã kín đáo cho mua qua đấu giá những sản phẩm nghệ thuật, kể cả bức chân dung lớn của mình, đem về che đậy, cất giữ tại một căn phòng lớn. Thất vọng cùng cực cộng với xấu hổ, anh đã trở lại nhà mình, tìm khẩu súng lục, đút nòng súng vào mồm…. Miller từ phim trường về nhà, thấy những tấm vải che kỷ vật nghệ thuật của anh bị lật tung, mà không thấy anh. Nhậy cảm của nữ giới biết ngay anh đang ở đâu, nàng vội nhảy lên xe, phóng tới nhà anh. Cùng lúc, trong nhà, anh ở tư thế sẵn sàng lẩy cò súng, ngoài đường, xe nàng phóng như bay, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Một chữ “BANG!” trên màn ảnh, đưa sự căng thẳng đến tột độ. Anh chết, nàng chết, cả hai cùng chết, hay cả hai cùng sống, xin miễn nói ở đây, để bảo vệ quyền lợi của những người chưa xem The Artist.

Sự chuyển hóa của thế giới điện ảnh từ phim câm sang phim nói diễn ra vào cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Đối với thế giới cộng sản, sự thể này diễn ra chậm hơn khoảng 60 năm sau. Phim câm là biểu tượng của xã hội cộng sản không có tự do ngôn luận. Trong một xã hội mà mọi người không được nói thật, hiểu nhau qua cử chỉ, ánh mắt, những nét méo mó vụng trộm trên khuôn mặt, và an ủi nhau bằng những giọt nước mắt lén lút vội chùi, ngôn ngữ thành vô nghĩa, nói cũng như không. Cuối thập niên 80, đầu 90 thế kỷ trước, thế giới cộng sản bắt buộc phải đi từ chỗ phủ nhận sang chấp nhận tự do ngôn luận, như điện ảnh đi từ phim câm sang phim nói. Khi Tổng bí thư Gorbachev từ chức và ông Yeltsin cấm đảng cộng sản hoạt động, chính là lúc Liên Xô làm theo quyết định của chủ hãng Kinograph không còn làm phim câm nữa.

Nhưng cũng như thế giới điện ảnh, trong thế giới cộng sản cũng có những “tài tử” bảo thủ cứng đầu như George Valentin, nhất định sống chết với những giá trị cũ đã lỗi thời. Đó là “Tứ nhân bang”: Tầu, Bắc Triều Tiên, Cuba, và Việt Nam. Thành công vẻ vang của nàng Peppy Miller, chính là hình ảnh của bà Angela Merkel vươn lên từ xã hội câm vốn được gọi là Đông Đức, cùng với những tài tử thức thời khác như Ba Lan, Tiệp… Trong khi ấy, những đại tài tử vẫn trung kiên với chủ trương phim câm, như Bắc Triều Tiên và Cuba, thân tàn ma dại chẳng khác gì chàng George Valentin thuở nào. Vợ Lalentin bỏ chồng, chính là cảnh những đảng viên kỳ cựu vượt biên ra đi, hay “chẳng đặng đừng” dứt áo bỏ Đảng.

NguyenPhuTrong

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng:
“Sự lãnh đạo của Đảng… Trước kia đã như vậy, hiện nay
đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy.”

Lỗi tại ai? Valentin không đổ lỗi cho ai đã xô đẩy mình tới tình trạng thảm thương, khuynh gia bại sản, đến nỗi phải chọn quyết định tự sát. Mà còn đổ cho ai? Khi quyết định đi ngược với trào lưu tiến hóa, khi nhân loại đã bước sang giai đoạn nói, mà mình vẫn cố bám lấy thời đại câm, đó chính là thái độ tự sát, chẳng cần ai đưa đẩy. Nhưng đám “Tứ nhân bang” thì nhất định vẫn còn đổ tội cho “bọn xấu”, và “các thế lực thù địch” đã không ngừng mưu hại mình.

Đáng tiếc! Một người say mê nghệ thuật điện ảnh cách riêng như “Lãnh tụ kính yêu” Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên, nếu được sống thêm ít năm nữa, nếu có cơ hội được xem phim The Artist, biết đâu ông chả sớm tỉnh ngộ, đưa dân tộc ông từ tình trạng phim câm sang phim nói. Với các tài tử còn sống trong đám Tứ nhân bang, hy vọng họ cũng có dịp xem phim, và sớm nhận ra thông điệp trong The Artist, để dân họ được nhờ. Riêng với cánh Hồi giáo cực đoan, xem phim là tội lỗi. The Artist không có hy vọng tới mắt họ. Ông Obama đành phải gửi thông điệp cho họ bằng máy bay không người lái, và những toán Navy Seal.

ĐINH TỪ THỨC

Monday, March 19, 2012

TRẦN TUẤN KIỆT * BỔNG DƯNG



về đây dốc đá mù sương
thả tâm tư với con đường lá bay

nguồn xưa triều đổ theo ngày
bỗng nghe chim hót lạc bầy trong đêm

vầng trăng soi một quãng buồn
hồn ta chưa biết bến nguồn là đâu

đi về nội cỏ rầu rầu
đêm nghe tiếng trúc thiên thâu tự Người

sáng trưng giấc ngủ bên đồi
mộng bay theo với những lời thinh không

hoang vu đỉnh núi trời hồng
thầm ôm trăng ngủ mênh mông một đời
TRẦN TUẤN KIỆT

Sunday, March 18, 2012

Đặng Tiến * Ngày Xuân tìm Động hoa vàng


Nhà thơ Phạm Thiên Thư là một tác gia dồi dào, đã in ra hằng vài ba trăm ngàn câu thơ, có lẽ kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.
Nhưng câu thơ được biết nhất, trước sau vẫn là :
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Câu thơ trích từ đoạn 41 trong trường ca Động hoa vàng, gồm 100 đoạn 4 câu, làm theo thể lục bát cổ điển, nhưng qua hàng lên xuống theo nhiều dạng khác nhau. Tác phẩm in năm 1971, không ghi nhà xuất bản ; bài thơ nổi tiếng nhờ Phạm Duy phổ nhạc nhiều đoạn dưới tên Đưa em tìm động hoa vàng cùng một lần với nhiều bài thơ khác của tác giả : Ngày xưa Hoàng thị, Em lễ chùa này… Phạm Thiên Thư nổi danh từ đấy.
Thơ lạ, nhạc hay, đã đành. Nhưng còn thêm lý do tâm lý quần chúng : những bài thơ tình này là của một nhà sư có pháp danh Tuệ Không , tu tại Thiền viện Pháp Vân 1964-1975, Sài Gòn. Cùng thời điểm này, hay trước đó, tu sĩ Tuệ Không đã chuyển ngữ Kinh Phật Kim Cương ra thơ Việt, dưới tên Qua suối mây hồng, xuất bản 1971, kèm theo hai tùy bút văn xuôi, Ngã pháp mây nổi và Hiện hóa pháp, viết 1969, giúp ta hiểu thêm tâm tưởng Phạm Thiên Thư, hơn là những bài thơ đôi khi trầm bổng qua vần điệu.
Động hoa vàng chứng tỏ tài hoa của tác giả, nhưng ít người quan tâm đến nét thâm trầm của những câu thơ, nói chung là diễn tả giấc mơ thoát tục của con người trong một giai đoạn nhiễu nhương, đồng thời niềm hoài vọng hướng về quá khứ xa xưa của dân tộc, nhớ nhung nhiều kỷ niệm cũ càng, có thật hay hư tưởng, từ quê hương thôn dã, một thuở thanh bình đã phôi pha.
Rằng xưa có gã từ quan…
Chúng ta tìm hiểu câu thơ. Muốn từ quan thì phải làm quan, thường là quan to, bậc khoa bảng, thành phần giai cấp quyền lực. Tác giả đã hạ giá danh vọng bằng từ « gã » bình dân, thân mật. Bình thường không ai gọi ông quan bằng « gã ». Và « gã » đây là ai ? Suốt tập thơ Động hoa vàng, bốn trăm câu, ta không biết. Muốn biết, ta phải đọc Đoạn trường vô thanh, phổ biến năm sau, nhưng có lẽ sáng cùng lúc. Câu 621 :
Học đòi theo gã Từ quan
Bên chùa cởi áo chuộc nàng dưới hoa
Mái chèo lãng đãng yên ba
Thần Phù xõa tóc la đà rong chơi
Rõ là chuyện Từ Thức trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc. Từ Thức làm quan tri huyện, có hôm đi chùa xem hội hoa. Một cô gái trẻ, lỡ làm gãy hoa, bị bắt đền, Từ Thức đã « cởi áo cừu gấm trắng » để chuộc lỗi cho người con gái. Người xưa « khen quan huyện là người hiền đức » 1. Ngày nay ta gọi là hào hoa, thậm chí bay bướm. Sau đó, không chịu sự ràng buộc của quan trường, Từ « bèn cởi trả ấn tín, bỏ quan mà về », rồi dong buồm chơi cửa bể Thần Phù, lạc vào động tiên, gặp lại cô gái vốn là tiên, tên Giáng Hương, cưới làm vợ, rồi trở về trần. Trong động tiên cũng có « hoa vàng » lọt vào cửa sổ :
Một đêm gió thổi nguyệt đầy non
Rèm cuộn hoa vàng lọt cửa son

(Trúc Khê dịch)
Trở lại câu thơ « tìm động hoa vàng ngủ say ». Lên đến hang động heo hút mà chỉ để « ngủ say » thôi ư ? Trong lối hiểu thông thường, thì ngủ say đây là cách quên công danh, những hệ lụy công danh, mà cũng là cách quên đời. Người xưa có lúc lấy giấc ngủ làm hạnh phúc, như trong bài thơ Khúc ca thích ngủ, cũng trong Truyền kỳ mạn lục, nhắc lại giấc ngủ của danh nhân như Khổng Minh, Trần Đoàn, Đào Tiềm, Chu Liêm Khê 2. Biết điển cố này ta hiểu sâu sắc hơn hai câu thơ, cùng trong đoạn 41 :
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan…
« Ngủ » là trạng thái thụ động có tính cách phủ định. « Đánh giấc » là động từ, chủ động, niềm vui của tư duy khi ý thức nghỉ ngơi. Giấc ngủ là giai đoạn ý thức nhất thời chuyển mình vào cõi vô thức mà không tự hủy. Trong tùy bút Ngã pháp mây nổi, 1969, Phạm Thiên Thư đã ca ngợi : « Giấc ngủ say, giấc ngủ mệt thiếp, giấc ngủ chết lịm, giấc ngủ của đạo gia. Giấc ngủ của kẻ đau nhừ thất bại và hoan hỷ trong sự thành công mỹ mãn nhất (…) ; một giấc ngủ không tham vọng, không chấp chặt vì tất cả đều thất bại (…). Một giấc ngủ không tịch, gối đầu, duỗi chân trên hai đỉnh tuyệt vô cùng » 3.
Dĩ nhiên, giá trị của giấc ngủ chỉ hiển hiện sau khi chúng ta đã tỉnh dậy và nhận thức, như trong thơ vua Trần Nhân Tông, vị tổ sư của phái Thiền Việt Nam :
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
Dịch :
Thức giấc mở song mây
Xuân về, lòng chưa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới cạnh hoa bay
Đồng thời chúng ta cũng không quên giấc ngủ vô tội, hồn nhiên của trẻ thơ, có lẽ là khoảng tịch lặng đẹp nhất trần đời.
*
Nói chung Động hoa vàng là bài ca siêu thoát, giữa xã hội và thời sự đảo điên, những lời thơ chấp chới đào vong vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách. Quê hương thanh bình, con người an vui, trong một nền văn hóa đã quá khứ. Hạnh phúc đơn sơ :
Ngày xưa trên giậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
(…)
Gây giàn thiên lý vàng hoa
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
Xuống đầm tát cá xâu cây
Bới khoai vùi lửa nằm dài nghe chim.
Khách xa nhớ đến nhau tìm
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
Hứng nước suối thết bình trà
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn

(khúc 89-97-98)
Đây chỉ là cảnh tưởng tượng mà thôi. Thực tế chưa bao giờ thi vị, nhất là lý tưởng như thế. Người xưa có thể kê chõng, gây giàn thiên lý, cắt cỏ, tát cá, bới khoai vùi lửa… nhưng khó bề nằm dài nghe chim…
Hình tượng có vẻ là thực tế đơn giản, tuy thật sự hão huyền, nhưng giấc mơ thì có thật trong lòng người. Nó không xâu chuỗi thành hệ thống vần vè như vậy, nhưng rời rạc vẫn ẩn hiện trong tâm thức mỗi người Việt, ít ra trong một thế hệ nào đó : Chiều chiều kê chõng… nằm dài nghe chim.
Hình ảnh có lúc tách ra khỏi phong cảnh bình dị, cụ thể của nông thôn. Mộng mơ thì vốn không biên giới, có khi vươn đến cõi bờ siêu thực :
Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn
Rượu tâm hư là rượu gì, không ai biết. Nhưng rượu gì cũng là rượu. Câu thơ thú vị chỗ đó : vừa chính thống, vừa dí dỏm. Nét hóm hỉnh tạo không khí thoáng nhẹ, niềm vui thầm lặng, cho toàn tập thơ, một không khí “thiền”.
Người đọc, nhất là người nghe nhạc, chú ý đến những câu thơ tình. Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.
Có lúc chàng kể :
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
Hồi khác chàng lại kể :
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.
Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay:
Thôi thì em chẳng yêu tôi,
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết :
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết chỉ vì những thì thôi, thế thôi, luyến láy, dằn vặt.
*
Phạm Thiên Thư sử dụng nhuần nhuyễn thể lục bát trong hình thái cổ điển nhất. Và những tứ thơ siêu thoát cũng không mới lạ, vì ta đã từng gặp từ thời Nguyễn Trãi ; nhưng đến 1970 thì không mấy ai còn nhớ. Do đó Động hoa vàng khi xuất hiện vẫn làm mới thi ca.
Vào thịnh thời của Thơ Mới, 1940, hay thơ Tự do tại Sài gòn 1960, không ai làm những câu :
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
(…)
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Hình ảnh lạ lẫm, nhưng lời thơ dân dã, thuận chiều theo lô-gíc :
Đất Nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông
Lại đem bầu ngọc ra trồng
Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân
Ý tứ tân kỳ, nhưng câu chữ không cầu kỳ. Lời thơ ý nhị, dí dỏm, diễn tả được nhu cầu siêu thoát. Nó hiện đại hóa một tứ thơ có từ Nguyễn Trãi :
Bẻ cái trúc hòng phân suối
Quét con am để chứa mây.
Thời đại cho phép một ngôn ngữ mới, ngông nghênh, phóng túng hơn. Nhưng đại thể vẫn vậy.
Đánh giá một tác phẩm, cần đặt nó vào thời điểm xuất phát. Khoảng 1970, chiến tranh lan tràn khốc liệt, xã hội đảo điên.Thịnh hành là lối thơ thân phận, nói lên tâm trạng, hoàn cảnh tang tóc, bi thương. Không ai làm thơ chơi chơi, khơi khơi, như Phạm Thiên Thư :
Có con cá mại cờ xanh
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
Nửa giòng cá gặp phù vân
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi.
Dĩ nhiên người ta có thể thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận một lối sáng tác “vô lập trường” như thế.
Ngày nay ta thường dùng từ phản ánh theo nghĩa thông thường : quy chiếu lại hình ảnh của thực tại, theo phép hiện thực hay cách điệu. Nhưng ta có thể dùng ngược lại : phản ánh là quy chiếu những cảm nghĩ trái chiều với thực tế, như bề mặt, bề trái, của một đồng tiền. Như giấc mơ thanh bình đối lập với thực tại bom đạn.
Một đêm nằm ngủ trong mây
Nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời
Cây bưởi trắng ngát hương đời
Nụ là tay Phật chỉ người qua sông.
Trong một đoạn hồi ký, Phạm Duy có nhắc lại giai đoạn này, với kỷ niệm chính xác về Phạm Thiên Thư. Thời đó, 1970, để phản ứng lại với cái “dung tục, trâng tráo” của xã hội, đã xuất hiện khuynh hướng “về nguồn, với con người Việt Nam, cây nhà lá vườn.”
“Đối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng, thật là mát mẻ và rất cần thiết (…) Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc (…). Từ đó tôi luôn luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại” 4.
Nhạc phẩm Phạm Duy đúng là những thành tựu nghệ thuật lớn lao, được đón nhận nồng nhiệt ngay. Ngày nay, bốn mươi năm sau, vẫn con nhiều thính giả nghe lại và yêu chuộng.
*
Bài này chỉ đóng khung vào trường ca Động hoa vàng : nguồn gốc thi hứng, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, và xã hội của nó.
Tác giả Phạm Thiên Thư còn sáng tác nhiều thi phẩm khác, nhưng không thành công bằng tập Động hoa vàng. Có lẽ tác giả đã vơi nguồn thi hứng đích thực, bớt khả năng cô đúc tình cảm, tập trung tư duy sáng tạo, cho nên những thi phẩm về sau – rất dồi dào – phải nép vào ngôn ngữ tài hoa. Mà tài hoa thì không đảm bảo được một hành trình sáng tạo lâu dài. Nhưng chỉ một thi tập Động hoa vàng cũng đánh dấu một thời đại trong thi ca, đồng thời thăng hoa khả năng thẩm mỹ và diễn đạt diệu vợi của thể thơ lục bát cổ truyền.
Đánh giá toàn bộ tác phẩm Phạm Thiên Thư là việc khó khăn, chưa kể có kẻ lạm quyền đã đánh giá cuộc đời chìm nổi của nhà thơ, qua lắm bể dâu.
Nói ít, nhưng đầy đủ về Phạm Thiên Thư, có mấy câu thơ Bùi Giáng tặng ông :
Chạy quanh khu vực thần tiên
Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa
Vườn cây trái ngọt trái chua
Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên.
Đặng Tiến
Orléans, 12.10.2011
1 Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, tr 106-119, nxb Văn Học, 1971, Hà Nội
2 Nguyễn Dữ, sđd, tr.142, truyện Người tiều phu núi Na.
3 Phạm Thiên Thư, Qua Suối Mây Hồng,1971, tr. 72-73, tái bản, nxb Văn Nghệ, 2006, TPHCM.
4 Phạm Duy, Nhớ, hồi ký, tr.191, nxb Phương Nam, 2005( ?), TPHCM