văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, March 5, 2012

MÙI QÚY BỒNG * MỘT THƯỞ YÊU ĐÀN



Trung ngồi trước chiếc dương cầm, thở dài. Đã mấy tháng nay chàng cố gắng tập trung tư tưởng, điều động những ngón tay trên làn phím ngà, hy vọng khả năng mình sẽ thăng tiến, nhưng vô ích. Chàng vẫn không thể nào vượt qua khỏi cái mức tầm thường, nhạt nhẽo. Những âm thanh chỉ “nghe được” mà không cách nào vươn cao hơn. Yêu nhạc, Trung đã bỏ bao nhiêu thời giờ luyện tập từ những ngày còn học tiểu học. Đến năm 12 tuổi, Trung đã xử dụng vĩ cầm thành thạo, và hai năm sau trở thành một cây đàn có hạng.

Nhưng Trung vẫn mê dương cầm. Chàng có một người chú là một nhạc sĩ dương cầm và saxophone danh tiếng. Nhạc sĩ Anh Hoàng. Khắp các phòng trà, vũ trường ở Sài ̣gòn không ai không biết danh ông. Ông đã cùng với các nhạc sĩ Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Đan Thọ, Ngọc Chánh…tung hoành tại những giải trí trường của hòn ngọc Viễn Đông trong thập niên 60 và đầu 70. Tiếng đàn huyền diệu của ông làm Trung say mê, ngơ ngẩn. Một lần được ông đệm cho buổi trình diễn tài tử cuối niên học của mình, Trung sung sướng đến độ xuất thần. Tiếng vĩ cầm của chàng như được một đôi cánh đỡ đần, nâng lên cao vút. Buổi trình diễn thành công rực rỡ. Chú Hoàng xoa đầu khen Trung tuổi nhỏ tài cao. Trung cảm động, ấp úng nói với chú Trung muốn học đánh dương cầm. Chú Hoàng cười, hứa sẽ dậy Trung. Nhưng rồi chú bận này, bận nọ, buổi học đầu tiên chẳng bao giờ thành hình.

Trung không nản chí. Chàng tự lần mua sách về tập lấy bằng cây đàn ở nhà bà chị họ. Với khả năng sẵn có, Trung đạt kết quả không mấy khó khăn. Chàng đã xử dụng được hàng phím ngà một cách thành thạo. Mỗi lần Trung ngồi trước cây đàn, những tiếng vỗ tay khen thưởng đã vang lên. Nhưng Trung biết đó chỉ là những tiếng vỗ tay khuyến khích. Chàng mới chỉ đạt đến mức độ của một người “thợ đàn”, loay hoay với những nốt nhạc một cách máy móc, chứ chưa phải là một nhạc sĩ có thể bay lượn với âm thanh. Những tháng sau này Trung càng nóng ruột, bực bội. Chàng có cảm tưởng như mình là một nhân vật trong truyện kiếm hiệp. Sở học đã đầy ắp mà kinh mạch vẫn chưa đả thông. Chỉ cần một hóa giải nào đó là công lao luyện tập sẽ viên mãn. Chàng muốn nhắc chú Hoàng lời hứa của chú, nhưng vốn tự ái, chàng không làm. Vẫn cứ tự mình lần mò, đào xới cố tìm một ánh sáng đưa mình ra khỏi chỗ bế tắc. Không thành công, chàng càng nóng nẩy, bực bội. Càng nóng nẩy, bực bội, chàng càng đi sâu vào chỗ bế tắc. Lắm lúc Trung đã phẫn chí, định bỏ hẳn giấc mộng dương cầm.

Tin nhạc sĩ Anh Hoàng bị một người học trò sát hại làm chấn động Sài gòn. Chỉ vì muốn chiếm hữu chiếc kèn saxophone của nhạc sĩ, tên học trò bất lương ấy đã giết thầy.
Nhạc sĩ Anh Hoàng mở lớp dậy saxophone ngoài những giờ làm việc ở các phòng trà và vũ trường. Tính nết tài tử, ông không để tâm lắm đến chuyện sinh sống bằng nghề dậy nhạc. Ông chỉ nhận một hai học trò, những người ông thấy có khả năng trở thành nhạc sĩ thật sự. Trong hai người học trò ấy Như Phong là người ông qúy nhất. Phong có ngón đàn vô cùng bay bướm. Hắn có biệt tài đem những nốt nhạc thêu dệt vào nhau tạo ra những âm thanh mới lạ và quyến rũ. Ông Hoàng nhì́n thấy nơi Phong một truyền nhân thích đáng của mình nên coi hắn như con, hết lòng chỉ dẫn, khai thông những khúc mắc Phong chưa cảm nhận được. Tài nghệ Phong càng lúc càng thăng tiến. Nhưng một con người như thế, có ai ngờ đâu, lại là một tên vô lại. Những tưởng tinh thần nghệ thuật, tài năng âm nhạc chỉ nằm trong một bộ óc nghệ sĩ, ngờ đâu bộ óc ấy lại ẩn chứa một tâm địa sát nhân. Phong rất mê chiếc kèn saxo của nhạc sĩ Anh Hoàng. Chiếc kèn đó như có một ma lực quyến rũ hắn. Nhiều lần đến nhà nhạc sĩ Anh Hoàng chờ thầy – ông Hoàng tin cậy Phong, trao cho chìa khoá riêng để hắn có thể đến bất cứ lúc nào không cần phải đợi lúc ông có mặt ở nhà – Phong đã lén lấy cây saxo đó ra thử. Và hắn thấy mình như đã thăng hoa. Đôi môi hắn, những ngón tay hắn và chiếc kèn như hòa lẫn vào nhau. Khi những nốt nhạc đầu tiên vừa trổi lên, Phong và cây kèn biến thành một khối. Những tiếng kèn thoát ra cuồn cuộn bay lượn trong không gian. Phong đã trở thành một phần tử của cây kèn. Hắn quên hết không gian, thời gian và mọi vật chung quanh, thoát hồn theo những âm thanh trầm bổng. Khi tiếng kèn đã ngừng, Phong vẫn không rời môi khỏi cây saxo, lâng lâng trong một cơi mộng nào thật xa vời.

Từ đó không ngày nào Phong không đến nhà thầy những lúc ông vắng mặt để lén lút mê mẩn với cây saxo của ông. Nhạc sĩ Anh Hoàng vô tình không hay biết, vẫn tận tâm chỉ dậy cho Phong. Nỗi đam mê chiếc kèn mỗi ngày một lớn mạnh trong tim Phong. Nhiều hôm trằn trọc không ngủ, Phong tơ tưởng đến chiếc kèn đó như một người tình tương tư. Mỗi lần chợp mắt hắn lại thấy hình ảnh mình và cây saxo uốn lượn trong tiếng nhạc mê hồn. Những thôi thúc ấy dần dần trở thành một ám ảnh, rồi đúc kết thành một tư tưởng mờ ám.

Phong nhất định phải chiếm hữu chiếc kèn. Phong và chiếc kèn phải là một, không thể xa rời. Phong đinh ninh chiếc kèn đó đă được tạo ra riêng cho ḿnh. Hắn sẽ đạt đến mức tột cùng của tài năng hắn với chiếc kèn ấy. Chỉ có chiếc kèn ấy mới khiến hắn thăng hoa, mới đem hắn lên đài danh vọng.

Và Phong đã dàn cảnh một vụ trộm để chiếm đoạt cây saxo. Không ngờ nhạc sĩ Anh Hoàng hôm ấy bất chợt trở về bắt gặp. Để khỏi lộ hành tung, Phong dùng dây cà vạt xiết cổ ông đến chết. Khi thấy nhạc sĩ Hoàng đã ngưng thở, Phong nới lỏng chiếc cà vạt. Nhưng trong cái giây phút cuối cùng ấy, nhạc sĩ Anh Hoàng chợt mở mắt, thu hết tàn lực, gắng gượng, thều thào hỏi Phong:
- Tại sao con giết thầy?
Phong cười nhạt, đôi mắt ánh lên những nét điên loạn:
- Tôi phải lấy cây saxo của ông. Nó là của tôi, chỉ riêng tôi mà thôi. Ông không thể là sở hữu chủ của nó được!
- Thầy vẫn định sẽ tặng con cây saxo ấy khi con đã thành tài, Phong ạ!
Phong gằn lên:
- Ông nói láo! Ông nói láo!
Rồi hai tay dang ra, kéo mạnh. Chiếc cà vạt hằn sâu vào cổ nhạc sĩ Anh Hoàng, kết thúc cuộc đời một nghệ sĩ tài ba nhưng không may có một tên học trò vô hạnh.

Trung khóc suốt một tuần vì thương nhớ ông chú. Mỗi lần ngồi trước chiếc dương cầm, nước mắt chàng lại tuôn rơi. Những tiếng đàn như nức nở, uất hận. Bao nhiêu tâm tư Trung dồn vào những phím ngà. Hai bàn tay chàng như muốn đập tan những thỏi trắng đen ấy. Âm thanh vang dội trong nỗi tức tối, cay đắng, nghẹn ngào của chàng. Nhưng vẫn có một cái ǵ bế tắc, không cho Trung bộc lộ được hết những xúc cảm mănh liệt trong lòng chàng. Trung dơ hai tay lên trời, hét lớn:
- Chú ơi! Sao cháu khổ thế này? Tại sao chú lại bỏ cháu trong khi cháu vẫn chờ đợi sự dì́u dắt của chú, chú ơi!

Như Phong đă bị bắt và đã thú tội. nhưng điều đó không giúp Trung nguôi ngoai. Chàng tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa để một ngày nào đó làm sống lại cái tài năng hiếm có của ông chú, và tiếp tục vùi đầu tập luyện. Nhưng tất cả những cố gắng ấy đều vô ích.Trung vẫn không sao vượt quá khỏi cái mức tầm thường. Tiếng đàn có ngọt hơn, thấm hơn như nhiều người chung quanh nhận xét, nhưng với Trung, đó vẫn chỉ là những âm thanh hời hợt, vô hồn, kích động người nghe trong phút chốc, rồi thôi. Trung càng ngày càng thất vọng. Cuối cùng, chàng đập cả hai bàn tay lên hàng phím ngà, tự bảo:
Thôi, ta nhất định không đụng đến một chiếc dương cầm nào nữa! Ta chỉ là một tên vô dụng!
Và quả nhiên, Trung bỏ hẳn dương cầm, ai nói thế nào cũng nhất định không chịu ngồi dạo phím nữa.

Một buổi tối mùa đông, trời trở lạnh. Những cơn gió vi vút thổi làm rụng từng lớp lá vàng tơi tả trước sân. Trung vừa kéo xong bài Sérénade của Schubert, nằm xuống ghế sofa, ôm cây vĩ cầm, nhìn hình ảnh thu vàng trong gió, tự nhiên nhớ chú Hoàng, nước mắt chạy quanh. Trung để tâm hồn ngược giòng dĩ vãng, quay lại khúc phim thiếu thời. Nào những ngày còn học tiểu học, chú Hoàng thường dẫn chàng đi dạo phố, ăn quà vặt. Nào những buổi tập vĩ cầm, chú hay làm bộ nhéo tai Trung mỗi lần kéo sai nốt, xoa đầu chàng khi chàng đàn đúng, vỗ tay khen khi chàng chơi hay. Chú không xử dụng vĩ cầm, nhưng thỉnh thoảng chú đưa chàng đến gặp nhạc sĩ Đan Thọ, một tay vĩ cầm nổi tiếng, để khoe đứa cháu tài ba. Nhạc sĩ Đan Thọ khen Trung có năng khiếu và tiên đoán Trung sẽ thành danh sau này. Đôi lần chú Hoàng cho Trung theo đến phòng trà nghe chú và các bạn chú chơi nhạc. Nhìn các nhạc sĩ say mê trình tấu, Trung có cảm tưởng ḿnh đang sống trong một thế giới khác, một thế giới của âm thanh và mầu sắc thật dị thường. Trung không nh́n thấy những người chung quanh nữa, mà chỉ thấy một vùng không gian mờ ảo, những nhạc sĩ trình tấu như những vị tiên giữa những đám mây ngũ sắc đang đùa giỡn với những làn âm thanh trầm bổng, tung qua, bắt lại, tạo nên một khung cảnh tuyệt vời. Chàng đặc biệt chăm chú trên những ngón tay và thân hì́nh chú Hoàng. Những ngón tay nhẹ lướt trên phím ngà, thân h́nh chú hơi lắc lư theo tiếng nhạc. Mỗi động tác của chú quyện vào với những âm thanh tạo nên một hòa hợp kỳ diệu. Trung như mê đi, nhiều khi quên cả những món ăn chú Hoàng đã cẩn thận gọi cho chàng trước giờ khai diễn.

Những kỷ niệm dồn dập kéo đến, quay cuồng trong trí óc Trung, và chàng thiếp đi lúc nào không hay. Đột nhiên Trung giật mình. Một bàn tay đang xoa đầu chàng, và một giọng nói quen thuộc nhẹ vang lên:
- Trung! Chú Hoàng đây.
Trung mở bừng mắt. Trời ơi! Chú Hoàng của Trung, bằng xương bằng thịt, đang đứng cạnh sofa, nụ cười hiền dịu trên môi, mái tóc bồng bềnh hơi hoa râm rủ xuống vầng trán rộng.
- Chú! Cháu vừa mới mơ thấy chú. Cháu nhớ chú quá!
- Chú biết. Chú còn biết là chú vẫn thiếu cháu một món nợ. Chú về đây để trả món nợ đó.
- Nợ gì chú? Chú có nợ gì cháu đâu?
Chú Hoàng cười buồn:
- Có chứ cháu! Chú đã hứa dậy cháu dương cầm, mà chú bậy quá, quên bẵng đi, cứ lo những chuyện đâu đâu, không giữ lời hứa với cháu.
Trung nắm tay chú:
- Không, chú không nợ gì cháu đâu. Cháu đã cố hết sức, nhưng tự thấy không có khả năng, nên đã quyết định thôi không học nữa. Cháu đã bỏ dương cầm cả mấy tháng nay rồi. Mà cháu đâu cần gì. Có chú đây là cháu vui rồi. Cần gì học. Mà, sao chú lại về được? Có thật chú trở về với cháu không chú?
Chú Hoàng đăm chiêu:
- Không đâu cháu. Chú đã chết rồi cọ̀n làm sao về được. Nhưng lời đã hứa, chú không thể không giữ. Chú về đây trong giấc mơ của cháu để truyền thụ cho cháu những gì chú đã học hỏi, thu thập và sáng tạo trong suốt cuộc đời dương cầm thủ cùa chú. Chú muốn cháu làm sống lại cái mà chú đã đạt được. Chú muốn cháu sẽ đi đến tột đỉnh của nghệ thuật dương cầm. Như thế chính là cháu đã làm chú sống lại. Chính là cháu đã đưa chú trở về với cháu đấy, Trung ạ! Nào bây giờ chúng ta bắt đầu.
- Nhưng nhà cháu làm gì có đàn dương cầm. Mỗi lần mưốn tập, cháu vẫn phải qua nhà chị Mai Lan.
- Cần gì cây đàn. Cây đàn ấy vẫn ở trong tim, trong óc cháu. Cháu cứ nhắm mắt lại mà xem. Có phải cây đàn đang ở trước mặt cháu không nào?
Trung nhắm mắt theo lời chú. Quả nhiên chàng thấy hiển hiện một cây đàn. Cây đàn dương cầm của chú Hoàng.
Nhạc sĩ Anh Hoàng nắm tay Trung dẫn đến ngồi trên ghế và bảo chàng khởi sự.
Trung nhắm mắt định thần, tập trung tư tưởng, đưa nhẹ tay lên, chờ vài giây, rồi nhẹ nhàng nhấn phím. Nhạc sĩ Anh Hoàng im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu tán thưởng, hay nhíu mày, tỏ vẻ không hài lòng. Trung đánh xong bản nhạc, ông Hoàng vỗ vai chàng:
- Được lắm, tuy vẫn ̣còn chỗ chưa thoát. Bởi thế bản nhạc chưa được diễn tả trọn vẹn. Nhưng với khả năng của cháu bây giờ, công việc của chú thật dễ dàng. Cháu đã đạt đến trình độ cao cấp rồi, chú không cần phải chỉ dậy thêm nhiều nữa. Nhờ biết vĩ cầm nên cháu đă hấp thụ nhanh chóng dương cầm. Nhưng vì cháu tự học. mua sách vở về theo đó tập dượt, thành ra vẫn bị sách vở chi phối, bởi thế cháu thiếu mất một yếu tố quan trọng: sự phóng khoáng! Chú thấy cháu thực sự có khả năng thiên phú, nhất định sẽ thành công. Chỉ cần quên những nguyên tắc khô cứng đã học từ sách vở đi. Cháu còn nhớ trong truyện Đồ Long Ỷ Thiên Kiếm khi Trương Tam Phong truyền võ công cho Trương Vô Kỵ có hỏi Vô Kỵ ̣còn nhớ những gì đã học. Vô Kỵ trả lời còn nhớ một nửa, rồi một phần ba, phần tư gì đó. Trương chân nhân vẫn bảo chưa được, phải đợi đến khi Vô Kỵ nói đã quên hết chân nhân mới mừng rỡ khen Vô Kỵ luyện võ đã thành công. Trong âm nhạc cũng vậy, những ̣ gò bó của sách vở đã trói chặt cảm hứng của mình, tạo ra một bế tắc làm cho khả năng của mình không phát xuất được trọn vẹn, khiến mình không hòa được vào với âm thanh và linh hồn bản nhạc. Người nhạc sĩ sáng tác viết ra bản nhạc theo cảm xúc của họ. Người nhạc sĩ tŕnh diễn phải diễn tả bản nhạc theo cảm xúc của mình, phải hiểu bản nhạc, phải sống với bản nhạc. Nếu không, một ngàn, một vạn người đến với bản nhạc ấy cũng chỉ rập khuôn một thể thức trình diễn, có gì khác nhau đâu? Một người cũng đă quá đủ! Bây giờ cháu đánh lại bản nhạc, quên đi những gì đã học, cứ để tâm ý mình đưa mình vào linh hồn bản nhạc đó, xem sao.

Trung nghe lời, dợt lại bản nhạc. Ông Hoàng lần lượt vạch ra những chỗ chưa chỉnh cho chàng, chỉ bảo những kỹ thuật biến báo, và những chi tiết nho nhỏ khác thật cặn kẽ.
Sau mươi lần tập dượt, Trung bỗng giác ngộ. Những bế tắc trước đây đã hoàn toàn khai thông. Nhũng âm thanh mượt mà vang lên một cách hồn nhiên như những cánh bướm tung tăng giữa một bầu trời trong sáng. Không vấp váp. Không g̣ò bó. Thong dong. Vô định.
Nhạc sĩ Anh Hoàng nở một nụ cười mãn nguyện. Ông xoa đầu Trung, rồi vỗ tay:
- Cháu đã thành công rồi đó Trung! Món nợ của chú cũng đă trả xong. Không còn gì vương vấn nữa. Bây giờ chú có thể yên tâm rời xa cõi thế rồi. Thôi, chú đi.
Trung hoảng hốt đưa tay gọi với:
- Không! Chú đừng đi. Chú ở lại với cháu.
Tiếng kêu của Trung làm chàng giật mình thức giấc. Chiếc vĩ cầm vẫn nằm trên ngực. Âm thanh bản nhạc như vẫn cọ̀n vương vấn đâu đây. Trung nhìn qua cửa sổ. Trời đã tối. Những hàng cây chỉ cọ̀n là những bóng xám mờ mờ. Đột nhiên chàng thấy một vùng sáng lập loè xuất hiện. Chạy lại gần cửa sổ hơn thì ra đó là một cánh bướm tỏa ánh lân tinh chập chờn trong bóng đêm. Cánh bướm như đang bay theo một điệu luân vũ vui tươi. Dường như thấy Trung đứng trước cửa sổ, cánh bướm đảo một vòng theo hì́nh khóa “Sol”, nhún nhẩy thêm vài lần như cử chỉ xoa đầu của chú Hoàng, rồi khuất dần trong màn đêm đã bắt đầu dầy đặc.

Một năm sau ở Sài gòn xuất hiện một nhạc sĩ vĩ cầm và dương cầm nổi tiếng với một nghệ thuật trình diễn kỳ diệu làm mê hoặc khán, thính giả. Không bao giờ người ta chán nghe người nhạc sĩ này tŕnh diễn vì mỗi lần trình bầy một bản nhạc là ông ta lại diễn tả một cách khác nhau, mà lần nào cũng khiến người nghe thấy mình như lạc vào một cơi thiên tiên với những đám mây ngũ sắc và những âm thanh huyền diệu làm họ quên cả thực tại chung quanh. Chỉ khi tiếng nhạc đã dứt, họ mới sững sờ chợt tỉnh, để rồi những tràng pháo tay nổ ran đem họ trở về trần thế. Người nhạc sĩ ấy là Hoàng Trung. Trung đã lấy tên chú Hoàng ghép vào tên mình để ghi nhớ công ơn khai thông của ông.


MÙI QÚY BỒNG