Chú chó Uggie cùng những người làm phim The Artist
nhà sản xuất Thomas Langmann (trái),
diễn viên Jean Dujardin (giữa), đạo diễn Michel Hazanavicius (phải),
tại giải Quả Cầu Vàng, Los Angeles, 15/01/2012.
Ảnh của REUTERS/Lucy Nicholson
Trước khi đoạt năm giải Oscars vào tối Chủ Nhật 26 tháng 2, 2012, tại Hollywood, gồm toàn các giải hàng đầu như phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, nam tài tử xuất sắc nhất, cuốn phim của Pháp The Artist đã đoạt tới hai chục giải thưởng tại các đại hội điện ảnh khác, từ Pháp đến Anh, và Hoa Kỳ.
Ra mắt tại Cannes Film Festival năm ngoái, The Artist đoạt hai giải, một cho nam diễn viên chính Jean Dujardin, và giải Palm Dog cho con chó Uggie. Vẫn tại Pháp, phim này được 6 giải César (tương đương với Oscar của Mỹ); cũng toàn những giải giá trị như phim hay, đạo diễn (Michel Hazanavicius), và nữ diễn viên xuất sắc nhất (Bérénice Bejo). Tại Anh, The Artist được 7 giải BAFTA (British Academy of Film and Television Arts). Tại Mỹ, trước khi được Oscars là 3 giải Trái Cầu Vàng (Golden Globes của Hội Báo chí Ngoại quốc ở Hollywood), giải của Nghiệp đoàn các nhà sản xuất (Producers Guild Awards) ở Los Angeles, và giải Independent Spirit tặng cho nhà sản xuất độc lập (Thomas Langmann). The Artist là cuốn phim Pháp được đề cử nhiều nhất, và đoạt nhiều giải thưởng nhất trong lịch sử.
Một cuốn phim “câm” đen trắng, dài 100 phút, được nhiều giải cao quý “xuyên đại dương” như vậy, là chuyện hiếm, và ắt phải có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều phần chắc là người viết truyện kiêm đạo diễn Hazanavicius, cũng như nhà sản xuất Langmann không có dụng ý gì liên hệ tới cộng sản. Người châu Âu hiện nay coi Cộng sản như chuyện đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, chẳng còn gì phải bận tậm. Sau khi nhận giải Oscar, đạo diễn Hazanavicius đã cho biết ông yêu mến phim câm như thế nào: “Tiếng nói hữu dụng, nhưng chỉ hữu dụng thôi. Tuy nhiên nó cũng làm giảm giá trị của truyền thông. Khi một đứa trẻ không biết nói, cười với bạn, làm bạn xúc động khác với cái cười của người lớn. Ngay cả với những người bạn yêu, không phải lúc nào bạn cũng dùng lời nói để biểu lộ những việc quan trọng. Tôi nghĩ khi bạn không cần phải nói, đó mới thực sự là sức mạnh”. Như vậy, ý của người làm phim đã khá rõ ràng. Đối với ông, “im lặng là vàng”. Nhưng người thưởng ngoạn phim, cũng như xem tranh, nhiều khi được tác phẩm cho những cảm hứng riêng, chẳng ăn nhập gì tới ý của tác giả. Với người viết bài này, câu truyện giả tưởng qua The Artist lại phản ảnh diễn tiến thật, đầy thú vị của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.
Về thể loại, The Artist được coi là một phim lãng mạn bi hài (romantic comedy drama). Sự xuất hiện, bành trướng và sụp đổ của chế độ cộng sản cũng là một bi hài kịch lãng mạn của nhân loại vào thế kỷ 20. Khởi đầu, nhiều người theo cộng sản vì lãng mạn. Khi chế độ cộng sản gây ra chết chóc cho hàng trăm triệu người, lãng mạn thành bi kịch, rồi sụp đổ một cách khôi hài bởi bàn tay của người anh hùng bí tỉ như Yeltsin.
Peppy Miller (Bérénice Bejo) đang đọc tin về
chính mình, trong phim The Artist
Thời gian câu truyện The Artist diễn ra trong vòng 5 năm, tại Hollywood, từ 1927 đến 1932, là thời kỳ nghệ thuật thứ Bảy tiến từ giai đoạn phim câm sang phim nói, như một đứa trẻ từ bỏ quãng đời chỉ biết diễn tả bằng nụ cười và những cử chỉ khuơ chân múa tay, gật hay lắc đầu, sang giai đoạn có thể diễn đạt bằng lời nói. Mở đầu bằng cảnh chiếu ra mắt cuốn phim mới nhất của tài tử lớn George Valentin (Jean Dujardin), “Một điệp vụ Nga” (A Russian Affair), trong đó vai chính bị tra khảo bằng điện, bắt phải nói, nhưng nhất định không nói (cảnh mà người dẫn chương trình Billy Crystal đã bắt chước khi mở đầu buổi phát giải Oscars). Khi buổi chiếu ra mắt chấm dứt, khán giả trong rạp đứng dậy nhiệt liệt hoan hô, tài tử chính George Valentin phải nhiều lần ra vào cám ơn khán giả ngưỡng mộ. Ngoài cửa rạp, phóng viên ảnh đổ xô tới chụp hình tài tử chính. Giữa cảnh đông đảo chen chúc, Peppy Miller (Bérénice Bejo), một cô gái trẻ tuổi mới tới Hollywood, ôm mộng trở thành diễn viên, chẳng may (hay may mắn) đụng vào tài tử lớn Valentin, người mà cô hằng ngưỡng mộ. Chàng thoáng ngạc nhiên lúc đầu, nhưng trước công chúng, vội vàng cười, tỏ cử chỉ khả ái. Trước sự khuyến khích của đám đông và các phóng viên chụp hình, nàng đáp lại bằng nụ hôn cảm ơn. Trên trang nhất báo chí hôm sau đăng hình lớn của chàng và nàng, với câu hỏi “cô đó là ai?” Nhờ sự đụng chạm bất ngờ này, sau đó, cô đã kiếm được một vai vũ công trong cuốn phim kế tiếp “Một điệp vụ tại Đức” (A German Affair).
Đại tài tử phim câm George Valentin (Jean
Dujardin):
“Tôi thành công, nhờ khán giả tới xem tôi diễn xuất,
đâu phải để nghe tôi nói. Âm thanh là chuyện vớ vẩn…”
“Tôi thành công, nhờ khán giả tới xem tôi diễn xuất,
đâu phải để nghe tôi nói. Âm thanh là chuyện vớ vẩn…”
Năm 1929, là năm xẩy ra vụ khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Để đối phó với tình hình khó khăn, giới làm phim cũng phải có quyết định khó khăn: đột phá hay là chết. Chủ hãng phim Kinograph Studios là Al Zimmer (John Goodman) quyết định thôi làm phim câm, chuyển sang phim nói. Tài tử lớn George Valentin vẫn giữ vững lập trường, coi phim câm là đỉnh cao của nghệ thuật, không thể thay thế. Để chứng tỏ mình đúng, Valentin tự bỏ vốn và tự sản xuất một phim mới. Trong khi ấy, Peppy Miller được hãng Kinograph cho đóng trong phim nói. Kết quả là khán giả xếp hàng dài cả dẫy phố đợi mua vé xem phim do Peppy Miller đóng, còn rạp chiếu phim của đại tài tử Valentin vắng như chùa bà đanh; hình Valentin in sẵn để phát cho giới ái mộ rơi rớt trên vỉa hè, dưới gót giầy của kẻ qua người lại, chẳng ai thèm nhặt.
Thất bại trong nghề nghiệp, cộng với thất bại về tài chính, Valentin trong tình trạng rất đáng thương. Vợ cũng bỏ đi. Gia tài bị bán đấu giá. Chỉ còn hai kẻ thân thiết là con chó Uggie và ông tài xế già Clifton (James Cromwell). Cuối cùng phải cho ông tài xế đi nốt, vì cả năm không có tiền trả lương.
Về phần Miller, phim nói giúp cô thành công rực rỡ, cả về danh vọng lẫn tiền tài. Cô là người có tình, vẫn ái mộ Valentin, cố thuyết phục chủ hãng Kinograph cho anh một vai. Nhưng khi nhận được truyện phim, anh vẫn tỏ vẻ khinh bỉ, coi phim nói như một thứ rác rưởi. Trong tình trạng thất vọng cùng cực, anh trở thành say sưa, gần như điên dại. Đến nỗi, đem tất cả những cuốn phim nổi tiếng mình đã đóng (chỉ giữ lại cuốn phim đầu có Miller), châm lửa đốt, làm cháy nhà, may nhờ con Uggie cứu, thoát chết. Trong khi anh còn mê man tại bệnh viện, Peppy Miller xin đem anh về dinh thự của mình để tĩnh dưỡng. Sau khi đã bình phục, một hôm Valentin khám phá chính Peppy đã kín đáo cho mua qua đấu giá những sản phẩm nghệ thuật, kể cả bức chân dung lớn của mình, đem về che đậy, cất giữ tại một căn phòng lớn. Thất vọng cùng cực cộng với xấu hổ, anh đã trở lại nhà mình, tìm khẩu súng lục, đút nòng súng vào mồm…. Miller từ phim trường về nhà, thấy những tấm vải che kỷ vật nghệ thuật của anh bị lật tung, mà không thấy anh. Nhậy cảm của nữ giới biết ngay anh đang ở đâu, nàng vội nhảy lên xe, phóng tới nhà anh. Cùng lúc, trong nhà, anh ở tư thế sẵn sàng lẩy cò súng, ngoài đường, xe nàng phóng như bay, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Một chữ “BANG!” trên màn ảnh, đưa sự căng thẳng đến tột độ. Anh chết, nàng chết, cả hai cùng chết, hay cả hai cùng sống, xin miễn nói ở đây, để bảo vệ quyền lợi của những người chưa xem The Artist.
Sự chuyển hóa của thế giới điện ảnh từ phim câm sang phim nói diễn ra vào cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Đối với thế giới cộng sản, sự thể này diễn ra chậm hơn khoảng 60 năm sau. Phim câm là biểu tượng của xã hội cộng sản không có tự do ngôn luận. Trong một xã hội mà mọi người không được nói thật, hiểu nhau qua cử chỉ, ánh mắt, những nét méo mó vụng trộm trên khuôn mặt, và an ủi nhau bằng những giọt nước mắt lén lút vội chùi, ngôn ngữ thành vô nghĩa, nói cũng như không. Cuối thập niên 80, đầu 90 thế kỷ trước, thế giới cộng sản bắt buộc phải đi từ chỗ phủ nhận sang chấp nhận tự do ngôn luận, như điện ảnh đi từ phim câm sang phim nói. Khi Tổng bí thư Gorbachev từ chức và ông Yeltsin cấm đảng cộng sản hoạt động, chính là lúc Liên Xô làm theo quyết định của chủ hãng Kinograph không còn làm phim câm nữa.
Nhưng cũng như thế giới điện ảnh, trong thế giới cộng sản cũng có những “tài tử” bảo thủ cứng đầu như George Valentin, nhất định sống chết với những giá trị cũ đã lỗi thời. Đó là “Tứ nhân bang”: Tầu, Bắc Triều Tiên, Cuba, và Việt Nam. Thành công vẻ vang của nàng Peppy Miller, chính là hình ảnh của bà Angela Merkel vươn lên từ xã hội câm vốn được gọi là Đông Đức, cùng với những tài tử thức thời khác như Ba Lan, Tiệp… Trong khi ấy, những đại tài tử vẫn trung kiên với chủ trương phim câm, như Bắc Triều Tiên và Cuba, thân tàn ma dại chẳng khác gì chàng George Valentin thuở nào. Vợ Lalentin bỏ chồng, chính là cảnh những đảng viên kỳ cựu vượt biên ra đi, hay “chẳng đặng đừng” dứt áo bỏ Đảng.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng:
“Sự lãnh đạo của Đảng… Trước kia đã như vậy, hiện nay
đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy.”
“Sự lãnh đạo của Đảng… Trước kia đã như vậy, hiện nay
đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy.”
Lỗi tại ai? Valentin không đổ lỗi cho ai đã xô đẩy mình tới tình trạng thảm thương, khuynh gia bại sản, đến nỗi phải chọn quyết định tự sát. Mà còn đổ cho ai? Khi quyết định đi ngược với trào lưu tiến hóa, khi nhân loại đã bước sang giai đoạn nói, mà mình vẫn cố bám lấy thời đại câm, đó chính là thái độ tự sát, chẳng cần ai đưa đẩy. Nhưng đám “Tứ nhân bang” thì nhất định vẫn còn đổ tội cho “bọn xấu”, và “các thế lực thù địch” đã không ngừng mưu hại mình.
Đáng tiếc! Một người say mê nghệ thuật điện ảnh cách riêng như “Lãnh tụ kính yêu” Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên, nếu được sống thêm ít năm nữa, nếu có cơ hội được xem phim The Artist, biết đâu ông chả sớm tỉnh ngộ, đưa dân tộc ông từ tình trạng phim câm sang phim nói. Với các tài tử còn sống trong đám Tứ nhân bang, hy vọng họ cũng có dịp xem phim, và sớm nhận ra thông điệp trong The Artist, để dân họ được nhờ. Riêng với cánh Hồi giáo cực đoan, xem phim là tội lỗi. The Artist không có hy vọng tới mắt họ. Ông Obama đành phải gửi thông điệp cho họ bằng máy bay không người lái, và những toán Navy Seal.
ĐINH TỪ THỨC