Saturday, June 30, 2012
PHAN TẤN HẢI * Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện
| |||||||||||
Friday, June 29, 2012
CHINH NGUYÊN ◈ Anh Nợ Em
ViVi |
Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau khi vị Tổng Thống vài ngày của miền Nam ra lệnh cho quân đội buông súng đầu hàng địch, để mặc cho Cộng Sản miền Bắc cưỡng chiếm toàn miền Nam. Nguyên buông súng nhưng cha chàng không cho chàng đầu thú để đi học cải tạo vài tuần sẽ về, như cán bộ Cộng Sản nói.
Kinh nghiệm sống của ông cho biết rằng đó là cái bẫy Cộng Sản đưa ra để bắt hết quân dân cán chính bỏ tù, và sẽ giết họ dần mòn trong im lặng dưới cái danh nghe rất kêu: "Trại học tập cải tạo" để che mắt nhân dân miền Nam và quốc tế.
Cuối tháng 11/1975 vào một buổi sáng cả nhà vừa thức dậy, cha Nguyên gọi chàng ra phòng khách, dúi cho chàng cái túi có hai bộ quần áo vải, và một số tiền.
Bằng giọng nói như ra lệnh, lạnh như băng:
- Con phải kiếm đường đi khỏi Ban Mê Thuột ngay hôm nay, Ta nghe phong phanh, chúng nó đã biết con ở đâu. Chúng nó sẽ bắt con bất cứ lúc nào..!
Nguyên nhìn cha, ngại ngùng đưa tay nhận món tiền không cần đếm, chàng đút vội vào túi quần, trong khi mẹ chàng vừa bước vào đứng bên cạnh cha nước mắt dàn dụa trên mặt. Nguyên nhìn hai đấng sinh thành trong tuổi già, chàng cúi nhìn xuống đất lắc đầu:
- Con không đi đâu, con trốn vào rừng, tối về nhà vì thày mẹ già rồi. Đâu có ai bên cạnh, các em con đứa đi tù, đứa mất tích chưa về...! Không biết tụi nó ra sao...!
Cha Nguyên quắc mắt nhìn chàng, giọng nói gắt trong sự đau xót tột cùng :
- Vì con là Không Quân Kiểm Báo, rồi cứ ở phố la cà hết quán cà phê này tới nơi nhẩy đầm khác. Bạn bè của con cả tỉnh Ban Mê Thuột nhỏ bé này đều biết con là ai, thì con khỏi cần trốn vô ích. Những bạn học của con tại BanMêThuột này cũng có người theo Cộng Sản nằm vùng! Nếu con muốn ta đi lượm xác con sau khi tụi nó bằm con ra từng mảnh! Thì con ở lại BanMêThuột !
Bây giờ có hai điều: Một là con trốn đi, và chết đâu cũng được, nhưng không thể chết ở Ban Mê Thuột. Hai là con tự tử, thày không muốn con chết trong tay Cộng Sản để rồi không thấy xác. Nếu không có gan tự tử thì cầm gói này, và lấy chiếc Honda của thằng Thanh đi ngay lập tức.
Nguyên nhìn cha, chàng biết rằng cha rất cương quyết vì cha chàng đã sống trong thời Thanh Niên tiền Phong ở chiến khu Bắc Việt, đã bị tù đày trong trại tù Lý Bá Sơ, Khu Tư, và đã chạy Cộng Sản cả nửa đời, kinh nghiệm về Cộng Sản của ông là máu và nước mắt, là hận thù chém giết không ngừng của chế độ mất bàn tánh con người không gia đỉnh, không tổ quốc, không tôn giáo.
Nguyên nhìn qua mẹ và các em gái, đang khóc trong góc nhà, chàng gạt nước mắt dật cái túi trên tay cha , cúi đầu chào mẹ, và bỏ lại các em chạy vội ra chiếc Honda đang dựng ở hiên nhà. Nguyên đạp cho máy nổ rồi phóng thật nhanh mất dạng.
Nguyên xuống Nha Trang tìm người bạn tên Quang ở Trụt gần Cầu Đá, nhưng người bạn chàng đã đầu thú, và bị bắt mang đi mấy tháng chưa về, gia đình không biết tin tức. Cha mẹ Quang có đi hỏi tin tức về Quang, được cơ quan công An ở Trụt trả lời : Mai mốt anh Quang sẽ về. Nhưng càng chờ càng mất niềm tin, nên cha mẹ Quang rất buồn, và trở nên bất tín đám Cộng Sản tàn ác, trong chế độ bao cấp, khủng bố và không giữ chữ tín với dân chúng.
Nguyên ở Trụt vài ngày trong nhà cha mẹ Quang, rồi dùng Honda về Sài Gòn qua ngả Phan Rang, Phan Thiết, và Long Thành vào trại Bùi Phát tìm Ông Đạm, với hy vọng ông Đạm sẽ chứa chàng vài ngày, vì ngày còn đi học Văn Khoa chàng đã ở trọ nhà ông , nhưng ông Đạm đã trở nên lạnh lùng không tiếp chàng vồn vả như xưa:
- Tôi không thể chứa cậu trong nhà, cậu phải dời khỏi nhà tôi ngay đêm nay, nếu không gia đình tôi sẽ chết với tụi Công An Cộng Sản trong khóm phường, tụi nó như lũ quỷ dữ sống lại...!
Tôi thương cậu như con, nhưng tình thế này tôi không thể làm gì hơn… Vợ tôi nghĩ tới cảnh đấu tố ngoải Bắc, nên khi Sài Gòn vửa bị cưỡng chiếm đã mang bệnh qua đời rồi !
Nguyên nhìn ông Đạm hiểu hoàn cảnh của ông, do đó Nguyên xin ra đàng sau rửa mặt , lấy bộ quần áo rách thay để ngụy trang, bước ra phòng khách chào ông Đạm, và lên xe đi thẳng ra ngoài đường Trương Minh Giảng, lên bến xe Bình Tây mua vé xe xuống miền Nam, và trèo lên xe ngồi vào ghế cuối chỗ tối, và cố giỗ giấc ngủ vội trong lo sợ bị phát giác, sau khi đã cho chiếc Honda của chàng lên nóc xe.
Trong suốt đọan đường từ Ban Mê thuột tới Sài Gòn, nơi nào Nguyên cũng ghé mắt rất nhanh liếc qua những trạm gác giữa đường để tránh né đám Công An Cộng Sản nhiều như rươi, độc ác như lũ cướp ngày ở mọi nơi. Chúng bắt người đánh đập vô cớ không cần luật lệ, khám xét bơi móc tất cả những hàng hoá trên nóc xe, và ngay cả những gói đồ hành khách ôm trên tay để tìm những gì chúng muốn lấy, muốn khám để bắt đóng thuế, nhất là chúng tìm vàng và tiền Mỹ kim cất giấu trong người nạn nhân.
Người dân bỗng trở thành nô lệ, sợ hãi từng giây phút trong cuộc sống dưới sự độc tài của kẻ cưỡng chiếm, tàn ác hơn thời phong kiến và khát máu hơn hẳn thời bị Pháp đô hộ, và đã có vài người chết dưới mũi súng của Công An trước sự ngạc nhiên ngơ ngác khiếp đảm của đám đông dân chúng ngay tại cửa chợ hay bến xe.
Nhưng nếu muốn qua khỏi trạm kiểm soát chàng chỉ bỏ vào tay những kẻ mặt người tim thú máu lạnh gác chốt ngoài đường lộ vài ngàn, hay bắt tay người kiểm soát viên trong trạm gác mặt lạnh như muốn giết người là yên lành được đi qua không cần kiểm soát. Cũng vì thế chàng đã phải nhịn ăn để dành tiền cho việc đóng lộ phí chẳng đặng đừng dưới sự bóc lột của Công An Cộng Sản.
Khi tới Cẩn Thơ, Nguyên đã hết tiền và đói, chàng bắt buộc phải bán rẻ chiếc Honda để mua chén cơm đỡ bụng rồi thất thiểu xuống đò, mà chàng chẳng biết con đò sẽ đi về đâu, vì chàng cũng không có chủ đích đi đâu, chàng là kẻ chạy trốn vòng vòng trong chiếc cũi không lồ đang nhốt người dân cả nước, và tình nguyện chết đâu cũng được nhưng đừng chết trong tay Cộng Sản, như lời cha chàng đã dặn.
Cứ thế đời Nguyên trôi theo những nắm cơm xin dọc đường, tối ngủ chợ hay chỗ nào cũng được, miễn là không có ai dòm ngó. Nhưng chàng luôn di động hết vùng này tới vùng khác, không có chỗ nào nhất định, thất thiểu như một kẻ điên. Thực ra chàng đã cho mình là kẻ điên với quàn áo rách hở lưng, rách túi, dơ bẩn hôi hám cũng may chàng chưa mắc bệnh nhưng đã còm cõi coi không ra Nguyên của mấy ngày tháng trước 30 tháng 4 với đầu tóc rối bời bết bụi không gội, râu ra lung tung và đôi mắt trũng sâu đen quầng vì thiếu ngủ lẫn với lo sợ từng giây.
Có lần trong lúc hoang mang, mềm lòng trong cơn đói, Nguyên nhẩy đại xuống thuyền từ chợ lồng Rạch Giá, rồi vì mệt và đói chàng đã ngủ quên, khi thuyền đậu vào bến đã tối, chủ thuyền đuổi chàng lên bến, Nguyên mới biết chàng đã bỏ Rạch Giá và xuống Chợ Mới, Cà Mâu. Nguyên giật mình khi nghĩ tới hai câu nói về Cà Mâu trước khi miền Nam bị cưỡng chiếm:
Muỗi kêu như sáo thổi .
Đỉa lội như bánh canh
Nguyên than thầm :
- Chắc bỏ xác ở Cà Mâu này vì muỗi, chết đâu không chết, chết vì muỗi thì nhục thật..!
Nguyên đã rúc vào đống rơm để tránh muỗi giữa cánh đồng ngủ vài đêm khi mới đặt chân tới Cà Mâu, và mấy tháng chàng đánh liều vào ngủ chung với trâu trong cái mùng che cả chòi của vài nhà giàu trong vùng. Giường là những nắm rơm chàng trải phủ lên những đống phân khô, nhưng đôi khi chàng không ngủ được vì muỗi đã đổ xô tới bám đầy vào chân, tay khi chàng ngủ quên trong khi mệt mỏi lo âu, tay chân thò ra khỏi mùng, và những chỗ hở trên thân vì quần áo rách. Những lần như vậy, Nguyên bắt buộc phải ngồi dậy lấy mấy cành tre tươi nhiều lá đuổi muỗi liền tay cho chính mình và cho cả trâu, vì nếu muỗi cắn trâu, trâu sẽ không ngủ, nằm đứng không yên và lấy đuôi quật lung tung, mùng sẽ rách và muỗi được dịp tràn vào trong mùng cho tới khi trời sáng, nhưng khi trời sáng vừa ló rạng chàng lại phải lẩn vào những ruộng lúa nước để tránh chủ trâu và bắt cá, rắn, hay chuột đồng ăn thay cơm, khi buồn ngủ chàng nằm đại ra bờ ruộng, hay thửa đất khô giữa trời đất thênh thang chẳng ai để ý tới.
Đã mấy tháng ! Nguyên không thể sống như vậy được lâu, vì chàng cảm thấy đôi khi bị sốt nóng lạnh, và thèm cơm, chàng cố gắng mấy ngày bắt cho được mấy con cá nóc lớn sách ra Chợ Mới với dụng ý đổi lấy vài viên thuốc trụ sinh, hay chén gạo.
Nguyên vừa sách sâu cá nóc từ phía Sông Rạch Hào tới gần Chợ Mới vào buổi sáng sớm. Chàng đã ngạc nhiên nhìn con đường từ cầu tàu ngó qua Ty Công Chánh chạy đến rạp hát Huệ Tinh đã rộn rịp khách mua, người bán tấp nập. Mắt chàng đã chợt nhìn thấy một dáng dấp nữ sinh gánh một bên là nồi cháo, và bên khác là rổ bát đũa, thìa và nồi nước rửa chén. Nguyên thèm cháo nuốt nước miếng, nên đi theo cho tới khi vào tới đầu chợ, người bán hàng mới bỏ gánh cháo xuống. Nguyên không thể chờ được nữa, chàng chồm tới nói với cô bán cháo:
- Xin lỗi cô, tôi đói quá và thèm cháo quá, cô làm ơn cho tôi đổi sâu cá này lấy tô cháo được không ?
Cô bán cháo vừa ngước mặt lên nhìn Nguyên, và đưa một cái liếc xéo thật dịu kín đáo như thầm hiểu trạng huống của Nguyên trong ánh mắt. Cô nhỏ nhẹ:
- Được chứ anh. Sâu cá này đổi được hai tô cháo dưa muối, anh chịu không?
Nguyên vội vàng đưa sâu cá nóc cho cô bán cháo rồi ngồi bệt xuống nền đất bụi.
- Một tô cũng được, miễn là tôi có tô cháo.
Cô hàng cháo, liếc nhìn Nguyên rồi mở nồi, lấy tô múc cho Nguyên một tô đầy, trong khi múc cháo cô hỏi Nguyên bằng giọng Ca Mâu đặc quánh.
- Anh nghèo đến độ không có tiền mua cháo à?
Nguyên đưa hai tay cẩn thận đỡ tô cháo và gật đầu. Chàng lấy thìa múc cháo húp lấy húp để, húp xong tô cháo, Nguyên thấy tỉnh người ra và lấy tay dơ lau miệng, chàng hỏi.
- Tôi còn tô nữa phải không ?
- Phải rồi, anh muốn tô nữa tôi múc cho anh.
Nguyên lắc đầu.
- Không tôi để dành ngày mai, ngày mai cô có tới đây không?
- Ngày nào tôi cũng tới đây bán cháo dưa mưối. Mai anh tới đây tôi sẽ trả lại anh tô cháo còn nợ anh.
Bất chợt nàng dịu giọng lại chỉ mình Nguyên nghe trong cái ồn ào của buổi chợ sớm:
- Tuy nhiên anh phải cẩn thận kẻo nguy hiểm lắm.
Nguyên nhìn cô bán cháo trân trân bằng đôi mắt cám ơn, và đưa mắt lấm lét nhìn chung quanh, chàng vội vàng gật đầu nói nhỏ :
- Cám ơn cô, nhưng tôi muốn đổi cá lấy vài viên thuớc cảm trụ sinh chữa bệnh.
Cô bán cháo liếc nhanh mọi người, nàng gật đầu với Nguyên, nói nhỏ:
- Trời đất, thuốc bây giờ đắt lắm, vài con cá của anh đâu có được một viên !
- Thì tôi cứ đưa cá cho cô, khi nào đủ một viên thuốc, thì cô đưa thuốc cho tôi .
Cô bán cháo vừa múc cháo bán cho khách, vừa liếc mắt nháy thật nhanh về Nguyên.
- Thôi cũng được, mai anh mang cá ra chỗ này, tôi sẽ đưa thuốc cho anh. Nhà anh ở xa đây không? Anh phải đi đi, mau lên...!
Nguyên lắc đầu.
- Tôi nghèo không có nhà.
Chợt cô bán cháo nhìn thẳng vào mặt Nguyên, nói như ra lệnh sau cái nháy mắt thật dài:
- Anh làm ơn đi chỗ khác ngay, để tôi bán hàng. kẻo Công An thấy đông người như họp chợ, họ tới bây giờ thì khốn.!
Nguyên vội vã bỏ cô hàng cháo khập khễnh, lủi thủi cúi mặt đi vội vàng, mắt ráo hoảnh nhìn quanh như chạy trốn, và biến mất vào đám dừa nước dày đặc mênh mông của Cà Mâu bên đê sông Rạch Hào cách chợ vài cây số.
Nguyên vừa đi, lòng thầm nghĩ "không biết cô bán cháo này có ý gì, sao lại nháy mắt với mình, rồi lại đuổi mình đi ! lạ thật,,, Kệ mẹ nó... Tới đâu hay đó... đằng nào cũng chết, nhưng không chết đói là được. Đi bắt cá mai mang đổi lấy thuốc rồi sẽ hay."
● Hai
Sau hơn ba năm sống trong bếp của gia đình Nga ít đi ra ngoài với danh nghĩa anh của Nga bị tàn phế từ nhỏ và luôn mặc quần dài để ngụy trang như chân bị tật nguyền. Mỗi lần chẳng đặng đừng Nguyên phải ra ngoài, chàng phải chống một cây gậy và đi cà thọt, đôi khi gỉa bộ té như đứng không vững.
Nguyên hiểu đưọc rằng Nga trước ngày 30 tháng 4 nàng là học sinh lớp 12 Trường Trung Học An Xuyên, cô học trò miền tỉnh nhỏ ưa ăn trái cóc ở xe bán hàng rong trước rạp Huỳnh Long , xem hát tại rạp Huê Tinh và hay qua phiá sau chợ để thơ thẩn đi bộ trên Công trường Bạch Đằng hứng gió ngàn từ biển thổi về.
Sau ngày 30 tháng 4 Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam nàng phải theo cha mẹ bỏ Tỉnh An Xuyên về miền quê mua đất gần sông Rạch Hào như một cách chạy trốn chương trình kinh tế mới đánh phá tư sản của Cộng Sản, Nga có người anh cả Biệt Động đã tử trận tại Khe Sanh, và người anh kế lính dù bỏ thân tại An Lộc. Cha mẹ Nga đã già, ông bà sống bình dị qua ngày sẽ không ai để ý bắt bớ hoặc đấu tố vì ông bà sống nghèo, hơn nữa ông bà không muốn bỏ quê hương có nắng bụi mưa xình của xứ An Xuyên để chạy ra nưóc ngoài như một vài người bạn của ông bà đã ra đi bằng thuyền qua Thái Lan trong ngày mất miền Nam. Nhưng trong tâm thức, ông bà lo cho tương lai Nga sau này, và luôn thở dài khi thấy vai nữ sinh bây giờ nặng gánh cháo trắng dưa muối mỗi ngày đi bộ trên lộ xa...!
Cũng vì thế Nga đành phải ở lại với cha mẹ, và gánh cháo dưa muối nàng thường gánh ra đầu chợ bán là một sự ngụy trang để sống trong cảnh quan tha, ma bắt dưới chế độ tàn ác khủng bố, giết chóc của Công An Cộng Sản giữa ban ngày.
Một chiều Nguyên đang ngồi ngoài hè sau đánh vẩy mấy con cá nóc mẹ của Nga mới mua về, bỗng nghe tiếng Nga khóc trong bếp và có tiếng nói của mẹ Nga:
- Nếu con không bằng lòng lấy nó, thì chết cả nhà đó.
Tiếng Nga gằn giọng :
- Thà chết con cũng không lấy thằng cán bộ mất dậy đó.
- Nhưng nó đã tới nhà và ra lệnh cho cha, con phải làm như ý nó muốn.
Nguyên sực nhớ tới gã cán bộ sáng nay tới nhà trong khi Nguyên trốn yên lặng trong góc bếp. Chàng nghe loáng thoáng những câu nói hống hách của hắn, và tiếng thở dài van xin của cha mẹ Nga :
- Ông phải nhớ điều tôi nói, nếu không là chết cả nhà ! Cả thằng con què của ông tôi cũng không tha đó, nghe chưa!
- Dạ
- Tôi còn biết rằng ông có hai người con trai đi lính ngụy. Đó là có tội với nhân dân ông hiểu không!
- Dạ
- Vậy thì ông bà phải làm điều tôi muốn, ông bà phải làm hiểu chưa!
- Dạ, xin ông bỏ qua cho cháu, nó còn nhỏ quá mà!
Nguyên chợt hiểu thì ra thằng cán ngố mất dạy Bắc Kỳ trên phường vừa tới hồi chiều. Mấy tháng nay hắn thấy Nga đẹp, có duyên nên hắn đã mê, và sàm sỡ với nàng mấy lần. Hắn cũng đã nhiều lần ghé nhà thăm hỏi cha mẹ nàng, nói ngọt như mía lùi, và lễ độ như con cháu, ai dè hắn manh tâm theo dõi gia đình nàng, sau khi hắn biết mọi chi tiết, hắn trở mặt khủng bố, dọa nạt ép cha mẹ Nga gả nàng cho hắn!
Nguyên bực tức bổ mạnh con dao đang đánh vẩy cá xuống con cá trên miếng gỗ làm con cá bị chặt đôi với nỗi uất hận của chàng, trong khi tiếng Nga khóc lớn hơn làm chàng đau lòng. Nguyên thầm nghĩ rồi chửi thề :
- Đồ chó chết, để tao xem mày là ai ! Có ngày mày vào đây một mình là bố sẽ giết mày, chôn xuống mương luôn, rồi ra sao thì ra, đàng nào tao cũng sẽ chết vì tụi mày không sớm thì muộn. Nhân lúc này đánh đổi có sao đâu!
Ngay đêm đó trong khi Nguyên đang trằn trọc trong góc bếp với những ý nghĩ về Nga, và cách nào thủ tiêu thằng cán bộ chính trị chủ tịch phường. Chàng nghe tiếng chân Nga trong đêm khuya đi tới phía góc bếp nơi chàng đang nằm, nhưng chàng nằm như ngủ lặng yên xem Nga làm gì. Nga dừng lại bên mùng, nàng đứng suy nghĩ vài giây rồi cúi xuống vạch mùng định rúc vào trong, nhưng sau đó nàng đứng dậy bước nhẹ ra khỏi bếp. Nguyên mở mắt theo dõi thấy nàng có vẻ băn khoăn suy nghĩ, khóc thầm và bước vào phòng nàng sau khi khép nhẹ cánh cửa không cho có tiếng động…
Đêm nào cũng vậy, cứ nửa khuya là Nga lại ròn rén đi xuống bếp, đứng bên cạnh mùng chổ chàng nằm khoảng vài phút, rồi lại nhẹ nhàng trở về phòng, và mỗi lần nhìn hành động của Nga, chằng định lên tiếng hỏi, nhưng chàng lại cố giữ im lặng đề phòng, và nghĩ cách thoát ly khỏi nhà Nga, vì chàng nghĩ có thể Nga đã muốn đuổi chàng ra khỏi nhà, ví muốn giữ sự an bình cho cha mẹ nàng, hoặc có thể Nga đã đổi lòng không muốn giúp chàng như nàng đã hứa.
Sau vài tuần Nguyên thức trắng suy nghĩ phương cách thoát ly khòi nhà Nga, và để phòng bất trắc có thể sẩy ra, sự lo âu sợ trong bóng tối có kẻ rình rập giăng bẫy bắt chàng, Nguyên đã mệt mỏi ngủ quên. Nga đã thực sự cương quyết đưa tay vén mùng từ từ rúc vào ngồi nhìn Nguyên co quắp ngủ trong bóng đêm, nàng định đưa tay đánh thức Nguyên nhưng lại rụt tay lại chui ra khỏi mùng về phòng.
Một buổi tối, Nguyên cầm con dao nhọn nấp sau cách cửa bếp, yên lặng nghe ngóng tiếng thằng công an phường trong phòng khách vọng xuống bếp. Chàng biết chắc rằng hai tháng sau ông bà Chương sẽ chọn ngày gả Nga cho hắn, và Nga cũng bằng lòng lấy hắn hầu cha mẹ được yên thân trong tuổi già. Bất chợ Nga bước qua chỗ Nguyên nấp, và đưa tay nắm tay Nguyên kéo ra khỏi chỗn chằng nấp :
- Anh làm gì vậy ? Không được làm bậy đó nghe… Tay chân của nó giết cả nhà đó. Đêm nay em sẽ nói chuyện với anh, nhớ thức nghe. Sau câu nói Nga vỗ vai Nguyên với ánh mắt buồn trong thương yêu nàng dặn :
- Anh nhớ thức chờ em … nghe.
Nguyện gật đầu :
- Anh chờ em… nhưng chuyện gì vậy ?
Nga bỏ Nguyên vội vã bước trở lại vào phòng khách theo tiếng gọi của ông Chương cha nàng, nhưng không quên đặt ngón tay trỏ lên môi như thầm dặn chàng giữ im lặng:
- Dạ… Con đây…
Nguyên nghe ông Chương nói với Nga :
- Con đưa anh cán bô ra cổng về, rồi đóng cồng chặt lại nghe.
- Dạ….
● Ba
- Anh Nguyên... Anh Nguyên... Dậy em muốn nói chuyện quan trọng với anh. Nguyên bàng hoàng bật dậy quơ vội cái áo định chạy ra ngoài vườn sau, trong khi Nga cần tay chàng trong bóng tối kéo lại, nàng dịu giọng :
- Không có gì đâu anh Nguyên, Anh chạy đi đâu vậy? Em muốn đánh thức anh dậy nói vài điều với anh thôi mà.
Nguyên ngại ngùng:
- Sao cô không thắp đèn lên, ngồi thế này hai bác biết hiểu lầm kỳ lắm, tôi mặt mũi nào còn có thể trốn ở đây. Tôi đã nhờ vả cô và hai bác...! Hai bác đã coi tôi như con ruột cô biết không ?
Nga gật đầu, giọng buồn phiền:
- Chính vì thế em mới xuống đây với anh, không sao đâu anh, em đã nói với cha mẹ em rồi.
- Em nói cái gì? Nguyên ngạc nhiên hỏi.
- Chuyện em yêu anh, muốn lấy anh làm chồng. Nga gục đầu vào vai Nguyên sụt sùi, nàng nói tiếp :
- Em ao ước có anh bên cạnh sống với ba má em, nhưng không được rồi anh. Trước khi em làm vợ hờ của hắn, em phải lấy anh.
Nguyên chạy vội ra khỏi mùng:
- Cô Nga nói gì lạ vậy! Tôi nhất định không làm chuyện này đâu, mặc dù tôi cũng yêu cô từ lâu rồi, nhưng nhất định là không được. Tội cho em...!
Nga níu tay Nguyên ngã và lòng chàng khóc sụt sùi.
- Anh Nguyên, em yêu anh, nên em mới chứa anh trong nhà, cha mẹ em đều biết chuyện này mà, và bằng lòng gả em cho anh từ lâu rồi. Em chỉ chờ thời gian anh nói ra và xin cưới em với ba má . Nhưng không ngờ sẩy ra chuyện trớ trêu này. Em phải cứu cha mẹ em, thằng khốn nạn đó nó làm thật đó. Em đã thấy nó hại nhiều người rồi! Em không muốn cha mẹ em đi tù, hay đuổi đi kinh tế mới vì em. Hoặc nó sẽ giết anh đó. Em bằng lòng cho anh mà!
- Nhưng hai bác biết thì nguy lắm ! Khổ cho em... em hiểu không ?
- Chuyện chẳng đặng đừng rồi anh... Nếu cha mẹ em biết cũng thế thôi...Ông bà đâu có muốn nó hại đời em...! Thà rằng em trao tặng anh tất cả rồi mai ra sao em không cần biết tới nữa.
- Nga! Em nói gì vậy?
Nga úp mặt vào vai Nguyên nức nở:
- Cũng đành như thế thôi anh à. Em yêu anh lắm, anh biết không ?
- Anh biết. Anh cũng yêu em, nhưng hoàn cảnh anh không thể giúp em được gì cả. Chỉ có cách anh giết nó!
Nga vội bịt miệng Nguyên:
- Anh đừng nói vậy! Em sợ lắm! Giết nó rồi anh sẽ ra sao...!
- Không, anh phải giết nó, nó hại đời em.
Nga rúc vào lòng Nguyên:
- Nó chẳng làm gì em được đâu, Em yêu anh, em muốn anh yên thân sống với cha mẹ em, và em cho anh tất cả mà...! Em đã thưa với bá má em rối !
Nguyên ôm chặt Nga trong lòng, với giọng đau đớn tột cùng:
- Em nói với ba má chuyện gì?
- Chuyện em yêu anh…. và hy sinh cho tình yêu chúng mình.
- Anh đâu có thể sống như vậy được hả em. Đời anh phải nương tựa vào người đàn bà anh yêu hay sao?
Nga ôm Nguyên và hai kẻ yêu nhau đều khóc sụt sùi trong đêm tối, Nga vuốt tóc Nguyên thì thầm:
- Vậy thì từ nay mỗi tối em đều xuống bếp ngủ với anh.
- Không được đâu em.
- Không, em đã nhất định rồi. Tử nay em sẽ sống với anh cho tới khi em về với hắn. Em sẽ xa anh đó, anh biết không?
● Bốn
Vài tháng sau khi về làm vợ gã cán bộ chính trị phường, tên Hùng, Nga cố gắng âm thầm dùng quyền lực, tiền bạc của gã cán bộ để tìm lối thoát cho Nguyên ra khỏi Việt Nam bằng đường biển.
Một đêm tối trời, có mưa lâm râm Nga tất tả chạy xe Honda về nhà, nàng xông thẳng vào bếp giữa nửa đêm không thắp đèn, nàng kéo Nguyên dậy, và nói trong vội vàng thúc dục:
- Anh Nguyên, anh phải theo em đi ngay, có thuyền đợi ngoài biển rồi.
Nguyên ngạc nhiên.
- Thuyền nào ?
- Thuyền chạy ra nước ngoài đó, anh đi theo em ngay, bỏ lại tất cả.
- Ba má em ?
- Ba má để em lo....!
Nguyên như kẻ mất trí chạy theo tay kéo của Nga ra sân trước , và như cái máy chàng theo lời Nga ngồi lên sau chiếc xe Honda, trước sự ngạc nhiên của ba má Nga, nhưng họ chỉ im lặng nhìn theo chiếc xe rồ ga chạy nhanh trong đêm mưa, rồi âm thầm khép cánh lại không lời từ biệt.
- Ôm chặt lấy em.
Nguyên ôm qua bụng Nga và nhận thấy bụng Nga có vẻ khác thường, nhưng chàng đã không có thì giờ hỏi Nga, và cố gắng nghe những lời chỉ dẫn của Nga nói nhỏ trong mưa để cho nàng được yên lòng.
- Nhất định anh phải nghe em, anh phải đi ...! Nếu thoát được cố gắng sống nghe anh...! Anh thương em thì anh phải sống nghe chưa...!
Nga hối hả phóng xe chạy quanh co trong đêm, khi tới sông Rành Hào nàng thắng gấp xe, tắt máy bước khỏi xe một quãng xa. Nga dừng lại ôm lấy Nguyên khóc sụt sùi, nàng chỉ chiếc ghe trong khi với Nguyên:
- Anh đi được bằng an, em chờ tin anh...! Có thế nào chăng nữa cũng đừng uổng phí đời anh nghe chưa! Anh phải chờ em...!
- Trong lúc Nguyên bịn rịn, Nga kéo Nguyên sát vào mặt nàng rồi hôn chàng thật lâu, sau đó vung tay đẩy Nguyên xuống chân đê sông Rạch Hào, và bảo chàng chạy tới chiếc ghe đang bập bềnh trong đêm đang có bóng nguời lom khom bước xuống.
- Anh xuống ghe kia đi đi...đi đi anh, ghe lớn đang chờ ngoài khơi... anh đi bằng an. Thôi em về đây... Nếu thoát được chờ em qua... Em sẽ tìm anh..
● Năm
- Dady...! Dady...! Con vừa nhìn thấy một bà gần giống như hình ba bỏ trong bóp, trên bàn thờ, và một người khác nhìn đàng sau giống hệt dady lắm. Con tưởng là dady nên chạy theo gọi, nhưng không phải. Mắc cớ quá chừng hà...!
Nguyên trố mắt nhìn đứa con gái đầu mười tuổi của chàng, nó đang vừa thở vừa nói. Chàng ngồi xổm để nhìn vào mặt con, quở mắng :
- Con đi đâu để ba má tìm khắp nơi ? Cứ tưởng con bị bắt cóc rồi.
Bất chợt Hellen quay mặt nhìn mẹ, nói:
- Mẹ à, con nhìn thấy một nguời giống dady ghê lắm, nên con chạy theo gọi. Ông ta quay lại, mặt cũng giống dady làm con hết hồn. Con mắc cỡ, bây giờ dady lại la con kìa..!
Nguyên ngạc nhiên, kéo Hellen tới gần an ủi và dò hỏi:
- Con gặp hai người đó ở đâu ?
- Trong parking chợ Lion mà dady vừa dắt con ra đó.
- Con gặp ở đâu?
- Con đã nói ở ngoài parking chợ đó mà. Người đàn ông giống dady ghê lắm. Nhưng trẻ hơn dady đó !
Nguyên chợt nghĩ tới Nga, chàng lay vai con gái, hỏi vội vàng trong khi đưa mắt nhìn quanh parking trước cửa chợ Lion.
- Hai người đó đâu rồi con ?
- Họ vừa lên xe đi rồi... Đó chiếc xe màu xám vừa quẹo ra đường King đó dady..!
Nguyên nhìn theo tay chỉ của Hellen, đầu chàng bỗng trở lên nặng trĩu, rối bời những hình ảnh của Nga, những ngày chàng sống ẩn nấp trong nhà nàng, nhất là những đêm bên nàng trong xó bếp, và ngày nàng đẩy chàng xuống chân đê sông Rạch Hào để xuống thuyền chạy ra biển.
Hai mươi lăm năm, Nguyên sống trên đất Mỹ, mười lăm năm bặt tin Nga, chàng chỉ biết Nga đã có một con trai sau hai năm chàng sống ở trại tỵ nạn Song Kha TháiLand. 15 năm không tin tức gì về Nga sau khi chàng đã tìm lại sự cân bằng tâm hồn và công việc hàng ngày tại hãng IBM. Chàng cố gắng làm để hy vọng có ngày đoàn tụ với Nga, nhưng tin tức về Nga đã không còn cách nào có thể gặp lại, mặc dù chàng đã có vài lần về tìm Nga, nhưng mọi người biết về gia đình Nga đều nói nàng đã vượt biển với thằng con sau khi cha mẹ nàng qua đời, và từ đó biệt tích không về lại căn nhà nàng bỏ lại.
Chàng nghĩ rằng mẹ con của Nga đã chết trên biển, và chàng đã lập bàn thờ cho Nga ở trong nhà trước khi lấy Khanh. Chàng đã nói với Khanh : Nga là người vợ trước đã qua đời trong khi vượt biển từ Cà Mâu.
Sao bây giờ Nguyên bỗng dưng lại có người giống chàng, một ý nghĩ bất ngờ le lói về Nga! Nguyên thầm nghĩ : Biết đâu đó là Nga và đưá con của chàng đã tạo ra từ xó bếp, mặc dầu Nga không nói lúc chia tay 25 năm trước.
Nguyên thầm ao ước:
- Nga à! Có phải em và con không !!!? Sao tình chúng ta luôn oan nghiệt thế này! Em cứ như cái bóng bỗng xuất hiện trong đời anh rồi mất hút để anh mong, và tìm kiếm cả đời...! Nếu thực sự là em và con, em làm ơn xuất hiện cho anh gặp, anh vẫn luôn yêu em, vẫn còn nhớ những ngày tháng cũ bên nhau. Nhớ sự hy sinh của em....!
Nguyên vội quay đi nơi khác đẻ tránh cặp mắt ngạc nhiên của Hellen đang nhìn chàng, và gạt vội vài giọt nước mắt thầm kín chạy trên má ! Chàng thở dài nhủ thầm.
"Nga! Em à...! Anh còn nợ em ...!"
CHINH NGUYÊN
{Trích trong Nợ Em}
Thursday, June 28, 2012
PHẠM TÍN AN NINH * Đêm nằm nghe em hát
(Cho một giọng hát TBT ngày xưa)
Tiếng em hát, đêm ngậm ngùi
Lòng anh bằng cả đất trời hoang vu
Não nùng như giọt mưa thu
Hồn anh lạc nẻo sương mù xa xăm
Tiếng em hát, trời bâng khuâng
Bỗng dưng anh thấy bàng hoàng nhớ ai
Ru anh thêm giấc mộng dài
Trả anh về với cơn say mịt mùng
Tiếng em hát, lạnh hư không
Đưa anh vào cuộc phong trần ngày xưa
Mộng đời trôi giữa cơn mưa
Tháng tư ngày đó như vừa mới đây
Tiếng em hát, gió ngất ngây
Có con chim nhỏ lạc bầy gọi anh
Dư âm khúc hát quân hành
Sao nghe buồn quá, cũng đành vậy thôi
Tiếng em hát, mây ngừng trôi
Thời gian dừng lại, cõi người huyễn mơ
Quê hương xa thẳm mịt mờ
Anh, con thuyền nhỏ dật dờ biển xa.
Phạm Tín An Ninh
Trần Tuấn Kiệt * HÌNH THÀNH LỚP NHÀ VĂN TRẺ VÀ BÁO CHÍ MỚI
Sau khi từ Côn Đảo về, cụ Trần văn Ân tham dự các chức vụ của chính quyền đương thời như tổng trưởng Thông tin, tổng trưởng Chiêu hồi… Sự thật thì với sự nghiệp khai sáng phong trào quốc gia chống Cộng của cụ từ đầu cho đến bấy giờ, những chức vụ ấy chỉ là cấp thấp so với tài năng và công nghiệp lớn lao của cụ buổi ban đầu chống Pháp. Trong lúc đó ông Hồ Hữu Tường giữ một chức nghị viên đối lập, Nguyễn Vỹ trong Hội đồng Văn hóa với nhiều vị khác có lẽ thời Phan Khắc Sửu mới lên.
Đất nước miền Bắc sau 54 thuộc về CS. Miền Nam các đảng phái tôn giáo dưới thời độc tài Ngô Đình Diệm mờ dần vai trò của họ. Bấy giờ có đảng Tân Đại Việt của Nguyễn Ngọc Huy hay Cấp Tiến ra đời. Tôi chơi khá thân với anh Lê Thanh Hoàng Dân của đảng Cấp Tiến. Anh là một nhà giáo cùng sáng lập nhà xuất bản Kỷ Nguyên-Kỷ nguyên mới với Nguyễn Vương, nhà thơ ở Sa đéc lên Saigon thành công lãnh vực nhà in, có cả Mai Vi Phúc, Nguyễn Á Châu…
Tú Kếu, Trần Dạ Từ và tôi thường sinh hoạt thân thiết với nhau. Nhã Ca, vợ Trần Dạ Từ xuất bản Thơ Nhã Ca do Đặng Tiến và Nguyên Sa viết giới thiệu. Lúc đó anh em trẻ gọi chúng tôi là ba nhà thơ họ Trần: Trần Dạ Từ, Trần Đức Uyển (Tú Kếu) và Trần Tuấn Kiệt.
Trần Dạ Từ ban đầu xuất bản tập Hương Cau Quê Ngoại ký tên Hoài Nam. Trong một thời gian ngắn, Trần Dạ Từ viết loại thơ tự do mới mẻ, từ và ý có những câu:
Lóng tay dài mãi niềm lưu luyến
Môi cũng nghìn năm bớt tủi hờn.
Trong ba thằng họ Trần, Trần Dạ Từ có bản lĩnh chính trị, anh hoạt động đủ mọi mặt, vừa làm kinh tế vừa làm chính trị, văn nghệ. In thơ trong nhóm Sáng Tạo của Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Hồ Nam, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Bảo Việt…
Khi đó Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh và Duy Lam chủ trương chống kịch liệt Sáng tạo và phong trào hiện sinh. Tư tưởng và nghệ thuật mới, phong trào thơ Tự do phát triển mạnh trong lớp sinh viên, học sinh. Họ đua nhau học Jean Paul Sartre, nói về Satre vanh vách như Tam Ích nói thời của cụ, người ta tỏ vẻ trí thức hào nhoáng với nhau bằng cách tỏ ra biết nhiều về CS Đệ Tứ, Đệ Tam vậy.
Đó chẳng qua là phong trào mà thôi. Trong đám này có nhóm Hoa Mười Phương mà Kiều Thệ Thủy làm ra vẻ lãnh tụ, thường giảng giải tư tưởng Hiện sinh và Sartre cho anh em nghe. Anh Duy Sinh con cụ Quỳnh nói dịch là Hiện Sinh không đúng Nghĩa, phải nói Duy Sinh mới đúng, như Duy Tâm, Duy Vật vậy...
Thời tôi còn nhỏ, người ta ít đọc lại Hồ Biểu Chánh hay Thanh Tâm kiếm hiệp mà đua nhau đọc tiểu thuyết của bà Tùng Long, trinh thám của Phú Đức, truyện Đi Và Sống của Lê Minh Hoàng Thái Sơn, Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà in đi in lại tới lần thứ tám, truyện của Thanh Hương và Nguyễn thị Vinh. Truyện đường rừng của Hoàng Ly như Giặc cái trên báo Sống của Chu Tử rất nhiều người đọc.
Sau đó tới sách Lê Xuyên miền Nam. Các cuốn Rặng Trâm Bầu, Xinh, nhất là Chú Tư Cầu được đón tiếp nồng hậu nhất. Sau này ông bán thuốc lá qua ngày và chết trong cảnh nghèo nàn.
Tuy nhiên Lê Xuyên còn là đàn em của Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, nhất là Trần văn Ân. Có lần tôi nói Sơn Minh Khai xin xuất bản lại sách của ông. Anh cười cười: Làm sao mà in được. Tôi cũng biết thế nhưng vẫn lấy năm trăm ngàn nhét vào túi Lê Xuyên mà nói : Cứ xài đi, in được hay không việc đó tính sau.
Tuy nhiên Lê Xuyên còn là đàn em của Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, nhất là Trần văn Ân. Có lần tôi nói Sơn Minh Khai xin xuất bản lại sách của ông. Anh cười cười: Làm sao mà in được. Tôi cũng biết thế nhưng vẫn lấy năm trăm ngàn nhét vào túi Lê Xuyên mà nói : Cứ xài đi, in được hay không việc đó tính sau.
Lúc nào khỏe, Hoàng Ly chở tôi đến ông Khai Trí để tôi kiếm tiền cũng anh đi nhậu. Lúc Hoàng Ly yếu, tôi chở ông, lúc nào hai anh em cũng đi với nhau suốt cả ngày. Chị Hoàng Ly rất đẹp xứng với Hoàng Ly mắt nâu, mũi cao thường đến tòa soạn tìm ông.
Tôi chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh cho in quyển Hồng Cẩu Quẩy (chó quỷ) của ông. Sách hơi mỏng do Hoài Nam vẽ bìa thật đẹp in tới mười lăm ngàn quyển bán hết cho nhà Sống Mới. Chúng tôi thương nhau như anh em ruột.
Vào thời tôi in sách nhiều, thơ nhiều thì các tác giả như Cao Hoành Nhân mà Nhất Linh in thơ rất nhiều ở Văn Hóa Ngày Nay bỗng nhiên biến mất, nhà thơ Hữu Phương sau làm đến phó đề đốc Hải quân, tư lệnh vùng biển.
Còn có bạn Ngô Thế Vinh nổi tiếng với Vòng Đai xanh rồi Má Hồng của Đỗ Tiến Đức, Cao Thế Dung, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn văn Trung, Phạm Công Thiện… đều có sách in ra luôn luôn.
Nhóm Tự Lực Văn Đoàn mới có Duy Lam, Thế Uyên, Linh Bảo, Tường Hùng, Nguyễn thị Vinh, Bảo Sơn sáng tác, dịch thuật liên tiếp, có cả Trùng Dương Mưa Không Ướt Đất, Nguyễn thị Hoàng Vòng tay Học Trò, Thanh Nam, Túy Hồng, Nhã Ca… đều là những nhà văn nổi trội trong một thế giới văn học tự do của miền Nam bắt đầu một thời binh lửa. Lúc đó Minh Đức Hoài Trinh ở Pháp về…
Tôi chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh cho in quyển Hồng Cẩu Quẩy (chó quỷ) của ông. Sách hơi mỏng do Hoài Nam vẽ bìa thật đẹp in tới mười lăm ngàn quyển bán hết cho nhà Sống Mới. Chúng tôi thương nhau như anh em ruột.
Vào thời tôi in sách nhiều, thơ nhiều thì các tác giả như Cao Hoành Nhân mà Nhất Linh in thơ rất nhiều ở Văn Hóa Ngày Nay bỗng nhiên biến mất, nhà thơ Hữu Phương sau làm đến phó đề đốc Hải quân, tư lệnh vùng biển.
Còn có bạn Ngô Thế Vinh nổi tiếng với Vòng Đai xanh rồi Má Hồng của Đỗ Tiến Đức, Cao Thế Dung, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn văn Trung, Phạm Công Thiện… đều có sách in ra luôn luôn.
Nhóm Tự Lực Văn Đoàn mới có Duy Lam, Thế Uyên, Linh Bảo, Tường Hùng, Nguyễn thị Vinh, Bảo Sơn sáng tác, dịch thuật liên tiếp, có cả Trùng Dương Mưa Không Ướt Đất, Nguyễn thị Hoàng Vòng tay Học Trò, Thanh Nam, Túy Hồng, Nhã Ca… đều là những nhà văn nổi trội trong một thế giới văn học tự do của miền Nam bắt đầu một thời binh lửa. Lúc đó Minh Đức Hoài Trinh ở Pháp về…
Rồi Vòng Tay Lửa của Nguyên Vũ, nhạc Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, thơ Tạ Ký, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Nguyên Sa, Tú Kếu, Trần Dạ Từ , Kiều Thệ Thủy, Hoài Khanh, Mặc Tưởng, Nguyễn Vạn Hồng, Thùy Dương Tử và hằng trăm tác giả khác.
Phong Sơn, Nguyễn Thu Minh, Tuệ Mai, Phương Đài, Phan Minh Hồng, Tô Giang… hoạt động văn hóa sôi nổi. Mỗi tờ báo của các binh chủng đều có các tác giả nổi tiếng của binh chủng đó in ấn phát hành khắp nơi.
Riêng Phan Bá Thụy Dương thì từ khi đổi về Bộ Tài Chánh đã tự động ngưng viết. Còn 3 truyện dài anh đã viết cho mấy tờ báo, tôi và Anh Thuần ngỏ ý muốn xuất bản, Dương chỉ cười bảo: Các anh chủ báo yêu cầu thì viết kiếm thêm tiền thù tạc với anh em cho vui thôi. Truyện viết feuilleton hằng ngày nếu muốn xuất bản thì phải nhuận sắc, sửa chửa lại, mà “moa” thì làm gì có nhiều thì giờ. Bỏ đi. Khác với tôi và các anh em khác, Dương ít tiếp cận, giao du với giới văn nghệ sĩ.
Riêng Phan Bá Thụy Dương thì từ khi đổi về Bộ Tài Chánh đã tự động ngưng viết. Còn 3 truyện dài anh đã viết cho mấy tờ báo, tôi và Anh Thuần ngỏ ý muốn xuất bản, Dương chỉ cười bảo: Các anh chủ báo yêu cầu thì viết kiếm thêm tiền thù tạc với anh em cho vui thôi. Truyện viết feuilleton hằng ngày nếu muốn xuất bản thì phải nhuận sắc, sửa chửa lại, mà “moa” thì làm gì có nhiều thì giờ. Bỏ đi. Khác với tôi và các anh em khác, Dương ít tiếp cận, giao du với giới văn nghệ sĩ.
Đó là chưa nói đến các tác giả lớn tuổi, các nhà sách triết học mới như Nguyễn Nam Châu. Nhiều sách tư tưởng thế giới ra đời. Sinh khí văn học lúc nào cũng bốc lên khắp các nhóm báo chí và văn nghệ miền Nam thời đó.
Sinh viên Văn khoa hoạt động mạnh, sinh viên Vạn Hạnh cũng rất hăng hái. Tác phẩm dịch của Phạm Quốc Bảo in qua nhà xuất bản Hồng Lĩnh khá nhiều. Phong trào sinh viên chống Cộng ở miền Nam có Trần Lam Giang, Phạm Quân Khanh, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Quốc Bảo, Bùi Hồng Sĩ, Bùi Ngọc Tuấn và Phạm Tài Tấn, Mai Vi Phúc, Nguyễn văn Tài… Bùi Hồng Sĩ bị CS bắn vào cổ trước cửa Văn khoa suýt chết.
Cùng một năm có cái chết của Nhất Linh rồi Tam Ích.Cả hai cùng tự tử, mỗi người một cách với những ám ảnh khốc liệt của mình trong cuộc đời và lịch sử dưới thời Ngô Đình Diệm.
Văn hóa, văn học triết học, tôn giáo tự do phát triển đến vô độ thì tình trạng chính trị, chính biến do các tướng lãnh đều được Mỹ ủng hộ hay truất phế lên xuống như diều.
Một số lý thuyết gia, nhà văn hóa, triết gia…qua đời trước ngày 30 tháng 4: Nhất Linh và Tam Ích tự tử, Nguyễn Đức Quỳnh mất vì bệnh đau bao tử... Sau ngày 30, các nhà lãnh đạo như Trần văn Ân đã sang Pháp, Hồ Hữu Tường chủ trương trung lập và siêu lập do Liên Hiệp Quốc cũng thất bại và bị đi tù cải tạo, cuối cùng bị xơ gan cổ trướng chưa kịp đưa về đến nhà đã mất trên xe, Nguyễn Mạnh Côn của Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử chết đói trong tù.
Còn Lê Thương bỏ nhạc viện đi dạy nhạc tư. Trịnh Công Sơn và Phạm Duy ngả về theo CS…
Riêng cụ Trần văn Ân từ những năm 1926 trở về sau này đã hết đời phụng sự cho tổ quốc, nhiều lúc cũng bị ngộ nhận là người chạy theo địa vị dù cho các chức vụ mà cụ có đó chẳng qua là những cách thế phải nhập cuộc để đấu tranh dành từng vị thế cho mình, có mảnh đất chính trị trên chính trường để mà tận nhân lực ra giúp đỡ quê hương, dân tộc chống lại thực dân và CS.
Con người đó cao vòi vọi, tầm vóc của hạng kỳ nhân, người lãnh đạo đất nước chứ không phải chỉ là người tham dự các trách nhiệm nhỏ.
Nơi nào có đất thì dụng võ mà không câu nệ chức lớn hay bé. Con người trí thức hoạt động khắp mọi lãnh vực với nhiệt tình yêu đất nước. Cuối đời cụ sống trong căn nhà nhỏ lãnh trợ cấp xã hội bên Pháp và an bần lạc đạo với những thành quả về cuộc đời tranh đấu đã qua.
Lớp trẻ chúng tôi lớn lên sau cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm đã hoạt động văn hóa sôi nổi là thừa hưởng trí tuệ, đường lối quốc gia tự do từ các nhà văn lão thành như Hồ Hữu Tường, Tam Ích sau khi bỏ CS viết Ý Văn và dịch sách thế giới…
Tinh thần mới mẻ, phóng khoáng, tự do vô chính phủ từ các tác phẩm hiện sinh, các triết gia như JP Sartre, M Heidergger, Nieztsche, Kierkeggard, A Camus, Saint Exupéry, Hemingway, Whitman, EA Poe… Cả hồi ký De Gaulle đến Gandhi, Mao Trạch Đông… Vô số sách truyện : Kinh Veda, Upanishad, Áo Nghĩa Thư, kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cương… Tôi còn tìm được quyển kinh của đạo Lão –kinh Huỳnh Đình- ở đâu đó mà đọc cùng với Trung Dung của Khổng Tử, Nam Hoa kinh Trang Tử và Đạo Đức kinh của Lão Tử…
Người ta còn in Yoga, Thiền tông, Thiền luận, Mật tông… Chỉ trong thời gian ngắn, lớp trẻ tự rèn luyện lấy tinh thần sáng tạo với nền tảng văn học mới của thế kỷ và thời đại
Các sách văn hóa của Lê văn Siêu và Nguyễn Đăng Thục bán rất chạy, tuần báo Giáo Dục của Kim Đạt-Trần Đỗ có những bài dịch thơ Tagore rất sâu rộng.
Văn Hóa Ngày Nay vẫn xuất bản. Bướm Trắng của Nhất Linh in lại, cụ tặng tôi một cuốn đóng bìa mạ vàng. Bùi Giáng dẫn tôi vào Vạn Hạnh uống trà với thầy Nhất Hạnh, thầy tặng quyển Hồn Thiêng. Sách các tác giả biếu, tôi không có chỗ cất nên Chương Đình Thu tóm hết mang về giữ trong tủ sách nhà hắn ở đường Phạm Đình Toái.
Sau Chương Đình Thu đi sĩ quan Thủ Đức, chúng tôi xa nhau. Khi CS tiến vào Long An và tướng Minh kêu gọi bỏ súng thì Chương và binh lính dưới tay anh không chịu đầu hàng mà đánh cho đến lúc hết đạn thì bỏ trốn đi mỗi người mỗi ngả.
Chương Đình Thu trốn sang Kampuchia đạp xích lô học tiếng Miên thành thạo vài ba năm rồi gặp người vợ rất giỏi giang, cùng vợ đi đường rừng trốn sang Thái lan hiện sống bên Mỹ, cả một đời vật vã khốn nạn vì giặc C, cũng như bao gia đình trung lưu trí thức ở Nam bộ bấy giờ. Tôi không ngờ đời hắn khổ như thế.
Cậu Năm của tôi Phan văn Vàng vượt biển ở Rạch Giá bị gạt tiền phải quay vào bờ. Cậu từ giã vợ con rồi nhảy xuống biển thà làm mồi cho lũ cá mất xác chứ không quay vào. Ngày nay cũng không biết người vợ và các con của cậu ở đâu mà tìm.
Bà ngoại tôi mất năm 94 tuổi. Lúc này tôi từ trại Gia Trung trở về. Cuộc đời trùng lập nhiều việc li kỳ. Số là cậu Năm Vàng sau khi đi lính về tự học đi thi và làm ở Tối cao pháp viện. Lúc đó tôi thường ghé nhà Chu Tử gần đường Lê Lợi (nhà sách Khai Trí) để đánh phé hay chơi với anh em hằng ngày. Chu Tử hết thời, nợ nần vô số vì tiền vay làm báo mỗi lần đóng hai mươi triệu. báo chết lại đóng tiền làm tờ khác rồi lại bị chết… vì tướng Thiệu chống tướng Kỳ, báo Sống bị trù cho phá sản luôn.
Chu Tử thiên về phe tướng Nguyễn Cao Kỳ. Sau ngày 30, tôi ghé Chu Tử, cô Thủy vơ vét cho tôi một ít sách còn lại. Tôi chở đi bán nhưng đưa sách ra đến hẻm Cá Hấp gần rạp Hưng Đạo gần khu Dân Sinh thì bị tịch thu hết.
Khi cậu Năm còn làm Tối cao Pháp viện, tôi hay ghé vào bên trong tòa án buổi trưa nằm ngủ và nói chuyện chơi với cậu Năm. Cậu hiền như bụt, sống thanh đạm nghèo nàn. Tôi lúc nào có tiền thường đem tới cho cậu xài.
Ông Ba là giám đốc trại, người Bến Tre, rất thương tôi, ông nói với các tù ở ngoài có cả Vinh là cháu ngoại Kiều Công Nhịn, người chủ nhà in Tập thơ Trần Tuấn Kiệt (1963). Nó đang làm nhà bếp hậu cần, thương tôi, nó.
Bước vào nghề báo đầu tiên, tôi theo các báo Phổ Thông, Dân Ta của Nguyễn Vỹ, Văn của Nguyễn Đình Vượng-Trần Phong Giao, Sống của Chu Tử... Đăng bài hay làm việc một lúc nhiều báo, kèm theo viết kiếm hiệp.
Lúc này tôi sống ban đêm ở Bùi thị Xuân. Tôi mướn căn gác trọ bên hông nhà bán cườm đám ma của Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm báo Người Việt ở Mỹ sau này. Đỗ Ngọc Yến thường ghé tôi chơi. Cả hai nằm lăn giữa căn gác sạch sẽ lót ván nói chuyện báo chí và thời sự với nhau. Đỗ Ngọc Yến cũng trong phe Liên Minh Thế Giới Chống Cộng với Phạm Quân Khanh, Sĩ, Bảo và Ngô Vương Toại nữa.
Tôi chơi với tất cả anh em, lúc ấy đôi khi không phân biệt về chí hướng và lập trường chính trị của họ. Bây giờ tóc đã điểm sương. Thân hữu, anh em đã lưu lạc khắp bốn phương trời. Có nhiều người cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng, vĩnh viễn ngũ yên dưới lòng đất lạnh. Hồi tưởng, nhớ nhung, đôi khi muốn tìm gặp lại một người để hàn huyên cũng khó.
Đối với tôi, bạn bè, thơ và gái đẹp là trên hết. Chuyện viết báo là để kiếm gạo mà thôi.
Trần Tuấn Kiệt
Subscribe to:
Posts (Atom)