văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, June 28, 2012

Trần Tuấn Kiệt * HÌNH THÀNH LỚP NHÀ VĂN TRẺ VÀ BÁO CHÍ MỚI


trần tuấn kiệt

Sau khi từ Côn Đảo về, cụ Trần văn Ân tham dự các chức vụ của chính quyền đương thời như tổng trưởng Thông tin, tổng trưởng Chiêu hồi… Sự thật thì với sự nghiệp khai sáng phong trào quốc gia chống Cộng của cụ từ đầu cho đến bấy giờ, những chức vụ ấy chỉ là cấp thấp so với tài năng và công nghiệp lớn lao của cụ buổi ban đầu chống Pháp. Trong lúc đó ông Hồ Hữu Tường giữ một chức nghị viên đối lập, Nguyễn Vỹ trong Hội đồng Văn hóa với nhiều vị khác có lẽ thời Phan Khắc Sửu mới lên.
Đất nước miền Bắc sau 54 thuộc về CS. Miền Nam các đảng phái tôn giáo dưới thời độc tài Ngô Đình Diệm mờ dần vai trò của họ. Bấy giờ có đảng Tân Đại Việt của Nguyễn Ngọc Huy hay Cấp Tiến ra đời. Tôi chơi khá thân với anh Lê Thanh Hoàng Dân của đảng Cấp Tiến. Anh là một nhà giáo cùng sáng lập nhà xuất bản Kỷ Nguyên-Kỷ nguyên mới với Nguyễn Vương, nhà thơ ở Sa đéc lên Saigon thành công lãnh vực nhà in, có cả Mai Vi Phúc, Nguyễn Á Châu…
Tú Kếu, Trần Dạ Từ và tôi thường sinh hoạt thân thiết với nhau. Nhã Ca, vợ Trần Dạ Từ xuất bản Thơ Nhã Ca do Đặng Tiến và Nguyên Sa viết giới thiệu. Lúc đó anh em trẻ gọi chúng tôi là ba nhà thơ họ Trần: Trần Dạ Từ, Trần Đức Uyển (Tú Kếu) và Trần Tuấn Kiệt.
Trần Dạ Từ ban đầu xuất bản tập Hương Cau Quê Ngoại ký tên Hoài Nam. Trong một thời gian ngắn, Trần Dạ Từ viết loại thơ tự do mới mẻ, từ và ý có những câu:
Lóng tay dài mãi niềm lưu luyến
Môi cũng nghìn năm bớt tủi hờn.
Trong ba thằng họ Trần, Trần Dạ Từ có bản lĩnh chính trị, anh hoạt động đủ mọi mặt, vừa làm kinh tế vừa làm chính trị, văn nghệ. In thơ trong nhóm Sáng Tạo của Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Hồ Nam, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Bảo Việt…
Khi đó Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh và Duy Lam chủ trương chống kịch liệt Sáng tạo và phong trào hiện sinh. Tư tưởng và nghệ thuật mới, phong trào thơ Tự do phát triển mạnh trong lớp sinh viên, học sinh. Họ đua nhau học Jean Paul Sartre, nói về Satre vanh vách như Tam Ích nói thời của cụ, người ta tỏ vẻ trí thức hào nhoáng với nhau bằng cách tỏ ra biết nhiều về CS Đệ Tứ, Đệ Tam vậy.
Đó chẳng qua là phong trào mà thôi. Trong đám này có nhóm Hoa Mười Phương mà Kiều Thệ Thủy làm ra vẻ lãnh tụ, thường giảng giải tư tưởng Hiện sinh và Sartre cho anh em nghe. Anh Duy Sinh con cụ Quỳnh nói dịch là Hiện Sinh không đúng Nghĩa, phải nói Duy Sinh mới đúng, như Duy Tâm, Duy Vật vậy...
Thời tôi còn nhỏ, người ta ít đọc lại Hồ Biểu Chánh hay Thanh Tâm kiếm hiệp mà đua nhau đọc tiểu thuyết của bà Tùng Long, trinh thám của Phú Đức, truyện Đi Và Sống của Lê Minh Hoàng Thái Sơn, Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà in đi in lại tới lần thứ tám, truyện của Thanh Hương và Nguyễn thị Vinh. Truyện đường rừng của Hoàng Ly như Giặc cái trên báo Sống của Chu Tử rất nhiều người đọc.
Sau đó tới sách Lê Xuyên miền Nam. Các cuốn Rặng Trâm Bầu, Xinh, nhất là Chú Tư Cầu được đón tiếp nồng hậu nhất. Sau này ông bán thuốc lá qua ngày và chết trong cảnh nghèo nàn.
Tuy nhiên Lê Xuyên còn là đàn em của Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, nhất là Trần văn Ân. Có lần tôi nói Sơn Minh Khai xin xuất bản lại sách của ông. Anh cười cười: Làm sao mà in được. Tôi cũng biết thế nhưng vẫn lấy năm trăm ngàn nhét vào túi Lê Xuyên mà nói : Cứ xài đi, in được hay không việc đó tính sau.
Lúc nào khỏe, Hoàng Ly chở tôi đến ông Khai Trí để tôi kiếm tiền cũng anh đi nhậu. Lúc Hoàng Ly yếu, tôi chở ông, lúc nào hai anh em cũng đi với nhau suốt cả ngày. Chị Hoàng Ly rất đẹp xứng với Hoàng Ly mắt nâu, mũi cao thường đến tòa soạn tìm ông.
Tôi chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh cho in quyển Hồng Cẩu Quẩy (chó quỷ) của ông. Sách hơi mỏng do Hoài Nam vẽ bìa thật đẹp in tới mười lăm ngàn quyển bán hết cho nhà Sống Mới. Chúng tôi thương nhau như anh em ruột.
Vào thời tôi in sách nhiều, thơ nhiều thì các tác giả như Cao Hoành Nhân mà Nhất Linh in thơ rất nhiều ở Văn Hóa Ngày Nay bỗng nhiên biến mất, nhà thơ Hữu Phương sau làm đến phó đề đốc Hải quân, tư lệnh vùng biển.


Còn có bạn Ngô Thế Vinh nổi tiếng với Vòng Đai xanh rồi Má Hồng của Đỗ Tiến Đức, Cao Thế Dung, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn văn Trung, Phạm Công Thiện… đều có sách in ra luôn luôn.
Nhóm Tự Lực Văn Đoàn mới có Duy Lam, Thế Uyên, Linh Bảo, Tường Hùng, Nguyễn thị Vinh, Bảo Sơn sáng tác, dịch thuật liên tiếp, có cả Trùng Dương Mưa Không Ướt Đất, Nguyễn thị Hoàng Vòng tay Học Trò, Thanh Nam, Túy Hồng, Nhã Ca… đều là những nhà văn nổi trội trong một thế giới văn học tự do của miền Nam bắt đầu một thời binh lửa. Lúc đó Minh Đức Hoài Trinh ở Pháp về…
Rồi Vòng  Tay Lửa của Nguyên Vũ, nhạc Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, thơ Tạ Ký, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Nguyên Sa, Tú Kếu, Trần Dạ Từ , Kiều Thệ Thủy, Hoài Khanh, Mặc Tưởng, Nguyễn Vạn Hồng, Thùy Dương Tử và hằng trăm tác giả khác.
Phong Sơn, Nguyễn Thu Minh, Tuệ Mai, Phương Đài, Phan Minh Hồng, Tô Giang… hoạt động văn hóa sôi nổi. Mỗi tờ báo của các binh chủng đều có các tác giả nổi tiếng của binh chủng đó in ấn phát hành khắp nơi.

Riêng Phan Bá Thụy Dương thì từ khi đổi về Bộ Tài Chánh đã tự động ngưng viết. Còn 3 truyện dài anh đã viết cho mấy tờ báo, tôi và Anh Thuần ngỏ ý muốn xuất bản, Dương chỉ cười bảo: Các anh chủ báo yêu cầu thì viết kiếm thêm tiền thù tạc với anh em cho vui thôi. Truyện viết feuilleton hằng ngày nếu muốn xuất bản thì phải nhuận sắc, sửa chửa lại, mà “moa” thì làm gì có nhiều thì giờ. Bỏ đi. Khác với tôi và các anh em khác, Dương ít tiếp cận, giao du với giới văn nghệ sĩ.
Đó là chưa nói đến các tác giả lớn tuổi, các nhà sách triết học mới như Nguyễn Nam Châu. Nhiều sách tư tưởng thế giới ra đời. Sinh khí văn học lúc nào cũng bốc lên khắp các nhóm báo chí và văn nghệ miền Nam thời đó.
Sinh viên Văn khoa hoạt động mạnh, sinh viên Vạn Hạnh cũng rất hăng hái. Tác phẩm dịch của Phạm Quốc Bảo in qua nhà xuất bản Hồng Lĩnh khá nhiều. Phong trào sinh viên chống Cộng ở miền Nam có Trần Lam Giang, Phạm Quân Khanh, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Quốc Bảo, Bùi Hồng Sĩ, Bùi Ngọc Tuấn và Phạm Tài Tấn, Mai Vi Phúc, Nguyễn văn Tài…  Bùi Hồng Sĩ bị CS bắn vào cổ trước cửa Văn khoa suýt chết.
Cùng một năm có cái chết của Nhất Linh rồi Tam Ích.Cả hai cùng tự tử, mỗi người một cách với những ám ảnh khốc liệt của mình trong cuộc đời và lịch sử dưới thời Ngô Đình Diệm.
Văn hóa, văn học triết học, tôn giáo tự do phát triển đến vô độ thì tình trạng chính trị, chính biến do các tướng lãnh đều được Mỹ ủng hộ hay truất phế lên xuống như diều.
Một số lý thuyết gia, nhà văn hóa, triết gia…qua đời trước ngày 30 tháng 4:  Nhất Linh và Tam Ích tự tử, Nguyễn Đức Quỳnh mất vì bệnh đau bao tử... Sau ngày 30, các nhà lãnh đạo như Trần văn Ân đã sang Pháp, Hồ Hữu Tường chủ trương trung lập và siêu lập do Liên Hiệp Quốc cũng thất bại và bị đi tù cải tạo, cuối cùng bị xơ gan cổ trướng chưa kịp đưa về đến nhà đã mất trên xe, Nguyễn Mạnh Côn của Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử chết đói trong tù.
Còn Lê Thương bỏ nhạc viện đi dạy nhạc tư. Trịnh Công Sơn và Phạm Duy ngả về theo CS…
Riêng cụ Trần văn Ân từ những năm 1926 trở về sau này đã hết đời phụng sự cho tổ quốc, nhiều lúc cũng bị ngộ nhận là người chạy theo địa vị dù cho các chức vụ mà cụ có đó chẳng qua là những cách thế phải nhập cuộc để đấu tranh dành từng vị thế cho mình, có mảnh đất chính trị trên chính trường để mà tận nhân lực ra giúp đỡ quê hương, dân tộc chống lại thực dân và CS.
Con người đó cao vòi vọi, tầm vóc của hạng kỳ nhân, người lãnh đạo đất nước chứ không phải chỉ là người tham dự các trách nhiệm nhỏ.
Nơi nào có đất thì dụng võ mà không câu nệ chức lớn hay bé. Con người trí thức hoạt động khắp mọi lãnh vực với nhiệt tình yêu đất nước. Cuối đời cụ sống trong căn nhà nhỏ lãnh trợ cấp xã hội bên Pháp và an bần lạc đạo với những thành quả về cuộc đời tranh đấu đã qua.
Lớp trẻ chúng tôi lớn lên sau cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm đã hoạt động văn hóa sôi nổi là thừa hưởng trí tuệ, đường lối quốc gia tự do từ các nhà văn lão thành như Hồ Hữu Tường, Tam Ích sau khi bỏ CS viết Ý Văn và dịch sách thế giới…
Tinh thần mới mẻ, phóng khoáng, tự do vô chính phủ từ các tác phẩm hiện sinh, các triết gia như JP Sartre, M Heidergger, Nieztsche, Kierkeggard, A Camus, Saint Exupéry, Hemingway, Whitman, EA Poe… Cả hồi ký De Gaulle đến Gandhi, Mao Trạch Đông… Vô số sách truyện : Kinh Veda, Upanishad, Áo Nghĩa Thư, kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cương… Tôi còn tìm được quyển kinh của đạo Lão –kinh Huỳnh Đình- ở đâu đó mà đọc cùng với Trung Dung của Khổng Tử, Nam Hoa kinh Trang Tử và Đạo Đức kinh của Lão Tử…
Người ta còn in Yoga, Thiền tông, Thiền luận, Mật tông… Chỉ trong thời gian ngắn, lớp trẻ tự rèn luyện lấy tinh thần sáng tạo với nền tảng văn học mới của thế kỷ và thời đại
Các sách văn hóa của Lê văn Siêu và Nguyễn Đăng Thục bán rất chạy, tuần báo Giáo Dục của Kim Đạt-Trần Đỗ có những bài dịch thơ Tagore rất sâu rộng.
Văn Hóa Ngày Nay vẫn xuất bản. Bướm Trắng của Nhất Linh in lại, cụ tặng tôi một cuốn đóng bìa mạ vàng. Bùi Giáng dẫn tôi vào Vạn Hạnh uống trà với thầy Nhất Hạnh, thầy tặng quyển Hồn Thiêng. Sách các tác giả biếu, tôi không có chỗ cất nên Chương Đình Thu tóm hết mang về giữ trong tủ sách nhà hắn ở đường Phạm Đình Toái.
Sau Chương Đình Thu đi sĩ quan Thủ Đức, chúng tôi xa nhau. Khi CS tiến vào Long An và tướng Minh kêu gọi bỏ súng thì Chương và binh lính dưới tay anh không chịu đầu hàng mà đánh cho đến lúc hết đạn thì bỏ trốn đi mỗi người mỗi ngả.
Chương Đình Thu trốn sang Kampuchia đạp xích lô học tiếng Miên thành thạo vài ba năm rồi gặp người vợ rất giỏi giang, cùng vợ đi đường rừng trốn sang Thái lan hiện sống bên Mỹ, cả một đời vật vã khốn nạn vì giặc C, cũng như bao gia đình trung lưu trí thức ở Nam bộ bấy giờ. Tôi không ngờ đời hắn khổ như thế.
Cậu Năm của tôi Phan văn Vàng vượt biển ở Rạch Giá bị gạt tiền phải quay vào bờ. Cậu từ giã vợ con rồi nhảy xuống biển thà làm mồi cho lũ cá mất xác chứ không quay vào. Ngày nay cũng không biết người vợ và các con của cậu ở đâu mà tìm.
Bà ngoại tôi mất năm 94 tuổi. Lúc này tôi từ trại Gia Trung trở về. Cuộc đời trùng lập nhiều việc li kỳ. Số là cậu Năm Vàng sau khi đi lính về tự học đi thi và làm ở Tối cao pháp viện. Lúc đó tôi thường ghé nhà Chu Tử gần đường Lê Lợi (nhà sách Khai Trí) để đánh phé hay chơi với anh em hằng ngày. Chu Tử hết thời, nợ nần vô số vì tiền vay làm báo mỗi lần đóng hai mươi triệu. báo chết lại đóng tiền làm tờ khác rồi lại bị chết… vì tướng Thiệu  chống tướng Kỳ, báo Sống bị trù cho phá sản luôn.
Chu Tử thiên về phe tướng Nguyễn Cao Kỳ. Sau ngày 30, tôi ghé Chu Tử, cô Thủy vơ vét cho tôi một ít sách còn lại. Tôi chở đi bán nhưng đưa sách ra đến hẻm Cá Hấp gần rạp Hưng Đạo gần khu Dân Sinh thì bị tịch thu hết.
Khi cậu Năm còn làm Tối cao Pháp viện, tôi hay ghé vào bên trong tòa án buổi trưa nằm ngủ và nói chuyện chơi với cậu Năm. Cậu hiền như bụt, sống thanh đạm nghèo nàn. Tôi lúc nào có tiền thường đem tới cho cậu xài.
Ông Ba là giám đốc trại, người Bến Tre, rất thương tôi, ông nói với các tù ở ngoài có cả Vinh là cháu ngoại Kiều Công Nhịn, người chủ nhà in Tập thơ Trần Tuấn Kiệt (1963). Nó đang làm nhà bếp hậu cần, thương tôi, nó.
Bước vào nghề báo đầu tiên, tôi theo các báo Phổ Thông, Dân Ta của Nguyễn Vỹ, Văn của Nguyễn Đình Vượng-Trần Phong Giao, Sống của Chu Tử... Đăng bài hay làm việc một lúc nhiều báo, kèm theo viết kiếm hiệp.
Lúc này tôi sống ban đêm ở Bùi thị Xuân. Tôi mướn căn gác trọ bên hông nhà bán cườm đám ma của Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm báo Người Việt ở Mỹ sau này. Đỗ Ngọc Yến thường ghé tôi chơi. Cả hai nằm lăn giữa căn gác sạch sẽ lót ván nói chuyện báo chí và thời sự với nhau. Đỗ Ngọc Yến cũng trong phe Liên Minh Thế Giới Chống Cộng với Phạm Quân Khanh, Sĩ, Bảo và Ngô Vương Toại nữa.
Tôi chơi với tất cả anh em, lúc ấy đôi khi không phân biệt về chí hướng và lập trường chính trị của họ. Bây giờ tóc đã điểm sương. Thân hữu, anh em đã lưu lạc khắp bốn phương trời. Có nhiều người cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng, vĩnh viễn ngũ yên dưới lòng đất lạnh. Hồi tưởng, nhớ nhung, đôi khi muốn tìm gặp lại một người để hàn huyên cũng khó.
Đối với tôi, bạn bè, thơ và gái đẹp là trên hết. Chuyện viết báo là để kiếm gạo mà thôi.

Trần Tuấn Kiệt