tranh Nguyễn văn Bảy |
Vị trí thuận lợi khi ngồi trên một xe đò lớn, dọc dài một tỉnh lộ tái thiết trên bờ đê đắp cao; và thời gian cũng thuận lợi khi cơn mưa vừa tạnh buổi xế chiều làm bầu trời quang đãng.
Chuyến xe đang trên tuyến đường Rạch Giá- Sài Gòn, chạy song hành với con kinh đào Cái Sắn thông nước đến bờ Hậu Giang tại Bắc Vàm Cống.
Xe vừa ra khỏi Rạch Giá mười lăm cây số, khách nhìn về phía trái qua bên kia con kinh đào đầy nước, qua những cánh đồng mênh mông tỉnh An Giang, bóng núi Sập của dãy Ba Thê hiện ra dưới tầm mắt, một đỉnh chơ vơ đột khởi chân trời.
Chữ viết của những trang sử đời nhà Lương bên Tàu ghi lại cách nay một ngàn năm trăm năm đã có nói một nước Phù Nam với thủ đô Óc Eo trong địa bàn dãy núi Ba Thê; bình nguyên An Giang- Kiên Giang còn đây mà chủng tộc nào một thời đã ở?
Mấy lớp vỏ sò hầu hến thuộc sinh vật biển hiện hữu ở lưng chừng những vách núi đá vôi tại Hà Tiên là ngôn ngữ địa chất; ngôn ngữ đánh dấu lại mực nước biển dâng cao thời đầu Công Nguyên, xác định Óc Eo bây giờ nằm sâu trên đất liền mà ngày xưa đã trời xanh hải cảng.
Tiếng lặn hụp của bầy trâu len vô số kể từ Ba Thê đi về miệt Bảy Núi trong mùa nước lụt vang vọng từ cuốn sách của nhà văn Sơn Nam đã là ngôn ngữ văn học, khẳng định vương quốc Phù Nam thuộc vùng trũng thấp có thể tiềm tàng cả một đô thị bị bùn đất chôn vùi.
Những đồng tiền La Mã, tượng thần Vishnu và Shiva của Ấn Ðộ, các dòng chữ Phạn trên bia đá, vài đồ gốm từ các xứ Á Ðông, đôi mảnh nữ trang bằng vàng của Ba Tư; đó là ngôn ngữ khảo cổ khai quật tại Óc Eo, làm rập rình trước mắt ta những đội thương thuyền ghé bến, lưu tồn những nét nhân văn.
Ngôn ngữ sử học, ngôn ngữ địa chất, ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ khảo cổ; những dấu hiệu có hệ thống đó có phải đã giúp ta hiện thực hóa một phiếm định, hay chỉ trưng ra bằng chứng một thực thể tồn tại từ hai ngàn năm trước.
Ngồi xe qua bình nguyên Phù Nam cổ, chỉ biết Óc Eo tồn tại vì chất thơ âm vang sóng nước thời nào bến cảng, và bằng phẳng chân mây đột khởi một đỉnh núi đền đài.
TRẦN VĂN NAM