Gánh
than lên bán chợ Trời
Thiên
thần xúm hỏi: Em người ở đâu
Thưa
rằng em ở rất lâu
Trần
gian dưới đó dãi dầu liên miên
Bảo
rằng: chưa rõ tuổi tên?
Thưa
rằng tên tuổi là em đây rồi
Nghĩa
là Sơn nữ đó thôi
Hỏi
rằng: sao chẳng thấy môi em cười?
Thưa
rằng: cười gượng không vui
Nên
đành mím miệng một đời cho qua
Hỏi
rằng: dưới đó bông hoa
Nở vào
mùa Hạ hay là mùa Xuân?
Thưa
rằng: cái đó em quên
Vì
chưng lo đốt than nên không nhìn
Hỏi
rằng: một chút của tin
Muốn
trao em giữ, em xin thứ gì?
Thưa
rằng: em chẳng biết chi
Hỏi
rằng: em thích xiêm y không nào?
Thưa
rằng: dày mỏng ra sao?
Bảo
rằng: toàn gấm, lụa đào nhung hoa
Thưa
rằng: chẳng hợp màu da
Toàn
than như hộ chà là em đen
Bảo
rằng: hãy tắm suối tiên
Một giờ
sau em sẽ đổi đen ra hồng
Thưa
rằng: em có tấm chồng
Yêu màu
da cũ, kiếu ông em về./
(Lời Sơn
Nữ)
Luận giải
hai câu thơ của Tô Thức đời Đường: "Thử hành phi viễn biệt, Thử lạc ốc vô
cùng" , Bùi Giáng ngoảnh nhìn lui tự hỏi, tại sao vậy? "Vì đường đi vô núi
là lối bước ra rừng, là đường đi ra núi". Mà đường đi ra núi là lối đi vào núi.
Và lối đi vào núi là đường đi ra rừng. Vì thế mà vui. Vui vậy ấy, vô lượng, vô
biên, vô cùng, vô tận."
Thế giới
núi rừng bao la, huyền bí. Người rừng núi cũng huyễn hoặc quẩn quanh. Vòng tròn
từng sinh mệnh giới hạn vào ra, lui tới, trước núi sau rừng, lên dốc xuống
khe...
Ra đi khi
mặt trời ló dạng, trở về khi mặt trời nghiêng bóng ngọ. Thần linh lãng vãng xung
quanh. Mỗi hiện tượng thiên nhiên mang hồn vía một vị thần. Niềm tin tuyệt đối
vào sức phò trợ cũng như trừng phạt do đấng quyền uy vô hình, vô hình mà hữu
tại. Thần giáo đến họ từ thuở sơ khai, chứng kiến, chia sẻ, dẫn dắt cuộc đời hái
lượm, trồng tỉa, săn bắt từ thế hệ này qua thế hệ khác, dù không xa biên giới
núi rừng, ánh sáng văn minh, phương tiện vật chất cung ứng cho xã hội dân tộc
khác đã khá phong phú, giải phóng sức lao động bằng cơ bắp cam go.
Bang quan
điểm mặt hình thái sinh hoạt xã hội, con người vùng cao cảm nhận sự trung thành
văn hóa cổ truyền, khó thay đổi cải biến, nhưng bước sâu vào chủ thể, nghiên cứu
xã hội học, ghi nhận đó đây, phóng chiếu khía cạnh tâm lý con người, không thể
thiếu vắng khát vọng vươn dậy, vận động phù hợp với quy luật cần thiết tồn sinh.
Người rừng
núi sử dụng chủ yếu ngôn ngữ nói, thiếu văn tự. Truyền khẩu là phương tiện duy
nhất bảo tồn văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Tiếng khèn đêm khuya vang động thanh
âm trầm bỗng, bị thiết, âm giai cao thấp, biểu trưng hình ảnh con người, đoàn
người leo núi, đổ đèo, du canh, du cư vất vả, vật lộn với nắng mưa, giông bão,
và độ lắng thông qua những dấu lặng trầm tư, buồn bã, gợi tưởng sức chịu đựng,
an phận. Hoặc những điệp khúc khi dồn dập khẩn thiết, khi vút cao tận từng mây
như réo gọi cứu rỗi, che chở từ Thần linh trước giờ biến loạn.
Trai lẫn
gái, hát khi hoàng hôn tràn lấp núi rừng, giữa buôn làng quạnh quẽ, quan sát,
nhận diện từng nét mặt, từng vẻ nhìn, hiểu được hoàn cảnh hiện tại, một chỉ dấu
đang ngưng đọng, trước ánh lửa bập bùng, chốc chốc lóe lên đốm sáng lung linh.
Những hình
dáng nam nữ, khỏe mạnh, hồn nhiên như cây cỏ, núi rừng, một bản thể thực hữu,
đầu đội trời, chân đạp đất, vượt qua mọi gai sỏi hoang vu, ngày tháng đi về...
Bùi Giáng,
may mắn tiếp cận với không gian lạ mà quen, xa mà gần, đã lắng nghe cuộc đối
thoại hiếm hoi của một thân phận trần gian, sơn nữ cùng thần nhân, không ở quê
quán hoang sơ mà tại cõi thiên đường rộn rã...
Gánh
than lên bán cho Trời
Thiên
thần xúm hỏi, Em người ở đâu?
Chợ trên
trời, lạ lẫm quá, đông đầy Tiên nữ và Thiên thần. Sơn nữ lọ lem, bán than xuất
hiện, tạo nên hiện tượng khác thường, chẳng khác "người hành tinh ghé về Trái
Đất". Sơn nữ vẫn hồn nhiên, tranh được cảnh choáng ngợp cảnh trí thiên triều,
không sợ sệt, hốt hoảng, cố giữ vẻ bình tĩnh, chủ động lễ độ thưa trình cùng đám
thiên thần xúm hỏi:
Thưa
rằng: Em ở rất lâu
Trần
gian dưới đó, dãi dầu liên miên
Quê nhà
Sơn nữ, cõi trần bất an, hỗn tạp. Người và người chinh chiến, tranh giành, chém
giết, tàn hại nhau. Ước muốn cầu xin yên vui, thanh bình chẳng bao giờ được đáp
ứng. Thiên thần ôn tồn hỏi Sơn nữ tuổi tên. Ôi! Rừng không nhớ tuổi, suối cũng
quên tên thì em cũng vậy, có hơn gì. Em là rừng, là suối, là Em hiện hữu, là con
người đang đối diện với Thiên thần đây (Thưa rằng tên tuổi là em đây rồi). Nghĩa
là người con gái núi lạc đến nơi nay...mênh mông cao diệu. Lời thưa ngộ nghĩnh,
Thiên thần cũng ngỡ ngàng. Hình ảnh núi rừng thoáng hiện trước mặt, hai quả đồi
tròn lẳn của riêng Sơn Nữ (Cao nguyên ngực-Tạ Ký) nổi cộm, gợi tình, nên Thiên
thần đổi giọng: "sao em ưu tư vậy, sao không thấy em cười? Em có tâm sự gì uẩn
khúc?"
-Thưa, đời
chẳng có gì đáng để cười. Từ phút lọt lòng đã khóc vì cõi đời đáng sợ. Niềm vui
của người thể hiện bằng tiếng cười, buồn phát ra tiếng khóc. Có vui mới thỏa
tiếng cười. Cười gượng biểu lộ giả dối, khiên cưỡng. Em không thể cười khi đã
mất vui! Thà rằng mím miệng cho qua ngày đoạn tháng, mặc nước cứ chảy qua cầu (nên
đành mím miệng một thời cho qua).
Đứng trước
bông hoa biết đối đáp, Thiên thần liên tưởng đến hoa ở dưới trần gian. Hoa dưới
ấy nở vào lúc nào, mùa nào, hạ hay xuân?
-Tiếc thay
em không chú ý vụ này. Không chú ý bởi không có thì giờ để chú ý. Quần quật lao
động quanh năm, ngày tháng. Chăm chú vào từng gốc cây, thân gỗ đang biến thành
than, lam lũ, bận rộn đến nỗi không rõ bông hoa lúc nở, lúc tàn. Thấy hoa, không
biết chuyện về hoa, cũng như Em, không tên, không tuổi.
Xúc động
trước lời lẽ thật thà, Thiên Thần hạ giọng, ân cần ướm thử ý Sơn nữ có muốn nhận
một sự giúp đỡ vật chất, hoặc một món quà trao gởi nào khác:
Hỏi
rằng một chút của tin
Muốn
trao em giữ, em xin thứ gì?
-Của tin?
Em chẳng hiểu là gì?
Ví dụ: áo
quần (Em thích xiêm y không nào?) Quần áo dày mỏng ra sao? Toàn là loại quý,
nhung, lụa, gấm. Quý hiếm trên trời cũng như dưới đất.
Ồ, những
thứ đó quý giá thật, sang trọng thật, tiếc rằng chẳng phù hợp màu da Sơn nữ.
Thân thể, hai quả đòi tròn trịa, láng lẩy, chưa hề phủ lấp bởi một lớp vải vóc
nào, bởi từ sinh ra đã được phép như nhiên như thế!
Cái tự
nhiên xuất phát tự góc cạnh lẽ sống khao khát tự do. Thiên thần vẫn dịu dàng
thuyết phục, cổ súy sự đổi thay cần thiết như bản mặt ngoại hình, màu da cố hữu
bằng cách hướng dẫn Sơn Nữ đến tắm suối tiên. Nếu Sơn nữ bằng lòng, hiệu quả tức
thời. Màu chà là đen sẽ được thay thế bằng màu hồng mơn mởn. Nước suối tiên dành
riêng tiên nữ phục dưỡng da, đồng thời nước suối tiên cũng có tác dụng đổi thay
màu da sơn nữ (Bảo rằng hãy tắm suối tiên, một giờ sau em sẽ đổi đen ra hồng).
Vừa bẽn
lẽn, vừa ái ngại nghĩ đến tắm suối tiên. Tắm suối, tắm khe vốn dĩ quen thuộc,
bình thường trong xã hội Sơn nữ, nhưng suối quê hương bản địa khác biệt, xa vời
vợi với suối tiên nơi cõi trên. Đặc tính huyền diệu của nước có thể cải tạo
ngoại dáng Sơn Nữ cũng đáng tin!
Thiên thần
đang say đắm nhìn Sơn nữ, chờ đợi một ý lành, một tin vui, lấp lánh tia hy vọng.
Phút giây
chờ đợi chầm chậm trôi qua, Thiên thần nhìn xuống thất vọng. Thiên thần lẩm bẩm:
mở một cánh cửa cho một con người, một cuộc đời, từ ranh giới âm u qua chói lọi,
từ cái thiếu thống tới đầy đủ, từ cái hèn hạ sang cao quý, vẫn bị chối từ, quay
mặt:
Thưa
rằng, em có tấm chồng
Yêu màu
da cũ, kiếu ông em về
Cuộc đối
thoại dừng lại, giữa thinh không. Thoáng chốc xa dần, khuất lấp trong làn mây
lụa. Cõi Trời và cõi Đất cách biệt trùng trùng.
Bài thơ
đọng lắng trong hồn người đọc. Tính cách ngụ ngôn phổ biến, chứa đựng nhiều tầng
ý nghĩa. Tính cách nhân bản thể hiện rõ nét, không mù quáng, tham lam trước
những ve vãn, dụ dỗ của người đối diện. Đối với con người, bất cứ dân tộc nào,
cội nguồn, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán vẫn là mẫu mực của sinh
hoạt đời sống. Hạnh phúc gia đình, lòng chung thủy là căn bản đạo lý được đề cao.
Dụ dỗ Sơn Nữ đến tắm suối tiên để thay đổi màu da đã bị từ khước. Sơn nữ khẳng
quyết tình yêu rằng người chồng chỉ yêu màu da cũ nên không thể nào phản bội
trước sức quyến rũ, hiến dâng của một đổi thay kỳ diệu.
So chiếu
trường hợp Thằng Bờm trong dòng ngụ ngôn phổ quát, lâu đời (Thằng Bờm có cái
quạt mo) thì ý thức của Sơn nữ vượt ý thức thằng Bờm. Thằng Bờm được Phú Ông
trao đổi vật chất sản phẩm đáng giá, nhưng Bờm từ chối. Chỉ khi được đổi hòn
xôi, Bờm mới bằng lòng ( Phú ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười). Bờm cần ăn, được ăn
là ưu tiên, ý thức thực dụng, thông thường của mọi sinh vật trong đời sống. Với
Sơn nữ của Bùi Giáng, được cho, được tặng mà không chịu nhận. Thiên thần bày tỏ
thiện ý, tình cảm, có thể thành thật mà Sơn nữ vẫn không màng đến, dù của cho
của tặng đắt giá, hiếm quý. Sơn nữ không tham lam, giữ được tư cách con người.
Không cần xin ai cái gì. Ai cho cũng không nhận. Bán than và chỉ nhận tiền mua,
thể hiện công lao động, của có từ lao động. Quả là mẫu người lương thiện trong
xã hội dân tộc ít người, hồn hậu, chất phác, thiện lương.
Kỹ thuật,
bố cục bài thơ, diễn tiến lớp lang mạch lạc. Từ phút gặp đầu, Thiên thần hỏi
thăm quê hương tên tuổi, tình hình liên quan, dần dà vào tâm tình nhân vật, tìm
hiểu nội tâm, nguyên do, duyên cớ, đến trình độ thẩm mỹ(mà hoa nở, sắc hoa
v.v..)
Khi ngọn
sóng tình nam nữ xiêu xiêu, Thiên Thần ướm hỏi, dò xét tâm trạng, ước muốn người
khác phái, và sẵn sàng đáp ứng. Trưng bày những sản phẩm cụ thể, mua chuộc,
quyến rũ. Kết cuộc "Kiếu ông em về" đã hóa giải hư thực của toàn bài.
Nói đến
Bùi Giáng, không ít cây bút đề cập đến tác phẩm và tác giả từ trước và sau 1975.
Có người lại cho rằng Bùi Giáng có những câu thơ xuất thần, và đồn đoán tác giả
sáng tác trong cơn nửa mê, nửa cuồng. Điều này cần tìm hiểu thêm nữa sự nghiệp
văn thơ và con người Bùi Giáng.
Riêng "Lời
Sơn Nữ" rõ ràng Bùi Giáng dạt dào cảm xúc một tấm lòng trong, một tâm hồn sáng
mà chất ngụ ngôn mang đặc tính luân lý, đạo đức, phẩm giá con người. Con người
đúng nghĩa ở bất cứ không gian xã hội nào.
Hình tượng
Sơn nữ qua Bùi Giáng óng ánh, rọi sáng nhân cách và luân lý của một con người
giữa quê hương, cố quận núi rừng. "Kiếu ông em về", trở về với bản thể, tự ngã
tự do cùng nhân quần tại thế.