Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại Hà
Nội, tị nạn Cộng Sản lần thứ nhất năm 1954; trước 1975 làm việc tại Đài Phát
Thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài này, trong khi
cộng tác với các tạp chí văn học bằng các truyện ngắn, và thơ. Năm 1998 ông tị
nạn Cộng Sản lần thứ hai, qua Hoa Kỳ và trở lại hoạt động mạnh trong lãnh vực âm
nhạc, cho thực hiện hai cuốn CD ngay khi phát hành đã được đón nhận nồng nhiệt:
Hiên Cúc Vàng với chỉ một giọng ca Khánh Ly, và Tình Ca Việt Nam với Duy Trác,
Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu. Tác phẩm văn chương của ông
có thể kể: Chị Em Hải, 1961, tác phẩm đầu tay, nhật báo Tự Do xuất bản, Những Kẻ
Đứng Bên Lề, 1964, Con Đường, 1967, Ngày Tháng, 1968, Đêm Hè, 1970, Giờ Ra Chơi,
1970. Không Một Ai, 1971, Thành Phố, 1971, Tro Than, 1972. Năm 1973 Nguyễn Đình
Toàn được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc (VNCH) bộ môn truyện, với tác
phẩm Áo Mơ Phai. Ông và gia đình hiện cư ngụ tại thành phố Westminster,
California.
Đặng Thế Phong là một trong những nhạc sĩ tiền
phong của chúng ta. Ông mất rất sớm, mới ngoài hai mươi tuổi. Ông chỉ để lại có
ba bản nhạc.
Cũng có người cho rằng ông có tới bốn hay năm
bài. Nhưng thực tế, không ai biết cái bài thứ tư, thứ năm đó. Vậy chỉ nên coi
những bài mọi người đều đã biết: Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến
và Đêm Thu, chính thức là những tác phẩm của ông.
Những người đồng thời với Đặng Thế Phong kể lại
rằng ông thời với Đặng Thế Phong kể lại rằng ông muốn trở thành họa sĩ chứ không
phải nhạc sĩ.
Cũng như Nhất Linh, Đặng Thế Phong đã thi vào
trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, nhưng rồi bỏ dở ý định theo đuổi hội họa.
Và cái việc Đặng Thế Phong thi vào trường Mỹ
Thuật ấy, đã để lại một huyền thoại. Nghe nói ông đã vẽ một thân cây cụt (không
có ngọn), rất đẹp. Vị giáo sư người Pháp chấm bài, khen ngợi, nhưng nói rằng: “E
Đặng Thế Phong không sống lâu được.”
Nhớ, xa hơn nữa, các cụ ta cũng truyền lại rằng,
một học giả Trung Hoa, sau khi đọc xong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn,
đã nói: “Người này nhiều lắm 5 năm nữa sẽ chết, vì tinh hoa trút hết ra cả đây
rồi”.
Cả hai sự tiên liệu đều đúng.
Như thế, cả Tây lẫn Tàu đều trông vật mà biết
bệnh? Hay đó chỉ là điều giản dị như Shakespeare đã nói “trái nào chín trước
nhất thì rụng trước hết?”
Ba ca khúc của Đặng Thế Phong được viết vào
những ngày nền tân nhạc của chúng ta khởi đầu, và đều là những tình khúc. Và tình khúc Đặng Thế Phong, ngay từ những ngày
xa xôi ấy, đã có một tầm vóc khác:
Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Dứt bao tình thương
Thuyền mơ buông trôi theo dòng
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi đừng chờ mong
Trong ngần ấy lời ca chữ nào nói đến tình yêu,
chữ nào không? Hình như không phải chỉ là con thuyền buông trôi theo dòng mà có
cả kiếp người trôi trong dòng đời, cái có thật và cái tưởng tượng đều lẩn khuất
sau một màn sương, chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hạnh phúc khó khăn hay
chỉ sống không thôi đã là một điều khó khăn, “bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi
đừng chờ mong”, chúng ta chẳng thể nào tới được nơi mong ước cũng không biết đã
ra đi từ đâu:
Thu xưa xa xăm ngoài chân mây
Thu nay bơ vơ thuyền trôi đây
Phải chăng thuyền nhớ nơi non bồng
Nơi đã bao phen chùng tơ lòng...
Con sông nào chẳng có hai bờ, nhưng bờ có phải
là bến không?
Nghe nhạc Đặng Thế Phong là nghe lấy những tiếng
ở giữa chừng đời sống ấy, tiếng va chạm của cái chốn xa xăm ngoài chân mây với
cái cõi bơ vơ thuyền trôi đây.
Người ta không hiểu sao ở ngưỡng cửa của tuổi
hai mươi Đặng Thế Phong đã nghe ra cái tiếng nhân thế bao la sầu như ông viết
trong Giọt Mưa Thu:
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Phòng vắng bốn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời châu buông mau
Dương thế bao la sầu...
Nghe nói khi mới viết xong ca khúc này Đặng Thế
Phong đã đặt tên là Vạn Cổ Sầu rồi sau đó mới đổi thành Giọt Mưa Thu. Cả ba ca khúc Đặng Thế Phong để lại cho đời đều
là những bản thu ca. Điều này nữa có phải cũng là một báo hiệu cái
mùa đông sửa đang đón đợi ông?
Lấy những cái đã xẩy ra rồi để giải thích sự
việc, người ta thường tìm cách ráp sao cho ăn khớp, điều ấy dễ thôi. Nhưng quả
thật nghe lại nhạc Đặng Thế Phong, chúng ta sẽ thấy, chỉ cái mùa vạn vật dường
như đắm một nữa trong mộng ấy, mới thích hợp với tâm hồn ông.
Tất cả các lời ca của Đặng Thế Phong đều long
lanh sáng. Nhưng chúng không sáng cái ánh sáng của mặt trời, mà sáng cái sáng
của lân tinh, của ánh trăng. Cái buồn trong nhạc của Đặng Thế Phong còn có thêm
một cái buồn lây của đóa hoa đứng im như mắc buồn, nỗi buồn đọng lại hay mùa
đông buồn trong ánh sao, cả ba cách dùng đều có nghĩa.
Cũng nên nói thêm là gần đây, những bài hát gọi
chung là tiền chiến, được thu thanh ở cả trong lẫn ngoài nước, có đến chín phần
mười sai. Sai cả nhạc lẫn lời. Nói sai là căn cứ vào những gì đã được in ra, phổ
biến trước đây. Trường hợp chính tác giả viết lại thì đành chịu,
không thể nói là sai được. Trở lại với Đặng Thế Phong.
Ông đã bỏ không đặt tên ca khúc của mình là
Vạn Cổ Sầu. Nhưng ông đã để lại nỗi sầu ấy cho chúng ta và
có lẽ cho cả những người sau này nữa.
Cái chết của Đặng Thế Phong, cái chết của Nguyễn
Nhược Pháp, của Thạch Lam, cho đến bây giờ, nhớ lại, nghe nhắc lại, chúng ta vẫn
chưa hết ngẩn ngơ, vì không muốn tin, không tin được đó là sự thật, những bậc
tài hoa như thế, tiếc thay tài sao đành lỡ làng (Dương Thiệu Tước).
Chúng ta tiếc vì nghĩ rằng, nếu những người ấy
không chết yểu như vậy, chắc chúng ta còn được thưởng thức thêm nhiều tác phẩm.
Có đúng như vậy không? Giả thử ước muốn của chúng ta có thể trở thành
sự thật thì những cuộc sống thêm ấy sẽ là bao lâu? Chính xác là bao lâu sẽ vừa với ước muốn của
chúng ta? Và, liệu chính những người ấy, có ưng vậy chăng?
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN