Buổi chiều chủ nhật nào cũng có những tốp sinh viên đi trên các con đường quanh khuôn viên trường đại học Riverside.
Tất nhiên ở các trường đại học khác cũng vậy, nhưng vì tôi có đứa cháu mới vô năm thứ nhất trường vừa nêu, và tôi biết trường đó lúc này là chuyện bình thường thôi.
Vì sinh viên năm đầu tiên, và nhà ở Los Angeles, gọi là xa, nên cháu phải xin nội trú.
Do đó cứ lâu lâu lại nhờ bố mẹ nó đón về nhà chơi cuối tuần, rồi trở lại trường, tôi hay đi theo xe đón hoặc đưa cháu tới trường, để tình cảm " tam đại đồng đường " thêm gắn bó, đồng thời tôi cũng thích đi chơi luôn.
Mỗi con đường có một sân đậu xe nhỏ như những trạm xe bus, con trai tôi thắng xe, rồi cùng cháu tôi quày quả xách túi lớn, túi vừa, túi nhỏ về dãy phòng trọ của sinh viên.
Còn tôi ngồi đợi ngoài xe, cùng con chó Minet cứ sủa hỗn hào vì nó muốn nhảy xuống xe đi chơi loanh quanh chỗ đó.
Chiếc xe đậu cạnh xe tôi, là của người phụ nữ trạc độ quanh 40 tuổi, trông rất trẻ, chắc chờ con hay em bà ấy .
Tôi nghe loáng thoáng tiếng hát rất quen tai:
" C' est la flamme qui enflamme sans bruler..."
Tôi bỗng thấy vui vẻ, vì sự hồn nhiên của phụ nữ trẻ đó, tôi cũng hát nhỏ, tiếp lời:
" C' est le reve que l' on reve sans dormir..."
Ôi còn gì thơ mộng bằng :
Đó là ngọn lửa âm ỉ cháy không bùng lên ...
Đó là giấc mơ người ta mơ không trong giấc ngủ ...
Người phụ nữ nhìn tôi mỉm cười, gật đầu chào:
Hola amiga, bạn thân mến, bạn có con học ở đây hả ?
Tôi cười : Cháu chớ không phải con .
Từ đâu đến ?
Châu Á, còn bạn ?
Tôi Mexico. Là công dân Mỹ lâu rồi. Cách đây 20 năm, tôi cũng học ở đây. Chồng cũng UCR. Bây giờ tới lượt con.
Bà bạn trẻ cười thích thú.
Bạn tới Hoa Kỳ bằng cách nào ? Tôi hỏi thăm vì lúc này chuyện di dân, định cư coi bộ phức tạp lắm.
Bạn trẻ người Mễ cứ nói cười vui như tết. Tôi đã được tiếng vô tư hết biết rồi, dù anh có phiền bực tính hồ đồ, vội vã của tôi, đứng bên bà Mễ Tây Cơ hôm nay, tôi thua xa.
Tôi bắt đầu xử dụng 2 ngôn ngữ là loáng thoáng Anh Ngữ ăn đong, Mễ Ngữ sơ sài, vì tôi cũng học lỏm được mấy câu rời rạc khi đi làm những việc lặt vặt thủa tôi mới sang Hoa Kỳ tị nạn cộng sản.
Và thứ ngôn ngữ rất thầm lặng là thuật ngữ múa tay như tất cả những ai không biết English, nhưng cần phải diễn tả cho người đối diện biết nỗi vui mừng hay lòng bực tức, buồn rầu vì lý do gì đó.
Người ta bảo qua đàn hát dễ thông cảm, vì bấy giờ trái tim rung động thật sự.
Thế nên, tôi chợt nhớ ra, mỗi lần anh muốn tôi hiểu chút nào tâm ý của anh, anh đã gởi tặng tôi một bài hát được anh chọn lựa kỹ càng, tôi mỉm cười thú vị.
Bà Mễ mới gặp nơi bãi đậu xe University này cũng thú vị ngó tôi, hỏi thăm tôi có biết bài " L' Histoire d' un amour " thịnh hành từ thời ông nội bạn ấy còn sống, 62 năm rồi, vì mẹ bà ta năm nay mới chưa 60 tuổi...
Còn bà, chắc chưa 40 tuổi chớ, tôi hỏi, vậy con tôi có đứa lớn hơn bà vui vẻ đó rồi.
Bà bạn mới quen đưa 2 ngón tay lên môi:
" Còn 2 năm nữa, tôi đúng 40 "
Chúc mừng trẻ mãi không già nhé.
Bà nói: " Tôi lúc nào cũng happy, mà đứa con tôi nó cứ lạnh như tảng băng, không có một nốt nhạc gì cả ".
Đôi khi nhạc không giúp cho ta vì ta muốn được nghỉ ngơi, không thích ồn ào.
No, tôi đã nằm hằng buổi, để chỉ nghe đĩa hát Dalida thôi, tiếng hát của "her "dẫn tôi về đồng cỏ bát ngát, có những cánh chim say nắng, rồi một dòng sông, không nhớ gặp ở đâu...
Chết rồi, tôi đã dở hơi, nay gặp một phụ nữ trẻ dở hơi như tôi, chắc là anh cười lắm nếu tôi kể lại cho anh hay chuyện chiều qua, tôi lang thang, nhưng dù sao thì cũng gặp được một nữ nhân đúng nghĩa phải vậy mới là nữ tính.
Dù ai từng đi bắc về nam, đi đông qua tây, ai cũng muốn được nghỉ ngơi giữa một không gian mênh mông...
Bởi ở đó, tình cảm được giãi bày ra bất tận, không dứt được tâm tư thanh thoát ...
Chỉ có cuộc tình nó mang lại cho người đời mỗi ngày
" Qui ne finira jamais
C' est l' histoire d' un amour
Qui apporte chaque jour tout le bien, tout le mal..."
Như vậy thì có đòi hỏi gì điều tuyệt diệu đâu, cả những tốt, xấu, đúng ra là hạnh phúc với không như ý đó thôi.
Bây giờ tôi mới thấy là phụ nữ Mexico hồn nhiên, đa tình thật.
Đi sâu vào hoàn cảnh vài gia đình, mà thủa mới qua Mỹ, tôi có dịp biết khi làm ở hãng may kia. Phụ nữ Mễ Tây Cơ còn đồng dạng với phụ nữ VN khổ hạnh, có người đã bị chồng say khướt tìm tới hãng may đó, để kêu vợ ra cho hắn ta hạch sách, mà chị vợ đó giữ thể diện, không dám la lối, hở môi than thở với ai.
Như vậy quý phụ nữ VN lỡ bị rơi vào cảnh ngộ nêu trên, cũng biết được rằng: té ra trên thế giới cũng có một dân tộc mà phụ nữ theo trường phái sợ gia phong đổ nát, đã phải chịu đựng như vậy .
Anh sẽ bảo tôi đừng mất công đi xếp hạng các phụ nữ bất hạnh, hãy thả lỏng tâm hồn như cô bạn trẻ, vì phụ nữ đương nêu trong " L' histoire d' un amour ... " chắc chắn sẽ chỉ hạnh phúc, chớ không hề bị một cái " le mal " nào làm vướng bận.
Tại sao chúng ta không biết sống như vậy nhỉ ?
CAO MỴ NHÂN
CAO MỴ NHÂN