văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Showing posts with label truyện. Show all posts
Showing posts with label truyện. Show all posts

Thursday, January 16, 2014

CUNG TÍCH BIỀN * nỗi đau đông dương


Hai người bạn. Rất thân thiết từ thuở nhỏ. Có lúc ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Học cùng trường, cùng lớp. Chỉ chia biệt, và tử sinh đối kháng khi trưởng thành, trong mỗi giới tuyến mà chính họ ít thẩm quyền tự quyết.
Cuộc tranh chấp dai dẳng hơn hai mươi năm vừa kết thúc, họ mới có dịp gặp lại nhau. Xa nhau vì chiến tranh. Gặp lại nhau vì đất nước bị rủi ro hòa bình.

Tuesday, January 14, 2014

PHẠM TÍN AN NINH * Một Thoáng Pleiku


Thật lòng, tôi không có nhiều gắn bó với Pleiku. Và dường như cái phố núi buồn hiu ấy đã cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Vậy mà khi đã xa - thực sự vĩnh viễn xa - Pleiku rồi, tôi lại thấy da diết nhớ, trăn trở với cái cảm giác mình có tội với Pleiku, và mãi mãi sẽ còn nợ phố núi này một lời xin lỗi.

Tôi chưa (và có thể không) có dịp về thăm lại Pleiku, nên cái xa cách ấy lại càng thấy mịt mùng. Cái phố núi vốn đã bé nhỏ, như một ông nhà thơ đã ví von “đi dăm phút trở về chốn cũ” ấy, giờ với tôi dường như chỉ còn là chút sương khói trong lòng. Điều kỳ lạ là chút khói sương mờ ảo ấy cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cỗi của tôi, như những mảng mù sương từng bao phủ, giăng mắc trên phố núi Pleiku ngày trước.

Monday, January 13, 2014

VIỆT DZŨNG * giấc mơ Trăng và Đá


Trong tôi, sự quyến rũ về Trăng và Đá đến từ trí tưởng lãng mạn qua những huyền thoại dã sử. Hình ảnh những tráng sỹ nhung y gọn ghẽ ngồi mài kiếm dưới trăng, nung nấu ý chí can trường và sẵn sàng nhảy lên lưng chiến mã, lao vào bóng đêm mịt mùng để hoàn thành sứ mạng bí mật, là những giấc mơ rực rỡ, chan hòa suốt tuổi thơ tôi. Ngay cả sau cơn sốt định mệnh làm tê liệt đôi chân mà giấc mơ tráng sỹ mài kiếm dưới trăng vẫn còn tức tưởi. Giấc mơ đó đậm nét đến nỗi mọi ước muốn nào đẹp đẽ, tôi đều gọi chung là “Giấc mơ trăng và đá”. Thậm chí, đôi lúc tôi cảm thấy sự tan vỡ về giấc mơ huyền thoai kia đã làm tôi đau đớn hơn cả những thiệt thòi, cô độc mà một cậu bé bẩy tuổi phải chịu khi ngồi trên xe lăn, nhìn đám bạn cùng tuổi vui chơi nhảy nhót.

Thursday, December 26, 2013

HẠO NHIÊN NGUYỄN TẤN ÍCH * Sợi vắn sợi dài (Hai khoảng trời)

Phượng cho xe vào garage. Trước khi bước xuống xe, nàng nhìn vào gương chiếu hậu lần cuối cùng, hất hất mái tóc vừa mới uốn ngắn, mỉm cười thỏa mãn.
Đẩy cửa vào nhà, Phượng nhí nhảnh đến trước mặt chồng hỏi :
 - Mình xem em cắt mái tóc ngắn thế nầy có đẹp không ?

Cường đang đọc lại cuốn sách “Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê mang từ Việt Nam qua Mỹ bỏ nằm ụ trên kệ sách mấy năm rồi mà không có thì giờ rảnh rỗi để nghiền ngẫm. Hôm nay nhân ngày lễ, ông lấy được một tuần lễ Vacation đầu tiên sau bao năm lận đận với công việc trên mảnh đất đầy cơ hội mà cũng phải đổ khá nhiều mồ hôi nầy. Nghe vợ hỏi, Cường đăt cuốn sách lên bàn, ngước mắt nhìn vợ đang tươi tỉnh chờ đợi ở chồng một lời khen.

TRẦN HOÀI THƯ * Đêm thánh vô cùng


Bốn chàng thanh niên: áo ấm kéo cao tận cổ, co ro run rẩy bước theo con dốc xuống bờ hồ. Trời của đêm Giáng sinh đầy sao và trong suốt như đáy cốc thủy tinh màu sẫm tối. Gió nghe lộng trên đồi, rồi lướt xuống lũng, rì rào trên những đọt thông cao. Gió thật lạnh. Cả bọn co rúm trước những cơn gió tê buốt. Tuy nhiên họ vẫn chạy theo con dốc, những bước chân ngờ nghệch làm sao. Tiếng cười nói vang lên làm cõi đêm bỗng dưng bừng vỡ trong giây lát, rồi trở lại cùng sự im lặng cố hữu.

Tuesday, December 24, 2013

Võ Thị Điềm Đạm * Điệu luân vũ bên bờ Donau

Trăng mười bốn lơ lửng trên không, nghiêng mình ngắm nhìn dòng sông Donau êm ả chảy dài. Ánh trăng ưng ửng trải mình trên những tàn lá xanh mướt nõn nà đọng chút sương đêm vừa bám. Gió xuân khe khẻ như sợ đưa đẩy làn mây mỏng từ xa đến, phá đi nét êm ả ánh trăng non. Dựa hờ thành ban công, Johann thẫn thờ nhìn chóp nhà thờ thành phố Wien bên kia bờ sông, xa xa mơ huyền trong ánh đèn phố thị đêm chưa muốn ngủ. Lòng lâng lâng nao nao như muốn tìm kiếm, tìm kiếm một hình ảnh, một biến cố, một âm hương tự đáy sâu tâm tư thôi thúc chàng từ khi ánh trăng mười bốn lên cao dần. 

Monday, December 23, 2013

HOÀI ZIANG DUY * Có đời sống thực

@ Đỗ Duy Tuấn
1-

- Điều anh nói có thực đáng tin không?
- Chị nghĩ lại coi, quí chị lắm tôi mới nói điều nầy.
Từ cái ngày hôm đó. Chị cứ vẩn vơ bán tín bán nghi. Lẽ nào người đàn ông đầu ấp tay gối với chị ở nhiều năm qua, lại không phải là chồng mình.
Câu nói của Hùng. Gặp lại ông ta trên xứ người, tôi thấy có gì là lạ. Trước đây so với bây giờ khác quá. Vậy rồi, quý chị lắm tôi mới nói. Câu kết như tuồng cũ lập lại
Những dẫn chứng liên tục, nhiều ý nhiều lời mỗi lần gặp nhau. Một Hùng nói, người quen nói. Chị phân vân hỏi ý mấy người bạn gái. Có khi nào anh ấy không phải là người đàn ông năm xưa không? Câu trả lời với tiếng cười nhạo. Chỉ có chị mới khám được ông ta thôi. Chứ tụi nầy làm sao mà rõ được.
Vậy thời chiều nay anh ấy về. Cứ tưởng cứ nghĩ vậy, như thể một mình ngó mong. Đã bao nhiêu chiều còn sót lại trong lòng chị, trong căn nhà nầy. Anh ấy đã không về như thường bửa.

Saturday, December 21, 2013

TIỂU TỬ * Những Hình Ảnh Đẹp


Anh tôi nằm bịnh viện Saint Camille đã được mười bữa. Chiều hôm qua, ảnh gọi điện thoại về nhà, nói : « Thằng tây nằm chung phòng ra nhà thương rồi, ngày mai chủ nhựt, mầy vô đây anh em mình nói chuyện chơi». Nghe giọng ảnh “có thần” nên tôi vui vẻ trả lời : «Dạ ! Mai em vô. Vợ con em đi Mỹ, chớ không thì em cũng chở tụi nó vô thăm anh». Tôi nghe ảnh cười khịt : «Một mình mầy cũng đủ cho tao vui rồi… ».

Phòng anh tôi là loại phòng hai giường ở lầu ba. Ông già người Pháp cỡ hơn tám mươi tuổi nằm chung phòng với anh tôi rất khó tánh. Ổng không thích có nhiều ánh sáng vào phòng nên volet cửa sổ lúc nào cũng chỉ hé lên một chút thôi. Thấy ổng quá già lại hay gắt gỏng nên mấy cô y tá cũng nhân nhượng, chỉ kéo volet lên cao trước giờ bác sĩ trưởng đi thăm bịnh nhân, rồi lại hạ thấp xuống, sau đó! Mỗi lần tôi vào thăm anh tôi, mặc dầu chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau, ổng cũng lăn qua trở lại thở dài. Có khi còn lấy gối bịt lỗ tai nữa !

TRẦN YÊN HÒA * Người chết hai lần


Một người làm ruộng cho gia đình tôi là chú sáu Quắn. Chú ở dưới miệt Kỳ Anh, tức là dưới vùng biển Tam Ấp, tên thường gọi là xóm Đồng Rạ hay là Đầm. 
 
Mẹ tôi không biết duyên do nào đã biết chú và nhờ chú, đến mùa cấy hay mùa gặt là chú lên nhà tôi ở lại suốt mấy tháng để làm việc.
Chú sáu Quắn là một thanh niên to con, cao ráo, lực lưỡng, đẹp trai. Mỗi lần chú gánh lúa từ ruộng về, chú thường  ở trần trùng trục. Tôi nhìn từ xa, đôi chân chú săn chắc, vồng ngực nở nang, mái tóc hớt ngắn để lộ cái đầu to, dù trời có nắng đến mức độ nào chú vẫn để đầu trần, không hề đội mũ hay nón gì cả.

Thursday, December 19, 2013

PHAN TẤN HẢI * người tới như mộng

* Hồ Thành Đức
Tôi đã gặp những người như thế. Những người như mộng, như thật. Những người đã tới để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật. Họ tới để nói rằng cõi đời này là bất khả nghĩ bàn, nói mộng cũng hỏng, mà nói thật cũng sai.
Có những người đã bước vào trần gian này, mà tôi có cơ duyên gặp được nơi này hay nơi kia, và rồi biến dạng như những làn khói lẩn khuất, hư ảo. Để rồi chỉ còn thoảng trong trí nhớ của tôi những nụ cười như hoa nở, một giọng nói dịu dàng như gió sớm, hay như một tà áo phủ mát những giấc mộng đêm hè. Và rồi, người hiện ra như thật, và biến đi như sương khói, để những bàn tay nắm lấy chỉ còn là một cảm giác run rẩy mỗi khi nhớ tới, và rồi lại buông ra để đi thật xa.

Wednesday, December 18, 2013

ĐINH LÂM THANH * Sỏi đá


(Thay thế truyện Viên Ngọc đã in thiếu một phần trong tuyển tập Tình Mua Cuối Chợ)

Tiệm mở cửa bắt đầu chín giờ nhưng Phước phải có mặt từ sáng sớm để làm vệ sinh, quét dọn nhà hàng, lót bàn, đặt muỗng đũa, châm đầy các chai tiêu muối, nước mắm, xì dầu... tiếp đến, phải vào trong phụ các việc lặt vặt theo lệnh của những người có trách nhiệm nấu ăn. Lúc nào đông khách, Phước được rời bếp ra làm bồi bàn phục vụ ở ngoài. Đây là những điều căn bản của hợp đồng miệng, thỏa thuận giữa chủ và Phước trước khi bắt tay vào việc. Nhà hàng có đến bốn nhân viên phục vụ thực khách nhưng ba người là bà con giòng họ với chủ, đến trễ về sớm và không bao giờ nhúng tay vào công việc vệ sinh hay phụ bếp, tất cả đều xô qua đẩy lại cuối cùng rơi vào tay Phước. Phước chấp nhận thua thiệt nhưng phải bám víu lấy công việc, dù cực khổ nhưng để gánh một phần khó khăn cho gia đình vừa mới đặt chân đến Mỹ.

Wednesday, December 11, 2013

MANG VIÊN LONG * hai trường hợp, một cuộc tình


Tại phòng số 2 – cô nhân viên phụ trách phát cho Ngạn và Kiều mỗi người hai mẫu giấy, hướng dẫn sơ lược diền vào các khoảng, rồi chỉ cho họ đến phòng cuối dãy hành lang…
Phòng “Viết Đơn & Thư” dành cho những kẻ có việc đến Tòa nhỏ hẹp – kê ba dãy bàn ngắn, trống trải đến nổi không có một tấm lịch treo tường. Nó trơ trụi, khô khốc, và lạnh lẽo như những con người đã bước chân vào đây. Vào chốn cuối cùng của tháng năm dằn vặt, muộn phiền để kết thúc một phần đời sống bất hạnh thương đau.

Tuesday, December 10, 2013

TIỂU TỬ * Thầy Năm Chén

tranh Hiếu Đệ
Sau trận Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, gia đình ông thầy thuốc Nam đó chết hết, chỉ còn lại có hai cha con. Nhà cửa tiêu tan, sự nghiệp tiêu tan, thầy không muốn ở lại cái vùng đất mà thầy cho là còn gần với quân xâm lăng miền Bắc. Thầy gạt nước mắt, dẫn thằng con trong tuổi quân dịch đi vô Nam. Thầy nói: "Ở trong nớ tuy tứ cố vô thân nhưng chắc chắn là mình được yên ổn lâu dài".

Friday, December 6, 2013

CUNG TÍCH BIỀN * ở trỏng là khói mây


1-
Về thăm nước lâu ngày, cháu thấy nơi đây luôn có một cái gì ở trỏng”.
Ở trỏng là nghĩa làm sao? Ở trỏng cái gì?”.
Nghĩa là trỏng mùa xuân, xã hội này luôn có héo hắt thu, có lạnh lẽo đông. Rất nóng bức hạ”.
Cô không sành tiếng Việt. Nên gắng gói gọn và nói rõ ràng hơn”.
Nghĩa là vấn đề, là có bao vấn đề, những dữ liệu trong sử sách, những hiện tượng xã hội, khắp bao la mịt mùng sự việc thường nhật đang tỏ lộ, bày biện ra trên bề mặt hiện thực này luôn có một cái gì còn khuất lấp, ẩn giấu phía sau cái chúng ta đang rõ ràng nhìn thấy hoặc hiểu biết”.
Cô muốn nói đến cái bí ẩn đằng sau những hiện tượng?”
Không phải. Cháu muốn nói đến cái lương thiện, cái sự thật mà người ta đang che giấu, hủy diệt nó đi. Không có gì gọi rằng bí ẩn. Nó có đấy một giá trị, nhưng giá trị ấy đang bị bào mòn, hủy hoại”.
* * *

Tuesday, December 3, 2013

CAO THOẠI CHÂU * Pleiku một thời tôi đã sống


Từng sống ở nhiều nơi, mỗi nơi vào một độ tuổi, một nghề nghiệp và một thế sự…cho nên cảm xúc về những nơi in dấu chân mình, cho mình chỗ ngủ đêm, cho nước uống và tắm hằng ngày, cho không khí, cũng mỗi nơi mỗi khác.

      Vào đời bằng nghề dạy học sống với nó cho đến ngày nghỉ hưu bởi thế cảm giác về những buổi sáng ra khỏi nhà cho đến nay vẫn còn đậm nét, đó là cảm giác của một người thầy trên đường đi tới nơi làm việc. Bề ngoài thanh thản (?) như không có gì nhưng thật ra đầu óc làm việc ngay từ khi ghé vào một tiệm ăn sáng nào đó. Nhẩm lại bài sẽ giảng trong lát nữa, hình dung ra cái lớp sẽ vào, những khuôn mặt nào cần nhìn “cho nó tan nát ra” theo cách nghĩ của một người gieo hạt, hình dung trước những tình huống sư phạm có thể có và dự phòng cách xử lý.

Monday, December 2, 2013

HỒCHÍBỬU * Phố Mọi

tranh Lương Trường Thọ
Không biết tên đó ai đặt và có từ lúc nào. Nhưng tôi đã có mặt ở đây hơn nửa năm rồi. Một dãy nhà được ngăn ra làm mười phòng. Mỗi phòng 16m2, toillet đầy đủ. Có ghi số thứ tự nơi cửa. Tôi mướn phòng thứ 1.

Phòng thứ 2 của ông lão mua đồ cổ đến từ Bình Định. Gọi bằng lão vì ông cũng quá lục tuần. Có lúc, tôi cảm giác ông như con sâu giấu mình vào cây lá. Như một dòng suối giấu mình vào biển khơi. Như một thiền sư giấu mình vào hệ luỵ trần gian. Ông cũng am hiểu khá nhiều về Kinh Dịch. Những lúc rỗi rảnh, ông thường tâm sự với tôi. Ông vốn là nhà sư, nhưng trung niên rồi mới xuất gia. Có lúc tôi trêu ông “ Ba cô gái đẹp lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa nhà sư- Sư về sư ốm tương tư- Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu”. Đi tu không bao lâu thì hoàn tục về cũng lấy một ni cô hoàn tục. Hai người ăn ở với nhau có được một cô con gái. Hai mươi năm sau, vợ ông lên chùa tu lại. Ông giang bạt sông hồ. Cuối đời làm nghề chấm Tử vi và mua đồ cổ.

Sunday, December 1, 2013

THẾ UYÊN ◈ Nhà Văn Già Và Cô Bé Gù


Cô bé gù có một cái tên rất đẹp do bà mẹ, một giáo sư Văn lựa chọn kỹ càng đặt cho. Nhưng cả nhà và sau này họ hàng lẫn bà con xóm giềng chỉ gọi cô ngắn gọn là Bé. Cái tên hai chữ đẹp tuyệt ấy chỉ dùng trong học đường, một thế giới khác khá biệt lập với môi trường chính cô bé sống bên trong. Một con người tật nguyền thường thu gọn lại trong cuộc sống gia đình, trong một ngôi nhà, một khu vườn nào đó. Ở trong không gian ấy, cô mãi mãi chỉ là Bé thôi.

Tuesday, November 12, 2013

TRẦN VĂN LƯƠNG * Về Quê


Hôm đó là ngày thứ  năm. Phải, ngày thứ  năm cuối cùng của tháng 11, ngày lễ Tạ Ơn của nước Mỹ. Tôi không phải đi làm, suốt cả ngày hết ăn rồi lại nằm, hết nằm rồi lại xem Ti Vi, cố gắng tận hưởng những giờ  phút nghỉ ngơi hiếm hoi ở cái đất nước văn minh cơ khí này. Chợt nhìn đồng hồ thấy đã gần 5 giờ chiều, tôi vội vàng đi thay quần áo để ra bờ biển làm thủ tục chạy bộ hàng ngày. Cách đây mấy tháng, từ lúc bà xã tôi tình cờ phát giác ra cái vòng số hai của tôi càng lúc càng lớn ra và tôi càng lúc càng có triển vọng đoạt giải nhất cuộc thi lực sĩ "bụng nở ngực thon", thì bà ấy, ngoài việc cấm tôi ăn các đồ béo, lại còn âu yếm ra lệnh cho tôi mỗi ngày: sau khi từ sở làm về,  phải ra bờ biển gần nhà chạy bộ ít ra là 4 dặm để  tiêu đi bớt mỡ.  Tôi kính cẩn tuân lời  (các cụ dạy rằng: "Có 3 loại tội bất hiếu, không tuân lời vợ là tội lớn nhất". Tôi xin chép lại nguyên văn chữ Hán để quý vị tiện đường tham khảo: "Bất hiếu hữu tam, bất tuân thê lệnh vi đại"). Và từ đó, bất kể nắng mưa sáng tối, cứ vào khoảng 5 giờ  chiều là những người đi dạo tại bờ biển Newport Beach lại thấy một  anh chàng Việt nam ỳ à ỳ ạch bê cái thùng nước lèo của mình từ Newport Pier tới Balboa Pier và trở lại. Đoạn đường chiến binh dài đúng 4 dặm! 

Monday, November 11, 2013

HÀ THÚC SINH * Đêm Hè

Cô gái mười chín và chàng trai hơn cô ba tuổi. Họ đang chung bước vào mùa hè nóng đầu đời. Họ yêu nhau.
Nơi thành phố miền tây này nàng ở xóm dưới, xóm có nhiều người Tàu, gần bờ sông, xa xóm học, nơi có những dãy nhà xây tường vách cũ kỹ, rêu phong. Ban ngày dưới những gốc phượng đầy cánh hoa đỏ tả tơi lũ bé gái nô đùa rần rần, còn lũ bé trai thì làm chủ trên những cành ô môi to đen, thậm chí trên cả những cành chùm ruột gầy còm xơ xác. Dọc một bờ tường có nhiều hàng quán lưu động, đám vô công rỗi nghề ngồi đánh cờ tướng, đám khác đánh cờ ca-rô bằng những mẩu phấn gạch ngang dọc trên mặt hè phố nứt nẻ.

Monday, November 4, 2013

CUNG TÍCH BIỀN ♦ Nhạc điệu của bầy ong




Gởi Đ.Th.Th.

I-
Ngoài tên họ ghi trên giấy khai sinh, trẻ con thường có một tên gọi thân thương trong gia đình. Cháu bé gái bốn tháng tuổi, con một gia đình quyền thế, được gọi là Ong Con. Ong Con lúc chào đời hai bàn tay đầy đủ mười ngón xinh đẹp.

**
Tổ [quốc] ong, cũng như tổ [hợp] kiến, là những tập thể có tính tổ chức, tính kỷ luật bầy đàn rất cao. Muốn sống an toàn, cùng chia xẻ một cái lỗ nhỏ hình lục giác trong tổ [quốc], trước tiên mỗi “công dân ong” phải biết sống phải điều, phục vụ trong phân phận con ong thợ, vui vẻ khi được sai khiến, một chiều thuận trong hệ thống chỉ huy. Tính bảo trọng này, qua nhiều thế hệ, biến ra một căn bệnh mãn tính, là luôn phải thích ứng với hoàn cảnh bầy đàn.