(Thay
thế truyện Viên Ngọc đã in thiếu một phần trong tuyển
tập Tình Mua Cuối Chợ)
Tiệm
mở cửa bắt đầu chín giờ nhưng Phước phải có mặt
từ sáng sớm để làm vệ sinh, quét dọn nhà hàng, lót
bàn, đặt muỗng đũa, châm đầy các chai tiêu muối, nước
mắm, xì dầu...
tiếp đến, phải vào trong phụ các việc lặt vặt theo
lệnh của những người có trách nhiệm nấu ăn. Lúc nào
đông khách, Phước được rời bếp ra làm bồi bàn phục
vụ ở ngoài. Đây là những điều căn bản của hợp
đồng miệng, thỏa thuận giữa chủ và Phước trước
khi bắt tay vào việc. Nhà hàng có đến bốn nhân viên
phục vụ thực khách nhưng ba người là bà con giòng họ
với chủ, đến trễ về sớm và không bao giờ nhúng tay
vào công việc vệ sinh hay phụ bếp, tất cả đều xô
qua đẩy lại cuối cùng rơi vào tay Phước. Phước chấp
nhận thua thiệt nhưng phải bám víu lấy công việc, dù
cực khổ nhưng để gánh một phần khó khăn cho gia đình
vừa mới đặt chân đến Mỹ.
Hôm đến xin việc, Phước
không giấu hoàn cảnh hiện tại của mình và cho biết
anh là một trong bốn người con đã lớn tuổi, độc
thân, tốt nghiệp đại học Sàigòn, theo gia đình qua Mỹ
theo chương trình HO. Tất cả bốn anh chị em đều không
muốn tiếp tục đi học mà chấp nhận làm bất cứ gì
để giúp đỡ gia đình. Ông bà chủ thương tình chấp
nhận ngay nhưng vào đây rồi, cái nhãn HO bị đám nhân
viên người cũ và nhất là con cháu của chủ xem thường
bắt nạt, kiếm cớ đẩy những công việc nặng lên vai
Phước. Nhiều lúc bất bình muốn thôi ngang nhưng nghĩ
đến cha mẹ Phước vẫn nhắm mắt bám lấy. Những lúc
nản chí, Phước cũng dọ hỏi tìm một vài nơi khác, hy
vọng sẽ được đối xử thoải mái hơn nhưng khi tiếp
xúc, nghe gốc người HO mới qua tất cả đều e ngại từ
chối khéo.
Thực
ra gia đình ông Bảo không gặp khó khăn trong vấn đề
tài chánh, với số tiền trợ cấp lúc đầu cho những
người trong gia đình tính ra cũng đã khá. Trong lúc đó
tất cả đều ở chung một nhà, tổ chức ăn uống cần
kiệm theo lối Việt Nam và bốn người con đều đi làm
thì có thể nói, số tiền tiết kiệm hàng tháng tính ra
còn cao hơn những gia đình định cư đã lâu. Đối với
những người cũ, cuộc sống đua đòi và nhất là phải
thanh toán hụi chết hàng tháng về khoản nợ nhà, nợ
xe, có bao nhiêu tháng nào chi trọn tháng đó không dư được
một đồng. Nhưng ông Bảo có vẻ buồn khi vừa đặt
chân đến đất Mỹ. Ông nguyên là một cựu sĩ quan cấp
tá với hàng trăm nhân viên làm việc dưới quyền. Ông
hy vọng qua Mỹ là cơ hội thoát khỏi chế độ kềm kẹp
của cọng sản đồng thời sẽ tìm lại được những ân
tình thầy trò, bạn bè ngày trước. Nhưng thực tế không
đem lại trọn vẹn những điều mơ ước. Thật vậy ở
Việt Nam ông Bảo đã chán ngấy việc tiếp xúc, đụng
độ với cán bộ cọng sản ngay từ trong các trại tù
cho đến phường khóm trước ngày bước chân lên máy
bay. Qua đây, cũng nghe bạn bè nhắc nhở, phải đề cao
cảnh giác với bọn nằm vùng đang len lỏi móc nối giật
giây phá rối trong cộng đồng người Việt và nhất là
trong số cựu tù nhân chính trị. Bệnh trong người trước
sau cũng lộ ra bên ngoài còn biết cách để tránh, bọn
nầy mặc ngay trên người chiếc áo chống cọng của cựu
tù nhân chính trị thì biết đâu để đề phòng cảnh
giác. Đành rằng chỉ một số rất nhỏ, khó nhận dạng
để lột mặt và thẳng tay trừng trị cho hả giận.
Nhưng nghĩ lại, ba tên nằm vùng chỉ là chuyện nhỏ, thứ
chuột ghẻ nầy chẳng làm nên cơm cháo gì. Điều thất
vọng đối với ông Bảo là hoàn cảnh, cuộc sống tình
cảm và cách đối xử với nhau bên nầy. Giờ giấc làm
chủ quyết định tất cả sự việc. Hẹn với ai cũng
phải điện thoại xin trước, ngay với việc đến thăm
con cháu. Làm một chuyện gì không thể nói xong là bắt
tay vào ngay mà phải tùy thuộc thời gian cho phép hay
không. Ngày mới đến, gặp bạn bè mừng tủi chưa nói
hết vài ba câu đã vội vã chia tay hứa một dịp khác.
Hỏi hẹn lúc nào thì ai cũng ngập ngừng trả lời để
rồi xem
sẽ điện thoại cho biết sau. Lúc đầu ông Bảo
hơi bực mình về sự lạnh nhạt nầy nhưng sau đó mới
biết rằng đời sống Âu-Mỹ phải tính từng giây phút
một. Gặp lại đàn em ngày trước hay bạn bè cũ, tay bắt
mặt mừng một hai lần rồi dần dần cũng biến mất vì
cuộc sống riêng tư. Điều nầy có thể chấp nhận,
nhưng còn một vài vấn đề khác vẫn ám ảnh ông hoài.
Cùng là tỵ nạn, người đến trước hay kẻ qua sau cũng
cùng chung một hoàn cảnh. Ngày đầu đặt chân lên vùng
đất tự do ai cũng rách nát như nhau, cũng sắp hành lãnh
tem phiếu hàng tháng và làm bất cứ gì để gầy dựng
lại cuộc đời. Bây giờ nhà cao cửa rộng với cuộc
sống vương giả, những người qua trước đã vội quên
quá khứ đau buồn của mình mà còn khinh thường những
người qua sau theo diện nhân đạo. Gia đình không nghe ông
Bảo thổ lộ bao giờ những đau buồn trong lòng nhưng
thấy ông mất ngủ từ ngày qua đây. Một hôm Phước
được một người bạn kể lại rằng, anh ta gặp ông
Bảo đang sắp hàng mua thức ăn trong một cửa tiệm. Khi
trả tiền ông Bảo đưa tem phiếu ra thanh toán, người
bàn hàng lạnh lùng hỏi, ông có tiền mặt không, ở đây
không nhận loại tem nầy ! Ông Bảo nhìn cô bàn hàng một
cách thương hại và nhẹ nhàng trả lời rằng, trước
đây cô có dùng tem phiếu để mua thức ăn không ? Nhớ
lại xem ! Vừa dứt câu ông Bảo cẩn thận xếp tấm tem
phiếu để vào túi và quay nhanh ra cửa tiệm.
Kể
từ ngày đó ông Bảo ít liên lạc với bạn bè cũ đã
qua trước. Có một lần cả gia đình ngồi uống trà buổi
tối, mẹ Phước khuyên ông, đến được xứ tự do dù
có đau buồn gì nữa cũng nên bỏ qua. Các con đã chịu
khó làm việc kiếm tiền giúp gia đình thì nên hưởng
phước được ngày nào hay ngày đó, để tâm chuyện đời
làm gì cho phí sức. Ông Bảo cảm động trước lời
khuyên của vợ nhưng vẫn thổ lộ tâm tình một lần
chót với gia đình rằng, nếu ngày trước ông cũng mau
chân rút chạy như những đồng đội khác thì giờ nầy
đâu có thua gì ai ở đây, con cái đứa nào cũng khoa
bảng, trở thành ông nầy bà nọ đâu phải làm bồi, rửa
chén cắt cỏ như bây giờ. Ông tiếc rằng giờ phút cuối
đã ở lại cầm chân địch để cho đồng đội có rộng
thời giờ an toàn lên máy hay xuống tàu thủy
Ông đã
nín thở hàng chục năm trong tù để đánh thức lương
tâm và lòng nhân đạo của thế giới, để giúp họ
hướng tình cảm về những người đã bỏ nước ra đi
vì tự do, để mở mắt cho những người ngây thơ trên
thế giới biết thế nào là cọng sản và cũng để lấy
lại công đạo cho hàng triệu người đã hy sinh cho mảnh
đất thân yêu Việt Nam, cho tự do hạnh phúc của con
người mà cọng sản thường tuyên truyền bóp méo sự
thật. Ông Bảo lặp lại với gia đình, ông chỉ buồn
cho những người qua sau đã thất thiệt mà còn bị những
người may mắn qua trước xem như những kẻ ăn xin. Phước
đã có lần nhắc nhở ông Bảo, với tiền lương bốn
người con làm việc, biết tiết kiệm, không đua đòi,
không phung phí, chỉ trong một thời gian chắc chắn sẽ
ổn định hơn một số gia đình đến định cư tại đây
từ trước. Các người con nhất loạt khuyên ông Bảo như
vậy, không ai nghĩ đến việc tiếp tục học và dứt
khoát làm việc để tạo một căn bản vững chắc cho gia
đình. Những việc tầm thường như phụ bếp, lặt rau,
làm bồi bàn. Dù trong lãnh vực nào các người con cũng
gặp nhiều khó khăn trong công việc nhưng họ đều giấu
kín gia đình. Điển hình nhất là Phước, anh cố vượt
qua, vui vẻ chấp nhận để đem lại nguồn vui cho gia đình
và nhất là lấy lại thăng bằng tinh thần cho ông Bảo.
***
-
Thưa cô dùng gì ạ ?
-
Phở đặc biệt, tô nhỏ và ly café sữa đá.
-
Dạ.
Phước
vừa quay lưng, cô gái gọi giật lại :
-
À quên, thêm một chén hành trần.
-
Thưa, lấy nước béo không ?
Cô
gái hơi xẵng giọng :
-
Mỡ thì không !
Phước
buồn cười trong bụng, con gái ăn hành trần không lo hôi
miệng mà lại sợ mỡ trong lúc thân hình ốm như con khô.
Khác
với thường lệ Phước đưa ra một chén đầy ắp hành
lá đập dập trụng trong nồi nước lèo. Phước nhớ lời
mẹ thường nói, con gái ăn hành không tốt, người đã
hôi nách mà còn phát triển tâm tính hung bạo của một
người đàn ông và nhất là vấn đề tình dục thường
bị căng thẳng. Đứng sát bên trong, Phước liếc mắt
quan sát, hôi nách hay căng thẳng tình dục thì không biết
được nhưng phảng phất tính tình của một người đàn
ông nhìn qua cũng thấy một phần nào. Từ đó cứ mỗi
lần cô gái đến Phước không hỏi mà lúc nào cũng kèm
theo tô phở một chén đầy hành trần. Cho đến một hôm
cô gái từ chối chén hành, Phước ngay miệng hỏi :
-
Thưa cô hôm nay không dùng hành ?
-
Ô hay, dùng hay không là chuyện của tôi. Khi nào tôi yêu
cầu thì anh đem ra.
Bực
mình vì giọng nói, nhưng công việc bắt buộc Phước vẫn
cười rất tươi :
-
Thưa cô vâng, khi nào cô cần xin cứ kêu.
Vừa
quay lưng trở đi, cô gái gọi giật trở lại :
-
Này anh, tôi hôm nay trong người không vui, xin bỏ qua.
-
Thưa cô không có gì, tôi đã quen những chuyện thế nầy
từ lâu.
Cô
gái vừa xé bao giấy đựng đũa vừa cười vừa hỏi :
-
Anh không nổi nóng lên trước những câu thiếu lịch sự
của khách ?
-
Thưa cô, nghề nghiệp bắt tôi chấp nhận những chuyện
như thế nầy.
-
Tôi xin lỗi anh. Tôi tên Nga, còn anh ?
-
Thưa cô, người ta gọi tôi là bồi bàn.
Nói
xong Phước quay qua tiếp chuyện với khách bàn kế cận.
Lúc
ra quầy tính tiền gặp lúc Phước đi ngang qua, Nga níu
tay Phước nói nhỏ :
-
Xin lỗi anh, không biết anh có giận tôi vì câu nói hồi
nãy ?
-
Cô yên tâm, tôi không bao giờ biết giận khách hàng.
Nga
nhìn Phước mỉm cười :
-
Tôi mời anh café xem như tạ lỗi, chịu không ?
-
Cám ơn cô, tôi làm việc suốt ngày ít khi nào rảnh. Xin
hẹn một dịp nào đó.
Một
năm sau, hết trợ cấp đặc biệt của chính phủ dành
cho những gia đình định cư theo diện HO nhưng may mắn
bốn người con chịu khó làm việc đều đặn và liên
tục, cuộc sống gia đình đã ổn định. Ông Bảo bắt
đầu tham gia họp mặt vào các hội đoàn, mẹ Phước tìm
lại được những mật thiết với bạn cũ. Đến lúc
phải nghĩ đến tình cảm riêng tư của mình, Phước nghỉ
một ngày trong tuần để có thời giờ dành cho mối tình
vừa chớm nở với Nga. Sau gần hai tháng quen biết và chỉ
trao đổi vài câu ngắn gọn trong quán ăn, hai người đã
chính thức mở rộng vòng tay ôm lấy nhau. Trong dịp lễ
Valentin vừa qua, trên sàn nhảy Nga đã siết chặt vòng
tay, ôm lấy vai người tình và thú thật lòng mình với
Phước. Đối với Nga không biết là cuộc tình thứ mấy
nhưng với Phước, chàng chưa thực lòng yêu ai dù đã hai
mươi bốn tuổi. Có lẽ trong thời gian còn tại Việt Nam
Phước quá bận tâm vào việc học, chuyện buồn gia đình
trong lúc ông Bảo đang trong vòng tù tội. Qua bên nầy,
thực tế cuộc sống buộc Phước dồn hết thời giờ
vào công việc để giúp gia đình. Bây giờ cuộc sống
tạm ổn thì Nga đến với chàng, chính nàng săn đón và
ngã vào tay Phước. Buổi gặp đầu tiên do Nga hẹn, đi
uống café với nhau xem như để giải hòa lỗi lầm nhỏ
với chàng trong tiệm ăn lần trước. Tiếp đến những
lần hẹn hò tại các phòng trà khiêu vũ vào mỗi chiều
chủ nhật, cho đến ngày lễ tình nhân Nga đã thú thực
lòng mình.
Tình
yêu đến với Phước không đam mê không vồn vã như
những thanh niên mới yêu lần đầu. Chàng chỉ gật đầu
và hôn nhẹ lên mái tóc khi nghe Nga vừa tỏ tình. Nụ hôn
hờ hững để chấp nhận miễn cưỡng một thực tại đã
đến, tình yêu không trông chờ không háo hức mà Phước
đã phân vân kể từ lúc quen thân với Nga.
Nga
nhỏ hơn Phước ba tuổi, con thứ nhì của một gia đình
có hai chị em, định cư tại Mỹ từ lâu, học hành đã
dùng lại ở nửa chừng và sắc đẹp cũng không được
xếp vào hạng chim sa cá lặn. Nhưng những điều nầy
không quan trọng, Phước rất thực tế, muốn tìm một
tình yêu chân thành để đi đến hôn nhân. Người vợ
không cần phải đẹp, giàu sang hay đỗ đạt cao. Phước
muốn một người con gái bình thường hợp với hoàn
cảnh, số phận và gia thế của chàng. Nhìn chung hình
dáng bên ngoài, Nga cũng thuộc mẫu người hợp với Phước
nhưng một điều làm chàng đắn đo suy tư, đó là quan
niệm quá chú trọng cuộc sống vật chất của Nga. Nàng
thường tỏ vẻ buồn khi nhắc đến công việc bồi bàn
của Phước và ước mong Phước sẽ trở nên một người
đàn ông khoa bảng như thiên hạ. Phước đã nhiều lần
giải thích, không có nghề nào xấu mà chỉ có con người
xấu mà thôi. Trong sinh hoạt hằng ngày mỗi người một
việc để phục vụ đời sống con người. Không lý guồng
máy xã hội chỉ toàn những ông bà khoa bảng thì lấy ai
làm những công việc tầm thường để phục vụ những
nhu cầu căn bản của đời sống. Có lần vừa nghe Phước
trình bày xong Nga nổi nóng và trả lời thẳng Phước
rằng nàng không muốn người ta kêu nàng bằng bà bồi
bàn ! Phước không buồn, nhưng câu nói của Nga đã xác
định rõ ràng cái tầm thường trong quan niệm hôn nhân
của đa số con gái thời nay, đặt tiền tài danh vọng
làm điều kiện tiên quyết trước khi đưa tay đón nhận
chiếc nhẫn.
Vẫn
biết Nga bị thu hút trước vóc dáng đẹp trai, tính tình
hiền lành của một thanh niên chưa từng trải. Nhưng
những lợi điểm của Phước chưa hẳn là điều kiện
để đem lại vinh dự cũng như đáp ứng đòi của một
người con gái đang đặt nặng vấn đề vật chất. Phần
bị mặc cảm của một người đến sau thua thiệt phần
bỡ ngỡ trong mối tình đầu, Phước không can đảm dứt
khoát để chấm dứt những liên hệ mật thiết với Nga
hầu tránh những cơn đam mê càng ngày càng lún sâu vào
vũng lầy xác thịt, cũng như hậu quả nếu có, sẽ ràng
buộc hai người với nhau qua những lần vụng trộm trong
khách sạn. Đang phân vân đắn đo tìm một lối thoát thì
Nga đã kịp thời giải tỏa Phước bằng những vòng tay
níu chặt, bằng những giọt nước mắt của một người
bại trận và yêu cầu Phước ra mắt trình diện với gia
đình nàng.
Phước
ăn mặc đơn giản như những ngày đi làm, bình thản theo
Nga đến thăm và dùng cơm gia đình. Cả nhà quan sát kỹ
Phước từ lối phục sức, phong cách con người đến
những lời đối thoại cần thiết lúc đầu. Ông Thân,
bố của Nga cũng thuộc mẫu người xưa, thủ cựu nhưng
khá dễ dãi sau những câu đối đáp chân thành mộc mạc
của Phước. Người chị và bà Thân lúc đầu niềm nở
khi nghe Phước hoạt động trong lãnh vực nhà hàng, nhưng
sau đó hai người sa sầm nét mặt ngay lúc Phước đính
chính rằng, chàng đang làm bồi trong một quán ăn. Trong
suốt bữa cơm hôm đó, câu chuyện chỉ xoay quanh công
việc, tương lai của người rể cần phải có để gia
đinh có thể nhìn lên, nở mày nở mặt với bạn bè và
nhất là xứng đáng với người con gái quý giá của gia
đình. Phước không hứa hẹn một thay đổi hay một tương
lai tốt đẹp nào để có thể xứng đáng với lòng ưu
ái của người chị và bà mẹ Nga. Trước khi ra về, bà
Thân an ủi bằng Phước cách ban một ân huệ là chấp
nhận nói chuyện rõ ràng với mai mối trước khi tiếp
đón gia đình Phuớc đến thăm. Bà còn nhấn mạnh, vì
mến tính nết của Phước nên bà chịu nói chuyện với
mai mối và phải qua mai mối, chứ bà không chấp nhận
chuyện đi tắt, mà nhà trai phải tuân theo thủ tục cưới
hỏi của ông bà để lại. Phước đem sự tình kể rõ
cho gia đình. Ông Bảo có vẻ bực mình nhưng giữ thái độ
dè dặt, im lặng để nghe ý kiến của vợ. Bà Bảo vì
thương Phước, bỏ ngoài tai thái độ khinh người của
gia đình Nga, miễn làm sao vui lòng con. Bà góp ý với
chồng rằng, hỏi vợ là bổn phận phải lo cho con, miễn
làm sao chúng nó biết yêu thương sống hạnh phúc với
nhau trọn đời, dù họ có khinh khi gia đình mình đi nữa
cũng phải bấm bụng. Thời buổi bây giờ đồng tiền và
danh giá ngự trị trên tất cả lễ, nghĩa, đạo lý và
tình người, mình cũng phải châm chế cho con nó vui lòng.
Bà Bảo nhắc đi nhắc lại nhiều lần, miễn là con Nga
yêu biết thương sống trọn vẹn cho thằng Phước thì
đôi lúc gia đình cũng phải nhắm mắt làm ngơ. Nhưng ông
Bảo vẫn giữ thái độ im lặng một thời gian. Bà vợ
nói riết, cuối cùng ông cũng chấp thuận để bà tìm
một người mai mối đến nói chuyện, tìm hiểu những
yêu cầu, điều kiện do gia đình nhà gái đưa ra.
***
Vừa
xong ngụm trà, bà Thân vào đề :
-
Chị mai, chẳng hay chị chỉ quen biết hay có bà con thân
thích xa gần gì với gia đình cậu Phước ?
-
À, gia đình chúng tôi là bạn ngày trước ở Việt Nam.
-
Thế gia đình bà cũng qua theo diện HO ?
-
Đúng vậy, nhưng qua trước gia đình ông bà Bảo mấy
năm.
Bà
Thân dò xét :
-
Chắc mới qua sau nầy đời sống cũng chật vật khó khăn
?
-
Dạ phải thưa bà, đi tù trên chục năm, về phải mất
thời gian chạy lo thủ tục, qua đến bên nầy cha mẹ thì
quá tuổi con cái phải ra đi làm.
-
Xin lỗi bà, hôm nay bà đến thăm hay có mục đích
Bà
mai tiếp lời :
-
Thực ra đến để xin ý kiến ông bà về việc hai cháu
Phước và Nga.
-
À, chuyện đó con gái tôi đã trình qua và cháu Phước
cũng đã đến ra mắt.
Ngập
ngừng giây lát, bà mai tiếp :
-
Thưa, ông bà thấy thế nào ạ ?
-
Trai gái lớn lên đến tuổi nào đó thì việc hôn nhân
cũng phải tính. Nhưng việc dựng vợ gả chồng tất
nhiên cha mẹ phải nhúng tay vào. Đối với chúng tôi,
việc hôn nhân con cái không thể để tự chúng nó tự
tung tự tác tấp chỗ nầy cặp chỗ kia được !
-
Dạ tôi cũng nghe ông bà Bảo lặp lại ý kiến của ông
bà, cũng vì lý do đó, tôi được ông bà Bảo nhờ qua
thăm dò ý kiến.
-
Vợ chồng tôi cũng không khó khăn gì, nhưng đâu phải ra
đó, những cái gì ông bà cha mẹ dạy phải tuân theo mong
bà và gia đình cậu Phước thông cảm.
Bà
Thân rót thêm nước trà vào tách vừa nhìn khách dò xét
vừa đẩy đưa :
-
Thưa bà, xem như vậy có tiện không ạ ?
-
Dạ dĩ nhiên là như vậy, nhưng thời buổi bây giờ cũng
mong ông bà thông cảm, xí xoá phần nào cho mấy đứa nhỏ
kẻo tội nghiệp.
-
Bà nói tội nghệp rồi miễn cho mấy đứa nhỏ, tôi
không đồng ý, đi lấy vợ phải làm cái gì cho ra hồn
chứ. Cũng phải mai mối, lễ hỏi lễ cưới không rình
rang nhưng cũng phải đẹp mặt cho hai họ.
-
Tôi nói tội nghiệp là nếu ông bà đề nghị gì thì
chúng nó cũng phải chạy tiền vay nợ để tổ chức cưới
hỏi rình rang nhưng rồi phải cong lưng trả nợ năm nầy
qua năm khác
Nhìn
thẳng khách, bà Thân sửa lưng bà mai :
-
Tôi nói tổ chức làm thế nào cho đẹp mặt hai họ chứ
đâu yêu cầu rình rang. Tôi biết gia đình cậu Phước
nghèo mới chân ướt chân ráo qua Mỹ, cậu ta thì làm bồi
lấy gì bảo đảm để vay mượn. Tiền của đâu để
làm rình rang ! Nhưng bà cũng phải nghĩ cho con gái gia đình
tôi, cũng cành vàng lá ngọc đâu phải của thúi của hôi
để cho cưới chạy làng !
Bà
mai nhỏ nhẹ :
-
Dạ thưa bà tôi không dám có ý nghĩ như vậy, tôi chỉ
xin một sự giảm thiểu nếu được, để cho gia đình
nhà trai đủ khả năng lo liệu.
-
Nếu bà đã nói vậy thì vợ chồng tôi sẽ nhân nhượng
phần nào nhưng các lễ vật cần thiết cũng như thủ tục
bắt buộc phải có.
-
Dạ xin ông bà vui lòng cho biết.
Bà
Thân gọi ông chồng ra để những yêu cầu của bà tăng
thêm phần giá trị. Vừa ngối xuống, ông Thân mở lời
:
-
Tất cả đều do vợ tôi định đoạt, nghe qua mong bà
chuyển lời đến gia đình nhà trai rồi cho chúng tôi biết
kết quả. Phần chúng tôi cũng đã bàn tính với nhau xong
xuôi.
Tiếp
lời chồng, bà Thân nhấn mạnh từng điểm một :
-
Thì cũng đại khái vài ba trăm xuất, trình cho thân nhân
bạn bè của nhà gái. Những phần phụ thuộc cho cô dâu,
để hai đứa tự nhiên mua sắm lo liệu cho nhau, phần
chúng tôi chỉ cần một chiếc nhẫn đính hôn để hôm
lễ trình ra cho đẹp mặt gia đình nhà trai.
-
Thưa cho biết chính xác bao nhiêu xuất và mỗi xuất gồm
những gì. Riêng về nhẫn đính hôn, xin cho biết rõ loại
nào
Bà
Thân trả lời không suy nghĩ :
-
Chắc nghề mai mối, bà đã biết rõ mỗi xuất gồm những
thứ gì rồi. Chúng tôi cần năm trăm xuất và nhẫn đính
hôn thì cỡ chừng
ba carats tối thiểu.
Vừa
nghe qua, bà mai đã thấy xây xẩm mặt mày, nhưng vẫn
bình tĩnh làm hết nhiệm vụ :
-
Thế còn tiệc cưới ?
-
Gia đình chúng tôi bà con bạn bè đông, phải chọn một
nhà hàng lớn ở vùng nầy để có thể chứa hết khách
mời. Riêng phần nhà gái cũng chừng bốn trăm chỗ. Nghi
thức gồm có lễ cáo biệt ông bà tại nhà gái, ký giấy
hôn thú tại tòa thị chính và theo tôn giáo thì tại chùa
như vậy tránh được những điều thiếu sót đáng tiếc.
Nghe
bà mai thuật lại chi tiết từ đầu chí cuối, ông Bảo
bực mình trả lời ngay với mấy người đang có mặt :
-
Về Việt Nam cưới vợ là xong chuyện !
Bà
Bảo nhướng mắt nhìn chồng :
-
Ô hay, lấy vợ cho nó chứ đâu phải cho ông mà hấp tấp
vậy !
Ngoài
miệng trách chồng nhưng trong thâm tâm bà Bảo cũng bất
mãn thái độ quá đáng của một gia đình sống bên nầy
lâu năm mà đầu óc còn thành kiến giai cấp, lòe loẹt
khoe khoang bên ngoài. Bà mai bình tĩnh hơn :
-
Hay họ làm khó để từ chối khéo việc cầu hôn của
cháu Phước ?
-
Có thể như vậy.
Ông
Bảo trả lời câu hỏi xong quay qua nhìn con :
-
Nghĩ thế nào, chuyện tình cảm do con chọn lựa, nhưng
điều kiện nhà gái đưa ra, như con đã thấy, không thích
hợp với khả năng gia đình chúng ta. Con cần xét lại
lòng mình và quan trọng nhất là tính tình của Nga trước
khi cho cha mẹ biết quyết định cuối cùng của con.
Như
vậy, tất cả đều bất mãn thái độ của nhà gái nhưng
đồng ý dành cho Phước trước quyết định hệ trọng
của đời chàng. Phước thưa với ba mẹ :
-
Thưa cho con xin một thời ngắn để đặt thẳng vấn đề
với Nga, dù sao chính nàng là mấu chốt quan trọng trong
tình yêu cũng như thách thức của gia đình nàng.
Bà
Bảo đồng tình :
-
Làm như vậy đúng để sau nầy Nga không trách cứ gì con
cũng như gia đình không ân hận đã hối thúc con chấp
nhận một quyết định ngoài ý muốn.
Sau
nhiều đêm suy nghĩ, Phước hẹn Nga vào một buổi chiều
chủ nhật. Nga đến với vẻ mặt bình thản, dường như
đã chuẩn bị một tính toán trong đầu. Vừa gặp Phước,
Nga cười một cách tự nhiên :
-
Sao anh, ông bà cụ có đồng ý với ba mẹ em không ?
Phước
ngập ngừng :
-
Đồng ý nhưng rất khó thực hiện ?
Nga
hỏi ngay :
-
Vấn đề tài chánh ?
-
Đúng vậy, như em biết khả năng gia đình không thể cáng
đáng nổi một đám cưới linh đình như những gia đình
giàu có ở đây.
Đợi
một lúc không thấy phản ứng của Nga trước những thổ
lộ chân tình của mình, Phước mập mờ đưa ra đề nghị
để dò xét :
-
Hay mình cứ sống chung với nhau một thời gian, đặt hai
gia đình trước một việc đã rồi như một số lớn
thanh niên nam nữ hiện nay. Sau đó chuyện gì đến sẽ
đến.
Nga
la hoảng lên :
-
Đâu được anh, như vậy anh xem gia đình em ra gì nữa !
-
Không anh vẫn trọng gia đình em nhưng hoàn cảnh không cho
phép anh thực hiện những yêu cầu, có thể nói, hơi quá
đáng với hoàn cảnh của anh.
Nga
xẵng giọng :
-
Như vậy anh cho rằng gia đình em đòi hỏi quá đáng ? Con
người em không xứng đáng để tổ chức một đám cưới
linh đình mà phải cưới hỏi chụp giựt chui rúc như gái
lỡ thì hay thứ đứng đường đứng chợ ?
Phước
không còn cách gì giải thích, hai tay ôm lấy đầu xuống
nước phân trần :
-
Em nghĩ lầm oan ức cho anh.
-
Không lầm hay oan ức gì nữa, nếu gia đình anh không chấp
nhận những điều kiện của gia đình em thì... đường
ai nấy đi !
Phước
giật mình không ngờ Nga đưa ra một đề nghị dễ dàng
như vậỵ. Nếu không phải một lời hờn dỗi thường
tình giữa hai người yêu nhau thì đúng là bằng chứng
Nga không yêu thương Phước thực tình. Nàng đến với
chàng có lẽ vì những đòi hỏi của tinh thần cũng như
thể xác đang bộc phát dữ dội ở lứa tuổi của nàng.
Nhưng Phước vẫn thắc mắc, tại sao Nga yêu cầu chàng
ra mắt gia đình để đi đến việc hợp thức hóa tình
yêu giữa hai người. Nhưng qua hành động và những lời
nói bộc lộ vừa rồi trong lúc tâm thần Nga không ổn
định, chứng tỏ việc lựa chọn của nàng vẫn chưa ngã
ngũ. Vậy tình yêu hay danh vọng, yếu tố nào mà Nga cần
phải chọn để có một quyết định dứt khoát, tiến
đến một cuộc hôn nhân chính thức, hợp thức hóa mối
tình nam nữ trong hạnh phúc, hay, sẽ kết thúc một cách
đau thương rồi chia tay mỗi người một ngả ? Thật
Phước không thể hiểu đuợc trong đầu Nga đang suy tính
gì.
Phước
cố gắng tìm hiểu một lần nữa :
-
Em bình tĩnh cho anh hay, em nói thực tình hay chỉ là những
lời hờn dỗi ?
Nga
vẫn bình thản :
-
Không, em nói thật. Chia tay, giữa hai người em là kẻ
thua lỗ.
-
Em chấp nhận ?
-
Chứ làm sao bây giờ !
-
Như vậy, cho anh nói hỏi, em không yêu anh ?
Nga
thẳng thắn :
-
Yêu thì được làm vợ thì không ?
-
Tại sao ?
-
Em nói anh đừng buồn, em không muốn đời em bị đóng
khung trong ba chữ 'bà bồi bàn'.
Phước
không buồn vì câu nói tàn nhẫn vừa qua, chàng đưa tay
choàng qua vai Nga vỗ nhè nhẹ :
-
Anh hiểu em và cảm phuc em đã nói ra những lời thẳng
thắn. Mỗi người đều có một số mạng khác nhau, tất
cả đều được an bài. Muốn thay đổi, cần phải có
thời gian dài, một môi trường thích hợp và một ý chí
sắt đá..
-
Sao anh không tìm cách vươn lên ?
-
Anh sẽ cố gắng vươn lên nhưng hoàn cảnh hiện tại
chưa cho phép. Không thể đến đích bằng con đường tắt
một sớm một chiều như trở bàn tay.
-
Như vậy anh sẽ cố gắng đi học trở lại ?
-
Anh chưa nghĩ đến điều nầy, tất cả hoạt động dù ở
ngành nghề nào cũng cần thiết để xã hội sinh hoạt
hằng ngày. Đặt nặng vấn đề khoa bảng, lấy ai làm
những công việc bình thường nhưng rất cần thiết cho
đời sống.
Nga
mải lắng nghe không có phản ứng trong lúc Phước muốn
chấm dứt câu chuyện đau lòng, kéo dài chẳng đi đến
đâu, chàng hỏi nhỏ Nga :
-
Chúng ta xa nhau, em không giận anh ?
-
Không.
-
Và cũng không ân hận những gì về tình yêu trong thời
gian qua của hai đứa mình ?
-
Cũng không !
-
Như vậy cám ơn em nhiều.
Phước
cho gia đình biết quyết định của mình cũng như nội
dung đã trao đổi với Nga. Ông bà Bảo thở ra nhẹ nhỏm.
Cả nhà khuyên Phước nên về Việt Nam cưới vợ để
khỏi rắc rối. Phước gật đầu cho qua chuyện. Tuy nhiên
trên cương vị người lớn, ông bà Bảo vẫn nhờ bà
mai, một lần nữa, chuyển tiếp lời cáo lỗi của gia
đình nhà trai.
Sau
khi điện thoại lấy hẹn, bà mai đến thì ông bà Thân
đã chờ sẵn ở phòng khách. Tất cả đều biết trước
nội dung cuộc gặp nhưng gặp nhau, câu vào đề của bà
Thân vẫn vui vẻ :
-
Chào bà mai, chắc hôm nay đến báo tin vui cho mấy cháu ?
Im
lặng vài giây, bà mai ngập ngừng :
-
Dạ hôm nay tôi rất buồn đến để chuyển lời cáo lỗi
của gia đình nhà trai.
Bây
giờ bà Thân đổi ngay thái độ :
-
Cháu Nga đã cho chúng tôi biết rồi. Thôi thế đỡ mất
mặt cho gia đình tôi.
Bà
mai vẫn nhỏ nhẹ :
-
Thưa bà, bà nói như vậy hơi quá lời.
Ông
Thân thấy tình hình không êm đẹp, đứng dậy đi vào
phòng trong, bà Thân vẫn còn hậm hực :
-
Tôi đâu nói gì đụng chạm đến gia đình nhà trai đâu.
Quyết định sớm như vậy đỡ kẹt cho chúng tôi. Trong
lúc chưa ngã ngũ việc cưới hỏi với cậu Phước thì
một số kỹ sư bác sĩ đang sắp hàng nối đuôi để xin
bước chân vào nhà nầy.
-
Xin chúc mừng ông bà. Một lần nữa, xin thay mặt ông bà
Bảo thành thực xin lỗi vì không thể đáp ứng yêu cầu
của ông bà nên buộc lòng chúng tôi xin rút lại đề
nghị đã đưa ra lần truớc. Nếu không còn gì, xin phép
ông bà tôi cáo từ.
***
Thực
ra Phước chưa muốn về Việt Nam, vì tất cả liên hệ
thân thích gần đều đang định cư ở nước ngoài. Hơn
nữa tiền dành dụm chưa được bao nhiêu trong lúc đời
sống đang chập chững lấy lại thăng bằng. Một chuyến
cưới vợ xa, nếu không đưa đến nợ nần thì cũng tiêu
tan số tiền đã khổ công dành dụm trong suốt thời gian
qua. Nhưng gia đình thấy Phước buồn, ông bà Bảo không
những khuyến khích về Việt Nam cưới vợ mà còn mở
hầu bao cho thêm một sốt tiền tạm gọi là lớn để
phụ vào việc cưới hỏi. Phước ngần ngại nhưng ông
bà khuyến khích rằng cứ cầm lấy, xem như một phần
nhỏ cha mẹ phải đóng góp trong việc hôn nhân của con
cái. Thấy Phước không phản đối, bà Bảo vội vã liên
lạc với người em họ, cho biết ý định của Phước
trong chuyến về Sàigòn sắp tới. Do đó, ngay khi Phước
đặt chân xuống phi trường, gia đình ông Thung đã có
sẵn kế hoạch kiếm cho người cháu một cô vợ hiền
thục nết na theo ý của bà chị bên Mỹ.
Ngay
trong buổi cơm chiều, ông bà Thung đã đặt câu hỏi về
mẫu người vợ Phước muốn chọn. Vừa nghe Phước đề
nghị, một người vợ không cần đẹp, không cần giàu
sang và cũng không cần học thức cao rộng làm gì, chỉ
cần một người con gái nhu mì biết đãm đang công việc
gia đình và thương yêu chồng con.
Vừa
nghe qua, ông bà Thung cười lớn :
-
Tưởng gì chứ chuyện bình thường như vậy quá dễ
dàng, cháu tha hồ lựa chọn.
Phước
do dự :
-
Cháu không có quan niệm phải cân nhắc lựa chọn mà nghĩ
rằng nếu mình tốt phước thì duyên số sẽ đến dễ
dàng.
Ông
Thung gật đầu đồng ý quan điểm của Phước nhưng cũng
cho hay :
-
Không đắn đo lựa chọn nhưng cũng phải ra ngoài tiếp
xúc tìm hiểu, không lẽ ngồi nhà chờ người ta ra mắt
ứng thí ?
-
Thưa chú cháu không dám có ý như vậy, nếu duyên trời
đã định thì dù tránh đường nào cũng không khỏi.
Bà
Thung tiếp lời :
-
Nói chơi cho vui vậy chứ chú cũng đã sắp xếp trước
cho cháu.
-
Thưa, thế nào ạ ?
-
Sau được điện thoại mẹ cháu, chú con nói với đồng
nghiệp trong sở biết ý định của cháu muốn về cưới
một cô gái Việt nam làm vợ, lập tức có hai ba mối đã
liên hệ thăm hỏi chi tiết. Chú con cũng xem mắt sơ qua
vài ba cô
Phước
hướng về chú Thung :
-
Chú thấy thế nào ?
-
Trong đám nầy có một người con ông trưởng phòng của
chú xem ra khá nhất. Gia đình họ đã biết cháu về ngày
hôm nay. Nghỉ cho khỏe, tối mai mình đến thăm xã giao.
Bà
Thung căn dặn thêm :
-
Cháu nên ăn mặc chỉnh tề một chút, kiểu quần bò áo
bỏ ra ngoài không thích hợp với cách thức đi xem mắt
vợ bên nầy. Lại nữa, cháu lựa xem cái gì quý đem từ
Mỹ về để làm quà.
Phước
sực nhớ ra :
-
Chết, cháu quên ba cái vụ lỉnh kỉnh nầy, cháu chỉ đem
về một ít quà để chú thím dùng trong gia đình.
-
Không sao, ở đây thiếu gì, mua ở đây cũng được nhưng
cứ bảo rằng cháu đã mang từ Mỹ về !
Câu
chuyện xoay quanh vấn đề cưới vợ gả chồng giữa Đông
và Tây là đề tài chính trong suốt bữa ăn. Trước khi
chấm dứt, ông Thung bất ngờ hỏi Phước:
-
Cháu có muốn tiếp xúc trước với người bạn gái mà
cháu sẽ gặp vào chiều mai không ? Nếu cần chú có thể
điện thoại xin phép xếp của chú trước.
-
Thưa chú cháu nghĩ không cần thiết. Cứ đến nhà thăm
xã giao, gì cũng gặp mặt trao đổi vài ba câu như vậy
đủ đối với lúc đầu. Theo ý cháu, để dò xét thái
độ nhà gái trước như thế nào, lỡ ra câu chuyện không
đi đến đâu cũng không gây khó khăn nhiều cho con gái
nhà người ta.
Bà
Thung xen vào, trả lời tiếp đề nghị của chồng :
-
Phước nói đúng đó ông. Đâu cần gì hấp tấp, đừng
để người ta đánh giá cháu mình ngang hàng với những
đám Việt kiều chụp giựt.
Buổi
hẹn xã giao được ấn định từ bảy giờ tối và dùng
cơm chung do chủ nhà khoản đãi. Phước đi cùng ông bà
Thung. Nhà gái, không biết có bao nhiêu người đứng rình
xem phía trong nhưng ra mặt tiếp đón chỉ có hai ông bà
Tùng, bố mẹ của cô Mỹ Hà. Ông bà Tùng gốc người
miền Bắc vào Nam sinh sống chừng hai chục năm nay, nghĩa
là gia đình dọn vào Nam lúc Mỹ Hà vừa được một tuổi
theo lời của bà mẹ. Khi người cậu của Phước bắn
tin cho hay cháu trai là Việt kiều Mỹ sẽ về việt Nam
cưới vợ, ông được cung cấp đầy đủ danh tánh, khả
năng, tài đức, gia thế của nhiều cô gái trong đó có
Mỹ Hà. Do đó ông Thung đã có sẵn trong tay lý lịch
người bạn gái mà họ đang đến thăm. Mỹ Hà trong lối
phục sức thời trang lịch sự kín đáo, bước ra chào
ông bà Thung và Phước. Vừa dứt vài câu, Mỹ Hà đã vội
xin phép vào bếp. Nhưng lúc vào bàn Phước được sắp
ngồi kế cạnh hai mẹ con bà Tùng. Ông Tùng chỉ kín đáo
quan sát Phước qua những câu đối đáp xã giao thông
thường nhưng ngược lại bà vợ bám sát Phước từng cử
chỉ một, từ lời ăn tiếng nói đến những vật dụng
trên người như đôi giày, chiếc đồng hồ đeo tay. Đầu
thì câu chuyện chỉ xoay quanh sự khác biệt khí hậu mưa
nắng, giờ giấc, cuộc sống khác nhau giữa hai lục địa
cách nhau gần hai mươi giờ bay. Nhưng rồi bà Tùng hình
như sốt ruột, ngắt ngang và hướng hẵn câu chuyện vào
mục đích chính mà gia đình bà cần biết. Những câu
thăm hỏi về hai gia đình đều nằm trong chiều hướng
bình thường của việc tìm hiểu nhau giữa hai gia đình
sắp trở thành sui gia. Phước trình bày một cách trung
thực những cái khó khăn và thua thiệt của một gia đình
định cư qua sau những người khác, ông bà Tùng tỏ vẻ
cảm thông và cỗ võ Phước phải can đảm và hy sinh cho
gia đình thêm nữa. Nhưng đến lúc Phước trả lời câu
hỏi của bà Tùng về nghề nghiệp của mình thì hai ông
bà mở to đôi mắt ngạc nhiên tột độ.
Bà
mẹ Mỹ Hà còn sợ mình nghe lầm nên vẫn hỏi lại lần
thứ hai :
-
Cậu nói cậu làm bồi nhà hàng ăn ?
-
Dạ thưa đúng vậy.
Bà
Tùng vẫn chưa tin Phước nói thật :
-
Cậu nói đùa cho vui chứ từ trước đến giờ Việt kiều
ai về đây cũng không bác sĩ, kỹ sư thì cũng ông nầy
ông nọ. Sao cậu lại không chịu học hành đỗ đạt như
người ta lại làm gì cái nghề hèn mọn đó.
-
Dạ thưa bác, bên Mỹ nghề nào cũng tốt cả.
Không
đồng ý việc đánh giá cháu mình, bà Thung vừa cười
vừa trả đũa :
-
Làm bồi bàn bên Mỹ nhưng lương và tiền típ của cháu
cũng cao hơn lương trong sạch của một ông tổng giám đốc
bên nầy.
-
Nhưng dù lãnh bao nhiêu đi nữa cũng là một nghề thấp
hèn làm việc bằng tay chân cực khổ.
Ông
Thung thấy tình thế không thuận tiện, một bên là cháu
một bên là xếp lớn, ông không muốn mất lòng ai nên
chêm vào một câu cầu an :
-
Mới qua, ai cũng vậy. Lúc đầu phải dành trọn thời
gian để xây dựng đời sống vật chất. Khi đã ổn định
xong xuôi đâu đó lại bắt tay vào việc học. Người
mình chân ướt chân ráo qua bên đó buổi đầu ai cũng
như ai, nai lưng ra làm việc kiếm cơm thuê nhà. Mấy cậu
Việt kiều khoa bảng mà ông bà gặp chắc họ đã qua
được giai đoạn khó khăn lúc đầu. Tôi thì chưa qua bên
đó, nhưng ai về cũng cho biết việc lấy bằng cấp ở
Mỹ rất dễ dàng nếu có chí đeo đuổi đến cùng. Cháu
tôi qua mới vài ba năm mà đã tạo được đời sống ổn
định, bây giờ về đây lập gia đình, xong xuôi sẽ tiếp
tục việc học đang dở dang thì đâu khó khăn gì.
Không
khí buổi cơm đãi khách trở nên ngượng ngập, Ông Tùng
tìm cách đưa những lời đối thoại trở lại những
chuyện mây gió nắng mưa và hối thúc người nhà đem hai
đĩa trái cây lên để chấm dứt bữa ra mắt làm quen.
Trên
đường về bà Thung an ủi cháu :
-
Đừng buồn, bên nầy người ta còn quan niệm lệch lạc
về nghề nghiệp. Hơn nữa có lẽ lần đầu người ta
nghe một thanh niên Việt Kiều đã nói thật và bằng lòng
công việc tầm thường của mình ở xứ ngoài.
Ông
Thung phụ họa :
-
Bà nói tôi cũng đồng ý, từ xưa đến nay thường nghe
người ta nói đến lớp trẻ về Việt Nam đều là bác
sĩ kỹ sư, không thì cũng xuất thân khoa bảng từ các
trường đại học nổi tiếng của Mỹ. Gả con ai cũng
muốn kiếm người rể danh giá.
Bà
Thung chặc lưỡi tiếc rẻ :
-
Biết vậy cháu đừng nói thật.
Phước
không đồng ý câu nói bà Thung :
-
Thưa cháu không bao giờ che giấu công việc mà hân hạnh
về việc làm của mình. Bồi bàn ở các xứ văn minh cũng
phải qua một khóa học một hai năm trời, cũng tốt
nghiệp lãnh bằng cấp chứ đâu phải là nghề 'chẳng
đặng đừng' theo quan niệm của người Việt. Cháu yêu
thích vì một nghề dễ thương lương thiện, làm việc
trong bóng mát mà lợi nhuận ngoài tiền lương còn được
chia phần tiền típ của khách hàng. Bưng một thức ăn
đưa đến khách hàng cũng là một nghệ thuật, một hành
động cần phải khéo léo, cần một kinh nghiệm lâu năm
cũng như công việc của một người thợ làm móng tay hay
sửa xe hơi, một y tá hay một bác sĩ. Có khác chăng là
kiến thức hiểu biết, thời gian học nghề và môi trường
hoạt động khác nhau nhưng tất cả chung qui đều có một
mục đích chung là phục vụ đời sống con người. Thú
thật cháu không buồn vì người ta đánh giá nghề nhiệp
mình mà ngược lại cháu vui, thà biết ngay từ lúc đầu
như vậy để tránh những phiền toái bực mình sau nầy.
Hôm
sau từ sở về, ông Thung cho biết ngay rằng xếp ông đã
thẳng thừng từ chối. Gia đình ông lấy làm tiếc không
thể chọn một người rể không có tương lai nghề nghiệp
vững chắc !
Thông
báo xong ông Thung vẫn cười vui vẻ rồi vỗ vai Phước :
-
Cháu yên chí, trong cái xui lại gặp cái hên.
Bà
Thung mau mắn :
-
Hên gì ?
-
Thì một mối khác vừa bắn tin cho hay, họ không cần gì
ở chú rể tương lai. Tiền bạc, gia thế, công danh
tất
cả đều không quan trọng. Họ chỉ muốn một chàng rể
là Việt kiều có quốc tịch Mỹ, thế thôi !
Vừa
nghe qua Phước lắc đầu không ý kiến, chàng lặng lẽ
vào phòng trong lúc bà vợ hăm hở hỏi tới :
-
Như vậy cháu Phước gặp may. Nào, nói rõ đầu đuôi
nghe ông.
-
Thì cũng bạn chung sở, anh ta có người bà con nghe đâu
làm lớn tại Sàigòn nầy mà gia đình chỉ có cô con gái.
Họ muốn kiếm một Việt kiều gả chồng, mục đích để
sau nầy cả gia đình có thể định cư một cách chính
thức tại Mỹ.
Bà
Thung gật gù :
-
Tôi cũng nghe qua có nhiều trường hợp như vậy. Việt
kiều trẻ về cưới vợ đã không tốn kém mà còn ẵm
được của hồi môn đem theo. mình cũng thử xem sao.
-
Bà nói nghe hay không, cưới vợ cho thằng Phước chứ đâu
phải cho tôi. Việc quan trọng là nó có chịu đi thử một
lần nữa không.
Bà
Thung háy chồng :
-
Chuyện ! muốn ăn thì lăn vô bếp. Để tôi nói với nó
xem sao.
-
Bà để thư thả vài bữa xem sao, nó vừa bị cú sốc vừa
rồi, trai đứa nào không tự ái.
Nể
lời ông bà Thung, Phước một lần nữa khăn gói đi xem
mặt vợ tương lai. Trái với trường hợp vừa qua, gia
đình nầy thuộc loại quyền thế và giàu có. Họ tiếp
khách không vồn vã như đa số gia đình có con gái muốn
được lấy chồng Việt kiều mà trịch trượng đánh giá
người trình diện như một kẻ đến dự thí. Trong buổi
gặp mặt đầu tiên, chỉ có vài ly trà đơn giản thay
bữa cơm thịnh soạn, con gái không được chính thức ra
chào. Hiện diện tại phòng khách chỉ có hai ông bà chủ
nhà, với phong cách kẻ cả của người ăn trên ngồi
trước, đang ra lệnh cho người hầu phục dịch châm nuớc
pha trà đãi khách. Sau vài giây quan sát Phước, họ gật
đầu tỏ ý hài lòng hình dáng bên ngoài của người đến
cầu hôn. Mở đầu câu chuyện, chủ nhà lên tiếng trước
:
-
Ông bà và cậu cứ gọi tôi là ông Thuận cho tiện, đừng
gọi chức vụ làm gì thêm phiền toái.
-
Rất hân hạnh cho cháu, Phước đáp nhỏ.
Bà
Thuận tiếp lời :
-
Thế cháu năm nay được bao nhiêu ? Tôi quen tính theo người
Việt, tuổi con gì vậy cháu ?
Phước
thật thà :
-
Dạ con gì cháu không biết nhưng tuổi tây tính ra gần
hai mươi lăm tuổi.
-
Đến tuổi nầy mới đi hỏi vợ, thế
trước đó có
rắc rối gì không ?
-
Dạ chẳng có gì, vì hoàn cảnh gia đình trước ngày định
cư và qua Mỹ trễ nên cháu chỉ chú tâm đến công việc
làm ăn.
Ông
Thuận gật đầu :
-
Rất tốt, tôi nói thẳng, gia đình chúng tôi không cần
gì cả, miễn cậu đã có quốc tịch hay thẻ xanh thường
trú của Mỹ.
Bà
Thung xen vào :
-
Gia đình qua Mỹ theo diện HO nên đã có thẻ xanh thường
trú sau đó chừng hơn một vài tuần gì đó.
-
Được, tôi vắn tắt để cậu cho tôi biết ý kiến. Con
gái tôi tuổi xấp xỉ cậu, đã có một con nhưng tình
trạng vẫn độc thân. Có thể nói đẹp nhất nhì thành
phố nầy. Vợ chồng tôi muốn cậu làm hôn thú với con
gái tôi.
Cả
ba người không hiểu ý ông Thuận, chưa ai kịp lên tiếng
hỏi thì bà vợ tiếp lời chồng :
-
Nghĩa là làm giấy hôn thú chứ không phải cưới hỏi
chính thức như vợ chồng.
Tỏ
vẻ thông cảm, ông Thung nhìn ông bà chủ nhà :
-
Chúng tôi hiểu ý định của ông bà. Xin cám ơn, nhưng
thực tình, mục đích cháu nó muốn cưới một người
vợ.
Phước
cũng góp ý với người cậu :
-
Thưa đúng vậy, ý định của cháu muốn lấy một người
vợ để ăn đời ở kiếp với nhau chứ thực tình không
muốn tạm bợ qua ngày hay có một dụng ý nào khác.
Nhìn
từ người nầy qua người khác, cuối cùng bà Tùng nói
nhỏ :
-
Bù lại chúng tôi xin biếu một số lớn ngoại tệ, như
vậy cũng sòng phẳng.
Đến
đây, ông bà Thung đều huớng về phía Phước chờ đợi.
Phước tỏ vẻ thông cảm :
-
Cháu cám ơn nhiều, cháu thì nghèo, tiền bạc rất qúy
đối với cháu nhưng mục đích kiếm người vợ ăn đời
ở kiếp với nhau chứ không bao giờ nghĩ đền vấn đề
mua bán đổi chác trong hôn nhân.
-
Không phải hôn nhân thật sự đâu cháu, đây chỉ làm
thủ tục để hai mẹ con ra đi chính thức. Qua đó sau một
thời gian theo luật định sẽ ra tòa xé giấy hôn thú.
-
Dạ cháu hiểu nhưng cháu không nhận.
Ông
Tùng đứng dậy tiến đến trước mặt và đặt tay lên
vai Phước :
-
Cháu là một thanh niên liêm sĩ và khí khái thật hiếm
có. Con gái chúng tôi vì một hoàn cảnh đặc biệt không
thể kết hôn với cháu được. Chúng tôi rất lấy làm
tiếc và mong ông bà cũng như cậu bỏ qua.
Khác
với thái độ ban đầu, chủ nhà tiễn khách ra đến cửa.
Trước khi bắt tay từ giã, ông bà Tùng ân cần :
-
Vợ chồng tôi rất hân hạnh mời ông bà cùng cậu đến
dùng bữa cơm gia đình xem như chúng ta làm quen kết thân
với nhau.
Phước
đáp lời thay :
-
Dạ rất hân hạnh, cháu về đây bạn bè cũng nhiều, cho
phép cháu xem lại và sẽ điện thoại đến ông bà sau.
-
Được chúng tôi đợi.
Trả
lời để làm vui lòng chủ nhà nhưng rồi Phước không
liên lạc gì với ông bà Tùng kể từ ngày đó.
*
* *
Về
đến Sàigòn gần cả tuần nay nhưng mãi bận rộn chưa
có thời giờ đi thăm người quen. Hôm nay trong người mệt
mỏi nhưng Phước vẫn hẹn hai người bạn cũ tại quán
café mà trước đây ba người thường có mặt. Long và
Thảo, bạn học cùng lớp từ thời còn trung học, xem như
những người thân nhất còn lại sau ngày mất nước.
Thảo ngoan ngoãn trở thành công nhân viên nhà máy, chấp
nhận những công việc nặng nhọc để lấy số lương
chết đói nuôi gia đình. Nhưng có còn hơn không, như Thảo
thường nói, vì gia đình Thảo bị chế độ liệt vào
cặn bã xã hội, không còn cách nào khá hơn dưới chế
độ mới nầy. Long thì khôn ngoan, nhanh nhẹn và tháo vát
hơn, anh len lỏi được vào những đường giây trung gian
chạy mối, tiền bạc không cố định nhưng cũng tạo
được một cuộc sống tương đối sung túc cho gia đình.
Nhận được điện thoại, Thảo bỏ xưởng chạy đến
thì Phước và Long đã có mặt. Mừng tủi ôm nhau một
hồi, Phước vào đề trước :
-
Ba thằng mình phải uống một trận, xin lỗi, tao về đã
mấy ngày hôm nay mới hẹn ra đây với tụi bây.
-
Mới đi mấy năm đã nghĩ đến về thăm bạn bè tụi tao
cảm động. Nhưng sao không báo trước để ra đón mà đến
hôm nay mới ra trình diện ?
Phước
cười xin lỗi :
-
Tao có gia đình ông cậu lo lắng cho mấy bữa nay. Hôm nay
đi bụi đời với tụi bây một đêm. Có đứa nào trở
ngại không ?
Long
trả lời ngay :
-
Tao thì mày đã biết, chỉ lo cho thằng Thảo, chẳng những
nổi tiếng có hiếu với vợ mà còn nằm dài xuống đất
ăn roi nữa là đằng khác !
Thảo
đưa hai tay lên trời :
-
Hôm nay để bà tự do một đêm, tao tới bến luôn.
Phước
hỏi lại :
-
Thiệt không, hay ngày mai về nhà lại đưa cái mông vô
chịu đòn trước !
Xong
một hơi bia, Thảo khà một tiếng :
-
Mông đít vô trước vô sau gì cũng được, miễn hôm nay
đi bụi với bọn mày một chuyến cho thỏa chí.
Xong
chầu bia thứ nhất, nhìn kỹ người bạn trước, Long
khen :
-
Đúng là lên thiên đàng, không biết mày làm gì bên đó
mà mập, trắng và đẹp trai ra. Bên nầy, thú thật, tao
cũng chẳng thiếu gì nhưng lúc nào cũng vậy, trông như
thứ đói cơm kinh niên, đen thủi đen thui như ở kinh tế
mới trốn về !
-
Tao qua bên đó cũng làm thuê vác mướn như người ta,
chẳng làm nên tích sự gì cho ra hồn.
-
Thế công việc trong mấy năm qua ?
-
Bồi bàn.
Thảo
hỏi lại :
-
Thiệt không mầy ? Qua đó để làm bồi bàn !
Phước
xác nhận :
-
Thật, nghề kiếm ra khá tiền, làm việc trong bóng mát và
không trách nhiệm gì cả. Ai kêu thì mình ghi, bếp đưa
thì mình bưng. Hết giờ khách về thì dọn dẹp sơ sài
là xong việc.
-
Thế mầy không nghĩ đến chuyện học tiếp ?
-
Chuyện đó sẽ tính sau, bây giờ là việc lấy vợ.
Long
sực nhớ :
-
Nói chuyện lấy vợ, tao quên hỏi gia đình mầy thế nào
?
-
Cũng bình thường, cám ơn. Nói thật với tụi bây, tao về
chuyến nầy cố ý lấy vợ.
Long
vỗ mạnh vào vai Phước rồi cưới lớn :
-
Tưởng chuyện gì chứ lấy vợ tại đây thì dễ như trở
bàn tay.
-
Mầy lầm rồi Long ơi, tao vừa đau đầu vừa bực mình
chuyện vợ con.
-
Tại Mỹ hay ở đây ?
-
Cả hai.
Phước
thật tình kể lại ba lần trật vuột vừa qua rồi kết
luận, chẳng còn ham muốn lấy vợ người Việt thêm rắc
rối cuộc đời, thà lấy con Mỹ trắng Mỹ đen gì đó
chắc yên thân hơn.
Thảo
cười lớn :
-
Chắc tại mầy rắc rối chê khen kén chọn quá chứ gì ?
-
Hoàn toàn không, tao đâu muốn kiếm vợ đẹp, học giỏi
hay giàu có làm gì. Nói thật, cỡ học giỏi giàu có thì
tao vói không tới. Còn vợ đẹp thì ai không thích, nhưng
lấy nó về Mỹ một thời gian, không bị thằng khác dụ
đi thì sau khi đủ lông đủ cách nó cũng kiếm đường
bay xa cao chạy. Thú thật tao muốn kiếm một em nào cũng
được, độc thân càng tốt, không còn lệ thuộc vào gia
đình cha mẹ để tránh phiền hà rắc rối như tao đã
gặp.
Long
đùa :
-
Vậy thì chỉ còn cách vào viện mồ côi kiếm đứa trẻ
và trữ vài tấn gạo là vừa.
Thảo
mở tiếp lon bia để trước mặt Phước :
-
Nói gì mà thảm vậy, mầy đẹp trai, học giỏi, công dân
Thiên đàng sao ăn nói nghe tủi lòng quá. Để tao lo liệu
cho.
-
Chán lắm rồi.
-
Nhằm nhò gì, thanh niên con trai sao bi quan yếm thế còn
hơn mấy ông già chống gậy. Ê, mà nói thiệt, sắp xuống
lỗ mà vẫn lấy được vợ mười tám hai mươi một cách
ngon lành. Đừng có bi quan. Ở Việt Nam nầy chỉ cần ba
thứ là qua hết các cửa ải.
Phước
thật thà :
-
Thứ gì ?
-
Tiền, Quyền và Thế.
-
Tiền, Quyền tao biết nhưng Thế là thế nào ?
Long
cười lớn :
-
Một lực lượng thứ ba cũng vô cùng lợi hại mà hiện
giờ tại Việt Nam cũng có hàng triệu người trở nên
giàu có, quyền hành thâm hậu, đôi lúc còn qua mặt luôn
tiền bạc nữa là đằng khác.
-
Tao chưa hiểu.
-
Nói nôm na, thế là đường giây của bọn ô dù, trung
gian, chui lòn, ăn có, dẫn mối, lợi dụng, bắt chẹt,
bịp bợm, lừa đảo
đi từ trưng ương xuống địa
phương. Xã hội siêu việt ở đây, cứ tính trung bình
một người giàu có quyền lực thì có đến ba người ở
thế đi theo ăn có. Dân Việt Nam thông minh lắm, nhưng
không ai còn ngây thơ nghĩ đến những gì lợi ích cho
nước cho dân nữa, chẳng được xơ múi gì trong thời
buổi nầy mà còn thêm rắc rối đủ chuyện. Một số
người nầy chỉ chú tâm nghiên cứu những phương cách
làm ăn không cần vốn, lừa lọc sao cho hay, quỵt sao cho
giỏi là có thể trở thành triệu phú tỷ phú. Mầy cũng
đã biết, xã hội mới bây giờ đẻ ra nhiều bộ óc
siêu việt, chuyên phát minh những trò ăn vội để lừa
lọc dân chúng và kể luôn cả cơ quan nhà nước một
cách rất tinh vi. Chúng có mặt đầy đường, xuất chiêu
hành nghề thật tài tình mà khả năng chỉ cần theo vài
buổi học bổ túc tại chợ cầu ông Lãnh. Nhưng một
điều quan trọng là chính bọn chúng đang nắm phần lớn
những hoạt động hậu trường của nền kinh tế giả
tạo hiện giờ.
Thảo
giải thích tiếp :
-
Xã hội ở đây bây giờ chỉ đào tạo và sản xuất
được loại người như vậy mà thôi. Bất cứ ai muốn
giàu sang phú quý thì phải đi theo con đường của những
phần tử nầy.
Phước
cũng biết quá nhiều trước ngày ra đi nhưng không ngờ
chỉ vài năm sau tình trạng đã tăng theo cấp số nhân,
phát triển một cách mau chóng đến độ chóng mặt.
Phước
không muốn nghe tiếp hoạt cảnh cuộc sống hiện tại,
chàng yêu cầu chuyển đề tài :
-
Thôi bỏ qua chuyện thời sự. Uống xong, kiếm chỗ ăn
rồi lấy một phòng ngủ, ba đứa vắt chân lên nhau
chuyện trò cho thoải mái.
Long
nheo mắt :
-
Mầy cần gái không ?
-
Tao thì không, tụi bây cần thì kêu đi.
Long
nhìn Thảo vẻ mặt thương hại :
-
Tao thì ai đi đâu tao theo đến đó, chỉ tội nghiệp cho
thằng Thảo, sáng mai vợ nó ngửi được mùi lạ thì
cuộc đời nó tàn theo mây khói.
Quay
quay nhìn Thảo, Phước bàn ra :
-
Thôi lấy phòng tụi mình nằm nói chuyện cũng vui rồi.
Sau
bữa cơm tối, ba người vừa về đến khách sạn, Thảo
trở lại vấn đề hôn nhân của Phước :
-
Theo quan niện của mầy, bọn tao có thể kiếm cho mấy
một cô vợ đúng ý. Muốn không?
-
Ở đâu ?
-
Trong đám các cô gái bị đưa đi gả chồng xứ ngoài.
Phước
vừa nghe qua đã cười nhạt :
-
Hết chỗ rồi sao đi lấy đồ đóng hộp xuất khẩu.
Long
vừa ra khỏi phòng tắm, sốt sắng kéo chiếc ghế ngồi
xuống gần mép giường góp chuyện :
-
Đúng, tao đồng ý đề nghị của thằng Thảo. Để tao
giải thích cho nghe. Tao cũng biết chút đỉnh trong đường
giây nầy. Thật tội nghiệp, đa số là gái nhà quê nhưng
con nhà lành, cũng có nhiều cô thật đẹp, có học đàng
hoàng vì hoàn cảnh mà chấp nhận ra xứ người lấy
chồng, mặc dù không biết sẽ đi đến đâu, tuổi tác
mặt mũi chồng ra sao. Một khi ra đi là phó thác cho số
mạng, may nhờ rủi chịu..
Thảo
thương hại :
-
Mà rủi thì nhiều. Mấy ai gặp may khi rơi vào tay bọn
Đài Loan buôn người.
Phước
nghe câu chuyện có chiều thích thú, ngồi xuống giường
bên cạnh Thảo :
-
Tội nghiệp những cô gái, ra đi là chấp nhận thương
đau. Những cô gái trong hoàn cảnh nầy đáng yêu hơn đa
số đỏng đa đỏng đảnh bên Mỹ, đặt điều kiện vòi
vĩnh đủ chuyện. Tao thấy có lý khi tìm vợ chốn 'chợ
đông' trong đám gái bị xuất khẩu nầy.
Long
hăng hái :
-
Nếu mầy muốn tao sẽ giúp.
-
Mầy có thể làm được gì trong vụ nầy Long ?
-
Tao có thằng bạn thân, đúng hơn là đàn anh, có liên hệ
làm ăn trong nhiều vụ khác nhau. Chính nó là một trong
những đầu mối điều hành hoạt động xuất khẩu
người, trong đó việc bán gái cho Đài Loan và Đại Hàn
là khâu chính.
Thảo
tiếp lời :
-
Mầy nói rõ cho thằng Phước nghe.
-
Tao sẽ bàn qua với thằng bạn trước, có thể công việc
sắp xếp như sau : Dàn cảnh để Phước nhập vào bọn
chúng, tham dự việc tuyển lựa gái, từ lúc đưa từ
dưới quê lên, huấn luyện, khám nghiệm, lột xác, tô
điểm đến lúc lột truồng trưng bày thành hàng trong
khách sạn cho người mua đánh giá. Nhưng Phước phải giữ
một điều bí mật tuyệt đối, không được tiết lộ
là Việt kiều muốn kiếm vợ trong đám chị em đã mua về
để xuất khẩu. Nếu lộ diện là người nước ngoài sẽ
bị tụi nó kiếm chuyện rút ruột không biết tới giá
nào. Phước phải đóng vai một người địa phương nằm
trong đường giây tổ chức buôn gái để trà trộn theo
sát các giai đoạn của bọn phù thủy. Khi đã chấm được
người nào, bạn tao tạo cơ hội để hai người có thể
gặp nhau. Sau đó sẽ tìm cách bồi hoàn tiền và tách
riêng cô ta ra. Một tổ chức khác sẽ hoàn tất thủ tục
giấy tờ xuất cảnh và sẽ được phỏng vấn để lấy
chồng Mỹ. Điều quan trọng, Phước phải có đủ giấy
tờ theo yêu cầu của tòa Lãnh sự ở đây.
Phước
hỏi thêm :
-
Mầy vừa nói bồi hoàn tiền, bao nhiêu, tao chưa rõ lắm
:
-
Mầy phải biết việc đẩy gái ra bán xứ ngoài nằm
trong chính sách xuất khẩu của nhà nước, như xuất khẩu
trâu bò gà vịt. Đừng nhầm lẫn với việc xuất khẩu
lao động. Vì xuất khẩu lao động công nhân còn có cơ
hội trở về. Tao ví xuất khẩu gái như trâu bò gà vịt
không quá đáng đâu nhé, vì người ra đi không bao giờ
có ngày trở lại. Một hệ thống tổ chức quy mô từ
trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương với
một số nhân lực đáng kể. Cứ tính trăm ngàn gái đưa
đi hàng năm thì có hàng triệu người ăn theo làm giàu
trên thân xác của những người sa cơ thất thế. Vì đồng
tiền để cứu cha nuôi mẹ mà con cái chấp nhận bán
thân không cần biết đến hiện tại cũng như tương lai.
Tao nói không sai đâu, một cô gái bán đi, gia đình hưởng
gì đâu chưa thấy nhưng bọn buôn người đã làm giàu
trước trên thân xác. Tổ chức chính quyền nhận tiền
trước của khách đặt hàng, sau đó thu tiền định kỳ
theo kế hoạch trồng người trăm năm. Tổ chức trung gian
và bọn cò mồi mối lái thì chụp giựt ăn có bất cứ
lúc nào và dưới hình thức nào. Tính ra giá bán một gái
ra nuớc ngoài lên đến hàng chục triệu nhưng thực tế
nạn nhân và gia đình chẳng kiếm được chẳng bao nhiêu.
Trên đây tao nói tiền bồi thường là một khi dẫn gái
ra khỏi nhà, bọn buôn người dúi vào tay gia đình một
số tiền nhỏ xem như trả tiền mua dứt món hàng, sau đó
cọng thêm, rồi nhân hai nhân ba đủ thứ tiền phụ thuộc
từ trung gian, cò mồi, bảo vệ, di chuyển, ăn ở, áo
quần, huấn luyện, lột xác, trang điểm đến phí tổn
trình diễn. Nếu vì một lý do nào đó cô gái phải bồi
hoàn số tiền phí tổn thì trọn đời cũng không bao giờ
xong nợ. Dù nạn nhân đã chết, có đầu thai trở lại
nhiều lần để tiếp tục xuất khẩu thêm nữa cũng
không đủ khả năng thanh toán món tiền chuộc do bọn
chúng đưa ra. Nhưng đừng lo, bạn tao sẽ dùng quyền và
thế để giảm bớt gánh nặng cho mầy. Cứ để yên bọn
tao lo. Mầy đừng xía vô sẽ hư chuyện.
*
* *
Sau
một ngày huấn luyện những chi tiết căn bản, người
bạn của Long, ông Bá, trao cho Phước một xe gắn máy và
một điện thoại cầm tay có nhiệm vụ thay thế tạm
thời một người của tổ chức trong đường giây điều
hành buôn người. Qua việc sắp xếp, Phước được tham
dự những chuyến lùng kiếm, thương lượng trả giá từ
những vùng quê xa xôi, công tác bảo vệ chuyên chở gái
theo chương trình huấn luyện khám nghiệm, lột xác, làm
đẹp để biến gái quê thành mỹ nhân thành phố đến
tham gia những lần trình diễn chào hàng.
Trong
thời gian nầy Phước để ý đến một cô gái chừng hai
mươi tuổi, gốc từ Thốt Nốt. Bọn buôn người đã trả
đúng một triệu đồng để đưa cô lên xe đưa về
Sàigòn. Nàng tên Phượng, gái quê với vẻ đẹp mặn mà
của miền sông Hậu, gia đình quá nghèo, nợ nần hăm dọa
đòi tống cổ gia đình ra khỏi miếng đất nhỏ chừng
hơn sào đất. Bà mẹ đành bấm bụng cho con đi ấy chồng
xa xứ, hy vọng con sẽ gởi về chút ít hàng tháng trả
nợ. Khi Phước báo cho ông Bá anh đã để ý một người,
ông ta đổi kế hoạch để Phước có cơ hội theo sát
Phượng, đặc biệt chở nàng bằng xe gắn máy cá nhân.
Phước vẫn giữ đúng vai trò một nhân viên của tổ
chức chỉ âm thầm bám sát tìm hiểu và bảo vệ cho
Phượng. Chàng theo dõi từ nơi ăn chốn ở đến các công
việc hằng ngày như huấn luyện, ăn mặc, đi đứng, tiếp
chuyện, câu khách đến việc uốn tóc, làm móng tay, xử
dụng son phấn. Phượng được phân loại trong nhóm A,
nghĩa là hạng còn trinh tiết, đẹp, có giá trị thương
mãi. Những cô gái thuộc nhóm nầy được nuôi ăn săn
sóc chu đáo nhất là lột xác làm đẹp để bán giá cao.
Vô tình Phước được giao nhiệm vụ phải canh chừng
Phượng đừng để bọn côn đồ dụ dỗ, hiếp dâm để
bảo vệ trinh tiết của nàng, vì bọn người Đài Loan
thường mua trinh giá cao để cầu may trong các hoạt động
thương mãi của chúng.
Một
hôm lợi dụng cơ hội chở Phượng đi thực tập trình
diễn, Phước đề nghị nàng ghé vào một quán nhỏ trò
chuyện uống nước, Phượng vui vẻ :
-
Biết anh tử tế với em nhưng chưa có dịp trò chuyện
nhiều, chúng ta kiếm một góc nào thật vắng để tránh
việc theo dõi mấy thằng ma cô.
-
Anh cũng muốn một cơ hội thuận tiện để nói với
Phượng một vài việc.
Phượng
vòng tay ôm sát lưng Phước, nhắc chừng :
-
Anh xem có ai theo dõi chúng ta không, kiếm một chỗ giấu
xe thật kỹ, chúng ta có thể trò chuyện một vài giờ
cũng không sao. Có anh bên cạnh tự nhiên em hết sợ bọn
chúng.
Hai
người vào một quán toàn người Hoa, kêu tạm hai tô mì
và bắt đầu câu chuyện.
-
Phượng, em biết chấp nhận đi lấy chồng Đài Loan và
Đại Hàn là một lầm lẫn không ?
-
Em biết chứ nhưng đâu còn đường nào để có được
tấm chồng. Quan trọng hơn nữa, nhờ đó có thể kiếm
được chút tiền giúp đở gia đình trong lúc hoạn nạn.
-
Sao em không
chọn trai tráng cùng lứa dưới quê ?
Phượng
thở dài :
-
Đâu còn ai, người có học đã bỏ quê về thành thị
kiếm sống. Trai tráng cùng trang lứa thì đầu tắt mặt
tối cũng không nuôi nổi miệng mình làm sao đèo bồng
thêm gánh nặng. Muốn có một số tiền để giải quyết
món nợ trước mắt và hy vọng kiếm được một ít tiền
hàng tháng gởi về nuôi gia đình thì chỉ còn cách đi
lấy chồng ngoại quốc.
-
Ai hứa với em sẽ trả tiền hàng tháng sau khi lên đường
theo chồng về xứ ?
-
Chính quyền cũng như tổ chức đưa người đi, họ hứa
chắc ăn như bắp với mẹ em.
-
Em tin ?
-
Đang chết đuối thì bao giờ cũng hy vọng níu được tấm
ván.
Phước
thấy hoàn cảnh Phượng quá tội nghiệp không muốn khơi
thêm những chuyện đau lòng, nhưng chàng muốn nhân cơ hội
để tìm hiểu thêm :
-
Em đã biết sơ qua vóc dáng mặt mày thân thế người
chồng tương lai ?
-
Hoàn toàn chưa, nhưng tổ chức cho biết sẽ chọn cho
chúng em những người chồng trẻ, giàu và có địa vị ở
nước ngoài, nhất là những cô gái được phân loại A
như em chẳng hạn.
-
Em có bao giờ nghe nói đến các cô xuất khẩu lấy chồng
khi đến xứ người đã bị bọn ma cô buôn người bán
vào các động mãi dâm.
Phượng
cúi mặt, nước mắt muốn rơi :
-
Dạ, khi lên đến Sàigòn em đã nghe nhiều trường hợp,
nhưng làm cách nào, tiền đã nhận, giấy tờ đã ký kết
bây giờ chỉ biết xuôi tay phó mặc cho số phận.
-
Sao em không nghĩ cách trốn ?
-
Trốn đi đâu, ma cô canh chừng ngày đêm có chuyện gì
chúng cắt gân tức khắc. Hơn nữa chúng sẽ hành hạ gia
đình em dưới quê, tiền đâu để bồi thường.
Phước
nắm tay Phượng :
-
Anh hỏi thực, nếu bây giờ có một người Việt Nam chịu
cưới em, em thấy thế nào ?
Phượng
mở tròn đôi mắt lắc đầu :
-
Em chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề đó.
-
Cứ trả lời anh, giả dụ chuyện sẽ xãy ra.
-
Thì phước của ông bà giòng họ em vẫn còn.
Vừa
trả lời xong câu hỏi, Phượng ngước mắt nhìn Phước
:
-
Tại sao anh hỏi câu nầy ?
Phước
ấp úng :
-
Anh có một người bạn muốn tìm vợ trong đám gái quê
bị nhà nước đóng thùng xuất khẩu.
-
Cám ơn anh nhưng em nghĩ chẳng ai thèm để ý đến đám
cặn bã mà xã hội mới bây giờ muốn đổ đi.
Phước
lắc đầu :
-
Em nói sai, tại sao gọi là cặn bã, đó là những ròng.
Đồng tiền đã làm mờ mắt những người thiếu lương
tri, đem ngọc bỏ biển trong lúc vô số cặn bã thật
không giá trị thì giữ lại như những công dân gương
mẫu.
Trước
khi đúng dậy ra về, Phước ân cần hỏi lại :
-
Nếu có một người nào đó thực tình thương và muốn
cưới em làm vợ, em có chấp nhận không ?
Phượng
rươm rướm nước mắt :
-
Dạ, nhưng em sợ
Phước
báo cho Long và ông Bá biết quyết định của chàng và
Phượng. Ông Bá hướng dẫn tiếp một kế hoạch chi tiết
và yêu cầu Phước thi hành thật chính xác từng điểm
một. Phượng đã xong giai đoạn lột xác, bây giờ không
còn là cô gái quê mùa hôi hám của ngày trước và đã
trở thành một người đẹp thành phố. Cô ta phải trốn
gấp, chậm lắm là cuối tuần, vì chính quyền địa
phương định tổ chức một cuộc sổ số mua vui đặc
biệt, chiêu đãi phái đoàn nước ngoài gồm nhiều 'xì
thẩu' người Đại Hàn và Đài Loan trong dịp viếng thăm
Việt nam. Các lô trúng chính là 'trinh tiết' của một số
gái loại A đang đợi đấu giá xuất khẩu. Nhớ kỹ,
trước khi đi Phượng phải viết một tờ giấy cho tổ
chức báo cho họ biết là người tình cũ trở lại xin
cưới và sẵn sàng bồi thường phí tổn theo giao kèo.
Khi Phượng mất tích, Phước phải ẩn mặt một thời
gian và Long có bổn phận bao che Phượng tại nhà riêng
cho đến lúc làm thủ tục xong tại tòa Lãnh sự Mỹ.
Nói
đến đây ông Bá quay lại hỏi Phước :
-
Như vậy có gì trở ngại không ?
-
Thưa không.
-
Anh có sẵn chừng một ngàn dollars để lo việc bồi
thường ?
-
Dạ không thành vấn đề.
-
Như vậy, trong khi trốn tại nhà cậu Long, Phượng nhắn
bà cụ dưới quê lên đem tiền bồi thường đến tổ
chức.
Phước
e ngại :
-
Dạ thưa, một ngàn có ít lắm không ?
Long
trả lời thế ông Bá :
-
Ông Bá là một trong những thế mạnh nhất ở đất
Sàigòn nầy. Tiền chuộc trong trường hợp cô Phượng sẽ
lên rất cao, nhưng với ông Bá, tao nghĩ mọi chuyện có
thể dàn xếp ổn thỏa.
Trước
lúc chia tay, ông Bá còn nhấn mạnh một lần chót :
-
Nhắc chừng cô Phượng phải hết sức thận trọng, bất
cứ một sơ suất nào cũng sẽ mang lại những hậu quả
không thể lường được. Những chuyện như thế nầy
không phải xãy ra lần đầu, nhiều cô gái sau khi bị lộ
đã bị chúng 'bề hội đồng' rạch mặt, cắt gân chân
và đôi khi thủ tiêu mất xác.
Phải
gấp rút giải thoát Phượng ra khỏi những lần trình
diễn rao hàng sắp tới. Phước không thể chần chừ khi
nhớ lại lần tham dự buổi trình diện gái trong một
khách sạn nhỏ tại Chợ Lớn. Chàng rùng mình đến lợm
giọng khi chứng kiến cảnh những người con gái trần
truồng như nhộng được sắp thành hàng để cho đám đàn
ông nước ngoài rờ nắn, khám nghiệm bằng tay từ ngực
xuống mông cho đến những nơi thầm kín nhất của người
đàn bà rồi cười ré lên trả giá như cảnh mua thịt ở
chợ trời.
Dịp
may đã đến, ngày hôm sau trong lúc đưa Phượng đến một
nơi ở ngoại ô để tập dượt lần chót màn trình diễn
thân xác nhằm chuẩn bị chương trình sổ số và đấu
giá sắp đến cho các phái đoàn nước ngoài. Lợi dụng
trên đường về Phước đưa Phượng trở lại quán mì
của người Hoa để báo tin cho nàng quyết đinh của mình.
Vừa
ngồi xuống một bàn nhỏ nằm sâu trong góc tiệm, Phước
cầm tay Phượng thổ lộ :
-
Em chịu làm vợ anh không ?
Phượng
nhìn Phước không chớp mắt, nàng không tin vào thính giác
của mình và hỏi đi hỏi lại đến lần thứ ba :
-
Anh nói thật hay an ủi em ?
-
Như anh đã nói với em lần trước cũng trong tiệm mì
nầy. Bây giờ anh lập lại quyết định như lời cầu
hôn với em.
Phượng
đứng dậy phóng người tới ôm chầm lấy Phước. Nước
mắt tuôn ra và nàng khóc thành tiếng thật lớn.
-
Em sẽ theo anh trọn đời.
Tiếng
khóc càng lớn, thân mình run lên từng cơn theo tiếng nấc
trong cơn xúc động. Chung quanh những người Hoa chất phác
tò mò nhìn và họ mỉm cười thông cảm.
Một
lúc sau, Phượng hỏi nhỏ vào tai Phước :
-
Bây giờ phải làm sao anh ?
-
Anh đưa em trốn ngay, tất cả đều được chuẩn bị sắp
xếp cẩn thận từ lâu.
Hai
người vội vã ra xe, Phước đưa chiếc nón vải lớn để
Phượng che bớt khuôn mặt và mái tóc dài vừa bới chải
theo kiểu mới. Hai người theo đường tắt nhắm hướng
nhà Long để tránh bọn ma cô canh chừng. Vừa đến đã
có mặt hai vợ chồng chủ nhà đang chờ sẵn :
-
Áo quần của chị, anh Phước đã mua, cứ tự nhiên xem
như nhà chị dưới quê.
Phước
bây giờ mới nhớ đến việc giới thiệu với nhau.
-
Đây anh chị Long, bạn thân của anh và đây, Phượng,
người mà tôi đã nói nhiều với anh chị.
Long
tiếp lời :
-
Bạn bè với nhau cả. Cứ yên chí ở đây cho xong thủ
tục giấy tờ. Nhớ không được ra khỏi nhà và ngay cả
việc đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài cũng không nên.
Trước
khi bước vào trong, Long nhắc chừng :
-
Ngày mai tôi đem về các mẫu đơn cần thiết về kết
hôn và xuất cảnh. Phước nói với cô Phượng viết thư
mời bà cụ lên đây gấp về vụ tiền.
Phượng
thắc mắc :
-
Là tiền gì vậy anh ?
-
Tiền bồi hoàn tất cả chi phí họ đã ứng trước cho
gia đình cũng như chăm sóc cho em trong thời gian qua.
-
Trước đây em cũng nghe phong phanh vấn đề nầy, nhưng
lớn lắm đào đâu ra số tiền như vậy ?
-
Đừng lo, anh đủ sức.
Phượng
vẫn không tin :
-
Nếu không đủ thì cứ trốn hoài như vậy sao anh ?
-
Anh có sẵn, em yên tâm.
Vợ
chồng Long nghe tất cả câu chuyện từ đầu, bây giờ họ
lên tiếng :
-
Cô Phượng an tâm. Một vài ngày nữa cô sẽ rõ.
Nói
xong hai người tránh mặt vào trong để Phước và Phượng
tự nhiên. Lúc nầy Phước mới có thời giờ quan sát kỹ
người vợ tương lai. Phượng không còn là cô gái quê
mùa ngày trước. Sau khi đã lột xác, khoác lên người bộ
âu phục thời trang và trang điểm đúng tiêu chuẩn,
Phượng đã trở thành cô gái thành thị đẹp, thùy mỵ.
Nhìn Phượng, Phước cảm thấy hạnh phúc và sung sướng
vì đã chọn được người vợ hoàn toàn như ý muốn.
Trong
buổi cơm chiều có đủ mặt, do vợ chồng Long, vợ chồng
Thảo tổ chức để chúc mừng hạnh phúc hai người bạn,
Long cao hứng nâng ly rượu nhìn Phước :
-
Tụi tao rất vui khi thấy mầy lấy được vợ hiền.
Xong
rồi quay qua phía Phượng :
-
Chúng tôi cầu chúc chị hạnh phúc.
-
Cám ơn cũng nhờ các anh chị, em mới gặp được anh
Phước.
-
Vậy yêu cầu chị thề với chúng tôi một điều.
Phượng
vui vẻ :
-
Một ngàn điều cũng hứa. Vậy các anh chị nói đi.
Thảo
cũng đưa ly lên cao chậm rãi tiếp lời :
-
Chúng tôi yêu cầu chị sau khi qua đến Mỹ, dù đời sống
thế nào cũng phải trọn tình trọn nghĩa với Phước.
Phượng
ngạc nhiên :
-
Các anh nói thế nghĩa có nghĩa là gì ?
Bây
giờ bà Long và bà Thảo mới nói thẳng ra :
-
Chị sắp qua Mỹ định cư vì anh Phước là Việt kiều.
Phượng
xỉu ngay xuống bàn vì quá xúc động. Phước vòng tay
ngang hông đở Phượng ngồi dậy :
-
Đúng, chúng ta sẽ về Mỹ và sau khi em có thẻ xanh, anh
cùng em đứng ra bảo lãnh mẹ em qua ở chung với chúng
ta.
Tất
cả mọi người để yên cho Phượng khóc tự nhiên trong
niềm vui tột độ. Một hồi sau, Phượng lau xong nước
mắt, vừa cười vừa kể cho cả nhà nghe :
-
Ở quê em có ông thầy bói mù, trước đây ông đã nói
rằng, số em sướng, sẽ ra xứ ngoài lấy chồng ngoại
quốc. Không ngờ ông ấy đoán trúng !
Bà
Long cãi lại :
-
Ông nói sai !
Tất
cả đều hỏi :
-
Sai chỗ nào ?
-
Phải nói là lên thiên đàng thì mới đúng !
*
* *
Taxi
ra khỏi khu vực tòa Lãnh sự Mỹ và trên đường về
nhà, khi chạy ngang qua bưu điện Sàigòn, Phước yêu cầu
dừng lại, âu yếm dìu Phượng xuống để vào điện
thoại về Mỹ báo tin cho gia đình :
-
Alô, thưa ba mẹ, con xin báo tin vui, lần nầy con đã tìm
được một viên ngọc quý.
Đầu
giây kia tiếng bà Bảo :
-
Ở đâu vậy con ?
-
Dạ trong đám người bất hạnh bị nhà nước đưa đi
xuất khẩu làm vợ ở xứ ngoài. Hồ sơ thủ tục và
phỏng vấn đã xong, chúng con sẽ về Mỹ đúng dự định.
Lần nầy con tin chắc ba mẹ sẽ hài lòng.