văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, December 23, 2013

HOÀI ZIANG DUY * Có đời sống thực

@ Đỗ Duy Tuấn
1-

- Điều anh nói có thực đáng tin không?
- Chị nghĩ lại coi, quí chị lắm tôi mới nói điều nầy.
Từ cái ngày hôm đó. Chị cứ vẩn vơ bán tín bán nghi. Lẽ nào người đàn ông đầu ấp tay gối với chị ở nhiều năm qua, lại không phải là chồng mình.
Câu nói của Hùng. Gặp lại ông ta trên xứ người, tôi thấy có gì là lạ. Trước đây so với bây giờ khác quá. Vậy rồi, quý chị lắm tôi mới nói. Câu kết như tuồng cũ lập lại
Những dẫn chứng liên tục, nhiều ý nhiều lời mỗi lần gặp nhau. Một Hùng nói, người quen nói. Chị phân vân hỏi ý mấy người bạn gái. Có khi nào anh ấy không phải là người đàn ông năm xưa không? Câu trả lời với tiếng cười nhạo. Chỉ có chị mới khám được ông ta thôi. Chứ tụi nầy làm sao mà rõ được.
Vậy thời chiều nay anh ấy về. Cứ tưởng cứ nghĩ vậy, như thể một mình ngó mong. Đã bao nhiêu chiều còn sót lại trong lòng chị, trong căn nhà nầy. Anh ấy đã không về như thường bửa.

Lúc mà chị muốn biết rõ, xem xét đàn ông như một món hàng, định vị một con người thật, là lúc người đó không còn gần gũi bên chị như ngày nào. Khi đã mất, mới thâý dễ nhớ những gì không muốn nhớ. Đã mấy năm qua, từ một ngày đường ai nấy đi, do hoàn cảnh sống thời thế đổi thay, do điều kiện tiền bạc, chỉ có mất ra chứ không bù vào, khác nào cái tình cảm lần hồi buông trôi từng mảnh rời, theo sóng nước đi xa..
Ý tưởng bên người đàn ông không thật. Chị cảm thấy có chút hổ thẹn, lẫn niềm thú vị cái hơi hướng xa gần, để thấy mình còn đẹp, còn quyến rủ cuốn hút đàn ông muốn gần gũi. Có người đàn bà nào đã ở hoàn cảnh nầy, để chị thăm hỏi. Có gì phải nghi ngờ ở năm tháng cũ, ở người đàn ông nằm kề bên, nếu không có ai đặt vấn đề nầy. Hay chính nghề nghiệp chị, tất bật với công việc, phải đi xa nhiều nơi nhiều chỗ. Rồi khi quay về. Chị mệt mỏi với giấc ngủ, ăn nằm với anh như một chuyện đáp lễ. Đó là hồi chuyện cũ nhớ lại.
Thật ra, lúc nầy là lúc chị đang muốn vươn lên, sống với tên tuổi mình, không dựa vào thời cũ năm xưa. Bởi, hiện tại tuồng đời với cai thầu làm ăn đang lôi chị ra, đánh bóng tên tuổi chị, từ chuyện hát ca, làm model, mọi cái phải trả bằng tiền. Điều nầy, làm chị háo hức như một thời con gái mới lớn ngày nào. Năm xưa, chị như con chim ẩn mình ở hào quang thế lực. Chị xa rời một thời áo trắng, bạn bè cùng lớp cùng trường. Chị đi vào ngưỡng cửa hôn nhân, do áp đặt dành sẵn. Tuổi nhỏ chị không có quyền phản kháng, như một cánh hoa thời loạn trước bảo giông cuộc đời.
Hồi trước chị an thân gởi phận, không biết làm gì hơn, ngoài niềm khát khao dấu kín những mộng mơ lãng mạn trong cuộc tình. Chị có gì, được gì, khi thực tế bây giờ. Cái giá phải trả cho sự mất hết, mất cả điạ vị ở ngưòi thân, danh dự gia đình, mất cả những gì chị có, nép mình bên thế lực năm cũ. Bù lại chị tự an ủi, chim bây giờ sổ lồng cất cánh bay xa. Chị sống cho chính mình. Chị có quyền làm dáng cuộc đời, dẫu muộn màng, để làm lại nối kết tình thân bạn bè năm cũ.
Qua internet, qua email chị cập nhật với đời sống kiếm tìm, như ước vọng một thời con gái ngày nào. Cái tuổi nầy là tuổi hồi xuân? Không đâu, chị còn trẻ mà, nhất là tâm hồn một người có máu nghệ sĩ, bao giờ cũng sống với những háo hức định liệu trước mặt. Chỉ có điều chị bị ám ảnh chính mình làm điều không phải với bản thân, khi có người kết án như vậy. Cho đến ngày chị gặp lại thằng em năm nào, rồi nghe nó phê phán bằng lời tự thuật.

2.

Câu chuyện mà tôi được biết từ miệng chị kể. Câu nói, người đàn ông bên chị không chắc là chồng làm tôi ngớ ra. Mấy năm nay thâý chị đi mỹ viện sửa sang nhiều quá, chính tôi cũng không nghĩ là còn chị. Cái hình ảnh năm xưa một thời tôi biết. Chị đẹp sang trọng qúi phái, như một đoá hoa vừa hé nụ, hương nồng chưa quyến rũ đâu xa, thì đã vội bỏ cành bỏ chậu ra đi. Chị bị ép duyên hơi sớm. Không biết trong đám con trai quen biết, xóm giềng có tiếc không? Có tôi là tiếc, không phải tôi thương thầm nhớ trộm, mà tiếc một thời thanh xuân chưa sống đủ, để rôì bây giờ qua đi một thời xuân sắc. Chị muốn kéo thời gian, sống lại cái thưở ban đầu chưa là con sáo sang sông? Hồi đó trong giòng họ, dẫu có người khuyên chị từ chối, giữ lấy mối tình đầu với anh Phong, chắc gì chị nghe. Huống hồ, tôi ở vòng ngoài làm sao dám nói lời nào. Anh Phong chỉ là người mới vào quân ngủ, chức phận chưa tới đâu nếu so với thực tế trước mắt. Chị đành theo đạo làm con, để công việc kinh doanh của gia đình phất lên, coi như thế thời phải thế. Anh Phong sau nầy có gặp lại, so ra cũng cở thuộc cấp của chồng chị. Có bắt ghế anh ấy cũng không dám trèo, chỉ đành nhìn chị mà hẹn thầm kiếp sau.
Bây giờ chị kêu tôi làm thám tử. Đúng là hết người rồi chị mới nhờ đến. Chị nói. Em là chỗ thân tình, dễ tìm hiểu hơn. Tôi đáp. Tôi là dân cù bơ cù bất, có biết chính trị gì mà chị nhờ cậy. Chị cười. Chị biết mà, cái thế em bây giờ khác. Nghe về chồng chị, hầu như những điều không tốt lành. Hỏi chị. Chị nói nửa đúng, nửa sai. Chị nói vậy khác nào trong cuộc chia tay, đường ai nấy đi nầy, cả hai đồng thuận cả? Chị đáp. Thiên hạ nghĩ sao cũng được, mình sống cho mình trước đã. Chị đã nói vậy thì thắc mắc làm gì, khi người đàn bà nằm bên anh ấy không phải là chị. Còn người đàn ông bên chị bây giờ đâu phải là người cũ. Hương lửa mặn nồng năm xưa đã tàn rụi, ở ngoài nhìn vào thì nằm bên ai, chỉ như một phương tiện để cho tim đập mạnh, máu huyết lưu thông, yêu người yêu đời.
Như phần tôi nầy chị biết không. Chị chỉ thấy bên ngoài người nữ cạnh đời sống tôi. Tôi dùng danh xưng người nữ để chỉ rõ cô nàng chưa lần sanh đẻ, thì không gọi là đàn bà. Gọi vậy khi chúng tôi thỏa thuận cuộc sống chung. Cái ý nghĩ nầy là phần chống chế để giữ thể diện (nếu có). Cho đến bây giờ tôi cũng không dám chắc, sống thế nầy có phải là tình yêu không? Hay chỉ là chỗ nương tưạ, hạnh phúc trước mắt mọi người. Yêu thế nào và bắt đầu từ đâu, nói ra thêm dài dòng tuồng tích cải lương. Thực tế chúng tôi đang sống tình bạn trong nghĩa tình nhân. Người phụ nữ có một thời xuân sắc thì kiếm tiền trước đã. Nàng không muốn có con nhỏ lúc nầy. Lời nàng nói. Còn làm ra tiền được thì duy trì ngoại hình nầy cho dể coi.
Nói về nghề nghiệp ở nàng ? Đứng trên quan niệm sống của người mình, chắc phần đông không mấy người hoan nghinh. Ai hỏi, tôi cũng ậm ừ, làm như thể không bận tâm một cuộc sống chung lắm. Tôi đã đi tìm một thế giới mới, một tập quán mới cho cuộc phiêu lưu không định trước bến bờ. Có lẽ từ quan niệm giản dị vậy mà chúng tôi chấp nhận nhau. Xứ sở nầy cái tình chân thật khó kiếm, nhất là ở thời buổi việc làm không có. Ở đâu ai cũng có thể đổ thừa cho cơ hội sống. Đành chịu thôi, nhất là thân tôi không phải làm ông, làm thầy gì. Sống với nhau như một hợp đồng, đâu chắc nửa chừng không gẫy gánh. Tôi không có một lý tưởng tốt đẹp nào trong cuộc tình, nên phải lo cho phần mình trước.
Chị đừng nghĩ tôi ăn nói bạt mạng. Ở buổi đầu tiên đến xứ người, rồi hoàn cảnh đẩy đưa anh em, bè bạn. Nghề nó chọn mình, không ưng theo cũng không được. Vậy rồi quen đi, khó mà buông bỏ, nhất là một khi có cơ hội, cơ may ăn nên làm ra, muốn ngừng tay đổi nghề cũng phải nghĩ lại, làm bài tính so đo thực tế bây giờ. Bên tôi, nàng là cô gái người Nam Mỹ lớn lên ở xứ nầy. Có phải cho là duyên phần chúng tôi gặp nhau. Qua cảnh đời sống chung, qua ngôn ngữ mỗi ngày ứng dụng. Tôi có còn là mình không, khi mà đời sống cô nàng kéo tôi sinh hoạt theo một chiều hướng, thành phần xã hội giao du khác. Chúng tôi có một thỏa thuận ở giao tình lần đầu, là không đụng chạm đến nghề nghiệp nhau. Mỗi người một việc riêng, một đời sống chọn lựa. Đúng, chúng tôi tôn trọng nhau, như quyền bình đẳng làm người ở xã hội nầy.
Nói thật, lần đầu tiên khi biết ra, tôi không tránh khỏi ngượng ngùng khó chịu. Nàng làm gái nhảy, biểu diễn múa cột hàng đêm. Nơi nàng phục vụ, nhìn bề ngoài giống như những nơi chốn khác, nó nằm dàn trải đôi ba tiệm đối diện, trên đường phố thủ đô nầy. Chỗ nàng làm mỗi ngày, nơi mà đến đi có xe đưa rước từng toán, ra về có người theo bảo vệ dè chừng sự nổi loạn, bất thường sau buổi diễn. Sự bình dị bên ngoài với hai cánh cửa khép kín, khép chặt cái âm thanh cuồng loạn bên trong không thể vung vẩy ra ngoài. Ở đó nàng làm nghệ thuật uốn éo, mời gọi dưới mắt bọn đàn ông đến nhìn ngắm thỏa mãn, nhưng không thể đụng chạm. Qui luật nầy, đã đến đây thì ai cũng biết, thêm nữa những gả vệ sĩ to con túc trực can thiệp như một hình thức bảo kê cho phép. Chỉ nhìn thôi, ngồi đó uống nước ngọt, uống bia trả tiền. Muốn coi gần thì tốn thêm tiền típ, nhét ở đâu được trên thân thể hở hang cứ đặt để. Kể ra nó rẻ như bèo, vào cửa tự do, chỉ trả năm, ba đồng tiền nước, so với phẩm giá ở một người nữ làm nghệ thuật. Phần đông khách là lớp người trẻ. Đừng nghĩ nơi chốn vậy mà không có nữ giới đi vào. Đa phần họ là những cặp tình nhân. Một lần thấy người bạn trẻ đi cùng người cha lớn tuổi. Thấy là người da vàng mình. Tôi hỏi nhỏ. Cha con sao đi chung vây ? Nó đáp tỉnh tuồng. Có sao đâu đại ca, cho ổng hưởng lúc tuổi về chiều, xứ mình đâu có vụ nầy. Rồi ở nhà biết không? Ba dặn rồi, về đừng nói cho má mầy biết. Chuyện người ok thì mình cũng phải ok theo. Xứ sở tự do, cái gì cũng có, tự do trong đóng khung qui định, như công việc kinh doanh nầy. Nó lộ liễu trần tục được phép, ở khu vực trong bức tường đóng kín, bước ra ngoài cửa là một thế giới khác, một trật tự kỷ luật ở đời sống phải tôn trọng, ai cũng như nhau. Chính vì vậy, bên nhau không thấy mặc cảm, không cần thiết đến đây làm người khách hàng đêm. Khi trở về nhà, bên tôi nàng chỉ là người nữ bình thường như bao cô gái khác, một đời sống khác, không phải vì đồng tiền phải đổ mồ hôi, đang sống với nghệ thuật khoe người.
Như vậy tôi hỏi chị người nữ nầy, có phải là của riêng tôi không?
Nói ra rồi nghĩ lại, trong sinh hoạt hàng đêm ở nàng, nếu so với chuyện đưa thân thể trình diện để kiếm tấm chồng xuất ngoại ở xứ mình, kể ra thật tội nghiệp. Cái chuyện chạy cò buôn gái ra xứ ngoài, không có quan chức đồng thuận chở che thì làm sao trót lọt, để tuồng tích diễn ra diễn lại muôn ngàn lần, sỉ nhục danh dự làm người khi họ nói đến dân tộc mình. Hồi nhỏ tôi thường nghe câu hát ví von bên nhà “Rớt tú tài anh đi trung sĩ. Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con. Chừng nào hết chuyện nước non. Anh về chắc có Mỹ con anh bồng”. Câu ca oán trách thời thế, chạy theo đồng tiền, coi như lấy người khác dân tộc mình là điều không thể chấp nhận. Vậy rồi, sau khi sống ở xứ người, mới thấy ai cũng muốn qua Mỹ mà sống, bất kể bất cần mọi diễn tiến tốn kém, mánh mung, miễn là đạt mục đích. Tình yêu bây giờ cho người ra đi theo kiểu nầy thì không còn như tình yêu năm xưa? Cái giá phải trả cho hai tiếng tự do, cho đời sống kinh tế làm người đôi khi thật phũ phàng. Cái khác là tuổi trẻ lớn lên học hành tiến thân ở xứ nầy, đã bị Mỹ hoá thì đời sống hội nhập, lập gia đình, sinh hoạt xã hội ngày càng tách rời chính bản thân cội nguồn. Vậy rồi quan niệm năm xưa trở thành lỗi thời, tự nó hiển nhiên không ai thấy nó khác thường, khi chung quanh chính chúng ta là thành phần lạc lõng trong thế giới nầy.
Đôi khi tôi tự hỏi mình, trên xứ người tôi có khác ngày xưa không? Chị bảo tôi khác, bởi chị là người ra đi theo giòng đời từ ngày mất nước. Còn tôi là kẻ ở lại lớn lên, trưởng thành trong một xã hội mới, sống lẫn lộn với muôn ngàn người từ xứ đàng ngoài vào định cư, phải biết bon chen học đòi xử sự trong xã hội. Tất cả đều khác, đổi thay từ văn phong ngôn ngữ, đất đai, để thấy tất cả không có gì của riêng mình, không có gì là tư hữu đối với thành phần thứ dân loại thị thành ngõ hẻm như tôi. Không phải một ngày một buổi tôi thành dân hè phố, giang hồ hiệp nghĩa. Ban đầu tôi cũng là kẻ khờ khạo ở tuổi mới lớn. Có điều tôi biết đọc sách văn nghệ, có tâm hồn lãng mạn khi biết yêu lần đầu. Với tôi mối tình tuổi học trò là mối tình chân thật, cảm giác rung động thật sự biết yêu thương, bày tỏ giận hờn lo lắng nôn nóng. Trong hoàn cảnh xã hội khó khăn cho người ở lại, sống hôm nay không biết ngày mai. Nhưng mà ngày đó chị ạ. Chúng tôi thấy con đường trước mặt là sự phấn đấu với thực tế để sinh tồn. Ai cũng phải chen nhau mà sống.

3.

Biết ra hôm nay chị đang trở lại quê nhà. Chị làm cái gì ở đó? Nghe nói lúc nầy vốn liếng chị mang về kinh doanh hàng quán? Hỏi là hỏi vậy, thiệt hư thì chỉ có chị trả lời thật tình mới biết, bởi đời sống ở xa quay đầu ngó lại, nghe cái gì cũng trớt quớt, không đáng tin nhiều quá. Cho đến ngày gặp lại chị.
- Chào chị.
- Đúng là quả đất tròn, không mong lại gặp. Em về vui chơi hả?
- Đang đối diện cùng đất đây chị
- Kiếm đất ? Lúc nầy nhà cửa xây lên còn đó. Em đâm đầu vô làm chi?
-. Giang hồ như em có vốn liếng đâu mà làm ăn ở xứ sở nầy.
- Vậy đối diện với đất vụ gì, kiện tụng lấy lại nhà cửa?
- Kiếm đất dời mộ song thân đây chị .
- Trước đây sao em không mua đất vĩnh viễn
- Đã mua từ trước, nhưng bây giờ họ thay đổi.. Cái nhà là của chị, đất là sở hữu của nhà nước, chỉ có 4 bức tường che chắn lên cao thôi.
- Em ở ngoài cũng theo dõi dân tình quá?
Nghe nói vậy. Tôi hỏi lại chị. Cái chuyện năm nào chị nhờ tôi làm thám tử thiệt gỉả về phần anh ấy, bây giờ ra sao rồi? Chị ầm ừ. Xã hội bây giờ khác đàn bà ở đây có tiền cũng khác hồi trước. Họ sống tự lực trong đời sống, tìm thú vui thực tế cho bản thân mình nhiều hơn là tuỳ thuộc vào người đàn ông.
- Chị học điều gì ở họ vậy?
- Nói cho công bằng, đàn bà bên đây hôm nay khác với thời kỳ của xã hội mình ngày trước.
- Lúc nầy nghe nói chị làm chủ nhà hàng hạng sang ?
- Không phải làm chủ đâu em.
- Có phần hùn hả? Nghe báo quảng cáo chị về nước chung vốn mà.
- Thực ra không phải vậy. Họ nhờ mình ra mặt, mượn cái lớp bên ngoài làm business thôi.
- Để làm gì? Sao họ không mướn hoa hậu tươi mát hơn?
- Mỗi chỗ nó có giai cấp riêng. Thành phần đến đây, phần nhiều tai to mặt
lớn, có quyền có thế.
- Vậy họ đến đó làm gì?
- Họ đến nơi ít người tìm đến.
Tôi quan sát chị, dù đã có tuổi, nhưng cái nét sắc sảo năm xưa còn đó. Chị còn đẹp, vẽ đẹp qúi phái đài các ở người đàn bà có chỗ dựa lưng quyền thế.
- Em thấy chị sao?
- Lúc nầy chị yêu nhiều quá nên ốm, ôm nhiều quá nên yếu?
Chị trách
- Em học câu nầy ở đâu khi nhìn chị vậy? Có thật chị đang cần tình yêu để sống, hay đang cần sự yên ổn ở tâm hồn.
- Chị nhập vai, thì làm sao thoát ra để có đời sống riêng được.
- Không thấy chị đang sống một mình đây sao?
- Có chắc là chị đang sống một mình để thấy không còn là mình không?

Qua câu nói nầy, tôi muốn đặt lại điều tự hỏi năm xưa đã đeo đẳng chị, lúc mà người ta sống thoát ra ngoài một đời sống riêng, muốn tận hưởng cuối đời những gì chưa nếm thử trải qua. Chị là người lãng mạn. Ngày trước danh vị chị còn chưa đặt nặng để giữ gìn, huống hồ bây giờ chị đang muốn sống cho chính mình.
- Đúng, nhiều người cũng nói chị lạ hơn ngày trước. Chị có lạ với chính mình không? Đôi khi chị tự hỏi vậy. Nhưng đứng, ngồi trước gương trang điểm mỗi ngày. Chị tự hỏi. Tôi lạ tôi rồi ? Không đâu em, chị với bóng trong gương là một. Chị không chạy trốn chính mình, chỉ có người chung quanh thấy mình khác, bởi trước sau danh vị chị gắn liền với quần chúng, như cuộc đời nghệ sĩ tài danh, chị không có tài, nhưng có danh, chắc hẳn cái danh nào cũng đi liền với tai tiếng.
Tôi hỏi lại chị vậy thời bây giờ, chị có biết anh ấy là ai? nhất là thời gian sau nầy chung đụng cuộc đời, chung đụng với người khác, chắc chị phải hiểu rõ hơn việc kiếm tìm cho chính mình.
Chị thở dài, tiếng thở dài buông xuôi.
- Chị thua rồi hả?
- Có thắng thua đâu em, cả hai mặt chị đều hiểu trên một thân xác nầy.
Chị kể sau nầy chị làm bạn với đàn ông khác, cái nghĩa làm bạn em cũng hiểu ở xứ sở thời đại bây giờ, nó đi liền với danh vị, công việc kinh tế của mình. Chị mới thấy không phải ở họ, mà với chị cũng không sống cho chính mình. Nếu bây giờ gặp, gần lại anh ấy, chị cũng sẽ thấy khác, cái khác của mấy năm trước, so với bây giờ. Đâu ai sống dùm ai, đâu ai đau dùm ai nỗi đau ở phận mình.
- Như vậy kể từ cái ngày chia tay, hai người có lần gặp lại?
- Có, coi như sự thể tình cờ, cũng có thể là sự sắp đặt của ai đó.
- Cũng còn lãng mạn chị hả?
- Có thể là lần cuối em à.
Tôi biết chị nói thật, khi mà phút nầy đôi mắt chị nhìn vào chốn xa buồn bả. Giọng chị. Đó là lần chị biết anh ấy mang căn bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi. Từ lâu rồi, anh ấy chịu đựng không nói. Làm người cái khốn khổ là không muốn nhận mình bị bệnh, để còn giữ chí khí hào hùng, tránh đi lòng thương hại của kẻ khác. Anh ấy làm những việc tự mình muốn làm, gấp rút theo thời gian, chạy đua trước khi căn bệnh phát tác. Cho đến ngày nằm đó. Anh cầm tay chị, không còn cái thanh âm trầm ấm năm xưa, không còn cái run cảm ngày nào ở buổi đầu. Anh nói cho phép anh nắm lấy, cho dù bây giờ anh không có quyền, cái quyền như ngày nào. Anh cám ơn chị đã tìm đến. Nhìn anh ấy, chị không thể nói trái lại, chị có tìm kiếm anh bao giờ đâu. Mọi sự chị không hề biết trước.
Lúc nầy đây, không phải là anh ấy, là chồng chị, như nghi vấn người ta đặt để. Thời gian của mấy mươi năm trước, so lại thực tại bây giờ, hình hài khác đi liền với tâm tánh đổi thay, cùng với hoàn cảnh đã khác. Có thể một lúc nào đó, hay sau nầy em sẽ nhận chân điều nầy. Không ai đi suốt cuộc đường trần mà không đổi thay. Không ai giữ vẹn cái tình nồng thắm ban đầu, còn được mùi hương thời xưa cũ. Cái thoảng năm xưa nó đi với bước song hành ngày càng thấy xa, gần lại với một tình bạn thuỷ chung vị nể. Vậy rồi bây giờ để trả lời em. Có phải là anh ấy, là người đêm đêm nằm bên chị? Có phải là anh ấy năm xưa có thế có quyền mặc cả tình yêu tội nghiệp của chị. Người ta chê trách anh ấy, chị không hiểu. Người ta trách chị sao không giữ cái danh một thời, tìm kiếm chi một đời riêng. Chị cũng không biết em à. Khi cái danh đã có, ngó quanh quẩn có thấy ở đâu, huống hố chi nó vô hình vô tướng, thì sao chị lại phải đeo vào người cái xưng tụng từ người khác ban phát bằng ánh mắt, mà lại không sống thật với chính mình. Xã hội bây giờ nó văn minh, đi liền với người nam nữ thay giống, đổi vai trò làm vợ làm chồng, làm tình nhân mà vẫn thấy vui, làm một kiếp người thoả mãn tự aí cho chính mình. Huống hồ ở đây người ta đang làm chính tri đối kháng, thì việc thay ngôi đổi vị cái danh xưng bên ngoài, biết là không đi đến đâu, vậy rồi vẫn sống vẫn làm đeo đuổi cho một lý tưởng biết xa, cứ coi là gần. Biết đâu sau nầy, không phải là em khi gặp lại chị. Người ta sẽ có cách đổi thay ký ức, muốn nhớ muốn quên. Chừng đó gặp nhau, biết đâu lại không vừa ý thuận lòng, trớ trêu ở cuộc đời thường. Sau cái chết của anh ấy, trả lời bằng như câu tự hỏi cho bản thân. Tìm kiếm để làm gì trước dư luận, chứng minh cái gì với cuộc đời nầy? Hay chỉ thoả mãn cho tự aí chính mình.

4.

Đó là lần cuối tôi gặp lại chị, cả hai không còn vấn vương chuyện chị nhờ tôi buổi đầu. Tôi trở về đời sống tôi trên xứ người, xứ sở nầy đang vào mùa Thu, một màu vàng thay lá, rực rỡ trong cái không khí se lạnh. Mùa thu cũng là mùa của năm đầu tiên tôi đến xứ nầy, đi liền với tâm tình của người xa quê hương, quá nhiều ngỡ ngàng, mang tâm trạng buồn. Mùa thu có quyến rũ, cuốn hút, chỉ làm buồn thêm trong không gian đẹp, khi nhớ về một chốn xa nào đó, ra đi không chắc hẹn ngày về. Nhưng rồi đó như bao giòng chảy khác, đâu ai liệu được bến bờ ngày mai. Hạnh ngộ hay chia ly đâu phải là một lần xác định điểm chấm hết.
Sao hôm nay tôi lại nhớ để ghi lại chuyện nầy. Tôi không phải là người viết truyện, nên không biết bắt đầu và kết như thế nào, chi bằng đi vào phân đoạn 1,2,3,4 và kể luôn phần cuối ở mấy năm sau nầy. Kể từ khi người nữ và tôi chia tay, thật ra trước đây cũng không có điều khoản cam kết nào, coi như trai tứ chiến gặp gái giang hồ. Vây mà cũng làm tôi xuống sắc không ít. Nỗi buồn của tôi là nỗi buồn của “Thúy đã đi rồi”, chuyện gì đến cũng phải đến. Thời gian mất em rồi, tôi mới biết là mình yêu thật chị ạ. Tình yêu có giới hạn, chừng mực sống như một tình bạn, tôi trọng lẫn nhau. Tôi nhớ em có dáng dấp đẩy đà như chị. Tôi khao khát cuộc tình tưởng như hờ hững mà cuồng nhiệt qua đi. Tôi không nghĩ nó rời xa cùng lúc với thời gian không gặp lại chị. Ai cũng nói hôn nhân ngoài đường phố thì chỉ như chiếc lá rơi rụng, theo chiều gió cuốn. Vậy mà lúc ngồi một mình, tôi muốn hỏi chị nhìn thấy tôi bây giờ có phải là tôi, người con trai bản lảnh trước không? Chưa có câu trả lời, thì chuyện thị phi phang tới hỏi nhỏ tôi. Có phải tôi có chút tình cảm với chị không? Sao lúc nào cũng đâm đầu vào chỗ nệm ấm chăn êm, ở người có nhan sắc tài danh để thân quen bầu bạn. Nên nhớ biết khôn là phù thịnh chứ không phù suy nghen.
Tôi biết điều đó chứ, thật ra tôi sống với người chung quanh bằng một tấm lòng, có điều đôi khi không nói, nói không vừa ý, nên dể bị hiểu lầm. Bây giờ tôi mới biết nỗi khổ trong tình yêu nó đau xót như thế nào. Để trả lời cái chung chung.Tôi nói phải để tôi gượng dậy, vịn đầu giường mà đứng lên, chứ đâu phải thi hào vịn câu thơ mà đứng dậy. Tìm ai lúc nầy, tìm chị là tìm lại một thời quá khứ, ở đó có hình bóng mình để nương tựa. Còn hỏi tôi thương chị không? Tôi không biết trả lời sao để khỏi mích lòng chị. Làm sao để chị không phân thiệt giả ở người đối với mình. Học câu nói. Quý chị lắm tôi mới nói điều nầy.Tình thương ở tôi là thứ tình cảm đời thường, mà đời thường thì có ngả năm ngả bảy. Đi ngả nào trước sau cũng gặp lại. Tôi muốn đến với chị thời năm cũ, cầm tay chị như trong truyền thuyết chị kể. Nghĩ tưởng giản dị vậy, mà có được đâu. Cho nên tôi cầm lấy tay tôi, coi như người đối diện trước lạ sau quen. Tôi nói lời dịu dàng còn ngượng ngập. Nói lời giả dối mua lòng chưa nhuần nhuyển. Tôi nói lời khuyên tôi, nhủ lòng để tập sống với mình, để rồi đổi tay nhau nhơn rộng ra chuyện nhỏ lớn. Còn bây giờ tôi đang sống, biết yêu, dù là yêu thầm, biết khóc giọt nước mắt ích kỷ, thương thân mình trước, sau mới người đồng cảm chung quanh.
Nói lung tung, là nói hể hả cho mình nghe, nói ra chứ không giữ lại trong lòng. Còn ngày sau biết ra sao. Câu tự vấn để thấy cuộc đời trước mặt, sẽ tới hay ngày mai thức dậy, có còn thở hơi người, có sống với tình thân. Chị có đọc được mấy giòng nầy không. Ngoài cuộc, họ cho là chuyện thực giả, hư cấu? Là lời tự thuật, phiên bản chuyển âm? Có giống chị không. Tôi đã sống trong mơ ước, lãng mạn nhiều quá. Tôi đã đi xa quá đà? Phải chăng đời sống thực là cái tôi đang có, đang sống hôm nay, lúc nầy, bây giờ.
Tôi đã đứng lại chưa, để thấy gíó cuốn qua.

HOÀI ZIANG DUY