văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, December 3, 2013

CAO THOẠI CHÂU * Pleiku một thời tôi đã sống


Từng sống ở nhiều nơi, mỗi nơi vào một độ tuổi, một nghề nghiệp và một thế sự…cho nên cảm xúc về những nơi in dấu chân mình, cho mình chỗ ngủ đêm, cho nước uống và tắm hằng ngày, cho không khí, cũng mỗi nơi mỗi khác.

      Vào đời bằng nghề dạy học sống với nó cho đến ngày nghỉ hưu bởi thế cảm giác về những buổi sáng ra khỏi nhà cho đến nay vẫn còn đậm nét, đó là cảm giác của một người thầy trên đường đi tới nơi làm việc. Bề ngoài thanh thản (?) như không có gì nhưng thật ra đầu óc làm việc ngay từ khi ghé vào một tiệm ăn sáng nào đó. Nhẩm lại bài sẽ giảng trong lát nữa, hình dung ra cái lớp sẽ vào, những khuôn mặt nào cần nhìn “cho nó tan nát ra” theo cách nghĩ của một người gieo hạt, hình dung trước những tình huống sư phạm có thể có và dự phòng cách xử lý.

     
Cuộc sống của người làm nghề thầy (chứ không hẳn đã là làm thầy) có những thứ tỉ mẩn lâu thành ra nếp mà nếp nào cũng tẻ nhạt dần dần cần tìm cách thay thế nó, đòi hỏi sức chịu đựng để theo nghề cho tròn trịa. Cái khó là làm sao cân đối được giữa “vài con người” có khi chọi nhau nhưng lại ẩn trong cùng một cái tên, một thân xác, “vật” bị quan sát, theo dõi bởi nhiều người.

      Hai năm đầu đời nghề nghiệp tại một tỉnh biên giới phía nam, gặp tai nạn nghề nghiệp nặng may mà không “chết” là tại thật sự trong sáng, bị vấy bẩn do một người là bạn thân ngày ngày cặp kè nhau ra phố, uống cà phê nói chuyện giấc mơ văn chương, bàn về cái thuận lợi của người dạy học viết văn…Và rồi suýt “chết” vì cú đâm sau lưng của bạn , nhục nhã ê càng thì nhiều, hầu như mọi đồng nghiệp đều biết chuyện một ông thầy “làm cho nữ sinh có bầu” qua bài của một tờ báo mà người chủ nó, một nhà văn, không biết vì sao lại rất “căm” nhà giáo! Tất cả sẽ qua đi bởi sự thật có giá trị thanh minh tự thân của nó. Ôm cái hận cầm lệnh thuyên chuyển lên Kontum, nơi vào thời 65-66 ấy mọi thứ đều như một phố huyện mà là huyện thời chiến. Ăn cơm chung, hay ngồi xe jeep của mấy ông bác sĩ quân y thả rong ra phố cũng thú vị. Mấy ông này hễ thấy học trò gái là rề rề xe đến thả lời ong bướm! Ông thầy bèn chọn chỗ ăn khác và đi bộ một mình chiều chiều cho yên cái thân sống những ngày lưu đày!

      Rồi bị gọi động viên. Chiều chiều tự lái xe jeep chạy lòng ròng phố chợ ở một xã rất nhiều sắc lính, nơi có văn phòng quận, có kho đạn trung ương… Chạy chán thì rề qua ngôi trường trung học, không phải rề theo nữ sinh mà theo cô của chúng, có vài cô trông thật dễ chịu và không người nào biết đằng sau bộ áo lính kia là một trái tim thầy giáo đang bị thay đổi nhờ cái phóng khoáng của người lính. Biết là nếu tiết lộ lý lịch sẽ nặng kí hơn nhưng không hiểu sao cứ thản nhiên nhận cái tên thiếu úy của mọi người gọi cho. Thích một cô, cô ấy cũng có vẻ không ghét ông thiếu úy “đàng hoàng”- theo cô ây nhận xét. Nhưng rồi phát hiện một ông đại úy cận thần của sếp lớn cùng đơn vị rốt ráo theo đuổi và bị từ chối, bèn buông, không ngại đụng vì dù sao đàn ông ai mà ngại điều đó, có điều là nghĩ đàn bà con gái gà mái tơ nhưng đã có người theo buông những lời tình tứ thì có phần đã hao mòn đi một chút, không nguyên vẹn cho trái tim thi sĩ thiếu úy! Thích yêu như sự sắp đặt tinh tuyền của Chúa, như buổi khai thiên chỉ có hai người, hai tấm lụa chưa có cả gió làm cho bay bay!

      Biệt phái về ngành cũ với lon trung úy có chứng chỉ tại ngũ và mặc thường phục. Pleiku, trường Pleime, ghi trong đơn xin trường nam bị đưa về trường con gái! Cô giáo hầu hết là vợ lính, chọn nghề một cách ngẫu nhiên, đi ở theo chồng, ngày tới đã thấy ngay thiếu sự gắn kết nghề nghiệp, cảm giác như thiếu lửa vì phụ nữ có chồng con là hay thực dụng, yêu chồng hơn yêu nghề. Và cô độc là tất nhiên giữa một đám con gái mới lớn mắt đã long lanh, ngực đã nở, thân hình đủ cho một thiếu nữ, nhưng ông thầy sau từng ấy năm đã chai cứng tâm hồn cùng với lẽ đương nhiên có một khoảng cách trí thức làm rào cản vững chắc bảo vệ ông thầy.

      Ở Pleiku thì chơi với lính, thành phố thời chiến này tràn ngập những sắc lính đủ quân binh chủng. Chơi với Nhị Thu SĐ 22, một trung úy buồn buồn chỉn chu và như có phần hơi thiếu bình thường. Anh làm thơ có tiếng từ trước kia nhưng rồi bỏ viết. Chơi với Chinh Yên, một đại úy rất ít nói, hiểu biết rộng, làm thơ ít nhưng bài nào ra bài đó thuộc loại thơ của người trí thức. Một buổi chiều uống tới mấy ly cà phê đến choáng váng xây xẩm vì chủ quán tên H. xinh đẹp tha thướt thì ngoài đại úy thi sỉ này ra khó ai làm nổi, nhất thứ anh cũng nhỏ con, hẳn là trái tim ấy rất lớn. Chơi với Kim Tuấn vì vài lẽ, trong đó có lẽ anh ấy đồng điệu ở chỗ hút thuốc làm ngạt thở cả thị xã Pleiku! Hiền hậu, khiêm tốn không hề khoe khoang, chân chính, nói giọng Huế đã phai hòa vào giọng Quảng, Kim Tuấn cho một tình bạn khó lòng phai bất kể thời gian. Nhiều năm sau, gặp lại ở Sài Gòn Kim Tuấn vẫn vậy, trừ một thứ anh có thằng con trai rất to, uống với nhau ly cà phê không hay là lần cuối. Biết tin trễ, ghé nhà thắp nén hương, nói với người quả phụ rằng chị ấy có một người chồng đáng kính nể, và khóc! Chơi với Hoàng Khởi Phong hoạt bát, với Vũ Hoàng trầm trầm tốt bụng và vài người nữa, họ là những người yêu văn chương trở thành những hạt cườm long lanh nhỏ nhoi trên áo tiểu thư thời binh lửa.

      Là một may mắn, ba năm ở Pleiku không có người bạn lính nào tử trận, chỉ có những chia tay thầm lặng mà buồn, Hương Tử đi, Nhị Thu đi, Chinh Yên đi, các anh là những người lính, kẻ ở lại cảm tưởng như…thành phố sắp bị đánh!

      Pleiku nói về ăn uống có thể gần với con số không. Phở chỉ ăn một lần như lỡ gặp sư tử Hà Đông, bún bò chưa thể nào sánh với gánh của mụ Mắm, mụ Rớt ở Huế, ăn vào cảm như mình là một quân vương lưu lạc lấy một thường dân không ai rõ nguồn gốc của ai.  Cà phê Pkeiku chỉ thua có Sài Gòn. Nhưng học trò Pleime học giỏi, dễ chịu và…sợ ông thầy như sợ cọp! Đáng là một phần thưởng của nghề ban cho!

      Nó là thế, Pleiku là thế và đó là cái “là thế” của hơn 40 năm trước, không phải bây giờ khi những đứa bé ngày nào giờ là những phụ nữ trăm đời trăm cảnh, cảnh nào, đời nào cũng đẹp dù trong cái đẹp luôn có chút buồn! Tôi đã mất đi nhiều thứ, nhiều lắm trong đó có cả những thứ lớn lao, nhưng một trong cái mất cứ còn dai dẳng thao thức trong lòng là Pleiku, là ba năm sống tại Pleiku! (Kể lể dài dòng bởi vì những năm sống tại Pkeiku là những năm lòng bình an nhất so với những nơi sống trước. Tại sao, xin đừng có hỏi!)