văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, December 27, 2012

Thiếu Khanh * Trường ca Việt Nam



Cho Thu Lâm Trương Lợi (Canada)
Ta phá xiềng Bắc thuộc
Một ngàn năm nếm mật nằm gai
Một ngàn lần quật mình đứng dậy
Ngạo nghễ trước móng vuốt
cường bang bạo lực
Gọi thức giống người đoạn phát văn thân
Giết chết con thuồng luồng quấn cổ
Khơi rộng biển ngòi
Mở rộng giang sơn
Từ đó
Bàn chân ta khai núi phá rừng
Bàn tay xua loài thú dữ
Mang quả tim lửa bỏng yêu thương
Ta đi về phương Nam
Mặt trời rực rỡ
Đặt mình trên bờ bát ngát trùng dương
Hát bài ca gió nồm
Trong hơi thở nồng ấm
mặn mà
ngào ngạt
Của biển của sông
Và khí phách mấy ngàn năm phấn đấu
Để sinh tồn
Đã từng phen hưng phế thăng trầm
Đớn đau thân thể
Ta bùi ngùi kể lể
Bằng gió Thái Nguyên
Rừng Lạng Sơn
Sông Nhị núi Nùng
Nghe từng đàn con tức tửi
Từng bàn chân dã thú ngoại nhân
Dẫm nát những vùng tóc xanh máu đỏ
Mà nhớ những đêm Chí Linh
tiếng thét oai hùng
Cũng nhiều phen ta hò reo
Đẫm mồ hôi thạch mã
Đỏ ngọn sóng Hồng Hà
Lời hịch vang lừng nhát dao chém đá
Ta cựa mình đứng dậy
Nhìn hai mươi vạn quân thù tan tác trôi sông
 Đêm Mê Linh
Núi Lam Sơn
Ngọn Bạch Đằng
Gò Đống Đa
Thân ta dựng nên thành cao
bất khuất.
Từ buổi sơ sinh trên bờ sông Dương tử
Ta khôn lớn ở Thăng Long nghiêm cẩn
Về Phú Xuân trang trọng hào hoa
Nhìn ra trùng dương sóng vỗ
Ngọn gió hồng hào thổi suốt châu thân
Thơm mùi biển khơi
rừng sâu
Phù sa quyện tràn hơi thở
Chín con rồng hát khúc bình ca
Trên thân thể ta mượt xanh châu thổ
Bản hùng ca
Bốn ngàn năm khí phách
Bốn ngàn năm bứt phá nanh vuốt bạo tàn của con hổ dữ
Dựng một trời chiến công
Ngút tỏa hào quang
Trên bờ Đông hải
Với những trường canh nhịp phách lẫy lừng
Ngô Quyền
Lê Lợi
Hưng Đạo
Quang Trung
Ta vừa hát vừa đi
Từ Bắc xuống Nam
Gõ nhịp trên những ngọn tháp Chiêm Thành đất đỏ
Nhưng một buổi
Bản hùng ca bỗng dứt
Ta đau thương tủi cực
Nghẹn lời trầm ca thê thiết xuýt xoa
Ngọn lửa thù hằn nung cháy nồi da
Ta nhức nhối nằm nghe chín từng thớ thịt
Ngọn sóng Linh Giang
Xô lấp tiếng thét Bạch Đằng
Ta buông rời từng chiếc tóc xanh
Cánh tay cằn cỗi
Không che hết những vết rạch ròi
Bao nhêu nhát dao bằm trên thân thể
Kể từ đó 
Ta thành con- người- một- nửa
Con mắt bên này
Nhìn chới với con mắt bên kia
Trong vết tử thương xả đôi hình hài
Ta nhìn ta
xương thịt
mũi tẹt da vàng
Đã dựng chung lịch sử
Từ thuở sơ sinh trên bờ sông Dương tử
Theo cánh chim Lạc
Bay về với nắng phương Nam
Ta cất tiếng hùng ca
Khai rừng đuổi thú
Bốn ngàn năm khôn lớn đứng dậy
làm người
Bây gìờ một nửa thân ta thương tích
Nằm nhìn con sông Bến Hải
Nằm nhìn hai phần thân thể buông nhau
Bởi chính một dòng huyết mạch


November.2012

Vương Trùng Dương * Cung Tích Biền, giữa hai lằn đạn



          Nhân dịp Hội ngộ Liên Trường Quảng Nam - Ðà Nẵng vào đầu tháng 9 năm 2007 vừa qua tại Little Saigon, gặp lại bạn bè, nói chuyện thơ văn quê nhà, có đề cập đến nhà văn Cung Tích Biền.

Đỗ Hồng Ngọc * Chuyện kể đêm Giáng Sinh


Cô Dina dạy lớp Hai tại một trường ở Ontario, Canada. Năm ấy cô được nhà trường giao cho một hoạt cảnh trong đêm văn nghệ mừng Chúa giáng sinh. Sau khi đắn đo suy nghĩ rất lâu, cô bắt đầu phân vai cho các học sinh trong lớp. Rắc rối là cháu Ralph, chín tuổi. Lẽ ra cháu phải học lớp Bốn, nhưng cháu vụng về, chậm chạp, và chậm hiểu nên vẫn phải học lớp hai. Đám bạn lại rất thích cháu, vì cháu lớn xác hơn cả, dễ dàng đứng ra bảo vệ chúng nếu bị trẻ lớp khác bắt nạt.
Ralph nằng nặc đòi làm người chăn cừu, thổi sáo trong vở kịch. Cô giải thích Ralph có một vai khác quan trọng hơn, là làm chủ quán trọ. Thật ra, cô chủ ý dành cho cháu vai này vì cháu chỉ cần nói vài câu ngắn, dễ học thuộc, phù hợp với khả năng cháu. Hơn nữa với vóc dạng to hơn các bạn, Ralph dễ làm ra vẻ hùng hổ, hung hăng của ông chủ quá trọ khi xua đuổi ông bà Giu-se.
Đêm văn nghệ của trường chật ních khán giả. Ai cũng háo hức muốn xem con cháu nhà mình trổ tài trên sân khấu cuối năm.
Hoạt cảnh lớp cô diễn ra suôn sẻ từ đầu vì bọn trẻ được tập luyện rất nhuần nhuyễn. Thế rồi đến cảnh ông Giu-se chậm chạp, mệt mỏi dìu bà Ma-ri-a đến cánh cửa quán trọ đóng im ỉm. Ông gõ cửa.
Ralph chỉ chờ có thế. Cháu mở tung cánh cửa ra, hùng hùng hổ hổ quát: “Mấy người muốn gì?”
Chúng tôi tìm chỗ trọ qua đêm.”
“Chật hết rồi. Đi chỗ khác đi!”
“Xin ông làm ơn. Chúng tôi đã hỏi hết các nơi khác nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi đi đường xa, mệt mỏi.”
“Không còn phòng nào hết!”
“Xin ông mở lòng lành. Đây là vợ tôi, sắp đến ngày sanh nở. Vợ tôi rất cần được nghỉ ngơi đêm nay. Xin ông cho một xó xỉnh nhỏ hẹp nào cũng được.”
Ralph nhìn bà Ma-ri-a, rồi đứng ì ra khá lâu. Cả hội trường im phăng phắc, bối rối trước thái độ của Ralph. Nấp sau cánh gà, cô giáo nhắc tuồng: “Không, xéo đi!”
Ralph vẫn đứng như phỗng đá.
Cô nhắc đến lần thứ ba. Mỗi lúc một lớn giọng hơn. Các cháu đóng vai thiên thần ở hậu trường cũng sốt ruột, lo ngại không kém mọi người.
Cuối cùng Ralph cũng mở miệng như cái máy: “Không, xéo đi!”
Ông Giu-se buồn bã, thất thểu dìu bà Ma-ri-a bước đi. Tay chủ quán không quay vào đóng sập cánh cửa lại như đã tập dượt thuần thục hàng chục lần. Y đứng sững đó, dõi mắt nhìn theo ông bà Giu-se. Y chau mày, vẻ mặt khổ sở, bờ môi run run nén cơn cảm xúc, và kìa, hai tròng mắt y đã ướt sũng tự lúc nào!
Ralph gào lên: “Đừng đi, Giu-se! Đưa Ma-ri-a quay lại đây!”
Tay chủ quán dang rộng hai cánh tay, miệng cười rạng rỡ: “Mời ông bà ngủ lại trong phòng của tôi.”
Cô giáo bật khóc. Các cháu nhỏ thủ vai thiên thần ùa cả ra sân khấu trong lúc khúc nhạc mừng Giáng sinh trổi lên rộn rã. .
( Chuyện kể theo thầy Lê Anh Dũng).
………………………………………………..
Ghi chú: Đây là một câu chuyện có thực của một em học sinh “chậm phát triển” tên Wallace Purling (trong truyện là Ralph) xảy ra ở trường London, Ontario, Canada, được cô giáo Dina Donohue kể lại, có tên là “Trouble at the Inn”. Cô bảo một số người trách cô, nói vở kịch đã bị “bể dĩa”, trong khi một số khác bảo “chưa bao giờ thấy xúc động đến thế”- vì những điều xảy ra ngoài “kịch bản” đầy bất ngờ của Wallace!
Truyện do Lê Anh Dũng (Huệ Khải) chuyển dịch rất khéo, và tôi, lạ, mỗi lần đọc đều cảm thấy rưng rưng, bởi đó là chuyện của một em bé “chậm phát triển” mà trong Nhi khoa tôi vẫn thường gặp… – như là một nhắc nhở cho chính mình. Nên đọc lại. Thân mến, (Đỗ Hồng Ngọc).


2012


Lâm Văn Sang * đào hải triều đọc đá vẽ tranh

     

Ngôn ngữ nghệ thuật xuất hiện trong lịch sử con người rất sớm. Dường như không có một quyển sách lịch sử nghệ thuật nào quên kể lại thuở mới bắt đầu có những thể hiện khách quan của kinh nghiệm con người bằng những hình ảnh ghi khắc trên xương, sừng, ngà và trên đá. Nhìn lại quá khứ đó, người ta dường như cũng đồng ý với nhau một điều: ký hiệu chữ đầu tiên được tạo cũng từ hình ảnh. Con người vẽ hình trước khi vẽ chữ. Con người còn vẽ hình trước khi gắn lên sinh hoạt đặc thù này hai chữ “nghệ thuật” (hay một chữ art) và trước khi kịp thời đặt tên cho kẻ tạo hình là “nghệ sĩ” (artist, người sáng tạo nghệ thuật). Điều này cũng c

Wednesday, December 26, 2012

H ả i P h ư ơ n g * Thuở Con Còng Biển Lên Ngôi Đại Đế



Con còng biển phải gió / cỏng gió / chạy quanh bãi cát
trên lưng mang nặng lớp sương mù mộng mị
rất sẵn
đêm mục rã
biển giận dữ
điên tiết cào cấu cuồng lũ
xô giạt phiến thời gian hiu quạnh
tê cứng vách đá tảng vô tri vô ngã vô nghì vô cảm
không khái niệm
không nguồn mạch
không bắt đầu
không chấm hết
không không không
không tranh bá đồ vương
không lớp học
không thư viện
không giảng đường
không giờ triết học để em nhìn ra cửa sổ nghe chim hót
không cấn thai
không lâm sàng
không sống
không chết
không tang nghi quán thơ
không yêu
không hận
không tất cả
không hiện hữu
không hư vô
không vô thường
không cõi đi về
không nơi trở lại
không máu của đất
không hồn của trời
không phục sinh
không đời
không kiếp…

Biết đâu sáng mai thức dậy
con còng biển được tước phong làm vua / là vua
bọn thi sĩ thứ thiệt trải chiếu hoa dưới ánh nắng mặt trời nghinh đón
trái tim cuồng nhiệt nhận nhiệm vụ xe cát
và hát
không máu của đất
không hồn của trời
không âm thanh của màu sắc
Thuở Con Còng Biển Lên Ngôi Đại Đế .

Khi ở Sillicon Valley
Tháng chạp 2012
H ả i P h ư ơ n g            
mber.2012


Monday, December 24, 2012

Trần Vấn Lệ * Tùy Bút Noel




Bạn ở trên Bắc Mỹ, than: trời lạnh quá chừng! Mình hồi âm: mùa Đông / ở đây cũng lạnh lắm… Mùa Đông dù ngày nắng / trời cũng lạnh như đêm. Chuyện vãn có nói thêm…thì chung quy là lạnh!

Lạnh, người ta không tránh / vì người có tình người”. Bạn tôi nghe, bật cười: “Nên mình ở đây mãi!”. Bạn nói nghe rất phải, cũng giống như tôi thôi – đây là chỗ khó rời / khi đã quen đất, nước…

Quen con đường mình bước, quen góc phố từng qua…Quen cả tiếng người ta / dẫu là chào buổi sáng! Nhớ ngày nao, thật chán / bạn cùng cảnh, im khe. Non nước thì bộn bề, tâm tình thì cạn máu!

Nếu nói thì nói láo - “Dạ thưa phấn khởi nhiều!”. Ghét thì phải nói yêu – “Không ai ngoài Cách Mạng”.

Thôi thì thà im lặng, ngay cả lúc từ ly…, bỏ Cha Mẹ ra đi, cũng không nghe tiếng khóc! Bạn nhau thời xanh tóc / bây giờ đầu tuyết sương / hai đứa ở hai phương / hỏi thăm nhau…thời tiết!

Hỏi thăm nhau và biết / còn sống vậy…Trời ơi! Đêm Thiên Chúa ra đời, lạnh, cái phone cũng lạnh! Ngồi nhìn sao lấp lánh, thả khói thuốc bâng khuâng. Thương quá Chúa, đêm Đông, sinh ra từ máng cỏ!

Trần Vấn Lệ

Văn Quang * “Đặc sản cướp Sài Gòn” cuối năm con Rồng



Cứ đến những ngày cuối năm, địa phương nào cũng có những món đặc sản mang ra bày bán kiếm tiền tiêu Tết. Từ Bắc chí Nam đủ thứ đặc sản, từ măng vùng núi, hải sản vùng biển, nem tré miền Trung, cốm làng Vòng, bưởi Lai Vung... không thể nào kể hết. Nhưng những năm gần đây, nhất là năm con Rồng này, có nhiều thứ đặc sản đang được người bán hàng “thay họ đổi tên” một cách “khoa học”. Chỉ kể riêng những loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc đang bị các bà nội trợ tẩy chay vì đụng vào thứ nào cũng có chất độc. Bởi những món hàng đó mang từ bên Tàu sang, qua nhiều ngả, nhiều ngày, phải tẩm một thứ gì đó vào để giữ lâu và nguy hiểm hơn là làm cho những trái cây đó có màu sắc tươi tắn bắt mắt hơn, nên họ không từ nan tẩm vào mọi chất “hóa học”, dù biết nó sẽ nguy hại cho sứ khỏe con người. Biết đâu, đó lại là sự cố ý của mấy anh bạn láng giềng vốn nổi tiếng là thâm hiểm. Hàng Trung Quốc bị tẩy chay thì con buôn làm giả thành hàng Việt Nam hoặc hàng Mỹ hàng Nhật. Ngay cả nước giải khát cũng bị làm giả từ nước lạnh pha tí màu xanh đỏ, sữa cũng giả, còn rượu thì hầu hết là giả. Một chai rượu Tây thật, pha chừng vài lít nước lạnh thành năm bảy lít.
Cho nên đặc sản ngày nay trở thành hàng giả rất nhiều. Chưa nói đến kỹ thuật biến cá chết, thịt heo thịt gà chết thành thịt sống, tôm khô cũng được nhuộm màu, cua đồng cũng bắt bằng thuốc trừ sâu… Cái gì cũng có độc dù là hàng chính cống từ nhà quê mang ra.
Đấy là sơ qua về thức ăn đồ uống, tôi không thể dài dòng về vấn đề này, tôi tin rằng bạn đọc dù ở nước ngoài cũng đã biết quá rõ. Cho nên, tôi có một số bà con và vài ông bạn tôi từ nước ngoài về Việt Nam không biết ăn thứ gì không có độc. Ông bà nào thường cũng chuẩn bị một lô thuốc mang theo chống tiêu chảy, chống đau bụng, chống nhức đầu, chống cảm sốt vì thời tiết, chống dị ứng… Mọi sự đề phòng là không thừa, bởi thuốc Việt Nam cũng chưa chắc đã có công hiệu.
Nhưng có một thứ mà các ông bà không đề phòng và dù có đề phòng cũng chẳng được. Đó là nạn cướp giật kinh hoàng tại thành phố lớn nhất nước này.

Đặc sản cướp Sài Gòn cuối năm con Rồng

Nạn trộm cắp ở Việt Nam nhiều năm nay đã trở thành một vấn nạn lớn cho mọi người dân từ thành thị tới thôn quê. Cướp tiệm vàng giữa ban ngày, giết người cướp của ban đêm, cướp vào nhà lầu, cướp ở xóm nhà lá, cướp ngay tại đường phố, cướp từ sợi dây chuyền vài chỉ đến cái xe gắn máy… Người làm trộm cắp của chủ, bảo vệ trộm đồ của công ty, cháu giết bà vì vài trăm ngàn. Đời sống thiếu an ninh, cho dù nhà cầm quyền có ra sức dẹp cũng chẳng nơi nào yên tĩnh. Nhiều người đã cho rằng “còn loạn hơn thời loạn”.
Nhất là vào dịp cuối năm, ông bà ta đã gọi là “tháng củ mật” phải đề phòng trộm cướp. Nhưng nạn trộm cướp mỗi ngày một lộng hành thêm. Nhất là năm nay, vừa vào dịp cuối năm, nạn cướp giật ở Sài Gòn đã hoành hành dữ dội. Cứ hở ra là bị cướp. Có rất nhiều kiểu ăn cướp “hiện đại”, bạn không ngờ tới.
Theo báo cáo của Công an TP Sài Gòn, trong 9 tháng đầu năm 2012, ở Sài Gòn đã xảy ra gần 850 vụ cướp giật. Mỗi ngày tại đây xảy ra ít nhất là 3 vụ cướp giật. Đây chỉ là con số thống kê được từ những vụ cướp giật do nhà cầm quyền khám phá và số vụ cướp do nạn nhân trình báo. Còn rất nhiều vụ do nạn nhân bị giật nhưng không trình báo hoặc chưa điều tra ra, hoặc không bao giờ điều tra ra được. Con số ấy chắc chắn là nhiều hơn con số biết nói 850 vụ.
Bọn cướp ngày nay rất dữ tợn, sẵn sàng “xả dao”, liều chết khi nạn nhân chống cự, bởi vậy, những vụ cướp táo tợn này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người dân mà còn bị nguy hiểm về tính mạng. Bọn chúng còn bày đủ nhiều chiêu trò để đến gần, đe dọa “con mồi”, đánh lừa những người xung quanh.

Cướp kiểu “danh chính ngôn thuận”
Ngay giữa đường phố đông người, một ông ăn diện rất bảnh bao, túm lấy chiếc xe SH giá năm bảy chục triệu của một bà sồn sồn, tát bà ta một cái và kêu ầm lên:
- Con này, mày lấy xe của tao đi từ sáng tời giờ, mày chở trai, tao thấy, bây giờ mới bắt được mày. Đưa xe cho tao đi làm rồi về tao tính sổ với mày sau.
Thế là người bị tát ngã xuống, anh “chồng” leo lên xe bỏ đi. Người đàn bà lồm cồm bò dậy, mặt mũi còn tái xanh, chưa kịp hoàn hồn, lắp bắp phân bua với mọi người: “Tôi có biết thằng đó là ai đâu”. Lúc đó mọi người mới té ngửa ra đó là một màn cướp.
Đó là cảnh cướp xe giữa chỗ đông người rất “danh chính ngôn thuận”. Cảnh sát cũng chịu thua. Kẻ cướp chạy về một tỉnh nào đó làm giấy tờ giả, bán chác hay cầm cố rồi, thì đến mười năm sau cũng chưa chắc đã kiếm ra.
Đấy chỉ là một trong số những màn kịch thiên biến vạn hóa mà bọn trộm cướp ở Sài Gòn “sáng tác” ra. Hơn hẳn những “mô típ” cũ rích trong những cuốn phim Hàn Quốc đang chiếu hà rầm trên các đài truyền hình tại Việt Nam. Nếu là chủ hãng phim Hàn Quốc, tôi về Việt Nam kiếm mấy thằng ăn cướp này sáng tác kịch bản, còn ngoạn mục hơn nhiều.

Cướp Sài Gòn “mê” Việt kiều
Lại xin nhắc các bạn một điều là bọn cướp giật rất “mê” các ông bà từ nước ngoài về Việt Nam, ở đây thường gọi chung là “Việt kiều”. Gặp được “con mồi” từ nước ngoài về, chúng coi như vớ được “món bở”. Chúng rất tinh ranh, bạn có “hóa trang” thành người ở Việt Nam chính hiệu, ăn mặc như người Sài Gòn, nhưng chỉ nhìn vẻ mặt, làn da và bất cứ một thứ trang sức hoặc đồ dùng nào lộ ra như giày dép, mũ, đồng hồ… là chúng có thể xác định được bạn là người từ nước ngoài về. Chúng chỉ theo dõi bạn một đoạn đường là có thể ra tay. Hoặc một thí dụ khác, bất thình lình bạn bị một cô gái, ăn diện rất thời trang, túm áo la toáng lên:
- Anh bỏ mẹ con tôi, anh đi với gái, anh phải về, anh đưa bóp tôi xem anh lấy tiền của tôi, còn không.
Cuộc giằng co diễn ra chớp nhoáng, bạn bị một hai tên con trai ra cái điều “anh hùng cứu mỹ nhân”, xúm vào hành hung; trong khi cô gái vẫn đóng vai giả là vợ hoặc bồ của bạn khóc lóc om xòm. Bạn chưa kịp trấn tỉnh, phân trần thì đã bị lột sạch điện thoại, đồng hồ và cả cái bóp trong túi nữa. Khi chúng đã “thanh toán” xong, leo lên xe bỏ đi, bạn chưa kịp trấn tỉnh, phân trần với người đi phố hoặc đi báo công an thì chúng đã cao chạy xa bay mất tiêu rồi. Nếu mang chuyện này về Mỹ, Úc, Canada kể lại với mọi người, chắc khó ai tin. Bà xã bạn có thể còn đặt ra năm mười cái dấu hỏi:
- Nếu anh không có gì với nó, làm sao nó dám túm áo anh được?
Bạn cãi thế nào?! Mệt thật đấy.

Những vụ cướp của người nước ngoài mới xảy ra
Trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, Tổng Giám Đốc một công ty lữ hành quốc tế (đề nghị giấu tên), cho biết, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 15-9 đến 30-9-2011), khách du lịch của công ty ông đã bị cướp giật đến 9 lần. Những vụ cướp giật này xảy ra tại những nơi thăm viếng chính làm doanh nghiệp và cả khách du lịch hết sức lo lắng.
- Gần đây nhất là vụ cướp dây chuyền “ngàn đô” của một bà từ nước ngoài về Việt Nam vào trưa 26-11 tại đường An Dương Vương, quận 5, Sài Gòn. Thủ phạm là tên Diệp Xương Đạt (SN 1989, ở quận 10, TP. Sài Gòn).
Lúc đó, Đạt một mình đi xe gắn máy trên đường An Dương Vương, để “săn mồi”. Sau đó, hắn rú ga, ép sát lề, rồi giật phăng sợi dây chuyền trị giá 1.300 Mỹ kim của bà Nguyễn Thanh Loan (SN 1969, người Úc gốc Việt) khi bà này đang ngồi sau xe gắn máy do chồng lái.
- Tối 25-11 vừa qua, tại đường Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, anh Han Youn (30 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) đang đi bộ trên vỉa hè cũng bị tên Nguyễn Tuấn Em (21 tuổi) giật điện thoại di động (trị giá 16 triệu đồng) rồi lên xe đồng bọn là Phạm Bá Vinh (19 tuổi) tẩu thoát.

Vụ cướp dã man mới nhất làm dân Sài Gòn run sợ
Vào tối 24-11 vừa qua, vụ cướp táo tợn chặt đứt khuỷu tay nạn nhân xảy ra ở chân cầu Phú Mỹ (Quận 2, TP Sài Gòn) đã thực sự đẩy nỗi sợ hãi về tình trạng bị cướp giật tài sản của người dân ở thành phố này lên cực độ. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (28 tuổi, ở tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2).
Được biết, chị Thúy bị 2 tên đi xe máy chạy ép sát, sau đó, tên ngồi sau mặc áo đen vung dao chặt thẳng vào khuỷu tay phải chị.
Hậu quả là nạn nhân bị ngã xuống đường, tay phải gần như đứt lìa. Sau khi hạ gục được nạn nhân, 2 tên cướp đã cố cướp xe SH của chị Thúy. Không chỉ có thế, 2 tên khác còn giật luôn túi xách chị mang trên người (đựng 5 triệu đồng) rồi bỏ chạy.
Bốn ngày sau, người phụ nữ bị nạn mới có thể diễn tả lại cảnh kinh hoàng ấy. Tại phòng hậu phẫu, gương mặt vẫn xanh xao, người phụ nữ 28 tuổi đã có đủ sức khỏe có thể trò chuyện cùng những người đến thăm hỏi. Nhúc nhích các ngón của bàn tay bị cướp chém, chị cho hay đã có thể cử động từng ngón theo yêu cầu của bác sĩ.
Nhớ lại câu chuyện xảy ra đêm 24-11, chị Thúy cho biết hôm ấy khoảng 8 giờ tối, chị dự xong tiệc cưới trên đường từ quận 7 về nhà ở quận 2 thì nhóm cướp xuất hiện. Chị kể: “Đoạn đường không quá vắng, xe của chúng chạy song song xe tôi. Tôi cũng không chú ý mà chỉ lo chạy, đến khi chúng vung dao chém tôi mới biết mình bị cướp”. Chị Thúy cho biết thêm, tên cướp chém nhát thứ nhất thì bàn tay chưa đứt rời, đến nhát chém thứ hai thì bàn tay chỉ còn dính lại cánh tay bởi một mảng da.
Chị nhắm mắt nhớ lại, giọng còn run: “Thấy bàn tay phải lủng lẳng, tôi lấy tay trái vừa cầm bàn tay phải vừa kêu cứu, nhát chém rất ngọt nên khi ấy không hề thấy đau đớn”.
Cô gái còn ôm cánh tay giằng co với tên cướp đang dựng chiếc xe SH của cô lên nổ máy định tẩu thoát.
Nhưng xe SH của chị Thúy không nổ máy, một người đi đường giúp cô đuổi bọn cướp. Nhóm cướp bỏ chạy, còn nạn nhân được người dân đưa đến bệnh viện. May mắn, chị Thúy có hy vọng bình phục trong vài tuần sắp tới. Băng cướp tàn bạo này sau đó đã bị bắt.
Chị Thúy không phải là nạn nhân đầu tiên.
Bọn cướp gồm 4 tên cùng “làm ăn” chung và khai nhận trong 4 tháng, bọn chúng đã thực hiện 15 vụ dùng mã tấu chém người để cướp tài sản. Trước khi đi cướp, bọn chúng đều sử dụng chất ma túy tổng hợp. Công an quận 2 đã bắt thêm Hùng Bảo Anh (SN 1988), Cao Văn Hưng (SN 1983) và Đậu Văn Võ (SN 1990) là những tên tiêu thụ hàng cướp được của băng cướp trên. Trong các tên cướp này, Nguyễn Hoàng Phương đang bị Công an tỉnh Ninh Thuận truy nã về tội “cướp giật tài sản” và Hùng Bảo Anh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Luông thú nhận vào đêm 4-11, thấy anh Trường (35 tuổi) đi xe SH trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) đã đuổi theo tìm cơ hội ra tay. Đến đoạn vắng gần cầu Cống Dinh, 2 tên trong nhóm phóng lên áp sát và rút mã tấu chém liên tiếp vào hông, lưng và bả vai khiến anh Trường ngã xuống đường. Nạn nhân nhanh trí rút chìa khóa bỏ chạy, tri hô nên nhóm cướp phải rút lui.
Cũng trong đêm đó, khi phát hiện đôi nam nữ đi xe máy song song đến gần cầu Cống Dinh, băng cướp lại bám theo. Chúng ép xe, chém vào vai người thanh niên và một nhát vào hông cô gái để cướp chiếc Air Blade và một điện thoại.

Còn rất nhiều vụ cướp táo tợn xảy ra trong thời gian này

Xin tạm kể vài vụ điển hình:
- Lao vào đám cưới cướp dây chuyền cô dâu
Vụ này vừa xảy ra ngày 25-11 ở Bình Chánh, TP Sài Gòn. Cô dâu đang cười tươi bỗng thét lên sợ hãi vì bất ngờ bị giật sợi dây chuyền, khi đang cùng một người bạn gái tạo dáng chụp hình trước rạp đám cưới. Giữa chốn đông người mà tên cướp không hề sợ hãi, vẫn phóng xe lướt qua, thẳng tay giật dây chuyền trên cổ cô dâu. Vì quá bất ngờ, cô dâu với tay theo nhưng không nắm kịp sợi dây chuyền, đành vô vọng nhìn theo. Hai họ choáng váng, không ai ngờ những tên cướp bây giờ lại liều mạng đến thế.
- Sáng 23-11, chị Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đi bộ trên lề đường Trần Hưng Đạo (quận 5), đeo túi trên vai. Bất ngờ từ phía sau, tên cướp đi xe tay ga lao đến cướp chiếc túi. Cú giật mạnh, bất ngờ làm chị bị kéo theo một đoạn rồi ngã sõng soài trên lề đường.
- Đúng một tháng trước,Cao Trung Lập (28 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) đã đâm chết một nam sinh sau khi giật ba lô đựng laptop của anh này. Một cảnh sát xông vào truy bắt Lập cũng bị hắn đâm trọng thương.
Vào lúc 11 giờ ngày 17-9, một nam sinh và bạn gái đi xe tay ga trên đường Cộng Hòa, hướng từ công viên Hoàng Văn Thụ về Trường Chinh. Khi tới đoạn gần đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) vài chục mét, họ bị Lập từ phía sau áp sát, giật túi đựng laptop.
Đôi nam nữ tri hô “cướp cướp” rồi phóng xe truy đuổi. Tới ngã tư, người thanh niên tông vào xe tên cướp khiến hắn ngã xuống đường. Cuộc vật lộn giữa tên cướp và nạn nhân diễn ra quyết liệt trước sự chứng kiến của rất đông người đi đường. Trong lúc giằng co, Lập rút dao đâm nhiều nhát vào cậu thanh niên. Dù máu ra đẫm áo, cậu nam sinh vẫn cố gắng ôm chặt tên cướp. Lúc này, một công an lao vào hỗ trợ nạn nhân đã bị Lập đâm gục.
Sau khi viên cảnh sát không thể truy đuổi, người dân hai bên đường Hoàng Hoa Tham đồng loạt lao ra đuổi bắt Lập, giao cho công an. Lúc này, do vết thương quá nặng, nam sinh đã chết trước khi đến bệnh viện.
Đó chỉ là sơ lược những vụ cướp bóc giữa đường phố gần đây. Còn hàng trăm, hàng ngàn vụ trộm cắp khác nữa đã và đang tiếp tục diễn ra vào những ngày cuối năm này.

Đi tìm nguyên nhân: do kinh tế khó khăn và sự phân hóa xã hội
Chưa bao giờ, người dân cảm thấy bất an như lúc này. Kẻ cướp ngày càng táo tợn, liều lĩnh hơn. Vì sao lại có tình trạng này?
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP Sài Gòn, nhận định: “Nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến thất nghiệp, mất việc làm và đặc biệt đối với TP Sài Gòn là dòng thác nhập cư quá nhiều.
Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, chỗ ở nên đây là cơ hội phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó là sự phân hóa xã hội, như phân hóa giàu - nghèo, phân hóa giữa các vùng miền và những tồn tại này không được giải quyết nên bộc phát những vấn đề xã hội”.
Sự cách biệt giữa người quá giàu, kẻ quá nghèo khổ đã tạo nên tâm trạng “chỉ có đi ăn cướp của anh giàu, anh có của, mới sống nổi”.
Ông Trương Lâm Danh (phó trưởng ban Pháp Chế HĐND TP Sài Gòn) nhận định:
“… Do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có dấu hiệu giải thể, ngưng sản xuất, sa thải khá nhiều công nhân. Tình hình thiên tai bão lũ ở một số địa phương dẫn đến việc di dân ồ ạt vào thành phố. Dân thành phố đã đói, càng đói.
Một vấn đề quan trọng nữa là việc giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình, nhà trường, xã hội, việc chọn lọc, định hướng cho các em khi xem các sản phẩm game online, phim ảnh. Cứ mở ti vi ra thì thấy phim đều có nhiều cảnh bạo lực, chém giết, yêu dở dang, thù hận. Còn các em mới lớn, thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường, học hành không đến nơi đến chốn, thiếu suy nghĩ. Buồn chán không có việc làm, không chịu làm nghề bốc vác, bưng bê nên dễ sa ngã.
Các phạm nhân hầu hết đều còn rất trẻ, muốn có tiền ăn chơi nên tạo thành các băng nhóm trộm cắp, cướp giật. Vụ chém cô gái cướp xe máy SH trên đường dẫn cầu Phú Mỹ (quận 2), tên cướp mới chỉ sinh năm 1993 cầm đầu một nhóm có tiền án tiền sự gây án…
Một nguyên nhân khác là thành phần trộm cướp, ma túy ở các trại giam được trở lại hòa đồng cùng xã hội, vẫn ngựa quen đường cu”, làm nguy hại cho xã hội hơn. Mặt khác, sự trừng phạt của luật pháp chưa nghiêm, chưa đủ làm bọn trộm cướp chùn tay. Một vài năm tù đối với chúng chẳng còn có nghĩa gì nữa. Cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn”.

Người dân chỉ còn biết khuyên nhau tự bảo vệ mình

Bên cạnh thái độ hoang mang sợ hãi xen lẫn căm phẫn trước hành vi tàn bạo của những tên cướp, người dân Sài Gòn chỉ còn biết khuyên nhủ, dặn dò nhau: Bây giờ, ra đường phải tuân thủ các quy tắc: Không đi xe xịn, không ăn vận đẹp, không đeo nữ trang, không dùng điện thoại đắt tiền ngoài đường… để thu hút kẻ cướp. Ngoài ra, người đi đường không nên mang ví, túi xách treo lủng lẳng, không mang tiền mặt quá nhiều trong người, nếu có phải đi giao dịch với số tiền lớn thì nên đi taxi mới mong an toàn khi ra đường. Hở ra là mang họa ngay. Đúng là một thứ “đặc sản” cho người dân Sài Gòn vào cuối năm con Rồng này. Đành sống chung với cướp vậy.

Trần Kiêm Đoàn * Sơn tăng xuống núi

 


Gần nghìn năm trước, trăng và người gần nhau. Trăng mọc biển Đông, trăng lặn non Đoài. Khoa học kỹ thuật của nhân loại chưa đủ bản lĩnh để chen chân khuấy động vầng trăng trong đáy giếng tâm thức của con người. Sơn tăng Lý Khuê Báo ở trên núi Hàn Sơn Vọng Nguyệt xứ Triều Tiên, tịnh tu lạc đạo với trăng thanh và mây trắng suốt bảy mươi năm chưa hề xuống núi.


Có một năm xứ Đại Hàn tuyết phủ suốt mùa Đông. Trăng không mọc, tuyết không tan sau thành lũy mây trắng chập chùng trên đỉnh núi. Vầng trăng nội chiếu trong lòng sơn tăng phai dần và sắp lặn. Sơn Tăng ôm bình xuống núi tìm một vầng trăng. Trăng soi đáy giếng – Tĩnh Trung Nguyệt – là vầng trăng thường hằng mọc và lặn trong lòng người nhận ra tâm mình cũng là trăng một thể; thật mà ảo như bóng trăng đáy giếng. Bất chấp mây che, tuyết phủ, vầng trăng nguyên thủy có bao giờ mọc hay lặn nơi đâu trong lòng nhân thế. Lên núi, trăng lại về như hoa đạo bừng nở trong cõi tĩnh lặng muôn đời. Sơn Tăng dùng nội nhiệt dâng trào như điện chớp tuôn trào ra đầu ngón tay để viết bài thơ trên tuyết. Nắng ấm lên. Tuyết tan. Nhưng bài thơ đã hằn sâu trên đá nay vẫn còn in dấu trên Hàn Sơn Vọng Nguyệt.



Tĩnh trung nguyệt

Sơn tăng bần nguyệt sắc
Tịnh cấp nhất bình trung
Đáo tự phương ứng giác
Bình khuynh nguyệt diệc không

I Gyu Bo (Lý Khuê Báo 1168-1241 )

Ánh trăng dưới giếng

 
Nhà sư xuống núi tìm trăng
Múc trăng đáy nước cất trăng vào bình
Về chùa một lúc chợt quên
Bình nghiêng còn biết đâu tìm dấu trăng

Quỳnh Chi phỏng dịch ( 24/9/2010)

*****

Kẻ hậu thế nghìn năm sau…

Nhắn với sơn tăng

Bụi trần in dấu sơn tăng,
Cất công xuống núi tìm trăng là mình.
Dấu trăng vẫn ở trong bình,
Soi gương thì lại thấy mình trong gương.


trương thị thịnh

Trần Hoài Thư * ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG


           
 Bốn chàng thanh niên: áo ấm kéo cao tận cổ, co ro run rẩy bước theo con dốc xuống bờ hồ. Trời của đêm Giáng sinh đầy sao và trong suốt như đáy cốc thủy tinh màu sẫm tối. Gió nghe lộng trên đồi, rồi lướt xuống lũng, rì rào trên những đọt thông cao. Gió thật lạnh. Cả bọn co rúm trước những cơn gió tê buốt. 

Tuy nhiên họ vẫn chạy theo con dốc, những bước chân ngờ nghệch làm sao. Tiếng cười nói vang lên làm cõi đêm bỗng dưng bừng vỡ trong giây lát, rồi trở lại cùng sự im lặng cố hữu.
Trong khi đó, thành phố như mở rộng cánh cửa từ lâu bị khép kín. Ngày trước, dễ chừng vào lúc màn đêm vừa buông xuống, là các con đường đã trở nên vắng im và các nhà hai bên đường đã khép chặt cửa, chỉ còn lại là vài ánh đèn mờ nhạt từ trong một vài quán cà phê hay vài bóng người thích lang thang trước những cơn gió cắt da cắt thịt. Nhưng đêm nay lại khác. Rõ ràng, hầu như mọi người đều tuôn đổ ra đường, với quần áo mới, nụ cười tươi, gương mặt rạng ngời dưới những ánh đèn rực rỡ được thắp lên để chào mừng đêm Giáng sinh.

Thành phố chẳng khác một ngày hội. Máng cỏ, đèn hoa, những cây Noël rực rỡ màu sắc, và đồ chơi. Những cửa hàng đông nghẹt người. Quán cà phê đã thay băng nhạc thường lệ để chơi băng nhạc Giáng sinh. Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… Tiếng hát đã hòa cùng niềm vui của một thành phố được xem là quí phái đài các. Chính niềm vui mừng rộng lớn ấy đã khiến bốn chàng thanh niên kia phải tức tốc mang áo ấm giã từ khu nội trú. Tuổi trẻ đã làm họ quên cả rét lạnh, quên cả nỗi xa nhà, để mà lang thang xuống phố. Càng lúc họ càng hòa nhập vào đám đông, đang cùng nhau đổ xuống con đường dẫn về ngôi nhà thờ chính của thành phố.

Một giọng nói cất lên:
- Đứa nào còn thuốc lá không?
Một đứa nói có rồi trao bao thuốc cho bạn. Một que diêm được thắp lên. Hai thằng áp mặt vào ánh lửa xanh. Một thằng bỗng nhiên cất tiếng hát:
- Đưa em xuống phố đêm nay…
Giọng khác nhái theo:
- Em đòi cà rá hai ly…
Lời pha trò đã làm cả bọn cười rộn rã. Bỗng nhiên trong bóng đêm trỗi lên tiếng nói của một người con gái nào:
- Coi kìa, mấy ông con trai, có điều gì vui mà cười quá thế.
Tiếp theo là những tiếng cười khúc khích. Phía thanh niên, một chàng đáp lại:
- Bọn tui cười thì mặc bọn tui. Can chi mô mà mấy o lại thắc mắc?
Giọng Huế pha khôi hài của hắn lại làm cả bọn con gái một phen cười rũ rượi:
- Nhưng tiếng cười của mấy ông có vẻ chi là lạ…
Một thằng đáp lễ, nhưng một thằng khác đã chặn ngang kịp thời:
- Đừng sa vào bẫy. Mày có biết “có vẻ chi là lạ” là gì không?
- Không.
- Là giống đười ươi. Các nàng muốn ví bọn mình là giống đười ươi đấy…

Cả bọn vào con đường đầy ánh điện nhiều nến. Bọn con gái bốn đứa. Một thằng la lên. Quả thật là tình cờ. Ngược lại, theo các nàng, mau lên. Một đứa khác giục. Rồi ba thằng vội vã đuổi theo tiếng cười khúc khích. Chỉ có một chàng thì bước theo chậm rãi, chẳng buồn hòa nhập vào nỗi phấn khích chung của cả bọn. Hình như đó là bản tính của chàng. Nếu người ta nhìn kỹ, người ta sẽ nhận ra sự côi cút của chàng. Lưng chàng khẽ khom xuống, mái tóc bay tự do trước những cơn gió mạnh thổi đến từ bên kia bờ hồ.

Lúc bọn con trai vượt qua, rồi chậm lại để trò chuyện với bọn con gái, thì một cô bé đã tách rời và đi chậm lại. Thế là không hẹn mà gặp, người sinh viên đã tiến sát cạnh cô gái, dễ chừng họ đi song song với nhau. Tuy vậy, họ đã không thốt lên một lời nào. Trong khi đó sương đã phủ dày đặc, ánh đèn đường chỉ là một vệt mỏng, cho đến những vì sao cũng trở nên nhòa nhạt và trên đồi, bóng những hàng thông đã mờ khuất trong sương mù.

Sương mỗi lúc một phủ đầy, khiến hai kẻ đi sau không còn nhận ra cả bọn trai gái đi đằng trước nữa.
Và để phá tan bầu không khí im lặng lê thê ấy, chàng trai hỏi trước:
- Sao cô bé không chịu gia nhập cuộc vui của bạn?
- Còn anh?
Chàng nhún vai:
- Tại tôi không thích.
- Em cũng vậy.
Chợt người con gái hỏi:
- Gần đến giờ Chúa ra đời chưa anh nhỉ?
- Tôi không có đồng hồ, cô bé ạ. Nhưng có lẽ gần đến rồi. Người ta càng lúc càng đổ về nhà thờ…
- Vâng. Em thấy.

Đêm càng lúc càng dày. Và bầu trời càng lúc càng thấp. Tiếng gió hú lồng lộng suốt con đường. Vô tình hai người đi sát vào nhau. Họ không còn để ý đến đám đông, đến đám bạn. Riêng người con gái, nàng đã quên nàng là giọng hát chính của buổi lễ nửa đêm. Hình như có một mối giao cảm kỳ diệu nào đã kết hợp hai tâm hồn người nam nữ để họ cùng nhau bước đi bên nhau, cho dù bước chân người nữ vẫn còn luống cuống ngượng ngùng và miệng lưỡi của người nam như câm cứng. Họ đã cảm nhận thế nào là ái tình. Họ cảm ơn một Đêm huyền nhiệm. Chúa đã ra đời để ban phát tình yêu thương cho nhân loại. Chúa muốn quả đất này sinh sôi nẩy nở và từng đôi, từng đôi tìm đến với nhau, không hẹn hò, không báo trước.

Có phải vậy không? Chắc giờ này, vị linh mục đang phải khốn khổ vì ban hợp ca lại thiếu một giọng ca chánh. Chỉ có đồi thông, chỉ có ánh trăng lai láng, chỉ có thời gian như dừng lại ngàn năm mới thấy được hai người. Ánh trăng trong sương mù loang loáng một màu tái xanh hơn, và từ phía dưới đồi chuông vẫn tiếp tục ngân lên, cùng với tiếng gọi tìm ơi ới của lũ bạn. Đêm đã khiến họ tìm được tình yêu đích thực. Họ giấu người sau một lùm bụi. Rồi tiếng gọi trở nên loãng dần. Trong khi đó, những hàng thông tiếp tục reo lên một điệu nhạc của trời đất vô lượng.

Rồi một động lực nào đó, khiến đôi mắt nàng nhìn lên bầu trời và bật lên lời hát: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa... Chàng nghe nàng hát mà mắt nhắm lại, lòng bật rưng rưng. Tiếng hát vút cao, như chạm vào lớp mây mù, như cuống quít trên những ngọn thông già, như hòa nhập vào một vầng trăng huyền hoặc hư ảo, như ngày xưa thiên thần tụ hội trong bầu trời Bết-lê-hem để cùng nhau cất lời ngợi dâng… Nàng hát, và chưa bao giờ nàng lại hát xuất thần đến như vậy. Bởi vì, nàng hiểu rằng, đêm nay, nàng đã bắt gặp được niềm ân sủng của Thượng Đế không phải từ trong giáo đường tôn nghiêm mà tràn đầy trong cõi vũ trụ vô cùng…

Sunday, December 23, 2012

NGUYỄN QÚY ĐẠI * THÁNG BẢY MƯA NGÂU *


Tháng Bảy mưa ngâu, gợi chúng ta nhớ lại chuyện Ngưu Lan Chức Nữ chuyện tình đẹp lãng mạn, nhưng đời sống hôn nhân của họ bị sông Ngân Hà ngăn cách đôi bờ, hàng năm chỉ gặp nhau một lần qua nhịp cầu Ô thước; ca dao còn lưu truyền trong dân gian:

Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần..
Tháng bảy là tháng mưa Ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu

Chuyện trên trời là vậy, còn chuyện thế gian thì nhiều vô số. Biến cố lịch sử chia đôi Nam-Bắc năm 1954 dòng sông Bến Hải có cầu Hiền Lương đã ngăn cách giữa hai miền! Đến 21 năm sau, dù được nối liền nhưng tình người ngăn cách!

Năm 1975 dù đất nước thống nhất, nhưng đã xảy ra nhiều chuyện tang thương, ly tán…nhiều gia đình bị đánh tư sản đuổi đi vùng kinh tế mới …vợ chồng, cha mẹ, anh em mỗi người một phương trời, phần lớn Sĩ quan, Công chức làm việc dưới chế độ VNCH, kể cả tu sĩ đều bị nhà cầm quyền CS tập trung vào trại cải tạo…vợ mất chồng, con mất cha, gia đình tan nát…Những người may mắn chạy thoát trước khi miền Nam bị thất thủ, vì hoàn cảnh bỏ vợ con, cha mẹ già ở lại trong mong nhớ đợi chờ …

Từ 30. 4.1975, nước mắt của người dân miền Nam có thể nhiều hơn mưa ngâu tháng bảy. Nhiều người vợ ở nhà phải đảm đang, gánh vác nuôi con, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ già, dành dụm tiền bạc mang quà đi thăm chồng, vất vả xin giấy phép tìm đến trại cải tạo, bị cán bộ quản giáo lạnh lùng canh gác nghe ngóng chuyện nhà, thân nhân tới thăm nhìn nhau trong nức nở nghẹn ngào … Tháng bảy mưa Ngâu cũng là tháng của xá tội vong thân, lễ Vu Lan báo hiếu và vinh danh mẹ hiền, người với niềm vui cài hoa hồng đỏ khi còn Mẹ, hoa hồng trắng tưởng nhớ Mẹ đã qua đời. Tôi không thể quên buổi chiều mưa ngày xưa đường xa lặn lội Mẹ đến thăm tôi trong trại cải tạo sau mấy năm xa cách. Mẹ ôm tôi khóc thật nhiều, tình thương của Mẹ như biển rộng bao la, Mẹ con gặp nhau chưa nói hết chuyện nhà, thì cán bộ ra lệnh „hết giờ thăm“.

Mẹ ra về mang theo thương nhớ lo âu, nhìn theo Mẹ tôi nghẹn ngào nước mắt lưng tròng…. Tôi ra trường làm công chức của VNCH thời gian thâm niên 8 tháng, nhưng phải trả giá quá đắt với hơn 3 năm trong trại cải tạo gian khổ! Ngày được trả tự do, về nhà bị quản chế không có quyền công dân, mỗi tuần phải trình diện Công an phường. Nhà cầm quyền địa phương gọi đi thủy lợi, hăm dọa đuổi đi vùng kinh tế mới…Mẹ tôi thao thức nhiều đêm không ngủ, sau đó cho tôi mấy cây vàng và bảo:
- Con cầm lấy tìm đường vượt biên, thế hệ con không thể sống với chế độ mới…

Tôi ra đi, may mắn đến được bến bờ tự do. Sau hơn 30 năm xa cách, ngày trở về thăm lại cố hương với vợ con thì mái tóc bạc màu, Cha Mẹ đã ra người thiên cổ, chúng tôi qùy trước mộ Ông bà, Cha mẹ đốt nén nhang tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục… Hàng năm ở Đức cũng như các nước Tây Phương tổ chức ngày vinh danh Mẹ Mother´s day, ngày của Cha Father´s Day. Báo chí với những bài viết về Mẹ rất thiết tha, những nhạc phẩm ca tụng Mẹ tuyệt vời…. Hai ngày đó những cha mẹ còn sống con cháu về chúc mừng.. trong Thánh kinh cựu ước và tân ước đều có rất nhiều đoạn nói đến lòng hiếu thảo đối với Cha Mẹ, đến nhà thờ nghe thánh ca cầu cho Cha Mẹ. „Xin Chúa chúc lành cho đời cha mẹ con. Công ơn Người như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn…Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dầu xa vô bờ, vẫn nhớ đến tình Mẹ…..“

Đời sống ở Sài Gòn ngày nay bon chen chạy đua theo vật chất, thị trường…Nhưng người ta vẫn giữ phong tục rằm tháng Bảy cúng cô hồn, cho những linh hồn lang thang không người thờ cúng

“Dấu người thập loại biết là đâu
Hồn phách mơ màng trải mấy thu
Cồn biển nghinh ngang bầu thế giới
Những mồ vô chủ thấy mà đau..“

Theo phong tục ở Việt Nam tối Rằm tháng Bảy trước sân, người ta cúng bánh kẹo, chuối, trái cây…mùi nhang thơm thoang thoảng bay xa. Đám trẻ tinh nghịch trong xóm đến đứng chờ ngoài ngõ mong nhận được bánh, trái cây… đôi khi gia chủ đang qùy lạy khấn vái, đám trẻ „cô hồn“ lợi dụng cơ hội tới cướp xôi bánh chạy nhanh! Chùa tổ chức lễ Vu Lan còn gọi là lễ Xá tội vong nhân Sinh hoạt của Phật Giáo cũng có một vài khác biệt, Phật giáo Bắc Tông (Ðại Thừa) tổ chức lễ Vu Lan; nhưng Phật Giáo Nam Tông thì không.

Lễ Vu Lan khởi thủy tại Ấn Ðộ, đạo Phật truyền vào Trung Hoa, Ðại Hàn, Ðài Loan, Việt Nam, Nhật Bản. Ngoài các quốc gia ảnh hưởng Phật giáo Nam Tông như: Miến Ðiện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Nam Dương.. mỗi ngày ăn hai buổi, 6 giờ sáng và 11 giờ trưa, theo lối khất thực, Phái Nam Tông họ không ăn tối, nhưng được phép ăn mặn, không tổ chức lễ Vu Lan. Danh từ Vu Lan nguồn gốc từ tiếng Phạn Sanskrit “ullambana,” được dịch là Vu Lan Bồn. Ullam theo Hán tự có nghiã là đảo huyền, treo ngược. Người Việt gọi là lễ Vu Lan, nghiã là giải thoát những khổ đau, cởi bỏ những nghiệp chướng của con người ở thế gian…. Số người theo Phật giáo đứng thứ 3 trên thế giới khoảng 1,2 tỉ (Kitô Giáo nói chung thờ Chúa là 2,1 tỉ; Hồi giáo 1,3 tỉ)….

Trong kinh Phật dẫn chứng trường hợp của Ông Mandgalyayana theo Sanskrit; Moggallana, Pali; tiếng Hán phiên là Mục Kiền Liên, đọc tắt là Mục Liên, còn gọi là Ðại Mục Kiền Liên, quy y theo Phật là người đệ tử “thần thông bậc nhất.” đắc đạo, trở thành La hán, ông có thể nhìn thấy dưới địa ngục và đã thấy mẹ là bà Thanh Đề bị hình phạt, vì kiếp trước bà mẹ làm nhiều việc ác. Ông xuống điạ ngục lấy bình bát đựng cơm dâng mẹ. Bà Thanh Đề cầm lấy ăn, tức thời cơm hóa ra lửa hồng…không thể ăn được. Ông đau đớn đến trình đức Phật, được Phật dạy là bà mẹ của ông kiếp trước gây nghiệp chướng tội lỗi, phải chờ đến ngày Rằm tháng Bảy, làm đại lễ mời Phật và tăng giới mười phương, cùng tụng kinh cầu nguyện phù trợ, mới có thể giúp mẹ ông giải tội. Ông Mandgalyayana làm đúng theo lời Phật dạy, và mẹ của ông được siêu thoát. Tín đồ Phật giáo noi theo gương Mục Kiền Liên và từ đó lễ Vu Lan đi vào nghi lễ Phật Giáo Bắc Tông, lưu truyền cho tới ngày nay. Rằm tháng bảy cầu cho Cha Mẹ Tổ Tiên của chúng sinh, nếu con cái hiếu thảo biết dâng lễ Vu Lan cầu xin chuộc tội, cũng sẽ được xóa tội vong thân….(theo Wikipedia)

Trước năm 1975, các ngày lễ lớn của Phật Giáo như Phật Đản, Vu Lan thường được treo cờ, tổ chức đại lễ lớn có xe hoa lộng lẫy. Chùa Ấn Quang một thời làm sóng gió của phong trào tranh đấu Phật Giáo với chính quyền miền Nam, Họ từng nhân danh đấu tranh cho Đạo Pháp không biết họ ở đâu bây giờ? „dấu xưa xe ngưạ hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương“. Chỉ còn tiếng nói của Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ở Thanh Minh Thiền Viện luôn tranh đấu bảo vệ cho Đạo Pháp có từ trước 1975 đó là „Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất“ sau 1975 bị xóa tên, ngày nay chỉ có Giáo Hội Phật Giáo VN “quốc doanh“ mà thôi.

Trong nước các ngày lễ lớn, tổ chức đúng ngày tháng theo Âm lịch, nhưng ở hải ngoại thường chọn ngày cuối tuần, vì trong tuần mọi người phải đi làm việc. Sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, luôn phát huy và trường tồn, mang bản sắc văn hoá Việt Nam hoàn toàn độc lập và tự do. Người Việt hải ngoại đã đóng góp nhiều về việc từ thiện, gởi tiền về giúp tu sửa Chùa, nhà Thờ bên quê nhà.
Theo dư luận lệnh của nhà nước đi tu phải „đẹp đạo tốt đời„ dù xuất gia đi tu, nhưng vẫn bị sự quản lý của công an và nhà nước…Vấn đề nầy khác trước 1975 ai muốn tu thì vào Chùa, Chùa có sinh hoạt độc lập và được tôn trọng trong khuôn viên của Chùa, Cảnh sát không được bước vào kiểm soát! 

Giáo Hội tự trị có nhiều cơ sở văn hóa riêng, nhà trẻ, trường Trung và Đại học…Sau 37 năm Việt Nam hòa bình, nhìn bề ngoài kinh tế phát triển, nhưng dân trí chưa tiến bộ, còn những tệ nạn đáng buồn! con gái nhà quê bị rao bán làm nô lệ, xuất cảng lao động v.v..Tham nhũng hối lộ, biển thủ từ trên xuống dưới, hiện tượng kinh doanh vô trách nhiệm „ai chết mặc ai tiền thầy bỏ túi“ như: Vinaline, Vinashin, Điện lực… vở nợ, nợ nần chồng chất đến đời con cháu trả chưa xong…Môi trường sông nước bị ô nhiễm trầm trọng, đời sống thành phố và thôn quê chênh lệch, người ta bỏ vùng nông thôn về thành phố. Sài Gòn tăng khoảng 9 hay 10 triệu người, những dòng kinh nước đen bốc mùi hôi thối, đường phố không có nhà vệ sinh công cộng… Nhà thờ Đức Bà theo lịch sử hơn 300 năm, nhưng phiá sau tường bị xâm thực, đổi màu vì người ta quên sự trang nghiêm của Giáo Đường làm nơi ấy để đi tiểu dù có bảng „cấm đái bậy“. Thế kỷ thứ 21 mà Việt Nam vẫn còn ở trình trạng của các nước chậm tiến, thiếu văn hóa…

Tháng bảy mưa ngâu, thời tiết vẫn như vậy, nhưng đời sống xã hội không thay đổi theo văn minh của nhân loại, không có tự do, dân chủ thì con người vẫn ở cuối giòng sông nước đục. Cuộc sống của người dân chỉ lo miếng cơm manh áo, bon chen đói khổ và tình người trở nên nghi ngờ, thiếu chân thật… Hình ảnh quê hương rất đẹp nên lâu năm sống ở hải ngoại ai cũng muốn một lần về viếng mộ, xây nhà thờ Tộc để đáp lại một phần công ơn cha mẹ, tổ tiên… Đối diện với cuộc sống hơn 30 năm Xã Hội Chủ Nghiã khá nhiều „đổi thay“…giả từ Việt Nam chúng ta mỗi người đều mang theo một nỗi buồn nào đó len lõi vào hồn. Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam ra lệnh cho công an thẳng tay đàn áp, bỏ tù những người dân yêu nước biểu tình chống ngoại xâm. Yêu nước chống giặc là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Người Việt ở hải ngoại, không phân biệt Tôn giáo, Đảng phái trong thời gian qua xuống đường biểu tình, khắp nơi trên thế giới chống việc xâm lăng của Trung cộng cũng vì lòng yêu nước hướng về cố quốc.

Mùa xá tội vong thân, cầu mong cho dân tộc Việt Nam cởi bỏ bớt nghiệp chướng và nhà cầm quyền CSVN sớm ý thức để nhìn lại bài học mất nước của dân tộc Chiêm Thành, vì các vua Chiêm ăn chơi quên việc nước, nhà thơ Chế Lan Viên khóc thương cho cảnh suy tàn đổ nát và niềm luyến tiếc một thời vang bóng xưa của dân tộc Chiêm Thành qua tập thơ Điêu tàn:

Rồi cả một thời xưa tan tác đổ
Dấu oai linh hùng vĩ thấy gì đâu?
thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở
Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau..

Mọi người phải ý thức kẻ thù của dân tộc Việt Nam là bọn CS Bắc Kinh chủ trương xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, chống giặc và chống cả bọn bán nước cầu vinh, phải tẩy chay hàng hóa, thực phẩm độc hại từ Tàu đang giết dần mòn dân tộc chúng ta.
—————————————————–
Chú thích:
1/ Ngày xưa ngày xưa có nàng Chức Nữ là con gái yêu của Thiên Vương, Nàng thường ngồi bên bờ sông Ngân dệt vải may áo cho các em. Ngày kia một chàng trai dắt trâu đến bờ sông, chàng tên là Ngưu Lang đẹp trai thấy nàng chàng liền si mê. Riêng nàng cũng yêu thương chàng .Thiên Vương hiểu được mối tình của hai người nên đã ưng thuận cho Chức Nữ và Ngưu Lang kết duyên vợ chồng. Nhưng họ phải lo tiếp tục công việc sau khi cưới nhau, hai người sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên suốt ngày bên nhau cho nên đã chểnh mãng công việc Thiên Vương giao, khung cửi bỏ không, đàn trâu gầy đói. Thiên Vương giận dữ đầy cả hai xuống bờ sông Ngâu, nhưng bắt mỗi người ở một bên bờ. Mỗi năm Trời chỉ cho hai người gặp nhau một lần vào ngày 1 tháng 7 Âm lịch. Vào ngày ấy, bao giờ cũng mưa dầm dề, đó là nước mắt của cả Ngưu Lang lẫn Chức Nữ. Nhân dân gọi đó là mưa Ngâu. Những vợ chồng trẻ vì nhiệm vụ hay vì một hoàn cảnh nào đó mà luôn phải xa cách nhau thường được ví “như vợ chồng Ngâu”.