văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, December 27, 2012

Lâm Văn Sang * đào hải triều đọc đá vẽ tranh

     

Ngôn ngữ nghệ thuật xuất hiện trong lịch sử con người rất sớm. Dường như không có một quyển sách lịch sử nghệ thuật nào quên kể lại thuở mới bắt đầu có những thể hiện khách quan của kinh nghiệm con người bằng những hình ảnh ghi khắc trên xương, sừng, ngà và trên đá. Nhìn lại quá khứ đó, người ta dường như cũng đồng ý với nhau một điều: ký hiệu chữ đầu tiên được tạo cũng từ hình ảnh. Con người vẽ hình trước khi vẽ chữ. Con người còn vẽ hình trước khi gắn lên sinh hoạt đặc thù này hai chữ “nghệ thuật” (hay một chữ art) và trước khi kịp thời đặt tên cho kẻ tạo hình là “nghệ sĩ” (artist, người sáng tạo nghệ thuật). Điều này cũng c
ó thể hiểu và không loại trừ khả năng trước khi có ngôn ngữ viết, trước khi có dịp ghi chép xuống thành văn bản (trong ý nghĩa có cơ hội tồn tại nhiều hơn), ngôn ngữ nói (lời nói như gió thoảng qua tai) dùng để diễn tả “nghệ thuật” và “nghệ sĩ” có thể khác hơn.

 
Ngày nay chúng ta không biết nhiều lắm về buổi đầu bí ẩn của nghệ thuật đó. Theo Richard Leakey, trong “The Origin of Humankind,” chuyện khởi đầu vào khoảng 30,000 năm trước. Và trước khi chế tạo ra giấy và vải (rất dễ bị cướp giật đi), con người đã vẽ tranh trên đá. Chuyện này xảy ra trễ hơn và toàn thịnh vào khoảng từ 18,000 đến 12,000 năm trước. Bên cạnh những hình ảnh (vẫn còn rất sống động bây giờ) trên các vách đá trong các hang động như Lascaux, Altamira... người đời nay còn chứng kiến những hình ảnh khác, không rõ ràng, mờ nhạt hơn, không thuyết phục. Có ý kiến cho rằng những hình ảnh đó không phải do người tiền sử để lại mà là dấu vết của thời gian (gió, nước, thời tiết, nhiệt độ...) tác động trên mặt đá. (Còn mặt người, có khác gì không, cái dấu vết thời gian khó che giấu đó?)
Mọi người đều biết trên đá có hình ảnh. (Rõ hay không, hình ảnh đó có một phần trí tưởng tượng của người ngắm nhìn.)
Họa sĩ Đào Hải Triều cũng biết điều này. Có hay không sự tình cờ? Ban đầu đối với ông có thể chỉ là sự tình cờ của đời sống gắn liền với đất-đá-cây-cỏ. Ông sinh sống trong thế giới đó và tạo dựng một thế giới khác trong tranh. Trong thế giới nghệ thuật này, tôi đã viết một lần đâu đó, ông là người không ngừng tìm kiếm chất liệu mới, thể nghiệm mới. Ông để mắt tới đá vì những yếu tố căn bản về hình thức của một họa phẩm hiện hữu trong đó: đường nét, màu sắc, ánh sáng, bóng tối, văn lý (texture), hình thể. Và hơn hẳn, vượt qua cái mặt phẳng trong không gian hai chiều phổ biến của tranh mà trên đó người ta (họa sĩ) có khi tìm cách (giả) tạo ra không gian ba chiều hay làm nổi lên với chất liệu sơn dầu, đá tự nó đã nằm ở chỗ người khác phải tìm cách thể hiện.
Đào Hải Triều nói với tôi ban đầu ông chỉ nghĩ, chú ý tới sự phong phú về văn lý của đá cho một dự án viết thư pháp. Đã có lần, vài năm trước đây, ông đã triển lãm thư pháp viết trên nhiều chất liệu khác nhau làm nền, trừ đá. Dường như, sau lần đó, trong đầu óc sôi nổi của mình, ông vẫn chưa hài lòng lắm. Ông vẫn còn muốn đẩy nghệ thuật viết chữ tới những giới hạn mới hơn. Đá có lẽ là bước hợp lý kế tiếp. Nhưng rồi ông dừng lại ở kế hoạch chỉ mới được thành hình trong ý tưởng. Bởi vì không có lý do nào được đưa ra giải thích cho sự từ bỏ nửa chừng đó, điều này có nghĩa ông sẽ tự tạo ra một dịp khác trong tương lai không chừng. 
Bỗng dưng một ngày Chủ Nhật cuối năm, trời lạnh tê tái, ông rủ rê tôi tới xưởng vẽ. Và như thế tôi đã đến để làm nhân chứng trước tiên cho sự khác thường của một phòng tranh đầy đá. Ông sôi nổi trình bày, giải thích. Tôi như bị lây bởi sự hứng khởi đó bấm máy hình liên tục. Những tác phẩm mới nhất của ông phần lớn chưa hoàn tất, tôi biết ông không dằn lòng được muốn chia xẻ điều mới mẻ này với tôi trước khi mời mọc, chia xẻ với người khác, mọi người, cho đợt triển lãm dự định sẽ được thực hiện vào đầu tháng Giêng. Trước đó, ông bị tai nạn. Cánh tay trái vẫn còn treo trên cổ có gây khó khăn nhưng bất tiện đó dường như không ngăn trở ông, người vẽ một tay, tiếp tục làm việc, chậm lại.

Tôi không biết người xưa vẽ tranh trên đá thế nào. Tôi chỉ biết qua kể lại bằng nhiều cách diễn giải khác nhau bằng suy nghĩ của người thời nay có khá nhiều điều kỳ thú không chứng minh được. Tôi chỉ biết Đào Hải Triều tuy chọn đá làm nền đã không vẽ như người xưa. Trước kia người ta biểu hiện tự nhiên lên vách (mặt) đá như một chất liệu không tiếng nói, như một phương tiện để vẽ. Vẽ là hành vì vừa sáng tạo vừa hủy diệt. Đào Hải Triều đọc trên mặt đá, lắng nghe tiếng nói của đá trước khi vẽ. Ông không hủy diệt chân dung đá. Ông nương theo những đường nét có sẵn trên đá (những tiếng nói thì thầm đó) làm rõ hơn, phóng lớn lên, khuếch âm, tô đậm... Ông biến tự nhiên thành văn hóa, biến đá ra con người. Ông mang tự nhiên đến gần hơn với con người bằng những hình ảnh quen thuộc hơn với con người.
Trong xưởng vẽ ngổn ngang cọ màu và đá đó, hình ảnh trên đá sống lại một đời sống khác dưới nét cọ kỳ diệu của Đào Hải Triều với cách giải mã ký hiệu đá đặc biệt của riêng ông. Đó là cuộc chuyện trò trực tiếp với tự nhiên. Ông không trình bày tự nhiên qua trung gian của khung vải để đến với người xem tranh như mọi người. Ông trực tiếp mang tự nhiên đến với người xem. Ông không chọn lọc trong ý nghĩa chỉ trình bày tự nhiên ở một góc cạnh nào đó để chỉ còn lại một trường phái, một tên tuổi. Ông chọn lọc trong một ý nghĩa toàn diện hơn để không còn, không chỉ ở trong giới hạn mà xóa bỏ mọi giới hạn của biểu hiện trong nghệ thuật hiển thị. Thạch họa của Đào Hải Triều vì vậy mới trong cái quen thuộc của đời nay, và bây giờ.
Tôi chờ để được xem ấn bản cuối cùng của phòng tranh chưa đặt tên của họa sĩ Đào Hải Triều.

     Lâm Văn Sang