văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, September 6, 2013

CUNG TÍCH BIỀN ♦ nỗi đau đông dương

 

I.
 

Hai người bạn. Rất thân thiết từ thuở nhỏ. Có lúc ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Học cùng trường, cùng lớp. Chỉ chia biệt, và tử sinh đối kháng khi trưởng thành, trong mỗi giới tuyến mà chính họ ít thẩm quyền tự quyết.
Cuộc tranh chấp dai dẳng hơn hai mươi năm vừa kết thúc, họ mới có dịp gặp lại nhau. Xa nhau vì chiến tranh. Gặp lại nhau vì đất nước bị rủi ro hòa bình.
Một cách diễn dịch dễ hiểu hơn: “Hòa bình để gánh chịu nhiều rủi ro, đày đọa, chết chóc hơn thưở chiến tranh. Hòa bình trong hoàn cảnh này là một thảm họa lịch sử. Một đại bộ phận dân tộc là thành phần chiến bại, là đương nhiên nằm dưới, và trong, cách xử lý của kẻ chiến thắng.”
Hai người bạn gặp nhau. Không hề có bắt tay, ôm nhau, mừng sum họp. Không ngồi chung một bàn trà để hàn huyên tâm sự. Mà cùng ngồi trên một mô đất cháy, hãy còn dấu vết lửa đạn, nơi một cánh đồng ngoại ô.

Ngồi bệt. Một trời khô từ tầng mây. Cỏ dưới mông những cọng màu nâu pha tro. Một người hai chân bị trói. Một người kia thắt lưng đeo một cây súng sáu, tay cầm một cái búa, loại hành quân đường rừng.
Cái búa này mà đập chơi một phát. Vào đầu. Cam đoan óc tủy phọt ra.
Óc bất ngờ phọt. Thì vô cùng mạnh.
Như một tử tội bị chém ngang cần cổ. Chỉ một nhát gọn. Nhanh. Tốc độ đẩy máu từ quả tim cực mạnh chỉ còn mỗi chỗ cần cổ thoát ra bất ngờ, vòi máu ấy phọt trồng đứng lên, có thể cao hơn một thước chỗ chém ngang.

**
Gió kinh đô hãy còn phảng phất màu hương cũ. Ngọn nước từ thượng nguồn đổ về cửa sông Bốn – Mặt vẫn điềm nhiên với lãng đãng trôi. Ấy là với thần thái của tự nhiên. Với hai người bạn, họ đã dung rủi, khu trú bao năm trong mỗi tư tưởng luôn thù nghịch, nên nhìn ngược chiều cả những điều tự nhiên, hay thiên nhiên, bày sẵn.
Cùng một màu nắng nhưng nắng chia hai theo tâm cảm mỗi con người. Người chiến thắng nghe đất ấm, cực là mãn nguyện, tự vỗ về:“Hôm nay hòa bình, tôi được ung dung trên Đất Mẹ”.
Một người kia, nghe lạnh châu thân. Không than van nhưng từ đáy sâu số phận đã cất tiếng: “Đất Mẹ vẫn ấm, nhưng con sẽ về với Mẹ trong cái cách khác hơn. Rồi Mẹ sẽ hiểu”
Cái cách nào khác hơn?
Trong cuộc phân tranh, Mẹ không hề dạy con cái cách trở về hèn nhục này. Lẽ ra con phải tự xử trước khi đôi chân bị trói, trong số phận một sĩ quan chiến bại”

**
Nơi xa kia, xanh xanh hàng cây thưa, bờ tường vôi, mái ngói loang loáng nắng, từng đoàn người trong thủ đô là cư dân bao đời nay đang bị quân chiếm cứ tức tốc xua đuổi ra khỏi thành phố. Già trẻ lớn bé hàng hai hàng ba, lô nhô trôi dạt. Con-suối-nhiều-màu-y-phục chảy từ những khu đại lộ, về phía cánh đồng, ra các ngả ngoại ô.
Nhìn mông lung trong chiều, nhìn rộng khắp bốn bề, là tràn làn ngập ngụa dòng-sông-người. Những dòng máu hồng hoang từ kinh thành, lồng ngực quê hương. Những dòng máu mắt nhìn, mang hơi thở, tiếng khóc trẻ thơ tỏa đi rộng dài hơn. Chảy về phía màn đêm sắp buông.

2
Chỉ vài giờ sau, khi lá quốc kỳ của một chính thể mới được cắm trên đỉnh Dinh Tổng thống, mọi sinh hoạt trong thủ đô đã triệt để đổi trắng thay đen.
Quân vương đã phải sống lưu vong từ nhiều năm trước. Vương quốc biến ra một nước Cộng hòa, đứng đầu là Tổng thống. Dân chúng một lòng còn yêu mến Vương triều, Hoàng cung vẫn là nơi chốn biểu hiện lòng tôn kính. Những biểu hiện bên ngoài của chính thể mới của màu sắc thời thế đã là một sự thật, nhưng là một chấp nhận có tính bất khả từ của dân chúng.
Kách mệnh đã về.
Đầu tiên là không còn tiếng chuông chùa. Các sư sãi tức khắc cởi bỏ áo cà sa chuông mõ lại sân chùa. Bằng đôi chân trần thô tháp, không là bước khoan thai trên lề đường khất thực mọi ngày. Họ bị lùa đi, bên cạnh bọn lính cầm gậy gộc, cuốc, xẻng, búa nhiều hơn cầm súng. Chúng rất trẻ, chúng đồng phục, rực khí thế một bầy đàn điên, đang say sưa hò hét.
- Pol Prum, Pol Prum.

**
Không còn đèn đường. Không bưu diện. Không trường học. Không chợ búa. Không cả trạm xá, nhà thương. Tất cả vì một lệnh cấm. Cấm. Ở đây không có nghĩa là chỉ ngưng hoạt động một thời gian để chờ chính quyền mới cải tạo, đổi mới phương thức sinh hoạt. Không hề có phục dựng. Đã rất xa lạ với ý niệm phục sinh. Lệnh cấm ở đây là một quyết định sắt máu, là tuyệt đối phá hủy, đập cho tất cả tan nát đi, biến nó thành những đống gạch vụn, những rừng xương núi đầu lâu.

**
Không dùng tiền. Không có quyền trao đổi thư tín, dù thư tay. Không được tụ tập, thăm viếng. Dân chúng ai chỗ nào ở chỗ đó. Chờ đến lượt trẻ già nội ngoại, cả phụ nữ mang thai, người đang đau ốm, tàn tật, tất cả nhất tề phải bị lùa đi, rời xa thành phố.
Không có tiếp tế thức ăn nước uống. Không hề có một đoàn y tế để chăm sóc biển người bụi, máu, mồ hôi. Nếu có ai không may chết bịnh chết khát trên đường di chuyển, dù xác được vùi tạm chỗ bờ ruộng, vẫn là một may mắn vì thân thể còn toàn vẹn.
Không còn ai kịp quan tâm đến tiếng rên rỉ của người già, tiếng khóc thét trẻ thơ. Tất cả là một biển kinh động, khích động, đè bẹp cả sự sợ hãi thường tình. Không ai được mang giày dép. Không được tâm sự, than vãn. Không tất cả. Trừ mỗi một việc, mọi người phải gắng giữ nhịp thở để mong cái chết đến chậm hơn, nếu Thần Chết lười biếng muốn đến chậm.
Đây là thời kỳ “Lọc máu nhân dân” của Thần Chiến thắng. Bọn người cũ, kẻ chiến bại, phải tuyệt đối đi về phía tương lai ma.

3
- Cho xin một viên đạn, Pol.
- Đã có cái búa. Thạch Sum, bạn thấy không, bọn ngoài kia, bọn thiếu niên ấy, chúng vừa hát vừa dùng cả lưỡi cuốc.
- Mình rất sợ cái chết nửa chừng. Sợ phải rên rỉ qua đêm.
- Cũng nhanh thôi.
- Pol, năn nỉ đấy. Hãy bắn ngay vào màng tang này này. Hoặc ngay chỗ ngực trái này này. Sẽ không tốn viên thứ hai.

**
Giờ chung quyết. Thần Đêm lên tiếng hát. Âm vang màu đỏ máu, phả sức nóng căm thù, và bốc sặc sụa mùi Quốc tế anh em. Hát tụng để Hóa Đen cho hơn triệu linh hồn.
Tổ quốc hôm nay đang bị cắt nhượn chân.
Cái chết ở đầu kia hay phía này? Tới từ trước mặt hay từ sau lưng? Cái chết như thằng khùng giỡn chơi. Nó không phương hướng. Không là trên hay dưới. Trong hay ngoài. Không dành riêng cho kẻ có tội hay không tội. Chết tất.
Cái chết đi từ trong lịch sử đi ra.
Đi ra từ Cửa Mình Mẹ.
Một bọn con cái. Một bọn cùng bào thai. Bao la. Không miễn trừ. Tử thần khá rộng lòng. Nhận cả tiếng khóc em bé sơ sinh bị lưỡi búa làm vỡ một mảng đầu. Nhận cả những hình nhân vốn đã tàn tật vì trận mạc trước đó, nhưng không may giờ này, hôm nay, đứng vào danh sách hôm qua mày từng là kẻ thù.

**
Đã có một bản án chung.
Chỉ gỏn lọn trong một câu chữ:
Tất cả không là Ta, tất cả không có quyền tồn tại”.
Phán quyết này được thu âm bằng cốt mìn.
Hoặc bằng cách, là trái phá tra vào nòng.
Và được phát ra trong khói súng.
Có khi là phát âm từ cái lưỡi liềm, cái xà beng, gậy sắt, cuốc, dây thọng treo.
Chánh án là cái còng. Chánh án, dây kẽm gai trói cần cổ, tay chân thay còng.
Tùy nghi, linh động cái cách thi hành án.
Thạch Sum”.
Hãy ngẩng đầu. Và nhớ đi.
Không ai còn đầu óc nhớ một giọt quá khứ, dù là giọt sương vừa sớm nay. Có nghe tiếng gió từ thành đô đưa lại, cũng chỉ là dòng tin đặc biệt từ Thần Chết.

4
Kách mệnh đã về. Hồng binh đã tụ hội.
Kẻ thù của K. chỉ còn mỗi điều kiện: “ Nếu sống sót, là sống một mắt. Con mắt kia tự móc ra để trả nợ quá khứ”.
Đâu riêng một cá nhân bị chặt bằm. Đâu chỉ bằm cái Máu Thịt. Mà tất cả những gì dính dấp tới cái xã hội Hôm Qua là phải mang án tử.
Có cái dáng đứng, cái làn điệu, cái màu sắc, âm vang, có hơi thở mang nội dung, hơi hám thế giới cũ? tử hình. Tượng Phật? tử hình. Thánh giá? tử hình. Chữ nghĩa tổ tiên? Án tử. Bàn ghế cô giáo ngồi giảng bài đều nằm trong danh sách dọc dài, vô tận mọi thứ chờ hủy diệt. Phải đốt cho sạch. Phải đập cho tan. Dù phải dùng máu người thay cho những vòi nước xịt rửa.
Một gã mù, trong ngày điêu linh, có thể ca lời sấm truyền:
Một dân tộc anh hùng là một dân tộc trong ngoài in máu”.
Biết Cách Dùng Máu hay Sai Lầm Từ Máu, đều anh hùng”.
Tượng đài vĩ nhân anh hùng không nhất thiết sơn phết bằng máu sạch.

**
- Pol, hãy bắn tớ đi.
- Thạch Sum, nhìn bọn nhỏ ngoài kia kìa.
- Bọn thiếu niên ấy à, bọn giết người không gây tiếng nổ ấy à.
- Đúng. Nhưng có nạn nhân nào giãy giụa lâu dài đâu. Đã ướt đỏ một cách đồng.
- Xa quá, mà trăng mờ quá mình không thấy rõ.

**
Cái Xã hội Hôm Qua, thế giới Cộng Hòa là ai? Cái gì? Từ đâu? Chỉ riêng Con – Người hay cả vật dụng từng được con người sử dụng? Chỉ loại hai chân có máu trong châu thân hay cả chim chóc chó mèo, vườn tược cây trái, cuốn sách, quả chuông, cây thánh giá kèm theo?
Có phải đào bới cái hài cốt thù địch đã an phận im lìm xương khô nơi nghĩa trang? Là cái rễ cây trót bón phân tư sản cắm sâu trong đất? Hay cái vừng hào quang bay lơ lửng trong những cơn mơ nghệ thuật giàu sáng tạo. Ôi, là tất cả những gì đã dính vào số phận Cộng Hòa. Hữu hình hay vô hình. Giết người cầm súng. Hạ nhục luôn cả cái đã thăng hoa như thần linh trong miếu đền.
Là tất cả những gì thấm đậm tính nhân văn, đã cùng dưới một trời, hòa một cơn mưa, cùng đêm tối. Đó là đốt trang sách có hàng chữ tự do, lột bỏ đi cái bảng đường chỉ tên danh nhân anh hùng nơi góc phố, của một lịch sử quen thuộc nằm sâu trong tâm thức giống nòi…Là thiêu hủy bài sớ tụng chỗ nhà thờ, đập bỏ cái áng thư, ấn tín; dùng cái búa hỏi thăm con chó ngoan trong biệt thự, cái búa chào bức tranh, chào cái bình cổ, chiếc ghế thiếp vàng, cây đàn piano…Con sáo đẹp đẽ đang nhảy nhót trong lồng ư? Mày cũng là di sản cần tiêu triệt. Mày đã dính cái mùi Cộng – Hòa – Ngày – Hôm – Qua.
Kách mệnh”
Hãy thay mặt, hãy đứng lên như một Thiêng Liêng Mới. Là treo cổ “Lịch sử”. Bằm, chặt, nã đại bác vào nguồn cội gọi rằng nền văn hiến. Phải giết, đốt, quét sạch. Làm mới. Phải ươm lại cái vườn cây con giống nòi, dù chỉ rặt một loại cây rặt một loài hoa, cho mai sau.

II.

Sĩ quan Pol Prum không mang quân hàm trên cầu vai. Thắt lưng đeo một khẩu súng sáu sản xuất từ Trung Quốc. Tay cầm một cái búa, vừa đủ đập toát óc một đầu người vạm vỡ.
Thạch Sum, một sĩ quan chiến bại, ngồi nhỏm trên một mỏm đất. Hai chân bị cột dính vào nhau. Da ngăm đen, khuôn mặt cương nghị. Khi hãy còn chỉ huy ngoài mặt trận vào những ngày cuối cuộc chiến dai dẳng, Thạch Sum đã biết rõ cái chung cuộc này.
Pol Prum lấy gói thuốc lá. Rút ra một điếu. Anh bẻ làm đôi, trao cho Thạch Sum nửa kia. Châm lửa mồi thuốc cho bạn cũ, Pol nói:
- Làn khói vĩnh biệt. Thạch Sum ạ, thắng bại nhục vinh chỉ kết thúc bởi làn khói nhẹ thoảng của nửa điếu thuốc này.
Có một vài tiếng nổ lớn trong nội ô vọng lại. Thạch Sum nói nhỏ:
- Hãy còn tiếng nổ kia mà. Sao không dùng tiếng nổ cho tôi.
Pol giảng giải:
- Đó là tiếng nổ hòa bình. Lực lượng ta đang cho nổ để phá những đền chùa, những dinh thự của bọn quan lại.
Lại có những đám cháy hừng lên xa xa, Thach Sum phân vân hỏi:
- Hình như một phần kinh thành đang bị hủy diệt ?
- Không phải. Đó là vừng hồng chủ nghĩa. Nó đang đốt đêm đen, làm mới những số phận. Lịch sử cũ phải cháy, cháy toàn bộ trong cần thiết hỏa thiêu.

**
Thạch Sum hít một hơi thuốc cuối, ngọn lửa rực tận môi. Anh ngậm khói thuốc trong miệng, và nuốt luôn cái khét đắng xuống cần cổ.
Pol Prum sờ cái búa.
Thạch Sum hỏi:
- Những năm đào thoát, vào cùng bí mật, Pol làm những gì?
- Tôi thực hiện lý tưởng.
Pol lại hỏi:
- Vậy những năm ở lại trong cái thủ đô này Thạch Sum làm những gì?
- Tôi bảo vệ lý tưởng.
- Lý tưởng gì?
- Bảo vệ thể chế đa nguyên. Giữ cho Tự do còn sống sót.
- Sai lầm rồi.

2
Dưới ánh trăng có một hàng cây thốt nốt.
Cũng như một hàng tre xanh ở Việt Nam, đó là hình ảnh của biểu trưng quê nhà.
Cây tre, có cây nảy ra măng non, có cây không; nghĩa là có đực có cái. Nhưng cây đực cây cái chẳng khác nhau bao nhiêu. Thốt nốt, loài cây đực cây cái khác nhau xa. Khác từ dáng đứng, cách buông cái vòi, cách cho đường ngọt hoặc không.
Cây tre luôn sống chung thành hàng thành lũy. Thốt nốt đứng riêng rẽ. Nhiều cây đực đứng chơ vơ trong nắng, hiu hiu giữa đồng không mông quạnh như đang đợi …cây thốt nốt cái từ xa ngỏ lời. Một cách “ gởi hương cho gió”
Cây tre, nghĩ cũng hiền. Tự thân nó chẳng đâm chém ai. Chỉ khi qua tay người, vót nhọn tầm vông mới đâm thủng bụng người. Cây thốt nốt có những cái bẹ hoắt nhọn, cứng như lưỡi đao thép. Trong mùa đầu lâu, bọn thiếu niên hăng màu dùng loại bẹ này như kiếm nhọn để đâm, hoặc cứa cổ hàng loạt bà con, đồng bào
Trong cái bóng vàng dằng dặc của hàng cây xa chừng như có những hang động mở đường vào quá khứ. Thạch Sum nghe cay đắng một nỗi buồn. Những ngày qua, những năm tháng qua, bay lơ lửng. Không thăng hoa. Không là mộng ảo. Nhưng hình như nó không rõ thật. Nó chìm tan trong bóng cây tối hoang đầu kia. Nó chạy suốt, như tiếng mưa hoang mị trong cánh rừng tuổi nhỏ.
Thạch Sum nói mơ màng:
- Pol còn nhớ ngôi trường tiểu học của chúng mình. Hồi ấy mùa nước lên nước tràn vào tận chân bàn học. Mặt hồ trở nên rộng hơn. Chim trời bay nhiều. Và mây rất xám.
- Ôi cái hồ ấy à, nó là một cái biển. Một biển cá. Nhưng bọn tư sản vơ vét hết. Bọn ngư dân vẫn muôn đời nghèo khó.
- Mình nhắc Pol về ngôi trường kỷ niệm kia mà.
- À, ngôi trường. Nó là kỷ niệm hạnh phúc đối với cậu. Còn Pol này thì đó là nơi dạy mình biết nỗi nhục, cái thiệt thòi, cái dở dang của một đứa con nhà bần cố nông là gì.
- Hằng ngày Pol vẫn về ở nhà mình, Mẹ mình vẫn cho cơm ăn, áo mặc. Có đêm lạnh Pol ngủ chung giường mền với mình.
Pol thở ra. Pol nói:
- Quả có như thế. Cha mình cày thuê cho gia đình cậu. Mẹ mình đi cấy thuê. Chị mình giữ em, dọn nhà, giặt giũ. Nói chung là cả nhà mình làm đầy tớ cho cha mẹ anh em nhà cậu. Một dạng đầy tớ truyền kiếp có từ thời ông nội của mình.
Bầu trời bỗng mờ tối. Hoang đường. Có thể cánh đồng hòa máu, tiếng hát hò, tiếng gào thét của bọn trẻ dưới kia, làm bầu trời mỏi mệt, ánh trăng co thắt lại. Cái trăng khô teo. Và mây mù minh mang ra.

**
Trong ánh vàng run rẩy, có ai xa thổi kèn.
Tiếng khẩu cầm, bài Chào tạm biệt
Tiếng kèn vừa lơ lửng thì im bặt.
Hình như có tiếng búa đập vào tiếng kèn.
Tiếng kèn đổ máu.

**
Lại có tiếng hát.
Rồi như bị tắt bất ngờ.
Những âm cuối cao lên, vỡ òa.
Đẩy ra trong cái tối mông muội một đường bay.
Cái âm thanh ấy.

**
Pol Prum than phiền:
- Giọng hát ma trơi. Tiếng kèn tư sản. Sao là Bài ca tạm biệt. Bọn Cộng Hòa ngày ngày mong quay lại thế gian này lần nữa sao.
Thạch Sum nở một nụ cười. Với anh, lời tạm biệt trong tiếng kèn này luôn vang lên xưa kia, vào đầu mùa hè, lúc cái hoa phượng rực đỏ, bạn bè cùng lớp tạm chia tay nhau trong ba tháng hè. Bây giờ tiếng kèn khuya này tạm biệt một ngăn hộc lịch sử. Lịch sử chỉ tạm nghỉ hè. Rồi sẽ trở lại. Sẽ triệu nụ cười trở lại. Nhưng trong đêm ác mộng này, tiếng kèn mang màu sắc khác hơn. Nó lạnh cái lạnh cuối mùa chinh chiến. Cái màu hung hiểm, của mùi phi nhân nghĩa, cuộc thay áo Đông Dương 1975. Âm vang nó bay xa, cáo chung mùa hạnh phúc, và khởi đầu một màu đen tương phùng cùng tuyệt vọng, trong bất hạnh hòa bình.
Chỉ tạm biệt?
Rồi Lịch sử sẽ quay lại?

3
Pol mở bi đông nước. Uống một ngụm. Rồi rót ra trên cái nắp bi đông một ít nước trao cho Thạch Sum.
Pol nói:
- Chúng ta không giết nhau vì những vụn vặt của thù hận riêng tư.
- Nhưng thù hận vẫn là một nòng cốt của động lực trả thù và thanh toán những dấu vết, Pol à.
- Không phải. Chúng ta một mất một còn vì cái lớn lao hơn. Vì sao Thạch Sum biết không? Vì tôi khác anh. Tôi có Lãnh tụ và Lý tưởng.
Thạch Sum vẫn giữ nụ cười, nhưng mỉa mai hơn:
- Vậy thì ngay giờ đây Pol hãy nhân danh lý tưởng của Pol, và xin phép lãnh tụ của Những – Pol
- Để làm gì?
- Để hân hoan ban thí cho những đồng bào bị các anh đọa đày nơi bãi rộng kia với cuốc búa xẻng bằng những tràng đại liên. Hãy kết thúc nhanh gọn, bớt đau đớn hơn. Hãy học cách giết người của bọn phát xít Đức. Hơi ngạt của bọn phát – xít vẫn là nhân đạo hơn búa với liềm.

**
Pol Prum động viên:
- Yên chí, không phải thều thào dai dẳng đâu. Sẽ có một đoàn kiểm tra, sẽ có cái dứt điểm nhanh gọn – như phát súng ân huệ của một linh mục- đối với những tử tội. Thạch Sum ạ, Không một tội nhân tầm cỡ nào được quyền chết hụt. Hay giả chết để chờ được cứu.
Pol sờ cái búa. Nói tiếp:
- Vã lại, khi vứt chung xuống một hầm tập thể, năm bảy chục mạng người đè lên nhau cũng chết thôi. Máu rừng người trên sẽ làm lớp người dưới chết ngộp như chết nước thôi. Bạn thân thiết ạ, bạn có cần nói lời cuối cùng không?
Thạch Sum giọng trở nên rắn rỏi:
- Tương lai sẽ Nói.
Pol cười lớn:
- Thời gian không mang một tội lỗi nào. Tương lai hay quá khứ chỉ là cách đi tới hay bước lui của tự nhiên, là bất khả từ đối với con người. Chỉ có chúng ta tạo ra những gì gọi là nội dung nhân văn cho tháng ngày mà thôi.
- Vẫn cứ là một quỷ biện.
- Thạch Sum ạ, nếu ngay hôm nay Thạch Sum là kẻ chiến thắng thì bây giờ anh cầm cái búa, còn đôi chân của Pol này lại sẽ bị cột, còng thế chỗ Thạch Sum, thế thôi. Biết đâu khi Thạch Sum thắng trận, tình thế lại rối rắm hơn. Dù sao chúng tôi cũng rành mạch sòng phẳng hơn các anh. Là chúng tôi giết sạch đốt sạch, phá hủy tất. Không nhì nhằng. Chúng tôi có thể nhầm lẫn, nhưng là những nhầm lẫn cần thiết, những yêu cầu có chủ trương, đúng quy luật tiến hóa.
Thạch Sum sờ cái ót.

III.

Cái mô đất con trăng tháng Tư hai người bạn Cộng sản – Cộng Hòa ngồi xưa kia, hãy còn lại. Hình như đất đai có tính vĩnh cửu. Hay tạm vĩnh cửu để chờ động đất, núi lửa, bão tố đổi thay.
Cỏ dưới mông người xưa chỉ còn những gốc úa màu cháy.
Mùa mưa rồi sẽ tới.
Cỏ trên đồng rồi sẽ xanh lại như hằng xanh.
Nước mặt hồ sẽ trải rộng ra tận những hàng cây rậm bóng. Người thả lưới chài phải bàng hoàng nghe trong tiếng sóng mềm. Rằng thịt da anh em đã có trong bụng cá trong hồ.
Bọn cá sấu một thời cũng buồn lắm. Không có cái thú đớp một cẳng chân hay một tay người còn tươi máu lúc đang bơi. Chúng nó, bọn chúng cá sấu ấy, bọn chẳng hề muốn ăn thịt Cộng Hòa tí nào, bọn ấy chán quá, một thời “lọc máu nhân dân” chúng không may chỉ xài toàn “đồ nguội”, “thực phẩm lâu ngày trong sông nước Mẹ”. Ấy là xác con cái Mẹ lềnh khênh.

**
Trong tiếng hát thanh bình, người cày ruộng để lên mùa phải cẩn thận lắm. Phải chậm chạp, vì thương những chiếc đầu lâu có khi vướng vào cái lưỡi cày.
Có con trâu dừng lại.
Bên bàn chân nó đẫm, phòi ra mặt nước một khuôn mặt người.
Một khuôn mặt cười đã cũ.
Một cái đầu không tóc, xám màu xương.
Một đôi mắt quá khứ nhìn sâu thẳm. Không có tròng trắng tròng đen. Một khoảng trống tối om. Nước và gió lùa ọc ọc, từ mi mắt vào tận trong óc rỗng.
Một dĩ vãng cất tiếng nói dưới những luống hoa vừa ra màu trên đồi nương.

2
Trong khi hai người bạn ngồi chỗ ngoại ô xưa kia, những con đường trong thành đô vẫn dưới ánh trăng. Nhưng chỉ mưa và trăng. Về sau. Cỏ mọc. Nơi nào có thể mọc, tha hồ mọc. Lề đường. Thềm hoang. Nơi đền đài.
Và loài, lũ, đoàn, gia đình họ chuột nhởn nhơ, càng ngày càng to lớn hơn, do những thực phẩm trần gian bỏ lại trong khắp phố phường vắng bóng người. Bọn chuột chù chuột nhũi từ bỏ cống rãnh. Bỏ những địa đạo hào sâu trong lòng đất. Chúng tự do hoang lạc ngay nơi những sảnh đường sang trọng của triều đình xưa kia.
Chúng không hề phân biệt được Ánh sáng và Bóng Tối. Chúng hiểu bóng tối chính là một dạng Ánh sáng khác. Sống bao năm trong hào rãnh với xác chết rong bùn, chúng chỉ có một thứ ánh sángBóng tối. Bây giờ đối diện Mặt Trời, bây giờ trong một xứ sở mà Con Người, toàn bộ giá trị chân chính của Con Người, suốt dài cái lịch sử thanh sạch của Giống Nòi, đã bị chúng Triệt-Để-Truy-Diệt, bọn súc vật này sẵn sàng tạo dựng một xã hội đặc trưng riêng màu. Một Xã – Hội – Thuần – Chuột.
Cỏ hoang dệt lưới tháng ngày.
Những lá khô hóa bùn trên mái.
Trên trang kinh mờ chữ, bầy dơi thiêng, Chùa, Tháp, hơn một lần thương tích. Lời than van trong trái rụng. Rụng kinh nguyện. Đó là tiếng kêu của một quê hương Mất-Bóng-Người.

3
Có thể nào xóa sạch sự tồn vong của một dân tộc? Dù dân tộc ấy can qua bao giấc mộng điêu linh. Dù tự do bị giam cầm trong búa liềm hay trong hơi ngạt.
Rồi Mẹ, Nguồn Sinh sống sót trở về.
Đứa em, đêm địa ngục trở về.
Em, trong đống người trăng tháng Tư. Em nằm im, nằm yên dưới những thi thể còn hâm hẩm mùi người. Em đang chịu một cơn mưa. Không phải giọt trong lành từ trời cao. Ướt đẫm cả người em. Đó là cơn mưa đen đặc từ da thịt lớp lớp người tan nát đè trên. Cơn mưa loại O, loại A, B… Cơn mưa của bạch, hồng cầu.
Và chính em uống cái nước mưa máu đỏ. Em liếm ác mộng trong cơn khát, sau nhiều giờ thiếu nước uống.
Mẹ và Em trở về.
Người Cha tàn tật, bi tích một thời hiểm nguy trở về, trên Tổ quốc vừa bị cắt nhượn chân. Cha và Quê nhà, mỗi bên mỗi đôi nạng. Tự do dùng nạng cùng tự do không dùng nạng trong khập khiễng.
Rất lâu về sau trong tiếng thở dài của tháng ngày, người ta gom nhặt đầu người trong gió hương thanh bình. Chi vậy? Đầu lâu trở lại vị tri đón khách trong tủ kính phòng trưng bày dành cho khách du lịch.
Đương nhiên là chọn ra một ít đầu-lâu-đại-diện cho tập thể đầu lâu. Như ta chọn Đại biểu đại diện nhân dân. Nhân dân này nằm trong “ Cái tủ kính hoài cổ” đáng rùng mình.
Đầu lâu không nháy mắt, nên đầu lâu hóa thạch nghìn thu.

Cung Tích Biền