văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, August 5, 2015

HOÀNG LONG HẢI * Hát bội, hồn thiên cổ


Mẹ già cuốc đất trồng tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư
(Ca dao)
Mẹ tôi là người mê coi hát.
Điều nầy có lẽ bắt nguồn từ tâm tính mẹ tôi. Mẹ tôi ưa ca, dĩ nhiên, ở thế hệ bà, mẹ tôi chỉ biết ca Huế.

Tôi còn nhớ khi tôi còn thơ ấu, nhiều đêm, nằm bên mẹ dưới giàn mướp ở cái vườn bên hông nhà, đôi khi mẹ tôi vẫn thường ca bài Nam Bình “Nước non ngàn dặm ra đi…” là bài ca nói về việc Huyền Trân Công Chúa lấy vua Chàm để đổi hai châu Ô, Rí hoặc bài “Kéo neo tầu chạy…” là bài ca do vua Thành Thái soạn ra khi nhà vua bị Pháp đày qua đảo Reunion bên Châu Phi.

Ngày xưa, di chuyển đường xa người ta thường dùng tầu thủy. Từ bến Sáu Kho ở Hải Phòng đi về Nam thì “Tầu Cờ-Lốt-Sáp trước khi nhổ neo, theo lệ thường, rít lên ba hồi còi. Còi rúc thật dài, hùng dũng bao nhiêu thì ai oán bấy nhiêu!” Có lẽ nhiều cô cậu học sinh hồi trước, nay các cô cậu ấy cũng đã sáu bảy chục tuổi, còn nhớ bài tập đọc nầy, trích trong cuốn tiểu thuyết “Tôi Là Mẹ” của Lê Văn Trương.
Tầu đưa vua Thành Thái đi đày bên châu Phi có lẽ cũng vậy! Ở bến Vũng Tầu, sau khi còi rúc ba hồi còi, neo được kéo lên để tầu quay mũi ra khơi. Tiếng giây neo kêu lẻng xẻng trên sàn tầu có làm cho lòng nhà vua đứt đoạn từng cơn? “Nước mất nhà tan!” Nay trên con đường lưu đày nơi chân trời góc bể, việc lấy lại nước chỉ còn là điều xa xôi tuyệt vọng, và cuộc đời lưu vong của một vị vua mất ngôi, cũng mịt mù như gió thảm mưa sầu. Còn có gì đau đớn hơn?!

Hồi ấy, tôi còn thơ ấu, chưa biết gì về nỗi đớn đau của một nhà vua yêu nước bị lưu đầy nơi xứ người. Ý niệm đó, có lẽ tôi chỉ thu nhận được sau khi học lịch sử về việc thực dân Pháp xâm lăng nước ta, và nhớ lại những lời trong bài Nam bình do mẹ tôi ca, mà thấm thía thía hơn về nỗi u hoài của mọi người, của dân tộc và của nhà vua trong thân phận một nước nô lệ.
Có lẽ cảm nhận sâu săc nhất của tôi hồi ấy, qua mấy bài hát mẹ tôi ca, chính là sự cách biệt vể giàu nghèo, về sự phân ly của những người yêu nhau nhưng không lấy được nhau:
Thân em như cái sập vàng
Thân anh như chiếc chiếu bên đàng bỏ đi!
Chiếc chiếu bên đàng, như mẹ tôi ca, là chiếc chiếu rách nát lắm, chẳng ai thèm dùng tới nữa, dù là kẻ ăn mày. Tuy nhiên, trong cảnh nghèo khó đến cùng cực, người con trai vẫn còn một mối hy vọng:
Lạy trời cho nổi gió lên,
Cho manh chiếu rách nằm trên sập vàng!

Gió nào mà nổi lên?! Gió nào có thể thổi cho chiếc chiếu rách nằm trên sập vàng? Có lẽ việc người ta trúng số độc đắc còn dễ hơn có cơn gió thổi cho chiếc chiếu bay lên… Lời ca của mẹ tôi về cảnh đau thương ấy làm cho tôi xúc động dài lâu trong cuộc đời thơ bé!
Khi mẹ tôi quá 50 tuổi, các anh chị em chúng tôi đã khôn lớn, có công ăn việc làm, có gia đình, chỉ còn mỗi một “Hùng móm”  đang học đại học thì anh chị em chúng tôi khuyên mẹ nên nghỉ việc, nên đóng cửa “Nhà hộ sinh” do mẹ tôi trông coi. Mẹ tôi cũng nghĩ mẹ tôi đã lớn tuổi, mắt đã kém, tay đã run nên thôi nghề để dưỡng tuổi già.
Ngoài việc ăn mặc, thú giải trí của mẹ là điều anh chị em chúng tôi cũng chăm sóc tới. Biết mẹ thích coi hát, khi những gánh cải lương lớn từ miền Nam ra lưu diễn, như gánh Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Thanh Minh Thanh Nga…, anh chị tôi đêm nào cũng mua vé cho mẹ đi xem. Biết mẹ mắt kém, anh chị tôi mua vé hạng nhứt cho mẹ.

Gánh hát bắt đầu chương trình lúc 9 giờ tối, 12 giờ đêm mới vãn, nhưng mới chiều hôm, chị giúp việc đã được anh chị tôi dặn trước, lo cơm nước cho gia đình ăn sớm để mẹ đi xem cải lương. Đứa cháu ngoại lớn nhứt của mẹ tôi, lúc đó mới mười tuổi, đêm nào cũng được đi xem với bà ngoại. Thằng bé trai đời nay mà mê cải lương là quê lắm, nhưng thằng bé mê xem hát không kém gì bà ngoại. Dù bị người trong gia đình chọc quê, khi trời mới tối, cơm nước xong, cậu ta đã thay áo quần sạch sẽ để được đi xem cải lương với bà. Mẹ tôi lại là người rất cưng cháu ngoại, nên bao giờ nó cũng được mẹ tôi bênh vực, khi nó bị ai cưòi chê.

Thế rồi có một gánh hát bội, gốc gác từ Quảng Nam, đến hát thường trực ở phường tôi.
Phường tôi phần đông là dân lao động, trình độ xem hát chưa được “văn minh” như dân ở phố. – dân phố thường chỉ thích xem cải lương -, nên số khán giả xem hát bội cũng không đến nỗi tệ, dù dân số trong phường không đông.
Anh Xạ Thử, theo cách gọi thông tục, chính là ông xã trưởng hay còn gọi là phường trưởng phường tôi, cho dẹp cái sân bóng chuyền bên hông trụ sở phường, cho lấy tôn bao cái sân bóng lại, dựng thêm một cái sân khấu lộ thiên để làm nơi trình diễn cho gánh hát bội.
Mỗi đêm, khi trời sập tối là tiếng trống đại của gánh hát đánh thì thùng, giục giã khách tới xem. Ở cửa gánh hát, mấy ngọn đèn tròn được thắp sáng lên. Chen lẫn với tiếng trống là tiếng hát được phát qua loa những bài âm nhạc cải cách đã cũ, của những dĩa hát 78 vòng sản xuất khá lâu, hồi đầu thập niên 1950 như bài Kiếp Hoa, Giòng Sông Hát hoăc các bản ca cải lương của Út Trà Ôn. Những dĩa hát tuổi cùng thời, dĩa đã mòn, đôi khi kim cũng đã lụt nên tiếng ca nghe không được rõ. Dù vậy, những âm thanh đó cũng làm náo nức người dân lao động phường tôi. Họ hối hả đi xem hát, xem sớm, về nghỉ sớm để mai lại bắt đầu một ngày lao động vất vả khác.

Thời gian kéo dài suốt trong những tháng hè, gánh hát bội trở thành một niềm vui, một nơi giải trí cho dân trong phường, mặc dù khán giả không đông, giá vé không cao, cũng đủ nuôi sống đào kép trong khi mùa đông giá rét chưa tới.
Dĩ nhiên, mẹ tôi là một khán giả trung thành của gánh hát nầy.
Các anh chị tôi cũng đã “văn minh”, cải lương còn chưa muốn xem, chỉ thích ciné và kịch nói, nên cũng không thích gánh hát bội. Tuy nhiên, anh chị em chúng tôi biết đó là nguồi vui của mẹ, nên không ai lên tiếng bình phẩm gì, sợ làm mẹ mất vui.
Tôi cũng vậy, tôi cũng không thích hát bội, nhưng tôi biết hát bội đã từng có một vai trò lớn trong đời sống văn hóa dân tộc. Văn hóa nầy cũng đã mai một cùng thời gian, nhưng giá trị văn hóa của nó vẫn còn đấy, trong văn học sử. Giá trị đó là gì, nếu không phải là nó cổ vũ, vận động, thậm chí có khi dạy dỗ cho người Việt biết giữ gìn Trung Hiếu Tiết Nghĩa, được khai triển không ít trong các vỡ tuồng hát cũ. Đọc hay xem một vỡ hát bội, tôi có thể biết đôi chút về những tấm gương Hiếu Trung của đàn ông, con trai, hay Tiết Hạnh của người phụ nữ, nhưng bởi vì hát bội không còn phổ biến rộng rãi như xưa nên tôi hiểu rất mơ hồ về cách hóa trang và những hành động có tính biểu tượng trong các vỡ tuồng cũ.
Ví dụ, muốn mô tả một người đang cưởi ngựa, biểu tượng của nó là một người đang cầm một cây roi có tua. Người đóng vai cưởi ngựa co lên một chân, lấy cây roi vỗ vào cái chân đang co, là tượng trưng cho việc lên ngựa. Cho ngựa phi nước kiệu là lấy roi đánh nhẹ vào cái chân ấy. Hoặc roi đánh mạnh, đánh nhanh vào cái chân co, là biểu tượng cho việc phi ngựa nước đại, phi nhanh như trốn chạy. Nếu phía sau có một người cũng có hành động như thế, có nghĩa là người ấy cho ngựa đang đuổi theo kẻ trốn chạy phía trước.
Tuy nhiên, việc vẽ mặt, vẽ râu trong hát bội là một vấn đề phức tạp, khó hiểu, nếu không hiểu được những nguyên tắc căn bản trong cách hóa trang.

Bấy giờ, tôi đang dạy môn Văn Chương Bình Dân lớp Đệ Tam cho học sinh. Một tác phẩm (với tôi là bài giảng) bàn kỹ về văn chương bình dân, ngoài ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích, chuyện thần thoại, không thể thiếu các loại ca hát, kể cả ca Huế, hò, chèo và hát bội. Tài liệu về hát bội không nhiều, ngoại trừ vài bài báo như của ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý, đăng lẻ tẻ trong vài tạp chí không dịnh kỳ, còn những tác phẩm bàn về văn chương bình dân, không có tác phẩm nào nói qua về hát chèo và hát bội, là một hình thái nghệ thuật dân gian nước ta.
Đôi khi, ngồi ăn cơm với mẹ, nghe mẹ tôi nói tới đào kép, ông bầu gánh, tôi muốn được gặp ông bầu nhưng chưa có dịp.
Thế rồi tình cờ một lần…
Môt buổi trưa, ông bầu gánh đến thăm mẹ tôi. Tôi khẩn khoản mời ông dùng cơm trưa với tôi, và một cách thành thật, tôi hỏi những gì tôi muốn tìm hiểu về hát bội.

Trước hết, tôi muốn xác minh lại hai chữ hát bội hay hát bộ. Vừa hát vừa làm điệu bộ hơn là hát bội. Chữ bội đi với hát thì không hợp nghĩa gì hết. Ông bầu gánh cũng không sao giải thích cho tôi hiểu tại sao gọi là hát bội mà không là hát bộ, nhưng ông lại khăng khăng cho rằng chữ bộ không thể biến thành bội được. Gia đình ông là một gia đình truyền thống hát bội. Nội tổ ông từng là học trò của ông Đào Tấn (1). Thân phụ ông cũng là một kép hát trước khi thành ông bầu. Chính ông cũng là người từng được gia nghiêm truyền nghề lại cho.
Ông khăng khăng cải với tôi rằng người theo gánh hát không thể là người có đời sống tình cảm lăng nhăng để người đời cho rằng “Con theo hát bội mẹ liều con hư.” Tuy nhiên, ông cũng đồng ý với tôi, việc coi khinh nghề hát bội là rất phổ biến trong cộng đồng người Việt, bởi vì trong hát bội, thiếu đào kép nên nhiều khi cha con, mẹ con phải đóng vai vợ chồng, một việc, – như ông bầu nói với tôi -, dù đau lòng, người hát bội cũng phải làm và cho rằng đó là một việc thương luân bại lý. Phải chi có những gánh hát lớn, đào kép đông thì việc ấy có thể tránh được. Đào kép cũng chịu ảnh hưởng tuồng hát, cũng biết Trung Hiếu Tiết Nghĩa nên đào kép  cũng giữ gìn đạo lý, không muốn làm bậy, làm sai. Tuy nhiên, chính họ cũng thường gánh chịu những nỗi bất công trong xã hội. Họ bị gọi là phường tuồng, con hát. Đào kép bị coi thường. Các cô đào đẹp và hát hay, vì tài sắc của mình, đôi khi bị tạo hóa ghét ghen, buộc phải gá nghĩa với các ông quan, những người giàu có. Chuyện bất công xảy ra, nhiều khi tại hóa công, tại sắc tài chi lắm để chịu số kiếp hồng nhan đa truân, bạc mệnh.

Nói tới lẽ huyền vi của tạo hóa, tôi không phải là người vô thần nên tôi không cải lý với ông bầu được.
Tuy nhiên, khi bàn tới việc hóa trang, là điều tôi lâu nay thường ao ước được biết thì phải nhận rằng hát bội có những quan sát và tạo hình hết sức biểu tượng, người xem khó phản biện được.
Ví dụ về việc vẽ mặt. Mặt mầu đỏ son là người anh hùng, hiếu trung tiết liệt.  Trong triều đình, những tên gian thần dua nịnh thì mặt được vẽ mầu trắng mốc. Những người mặt mốc thì không tốt bao giờ. “Trông lên mặt sắt đen sì” thì chính là mặt Từ Hải, bộc trực, nóng nảy, ngay thẳng, chân thực. Mặt mầu xanh là kẻ yêu ma, quỉ quyệt.
Mắt có tròng xéo là con nhà tướng. Mắt tròng đứng là võ tướng. Mặt tướng cướp Phong Lai phải vẽ nhiều đường rằn ri,
Mặt huệ nhãn là mặt có mắt ở trán, tức là người nhìn xa thấy rộng. Lông mày mũi mác là khách trượng phu. Mày đoản là kẻ gian xảo. Mày mầu đỏ như lửa là người nóng tính như Trương Phi. Râu 3 chòm, 5 chòm là người đôn hậu, trầm tỉnh. Râu đen xoắn là người dữ dằn. nóng nảy. Râu đen đỏ là người có tính khôi hài. Râu chuột là người nói năng tía lia, bọp chộp, chưa nghĩ đã nói. Râu đen cũng là râu kẻ nịnh thần. Râu bạc là tướng anh hùng. Râu đỏ là tướng phản phúc.
Đó là những điều tôi học được tại bữa ăn trưa với ông bầu gánh hát bội.
Thế rồi mùa mưa tới!
Gánh hát bội hát lộ thiên, chịu cảnh mưa gió thì đủ ăn làm sao được!?

Khi trời đổ cơn giông. Nếu mưa trước hay sau khi hát hơn nửa tuồng, đêm hát coi như xong, ông bầu khỏi phải trả vé lại cho khán giả. Nhưng nếu cơn mưa đổ tới khi hát được vài màn, phải vãn tuồng thì gánh hát coi như lỗ nặng. Vé hát được dành lại cho bữa sau.
Nhưng khi mùa mưa phùn gió bấc tới rồi, trời đất một mầu đen mù mịt, mưa phùn lất phất suốt ngày nầy qua ngày khác, mười đêm chưa hát được một. Trong cái giá rét của mùa đông giá, khán giả không thể trùm chăn ngồi giữa trời mà xem hát được. Đào kép cũng không hát nỗi trong cơn rét run lập cập. Tiếng trống đại của đoàn hát nghe thưa thớt dần, những ngọn đèn vàng leo lét ở cổng cũng mờ mịt trong màn mưa lạnh giá. Gánh hát càng ngày càng xơ xác, rầu rỉ và đào kép chịu cơn đói triền miên từ ngày nầy qua ngày nọ.
Mẹ tôi vốn là người từ tâm. Mặc dù không còn xem hát mỗi đêm, nhưng vì chỗ xem lâu trở thành quen, biết ông bầu và đào kép, trong những ngày mưa gió đói lạnh ấy, mẹ tôi thỉnh thoảng đến thăm họ.
Anh chị em chúng tôi, từ ngày trở nên khá giả, ít khi mặc áo quần cũ. Những cái quần tây hơi mòn ở mông bị bỏ ra. Những cái áo trắng ngã mầu cháo lòng bị đào thải, v.v… Những thứ cũ ấy, chúng tôi treo trong tủ, chờ khi có bà con hay người quen biết ở quê lên, cho họ đem về mặc. Chuyện ấy là thói quen thường xảy ra trong gia đình tôi từ bấy lâu nay.
Thế rồi những người bà con ở nhà quê chưa lên mà áo quần cũ ấy không còn. Một hôm anh tôi hỏi to:
– “Mấy đứa bây (tức là mấy con ở) có thấy cái áo trắng trong tủ nầy đâu không?”
Không đứa nào trả lời. Cũng chẳng ai hoài công đi tìm một cái áo cũ tự nhiên biến mất.
Và những cái áo cũ, quần cũ ấy cứ tự nhiên biến mất “một cách bí mật” như thế?”
Thế rồi lại một hôm thùng gạo vơi nhanh đi một chút.
Chị dâu tôi là người hết sức tinh tế. Sự thay đổi chút ít trong bếp núc khó qua mắt được chị. Nên thế rồi chị kêu ngay một con ở, một con ở hết sức “thân cận” của mẹ tôi, để “điều tra” (như chị khoe sau nầy).

Con ở “thân cận” với mẹ tôi là là một con nhỏ Tây lai. Có lẽ trong một trận càn nào đó hồi “chống Pháp”, mẹ nó bị một tên lính Pháp hiếp dâm, và cái oan nghiệt, chính là sự xuất hiện của nó, một con bé mắt xanh mũi lỏ, khá đẹp, nhưng lạc loài trong một làng quê, toàn bọn con nít da vàng mũi tẹt. Có thể nói rằng con bé bị kỳ thị. Nó trở thành một đề tài để bọn trẻ trêu chọc sự khác biệt của nó trong một đám trẻ da vàng chưa quen với với nếp sống văn minh để có lòng vị tha.
Do một sự tình cờ nào đó, người mẹ bất hạnh của con bé biết mẹ tôi, và từ dưới làng quê, người đàn bà quê mùa ấy lên phố gặp và nói với mẹ tôi “Xin mệ (mệ là bà nội hay bà ngoại, tiếng quê tôi), nuôi giùm con tui làm phước. Mệ có cho nó ít tiền công hay không cũng được! Nó không ở được với con nít trong làng, với cả cha nó nữa, coi nó như cái gai.” Mẹ tôi chịu nuôi đứa bé lai. Con nhỏ hơn mười tuổi, khá đẹp, mẹ tôi rất thương. Nhưng hình như quen với cái cảnh cam phận ở làng, nó thường thui thủi một mình, ít chuyện trò với ai. Công việc thường nhựt của con bé ở nhà tôi là nhổ tóc bạc cho mẹ tôi, mặc dầu mẹ tôi hói trên đỉnh đầu đã nhiều, dọn cơm cho mẹ tôi ăn và mẹ tôi sai vặt. Vốn thông cảm hoàn cảnh nó, lại thấy con nhỏ thường thui thủi một mình, mẹ tôi càng thương và gần gũi nó hơn.
“Nắm vững tình hình” như thế, chị dâu tôi “điều tra” ngay con nhỏ:
– “Mệ lấy gạo phải không?”
Con nhỏ thật thà, không dám che dấu cho mẹ tôi, vừa khóc vừa gật đầu.
Chị dâu tôi không nói ngay mẹ mặc dù chị biết mẹ tôi lấy gạo đem cho ai đó ở gánh hát bội. Bà lập ngay một “liên minh”, đem chuyện mẹ tôi lấy gạo với bà chị cả tôi. Dù gì, là con ruột, chị tôi nói chuyện thẳng với mẹ tôi dễ hơn.

Ở miền Trung phải mua gạo từ miền Nam chở ra. Mưa gió tới, giá gạo cao vì giá vận chuyẻn cao hơn. Theo báo chí, kể từ khi “Việt Cộng Đồng Khởi” trong Nam, nhiều vùng nông dân bắt buộc phải đóng thuế nông nghiệp cho Việt Cộng, việc thu mua gạo khó khăn hơn, cũng vì “phải đóng thuế cho Việt Cộng” nên giá gạo tăng nhanh. Đó là lý do chính khiến bà chị tôi hỏi mẹ:
– “Má lấy gạo cho người ta phải không?”
Mẹ tôi không trả lời.
Chị tôi nói tiếp:
– “Gạo bữa ni cao lắm!”
Mẹ tôi nói nhỏ, hình như mẹ tôi hơi ngượng:
– “Người ta sinh mà không có ăn con à! Chẳng thà má nhịn ăn!.”
Anh tôi cũng “tham gia”. Trong bữa ăn, anh tôi nói, gay gắt:
– “Má có lấy gạo cho ai, phải hỏi vợ tui đã!”

Hôm đó, như thường lệ, mẹ tôi ít ngồi ăn chung với con. Mẹ tôi gồi bên cạnh, trên cái rương xe (2). Tôi thấy mẹ tôi quay mặt nhìn ra đường, rồi lấy tay áo chùi nước mắt. Mẹ tôi khóc. Tôi thấy thương mẹ. Mẹ tôi giàu lòng thương người.
Sau đó ít lậu, tôi thấy mẹ tôi thường hay lên phố. Chị tôi nói với tôi: “Má đi chích thuốc cho người ta!” Biết vậy, một buổi chiều đi dạy về, ngồi với mẹ. Nhân lúc mẹ tôi hơi vui, tôi nói:
– “Má bỏ nghề rồi, còn đi chích thuốc cho ai làm chi? Má cần tiền lắm à?”
Tôi hỏi câu ấy vì có lý do riêng tôi. Tôi đi dạy đã nửa năm nay. Cuối tháng, lãnh lương xong, tôi đưa hết cho mẹ. Cần tiêu gì, tôi xin lại.
Mẹ tôi nói:
– “Mấy bà thường đau bệnh phụ khoa. Má chỉ cho họ cách điều trị. Ai nặng lắm thì chích trụ sinh. Chích ở vai, má còn làm được.”
– “Lỡ chích “ven” thì sao?” Tôi hỏi.
– “Chích “ven” thì kêu y tá. Má không chích “ven” được. Mắt má kém!”
– “Nhưng má cần tiền làm chi? Con đưa hết lương cho má mà!”
– “Má để dành cho con. Tiền má kiếm được, má cho mấy người ở gánh hát. Họ đói lắm.”

Việc làm từ thiện nhỏ nhoi của mẹ tôi không cứu được gánh hát bội đang hồi tan rã giữa mùa mưa gió. Một hôm đi ngang chỗ gánh hát, tôi thấy một phần tôn che phía sau bị tháo gở. Đào kép dùng tôn đó để che thành những cái mái nhỏ, thấp. Họ sống chui rúc trong những mái tôn đó, trông qua cũng biết họ quá nghèo.
Thế rồi mẹ tôi nghỉ việc hẵn, không đi lên phố nữa. Đoán chừng gánh hát bội tan, tôi hỏi mẹ. Mẹ tôi nói:
– “Ông bầu gánh trở về xứ, hy vọng vài năm nữa, dựng lại gánh hát mới. Đào kép thất tán cả. Má xin cho một người lên ở đợ với cô Lương – Cô Lương là bạn thân của mẹ tôi – Còn mấy người kia cũng bỏ đi hết, không biết đi đâu. Má không cứu được ai.”
Tôi giải thích cho mẹ:
– “Ngày nay, không ai còn thích xem hát bội nữa. Họ sống làm sao được. Đó cũng là cái nghiệp cầm ca của họ má à!”
– Đã coi là cái nghiệp thì họ trả đến đó là hết. Hết cái nghiệp nầy, qua cái nghiệp khác, đời đời kiếp kiếp, không bao giờ hết cái nghiệp được.”

Hết mùa đông năm đó, tôi không còn dạy học ở quê tôi nữa. Tôi xin dạy ở Huế, nhưng cứ mỗi năm, tết đến là nhằm mùa mưa phùn gió bấc, tôi về ăn tết với mẹ, với gia đình, đi qua chỗ gánh hát cũ, tôi thấy buồn khi nhớ đến gánh hát ấy. Tôi liên tưởng, nghĩ đến hát bội là một phần văn hóa của dân tộc. Nó đã bị đào thải, theo luật tiến hóa của nhân loại.
Tuy nhiên, vì hát bội là một phần văn hóa của người Việt, không ai dễ gì quên nó được. Cũng như cải lương ngày nay đang lịm dần vào cõi chết, người ta đã cố níu kéo nó lại, như níu kéo những hồn ma cũ, mong nó từ cõi âm ty sống lại được chăng?
Không chỉ đào kép mà còn những người mê coi hát như mẹ tôi nữa chi. Với lòng từ tâm, cũng như vì tính mê hát, mẹ tôi cũng đã từng cố níu kéo một gánh hát bội đang hồi tan rã.
Ngày nay, những gánh hát bội của hàng chục, hàng trăm năm trước, cùng với những người mê hát như mẹ tôi, đã ra người thiên cổ. Thiên cổ là cái chết, bao giờ nó cũng để lại một mối sầu cho những người đa cảm, không nói ra thì không ai biết được ai, như câu thơ của Chế Lan Viên vậy: “Sầu vạn cổ tim ta ai biết được!”
Cái thiên cổ ấy để lại một mối sầu man mác, mênh mông cho những ai từng yêu thương một nét văn hóa của dân tộc nay đã lụi tàn./

Hoàng Long Hải
(1) Đào Tấn, tự là Chỉ Thúc, sinh năm Ất Tị, (1845) quê ở Bình Định, mất năm 1907. Sinh thời, ông làm thơ, và soạn tuồng hát bội. Ông được xem là ông tổ hát bội của nước ta. Đào Tấn đã đậu cử nhân khoa Đinh Mão (1867) tại trường Bình Định, triều Tự Đức. Ông làm quan từ đời Tự Đức đến đời Thành Thái (1871 – 1904), qua các chức vụ Tham biện, Phủ doãn, tổng đốc, thượng thư, hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử.
(2) Rương xe: Cái rương lớn, làm chỗ ngủ được, có bánh xe để di chuyển, thường dùng ở thôn quê./