văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, August 7, 2015

TRẦN TUẤN KIỆT * Nhận định về thơ Tuyết Linh với gần nửa thế kỷ làm thơ


Giới văn nghệ sĩ ở nước ta vì hoàn cảnh lịch sử luôn biến động và thay đổi vô cùng lớn lao nên có những đời sống văn hóa đầy nhiễu loạn và ảnh hưởng lớn đến đời sống cá nhân của nhiều người. Có những công việc vừa thực hiện đã thay đổi nhất là ở thế hệ 20 thanh niên dở dang học hành hay công việc để vát súng xung trận chống giặc Bắc. Trong hệ lụy chiến tranh đó cái sống thác loạn và cái chết bất tử luôn gây tác động tinh thần cho giới trẻ miền Nam tự do rất mạnh mẽ.

Văn học nghệ thuật của giới trí thức trẻ miền Nam sau thời nhà Ngô, chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa Âu Mỹ, tinh thần hiện sinh lên thật cao cho nên mới có hiện tượng yêu cuồng sống vội! Còn ở miền Bắc văn hóa chịu xiềng xích nô lệ hóa con người theo chủ nghĩa Karl Marx Lenine mãi tận ngày nay. Cuộc chiến tranh Nam Bắc là nội chiến mặc dầu đều chịu sự cương tỏa của các nước lớn từ Liên Xô và trong Nam chiến tranh chống Cộng từ Mỹ. Người quốc gia nghèo nàn và lạc hậu luôn như cây sậy yếu mềm ngã theo chiều gió loạn. Trong hoàn cảnh đó Tuyết Linh ra đời trong một gia đình giàu có đầy quyền lực. Cô bắt đầu làm thơ lúc 13,14 của tuổi học trò, và đăng thơ trên các báo ở Sài gòn và trên các tuyển tập như Hoa Mười Phương, cùng nổi tiếng trong giới nữ sinh, phụ nữ đương thời như Minh Đức Hoài Trinh, Ngọc Hân, Thu Nhi, Phương Đài, Tuệ Mai ở nhóm Tao Đàn Bạch Nga, như Nhã Ca ở Ngàn Khơi của Trần Dạ Từ Nguyễn Hữu Đông, như Trùng Dương và các nhà văn nữ giới khác. Nhưng tiếng thơ của Tuyết Linh có một điểm khác lạ, có cái gì tự tin và gần với các nhà văn nhà thơ của Âu Mỹ. Ở lứa tuổi đó Tuyết Linh đã viết những câu thơ như sau:

Chậm chậm chiều ơi về chi vội vã
Ta cô đơn chiều ghé xuống đây chơi
Lời gió dịu e làm ta sa ngã
Chiều ơi chiều chậm chậm chiều ơi

Qua gần nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ những vần thơ Tuyết Linh mà tôi sưu tầm được để đưa vào cuốn Thi Ca Việt Nam Hiện Đại. Điểm lạ và đặc biệt khác với phụ nữ đương thời thường tự xưng là em một cách yếu mềm thì Tuyết Linh đã xưng thẳng trong thơ là Ta, Ta cô đơn như sự cô đơn lớn lao của Huy Cận xưa kia hay “Ta không còn cô độc” của một Thanh Tầm Tuyền nhà thơ hiện sinh trong sáng tạo.

Ta cô đơn chiều ghé xuống đây chơi
Lời gió dịu e làm Ta sa ngã
Chiều ơi chiều chậm chậm chiều ơi!

Lời thơ đầy sinh khí và độc lập dù nó ở trong lớp tuổi học trò, thơ Tuyết Linh đăng báo thời đó thường được trả nhuận bút 150 đồng, trong khi đó TTK chỉ được trả mỗi bài thơ là 100 đồng. Được trả như thế nên Viên Linh đã nói đùa với Tuyết Linh, cô là cao thủ rồi đó. Có nhiều người thời đó say mê vẻ đẹp duyên dáng của Tuyết Linh cũng như những vần thơ đẹp huyền ảo của cô. Người theo đuổi say mê nhất có lẽ là Bùi Giáng, đến nay gần nửa thế kỷ thư và thơ của Bùi Giáng tặng kể cả các trang thư viết tay của ông, Tuyết Linh vẫn còn giữ và coi như vật quí nhất trong đời mình. Vậy đó, bỗng nhiên con chim Hồng, lời hót con Họa mi biến mất! Giới văn nghệ đồn đại Tuyết Linh có lẽ đã lấy phó Đô Đốc Hải Quân là bạn thơ của nàng. Nhưng ngờ đâu nàng lại lên xe hoa về nhà chồng, với người chồng có địa vị trong Toà Án Mặt Trận lúc bấy giờ.

Cô bắt đầu cuộc sống của một mệnh phụ phu nhân trong cảnh giàu sang lên xe xuống ngựa. Từ đó, cô buông bút và cách biệt hẳn với bè bạn văn chương, xa rời chữ nghĩa vì bị câu thúc kềm chế của gia đình chồng. Cô ép mình yên phận và uốn mình như rong rêu lượn theo dòng nước. Cho đến khi lịch sử đổi thay năm 75, chồng Tuyết Linh sang Mỹ theo diện HO, Tuyết Linh theo chồng qua Mỹ, đi học trở lại và làm việc. Một cuộc sống khá tự do và hình bóng xinh đẹp của người vợ như là nỗi ám ảnh của người chồng luôn sợ sự giao du thân mật với kẻ khác. Tuyết Linh trong thư gởi TTK đã nói nhiều, chồng nàng luôn ghen tuông bóng gió nhưng cả hai vẫn sống chung, lo dựng vợ gã chồng cho các con xong rồi họ mới chia tay một cách êm thắm. Tuyết Linh về ở với vợ chồng cô con gái út cho đến nay. Các con cháu đều thành đạt, đời sống Tuyết Linh khá giả và thường thì bà lấy du lịch khắp nơi làm nguồn vui sống. Ở cái tuổi gần “Thất thập cổ lai hy” Tuyết Linh bắt đầu làm thơ nhiều. Bây giờ thì tiếng thơ của con họa mi ngày nào đã ngân cao vút, hồn thơ bao la, tinh thần sảng khoái mở rộng với vũ trụ vạn vật, Tuyết Linh đã suy niệm cuộc đời qua cái nhìn về bản thân mình như sau:

Tìm tôi từ thấp lên cao
Từ trên xuống dưới chỗ nào là tôi?
Bao la là đất là trời
Phận tôi cát bụi ngậm ngùi xưa sau!

Cái nhìn chân tướng sự vật, chân tướng cuộc đời mình thật bi đát, phải không?
Tuy nhiên chỉ có thể là cái nhìn trong một thoáng về hình hài cát bụi, tinh thần của chủ nghĩa hư vô siêu thực Âu Châu, bà còn viết những vần thơ tuyệt vời kỳ ảo khác. Ta hãy đọc bà trong bài Ru Anh:

Ngủ đi anh, ngủ đi anh
Ngoài kia nắng dội vàng hanh nụ tình
Em còn hạt lệ long lanh
Ru anh có đủ những bình minh sau?

….

Rồi tiếng ru huyền diệu có những hạt lệ long lanh đó kéo dài cho đến câu thơ cuối:

Đêm tàn còn những bơ vơ
Lòng em chợt lạ đôi bờ nhớ quên!


Tiếng thơ như vọng vào thời gian dội lại trong cõi viễn mơ trầm tư của cuộc đời mình, ở đó đôi bờ âm hay dương, nỗi nhớ hay quên, thực và mơ, mơ và thực như cánh bướm của Trang Chu trong mơ hóa bướm bay đi ngao du giữa cuộc đời này. Sự hư ảo huyền diệu chen lấn hư hư thực thực khiến cho người đọc thơ Tuyết Linh cũng rơi vào một trạng thái u yêu huyền ảo đến vô cùng! Đó là lúc mà cái trực nghiệm lại bản thân mình giữa sinh tử phù du đã đến gần với triết lý của Trang Chu, tư tưởng của Tuyết Linh không dừng ở tư duy vô thường của Phật hay Hư Vô của triết lý Âu Châu hiện đại, càng viết càng đưa tiếng thơ ra đời càng đi sâu vào một thế giới tâm linh hư ảo mà những tâm hồn chân thực khó mà lãnh hội được.

Bây giờ Bùi Giáng đã đi xa. Nhớ ngày nào Bùi Giáng đem các bài thơ của Tuyết Linh đến cho TTK đọc và từ đó TTK đã say mê thơ của bà, vừa được chiêm ngưỡng cái hình bóng người đẹp qua bức ảnh chụp chân dung, mà BG đã đặt cho bức ảnh cái tên là Marylin Monroe. Đó là hình ảnh vô cùng huyền ảo của Tuyết Linh.

Thơ Tuyết Linh được đưa vào THI CA VIỆT NAM HIỆN ĐẠI khi mà nàng thơ áo tím đã đi lấy chồng được hai năm. Bốn mươi bảy năm sau, Tuyết Linh tìm được địa chỉ và gởi thêm những giòng thơ mới lạ, tiếng thơ độc lập và kì bí cho TTK. TTK đã gom lại làm một tập bản thảo, và nhắn nhủ Tuyết Linh không nên để cho độc giả, như TTK, “tiếc chết” vì sự tuyệt tích của nó, và không biết có phải lời đề nghị của TTK có được chút ảnh hưởng gì không, mà bây giờ, đứa con tinh thần “Nơi Đâu Nghìn Trùng” đang chuẩn bị góp thêm sắc hương vào vườn hoa văn học VN.

Ngoài ra bà đã đăng thơ ở nhiều báo như Khởi Hành và Thư Quán Bản Thảo gần như là một cuộc phục sinh về thơ vậy. Tập thơ mới soạn sắp xuất bản bà gởi cho TTK khá nhiều bài hay lạ, tinh thần khoái hoạt, đôi khi như hí lộng vào tư tưởng triết học cổ kim Đông Tây. Con người đó đã trầm tư nhiều qua hằng thế kỷ nên tiếng thơ đó cũng vậy, bà bắt đầu lập ngôn bằng thơ của mình, đầu tiên là các nhà văn nghệ trước 75 ai cũng vui lòng đón nhận cái tinh tế của một tâm hồn thật lớn lao và không kém hoa mộng đó. Thơ của Tuyết Linh chứa đựng tất cả nét suy tư hoài niệm của hằng thế kỷ suy niệm của các triết nhân nghệ sĩ trong thơ đầy lãng mạn, tinh anh trong thi ngữ gieo vần cho ta thỉnh thoảng gặp được những kỳ tứ đặc sắc vô song của một thi tài nữ ViệtNam trong thế kỷ này vậy.

Điều đáng trân trọng là bà không hề chịu lôi cuốn vào các giòng thơ mới xuất hiện gần đây ở Âu Mỹ, thơ bà gần với tư tưởng siêu hình của Đông Phương huyền bí hơn, trầm tư của giòng thi ca tư tưởng hiện đại hơn, những nhận thức về cuộc đời, suy tư về kiếp người, ý tưởng về tình yêu hạnh phúc, về hư vô và vĩnh cửu đôi lúc lại tự đùa cợt ví von với cỏ cây sự vật, với cái có cái không, cái cô đơn thao thiết về cuộc tình sầu qua sự biến đổi của lòng người, của năm tháng và màu sắc của vạn hữu.

Dường như Tuyết Linh cũng như Bùi Giáng đã để trái tim say yêu, say đạo lý và say thơ vào lòng bàn tay của vạn vật. Bà không thán oán điêu linh trong các chuyện bạc tình bạc hạnh. Kiếp người như một loài hoa đẹp sinh ra là để chờ đón những mưa gió phũ phàng những lụy tàn với thời gian để về cùng núi xa nơi vu sơn vu giáp nào của nàng tiên thơ của đời.

“Nơi Đâu Nghìn Trùng” là thi phẩm sau này của Tuyết Linh mà nội dung hình ảnh tươi đẹp với những nỗi đời xót xa cay đắng chỉ là cái chuyện thừa, tự nhiên của lòng người và cuộc đời mà thôi, mà ở trong đó có biết bao ân tình, biết bao câu chuyện của một người từng trải đã chịu nhiều hoang phế như bức thành cổ của đời.

Lời thơ tự nhiên ý trác việt trong thơ hàm ngụ những hình ảnh Thiên Thu trong từng hạt bụi cuộc đời.
Những hệ lụy và những nỗi đau vô cùng âm thầm đã chôn sâu tự đáy lòng rồi cũng được khơi lên hiện hữu với nhà thơ. Ta cũng có thể gọi đây là loại thi ca tư tưởng của Tuyết Linh mặc dầu nó luôn đậm chất lãng mạn muôn đời của khách tài hoa, nó luôn hiện hữu sống động của khách đa tài bạc mệnh giữa muôn vàn khát vọng.

Tuyết Linh vẫn còn thừa thời gian để sống và làm thơ như để un đúc thêm rộng thêm sâu về cuộc lập ngôn của mình. Tuyết Linh chuẩn bị cho ra thi phẩm của mình sau nửa thế kỷ ngưng hẳn mạch tiết của thơ, giòng thơ nói chung là điệu thơ tình cảm, gợi người ta nhớ đến những lá thư tình những ẩn tình ít nhiều trắc ẩn với người yêu với người cùng song hành với mình qua những cuộc tình đầm ấm nồng nàn cho đến lúc chia tay những cơn đau ngầm, những ngậm ngùi sâu thẳm chung với định mệnh của đời mình. Tiếng thơ đó được tập hợp trong một thi phẩm mới vừa đơn độc vừa u hoài của khách thơ đa tình sầu mộng đó là thi phẩm “Nơi Đâu Nghìn Trùng”. Những người yêu thơ chắc hẳn sẽ phải trân trọng đến giá trị đặc biệt của hồn thơ riêng, một cõi buồn u uẩn của bà, nơi đó tâm tư dường như buông lỏng, thả trôi đi theo áng mây trời, theo thời gian, có thể ta thấy gần với giòng sông vĩnh biệt thuở nào. Tuyết Linh với vốn thơ sung túc tràn trề của mình hầu như bà đã thừa ngôn ngữ để cho tiếng lòng mình bay bổng lên muôn trùng cho đến cõi bờ ngàn xưa mà bà nhắc đến hai chữ xuân thu của đời chiến quốc. Nét hào hoa đậm nhiều hệ lụy của tình trường càng cho người đọc tác phẩm của bà cùng chia sẻ định mệnh với bà tạo ra dư âm trầm buồn sầu mộng như thơ bà, cũng thấy day dứt cõi lòng qua bài thơ “Tôi và Bóng thật ưu tư, thật khắc khoải và cô đơn vô cùng “Xót xa cũng chút hình hài/ Theo cơn gió cuốn lạc loài tử sinh”…hay:

Hai ta chung một lời thề
Đời tôi phận bóng đi về có nhau
Như con nước chảy chân cầu
Loanh quanh lẩn quẩn với màu thời gian…


Những nhà thơ nữ tài hoa cùng chung thế kỷ với bà có lẽ chỉ viết với tinh thần thi ca sâu thẳm đến thế mà thôi. Còn nhiều vần thơ trác tuyệt trích ra đây khiến bài dài lắm để độc giả tự đọc có lẽ hay hơn. Con đường lớn của thi sĩ Việt nhất là những nhà thơ nữ từ Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… đã được nối thêm những bước đi dài của những nhà thơ mới như Tuyết Linh, Nhã Ca , Minh Đức Hoài Trinh, Tuệ Mai Nguyễn Thị Vinh và một nhà thơ tự miền Bắc vào như Ý Nhi tạo ra được những giòng thơ đẹp trong lịch sử thi ca hiện đại. Một nửa thế kỷ trong đời thơ Tuyết Linh đã trôi qua quá nhiều tác động lịch sử, biến đổi lịch sử của đời người nhưng cuộc đời nhà thơ cũng có lúc thăng trầm, và biến động. Lịch sử ấy dường như không chi phối, không ảnh hưởng gì đến giòng thơ An nhiên Như nhiên và Tự Tại ấy!

Với một tinh thần vững vàng và triết lý nhân sinh vươn lên khỏi cái sinh lão bệnh tử tầm thường của cuộc đời, thơ Tuyết Linh vẫn tạo ra một sắc diện thanh kỳ rất mới tinh anh ở từng tứ thơ huyền nhiệm ở nhiều câu hỏi lớn đặt ra trong đời và đôi khi người tự trả lời ỡm ờ với cái vẻ tinh nghịch là lạ của cá tính mình.

Những tư tưởng mênh mông về vũ trụ thiên nhiên hiện ra trong bầu không khí u huyền của các giòng thơ lục bát như một người thả buồm trên dòng thời gian miên viễn mà đôi khi nó rất phiếm hoạt vây quanh mình.

Chúng ta trân trọng chào đón nhà thơ trở lại với nguồn sống tâm linh đầy chất trữ tình mà cũng đầy lẽ dung dị nhân ái đối với đời.


TRẦN  TUẤN  KIỆT


Nơi Ðâu Nghìn Trùng

Tuyển tập thi ca của nữ sĩ Tuyết Linh 

do Ðất Mới xuất bản năm 2015.
Sách dày 180 trang do Tâm Hữu trình bày. 

 Bìa và phụ bản màu của Đinh Cương, 
Trịnh Cung. Trần Tuấn Kiệt đề tựa.
Bạn đọc yêu thơ muốn có tác phẩm này xin vui lòng 
liên lạc với tác gỉa qua điện thư :

tuyetlinh39@yahoo.com