Trương Thị Thịnh |
Tôi rất tâm đắc khi đọc câu Pháp Cú sau đây trong Phẩm Ngàn (Sahassavaggo): “Tụng đến ngàn câu vô nghĩa, chẳng bằng một câu có nghĩa lý, nghe xong tâm liền an vui, tịch tịnh”. Từ lời giáo huấn trên của Đức Phật, tôi nghĩ - chỉ
cần nhớ và làm theo một câu trong muôn ngàn lời dạy của Đức Phật thôi,
trong suốt cuộc đời mình, cũng sẽ mang lại cho ta, cho người nhiều niềm
an lạc, lợi ích - ở đời nầy và đời sau rồi! Đâu cần đọc tụng, thuộc
lòng, muôn ngàn câu, mà chẳng thực hành miên mật, tinh tấn?
Đạo Phật là
triết lý sống, là đạo để thực hành, để tự tìm thấy sự an lạc giải thoát
chứ không phải để chiêm bái, lễ lạy! Mọi hình thức, chỉ để “trợ duyên”,
giúp ta có thêm niềm tin, thêm “duyên lành” để đến gần với Đạo; không
phải là cứu cánh! Đức Phật há chẳng đã khuyên ta:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”
Một trong vài câu kệ đơn giản tôi vẫn ghi nhớ, và gắng làm mỗi sáng từ nhiều chục năm nay khi thức dậy đón ngày mới là: “Sáng cho người niềm vui, chiều giúp người bớt khổ!” (Nhật tụng thiền môn).
“Cho người thêm niềm vui”
tức là đem lại cho mình niềm vui chân chính. “Niềm vui” ấy không đòi
hỏi gì lớn lao, tốn kém, mà chỉ là lòng từ ái. khoan hòa, chia sẻ, trong
những mối quan hệ thường nhật với người quanh ta thôi! Một lời thăm hỏi
chân tình, một nụ cười cởi mở gần gũi, một cái bắt tay ấm áp tình
nghĩa, một ánh nhìn thiện cảm chan hòa… Đó là những “niềm vui” mà ai ai
cũng có thể làm được cho nhau, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
Sự lắng nghe, cảm thông và chia sẻ, sẽ là những “niềm vui” ta có
thể “cho người” mà chẳng tốn kém gì. Người được an vui, chính ta cũng là
người được niềm an vui lớn hơn! Cuộc sống mà những người quanh ta đều
được an vui, há chẳng phải là một đời sống hạnh phúc tuyệt vời hay sao?
Sáng dậy sớm, đưa chiếc xe đạp cà tàng ra sân, chuẩn bị ghé công
viên để đi vài vòng thư giãn cho trái tim ổn định; gặp mấy chị từ các
vùng quê lân cận lên chợ mua đủ loại cây trái, quả củ, chất đầy chiếc xe
honda cũ kỹ tội nghiệp, loay hoay với bao đồ kềnh càng không thể chất
lên xe; tôi vội chạy lại tiếp tay một chút - chị cười vui : “Cám ơn
chú!” Lên đến công viên, nhìn thấy người phụ nữ trạc trên 40, đang nhích
dần từng bước trên con đừog quanh công viên mỗi sáng để tập đi sau cơn
đột quỵ, tôi cũng có “lộ trình” đi theo con đường ấy, mỗi vòng qua mặt
cô, tôi bước chậm lại – nhìn cô, tươi cười hỏi thăm vài câu: “Sáng nay
cháu có khỏe không? Gắng lên nhé!” hay “Cháu thường lên công viên lúc
mấy giờ?” Những câu hỏi bâng quơ, thân tình như vậy, đã khiến cô cười
rất tươi. Tôi chợt thấy gương mặt cô sáng lên một niềm tin cho dầu phía
trước còn nhiều gian khó!
Sau hơn 30 phút đi bộ ở công viên, tôi đạp xe về nhà. Con hẻm dẫn
vào nhà hẹp, có dốc hơi cao, gồ ghề, người ba gác già đang ì ạch đẩy xe
chở đầy hàng vào căn nhà trong cùng, nhưng xe không lăn bánh khỏi đoạn
đốc. Tôi dựng xe, vội đẩy phụ bác một đoạn đường hẻm ngắn thôi, không
nghe bác nói gì; nhưng trên gương mặt đen sạm của bác rạng rỡ một niềm
vui!
Tôi vẫn có giấc nghỉ trưa khoảng một giờ, 1 giờ 30 đã thức dậy.
Theo “thói quen” hằng ngày, lúc rảnh việc, tôi thu nhặt các thứ “gọi là
phế thải” (thùng giấy, chai nhựa, lon bia - nước ngọt, bao ny lông, giấy
báo v.v…) từ bao rác con cháu để ở hiên, chờ xe thu rác buổi chiều đến
đem đi, để dành một bao riêng, Vài ba ngày, chọn lựa được một bao đầy.
Những người đàn bà vẫn thường dắt xe đạp vào hẻm hỏi mua đồ phế thải,
tôi lôi ra “tặng” cho họ. Cả bao to, có lẽ nếu bán cho điểm thu mua
quanh thị xã, cũng không hơn 10 ngàn đồng; nhưng tôi nhìn thấy họ rất
sung sướng! Mười ngàn đồng, cũng có thể giúp chi ta mua dược mấy ổ bánh
mì không (hay 3 gói xôi) cho con buổi sáng, trước khi đi học!
Người đàn ông đi xe đạp thồ trên 50 tuổi, từ quê NK xuống phố chợ
đón chờ khách, thường ghé lại hiên nhà tôi ngồi nghỉ. Xin nước uống. Tôi
mang tách trà mời. Hôm nào còn chút bánh trái gì nhâm nhi, đều cùng ông
lai rai, trò chuyện mưa nắng. Tôi nhận ra ông ầy mùa đông cũng như mùa
hạ, chỉ với bộ áo quần kaki cũ; tôi biết mình còn dư một áo ấm (hơi cũ),
mấy bộ áo quần còn tốt, mang ra cho ông. Ông kêu: “Chú cho nhiều quá,
chiều về tôi sẽ cho lại thằng bạn đánh xe ngựa!”
Thêm
niềm vui và làm vơi bớt khổ cho người, không có gì khó - nhất là không
mất nhiều thời gian, không tốn kém gì. Chỉ cần có chút lòng lân mẫn quan
tâm, chút sẻ chia tùy duyên tùy cảnh - là cả ta và người đều được an
vui, lợi ích! “Thêm niềm vui & vơi bớt khổ” không mất công tìm kiếm ở
đâu xa; tất cả đều ờ bên ta, trước mắt ta, gần gũi trong đời sống
thường nhật mà mỗi khi thức dậy, mở mắt ra, ai ai cũng gặp, cũng thấy,
cũng biết. Chỉ có điều, vì ta thơ ơ, sống vội, vô cảm - thì dù có “nhìn thấy cũng như không” thôi!
Vì thế, hãy tự luôn nhắc nhở mình mỗi sớm mai khi thức dậy: “Sáng cho
người niềm vui/ Chiều giúp người bớt khổ”, khi nhớ đến câu thơ “Cám ơn
đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho ta thêm ngày nữa đẻ Yêu Thương!”( Kahlil
Gibran); là ta đã xứng đáng là người con Phật rồi!
Trong thực tế đời sống, có vài trường hợp (không nhiều), có người
khi quan hệ với bạn bè, chòm xóm, mọi người thì rất tốt. Luôn “cho người
niềm vui & giúp người vơi bớt khổ”; nhưng với ông bà, cha mẹ, anh
chị em - nhất mối quan hệ vợ chống, lại không được như vậy! Họ chưa có
đủ sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ đúng mực; hay không cho là điều quan
trọng mà mình cần làm, phải làm, trước khi thực hành với mọi người
chung quanh! Đây là một nhận thức rất nguy hại, có ảnh hưởng không tốt
cho nhân cách đạo đức của mỗi con người; làm tổn thương sự an tịnh cần
có trong cuộc sống Đạo, bởi vì, “không thương yêu giúp đỡ những người
thân yêu ruột thịt của chính mình, thì có thể yêu thương giúp đỡ ai
thật lòng?”
Tuy vậy, trong cuộc sống nhiêu khê, phức tạp - vẫn có nhiều trường
hợp - vì nhiều lý do riêng, ta không có cơ hội “cho niềm vui, và làm
vơi bớt khổ” được cho ai, thì hãy luôn ghi nhớ, chớ nên tạo nỗi buồn và
nỗi khổ thêm cho người! Đó là điều mà những người học Phật cần tâm niệm
và thực hành hằng ngày trong đời sống, để được đời nầy An lành, đời sau
Hạnh phúc vậy!