Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1,400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.
Trong tuần này dư luận VN lại bùng lên quá sôi nổi còn hơn là động đất. Đó là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi.” Dân biết nhưng nhiều quan vẽ ra những kế hoạch xây dựng “vĩ đại” làm bộ như không biết, thế nên phải nói.
Chuyện Sơn La vừa có kế hoạch bỏ ra 1,400 tỉ đồng ($64.5 triệu Mỹ kim) xây “tượng đài bác” đã bị ngay hàng trăm bài báo phản bác và hàng ngàn hay chục ngàn lời chỉ trích thậm tệ trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng, lề phải cũng như lề trái, và ngay cả các bạn ở nước ngoài cũng lên tiếng phản bác mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất trên trang Facebook cá nhân, nhà toán học Ngô Bảo Châu viết công khai ý kiến của ông về vụ dựng tượng đài:
“Số tiền này đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1,400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.”
Bà Pratibha Patil, Tổng Thống Ấn Độ trao huy chương Fields cho Giáo Sư Ngô Bảo Châu
Là nhà khoa học rất bình tĩnh, đĩnh đạc đã phải cất lên lời phê phán như thế quả là điều hiếm thấy. Hẳn phải là sự phẫn nộ ghê gớm và sư khinh bỉ tận cùng, nhà khoa học này mới thốt lên những lời lẽ cay đắng như thế. Ông ví trẻ con vùng này như lũ thú hoang thật đúng. Ông gọi những người làm ra “dự án xây tượng đài” là khốn nạn hoặc thần kinh cũng chẳng sai. Người dân cảm phục ông vì chưa có nhà phê bình nào kể cả các ông “đại biểu dân” trong Quốc Hội cũng chưa bao giờ lên tiếng như thế. Ngay giữa Quốc Hội sáng 11-8 vừa qua, chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội Ksor Phước dẫn lời cử tri, cho biết, “Dân nói rằng ở đâu cũng có đại biểu, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã mà khi có việc xảy ra lại không thấy ai giám sát, lên tiếng.”
Tiếng nói của ông Ngô Bảo Châu mới chính là còn vang vọng mãi chứ không phải những tiếng loa hô hào suông, những lời hứa hão rồi bay tuốt và khoảng không.
Cũng xin nói thêm, vị giáo sư này đã nhận được giải thưởng Fields, giải thưởng toán học tương đương với giải thưởng Nobel. Hội Đồng Thi Đua Khen Thưởng Thành Phố Hà Nội công nhận ông là Công Dân Thủ Đô Ưu Tú lần thứ nhất, năm 2010.
Ông thường được cả giới chức chính quyền và ngành giáo dục VN coi là tấm gương tiêu biểu cho các bạn trẻ ở VN nên noi theo. Ông xứng đáng được coi là biểu tượng của những nhà trí thức ở VN. Hơn hẳn những ông trí ngủ, ngậm miệng làm thinh trước mọi nỗi đau của nhân dân, nỗi nhục của cả thời đại.
Bao giờ VN mới có thêm một Ngô Bảo Châu thứ hai dám chửi thẳng vào mặt những thằng khốn nạn, những thằng thần kinh đang nhảy múa trên xương máu của đồng bào mình.
Hội chứng quanh co chối tội
Trong hoàn cảnh khốn khổ của người dân tỉnh Sơn La khi vừa trải qua cơn lũ lịch sử, lãnh đạo tỉnh quyết định thông qua dự án xây dựng tượng đài khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi cho tính hợp lý của dự án này. Dự định thực hiện từ năm 2015 - 2019. Kinh phí xây dựng quá lớn đặc biệt gây sự chú ý của dư luận, đặc biệt khi Sơn La là một trong những tỉnh nghèo nhất trên cả nước.
Sơn La hiện có tới 71,000 gia đình nghèo. Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La ghi rõ: “Tình trạng thiếu đói giáp hạt xuất hiện sớm từ tháng 1-2015 và cao điểm đến 5-3-2015 đói giáp hạt đã xảy ra ở 5 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Mộc Châu với 8,200 gia đình và 36,031 người thiếu đói chiếm 3.13% tổng số gia đình dân và 3.05% tổng số dân toàn tỉnh."
Sau khi bị dư luận “đánh” tơi tả, các quan đầu tỉnh Sơn La vội lên tiếng phủ nhận với lời giải thích vòng vo. Trả lời phỏng vấn của VTC News, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định hiện nay dư luận đang hiểu sai vấn đề.
“Không có chuyện xây dựng tượng đài lên tới 1,400 tỉ đồng. Nêu như thế là không đúng.” Ông Minh cho rằng những ý kiến nêu ra việc xây dựng tượng đài hết 1,400 tỉ đồng là không hiểu sự việc. Khoản kinh phí dự toán 1,400 tỉ đồng bao gồm nhiều công việc như xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh, xây dựng quảng trường, xây dựng khu tái định cư, phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, các hạng mục chiếu sáng, cây xanh, điện nước… Như thế có nghĩa là tỉnh đã quyết định nhưng chưa làm và con số 1,400 tỉ đồng không phải để xây tượng đài mà còn làm nhiều thứ khác, phần tượng đài chỉ có một số ngân khoản nhỏ. (Tượng đài chỉ khoảng 200 tỉ đồng). Đó là con số được các quan đầu tỉnh Sơn La “đính chính.”
Dù thế nào thì đó vẫn là sự lãng phí, trong khi nhu cầu của tỉnh nghèo là các cơ sở hạ tầng như cầu cống, đường giao thông, trường học, trạm y tế… có giá trị cấp thiết cả về mặt xã hội và kinh tế hơn nhiều, so với việc xây tượng đài triển lãm. May mà chính phủ VN đã nhanh chóng đưa tin dự án này chưa được chấp thuận.
Đúng là kiểu nào các quan cũng giải thích được. Nó nằm trong cái “hội chứng quanh co chối tội” của nhiều lãnh vực khác. Cũng như các vị bác sĩ ở Huyện Vũng Liêm là một thí dụ cụ thể.
Bảo tàng tỉnh Quảng Nam được xây dựng gần 90 tỉ đồng cũng vắng vẻ đìu hiu.
Bệnh nhân đau chân trái, bác sĩ mổ chân phải
Anh Lê Quốc Dũng, ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết: sáng 27/7 vừa qua, anh đưa con trai là Lê Quốc Hào (6 tuổi) đến Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thăm khám vì bị đau ở khoeo chân trái.
Tại đây, các bác sĩ (BS) của khoa Ngoại - BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long xác định bé Hào bị u nang hoạt dịch khoeo chân trái, chỉ định phẫu thuật và yêu cầu gia đình cho cháu bé nhập bệnh viện. Đến 10 giờ sáng ngày 28/7, bé Hào được BS Bùi Vĩnh Phúc cùng ê-kíp trực tiếp phẫu thuật. Nhưng BS mổ nhầm chân, không đúng như chỉ định ban đầu. Lẽ ra mổ chân trái, các ông BS đè chân phải của cháu ra mổ.
Sau khi gia đình anh Dũng phản đối, các BS tại khoa Ngoại giải thích với gia đình bệnh nhân. Phía bệnh viện quả quyết rằng, chân phải của bé cũng có nang và nặng hơn chân trái nên họ mổ luôn(?!).
Anh Dũng nói, “Cách giải thích là không thỏa đáng vì trước đó BS thông báo cháu chỉ bị chân trái. Vậy tại sao khi vào phòng mổ lại nói là chân phải nặng hơn? Hơn nữa, việc phẫu thuật ít nhất phải có ký nhận của gia đình nhưng bệnh viện tự ý mổ là sao? Hơn thế sao chân trái của cháu vẫn không được mổ.”
Cái “hội chứng quanh co chối tội” này được áp dụng thường xuyên trong nhiều trường hợp, ông có quyền có thế muốn nói ngang nói dọc sao dân chỉ còn “kiện củ khoai.”
Còn nhiều chuyện lãng phí hơn Sơn La
Trở lại chuyện những công trình lãng phí ở VN thì quá nhiều, tôi chỉ xin kể vài chuyện “tượng trưng” từ thành thị đến thôn quê đang mắc cái bệnh thi đua thích hoành tráng này, anh to một, tôi phải to hai, anh có tượng đài tôi cũng phải có. Đấy là chưa kể đến chuyện người dân thừa biết bất cứ công trình nào được thực hiện cũng phải chi ra ít nhất là 5% cho các quan. Hãy nhìn lại vài công trình tại hai thành phố lớn nhất nước.
Bạn Kỳ Duyên viết trên báo VNNet:
“Cứ tưởng cái chuyện xây bảo tàng đã được cho vào… bảo tàng từ lâu bởi quá nhiều thứ bất cập, thì đột nhiên vụ việc xây Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia lại nổi lên trong tuần này như một hiện vật đáng chú ý, thu hút hàng triệu con mắt bạn đọc.
“Cái hiện vật này, dù mới ở dạng dự án, nhưng những phác thảo của nó cho thấy rất hoành tráng, chiếm khoảng 10 hecta ở khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội). Cũng vì thế, mà số tiền đầu tư cho công trình xây dựng này hoành tráng không kém – 11,277 tỷ đồng ($520 triệu). Cũng bởi số tiền đầu tư hoành tráng quá, khiến dư luận thành ra của đau con xót. Và dư luận có lý. Vì ngay lập tức, người ta nhớ đến một hiện vật bảo tàng bề thế không kém, vẫn đang phải chịu cảnh bia miệng trơ trơ. Đó là Bảo Tàng Hà Nội. Người viết bài mãi không quên được cái cảm giác sửng sốt, sững sờ lần đầu tiên nhìn thấy kiến trúc của Bảo Tàng HN.
“Cái kiến trúc rất xấu xí và phi lý này- tới 2,300 tỉ đồng ($106 triệu). Rút cục đến giờ, khi nói về Bảo Tàng HN, dân gian hay dùng thành ngữ vắng như chùa Bà Đanh. Còn hiện vật trưng bầy tại bảo tàng thì lèo tèo không kém. Chưa kể mới khánh thành ít lâu, công trình đã xuống cấp như... đạo đức xây dựng hiện nay, mỗi trận mưa to, bảo tàng lại dột từ nóc dột xuống.”
TP Hải Phòng xây nhà hát để bỏ không
Lại nói đến TP lớn thứ hai ở miền Bắc. Công trình nhạc nước 200 tỷ đồng ($9.2 triệu) nằm giữa lòng hồ Tam Bạc được thành phố Hải Phòng xây dựng chính thức đi vào hoạt động được vài năm, ít lâu sau, công trình nghệ thuật bạc tỷ này khiến người dân Hải Phòng ngỡ ngàng vì sự... đơn điệu, nghèo nàn về kịch bản (chỉ có hai bài hát về Hải Phòng lặp đi lặp lại). Một dự án tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng tồn tại chưa được bao lâu đang đứng trước nguy cơ bị bỏ không một cách lãng phí.
Theo báo Nhân Dân, hiện Hải Phòng còn hơn 12,000 gia đình nghèo và khoảng 17 nghìn gia đình cận nghèo cần sự trợ giúp của các cấp, các ngành, những nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội trong nỗ lực thoát khỏi đói, nghèo. Thêm nữa, ở Hải Phòng vẫn còn một làng chài ven sông Lạch Tray từng được biết đến với danh hiệu "làng chài nhiều không nhất nước": không hộ khẩu, không chứng minh thư, không biết chữ, không biết nơi mai táng sau khi chết... cuộc sống của người dân nơi đây vẫn rất khốn khó.
Đâu chỉ có Bảo Tàng Hà Nội, các tỉnh cũng thi nhau xây bảo tàng.
Không riêng Bảo Tàng Hà Nội, khoảng 150 bảo tàng khác trên cả nước cũng không khá hơn. Hãy nghe một khách thăm Bảo Tàng Ninh Thuận thẳng thắn trên vitalk.vn, ngày 26/6: Nhìn bên ngoài bảo tàng thật bề thế, có kiến trúc đẹp mắt. Tuy nhiên vào trong thì toàn bộ chắc khoảng được 100 "hiện vật." Nói là "hiện vật" cho sang thôi chứ các vật trưng bày đều rất tầm thường. Đó là các chứng nhận của tỉnh và cả một góc to tướng trưng bày yến sào, không quên in ảnh chủ doanh nghiệp to hơn người thật và số điện thoại liên hệ. Tất cả bảo tàng đi thăm mất khoảng 10 phút là hết (?)
Ngay nhà văn hóa, các kiến trúc về Văn Miếu các tỉnh cũng thế thôi.
Cách đây ít lâu, huyện Đan Phượng đã khiến nhiều địa phương cả nước ghen tỵ vì độ chơi sang, khi dám đầu tư 117 tỉ đồng, để xây một nhà hát cấp huyện, diện tích sàn 7,100 m2, có sức chứa ngang Nhà Hát Lớn. Chỉ tiếc, sau hai năm khởi công xây dựng thì đắp chiếu vì thiếu vốn. Hiện nay chỉ có các “diễn viên”... chuột suốt ngày chí chóe.
Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Trong ảnh là một nơi nghèo khó thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Theo báo Dân trí, ngày 29/7, TP Hà Tĩnh cũng vừa xây xong công trình Văn Miếu gần 80 tỷ đồng. Thế nhưng xây xong lại không biết thờ ai?! Đúng là chuyện lạ nhất thế giới. Làm bàn thờ xong chẳng biết cúng ông nào. Thôi thì cúng Thiên cúng Địa cho thằng dân đói nhìn chơi cho đỡ mờ mắt. Chuyện này chắc chắn chỉ có ở VN.
Chỉ kể sơ qua như thế bạn đọc cũng đã thấy sốt ruột (hay sốt tiết) rồi. Tiền của dân cứ phóng tay đốt và quan có thêm tiền, thế nên nhiều quan, nhiều tỉnh thành rồi đến quận huyện cũng thi nhau mọc lên các loại công trình ngàn tỉ. Đốt tiền dân nhiều thì ăn to. Giản dị có thế thôi các cụ ạ.
Văn Quang