"Chiến
tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ
trí
Lũ chúng ta sống một đời vô
vị
Nên chọn rừng sâu núi cả
đánh nhau" (NBS)
Khoảng cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giữa những người làm thơ tự do và “làm dáng” theo thơ tự do, những người làm thơ tranh đấu theo kiểu “hiện thực nửa mùa, khẩu hiệu”,
bỗng xuất hiện lẻ loi một khuôn mặt mới toanh mang phong cách của
“trường phái” thơ ngang tàng, khẩu khí, khinh khoái đúng với chất hiện
thực phơi bày nhan nhản trong cuộc sống khốn đốn thời bấy giờ, rất không
giống ai.
Đó là trường hợp của Nguyễn Bắc Sơn, người thọc chân vào làng thơ như một kẻ “du côn chữ nghĩa”,
một hành giả rong chơi dọc ngang trong trận đồ bát quái giữa thánh
thiện và tội lỗi, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa đạo và phi đạo, giữa
tốt và xấu; để cuối cùng nghêu ngao một câu hát rong: kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng / hoặc nhà thơ theo khí hậu từng mùa.
Sự thọc chân bất ngờ của Sơn, ví von một cách trần trụi, cũng tỉ như
bứt sợi lông gà ngoáy vào lỗ tai kẻ khác, gây cảm giác nhột nhạt vừa khó
chịu, vừa thích thú.
27 bài thơ phơi trải trong Chiến tranh Việt Nam & tôi đã được đón nhận (thời đó) bằng những thái độ khác nhau: Các nhà làm chính trị và đạo đức giả cầy gọi thơ Nguyễn Bắc Sơn là “con sâu bệnh hoạn”, là “phản chiến, khiếp nhược”,
các em tiểu thư khuê các vừa nhắm mắt vừa đọc, vừa thè lưỡi rụt đầu vừa
rung bần bật những khoái cảm sũng nước. Và chỉ có những kẻ bị xô đẩy
vào chốn “du côn, du đãng” mới đồng cảm được tiếng thơ bi hài lồng lộng bão cát, chói chang lửa đỏ và dầm dề mưa lũ. Sự đồng cảm đồng điệu đồng tình của những con
người cùng một thế hệ đang phơi lưng nướng trui trên lò than hồng rực
đỏ, khét lẹt ngoài chiến trường, để tập làm Thảo Khấu:
Vì sao ta đến đây hò hét
Học trò bẻ bút tập mang gươm
Tập uống máu người thay uống nước
Múa may theo lịch sử điên cuồng.
Những tra khảo tâm óc dường như chưa hề có câu
trả lời, không thể trả lời nổi, để cuối cùng phó mặc mọi sự đẩy đưa. Mặc
kệ tất. Thằng nào giương cao ngọn cờ cứ giương, đứa nào hò hét cứ hò
hét, cứ xông tới và trốn chạy, xông tới và ngã xuống, chiến thắng và bại
trận. Tất cả đan chéo vào nhau như đường gươm ma thuật của phái Bạch
Mi. Riêng ta bỏ tuốt cái phía trước và phía sau, bỏ cái quyền uy và
khuất phục để làm một kẻ lãng đãng khói sương trong khói lửa mịt mùng kinh lợm:
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Không lạ, không xa mà cũng chẳng nhọc nhằn lý
giải theo phép biện chứng khi mà guồng máy xay thịt cứ nghiền nát từng
cánh tay, bàn chân, thân thể con người. Những công dân, những đồng bào,
họ không bao giờ muốn thân xác mình biến thành món thịt băm; họ đâu muốn
bắn giết nhau. Chỉ có các ngài chính trị lợi dụng sự cả tin, phều ra
chút nước bọt để tranh giành quyền lợi cá nhân theo mộng tranh bá đồ
vương, nên “lúc này đây ta không thèm đánh giặc”. Ta “không thèm đánh giặc” bởi trong đầu óc ta luôn nghĩ:
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Đến nỗi nhà văn Võ Phiến phải thốt lên: “Bên kia là: những đứa điên say”;
bên này là “ta” coi đánh giặc như trò chơi. Hoàn cảnh phải chăng đã xui
có cái bất cần này để quân bình lại cái quá đáng kia. Óc hài hước bên
này để hiểu chính óc mộng tưởng bên kia? (Võ Phiến, Chúng ta qua cách viết, NXB Giao Điểm, SG 1972).
Từ một thái độ rạch ròi như vậy, trong cuộc hành
quân, dưới con mắt nhà thơ “du côn” là chuyện vặt, không phải của bản
thân mình nên kêu các “ngài du kích” đứng xê ra, đừng có bắn nheo để ta “dừng quân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi”.
Cũng vì chiến tranh là thứ “tai trời ách nước”, thân phận ta như cánh bèo dạt lên bãi bùn khô thì sống chết cũng là chuyện vặt:
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui.
Chất bi thảm trong Mật Khu Lê Hồng Phong một lần
nữa lật tung ra bề trái thúi hoắc của câu nói thời thượng từ cửa miệng
các nhà đạo đức giả, trong hoàn cảnh này như cái tát của một cô gái điếm
vào mặt những tên chính trị ma đầu, ma cô!
Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất
Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông
Soi mặt mình trong dòng nước xanh trong
Để nhìn thấy hình bản lai diện mục
Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giã từ đời vũ khí, huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết
(Tiệc tẩy trần của người sống sót)
Nói theo cách nói của Cao Huy Khanh lúc chúng tôi
nằm chung ĐĐ 31 trường Võ Bị Thủ Đức khóa 6/70, thì cuộc chiến tranh
này dưới con mắt của Nguyễn Bắc Sơn là “cuộc nhàn du vào con đường huyệt tận, là sự nghêu ngao trên chiếc giá treo cổ hận thừ”,
mà Sơn thì như một con sóc trước bờ vực sống và chết, luôn cười ha hả,
sướng điên một nỗi buồn tênh vô cùng thênh thang, ngan ngát những hương
thơm của hoa cỏ, nắng ấm, suối trong… và chung quanh là mã tấu, lưỡi lê, bom đạn!
Có lẽ vì thế mà phong thái khinh bạc cứ mỗi lúc mỗi đậm đà hương bưởi hương cau:
Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
Mùa này gió bãi mưa ngàn
Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà
Những thằng lính trẻ hào hoa
Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh
Lao mình vào cuộc phân tranh
Tiếc thương xương máu sinh thành được ư
(Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân)
Suốt dọc Chiến tranh Việt Nam & tôi,
tôi cố tìm chất anh hùng ca kiểu Homère với những Odyssée, Iliad … nhưng
chỉ toàn những bi hài đan xen vào nhau bằng những tiếng cười vui cứa
nát trái tim:
Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Đời tàn trong lứa tuổi thanh xuân
(Căn bệnh thời chiến)
Cỗ máy băm thịt khổng lồ kia đã biến đổi nhân
cách con người một cách tàn tệ nhất, để mọi người ai cũng có thể nhận
ra, nhưng Nguyễn Bắc Sơn hơn mọi người là dám thốt thành lời, mà lại là
lời thơ khôi hài như một lưỡi dao nhọn hoắt:
Ngày trước mày hiền như cục đất
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt
Ngày trước mày định đi tu tiên
Giờ lính tu bi-đông ừng ực
[...]
Giờ tối nằm mơ chỉ thấy tiền
Nhân nghĩa gì gì quên tuốt luốt
(Bài hát khổ nhục)
Con người bước vào rồi may mắn bước ra khỏi guồng máy chiến tranh cuối cùng chỉ là “như rượu còn ly cặn”, là “kiếp ngựa què”.
Trong Chiến tranh Việt Nam & tôi, còn
có một Nguyễn Bắc Sơn thứ hai ngoài chất du đãng phóng khoáng, ngoài
chất du côn khinh bạc, ngoài chất du kề bi hài. Đó là một Nguyễn Bắc Sơn
từng trải, bay bổng lên cao và chui sâu dưới tối, căng mắt, căng tai mở
toạc trái tim và tâm hồn để đắm chìm trong dòng triết học phương Đông
trầm mặc, như chính anh đã tự vẽ chân dung mình:
Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sông
Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà thơ theo khí hậu từng mùa
(Chân dung Nguyễn Bắc Sơn)
Anh đứng giữa hai thái cực cuộc đời, chiêm vọng
nó, hít thở, hoà tan như thể một trưa hè tắm sông và khi bước lên bờ,
anh chính là Nguyễn Bắc Sơn chứ không là con người nào khác, mới toanh,
mát mẻ:
Trong đáy giếng nhà tôi
Sống một con cá trào [tràu?] già
Những đêm trăng
Dường như y không sao ngủ được
Y bì bõm
Chơi đùa cùng ánh trăng, khí hàn và nước
Tôi ngồi bên thành giếng
Im lìm chiêm ngưỡng y.
Nói về Nguyễn Bắc Sơn và thơ Nguyễn Bắc Sơn thì
còn muôn trùng điều để nói, để chọc xẻ và ngắm nhìn, để phanh thây và
quàng vai. Công việc đó xin mượn lời các nhà văn đã từng nói, viết về
anh:
“Phong thái ngang tàng mà khinh khoái, chết
thì thôi, còn sống thì còn vui. Chẳng những trước khi đụng trận một
ngày, mà trước khi hành quân một giờ, Nguyễn Bắc Sơn cũng thản nhiên
“khơi khơi chấp hết” [...] Chiến tranh đối với họ đã trở thành chuyện
cơm bữa, không còn lý do gì để đại ngôn, lớn lối nữa”. (Võ Phiến, Bách Khoa số xuân Canh Tuất)
“… Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn tôi có liên tưởng
đến tiếng thơ Quang Dũng trong bài “Tây Tiến”, chỉ khác thơ Quang Dũng
là kết tinh của một hoàn cảnh bi hùng, còn thơ Nguyễn Bắc Sơn là kết
tinh một hoàn cảnh bi hài”. (Doãn Quốc Sỹ, Văn số 185 ngày 1.9. 1971)
“… Có cái ngang tàng đượm màu sắc Lão Trang,
đánh giặc không cần lý tưởng mà vẫn đánh, coi cuộc chiến như trò chơi,
thương xót kẻ thù như ruột thịt”. (Chu Tử, tuần báo Đời số 9 tháng 11.1969)
“Mấy bài viết về chiến tranh có cái hào sảng,
bi đát của tướng Thần Quang Dũng. Bài “Chân dung Nguyễn Bắc Sơn” thật
hay. Đọc được một bài thơ hay thấy sung sướng cả ngày”. (Viên Linh, thư riêng ngày 27.11.1969)
Các bạn độc giả không tin ư? Cứ bỏ tiền ra mua tập Chiến tranh Việt Nam & tôi
(do hai bạn văn Phạm Văn Nhàn và Trần Hoài Thư sắp xếp, tái bản). Nói
như Viên Linh thì với 27 bài thơ của Sơn các bạn sẽ sướng cả tháng, cả
năm. Nếu chưa tin, tôi chép lại nguyên văn mấy dòng trên đầu sách để
giới thiệu tập thơ này (do Ngô Nguyên Nghiễm phóng bút) khi xuất bản lần
đầu 1972:“Tập thơ hát lên tiếng hát lồng lộng bi tráng của một người
tham dự chiến tranh Việt Nam, một thiền sư bụi đời, một gã du đãng trầm
mặc.
Những bài thơ xa như tiền chiến, xưa như Đường thi, nhưng kỳ lạ thay, mới tinh và gần gũi như sáng hôm nay…”.
Một đoạn phỏng vấn giữa Nguyễn Lệ Uyên và nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn:
Ng: Ông làm thơ từ hồi vào vậy?
NBS: Tôi không làm thơ. Tôi chỉ gồng gánh thơ đi chơi.
Ng: Gánh thơ vào chiến trường, hậu cứ, nhà thổ…?
NBS: Chỗ nào tới được thì ta cứ đi.
Ng: Ông gánh cả rượu đế Nùng và mấy chục chai bia theo khi hành quân?
NBS: Bốn chục chai đồ bỏ.
Ng: Gan bẩm vậy sao khi “Qua cầu sông Luỹ nhìn quanh quất / Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà“?
NBS: Ồ cũng lạ thiệt. Đôi khi tôi cũng tự hỏi: “Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà”. Cái đó mới kỳ.
Ng: Không kỳ sao được khi “Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng / Còn ngại hành quân động Thái An“? Động Thái An nay còn không?
NBS: Còn mất, mất còn; có không, không có.
Ng: Thật tội nghiệp cho các cô gái ở bốn quận miền Bắc, nơi “có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính”.
NBS: Bởi vậy nên tôi phải “Gửi tâm hồn vào những đám mây bay / Đi tranh luận cùng thánh hiền thiên cổ”.
Ng: Đó là chuyện hồi xưa, cũ mèm, trên ba mươi năm rồi. Còn giờ thì sao?
NBS: Giờ?
Ng: Ừ, giờ?
NBS: Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về.
Ng: Bấy nhiêu đó?
NBS: Ông móc trong đáy thùng thử coi.
Ng: Tôi lượm quanh hồ Than Thở và hồ Xuân Hương, để tôi đọc cho ông nghe:
Về đâu đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba ngàn thế giới cũng chưa to
Tháng Giêng ngồi quán, quán thu phong
Gió nhạn môn quan thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau lòng tứ xứ
Thương Kiều Phong, nhớ tiếc Kiều Phong
Tháng Giêng có kẻ đi tìm cúc
Nhưng cõi đời đâu có Cúc Hoa
Thấy đám phù bình trên mặt nước
Biết mình đi lộn nẻo bao la
Lạng quạng ra bờ sông ngó nước
Trên bờ dưới nước gặp ông câu
Ta câu con đú ngươi con đẻn
Chung một tâm hồn tất gặp nhau
Ghé thăm ông bạn trồng cây thuốc
Mời nhau một chén rượu trường sinh
Bát cơm tân khổ trong tù ngục
Câu chuyện năm năm khiến giật mình
Khi gã Yêu Ly đâm Khánh Kỵ
Là đâm trúng phải trái tim mình
Sông Mường Mán không dung hào kiệt
Muôn đời bóng núi đứng chông chênh
Nằm ngủ dưới cây nghìn cánh hạc
Dường như mặt đất tiết mùi hương
Ngủ thẳng một lèo chiều mới dậy
Dường như mình cũng mộng hoàn lương
Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
Một ngày loáng thoáng một ngày qua
NBS: Mẹ kiếp, thơ thằng nào mà thơm như cứt!?
Ng: Hình như đó là thơ của Nguyễn Bắc Sơn.
NBS: Hắn là thằng nào vậy?
Ng: Nghe nói hắn là một tên bụi đời thượng hạng ngoại hạng.
NBS: Gã láo thật.
Ng: Vâng, láo. Ông còn gì để nói với độc giả Thư Quán Bản Thảo không?
NBS: Ông nhắn giùm các cô gái nhà lành, những
thằng làm chính trị, những thằng đạo đức giả chớ có đọc loại thơ trong
thúng mủng cảo nia trên đường bụi bặm.
Ng: Cảm ơn ông.
NBS: Không cần!
Nguyễn Lệ Uyên
(tháng 6/05)
(tháng 6/05)