văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, December 11, 2019

TẠ QUANG KHÔI ** NIỀM VUI CUỐI ÐỜI


             
Ông Cảnh đã yêu Nhạn suốt cả cuộc đời. Trong tuyệt vọng và thầm kín. Nhạn là con gái đầu lòng của một người bạn thân. Người bạn này còn kém cả tuổi ông. Hai người cùng học một lớp với nhau nhiều năm. Khi người bạn lấy vợ, ông là một trong hai người rể phụ. Nhưng chính ông thì chưa bao giờ làm chú rể. Nhiều thầy bói đã cho biết số ông là số “cô độc cô quả”. Thật ra, ông cũng đã có một vài lần hỏi vợ, nhưng lần nào cũng dở dang và đổ vỡ. Có đám thì sắp đến ngày cười bỗng nhà gái từ hôn với lý do không rõ ràng. Có đám thì chính ông từ hôn vì bất ngờ trông thấy vợ chưa cưới đi chơi với một người đàn ông lạ mặt. Có điều đáng nói là dù đi hỏi vợ ông chưa hề thực tâm yêu một người con gái nào. Ông thấy bạn bè lần lượt có gia đình thì cũng muốn có một người vợ để đi về có nhau. Ông cũng nghĩ tới lời khuyên của một câu tục ngữ Pháp : ”L’appétit vient en mangeant”, nghĩa là cứ lấy vợ rồi sẽ yêu vợ.

            Tình yêu đến với ông rất muộn khi ông đã đi tới nửa đường của tuổi “bất hoặc”. Người yêu đầu tiên của ông lại chính là người con gái lớn của ông Thiện, người bạn học cũ của ông. Lúc đó Nhạn mới 15 cái xuân hồng. Như vậy, ông hơn nàng đúng 30 tuổi. Vì yêu một cách quá bất thường và mù quáng, ông giấu kín mối tình đó tận đáy lòng. Nhạn là một thiếu nữ xinh đẹp, có thân hình nẩy nỡ đều đặn sớm, nên có nhiều cậu trai theo đuổi ngay từ khi vừa tới tuổi dậy thì. Thấy ong bướm dập dìu như vậy, ông Cảnh buồn và lo lắm. Có lần ông đến thăm ông Thiện, thấy Nhạn thân mật cười nói với bạn trai, ông thầm ghen, nhưng biết mình không thể làm gì được, ông bỏ ra về một cách đột ngột, không lý do, khiến ông Thiện rất ngạc nhiên.
            Vì xinh đẹp, duyên dáng, có nhiều người yêu, Nhạn lơ là việc học hành nên chưa học hết bậc trung học đã lấy chồng năm 18 tuổi. Chồng nàng là con trai một nhà buôn giầu, cũng học hành dở dang như nàng. Sở dĩ nàng chọn anh chàng này vì anh đã chịu khó bỏ nhiều tiền ra mua những món quà đắt tiền mà nàng thích để tặng nàng. Ông bà Thiện không ưng chàng rể nhưng cũng phải bằng lòng. Thật ra ông bà đã ngầm chấm một cậu sinh viên trường thuốc cho con gái.
            Thấy Nhạn lấy chồng, ông Cảnh buồn lắm, nhưng biết thân biết phận mình, chả dám hở môi ra nói gì hết, dù có lúc ông Thiện ngỏ ý không ưng cuộc hôn nhân này, cho rằng Nhạn còn trẻ người non dạ, chưa biết chọn người xứng đáng.
            Hôm cưới Nhạn, ông Cảnh không dự, chỉ gửi mừng nàng một món quà đắt giá. Nhưng cuộc hôn nhân này không bền, chưa đầy hai năm, vợ chồng nàng đã chia tay. Nàng nói với bố mẹ là chồng nàng chưa trưởng thành. Con nhà giầu được nuông chiều quá đáng nên không hiểu gì về cuộc đời thực tế. Không những thế, bà mẹ chồng lại khó khăn, nghiệ ngã rất mực, bắt nàng vào khuôn vào phép đến cực khổ. Kết quả của cuộc hôn nhân là một bé trai mấy tháng tuổi. Bà mẹ chồng muốn bắt đứa bé vì nó là cháu đích tôn, nhưng nàng không chịu, bế con về với cha mẹ.
            Thấy Nhạn bỏ chồng, ông Cảnh mừng thầm và lại nuôi hy vọng.  Ông sẵn sàng nhận đứa bé làm con và ông tự biết ông đủ khả năng nuôi nó cho đến khôn lớn. Ông tính hôm nào thuận tiện sẽ ngỏ lời thẳng với Nhạn. Bây giờ nàng không còn là gái tân hơ hớ nữa. Ông tin rằng lần này ông có thể được nàng để mắt tới.  Nhưng tiếc rằng ông chưa có dịp nào thuận tiện ngỏ lời thì nàng đã lại…bước thêm bước nữa. Người chồng mới của nàng cũng còn trẻ, chưa hề lấy vợ. Anh ta là một sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc hôn nhân này còn ngắn ngủi hơn cuộc hôn nhân trước. Chưa đầy sáu tháng sau ngày cưới, anh đã vội vã…đền nợ nước. Thế là nàng lại góa bụa, ông lại hy vọng. Nhưng muốn tỏ tình với nàng không phải là một chuyện dễ dàng. Làm sao ông có thể mở miệng nói với con gái của bạn là ông yêu nó, muốn cưới nó làm vợ. Ông cố gắng tìm lời lẽ nào cho hợp tình bác cháu nghe khả dĩ lọt tai.
Ông lần lữa mãi vì chưa tìm ra lời mà cũng không dám hỏi ý kiến ai thì Nhạn lại ôm cầm bước sang thuyền thứ ba. Chủ thuyền này là một luật sư mới xong thời kỳ tập sự. Như vậy anh là người có thế giá cao, ít nhất so với ông Cảnh, một nhà giáo tầm thường. Lần này thì ông vừa thất vọng vừa giận nàng. Hừ, người gì mà lấy chồng lẹ như thay áo lót vậy, ông thầm trách nàng.
            Nhạn sống với người chồng thứ ba này khá lâu, nhưng không có con. Nàng khoe với bố mẹ là nàng được chồng rất chiều. Vì thế, nàng không thích có con, chàng luật sư cũng bằng lòng. Không những thế, chàng còn mua thuốc ngừa thai cho vợ. Nhưng người xưa đã nói :”Hồng nhan đa truân”, má hồng phận bạc. Vì thế, Nhạn cũng không thoát khỏi định luật đó. Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, vơ chồng nàng vượt biên tìm tự do. Ghe bị hư máy giữa biển, lênh đênh trôi dạt theo sóng gió nhiều ngày. Thuyền nhân bị chết đói gần hết trước khi được một tầu buôn của Na Uy vớt. Trong số rất ít người sống sót có Nhạn. Khi được cứu tỉnh, nàng không hiểu tại sao nàng lại không chết cùng với chồng con. Số người sống sót này được đưa tới Singapore, rồi được định cư ở Mỹ.  Nhạn bị bệnh tâm thần hơn một năm trời mới khỏi.
Khi đã trở lại bình thường, nàng vào học trường đại học cộng đồng để vừa học Anh văn vừa học lấy một nghề. Trong thời gian đi học, nàng cũng phải đi làm để tạm sống. Cả ở trường lẫn nơi làm việc có nhiều đàn ông theo đuổi, nhưng nàng làm ngơ hết. Nàng chán chuyện chồng con rồi. Nàng nghĩ rằng trên cõi đời này không ai có thể bằng được người chồng luật sư của nàng. Tốt nhất là chẳng tơ vương làm chi cho nặng nợ.
Sau hai năm học, nàng có một nghề để có thể sống vững vàng. Nàng xin được một việc làm ở một sở Mỹ, lương cũng đủ sống. Khi đã tương đối ổn định, nàng lo giấy tờ bảo lãnh cho bố mẹ sang đoàn tụ với nàng. Ông bà Thiện được sang Mỹ sau hai năm chờ đợi. Trong khi đó, ông Cảnh cũng sang đoàn tụ với gia đình người em trai, nhưng phải chờ đợi tới bảy năm. Sang tới Mỹ, ông vội liên lạc ngay với ông bà Thiện, rồi thu xếp chuyển sang ở gần bạn. Ông chỉ có một thân một mình nên làm gì cũng sống được, ở thì thuê lại một căn phòng nhà người ta cũng xong. Ðiều cốt yếu là ông được ở gần Nhạn, khi nàng lại độc thân. Thật ra ở gần hay ở xa, tình trạng cũng chẳng thay đổi gì, vì ông có bao giờ dám tỏ tình với nàng. Mỗi khi gặp nhau, nàng bao giờ cũng cung kính “bác bác cháu cháu” khiến ông ngại ngùng.
Trong khi đó, Nhạn vẫn có nhiều người theo đuổi, cả Mỹ lẫn Việt. Nhưng nàng vẫn quyết tâm ở một mình cho…nhẹ nợ. Vết thương cũ vẫn chưa lành trong tâm hồn nàng. Thỉnh thoảng, về đêm nàng vẫn khóc thương thằng con chết yểu.
Tháng ngày êm ả trôi, rồi ông Cảnh đến tuổi về hưu khi Nhạn mới 35, cái tuổi đẹp lộng lẫy của một thiếu phụ có nhan sắc. Soi gương thấy mình già, mặt mũi nhăn nheo, tóc đã nhiều muối hơn tiêu, ông biết mình không còn hy vọng gì nữa, đành cố quên đi hình bóng người đàn bà ông ấp ủ suốt hai chục năm trời. Mấy năm sau, ông Thiện, rồi bà Thiện cũng vể hưu. Hai ông bà từ ngày sang Mỹ vẫn ở chung với con gái nên để dành được khá nhiều tiền. Còn ông Cảnh cũng có cuộc sống thoải mái hơn khi ông được nhận vào một khu nhà dành cho người già, được nhà nước giúp đỡ
Rảnh rỗi, ông bà Thiện thường cùng nhau đi chơi xa. Trong một chuyến đi thăm một người bạn ở tiểu bang khác, lúc trở về, ông bà đã gặp tai nạn trên xa lộ. Cả hai cùng chết ngay tại chỗ. Kẻ gây tai nạn là một tài xế xe vận tải hạng nặng, đã ngủ gật để cho xe vượt làn ranh giữa sang đường ngược chiều. Công ty xe vận tải chịu mọi trách nhiệm và hãng bảo hiểm của công ty xe phải bồi thường cho Nhạn một số tiền lớn. Nhưng số tiền này cũng không sao cứu nàng khỏi cơn mê sảng. Khi nghe tin cha mẹ bị tử nạn, nàng bị xúc động quá mạnh nên té xuống đất hôn mê ngay. Từ đó, dù các bác sĩ tâm thần đã tận tình chạy chữa, nàng không sao trở lại được bình thường. Ngay cả khi được coi là tỉnh, nàng vẫn ngơ ngơ ngác ngác, lúc quên lúc nhớ.
Ông Cảnh tuy không phải là họ hàng ruột thịt nhưng cũng là người thân của gia đình, lại là người từng thâm yêu Nhạn hơn hai chục năm trời, nên tự nguyện lo cho nàng. Ông săn sóc nàng như chồng lo cho vợ. Lúc tỉnh táo, nàng gọi ông bằng bác, xưng cháu. Nhưng những lúc ấy rất hiếm. Nàng thường lẫn lộn ông với ông Thiện. Lại có nhiều khi nàng còn tưởng ông là người chồng luật sư đã chết trên biển cả. Nàng kêu ông bằng anh và xưng em. Có lúc nàng lại âu yếm ôm ghì lấy ông mà hôn tới tấp lên mặt, lên cổ. Lúc đầu ông cũng cảm thấy thích thú vì được ôm người con gái mà ông yêu thầm trộm nhớ mấy chục năm trời. Nhưng những lần sau, ông không còn cảm giác gì nữa vì người đàn bà mê sảng ấy đang yêu một người khác, không phải là ông. Rồi ông trở nên bực mình. Dần dần tình yêu ông dành cho Nhạn phai nhạt. Ông không còn thấy thích thú được ôm nàng trong vòng tay nữa. Ông đứng im lặng, trơ như đá, để mặc nàng âu yếm, vuốt ve, hôn hít và gọi tên người chồng đã khuất.
Thế rồi bỗng một hôm nàng đòi “chồng” vào giường ngủ với nàng. Ông Cảnh sững sờ trước đòi hỏi này. Ông thầm tự hỏi ông có nên chiều nàng không ? Nếu ông từ chối, bệnh của nàng có nàng hơn không ? Từ lâu ông vẫn mơ ước được ngủ với nàng, với một cô Nhạn xinh xắn, hấp dẫn, tỉnh táo, không phải một người bệnh đang trong cơn mê sảng. Ngủ với nàng lúc này có phạm tội lợi dụng một người bệnh hoạn không ? Thật là một điều khó nghĩ cho ông.
Ngoài nỗi lo lắng trên, ông còn sợ trong khi hai người đang ân ái nàng bỗng tỉnh lại, nhận ra ông không phải là người chồng luật sư của nàng thì phản ứng của nàng sẽ ra sao ? Bệnh nàng có nặng hơn vì tức giận tưởng ông lợi dụng nàng trong cơn mê không ? Ðây là một hoàn cảnh vô cùng tế nhị và khó khăn vì bệnh tâm thần không phải là một bệnh dễ chữa như các bệnh khác. Ông đành phải tìm cách trì hoãn, nói thác rằng ông đang bệnh,không thể ân ái với nàng ngay bây giờ được. Rồi ông đưa nàng vào giường dỗ cho nàng ngủ. Nhìn người đàn bà một thời ông yêu tha thiết nay đã héo mòn vì bệnh tật ông cũng không còn thấy ham muốn nữa, chỉ xót thương thôi. Sau đó, ông vội gọi cho bác sĩ đang điều trị cho nàng để trình bày sự việc và hỏi cách đối phó. Nhưng không may vào dịp đó, bà bác sĩ điều trị cho Nhạn nghỉ hàng năm nên đã đi vắng xa.
Bỗng, vào một đêm, ông đang ngủ trong phòng riêng, Nhạn vào nằm cạnh ông và đánh thức ông dậy. Ông tỉnh ngủ ngay vì thấy một thân thể trần truồng bên cạnh. Ông chồm dậy và định lao ra khỏi giường. Nhạn ôm ghì lấy ông và âu yếm gọi tên người chồng luật sư. Ông muốn gỡ nàng ra mà không được vì mỗi lúc vòng tay nàng xiết chặt hơn. Khi đi ngủ, ông chỉ mặc có một chiếc áo lá và một quần xà lỏn nên bị nàng lột ra một cách dễ dàng, nhanh chóng. Ông không ngờ lúc ấy nàng mạnh như vậy. Biết mình đã lớn tuổi, yếu hơn người đàn bà đang tuổi hồi xuân và bất bình thường nên không thể chống cự, trốn tránh được nữa, đành nằm yên…
Chuyện lầm lẫn còn xảy ra nhiều lần nữa. Chính ông cũng thấy thích thú. Ông nghiệm ra rằng sự lầm lẫn dường như cũng có ảnh hưởng tốt cho bệnh tâm thần của Nhạn. Nàng có vẻ tỉnh dần ra. Nhiều việc nàng đã có thể tự làm lấy mà không hư hỏng. Ông vừa mùng vừa lo. Mừng vì thấy bệnh đã đỡ nhưng lo vì có thể nàng sẽ trách ông đã lợi dụng lúc nàng không tỉnh táo để làm bậy. Làm sao ông có thể giải thích chính nàng đã lầm lẫn ? Ông ở vào tình trạng tình ngay mà lý gian. Ông phân vân không biết nên sử trí cách nào. Tránh nàng hay vẫn cứ để nàng tiếp tục lầm lẫn ? Quan trọng nhất vẫn là vấn đề sức khỏe của nàng.
Trong khi ông phân vân thì nàng vẫn tiếp tục lầm lẫn, nhưng thưa dần đi. Hình như lúc hơi tỉnh táo nàng không lầm lẫn nữa. Chính những đêm ấy, ông lại thao thức mong nhớ nàng. Ông biết mình tự mâu thuẫn, nhưng làm sao ông dễ dàng quên được thân thể của người đàn bà mà ông mơ ước suốt cả cuộc đời. Không những thế, ông còn sợ nàng khi đã khỏi hẳn bệnh tâm thần sẽ xa lánh hay xua đuổi ông.
Từ ngày Nhạn có thể tự làm lấy nhiều việc, ông bắt đầu đi chơi loanh quanh trong khu phố gần nhà cho bớt ngột ngạt. Thoạt tiên, cuộc đi chơi chỉ ngắn năm, bảy phút. Khi thấy không có chuyện gì xảy ra cho nàng, ông kéo dài thêm để hưởng không khí ngoài trời.
Một hôm, đi chơi về, ông giật mình khi thấy Nhạn lúi húi nấu nướng trong bếp. Từ ngày nàng bị bệnh, ông không bao giờ cho nàng vào bếp vì sợ nguy hiểm cho nàng. Ông vội đến gần nàng để kiểm soát bếp lửa. Nàng đang rửa rau, ngửng lên nhoẻn miệng cười với ông. Nụ cười thật tươi, không có vẻ ngờ nghệch như lúc nàng đang bị bệnh nặng. Ông yên tâm vì không có gì đáng ngại, vừa định ra khỏi nhà bếp thì nghe tiếng nàng hỏi :
“Anh mới đi dạo mát về ?”
Ông quay lại mỉm cười với nàng, đáp :
“Thỉnh thoảng đi ra ngoài cho thoải mái.”
Nhạn lại nói :
“Anh nghỉ ngơi một chút rồi ăn cơm…Bữa nay đặc biệt.”
Nghe lời nàng, ông rất mừng vì không có một chút mê loạn nào. Ông vui vẻ hỏi lại :
“Bữa nay thì có gì đặc biệt ?”
Nhạn úp mở “
“Lát nữa anh sẽ biết.”
Rõ ràng là cách nói của một người tỉnh táo, ông càng ngạc nhiên hơn, nhìn nàng đăm đăm. Nàng cúi xuống như muốn giấu một nụ cười. Ông rất mừng khi thấy nàng đã bớt nhiều, có thể coi như đã bình thường. Nhưng ông lại thắc mắc nếu đã bình thường sao nàng vẫn lầm ông với người chồng luật sư mà gọi ông bằng anh ? Ðáng lẽ nàng phải nhận ra ông là “bác Cảnh”, bạn của cha nàng. Thật khó hiểu. Thôi thì đành chờ đến bữa cơm xem sao, ông thầm tự nhủ.
                                                                                              
Ông Cảnh còn ngạc nhiên hơn khi thấy Nhạn mặc áo dài ngồi cạnh bàn ăn. Không những thế, ông còn nhận ra một lớp phấn son trên mặt nàng. Lớp phấn hồng đã làm cho mặt nàng  bớt xanh xao sau nhiều ngày bệnh hoạn. Nàng trông trẻ hẳn ra và thật xinh đẹp. Thấy nàng có vẻ trịnh trọng quá, ông chợt lo vì nghĩ rằng bệnh tâm thần của nàng trở lại. Ông đứng nhìn nàng thật lâu để dò xét. Nàng vui vẻ chỉ chiếc ghế đối diện, mời :
“Anh ngồi xuống đi.”
Ông rụt rè hỏi :
“Nhạn…Nhạn thấy trong người…thế nào ?”
Nàng phì cười hỏi lại :
“Anh tưởng em bịnh hả ?”
“Vậy…vậy sao Nhạn có vẻ…bất thường quá ?”
Nàng lắc đầu :
“Có gì bất thường đâu…Hôm nay đặc biệt thì em mặc áo dài và trang điểm một chút cho hợp…tình hợp cảnh.”
Ông vẫn đứng yên một chỗ, rồi hỏi tiếp :
“Hôm nay là ngày gì mà Nhạn coi là đặc biệt ?”
Nàng tươi cười đáp :
“Ngày em khỏi bịnh.”
“Khỏi bịnh ? Bịnh gì ?”
“Từ ngày ba má em bị tai nạn, em không được bình thường, bị mê loạn. Bây giờ thì em tỉnh táo rồi. Như vậy là khỏi bịnh chớ còn gì nữa.”
Ông Cảnh vẫn nghi ngờ, hỏi thêm :
“Nhạn có biết tôi là ai không ?”
Lần này thì nàng cười phá lên :
“Có lẽ anh bất thường mới đúng. Anh là Cảnh chớ còn là ai nữa.”
Câu trả lời của nàng làm ông giật thót mình. Nàng gọi ông bằng anh ngọt xớt. Thế thì nàng đâu có mê sảng. Nàng không nhìn lầm ông ra người chồng luật sư quá cố nữa. Thấy ông vẫn đứng, nàng lại giục :
“Anh ngồi xuống đi. Em có chuyện muốn nói.”
Ông không trái lời nàng nữa, nhưng vẫn đăm đăm nhìn nàng chờ đợi. Nàng nửa e thẹn nửa vui vẻ nói :
“Anh với em, từ lâu đã thành vợ chồng, bây giờ chỉ hợp thức hóa thôi. Mình đã ăn nằm với nhau bao nhiêu lần. Có thể lúc đầu em đã lầm anh là người khác. Nhưng dần dần em tỉnh lại và nhận ra anh. Mới đầu em cũng hơi ngạc nhiên và tức giận, tưởng anh lợi dụng lúc em bịnh mà làm bậy. Sau em để ý nhận xét thấy anh không tỏ ra tha thiết với em, chỉ chiều em thôi thì em biết anh muốn chữa bịnh cho em nên em muốn gì anh cũng làm. Ðiều quan trọng là chưa bao giờ anh tìm cách ngủ với em, chính em là kẻ chủ động. Ðã có lần em giả bộ lầm anh với chồng cũ của em, anh cũng không cưỡng lại…Bây giờ anh hiểu hết rồi, có chịu làm chồng thiệt của em không ?”
Càng nghe nàng nói ông càng ngỡ ngàng. Rồi từ ngỡ ngàng ông sung sướng vô cùng. Ông nhìn nàng đắm đuối mà không nói nên lời. Nàng chỉ mấy món ăn bày trên bàn, nói :
“Ðây là tiệc mừng chúng mình chính thức xum họp với nhau. Em mới khỏi bịnh, không làm được những món đạc biệt, chỉ đơn sơ thế này thôi. Anh đừng chê, nghen.”
Ông vẫn nhìn nàng, không nói nên lời vì chưa bao giờ ông dám ngờ mình có hạnh phúc này. Nhạn xới cơm rồi gắp thức ăn vào chén cho ông, mời :
“Nào, mình bắt đầu chớ, em cũng đói rồi.”
Ông ngoan ngoãn làm theo lời nàng. Ông cho rằng nếu ông có được dự một bữa tiệc đầy sơn hào hải vị cũng không thể ngon bằng bữa cơm đơn giản hôm nay. Khi thấy Nhạn vui vẻ cười nói, ông rụt rè hỏi :
“Nhạn…Nhạn có biết tôi yêu Nhạn từ lâu lắm rồi không ?”
Nàng gật đầu :
“Em cũng biết chớ. Ngay từ hồi mới mười lăm, mười sáu, em thỉnh thoảng bắt gặp mắt anh nhìn em đắm đuối thì cũng đoán ra ngay. Những lúc đó, em lại nhủ thầm là ông già này dê thiệt, dám yêu cả con gái bạn. Chắc chắn là em nghĩ em không thể lấy một ông già như anh…Em đâu có điên.”
Nói xong, nàng phá lên cười, rồi thêm :
“Bây giờ thì đúng là mới khỏi điên nên mới chịu làm vợ anh.”
Ông Cảnh chậm rãi nói :
“Nhạn không cần phải ép mình làm điều Nhạn không thích…”
Nàng hỏi lại ngay :
“Bộ anh không còn yêu em nữa ?”
“Lúc nào tôi chả yêu Nhạn, nhưng tôi không muốn Nhạn buồn vì có một người chồng già hơn cả tuổi ba mình. Có thể Nhạn sẽ mắc cỡ với bạn bè và nhựng người chung quanh. Thấy Nhạn khỏi bịnh là tôi mừng rồi.”
Ngập ngừng một chút, nàng đánh bạo hỏi :
“Những lần mình ăn nằm với nhau, anh không thích sao ?”
“Sao lại không thích ! Nhưng tôi vẫn cho đó là một cách chữa bịnh.”
Nàng dọa :
“Bây giờ em hết bịnh cũng chỉ là hết tạm thời thôi, vẫn cần có anh bên cạnh. Nếu anh bỏ em có khi bịnh trở lại thì sao ? Anh đã yêu em suốt cả đời anh, bây giờ em yêu lại, chả lẽ anh không nhận tình của em ? Mình ở Mỹ, có phải ở Việt Nam đâu mà sợ tai tiếng. Ðưa nào cười thì hở mười cái răng, mặc xác chúng nó. Mình chỉ biết mình thôi.”
Thấy lời nàng chí tình và hợp ly, ông Cảnh đành ngồi im lặng, trong bụng vui như mở cờ. Trong đời ông đã gặp nhiều chuyện bất ngờ, nhưng chưa có bất ngờ nào thú vị như bất ngờ này. Ông nhìn nàng đắm đuối, ấp úng nói :
“Thì…thì tôi vẫn yêu Nhạn…”
Nàng liền ngắt lời ông :
“Yêu mà vẫn kêu bằng Nhạn và xưng tôi ? Bộ em không xứng đáng để anh kêu bằng em sao ?”
“Tôi…tôi…Anh sung sướng quá đến nghẹn lời.”
Nhạn tỏ vẻ bằng lòng, gật đầu :
“Từ nay em cấm anh xưng tôi với em nữa đấy.”
Ông sốt sắng nhận lời :
“Từ nay chì anh với em thôi.”
Nhạn liền cất tiếng cười vang. Ông Cảnh bỗng có cảm giác rờn rợn. Ông biết ông chưa thể hưởng hạnh phúc trọn vẹn với nàng được dù ông đã có nàng.       

Tạ Quang Khôi