văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, December 19, 2019

THIẾT TRƯỢNG ** Người tình ‘Địa Hình’


Vừa đón Tết con heo xong, còn một ngày nữa là hết tháng 2 năm 2019, mở Computer ra xem Email, đọc được nội dung của một trong những ông thần Nguyễn Trãi 1 (NT1) “nhiều chuyện” [bày ra việc này, chuyện nọ làm mất… sự an tịnh tuổi già] dự trù sẽ thực hiện Đặc san “50 năm nhìn lại”  khiến phải ngoái cổ nhìn lui xem có tìm ra cái gì không. May đâu có một tấm hình.  Nó đó. Bức ảnh ngay đầu bài có một kỷ niệm đăc biệt của khóa 1  Nguyễn Trãi (NT1)

Lúc xong giai đoạn 1 ở Thủ Đức, học nhờ khóa 24, Sinh Viên Sĩ Quan Đại Học Chiến Tranh Chính Trị [SVSQ DH CTCT] khi chuyển lên Dalat về trường mẹ,  chưa có quân phục dạo phố của quân trường tân lập. Đi phép cuối tuần phải dùng lại “tư trang, tế nhuyễn” của Thủ Đức là bộ đồ Kaki vàng với mũ nồi đen của DH CTCT.
Khi có được quân phục dạo phố mùa hè Worsted cho SVSQ DH CTCT, chả biết để “giật le” hay “khoa trương” với dân thị xã, bên Khối Khóa Sinh ra lệnh bắt SVSQ phải hớt tóc thật ngắn khi đi phép cuối tuần với bộ đồ Worsted “mới cắt chỉ”. Nhìn hình bên trên, các SVSQ trông cứ như một số Đại Đức, Thượng Tọa mới hoàn tục.
Nhớ lại dạo đó SVSQ DH CTCT mặt mày đen thui xanh lét chứ không trắng trẻo, hồng hào như SVSQ bên Võ Bị. Nước da và sắc diện có lý do của nó. Của đáng tội chúng tôi lỡ đầu quân vào một quân trường “nghèo không kể hết”. Nhà thì vách ván, hở chỗ này, toác chỗ kia. Đêm nào gió lộng, thổi ù ù qua khe cửa, cứ tưởng mình đang đóng phim “Đỉnh Gió Hú”. Mái nhà lợp Fibro cement khá hơn nhà tranh vách đất chút xíu. Quanh lối đi trong trại, chỉ là đất đá không một bụi cỏ, phải đi “chôm chỉa” mang về. Tôi đã được đi xe Dodge, tài xế là một ông Hạ sĩ quan trường, chắc được phép tùy hứng, nên lái xe lên tận Hồ Than Thở. Chúng tôi vác xẻng khoét cỏ thành từng mảnh dẹp hình chữ nhật cỡ 40x80 phân, dày khoảng  5 hay 6 phân để xếp lên xe, mang về lót quanh sân sáu buồng ngủ của Tiểu đoàn SVSQ.  
Doanh trại SVSQ nằm vị trí cao nhất  trên ngọn đồi của trường nên máy bơm nước cổ lổ sĩ từ đời nào “xìu xìu, ển ển” không phun đủ nước cần cung cấp cho bể chứa. Vì vậy hôm nào đi học ngoài bãi về, Liên đoàn thấy SVSQ quá oải vì mồ hôi, bụi bậm mới đặc biệt xả trại cho ra phố tẩy trần bằng nước nóng lúc buổi chiều tà của thành phố non cao sắp sửa đẫm ướt sương lạnh lúc vào khuya. Nhớ lại thấy cảm ơn xiết bao các nhà tắm nước nóng nơi trung tâm thị trấn Dalat, một nơi chốn cần thiết đối với những dân nghèo thiếu phưong tiện kể cả các chàng SVSQ DH CTCT. Nếu thời ấy có thêm trò đấm bóp, massage nơi tắm hơi thì quá sướng !
Vật chất thiếu thốn như vậy nhưng mơ mộng tuổi trẻ của các chàng SVSQ DH CTCT về Tình Yêu vẫn chẳng hề giảm sút.
Không nói đến các danh nhân ngoại hạng hy sinh vì Tình Yêu cao cả dành cho tha nhân như cuộc đời của Mẹ Teresa, của Bác sĩ Yersin [người tìm ra Dalat], của Linh mục Damien [đảo phong cùi Molokai, Hawaii] … và của nhiều soeur, ni sư cống hiến cho nhân loại.
Quân lực VNCH cũng có tấm gương sáng chói của một trong năm hổ tướng đã tuẫn tiết vào tháng tư đen 1975 khi Cộng sản xé bỏ hiệp định Paris 1973, cưỡng chiếm Nam Việt Nam. Theo lời bạn học của tướng Nguyễn Khoa Nam là giáo sư  Nguyễn Văn Hai Phó Viện Trưởng kiêm Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học, Viện Đại Học Huế:
‘Trong thời gian Anh đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tôi được gặp Anh một lần ở Sài Gòn và hỏi về chuyện một Giáo Sư trường Đại Học Dược Khoa muốn theo Anh để nâng khăn sửa túi. Nhưng rồi Anh không nói có, Anh cũng chẳng nói không, mà chỉ cười, cái cười ngậm kim như thuở nào!’
[Trích từ bài: “Ông tướng tuẫn tiết có nụ cười mím chi”. Muốn xem đầy đủ, vào đây:
Chuyện không lập gia đình của tướng Nam, có thân hữu nói rằng theo ông tướng “Thân trai thời ly loạn, sống nay chết mai, nếu đền nợ nước, sao lại làm khổ lụy đến người khác!”
oOo
Thế giới có ông dám bỏ ngai vàng đổi lấy tình yêu như vua Edward VIII của Anh với một phụ nữ Hoa Kỳ tên Wallis Simpson đã từng có gia đình và sắp ly hôn lần thứ hai, thì ông vua này có thể thuộc loại bất bình thường! Đời tư của vị vua này trước khi lên ngôi cũng lăng nhăng bê bối với các mệnh phụ đã lập gia đình. Nói không ngoa, hầu như triều đại vương giả nào cũng có những “hũ mắm thối” nếu khui ra.
Ngày nay vào thế kỷ 21, mới nhất là chuyện tình loại “vòng tay học trò” của Tổng Thống Pháp đương nhiệm Macron. Sự thực của việc kết hợp này còn ly kỳ hơn cả phim ảnh và tiểu thuyết: Em yêu cô khi mới…  mười lem (15 tuổi). Beng! Beng!... (Ý lời, lấy từ bài hát: L'amour de l'enfance - Khi xưa ta bé [Bang! Bang!)Còn cô giáo lớn hơn em những hai con giáp (24 tuổi).
Trong Sử Việt có kể chuyện vua Chế Mân của Chiêm Thành phải dâng thêm hai châu Ô và Rí (Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay) để làm sính lễ mới cưới được Huyền Trân công chúa. Chưa được một năm, ông già chơi trống bỏi này đã về chầu thiên tổ ! Quả là… dại gái và tội nặng với tổ tiên Chàm.
Cũng mang danh là vua, nhưng vị quân vương Việt Nam đa cảm, đa tình này đáng được ngưỡng mộ khi làm thơ khóc người thứ phi qua đời, lưu lại thế gian hai câu bất hủ:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi…
(Vua Tự Đức khóc Bằng Phi)      
Để “tưởng nhớ một mùi hương”, chúng ta từng nghe chuyện Napoleon từ chiến trận đã gửi lời nhắn đến hoàng hậu Josephine: “Đừng tắm, em yêu! Đừng có tắm! Anh đang về đây”. Thực ra là cả 15 ngày sau ông mới về nhà. Nếu bà hoàng hậu trong thời gian chờ đợi dài như vậy, mà vẫn không tắm để khi Napoleon về... ôm xà nẹo vợ mà không… ngất sỉu cũng là lạ, vì mùi hương tự nhiên mạnh mẽ từ cơ thể của người vợ yêu phải  quá ư nồng nặc.
Gần đây được nghe chuyện một hậu sinh văn nhân họa sĩ thời chúng ta, cũng bày đặt “học đòi” trò xưa của Vua Tự Đức lúc bị một người đẹp bỏ rơi, đã năn nỉ  ỷ ôi và… xin em một quần lót làm kỷ niệm. Tôi và thằng bạn cười rú lên như hai thằng điên.  Ghê bỏ mẹ, dù giặt sạch cách mấy, máu dơ hàng tháng của phụ nữ bám vào vẫn còn vương vấn, hít hà cái mùi độc địa đó… không bị Trĩ mũi thì cũng lao phổi là cái chắc!  Chục năm trước, anh chàng đã ngỏm củ tỉ vì… một bệnh rất hiếm khiến ăn uống, nói năng, đi đứng trở nên yếu. Ai tin đây là chuyện bịa cũng chẳng sao. 

Trung thực mà nói, văn nhân thi sĩ cũng nhiều kẻ lụy vì tình, chứ không phải đào hoa đến mức gạt đi không hết người ái mộ. Trước 1954, văn đàn sôi nổi vì bút hiệu TCHYA của một tác giả nổi tiếng chuyên viết chuyện truyền kỳ, đường rừng. Tên họ của ông cũng quái dị có một không hai. Thiên hạ đoán mò bút hiệu có nghĩa là thế này, thế nọ.  Và lời đoán “Tôi Chẳng Yêu Ai” người ta cho là có lẽ đúng nhất. Cuối cùng, nhà văn và cũng là nhà thơ Đái Đức Tuấn phải lên tiếng,  bút hiệu của ông có lồng tên người tình trong đó: Tôi Chỉ Yêu Angèle. Theo nhà văn Lãng Nhân bạn ông, ngoài những say mê khác như thuốc phiện và các người đẹp, thì có lẽ sâu đậm nhất là “một ngôi sao trên sông hồ của Hà Thành hoa lệ” tên là Angèle.
Đến đây, xin nói về “cái tôi đáng yêu” chút xíu. Không là “cái tôi đáng ghét “ như ta thường nghĩ vì chúng mình đang nói về Tình Yêu. Dùng bút hiệu để nghĩ đến người tình, tôi cũng có dính chấu. Lúc còn thụ huấn tại trường, khối Khóa Sinh có kêu gọi SVSQ gửi bài cho Đặc San Khóa 1 [có một vài SVSQ bị giữ lại không được đi Chiến Dịch Diên Hồng để làm Đặc san. Đặc san nếu có thì bao năm rồi chả rõ hình dạng nó ra sao?] Tôi cũng bon chen đóng góp một bài viết lẩm cẩm về tình yêu gì đó, nhưng một là quá dở, hai là không hợp với tiêu chuẩn (bài không được ủy mị) nên bị vứt bỏ. Chuyện chả có gì quan trọng.
Mấy chục năm sau, một lần họp Khóa, gặp lại Vũ Văn Túy (phụ trách bài vở Đặc San thời đó của Đại Đội B), cười chào tôi: Dạ Ngọc… 
Ôi, sao bạn mình lại có thể nhớ cái bút hiệu đầu đời của mình thế nhỉ! Bút danh tôi lỡ dùng chỉ là một kỷ niệm nhỏ khi nhớ đến cô bé có tên một hòn ngọc quý. Trên chuyến bay di cư vào Nam năm 1954 từ phi trường Gia Lâm đến Tân Sơn Nhất, tôi đã được mẹ cô (cha cô và cha tôi là đồng nghiệp tại nhà thương Đồn Thủy, Hà Nội) xẻ ít thịt ruốc để cùng ăn cơm với nhau. Gia đình cô đã tạm thời ở chung trong nhà của chúng tôi  trước khi hai bên có nhà riêng, cách nhau có vài căn ở vùng Bàn Cờ, Saigon.  Gia đình tôi, vì chuyện làm ăn nên năm 1957 đã dời cư ra Nha Trang một thời gian. Khi trở lại Saigon, ngụ ở tận vùng giáp ranh Gia định, tôi đã quên không đến thăm cô bé đáng yêu đó. Với lại lúc ấy là nhóc tì tuổi 12, 13 còn ham mê nhiều thứ khác. Bài viết gửi Đặc San trên trường, tôi cũng không còn nhớ nội dung, nhưng bút hiệu thì liên tưởng đến cô bé xinh xắn ngày xưa như một viên ngọc quý mà mình đánh mất.
oOo
Tình Yêu nam nữ thì muôn hình vạn trạng: bồng bột, đơn phương, sét đánh, ngộ nhận ...
Thơ văn nhớ về người tình của các chàng quân nhân có hằng hà sa số. Anh chàng Dược sĩ có thơ bên dưới, chắc là bị trưng tập, không bận rộn với chai lọ lỉnh kỉnh như ngoài đời, hành quân trong rừng đâm ra nhớ em:
Vào đêm em ngủ chưa em
Trong mơ có gặp ưu phiền nhiều không
Đèn xanh thành phố xa trông
Hoang vu anh đứng mà lòng chiêm bao
Mưa rừng tiếng lá xôn xao
Tay ôm súng lạnh buồn sao là buồn ..

(Đêm mưa hành quân 1966 - Bùi Khiết)
Đa cảm như Trần Hoài Thư thì chỉ mong có được những giọt nước mắt tiếc thương:
“…Cô hàng cho xin ly cà phê nhỏ
Tôi uống cho đầy đôi mắt trong
Một mai tôi chết bên trời Bắc
Em làm sao được khóc bên song…”

(Cô hàng cho xin ly cà phê nhỏ – Trần Hoài Thư)
Còn yêu quá đến nỗi nghi ngờ thắc mắc:
“…Buồn lắm em ơi nào hiểu không
Ở đây vết lệ giòng tuôn giòng
Phương kia thành phố vui bè bạn
Có nghĩ gì ta một nẻo mong?…”

(Buổi dừng quân tháng ba – Phan Nhự Thức)
Nhớ quay quắt về tình của chàng họ Trần:
Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu rừng rú điêu tàn
Nai lạc dấu ngàn thương trăng cũ
Ta nhớ người tình quay quắt trong sương…”

(Thư gửi người ở lại – Trần Dzạ Lữ)
oOo
Yêu say đắm rồi hận thù có khi dính kết với nhau tàn bạo.
Nhiều chàng lính đã xâm trên cơ thể một hình trái tim có mũi tên xuyên qua nhỏ máu lòng thòng, kèm theo dòng chữ “Hận kẻ bạc tình”.
Nhưng bức ảnh phanh ngực của anh chàng Biệt Động Quân khoe hình xăm với anh phóng viên ngoại quốc thì sự căm hận người tình có lẽ đã đến tột độ.
 [Tiếng Anh phụ chú đọc được : An ARVN Ranger show off his tatto “This coffin is waiting for the traitor” - Tạm dịch: Quan tài này chờ kẻ phản bội]
(Hình 2: Quan tài chờ kẻ phản bội)
Từ ngàn xưa trong sử Việt, giặc Mông Cổ xâm chiếm nước ta, tàn bạo giết hại dân lành. Lòng yêu nước cuồng nhiệt đã khiến nhiều người căm hận xâm trên minh chữ Sát Đát thề quyết chiến với kẻ thù. Trước 1975, Cộng sản cũng tàn ác không kém giặc Hung Nô, nên nhiều quân nhân đã xâm chữ Sát Cộng trên người.
Không nói đến những hận thù sắt máu cá biệt, chiến tranh tàn khốc đã mang đến nhiều mất mát tai ương. Như để quên cái tương lai mù mịt, người quân nhân vướng mắc vào những thói hư tật xấu: cờ bạc, đĩ điếm, rượu chè, hút sách…
oOo
Nội thuốc lá không thôi đã biết bao bài thơ, đa số là Vô Danh ghép với mẫu tự tên của bao thuốc được quyện mờ lung linh dáng hình người nữ trong đó. 
Chẳng hạn CAPSTAN: (có cả câu đi ngược lại)
Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát / Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn
Hay là:
Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng / Nghĩa Ân Tình Sao Phụ Anh Chi
PALLMALL:
Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu
SALEM:
Sao Anh Làm Em Mệt / Mà Em Làm Anh Sướng
   
Còn đây là cả bài thơ, mỗi câu khởi đầu là mẫu tự tên bao thuốc:
 KOOL:
Không người ta lẻ bóng, 
Ôm trống Vắng lạnh lùng.
Ôi một lần xa cách,

Là vĩnh biệt muôn trùng
KENT:
Khóc giòng đời ngăn cách,
Em nay đã xa rồi.
Ngồi đây anh vẫn đợi,
Tình yêu đó lên ngôi... 
MARLBORO: (Đặc biệt bằng tiếng Anh) 
Men Always Respect Ladies Because Of Romantic Only. 
Only Romantic On Bed Ladies Respect A Man. 
oOo
Nếu nêu lên danh sách đệ tử Lưu Linh trong nhà binh thì phải nói hằng hà sa số.
Uống như anh chàng say sỉn này “không phân biệt bạn thù” thì Việt Cộng nó bụp anh là cái chắc. 
“…Uống đi Khoa đời mấy thằng chung thủy
Uống đi Ngư cho chết ngất thiên thu
Giữa đời ta không phân biệt bạn thù
Chuyện sinh tử là chuyện từng giây phút…”

(Khi xa Bình Tuy – Trần Văn Sơn) 
May là anh ta còn sống và đến nay vẫn còn lai rai thơ thẩn:
Rót thêm ly nữa mời bạn hiền
Chưa say sao mắt bạn rưng rưng
Thám sát tử sinh trong lòng địch

Sá gì ly rượu buổi tàn đông
Chiến trận bày ra trên bàn rượu
Bình Long – Quảng trị – Chiến khu Đ
Pleiku – Bình Giả – Đồi Bảo Đại
Tráng sĩ đi không hẹn ngày về
Quanh quẩn bên ta hồn chiến hữu
Về đây gặp bạn chiến trường xưa
Sống gửi thác về, nâng ly rượu
Ta bạn chung lưng gió chuyển mùa
(Uống rượu tại nhà Lê Hùng - Trần văn Sơn)
Cố uống cho say trước giờ khởi hành:
“…Khi ly rượu này chưa làm đắng môi
Thì anh sẽ…em ơi…còn uống nữa
Lần thứ nhất trong đời không lần lữa
Uống cho say còn tiếp tục lên đồi…

(Khởi hành – Lữ Quỳnh)
Nơi hải ngoại, rượu nồng khiến bao chiến binh xưa thẫn thờ nhớ về ngày cũ:
Ta ghé Mỹ Tho một buổi chiều
Vĩnh Kim, Long Định quán liêu xiêu
Ngả nghiêng rượu đế mềm môi uống
Gió thổi từng cơn, mưa rất nhiều 
Trở lại vườn hoa cũ Lạc Hồng
Bên bờ sông nước sóng mênh mông
Con đò xuôi ngược đi tìm bến
Có chở ai về cho nhớ mong?

(Mỹ Tho Chiều Mưa -Vũ Uyên Giang
Castro Valley, June 24, 2008)
Tha phương buồn, uống mà bật khóc:
Từ… bỏ Anh Em giữa rừng giữa núi
Nhận lịnh lui binh bật khóc ngậm ngùi
….
Thằng chết coi như xong đời chinh chiến
Thằng sống còn trần trụi nhốt suy tư
Ly rượu trầm ngâm pha bằng nước mắt
Trời tha phương buồn đến đỗi ngất ngư
(Rượu Đắng Thua Đời -  Trạch Gầm)
Nhẹ nhàng hơn là cà phê, thuốc lá với bạn già ngồi Ngẫm Chuyện Nhân Sinh. Tưởng đâu trí óc an bình nhưng chẳng thể:

Một tách cà phê… dăm ba điếu thuốc

Ta dắt dìu ta mỏi gối lang thang

Một quán cà phê… dăm ba thằng bạn

Ta tìm ra ta cuối nẻo hoang đàng

Mầy ra Dakto, tao vào An Lộc

Huy chương nào cũng dính máu anh em

Thằng còn sống cũng như thằng vừa chết

Chẳng đêm nào… được một đêm bình yên

(Phan Bá Thụy Dương du Bolsa – Trạch Gầm)

Nhưng nói chung, kẻ khoác áo chiến binh luôn bận tâm vẫn là người tình nơi hậu phương:
“…Em về dưới tỉnh hiền ngoan
Có người vừa mới qua làng em đây
Một mai về lại nơi này
Biết đâu người đã phơi thây chiến trường…”

(Chuyển quân đêm qua sông Đà Rằng – Nguyễn Tư)
Phạm Ngọc Lư lại có vẻ bi quan chua xót:
“Mười nắm gạo trộn vài vốc muối
Đeo lên vai nặng nghĩa đầy ơn
Mai ta bỏ thân ngoài sạn đạo
Xin tình em một mảnh đất chôn…”

(Đất trích – Phạm Ngọc Lư)
oOo
Các chàng trai trẻ SVSQ CTCT vẫn là những người bình thường tránh sao được những vướng mắc về tình yêu.
Nơi quân trường, niềm lạc quan ấy biểu hiện bằng những lá thư tình hầu như hàng tuần của Uông Đại Lực viết cho người yêu..
Không thua kém Lực là một bạn khác:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau 
Ngóng về Đa Thiện ruột đau bời bời
Đó là cặp mắt như ngây dại hàng ngày dõi về ấp Đa Thiện của ông bạn cùng dãy phòng cuối doanh Trại nơi Trung Đội 6. Tội nghiệp chàng đã có lần gần như muốn khóc khi đi tìm lon Guigoz đựng thịt chà bông của người tình mang tặng. Hộp thịt ruốc đã bị mấy thằng bạn gian ác “chôm” rồi chia nhau ăn mất tiêu.
Còn anh này cũng dãy phòng Trung Đội 6, mê học võ lẫn thổi sáo. Chả biết  kiếm đâu được một ống nhôm đường kính to gần bằng cổ tay; rồi hết khoan, đến đục và loay hoay đo đạc sao cho đúng tỷ lệ mấy lỗ. Sau đó cố ráng vận hơi nhiều lần thổi vào sao cho ra đúng âm thanh. Được hỏi sao công phu vất vả với cái ống sáo khỉ gió to tổ bố vậy. Chàng hiền lành cười nụ giải thích, người tình của tao ở nơi nhiều chó bẹc-giê hung dữ. Đến thăm em chiều chạng vạng nó nhảy ra đớp mình, có khi mất bố… cả chim. Cái ống sáo này là khí giới để uýnh tụi chó mất dạy đó.
Nhớ nhung về em tận nơi sông Hương núi Ngự thì anh chàng họa sĩ của khóa, nhân dịp Xuân về, trong Thiệp Tết đã vẽ một hoa Hướng Dương thật lớn nép cạnh chàng SVSQ. Tên nàng cũng được gọi cho những bông hoa tươi vàng rực rỡ hướng về mặt trời nở đầy ở Dalat. Thủ khoa của khóa I hình như trong Album có lưu lại một bản sao của tấm thiệp này.
Thiết Trương NND
Nổi tiếng hơn là chuyện bị ăn đòn của một chàng. Héo lánh đến trường Sĩ Quan Chỉ Huy Tham Mưu ở Chi Lăng để giở trò léng phéng với người đẹp nữ quân nhân của họ, nên đã bị trận đòn thù “hội đồng” khiến tơi tả chạy về DH CTCT. Không nản chí anh hùng, mang “vết thù trên lưng ngựa hoang” chàng vẫn kiên nhẫn hẹn hò, đương nhiên có cảnh giác “quân thù” lảng vảng loanh quanh. Sau này ra trường, chàng cũng đã ẵm nàng về dinh.
Tương lai của anh chàng mất lon thịt chà bông và chàng võ sĩ với ống sáo đánh chó có nên duyên phối ngẫu với người tình của mình hay không tôi chẳng rõ.
oOo
Khi đại diện của NT1 thông báo chuyện chiếc nhẫn khóa của Dương Phước Duy trao tặng người tình và được người đẹp “hoàn trả” cho gia đình người quá cố sau hơn 40 năm, khiến tôi nhớ đến Duy cùng Trung Đội 6. Tôi không ngờ người bạn có khuôn mặt đăm chiêu, cau có bị bạn bè gắn cho vài biệt danh không đẹp lại có một tâm hồn lãng mạn đến vậy. Một bạn khác kể anh chàng này còn liều mạng dám ôm hôn… một cô gái lúc còn chưa ước hẹn là người tình.
Dám bộc lộ tình mình với đối tượng đương nhiên phải cần một sự can đảm chân thành. Tôi phục Duy, cũng như tôi kính nể và khâm phục Linh Mục Giáo sư Lê Tôn Nghiêm. Vào năm thứ hai Văn Hóa, Giáo sư chỉ diện bộ đồ Vest, không còn khoác áo chùng đen như năm xưa. Chúng tôi nghe được lý do đầy bất ngờ của sự kiện lý thú này: Giáo sư đã bỏ áo dòng để lập gia đình với một nữ sinh viên.
Thằng bạn mà tôi cũng phục là Nguyễn Ngọc Quang. Chỉ khi lên Dalat, tôi mới biết tên thằng chửi thề độc địa kiểu “Bắc Kỳ gian” là Quang. Thoạt đầu, ngồi ăn cơm chung bốn thằng [carré], tôi tỏ ý với Lực sẽ ngồi nơi khác vì có mặt  Quang, nhưng Lực giải thích, hắn là người tốt, chỉ trong hoàn cảnh đặc biệt mới có lối nói… tục tằn thiếu nhã nhặn. Theo Lực kể,  Quang đụng chạm với đời từ khi còn 9, 10 tuổi. Phải theo ông anh buôn bán xuôi ngược, trên bộ dưới sông để mưu sinh cho gia đình. 
Từ đó, cho đến khi mãn khóa, carré ăn cơm của chúng tôi vẫn có Quang.
Cái ác khẩu của Quang là thật. Một lần có ông Sĩ quan Huấn Đạo của khối Khóa Sinh không biết có phạt Quang lần nào không, nhưng đã bị  gán cho một hỗn danh là  “pha cốt” lúc đi kiểm soát phòng của trung đội đi trực vào lúc nhá nhem. Thấy đèn pin rọi nhấp nhoáng ở xa và nhận ra tiếng nói là của ông sĩ quan, Quang cứ lờ đi và nói to trống không “Yên cho người ta ngủ, còn trực gác. Tắt đèn đi, cứ pha cốt tùm lum”.  Tội nghiệp Chuẩn Úy Ph. chỉ vì có cặp mắt không được bình thường. Ông không phạt được vì mấy chục người trong bóng tối chập choạng, chả biết rõ là ai.
Sau này, đời sống trong quân ngũ, hình như tôi cũng lây cái bệnh… chửi thề không ác ý (hoặc đôi lúc có tâm ý, vì căm phẫn chuyện gì đó)
Người Tình “Địa Hình” của Quang:
Một tối thứ Bảy, không phải ứng trực hay trùng vào thời khóa biểu học bài như ngày thường, SVSQ được tùy quyền sinh hoạt. UĐ Lực đã qua Câu Lạc Bộ và chờ tôi cùng Quang. Lại khu giường Quang, thấy chàng đang ngồi mơ màng trước tập vở ghi bài học. Liếc sơ qua là bài Địa hình mới học về phép chiếu UTM để tìm điểm đứng trên bản đồ. Tôi dục giã:
- Giờ này mà học hành cái khỉ khô gì?. 
Hắn trả lời, “tao khoái bài mới học này”. Tôi bực mình:
- Bộ mày khùng hả? Dẹp mẹ cái môn học nhức đầu, tung hoành ngang dọc. Kinh tuyến, vĩ tuyến rồi múi giờ… để tìm điểm đứng, tọa độ… Vớ vẩn đi ra Câu Lạc Bộ thôi.
- Mày ngu nên chả biết cái đếch gì mới chê tao khùng. Ông thấy người ông yêu trong bài học địa hình này đó.
Hắn nói xong rồi thản nhiên đứng dậy, không màng đến cái bực mình gần muốn điên của tôi. Trên đường đến Câu Lạc Bộ, để tôi nguôi giận, hắn mới ôn tồn giải thích:
- UTM là tên tắt người tao yêu đó. Đoán đi!. 
Ồ, thì ra là vậy! Tôi tủm tỉm cười khi  rõ việc cô em gái của một thằng bạn đã làm tên “ăn nói đểu cáng” này biết mộng mơ.
Với địa hình, có lẽ tôi quá ngu cho việc nhận định phương hướng.  Cho đến hiện tại, địa điểm nào lúc lái xe cứ quẹo trái hay phải nhiều lần, khi trở về tôi hay bị lẫn lộn nên má bầy nhỏ cằn nhằn hoài vì lạc lối. Nhớ lại thời gian gần ngày mãn giai đoạn I của khóa 24 Thủ Đức, đêm Di hành Giã trại, Huấn Luyện Viên chờ dài người vì toán tôi mãi sau cùng mới về tới. Võ Anh Hoàng sau này nhắc lại chuyện cũ, thành thử tôi mới biết nó chính là thằng “ăn hại” đi theo cùng toán. Đã chả giúp gì mà chỉ biết trách tôi sao theo Phương giác sai để đi lạc lung tung.
Còn môn địa hình UTM mà Quang vừa nhắc khiến tôi liên tưởng đến những câu thơ tình Toán Học. Thường thì ban Toán rất dốt thơ văn, nhưng những câu thơ tình về Toán học lại hay mới chết:
Ðời tổng hợp bởi muôn ngàn mặt
Mà tình em là quĩ tích không gian
Kiếp nhân sinh những hàm số tuần hoàn
Quanh quẩn chỉ trong vòng tròn lượng giác
Anh không muốn cuộc đời đầy Sin Cos
Sống khép tròn trong cộng trừ nhân chia

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đường đến tim em là đường định hướng
Dù uốn nhiều như đồ thị hàm sin
Anh mãi tìm theo toạ độ trái tim
Bỗng lạc giữa khoảng tình nơi em đó
Đôi mắt em chứa bao ẩn số
Mà hàng mi nhẹ mở góc alpha
Rồi là những than thở cho tình yêu đơn độc
Phương trình nào đưa ta về chung lối
Định lý nào sao vẫn mãi ngăn đôi
Biến số yêu nên tình mãi hai nơi
Điểm vô cực làm sao ta gặp được
Đạo hàm kia có nào đâu nghiệm trước
Để lũy thừa chẳng gom lại tình thơ
Gia tốc kia chưa đủ vẫn phải chờ
Đường giao tiếp may ra còn gặp gỡ
Nhưng em ơi ! Góc độ yêu quá nhỏ !
Nên vẫn hoài không chứa đủ tình ta
Về NN Quang, sau này có lẽ gia đình người bạn chắc cũng biết mối tình “thầm kín” của Quang khi chàng có thể làm quá một sự lộ liễu hay do người anh tiết lộ nên các lần tránh mặt của người đẹp [nói là học xa] càng làm nung nấu tình yêu của Quang.
Trong quân trường, tôi và Lực đã phải vất vả canh chừng những lúc ban đêm Quang “dù’ ra thị xã. Của đáng tội, lỗi của tôi một phần. Người phụ nữ từng là ca sĩ và xướng ngôn viên mà Quang gặp lần đầu là do tôi giới thiệu. Cô này đã có một con trai cỡ 2, 3 tuổi. Lúc ấy tôi không đủ bản lãnh để quen thân một phụ nữ có quá khứ đã từng lập gia đình. Chính vì vậy, tôi và Lực phải phục Quang về những “phi vụ nhảy rào bay đêm” này.
Ra trường tháng 5 năm 1969, Quang phục vụ ở Sư đoàn 5. Năm 1971, một sáng sớm mai cũng cỡ tháng 3, chưa đến giờ đi làm (tôi đã giải ngũ), cô cháu của Quang mếu máo lại báo tin, cậu Quang con chết rồi!
Ngỡ ngàng trước tin xấu về thằng bạn mới gặp khoảng tháng trước. Còn nhớ rõ ràng chúng tôi và vài thằng nữa ra nhậu ở một quán tiết canh lòng heo trên đường Hồng Thập Tự, phía bên kia đường là tiệm bán đồ gỗ nổi tiếng Phan Văn Nhị. Quang khoe là đã “mại” được chiến lợi phẩm CKC cho một tên Mẽo, nên rủ anh em đi tẩy trần.
Thà là ăn nhậu đúng nghĩa như thế này còn hơn là lại uống bia tại một quán Sinh tố (lạ không các bạn?) ở ngã ba chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Hình như lão Thiện còm, cái tên đánh trống hay khua bậy bạ trong ban nhạc của Khóa dẫn tôi lại nơi thổ tả này. Hôm ấy tôi thấy ở đó một lô sĩ quan nhiều binh chủng, khoảng chục tên, có vài thằng cùng khóa. Các bố của mình lại “đóng hụi chết” để uống bia nuôi em Hằng! Bây giờ, tôi không còn hình dung em đẹp cỡ nào để vài thằng bạn đã phải nhiều lần lê la đến góc đường ngồi “uống bọt” gần ống cống đó… Có tên nào “sơ múi” được tí gì không?
oOo
Đám tang của Quang được tổ chức tại nghĩa trang họ đạo Công Giáo ở Hóc Môn – Quang Trung.
Trong buổi tiễn đưa cuối cùng ngoài sự có mặt người tình Đia Hình, tôi nghe còn có hiện diện của một cô đậm tình “đơn phương” với Quang. Kể ra cũng một chút ấm lòng cho người nằm xuống phải về vùng đất lạnh.
Năm 1989, Võ Đoán (NT1 Nguyễn Văn Liên) trong bài viết Nhớ Một Mùa Xuân (cá nhân tôi khuyến khích đăng lại  trong Kỷ Yếu 2014) kể về những người bạn đã hy sinh nơi chiến trận, tôi mới rõ phần nào cái chết nghiệt ngã xảy đến cho Quang.
Điểm đứng tọa độ UTM nào, do đâu mà có, đã khiến trực thăng đổ quân Đại Đội của Quang rơi đúng vào tử địa mà Cộng quân đã phục sẵn?
Cuộc tình “địa hình” của Quang có kết cục giống như câu thơ về toán học:
Em cũng biết tung, hoành chia hai lối
Để tình là những đường thẳng song song
Điểm gặp nhau vô cực chỉ hoài công
Đường nghịch số thôi đành chia hai ngả
Gia đình ông anh của Quang sau này có hỏi tôi về đứa con trai của cô gái đất Hoa Đào và muốn đón thằng bé mang giọt máu của Quang về nuôi dưỡng. Dù biết làm thất vọng sự mong ước của gia đình thân nhân Quang, tôi cũng phải trình bầy sự thật. Lần đầu khi theo tôi đến thăm người đẹp, cô nàng đã có đứa bé lũn cũn bên cạnh độ hai hay ba tuổi. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp, Quang về Sư Đoàn 5, còn tôi phục vụ tại trường, cả Quang và cô ta hầu như cắt đứt liên lạc và cũng chẳng thấy một trong hai ngưởi nhắn nhủ hay hỏi thăm nhau qua tôi.
oOo
Với chúng tôi, dấu tích quý báu của Quang để lại là hai ông bạn nhà binh cao nhòng. Không nói đến những bạn đã khuất, các NT1 như Vương Trọng Thiện, La Xuân Huệ, Quách Đình Choát…, NT2 Đinh Hồng Lân, Đại úy SQCB Nguyễn Văn Quý đều biết hai chàng này. Một anh có tên ngắn ngủn: Lê Thắng khóa 21 Võ Bị. Anh kia ít nói hiền lành bên Thủ Đức [quên khóa mấy] tên dài thoòng hiền dịu con gái: Trần Nguyễn Hoàng Phương-Thủy [mới qua đời hơn 2 năm nay, tháng 7 năm 2016]. Đó là những người bạn quý mến chân tình như một món quà để chúng tôi không quên NT1 Nguyễn Ngọc Quang. 
Thiết Trượng (NN Dau)