Buổi sáng một ngày thường.
Khu vực này, ngày thường cũng như ngày cuối tuần, chẳng gì khác. Vẫn yên tĩnh. Hiếm khi thấy người qua lại. Chim, quạ là khách vãng lai thường xuyên nơi những cội cây và bãi cỏ trước sân. Nắng mai chưa xuyên thủng được màn sương lạnh nên trời hãy còn mờ mờ.
Một ly cà-phê nóng, uống chậm vào buổi sáng. Cà-phê này được pha trong một cái cốc có quai (mug), đặt trên một cái lò hâm nhỏ vừa vặn đáy cốc (mug warmer) để có thể nhâm nhi, uống lai rai mà nóng hoài. Thật là thú vị với bàn viết nơi cửa sổ hướng ra sân trước. Ngồi xuống, mở máy ra: thế giới ảo được trình hiện ngay trước mắt, trong một khung chữ nhật với diện tích khiêm tốn. Và đàng sau thế giới này là khung chữ nhật lớn hơn, trong suốt, mở ra một vườn cảnh nhân tạo, nhưng khá hữu tình. Thế giới ảo, thế giới thật, qua hai khung chữ nhật này, xem ra cũng chẳng khác nhau mấy về bản chất.
Vừa uống cà-phê, vừa đọc bài vở trên mạng. Bất chợt, điện cúp. Thế giới màu sắc từ khung chữ nhật nhỏ nhanh chóng biến mất, để lại một màu tối sầm vô tri. Ái chà, điện cúp! Lòng dấy lên chút bực bội, chút lo âu. Bực bội vì đang đọc một bài viết khá quan trọng mà bị đứt ngang, chẳng biết khi có điện trở lại có thể nhớ mà tìm ra được bài ấy hay không. Lo âu là không biết điện sẽ cúp bao lâu. Mười năm ở khu này, hình như điện chỉ cúp một vài lần, mỗi lần khoảng nửa giờ đồng hồ.
Rời khỏi bàn viết, đi vòng các phòng, bật các công tắc điện lên: chẳng đèn nào sáng cả. Đúng là cúp điện cả nhà. Lại đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài, hướng về mấy cửa sổ của các nhà hàng xóm đối diện, cách nhau một khoảnh vườn. Mắt cận thị không mang kiếng, chẳng nhìn thấy chi. Vả lại, buổi sáng giờ này, đâu có nhà nào bật đèn, làm sao biết được điện của họ có bị cúp hay không! Bước ra sân sau, mở hộp cầu giao điện, bật tắt hết, rồi bật ngược lại. Vào nhà, cũng không thấy điện lên. Vậy thì đúng là cúp điện toàn khu vực. Đành chịu thôi. Không làm gì được. Nguyên các dãy nhà ở vùng này đều sử dụng điện cho các hệ thống bếp lò, máy sưởi, máy lạnh… Điện mà cúp thì xem như đời sống ngưng đọng, chẳng có thứ âm thanh hay hình ảnh sống động nào trong nhà có thể phát ra, di chuyển hoặc tỏa sáng. Cái tủ lạnh ở nhà bếp kêu rè rè suốt mười năm, phút này mới chịu im lặng.
Thói quen của một người ăn ít, ngủ ít, làm việc nhiều, không cho phép ngồi im mà bó tay, bỏ phí thời giờ, liền tính ngay chuyện thay quần áo, ra xe lái một vòng, có thể đến gặp một người bạn, hoặc ra phố mua vài món cần thiết, hoặc vào tiệm sách báo xem có gì mới không… Chợt nhớ lại cái cửa ga-ra cũng dùng điện! Điện đã cúp rồi thì làm sao lái xe ra khỏi ga-ra được. Đây là loại cửa được cuốn lên bằng các bánh xe nhỏ chạy theo đường ray (rail), chẳng biết khi điện cúp có thể dùng tay kéo cửa lên được không, chưa bao giờ thử cách này; mà dù có được đi nữa, khi xe ra ngoài rồi, làm sao mà khóa cửa ga-ra? rồi khi lái xe quay về, có mở cửa ra được không nữa! Ôi, thật là phiền! Thì thôi, khỏi đi đâu là yên chuyện.
Quay trở về với bàn viết. Ngồi thừ ra một chặp, rồi lại nghĩ lan man chuyện khác, những chuyện thực tế sắp xảy ra… Chẳng hạn, chút nữa, giờ trưa đến, sẽ ăn gì đây? Lò điện không thể nấu. Khung hâm (microwave) không thể hâm. Xem như chuyện nấu và hâm các thứ thức ăn như cơm, canh, bánh burger, v.v… là bất khả, vì các thứ này đều nằm trong tủ lạnh và ngăn đá! Thức ăn khô không nằm trong tủ lạnh có gì nhỉ? A, có mì gói Mama của Thái! Loại mì này đã được người Việt tị nạn chiếu cố, rất khoái, trong thời gian còn ở Thái chờ đi định cư. Ủa, mà không có điện thì làm sao nấu mì! Đúng là lẩn thẩn.
Đứng ngồi không yên. Đi qua đi lại một lúc. Tất cả các phòng, các máy móc, đều im lặng và tối mù. Ngay cả cái điện thoại trên bàn cũng lặng câm, đèn báo lời nhắn của nó cũng tắt ngấm. Nhấc điện thoại lên chẳng nghe tiếng kêu o o. Điện thoại này là digital telephone (điện thoại hệ số), gắn với hệ thống giây cáp (cable), nên điện tắt thì hộp cable có găm điện cũng tắt, rồi hộp cầu dẫn (router) cũng tắt luôn. Sẽ chẳng ai liên lạc được qua điện thoại trong thời gian cúp điện. Mò tay vào túi, lôi ra cái điện thoại di động (cellular phone), mở nắp ra, thấy đèn và hình ảnh của nó hãy còn sáng (dĩ nhiên, nó có liên hệ gì đến chuyện cúp điện đâu chứ!). Ừ, hãy còn có nó, là thứ máy nhỏ nhất, tiện dụng nhất, còn sót lại trong căn nhà cúp điện này. Như vậy, phải biết là điện tử cao hơn điện một bậc nhé! Ủa, mà nếu không có điện thì cái điện thoại điện tử này có xài được không mà nói phách! Chẳng phải pin (battery) của nó cũng phải nhờ xạc điện hay sao!
Đến bên kệ sách, sờ cuốn này, cầm cuốn kia, lật vài trang cuốn nọ… Nhiều sách hay quá. Nhưng mà đọc sách trong không gian mờ mờ thiếu đèn điện và thiếu cả ánh sáng mặt trời: không hứng! Cho nên, không chọn cuốn nào. Thẫn thờ bước đến sofa, nằm dài, gối đầu lên hai tay nhìn trần nhà. Cuộc sống có vẻ ngưng tụ và chết đọng khi không có điện. Tất cả đều đi vào câm lặng và tăm tối.
Ồ, tại sao mình lại quá lệ thuộc vào điện và điện tử như thế! Dù cho cúp điện trọn ngày, trọn tuần hay trọn tháng, chẳng lẽ mình không sống được, không làm việc được hay sao? Huống gì chuyện cúp điện ở Mỹ, ngoại trừ những lúc gặp thiên tai bất thường, họa hoằn mới xảy ra và chỉ kéo dài cao nhất là một giờ đồng hồ. Một giờ đồng hồ không có điện, có gì mà hoảng lên thế!
Nhớ ngày còn bị tù, có nấu nướng gì đâu. Trại tù cho gì ăn nấy. Đồ thăm nuôi có mì gói, miến khô, đâu có lửa hay lò để nấu, cũng ăn được hết. Ngâm nước lạnh một hồi mì hay miến cũng nở ra. Không có nước để ngâm thì ăn khô cũng ngon như thường. Lên ghe vượt biển cũng thế. Ba ngày bốn đêm, nhịn đói, nhịn khát. Khi được chia nước thì chỉ được nửa chén mà còn nhường cho người khác nữa kia mà. Không lẽ sống lâu trong tiện nghi sẽ trở thành nô lệ của máy móc, điện, điện tử…? Không lẽ mình sẽ trở nên vô dụng, và một giờ một ngày của mình sẽ trở nên vô ích khi không có điện? Có thể nào không cần bất cứ thứ máy móc hiện đại nào trong vòng một ngày, một tuần hay không? Có thể lắm, có thể lắm.
Tắt luôn cái điện thoại di động. Duỗi thẳng hai chân, hai tay, trong tư thế thật buông thư. Thở nhẹ. Thật yên tĩnh. Thật yên tĩnh. Bất chợt khám phá một thứ âm thanh còn hoạt động trong nhà, đó là cái đồng hồ treo tường. Đứng dậy gỡ nó xuống, tháo cục pin ra. Trở lại, nằm. Còn gì nữa không? Còn thứ máy móc nào nữa không? Còn, còn một cái máy hoạt động, đó là não bộ của nhà ngươi. Nó hoạt động như cái máy, có gì khác chứ! Vậy thì tắt luôn. Empty your mind. Buông xả, buông xả tất cả. Giữ một cái tâm như hư không… Cũng không phải là “giữ” nữa. Không có cái chủ thể đang giữ hay kiểm soát cái đối tượng là tâm… Empty your emptied mind…
Tiếng của máy vi tính kêu tít lên một tiếng cho biết máy đã hoạt động trở lại. Có nghĩa là đã có điện. Có nghĩa là có thể đọc tin, viết bài, làm việc trở lại. Bây giờ là mấy giờ? Không biết. Đã nằm đây bao lâu? Có ngủ không? Không biết. Bây giờ có cần ngồi dậy đến ngồi vào bàn viết hay không? Có cần phải mở điện thoại di động trở lại không? Có lẽ không cần đâu. Muốn nằm đây thêm một lúc. Muốn điện cứ việc cúp thêm một vài giờ, hay một vài ngày, không sao cả.
Bên ngoài, nắng đã lùa vào cửa sổ. Một buổi sáng yên tĩnh, thật đẹp. Một cái đẹp tình cờ, không phải cầu mong mà có được. Mai sau, nếu có ngày nào đó lại cúp điện, không chắc là có được trở lại những phút giây yên tĩnh mênh mông như một giờ của ngày hôm nay.
Vĩnh Hảo