Hoàng Trúc Ly |
Hoàng Trúc Ly tên thật là Đinh Đắc Nghĩa, sinh năm 1933 tại Đà Nẵng, có bằng tú tài Pháp.
Tác phẩm tiêu biểu: tập thơ duy nhất Trong Cơn Yêu Dấu và một số các thi phẩm khác đăng rải rác trên các báo, tạp chí, tập san ở Nam Việt Nam.
Thơ ông có nhiều sáng tạo xuất thần trong cách sử dụng ngôn ngữ, dùng phong cách và kỹ thuật Tây phương nói lên triết lý Đông phương.
Tôi đậu xe trên lề đường Võ Tánh rồi cuốc bộ vô nhà Hoàng Trúc Ly trong khu vực Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến.
Nhà thơ đang lúi húi bơm bếp dầu hôi nấu nướng.
- Làm ơn dẹp cái vụ nấu nướng lỉnh kỉnh của cậu đi. Mình đi ăn “Hai Cua” một bữa!
Hoàng Trúc Ly ngẩng đầu lên:
- Sang vậy?
Tôi cười:
- Mới gửi một bài thơ cho báo Xuân “Sống”, được Chu Tử cho hai chục ngàn.
Hoàng Trúc Ly trố mắt:
- Chuyện hoang đường! Ngoài Bách Khoa, đâu có báo nào trả nhuận bút cho... thơ?
- Mình vừa nói rồi. Báo Sống!
- Chắc có chuyện bốc đồng nào đây!
Tôi cười:
- Cậu tài thiệt. Đúng là chuyện bốc đồng của Cử Bình.
Ngó bộ anh chàng chưa hiểu, tôi nói ngay:
- Thơ mình làm cho vui, đâu phải thiên tài như cậu!
Hoàng Trúc Ly gạt đi:
- Khỏi nói dài dòng, hãy vô đề đi.
- Ừa! Đó là nhờ Hà Chưởng Môn! Chẳng là bữa trước, Hà Chưởng Môn nói với Chu Tử, khi chủ nhiệm báo Sống đòi một bài thơ Xuân cho số báo Tết:
- Anh muốn đăng thơ tôi? Mắc lắm đó!
Chu Tử cười:
- Bao nhiêu?
Phạm tiên sinh vui miệng:
- Mười ngàn!
Chủ báo Sống vẫn cười:
- Ăn thua gì, tôi trả anh ba chục ngàn!
Thế là bài thơ của Hà Thượng Nhân được Chu Tử trả một lượng rưỡi vàng - theo thời giá -.Còn mình cũng gửi một bài thơ. Đâu có “dám” nghĩ đến nhuận bút. Ngờ đâu, Chu Tử biểu cháu Chu Vi Long đem cho hai chục ngàn! Có tiền rồi, mình đến rủ cậu đi Hai Cua một bữa! Hồi nãy mình ghé Hoàng Thắng mà không gặp. Đúng là số Độc Thủ Đại Hiệp bữa nay không hên.
Hoàng Trúc Ly tắt bếp:
- Mi chờ ta một chút.
Trong khi anh chàng... trang điểm, tôi mới thấy căn phòng... này quá bề bộn . Phòng chỉ đủ chỗ kê khung giường sắt nhà binh, chiếc bàn viết và cái tủ quần áo. Tấm drap trải giường đã ngả màu nước dưa, nhiều lỗ thủng vì thuốc lá làm cháy. Chiếc gối hồng có thêu đóa Hoàng Lan màu vàng đã bạc trắng. Trên tường treo bức tranh Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - và tấm lịch Tam Tông Miếu. Ở một góc tường, chiếc mũ dạ treo trên mắc, bị móp một bên, hẳn đã lâu ngày, Hoàng Trúc Ly không dùng đến. Phía dưới để ngổn ngang sách, báo.
Anh chàng vừa chải lại mớ tóc bờm xờm, vừa nói:
- Nếu có Hoàng Thắng đến đây nữa là... tam Hoàng. Chẳng biết Hoàng Thắng phải họ Hoàng như mi không, chớ ta là Hoàng giả mà! (*) Ta vụt nhớ câu:
Tam Hoàng, Ngũ Đế chi thư,
Có anh nhớ vợ ngồi thừ mặt ra.
Dĩ nhiên là họ Hoàng, - đồng âm - chớ không phải là Hoàng Đế, mặc dù ta rất muốn làm vua một ngày cho biết!
Tôi cười:
- Làm vua đâu có gì vui. Việc nước trăm bề, thì giờ đâu mà đi lang bang được!
Không để ý đến lời tôi, anh chàng tiếp:
- Phiền một nỗi là ta không có vợ để mà nhớ. Nếu có thì căn phòng đâu đến nỗi mất trật tự như thế nầy!
Chúng tôi cùng cười.
Vài chục phút sau, chúng tôi đã có mặt tại quán Hai Cua trên đường Trần Hưng Đạo.
Ngồi vào bàn, chúng tôi nói đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất.
Tôi hỏi Hoàng Trúc Ly:
- Nghe Linh Giang nói, cậu mới làm bài Hoàng Lan. Cho nghe đi!
- Đồng ý! Ráng nghe giọng... vịt đực của ta, đây:
Có phải vì em đang gỡ tóc
Cho mây từng sợi rối chân chim
Có phải hoa bay đầy cánh bướm
Vì em thay áo mái tây hiên
Ôi mới hôm nào như hôm qua
Tay ai bùa phép nắm đôi ta
Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa
Cho tuyết đầu non chảy máu ra
Ôi mới hôm nào như hôm kia
Con đường chở nặng những đêm khuya
Cho nên bóng tối bay thành khói
Ánh mắt mờ sương lạc lối về
Ôi có hôm nào là hôm nay
Anh ghen vì gió đã choàng vai
Em đi như vẽ trên đường nắng
Em nói như đàn trong miệng ai
Anh là dòng sông mơ chín suối
Em là mặt trăng thèm mặt trời
Cách trở bốn mùa vây trái đất
Còn nghe đau xót thuở nào nguôi!
Tôi thấy khuôn mặt anh ngời sáng:
- Thơ ta làm cho ta, và cho riêng người ...
Hoàng Trúc Ly nâng ly bia, nói tiếp:
- Nghe thơ mà mi uống nước ngọt, coi sao đặng?
Tôi dàn hòa:
- Xin thông cảm. Mình uống la de thấy đắng ngắt. Vả lại, chỉ cần thoải mái, cứ gì phải uống la de?
Hoàng Trúc Ly nghiêng đầu, chăm chú nhìn tôi:
- Mi làm thơ mà không uống rượu, không hít tô phe... còn nữa, mi cũng không biết nhảy đầm, cờ bịch, vậy mi sống ra... răng?
Tôi cười nhái lại:
- Hông răng mô!
rồi hỏi:
- Cuộc tình của cậu với người đẹp Hoa Của Trăm Hoa tới đâu rồi? Nhà thơ nhún vai:
- Hẳn là không tới được thành La Mã! Mi coi, nhan sắc ta tàn tạ thế nầy, làm sao lôi cuốn được đàn bà, con gái?
- Chưa hẳn vậy đâu!
- Mà dù có đúng như vậy, đối với ta cũng chẳng có gì quan trọng. Ta chỉ cần gởi trọn vẹn tình ta đến người, còn người có đáp ứng hay không, ta đâu quan tâm làm gì!
Tôi vui vẻ:
- Cậu mới thật là thi sĩ, hỡi nhà thơ Miền Trung thân yêu. Còn tôi, chỉ là người làm thơ bình thường vì yêu thơ thôi.
Hoàng Trúc Ly giơ tay:
- Không cần cho ta lên máy bay!
Tôi cười, tiếp:
- Nói với tất cả chân thành, tôi mê bài “Gặp Người Em” của cậu, nên đã thuộc lòng. Nghe tôi đọc có sai chỗ nào không:
Những người xưa đi rồi không về nữa
Một mình anh lại gặp một mình em
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ
Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi
Đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
Anh thương em câm nín đến bao giờ.
Bởi vì đâu da em xanh giá rét?
Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi
Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi
Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi
Em bềnh bồng, anh phiêu lãng về đâu
Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
Không mai sau cho nước chảy qua cầu
Em bảo anh người đi không trở lại
Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
Em giang hồ làm tiếng hát lang thang
Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi
Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt
Anh thương em: máu vọt bốn phương trời...
Trong lúc tôi đọc, Hoàng Trúc Ly lim dim như gửi hồn vào mộng. Khi tôi đọc xong, anh mở choàng mắt:
- Mi hay thiệt. Ta chưa thuộc bài này đâu!
Chúng tôi vui vẻ suốt buổi chiều hôm ấy, mà không ai ngờ đó là lần đối ẩm cuối cùng.
Tháng Tư Đen ập tới.
Hơn một năm sau, kể từ ngày tôi “được” đi Sơn La “học tập” thì Hoàng Trúc Ly cũng được chiếu cố tại Sài Gòn. Khi tôi được tha về thì Hoàng Trúc Ly đã mất trước đó ba năm!
Trở lại chốn xưa, đứng trước rạp hát bóng Khải Hoàn, nhìn về khu nhà trước kia Hoàng Trúc Ly ở, tôi lẩm bẩm đọc bốn câu thơ của anh, bài Vĩnh Biệt:
Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non.
Hôm nay ghi lại ít hàng tưởng niệm Hoàng Trúc Ly, tôi còn hình dung được khuôn mặt sáng ngời của anh trong bữa đọc thơ năm nào.
Hoàng Ngọc Liên
_____________
(*) Tên thật Hoàng Trúc Ly là Đinh Đắc Nghĩa.