văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, February 7, 2022

Hoàng Long Hải ** Ngày xuân, bói Kiều

 



Ít lâu nay, bởi mấy chú Ba Đỏ ở lục địa Trung Hoa hung hăng, ỷ thế đông, ức hiếp người Việt Nam ta, nhất là với các ngư dân đánh cá ở biển Đông, nên tinh thần chống Tầu xâm lược trong dân chúng Việt Nam, ở trong nước cũng như hải ngoại lại bùng lên, khá dữ dội.

Khi người Việt đả kích người Tầu, lời lẽ cũng không nhẹ nhàng chi. Ngay ở trong nước, nhạc sĩ Việt Khang gọi chúng là “Giặc Tầu” (Mà giặc Tầu ngang tàng trên quê hương ta), còn Uyên Phương thì gọi là “Tầu khựa”.

Những điều nầy, nhiều người đã biết, xin khỏi nói dông dài.

Trên vài chương trình TV, như VHN, nhà văn Quyên Di, thì nhắc lại vài ý kiến, cha ông ta đã có ngày xưa: Người Việt giỏi hơn người Tầu.

Ý kiến ấy, là nói cho thỏa cái tự ái hay cường điệu chăng?

Xin thưa! Không cường điệu đâu!

Từ thời Bắc thuộc, người Việt học chữ Tầu, làm quan Tầu, vốn đã có tiếng giỏi.

 

Những người nổi tiếng đó, có thể kể Lý Tiến, Lý Cầm… là người Giao Châu được vua Tầu cử ra làm quan như người Tầu (1). Lý Ông Trọng làm tướng ở cả hai nước Tầu và ta (2), Nguyễn An, người xây thành Bắc Kinh, (3), hay ông trạng Mạc Đỉnh Chi, người được vua Tầu phong làm “lưỡng quốc trạng nguyên” (4).

Còn nhiều nữa, đó chỉ vài ba nhân vật điển hình.

Nói gần hơn, là chuyện cụ Phan Bội Châu sang Nhật, gặp thủ tướng Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị, để xin cầu viện.

Sau khi gặp cụ Phan, thủ tướng Nhật gặp Tôn Văn, người được người Tầu tôn làm “quốc phụ”, hỏi về “người Việt Nam”. Tôn Văn nói với thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị rằng người Việt Nam là một giống dân hèn yếu, không đáng được giúp đỡ. Thủ tướng Khuyển nói: “Nhưng người Việt Nam là một giống dân không bị người Hán đồng hóa.”  

Câu nói của ông Khuyển không khỏi làm cho ông Tôn “chột dạ”, “mắc cở” bởi vì tổ tiên của Tôn là một trong 99 Việt tộc ở Hoa Nam đã bị Hán-hóa đấy.

Thầy dạy tôi năm tôi học lớp Nhì, (lớp 4 bây giờ), khi kể lại câu chuyện nầy, chê rằng Tôn Văn là người hèn hạ, “bần tiện”, “nhỏ nhen”. Tôn Văn sợ nếu người Nhật giúp người Việt thì sẽ không tích cực giúp Tôn Văn chống lại nhà Mãn Thanh.


Nói về cái hèn của người Tầu thì nói không hết được!

Trong lịch sử Tầu, không ít lần người Tầu núp bóng đàn bà để được yên thân, như chuyện “Chiêu Quân cống Hồ” chẳng hạn. (Xem “Những bài thơ Nôm đầu tiên trong Văn Học nước ta”, cùng tg, in trong “Tục ngữ Việt-Anh đối chiếu” do Văn Mới xuất bản).

Mấy bà Tầu “quậy” cũng dữ. Dương Quí Phi, Võ Tắc Thiên, Trần Viên Viên, Từ Hi, Giang Thanh, Diệp Quần…và bây giờ là Cốc Khai Lai, Bành Lệ Viên nữa chăng? Những người đã và sẽ làm cho nước Tầu suy sụp, đưa tới “đại họa” cho dân tộc (Tầu).

Bài nầy, cốt yếu là nói về chuyện Kiều. Ngay chuyện Kiều, cũng chứng minh rằng người Việt chúng ta hơn hẳn người Tầu.

Xin nói lại như thế, cũng không phải là cường điệu, nói cho thỏa mãn “tự ái dân tộc”, vì người Việt đang bị mấy chú Ba ở Bắc Kinh ức hiếp.


Xin chứng minh như sau:

Truyện Thúy Kiều của Nguyễn Du nước ta có nguồn gốc từ bên Tầu. Thông thường, các nhà phê bình văn học chỉ nhắc tới cái gốc của Truyện Kiều là từ cuốn Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN), một ông Tầu nào đó, đã viết ra, cũng được Kim Thánh Thán, một người phê bình văn học Tầu ngày xưa, phê phán sơ lược, chẳng khen gì nhiều mà chẳng chê gì lắm. Có thể coi như Kim Vân Kiều của TTTN không có gì xuất sắc.

 Ngày tôi còn đi học, cách nay cũng hơn nửa thế kỷ, thầy dạy môn Văn Học Sử ở Văn Khoa của tôi, giáo sư Lê Hữu Mục, có nhắc tới Dư Hoài. Dư Hoài là tác giả một cuốn Kiều. TTTN đã dựa vào cuốn Kiều của Dư Hoài để viết lại thành Kim Vân Kiều của ông.


Theo sử Tầu, truyện Kiều là một truyện có thực, xảy ra vào đời Minh. Câu chuyện nầy đã được người Tàu viết thành tiểu thuyết, tuồng hát, trong đó có các tác giả như Từ Văn Trường, Diệp Trĩ Phỉ, Hồ Thiếu Ba, Chu Tiếp, Mộng Giác đạo-nhân rồi mới tới Dư Hoài, Thanh Tâm Tài Nhân. Xin nói sơ lược như thế, khỏi bàn dông dài những tác phẩm không nổi tiếng gì mấy bên Tầu.

Ấy vậy, khi Nguyễn Du dựa trên truyện Kiều của Tầu mà viết thành Truyện Kiều của ta, thì truyện Kiều của ta được mọi người khen ngợi, khâm phục. Không chỉ ở trong nước, mà ngay cả những “người nước ngoài” (chữ của Việt Cộng đấy), khi đọc truyện Kiều, hiểu truyện Kiều, thảy đều khen ngợi, cũng cho là “tuyệt tác”, văn chương cũng như tư tưởng.


Nói chung, như ông Phan Thanh Tâm thì “Kiều Việt nhân hậu, Kiều Tầu ác hiểm.”

Để chứng minh ý kiến nầy, tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ thôi, cũng đủ thấy rằng truyện Kiều của ta (Kiều Việt) nhân hậu hơn truyện Kiều của Tầu (Kiều Tầu).

Trong truyện Kiều của Tầu, khi bị Hồ Tôn Hiến gã cho thổ quan, cô Kiều tới sông Tiền Đường, thì nhảy xuống sông tự vận. Vậy là hết chuyện, với cái kết cục bi thảm của một người con gái, khi tới đường cùng, phải lấy dòng nước mà giải thoát khỏi cái oan nghiệt của đời.

Truyện Kiều của ta nhân hậu hơn, bởi vì khi cô Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường thì được cứu sống. Nguyễn Du viết như sau:


Giác Duyên nghe nói mừng lòng,
Lân la tìm thú bên sông Tiền đường,
Đánh tranh chụm nóc thảo đường,
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.
Thuê năm ngư phủ hai người,
Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông.
Một lòng chẳng quản mấy công,
Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần!
Kiều từ gieo xuống duềnh ngân,
Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi.
Ngư ông kéo lưới vớt người,
Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa!
Trên mui lướt mướt áo là,
Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương.
Giác Duyên nhận thật mặt nàng,
Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai.


                  Không phải tinh cờ mà sư Giác Duyên cứu cô Thúy Kiều. Nó có những lý do chánh đáng của nó: Về tâm địa của cô Kiều, về nhân nghĩa, về những điều phải, điều đúng mà cô Kiều đã làm, mới có cái kết thúc nhân hậu ấy. Những điều cô Kiều nghĩ và đã làm, ích nước, giúp đời, tỏ rõ được cái phẩm giá của cô, mặc dù cô là người từng “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Những điều nầy, có trong “nhân quả” nhà Phật, là nền tảng triết lý của truyện Kiều, như Trần Trọng Kim giới thiệu trong “lời Tựa” của cuốn “truyện Thúy Kiều” do ông và cụ Bùi Kỷ hiệu khảo. Những điều ấy cũng  ở trong văn hóa người Việt, dĩ nhiên, là khác xa với văn hóa người Tầu.


            Nhân đây, xin một số nhà “nghiên cứu văn học”, hiện ở trong nước, hãy suy nghĩ lại một chút, cho đúng với đời sống tinh thần của dân tộc ta: Mặc dù người Việt có chịu “ảnh hưởng văn hóa Tầu”, nhưng không nhất thiết cái gì ta cũng giống Tầu, cái gì Tầu cũng hơn ta.

            Ta xa (hay cao hơn) họ “một cái đầu” đấy!

            Kết thúc truyện Kiều của Tàu là một cái chết. Kết thúc truyện Kiều của ta ở đâu? Xin nghe “bản đàn” sum họp của của Kiều (bản đàn thứ tư của Kiều):


Tình xưa lai láng khôn hàn,
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.
Nàng rằng: Vì mấy đường tơ,
Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
Ăn năn thì sự đã rồi!
Nể lòng người cũ vâng lời một phen.”
Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu 
đầm ấm dương hòa,
Ấy là Hồ Điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu 
êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu đổ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!

Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.
Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,
Xưa sao sầu thảm nay sao 
vui vầy?

            (tg tự gạch dưới).

    

Kết thúc một câu chuyện như vậy, người xưa gọi là “có hậu”, tức là có nhân hậu, là cái tốt hơn cái xấu, là điều phải đánh bại điều trái, là “ở hiền gặp lành”, là hiền từ thì được nhân đức.

Phần nầy, nếu độc giả muốn tìm hiểu thêm, xin đọc các tác phẩm nói về Truyện Kiều, xưa thì có Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim. Còn bây giờ thì… nhiều lắm. Tác giả xin khỏi bàn nhiều.

Năm 1956, nhân kịp kỷ niệm 190 năm sinh nhật Nguyễn Du, Hội Văn Hóa thành phố Huế tổ chức diễn thuyết. Một trong các diễn giả là ông bác sĩ Lê Khắc Quyến. Ông nói rằng, vài khi rảnh rổi, ông đọc Kiều để giải trí. Tưởng thế là tìm được sự an nhàn thư thái. Ai ngờ trong Kiều cũng có điều rắc rối liên hệ tới khoa học, khiến ông phải suy nghĩ.

Nguyễn Du viết như thế nầy, là thực hay bịa?


Khí thiêng khi đã về thần, 
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng! 
Trơ như đá vững như đồng, 
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời. 
Quan quân truy sát đuổi dài. 
Ầm ầm sát khí ngất trời ai đang. 
Trong hào ngoài lũy tan hoang, 
Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi. 
Trong vòng tên đá bời bời, 
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ. 
Khóc rằng: Trí dũng có thừa, 
Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này! 
Mặt nào trông thấy nhau đây? 
Thà liều sống thác một ngày với nhau! 
Dòng thu như dội cơn sầu, 
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên. 
Lạ thay oan khí tương triền! 
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra. 


            Ấy là việc Từ Hải chết đứng.

Đầu đã bị chém bay mất rồi mà Từ vẫn đứng trơ trơ giữa trời, giữa vòng vây. Mãi đến khi cô Kiều nghe tin chạy tới, phủ phục cúi đầu khóc lạy, thì “Từ liền ngã ra.”

            Sự việc nầy có phản khoa học không, có bịa hay không?

            Bác sĩ Lê Khắc Quyến bảo là không. Ông giải thích:

            Khi một người dùng hết sức mình để vận động, chất acide lactique được tạo ra trong bắp thịt, có thể làm cho bắp thịt bị cứng lại. Đó là trường hợp các cầu thủ bóng tròn bị “vọp bẻ”.

            Suy ra, trường hợp Từ Hải cũng không khác gì nhiều. Vừa tức giận vì bị Hồ Tôn Hiến đánh lừa, vừa bị quân của Hồ bao vây trùng trùng điệp điệp, Từ Hải phải rán hết sức chống cự, đánh tả, chém hữu, chất acide lactique tiết ra nhiều trong bắp thịt của Từ. Vốn là người dũng mãnh, chất đó lại nhiều hơn, nên khi bị chém bay đầu, các bắp thịt của Từ vẫn còn cứng, làm cho thân thể Từ chưa ngã xuống được: “Nhơn nhơn còn đứng trơ trơ giữa vòng”.

Mãi đến khi cô Kiều chạy tới, sụp lạy và khóc, cũng là lúc chất acide lactique tan dần, thịt mềm ra, thì Từ ngã xuống.


            Sự kiện thì ngẫu nhiên, mà thực tế, ông bác sĩ y khoa nổi tiếng ở Huế cho rằng có thể có được, không có gì huyễn hoặc, bịa cả.

Tôi nghe ông bác sĩ giải thích như thế, cách nay cũng đã hơn nửa thế kỷ, không biết các ông bác sĩ ngày nay có nghĩ khác đi không?

            Cũng xin kể thêm một chuyện khác trong buổi diễn thuyết nầy. Việc “tranh luận truyện Kiều” xảy ra hồi thập niên 1930, tính tới lúc ấy cũng đã gần ba chục năm. Cuộc tranh luận hồi ấy, gay gắt đến độ ông Phạm Quỳnh của báo Nam Phong phải khẳng định rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Nói như thế có nghĩa là truyện Kiều và vận nước dính chặt vào nhau đấy. Vậy thì người ta có khen ngợi truyện Kiều, đọc truyện Kiều, học truyện Kiều cũng là việc cần có, cần phải làm, v.v… để bảo tồn đất nước mình.

            Tuy nhiên, hôm diễn thuyết đó, linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, một nhà Nho Học, lại lên tiếng phản đối việc đưa truyện Kiều vào chương trình giáo dục. Hồi ấy, học sinh học lớp Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ) và Lớp Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ), đã phải học Kiều. Học sinh lớp 11 phải học kỹ hơn lớp 9. Đi thi Tú Tài 1, thế nào cũng gặp phải một đề thi về Kiều, thi viết hay vấn đáp.


            Linh Mục Nguyễn Văn Thích chứng minh bằng một câu Kiều: Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.” Đã là “phong tình”, không thể cho học sinh học được.

            Việc “tranh luận truyện Kiều” qua cũng đã lâu rồi. Mấy chục năm nay, học trò cũng đã học Kiều rồi. Lời kêu gọi của linh mục Thích, ông thầy dạy môn luân lý - công dân giáo dục của học sinh “Khải Định Nhỏ” (Trường Khải Định Trung học đệ nhất cấp, tên cũ trước 1955), coi như lạc lõng trong hội trường hôm đó.   

            Có điều lạ!

            Truyện Kiều của Tầu là tiểu thuyết, là kịch, chỉ là để giải trí. Trong khi đó, truyện Kiều của ta lại mang tính cách linh thiêng kinh điển.

Trong đời sống của người Việt, khi người ta gặp phải hay sẽ đối đầu với một hoàn cảnh vui buồn hay khó khăn như thế nào, hỉ nộ ái ố lạc dục cụ… như thế nào, người ta cũng có thể tìm trong Kiều một “câu kinh” cho trường hợp của mình, để xin xỏ, để cám ơn hay hy vọng…

            Thật vậy, tổ tiên ta ngày xưa xem Kiều như một thứ “kinh điển linh ứng”. Người ta bói Kiều để cầu xin điều may mắn, hỏi han về tình duyên, gia đạo, nhất là trong dịp lễ tết.


            Đốt hương lên trước bàn thờ, bàn thờ ông bà hay một đền đài linh thiêng nào đó, người cầu xin quì xuống, vái mấy vái và cầu nguyện: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều” cho con xin cầu…

            Và rồi người ta lấy ngón tay mở một trang Kiều, cũng lấy lấy ngón tay làm dấu ở một câu nào đấy, và mở ra xem đó là câu gì, và đoán:

            Nếu cầu xin về tình duyên mà gặp câu:

“Người quốc sắc kẻ thiên tài,

Tình trong như đã mặt ngoài còn e!” thì coi như “có anh có chị” rồi đấy, sẽ toại nguyện mà thôi!

            Nếu gặp phải câu

“Liêu Dương cách trở sơn khê,

Xuân Đường kíp gọi sinh về hộ tang” thì ắt hẳn gặp chuyện chết chóc tang chế gì đây!     

            Không chỉ người xưa mới bói Kiều. Ngày nay, cũng có khi người ta cũng làm như người xưa vậy. Xin đọc đoạn văn sau đây:

            “Nhiều người vượt biên tìm tự do cũng đã bói Kiều. Họ cho rằng Kiều là một tác phẩm sâu thẳm, bao trùm mọi tình huống.


“Lỡ chân đã bước vào đây,

Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non,

Người còn thì của cũng còn,

Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà” 

là bốn câu thơ đã giúp ông Phạm Phú Minh, 13 năm tù cải tạo, hiện chủ biên trang mạng diendantheky.net, khi còn ở tù vẫn giữ vững niềm tin rằng, sẽ có ngày, được sống thoải mái ở một nơi khác. Anh cho biết, anh xin được quẻ này trong một đêm rằm Trung Thu năm 1975 ở trại tù cô nhi Long Thành.

(Nhân đọc bản dịch Kim Vân Kiều Truyện của giáo sư Đàm Quang Hưng, tác giả Phan Thanh Tâm).


Bây giờ, ở trong nước mà bói nhằm câu:


“Hàn huyên chưa kịp giãi dề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao;
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.”

                        (Truyện Kiều. Nguyễn Du)

 

thì ắt hẳn là Công An Việt Cộng đến nhà!

            Hoặc câu:


Rường cao rút ngược dây oan,
Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người.
Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

 

là coi như Công An Việt Cộng đang “làm việc, phục vụ nhân dân” đấy


            Nói về “Vua Từ Hải”.

            Từ Hải là một tướng cướp có lòng nhân, có tài trí hơn người. Nguyễn Du khi viết về Từ Hải, tưởng như “cá gặp nước.”

Con nhà quan, dòng dõi thư đường, lớn lên gặp thời “quốc phá gia vong”, vua quan hỗn loạn. Những người cùng thời với Nguyễn Du như Phạm Thái thì than“Năm bảy năm nay cứ loạn ly, Cảm thường thân thế lỡ qua thì.” Phạm Thái đành mượn rượu mà giải khuây. Còn Ngô Thì Nhiệm thì trả lời Đặng Trần Thường: “Mấy chục năm nay, giặc giã triền miên, nhân tâm ly tán, thế sự đảo điên, làm sao ta biết đâu là chánh, đâu là tà…

Trong thâm tâm, Nguyễn Du cũng ôm ấp một hoài vọng cho Dân cho Nước, nhưng vốn là một thư sinh, “trói gà không chặt”, ông làm được gì cho ai! Ông chống lại nhà Tây Sơn, từng trốn vào Nam nhưng bị bắt, việc không thành, ông về lại làng cũ mà ở.

            Từ hoàn cảnh như thế, tâm trạng như thế, nên ông ký gởi tâm trạng và sở vọng của ông cho Từ Hải. Trong ý nghĩa đó, ông thường tán tụng về Từ Hải khi viết về nhân vật nầy

            Về tướng mạo, có lẽ Nguyễn Du mặc cảm về ông, một thư sinh tay yếu chân mềm, nên vẽ ra một Từ Hải không kém oai phong về mặt thể chất:


Râu hùm, hàm én, mày ngài, 
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Về tài thao lược, Từ Hải là người: 

Đường đường một đấng anh hào, 
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.


Với tài nghệ như thế, dẫu khi sức cùng lực kiệt, Tù Hải vẫn là người:

      Tử sinh liều giữa trận tiền, 
      Dạn dầy cho biết gan liền tướng quân!

            Cái “danh hiệu” Nguyễn Du rất thường gán cho Từ Hải là “anh hùng”. Người ta thấy Nguyễn Du viết không ít hai tiếng ấy khi nói về Từ Hải:


     Một đời được mấy anh hùng, 
     Bỏ chi cá chậu, chim lồng mà chơi!

     Khen cho con mắt tinh đời, 
     
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!

     Anh hùng mới biết anh hùng, 
     Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?
     Anh hùng tiếng đã gọi rằng, 
    Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!


Nếu không gọi là anh hùng, Nguyễn Du dùng một chữ khác, cũng không kém chi: Trượng phu

    Nửa năm hương lửa đương nồng, 
    
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

            Có khi là

    Từ rằng: Quốc sĩ xưa nay, 
    Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?


            Từ Hải là người không chịu ở dưới một ai. Không ai có thể ở trên đầu Từ, không như Nguyễn Công Trứ “Chín tầng thiên tử đội lên trên”:


     Chọc trời khuấy nước mặc dầu, 
     Dọc ngang 
nào biết trên đầu có ai?


Với Từ, quan trường chỉ là


Bó thân về với triều đình, 
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu? 
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, 
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi? 


            Từ Hải “chân đạp đất, đầu đội Trời”: “Đội trời đạp đất ở đời” nên chỉ có thể làm vua. Vua là trên hết. Từ Hải là người trên hết, không dưới quyền ai cả, làm vua một cõi

Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.

Cái ý muốn làm vua đó, bắt nguồn từ con người ưa chuộng tự do, vùng vẫy, giang hồ… không chịu câu thúc với ai, vì ai:


     Giang hồ quen thú vẫy vùng, 
     Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
           

     Nửa năm hương lửa đương nồng, 
   
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

    Trông vời trời bể mênh mang, 
    Thanh gươm, yên ngựa 
lên đàng thẳng rong.

   

            Ngang dọc là ý chí của Từ:

Một tay gây dựng cơ đồ, 
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành! 

Từ Hải là người hào phóng, trọng “tân khách” như Bình Nguyên Quân, (Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân), chung thủy với Kiều (Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!), không những “võng anh đi trước, võng nàng theo sau” mà còn hơn thế nữa. Từ đón Kiều về dinh như đón một hoàng hậu: 


Bao giờ mười vạn tinh binh, 
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường 
Làm cho rõ mặt phi thường, 
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia, 
Hai bên mười vị tướng quân, 
Đặt gươm, cởi giáp, trước sân khấu đầu.
 
Cung nga, thể nữ nối sau, 
Rằng: Vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui. 
Sẵn sàng phượng liễn loan nghi, 
Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng. 
Dựng cờ, nổi trống lên đàng, 
Trúc tơ nổi trước, kiệu vàng theo sau.


Điểm chính yếu: Nguyễn Du đã xây dựng nên một Từ Hải anh hùng, một Từ Hải


Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha! 
Phong trần mài một lưỡi gươm, 
Những loài giá áo túi cơm sá gì!


            Trong chế độ “Quân chủ chuyên chế”, vua chỉ có một mà không thể có hai. Ai ai cũng phải lấy chữ “trung quân” là trung với vua làm đầu, không thể có một anh hùng nào hơn vua, một ai cao hơn vua, mà Nguyễn Du lại vẽ nên một Từ Hải như thế, thì Nguyễn Du thoát tội với triều đình được sao? Đó là tội xúi dân làm… vua, xúi dân làm loạn.

            Muốn tránh cái tội đó, mà Nguyễn Du vì hứng chí đã vẽ ra một con người anh hùng cao thượng như thế, thì không có gì khác hơn là Nguyễn Du phải “khai tử” nhân vật yêu mến mà Nguyễn Du đã trót vẽ nên. Làm như thế không khác chi Nguyễn Du đã giết đứa con yêu của mình. Nhưng không làm thế thì có cách nào Nguyễn Du có thể thoát khỏi tội xây dựng nên một “vua Từ Hải”.


            Nguyễn Du là một sĩ phu, là một vị quan trường phục vụ triều Gia Long, Minh Mạng, nên phải sợ triều đình, sợ vua.

            Dân chúng thì không. - Cũng giống như bây giờ, tình hình ở trong nước: Đảng viên thì sợ đảng (Cộng Sản), nhưng dân chúng thì không sợ đảng. Dân chúng có “dây dưa” gì với đảng mà phải sợ đảng. Họ bị đảng bóc lột chớ đảng cho họ cái gì mà phải sợ đảng-

             Dân chúng không sợ như “sĩ phu” Nguyễn Du nên cứ gọi là “Vua Từ Hải”, tôn vinh Từ là vua. Xưa cũng vua mà nay cũng vua: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều.”

 

            Thúy Kiều cũng được tôn vinh là “Tiên”: “Tiên Thúy Kiều.” Một cô Kiều đẹp như thế, đoan trang nết na thùy mị như thế, dù đời có làm cho cô Kiều “bầm dập” như thế, vào làm gái đĩ ở lầu xanh những hai lần, dầu phải làm con ở những hai lần, “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, “làm ra con ở chủ nhà đôi nơi.” tâm hồn cô Kiều vẫn trong sáng, tươi đẹp, khoan hòa, độ lượng, thì Kiều không là Tiên thì là gì đây?

 

            Cô Kiều được khen là “hiếu nghĩa đủ đường,” Trong cái nghiệp thì Kiều:


Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm, 
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm, 
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời! 
Hại một người cứu muôn người, 
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng. 
Thửa công đức ấy ai bằng? 
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!

 

            Một cô Kiều như thế, cũng là hiếm có trong cõi đời nầy. Có gọi cô bằng “Tiên Thúy Kiều” cũng là phải lẽ vậy.

           Từ Hải, Thúy Kiều đều được “phong”: Phong vua cho Từ Hải, phong tiên cho Thúy Kiều.

 

Riêng Giác Duyên thì không được phong gì cả, trước cũng là vãi Giác Duyên, sau cũng là vãi Giác Duyên, dù vãi có công vớt cô Kiều, cứu sống cô trên sông Tiền Đường. “Không bằng làm phúc cứu cho một người.” Điều “phúc” vãi Giác Duyên đã làm, không phải nhỏ. Tại sao lại không được phong?

 

            Không phong vì người Việt Nam biết rằng bậc chân tu, đâu có thiết tha gì danh vọng mà phong thánh, phong thần hay phong chức nầy chức kia. Trước là Vãi, sau cũng là Vãi, đó là cái tâm tu của người tu hành chân chính. Không chừng tổ tiên chúng ta ngày xưa thông đạt giáo lý nhà Phật sâu sắc hơn các ông thầy chùa (Thầy Chùa, không phải thầy tu) đời bây giờ.

 

            Nhưng cô Kiều không có gì đáng trách hay sao?

 

                        “Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ,

                        Hồn có nghe chăng mấy giọng đàn”

 

            Lời thơ thì nhẹ nhàng, nhưng lời trách của Tản Đà thì sao mà đau đớn như thế!

             Nước ta có hai nhà thơ nổi tiếng lãng mạn: Một là Chu Mạnh Trinh, hai là Tản Đà.

             Với cô Kiều, Chu Mạnh Trinh hoàn toàn đồng cảm: “Ta cũng nói tình, thường người đồng điệu, mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên”.

 

Dù cũng là một nhà thơ lãng mạn như Chu, không khắt khe như Nguyễn Công Trứ, Tản Đà vẫn nghe được tiếng đàn của Kiều, trong bữa tiệc khao quân của Hồ Tôn Hiến, sau khi giết Từ Hải. Kiều không thấy đau lòng hay sao?

 

            Không nói theo thuyết thần quyền, theo giấc mộng của Kiều khi mới đi chơi thanh minh về, Đạm Tiên hẹn gặp Kiều ở sông Tiền Đường nên khi đến sông nầy, nhớ lời hẹn cũ, Kiều bèn nhảy xuống sông tự tử.

 

            Xét về tâm lý, nhất là đối với những người xa gia đình, xa cha mẹ, xa anh chị em, những người “hoài cố hương” thì việc mong chờ và tìm kiếm ngày trở lại quê cũ, thăm lại cha mẹ anh chị, là điều rất thường tình.

 

            Khi “khuyên Từ Hải ra hàng”, nỗi ước mơ lớn nhất của cô Kiều là “Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.” Thông cảm tâm trạng đó, Doãn Quốc Sĩ, cũng là một “người Bắc di cư”, bỏ lại quê hương và thân nhân (ông là con rể của nhà thơ Tú Mỡ), ngoài vĩ tuyến 17, nhận xét về trường hợp cô Kiều như sau:

 

“Quê hương nơi kết tụ những hình ảnh quý báu (cha mẹ, em thơ, người tình). Quê hương nơi ý nghĩ của Kiều luôn luôn hướng về để gửi gắm và đồng thời kết tinh mọi sầu hận đã qua khiến chúng chợt lung linh đẹp như những vì sao. Quê hương một linh dược khả dĩ thoa dịu mọi sầu hận hiện tại. Với tình quê muôn vàn tha thiết đó Kiều tin rằng hễ được trở về quê là mọi sầu hận sẽ tan đi như ảo ảnh. Bão táp của đời biến thành gió thoảng mùa hè khi nàng nép dưới bóng quê hương như chàng Antée trong truyện thần thoại Hy Lạp dù sinh mạng có lâm nguy nhưng hễ gặp đất mẹ là hồi sinh. Tâm hồn và thân thể càng nhàu nát bản năng tự vệ càng hướng về quê hương, đó chính là lý do khiến nàng Kiều chịu nhẫn nhục đánh đàn, chuốc rượu cho Hồ Tôn Hiến.”

 

Để rõ hơn, đề nghị độc giả đọc “Quốc Sỹ- Tình quê hương của Thuý Kiều”.

  

&

 

            “Xúi” độc giả “Bói Kiều”, chắc cũng có người cho rằng tôi là người tin dị đoan. Thế thì đến Chùa, đến Nhà Thờ cầu xin Phật, cầu xin Chúa là không dị đoan hay sao?

 

            Tin dị đoan là tâm lý chung của con người ta. Có lần tôi nói với một người tu hành: “Đừng bày đặt xin xăm trong chùa. Dị đoan.” Nhưng rồi Chùa vẫn có xin xăm. Không có xin xăm, “thiện nam tín nữ” đến Chùa ít đi! Người tu hành cũng phải “thực tế”. Tôn giáo nào mà chẳng có dị đoan!

 

            Việc tin dị đoan ngoài tôn giáo thì bị chê bai, cho là sai. Vậy điều tin trong tôn giáo không là dị đoan hay sao, là tin đúng hay sao? Điều gì mình tin thì mình cho là đúng. Điều gì người khác tin thì mình cho là sai, là dị đoan! Như thế có vô tư hay không?

 

Dù sao, dị đoan hay không, trong tôn giáo là nguồn an ủi của con người. Trong cuộc đời sóng gió, có khi lắm bảy nổi ba chìm, người ta vào Chùa hay vào Nhà Thờ là tìm được nguồn an ủi, sự an bình cho tâm hồn. Tại sao chúng ta lại chống, không cho họ làm như thế, tại sao lại phải bắt người khác phải “theo đạo của mình” thì mình mới bằng lòng, để được ơn phước của Chúa hay của Phật.

 

Bắt buộc hay xúi giục người khác bỏ đạo của họ để theo đạo của mình là sai lầm lắm. Đừng nghĩ rằng đạo của họ là sai mà đạo của mình là đúng, nên buộc người khác bỏ đạo của họ để theo đạo của mình là điều đúng hay chăng, hay đạo của mình đã sai mà làm như thế lại càng sai hơn.

 

            Người Việt vốn tin đa thần hơn độc thần nên ai có tôn giáo nấy, dẫu là “đạo bói Kiều”. Đó cũng là niềm vui, an ủi, hy vọng… của người khác. Để cho người khác an vui với tín ngưỡng hoặc tôn giáo của họ, để họ tìm sự an ủi, bằng an, ơn phúc, nếu có, trong tôn giáo của họ là điều ta nên làm.

 

            Tôi không phải là người theo đạo Thiên Chúa, nhưng trước 1975, “đi chơi vào đêm Noel” là điều tôi vui thích. Ở đâu, nhà thờ nào - mặc dù tôi không vào trong nhà thờ - cảnh tượng bao giờ cũng náo nức, vui tươi.

 

            Những năm ở trong trại Tù Cải Tạo, gần cuối tháng 12 Dương lịch, sáng sớm, ra sắp hàng ở sân trước, ngồi chờ “cán bộ Việt cộng” gọi đi “lao động là vinh quang”, tôi lắng nghe mấy người bạn trẻ ở đội bên cạnh hát nho nhỏ “Silent Night”, “Đêm Thánh vô cùng”… Trong cái lạnh sáng sớm những ngày giữa Đông, nghe hát “Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời” sao mà lòng tôi xao xuyến và buồn lắm vậy.

 

Chúa là của người nghèo khổ, của người bị áp bức. Ai làm việc áp bức người khác, dù là áp bức chính trị hay tôn giáo, thì không thể là người theo Chúa được!

 

            Âm nhạc trong tôn giáo, trong nhiều trường hợp, chỉ là phương tiện tuyên truyền hữu dụng. Nhưng ở đây, nó không còn là phương tiện, mà chính là nguồn an ủi cho những người tù xa gia đình, xa quê hương. “Silent night” làm cho lòng tôi lắng đọng, chìm sâu vào suy tư, tôi thấy tôi thương người và tôi thương tôi.

 

            Cái mục đích đích thực của tôn giáo, và ngay cả dị đoan như bói Kiều đi nữa, là nguồn an ủi của con người ta, không phải để nhằm xa lánh địa ngục mà lên Thiên Đàng, Nát Bàn. Đó là tính nhân bản. Vì nhân bản mà Khổng Tử dạy chữ Nhân, Phật dạy Từ Bi, Chúa dạy Bác Ái.

 

            Những điều đó, không phải chỉ có rao giảng trong nhà thờ, trong chùa một cách sáo vẹt, như các ông cha, thầy chùa, cố gắng bắt chước con chích chòe mà hót cho thật hay, mà chính là trong cách sống của mỗi dân tộc, của nhân loại.

 

Không có Nhân, không có Từ bi, không có Bác Ái, Nhân loại không được như bây giờ!

 

            Sau lễ Noel, gần tới Tết âm lịch, sống cô quạnh ở nước Mỹ  nầy, tôi không khỏi nghĩ  tới “Bác ái Công giáo”, một bác ái không phải ở trong các nhà thờ, cũng không phải ở nơi các ông linh mục, mục sư. Ở Hoa Kỳ, Bác ái là ở trong lòng, trong tâm địa của người Mỹ. Người Mỹ giàu có, đóng góp nhiều cho việc cứu trợ cho các dân tộc ở những nước trên thế giới gặp thiên tai địch họa đã đành, mà cũng nhờ lòng bác ái đó, Nước Mỹ không đến nỗi lạnh lùng khi người Việt tỵ nạn đến định cư nơi nầy. Họ đã ra tay giúp đỡ chúng ta, ngay những ngày đầu mới đến đây.

 

            Sự vĩ đại của tôn giáo là ở trong cách sống của mỗi dân tộc, không phải ở nơi đền đài miếu chùa thờ tự. Trong cách nghĩ đó, tại sao nó lại không ở trong “Bói Kiều”, khi người ta bói nhằm câu:

 

Sư rằng: “Phúc họa đạo trời, 
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. 
Có trời mà cũng tại ta,”

 

hoànglonghải

 

 

(1)-Lý Tiến và Lý Cầm.

Quan cai-trị đã tàn-ác, nhà vua lại bạc đãi người bản xứ. Đời bấy giờ người mình dẫu có học hành thông thái cũng không được giữ việc chính-trị. Mãi đến đời vua Linh-đế (168-189) cuối nhà Đông-Hán mới có một người bản xứ là Lý Tiến được cất lên làm Thứ -sử ở Giao-chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin cho người Giao chỉ được bổ đi làm quan như ở Trung-châu bên Tàu. Nhưng Hán-đế chỉ cho những người đỗ mậu tài hoặc hiếu-liêm được làm lại-thuộc ở trong xứ mà thôi, chứ không được đi làm quan ở châu khác. Bấy giờ có người Giao-chỉ tên là Lý Cầm làm lính túc-vệ hầu vua ở trong điện, rủ mấy người bản xứ ra phục xuống sân mà kêu cầu thảm thiết. Hán-đế mới cho một người Giao-chỉ đỗ mậu-tài đi làm quan-lệnh ở Hạ dương và một người đỗ hiếu-liêm làm quan-lệnh ở Lục-hợp. Về sau Lý Cầm làm đến quan Tư-lệ Hiệu -úy và lại có Trương Trọng cũng là người Giao-chỉ làm thái thú ở Kim-thành. Người Giao-chỉ ta được làm quan như người bên Tàu, khởi đầu từ Lý Tiến và Lý Cầm vậy.

(trích Wikipedia)

(2)-Vào thời Hùng Vương thứ 18, Ông Trọng giữ một chức nhỏ ở huyện ấp, đời sau truyền rằng ông cao hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Sau đó ông bỏ chức, đi cầu học phương xa.

 

Đến thời Thục An Dương Vương, ông là một tướng giỏi giúp vua và được cử đi sứ nước Tần.

 

Bấy giờ nhà Tần hay có nạn giặc Hung Nô đánh phá phía Bắc. Tuy Tần Thủy Hoàng đã cho đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không yên. Nhân có tướng tài của nước Âu Lạc là Lý Ông Trọng sang sứ nên vua Tần ngỏ ý mời ông giúp Tần trừ giặc Hung Nô, phong ông làm Vạn Tín Hầu. Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam TúcTrung Quốc hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. Giặc Hung Nô kinh sợ và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Vua Tần hết sức khâm phục, phong tước cao, thưởng hậu và gả cả công chúa cho Lý Ông Trọng, muốn lưu ông ở lại Tần lâu dài. Sau đó một thời gian, Lý Ông Trọng nhớ quê hương xin vua Tần cho về nước nghỉ ngơi.

 

Khi biết tin Lý Ông Trọng đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời Ông Trọng. Ông Trọng không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là “Ông Trọng”.

(Trích Wikipedia)

 

(3)-Các công trình do Nguyễn An thiết kế và xây dựng ở Trung Quốc

Cửa Chính Dương, còn gọi là Tiền Môn, ở phía Nam quảng trường Thiên An Môn, ngày nay vẫn còn tồn tại, là cửa chính trong 9 cửa của Ngoại thành (thành ngoài) đều do ông xây dựng năm 1437 - 1439.

 

Ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân, được xây năm 1417 - 1420, trùng tu 1440 - 1441, đến triều đại nhà Thanh được đổi tên lần lượt thành Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa.

Hai cung Càn Thanh cung và Khôn Ninh cung, được xây năm 1417 - 1420, trùng tu năm 1440 - 1441.

 

Dinh thự công sở các cơ quan triều đình: phủ Tôn Nhân, Bộ LạiBộ LễBộ HộBộ BinhBộ HìnhBộ Công, Hồng Lô Tự, Khâm Thiên Giám, Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám)... Trong các công trình này, nay còn lại Quốc Học tức là Thư viện Thủ đô Bắc Kinh ngày nay.

 

Thành trì Bắc Kinh thời đó có chu vi 68 dặm. Những năm Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ (1403-1424)) và Tuyên Ðức (Minh Tuyên Tông (1426-1435)) được xây phía ngoài bằng gạch, nhưng bên trong tường thành vẫn còn làm bằng đất, nên gặp phải khi mưa dầm lụt lội, tường thành thường hay sụp đổ. Nguyễn An xây dựng, tu sửa lại cả phía trong và phía ngoài, tường thành Bắc Kinh từ đó cao đến 3 trượng 5 thước (dưới triều nhà Minh mỗi thước dài 31,1 cm, nên 3 trượng rưỡi tức là bằng 10,885 m), nền tường thành dày 6 trượng 2 thước (19,280 m), mặt thành rộng 5 trượng (15,550 m).

 

(4)-Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông có tướng mạo xấu xí nhưng trí tuệ thông minh.

 

Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư). Đặc biệt hai lần đi sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất thông minh của mình khiến người nước ngoài phải khâm phục. Về sau ông được cháu 7 đời là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế.

Lưỡng quốc Trạng nguyên

Lại một lần khác, Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần một số nước ra mắt vua Nguyên. Nhân có nước nào đó dâng chiếc quạt, vua Nguyên bắt sứ thần Đại Việt và sứ thần Triều Tiên đề thơ. Giữa lúc Mạc Đĩnh Chi còn tìm tứ thơ, thì sứ Triều Tiên đã viết liến thoắng. Ông nhìn theo quản bút đọc thấy sứ Triều Tiên viết hai câu chữ Hán, dịch nghĩa như sau:

 

“Nóng nực oi ả, thì như Y Doãn, Chu Công” (là những người được vua trọng dụng)

“Rét buốt lạnh lùng, thì như Bá Di, Thúc Tề” (là những người bị ruồng bỏ)

Với sự nhanh trí kì lạ, Mạc Đĩnh Chi liền phát triển hai câu thơ trên thành một bài xuất sắc, mô tả chiếc quạt:

 

Lưu kim trước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.

Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu.

Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù.

 

Dịch nghĩa:

Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.

Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.

Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!

 

Bài của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Vua Nguyên cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, và phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (trạng nguyên hai nước) và chữ do chính tay hoàng đế nhà Nguyên viết.