Thập niên 1950 thế kỷ trước, khi mùa xuân với trăm hoa bắt đầu chớm nở dưới bầu trời văn học nghệ thuật miền Nam – Việt-Nam thì ở Khúc Ruột Miền Trung xuất hiện hai vì sao giữa mùa sáng tạo ấy.
Đó là Quách-Thoại [1930 – 1957 ] sinh ở Huế. Thời niên thiếu“ anh hoa phát tiết ra ngoài . . .” và Quách-Thoại mệnh yểu, ra đi trong cô độc lạnh lẽo ở nhà thương thí Hồng-Bàng tại Sài-Sòn.
Vì sao thứ hai có ánh sáng lạ kỳ là Hoàng-Trúc-Ly [1933 –1983 ]. Hồn thơ mà hiện tượng Phạm-Công-Thiện thời ấy đã phải thốt lên : “ thơ Hoàng-Trúc-Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng-Trúc-Ly ngôn ngữ vẫn còn mới tinh, mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi Hoàng-Trúc-Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại. “
Hoàng-Trúc-Ly tên thật là Đinh-Đắc-Nghĩa, nguyên quán Qui-Nhơn, Bình-Định. Ông sinh tại Đà-Nẵng năm 1933, thủa nhỏ đã thông minh, nhạy bén. Ông thi đậu bằng tú tài Pháp [ Baccalauréat Métropolitain ] rồi ghi danh vào Đại-Học Luật và tương lai đối với song thân ông là con đường sáng đi tới công danh sự nghiệp. Nhưng thời gian ở Đại Học Luật không phải là cõi thơ của những thi hào ông say mê như Arthur Rimbaud, Charles Baudelaire . . . nên nửa chừng ông bỏ học để hành trình đi vào sáng tạo với hồn thơ ẩn hiện trong tâm thức . Tuổi trẻ của ông lớn lên trong khói lửa chiến tranh khắp thôn làng ở miền Trung nghèo khó, những mất mác, ly tan của cuộc chiến thấm vào da thịt, hơi thở của ông và ông đã bật lên tiếng kêu thương của quê hương ông sinh trưởng :
Tôi thương người anh không biết khóc
đêm nay nước mắt lại lưng tròng
một vạn đầu trai bồng tóc gió
sống là tất cả chết là xong.
Mùa hè máu nhuộm lòng đất đỏ
huyết phượng não nùng mấy núi sông
mùa thu máu chảy bời bời đó
sông Thương một dải lệ đôi dòng
Đất ơi ! tôi nhớ hương đồng
hanh hanh men rạ nghe lòng quặn đau.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
[ Gió Lúa ]
Rồi với bước chân phiêu lãng ông hướng về phương Nam để thể hiện khát vọng tự do sáng tạo.
HÀNH TRÌNH I
Tôi nay đi giữa hoang đường
niềm đau thân thể tủi buồn hai vai
giật mình nước mắt tương lai
ngày qua và tiếng thở dài xuống Thu..
Càng đi xa hình ảnh quê hương và mẹ già càng thổn thức dậy sóng trong lòng ông, theo nhà văn Đặng-Tiến thì trong sáu anh em Hoàng-Trúc-Ly giống mẹ nhiều nhất. Thân mẫu ông là Bà Đào-Tiểu-Tố, bút hiệu Như-Cúc, Bà là cháu nội của nhà viết tuồng lừng danh Đào-Tấn [ 1845 – 1907 ] những vần thơ viết về mẹ lắng chìm trong ông như tiếng kêu trẻ thơ thiết tha ôm lấy mẹ :
Rồi một hôm tôi về xóm nhỏ
ngày già nua tóc mẹ phơ phơ
tôi nói xôn xao tôi nói đợi chờ
như tự bao giờ bây giờ quyến luyến
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Bếp lửa nhà ai má hồng em bé
tôi thương lời hình ảnh người xưa
tình mẹ là đây mắt mẹ lệ mờ
tôi có bao giờ còn tôi bé nhỏ.
Ai đã qua rồi quá nhiều đau khổ
ngày ngày dân tộc u uất hờn xây
làng ta đó tơi bời lá đổ
chiều nhà quê nơm nớp lệ vơi đầy.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ngày mẹ thương con ngày con nhớ mẹ
Tôi có bao giờ còn tôi trẻ thơ.
[ Chứng Tích ]
Nhà văn Tam-Ích trong bài viết đọc tại Đài Phát Thanh Sài-Gòn tháng 12/1962 có những lời ngợi ca và thán phục thơ Hoàng-Trúc-Ly như thế nầy :
« Đọc thơ Ly người ta không hiểu Ly có vị trí bên Hàn-Mặc-Tử với nhiều mẫu tượng trưng của Xuân-Diệu, Huy-Cận cũ hay Ly có vị trí đặc biệt bên một vài nhà thơ tự do nổi tiếng nhất hiện thời. . . . . . . .
« Nhà thơ ấy xin nhắc lại tên là Hoàng-Trúc-Ly. Nhà thơ ấy đã có mặt, đương có mặt, sẽ có mặt. Người thanh niên trí thức ấy một sớm từ chối cơ hội tiến thân thông thường để say mê làm thơ « giang hồ mê chơi quên quê hương . . . »
« Và một thiên tài trưởng thành đương đòi vị trí xứng đáng của mình trong thi giới hiện đại.
« Tôi dùng từ thiên tài không dè dặt chút nào. Ly vốn khiêm tốn nhưng cách đây gần mười năm, một trong những người bạn đường văn nghệ đầu tiên của Ly là tôi, là người có quyền hãnh diện với chính mình và hãnh diện cho cả văn và thơ hiện đai. «
HÀNH TRÌNH II
Toa xe cứ khép chân trời
người đi môi đỏ run lời tiễn đưa
tóc dài tỏa mộng ngày xưa
vết thương kỷ niệm bây giờ lại đau.
Thập niên 1960 ông sống giang hồ ở phương Nam, cọng tác với những tạp chí văn học thời ấy : Phổ-Thông, Bách-Khoa, Sáng-Tạo, Văn . . .về gia đình, vợ con ông thì không thấy có bài viết nào nhắc đến cả.
Nhà báo Phan-Bá Thụy-Dương [ định cư ở Hoa-Kỳ ] trong bài hồi tưởng « Hành Trình Phiêu Bạt Của Một Thiên Tài Thi Ca « cho ta biết đến ông trong những năm sống ở Sài-Gòn có những đoạn thế nầy « . . . anh là người trầm lặng, hiền hòa, ít thổ lộ cuộc sống riêng tư của mình và gia đình. Nhưng khi gặp bằng hữu thân thiết thì anh cười mừng ra mặt, ánh mắt sáng ngời. Theo tôi có lẽ vì anh sống cô độc, trầm tư một mình, nên sự cô đơn cần có bạn để hàn huyên cho vơi bớt khoảng trống trong tâm tư . . .sau nầy anh thuê gác trọ bên đường Nguyễn-Cư-Trinh, Hoàng-Trúc-Ly vẫn hay đi bộ lang thang, độc hành dưới bóng chiều tà rồi tiện đường thì ghé ngủ đêm với bạn bè. Anh là người giao d u rộng rãi, quen biết hầu như gần hết văn nghệ sĩ, lại được họ quý mến bởi tánh hiền lành, chân thật của anh nên mọi người ai cũng vui vẻ đón tiếp . . . thỉnh thoảng anh ngủ lại nhà tôi khi quá chén. Những lần như vậy thì sáng tinh sương anh đã bỏ đi trong khi tôi còn ngon giấc . . . »
CA SĨ I
Từ em tiếng hát lên trời
tay xao dòng tóc tay vời âm thanh
sợi buồn chẻ xuống lòng anh
lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.
Trời em tiếng hát lên từ
âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
áo dài lùa nắng vào mây
dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương.
Bài thơ nầy bạn bè của ông nói Hoàng-Trúc-Ly sáng tác tặng ca sĩ Thanh-Thúy và từ đó báo chí văn nghệ đã gọi giọng ca Thanh-Thúy là “ Tiếng Hát Liêu Trai “ “ Tiếng Hát Khói Sương “ . . . có lẽ vậy, bởi những năm Trịnh-Công-Sơn đang ở Sài-Gòn, tên tuổi chưa ai biết nhưng thiên tài của ông khi nghe Thanh-Thúy hát “ Giọt Mưa Thu “ của Đặng-Thế-Phong rồi nàng bật khóc, ông đã xúc động và say mê tiếng hát giọng ca cùng vẻ đẹp của cô gái Huế tha phương, ông đã trút hết đam mê của mình và sáng tác hai tác phẩm bất hủ là “ Ướt Mi “ và “ Thương Ai Về Ngõ Tối “ và người hát đầu tiên là Ca Sĩ Thanh-Thúy.
Những năm sống ở Sài-Gòn có những đoạn thời Hoàng-Trúc-Ly lang bạt như thế nầy, theo lời nhà báo Phan-Bá Thụy-Dương :
“ Buổi trưa khi cảm thấy trống vắng anh thường vào nằm nghỉ trên ghế đá ở công viên Tao-Đàn, góc đường Lê-Văn-Duyệt - Hồng-Thập-Tự, nghe anh em cho biết ngoài việc viết sách, đôi khi còn làm việc bán thời gian cho câu-lạc-bộ Cercle, tức sân quần vợt bên công viên nầy, sau lưng Dinh Độc-Lập . . .”
Tập thơ duy nhất của ông do nhà xuất bản Hướng-Dương ấn hành năm 1963 là tác phẩm “ Trong Cơn Yêu Dấu “, họa sĩ Trịnh-Cung vẽ bìa, vỏn vẹn 30 trang gồm 24 bài thơ, in trên khổ giấy lớn 21 X 25cm được ra mắt tại quán Sinh Sinh trên đường Phan-Đình-Phùng - Sài-Gòn, theo Hải-Phương, người bạn thơ tâm giao của ông thì buổi ra mắt tác phẩm được tài trợ bởi một nữ doanh nhân ở tại Phan-Thiết, vị nữ nhân nầy vốn là bạn thân của thi sĩ Bích-Khê và rất yêu thơ Hoàng-Trúc-Ly.
GẶP NGƯỜI EM
Những người xưa đi rồi không về nữa
một mình anh lại gặp một mình em
chiều lửng lơ nghe gió rụng bên thềm
em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ.
Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
anh thương em câm nín đến bao giờ.
Bởi vì đâu da em xanh giá rét
nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi
ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi.
Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
em bềnh bồng em phiêu lãng về đâu ?
không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
không mai sau cho nước chảy qua cầu.
Em bảo anh người đi không trở lại
nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
em giang hồ làm tiếng hát lang thang.
Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi
lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
anh nhớ em : Núi cao càng hiu hắt
anh thương em : Máu vọt bốn phương trời.
Sau 1975 Hoàng-Trúc-Ly vẫn sống` ở Sài-Gòn, những năm cơm áo lênh đênh ấy ông vẫn lang thang chốn nầy chốn nọ để hồi tưởng những kỷ niệm xưa cho đến một hôm ông băng qua đường Nguyễn-Du - Q.I thì một chiếc xe oan nghiệt cán lấy thân thể ông. Ông trút hơi trước một ngày Chúa Giáng-Sinh, 23/12/1983.
NHỮNG TÁC PHẨM CỦA HOÀNG-TRÚC-LY :
• Trong Cơn Yêu Dấu [thơ 1963]
• Tiếng Hát Lang Thang [văn 1967]
• Huyền Sử Một Kiếp Hoa [văn 1967]
• Trạng Quỳnh
• Từ Em Đến Anh [văn]
• Truyện Truyền Kỳ Việt-Nam
• Cổ Tích Việt-Nam.