Lúc kéo chiếc va li xuống xe, đứng bấm chuông, thay vì chị Trâm ra mở cổng, lại là ông già đập vào mắt tôi với đầu tóc trắng, bồng bềnh, dài tận ót trông rất nghệ sĩ. Cú va đập tiếp theo là kính trắng đu trên sống mũi cao, vẻ trí thức. Nhưng đến chiếc áo may-ô ba lỗ, quần sóc màu cà phê sữa phủ gối trông như Việt kiều ở xứ quanh năm đóng băng về nước. Vỏ bọc ngoại hình ấy không che đậy nổi phần da thịt rơi rớt dần mòn theo năm tháng.
Một người khác giới đang đứng bên kia cổng sắt, trong căn nhà của ba mẹ tôi lúc này có vẻ gì đó hơi khác thường, tôi thoáng nhíu mày và nghĩ vậy.
Ông lão đã nhìn thấy tôi thập thò ngoài cổng, nhưng vẫn chôn chân trong hiên hỏi nhóng:
-Xin lỗi, cô hỏi ai, có việc gì?
Đầu óc tôi hơi gợn chút lăn tăn:
-Tôi hỏi chị Trâm!
-Mà cô là ai?
-Ông có cần phải hỏi câu này không? Tôi là em gái chị Trâm.
Tưởng đâu nói như vậy, lão sẽ nhanh chóng tra chìa vào ổ khóa, mở cổng vồn vã mời chào, vì tôi đã chứng minh qua câu nói để xác minh mối quan hệ rồi, vậy mà đôi chân lão vẫn dính chặt trên bậc thềm, lom lom nhìn người đối diện cách một cổng sắt kiên cố như thể tôi là kẻ trộm cướp cần phải đề phòng. Có lẽ nào lão bị ám ảnh bởi những trò lừa đảo, trộm cắp xảy ra cơm bữa ở xứ này nên phải đặt trong tư thế phòng thủ? Khi tôi khai “tôi là em gái chị Trâm” thì lão lại nhướng mắt như so kè, soi móc xem khuôn mặt tôi và chị Trâm có giống nhau chút nào không. Điều này khiến tôi chịu hết nổi.
Tôi đổ quạu:
-Phải nói sao nữa ông mới hài lòng? Còn chỗ ông đứng là nhà của ba mẹ tôi đó. Tôi về thăm chị ấy.
Thay vì mở cổng, lão nhẹ nhàng nhấc chân như võ sĩ thái cực quyền, bước lui lên một cấp, loạng choạng suýt ngã, nếu không có cây gậy trong tay trái, trong tư thế cặp mắt luôn hướng về phía tôi, đề phòng. Trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ: hay lão già này câm ta? Nhưng không phải, liền sau đó lão kêu lên:
-Em ơi, có người gặp!
Thôi rồi. Cái giọng ngọt xớt kia đích thị lão có mối quan hệ lằng nhằng với chị Trâm rồi, hơn cả bạn.
Nghe tiếng gọi bay ra từ chiếc miệng kéo lệch qua một bên, tôi nổi xung thiên; may là cổng vẫn khóa chứ nếu đứng gần không biết chuyện gì sẽ xảy ra với lão?
Một lúc sau chị Trâm chạy ra với chiếc tạp dề màu mỡ gà vắt ngang che khuất phần ngực và bụng, trên tay cầm chiếc vá gỗ. Chị khom người nhìn qua cổng sắt và chưa nhận ra em gái đứng bên ngoài ít nhất cũng đã mười phút. Thoáng nhìn, chị có vẻ mập hơn trước, da dẻ hồng hào. Lúc áp sát cổng, chị ồ lên một tiếng dài, chứa đựng trong đó bao nhiêu là thời gian dài ngoằng, nỗi nhớ phập phù, tình máu mủ chưa phai lợt…, thò tay qua chấn song:
-Sao về mà không báo trước?
-Trước sau gì chị em cũng gặp nhau mà, thôi mở cổng ra nào, mỏi chân và mỏi miệng lắm rồi!
Trong khi chị Trâm lộn ngược vào nhà tìm xâu chìa khóa, lão vẫn chống ba toong nhìn cắm vào người tôi, từ đầu xuống chân rồi lộn ngược lên. Cái nhìn như chiếc dao mổ, xẻ toẹt thân thể người trước mặt. Cái bộ dạng ấy, tôi dám chắc lão không là tay y sĩ chuyên lóc da thịt, nội tạng tử thi, thì cũng là người có thể ngồi hàng giờ liền chỉ để ngắm kẻ khác mổ gà vịt một cách bệnh hoạn.
Chị Trâm tra chìa khóa vào ổ kêu lách cách vừa hỏi dồn:
-Cả nhà mạnh giỏi hết chứ em?
-Dạ, mạnh.
-Nghe nói anh Phong chuyển sở làm?
-Dạ.
-Út Khanh?
-Thôi từ từ chị ơi, em có biến ngay đâu. Vào tắm rửa cái đã, còn dài ngày mà chị?
Cánh cổng đầy sịch qua bên, chừa một khoảng rộng đủ để tôi vung tay kéo lê chiếc va li ràn rạt vào trong. Chị Trâm líu quíu theo sau, còn lão thì ơ hờ chống gậy bước thêm mấy bước kéo cổng, khóa lại nghe đánh tách, dứt khoát.
Sau khi xuống bếp vứt bỏ tạp dề, vá chị chạy lên xăng xái, rờ mặt, vuốt má, bóp bóp bàn tay…
-Ui, ai mà biết em về bất ngờ như thế này.
Sau lời than thở là màn hỏi han sức khỏe, công việc làm ăn, chuyện học hành… của cả nhà bên xứ lạ. Tôi trả lời câu được câu mất, trong tư thế gần như cong người lại trước lão già đang từ từ lê bước vào trong mang theo cái nhìn của tay võ sĩ hạng ruồi trên sàn đấu.
Từ lúc gặp, lão chỉ hỏi tôi đúng mười hai từ không hơn, theo giọng cảnh sát hình sự. Tôi ngán ngẩm cảnh trái ngang này, nhưng rồi tự nhủ, về lần này là để thăm nhà, thắp hương mộ cha mẹ, thăm bà con họ hàng… không nên bận tâm chuyện bên lề, lão chỉ là người dưng. Bụng nghĩ vậy, nhưng dạ thì cứ xốn xang vì sự trái gió trở trời xoáy trong tróc về sự có mặt chưa rõ ràng của lão già trong ngôi nhà!
Chị Trâm kéo va li vào phòng dành riêng cho chị em tôi khi xưa. Phòng rộng, có ba giường kê song song dành cho ba chị em tôi khi trước, phía đuôi giường là kệ sách và chiếc bàn khổ lớn. Bàn ghế, kệ sách vẫn nguyên nhưng giường chỉ còn hai, có lẽ chị rút bớt ra đưa vào phòng lão già kia chăng? Một sự xâm chiếm và thỏa thuận bất hợp pháp về mặt tình cảm, tôi nghĩ vậy. (Mà cũng lạ thật, sao chị không hề hé răng về mối quan hệ này? Giấu anh Phong đã đành, đằng này chị còn ém kín, khít rin với tôi và út Khanh là sao?).
Những tấm ảnh chụp chị em tôi hồi chị mười sáu mười bảy vẫn treo chỗ cũ. Anh Phong lớn hơn chị đến bốn tuổi đứng bìa ngoài mặc đồ bay, rồi đến tôi và út Khanh, chị hơi nhích xa một chút. Lúc đó, chị đã trổ mã. Đẹp. Chị đẹp nhất nhà lại giống má. Anh Phong cao lớn như võ sĩ, hèn gì anh vào pilot thay vì học y như mong muốn của ba mẹ tôi. Tôi và út Khanh thì tầm tầm, có lẽ chị Trâm đã hút hết. Nhìn ảnh cũ móc trên tường, tự dưng tôi ứa nước mắt. Không phải vì tuổi thơ gây xúc động mà hơn hết là sự trầy trật của chị Trâm từ học hành cho đến đường chồng con.
Nhớ có bữa anh Phong đưa một ông trung úy pilot lái F-5E về giới thiệu, nhưng đến sau bữa ăn, lúc ba chị em rửa chén dĩa sau bếp, chị phán “tay này điển trai nhưng đào hoa, trăng gió… khổ”. Không hiểu chị căn cứ vào đâu đưa ra kết luận chắc như đinh đóng cột, sẽ khiến hai ông lính rất buồn nếu như lọt vào lỗ tai. Ba mẹ tôi thì không phản ứng rõ rệt. Còn tôi và út Khanh thì chưng hửng, vì mất dịp diện đồ đẹp, lần đầu được kem phấn trong đám cưới mà không bị la rầy!
Sau lần bị coi mắt hụt, chị có thêm vài mối tình để vắt vai, tung tăn tuổi xuân thì, nhưng cuối cùng đâu vẫn hoàn đó, không ai hiểu nguyên cớ, chỉ thấy chị thẫn thờ bên trang sách hay bù đầu dọn dẹp, chợ búa, nấu nướng. Duy nhất trong một dịp vui, tôi và út Khanh “tra tấn” chị về những nhân vật đã tặng hoa, dắt nhau ăn kem, vô xi nê Rex… Chị cười và dứt khoát như ông chánh tòa: thằng cha phó quận được cái galant, nhưng cặp mắt của hắn thuộc nòi đào mỏ… Ông giáo sư triết đó hả, ui dào ào ào những hiện sinh, biện chứng, rồi những duy tâm, duy lý, Freud, Nietzsche… đâu đâu tận trên mây. Em nghĩ có thể làm vợ một người suốt ngày dở tỉnh dở mê, chuyên lục lọi tra vấn mà không lôi ra được một móng nhỏ để áp dụng vào cuộc sống hôn nhân thì có điên mới lấy nhau! Út khanh hỏi, chớ còn anh bác sĩ gì đó, thì sao? Sao nữa? Hắn nhắm vào căn nhà của mình để mở phòng mạch chớ đâu phải yêu thương gì chị. Rồi chị kết luận: đàn ông toàn một đám hư hỏng, chẳng ra gì!
Sau vụ này, không ai nhắc đến chuyện chồng con với chị, nhất là sau khi ba mẹ mất vào những năm tháng bo bo, sắn mì, anh em lưu lạc tứ phương. Chị ở lại như một người giữ nhà thờ! Nhiều lần, anh Phong viết thư khuyên chị để lại căn nhà cho con chú Tư trông coi, bảo lãnh đoàn tụ, may ra có cơ hội. Chị gạt phắc: em sinh ra ở xứ này, chết xứ này, không đi đâu hết. Chồng con do số mệnh!
Giờ, số mệnh của chị là đang “tha” về một ông lão gần tới ngày đút vào lò hỏa thiêu, đi đứng dật dờ như hồn ma?
Tối, hai chị em nằm bên nhau, tôi tò mò: lão ta làm gì vậy chị, chắc cũng tám mươi xuân xanh? Chị ôm tôi: làm gì, mới bảy tư thôi. Ảnh là nhà văn, nhà văn H.A đó, em có đọc không? Ảnh hiền, dễ thương, biết tôn trọng người khác. Góa vợ lâu rồi, cũng gần hai chục năm. Con cái thì bên kia, không bị ràng buộc…
Ui chào, bảy tư mà mới nỗi gì. Già khú đế rồi, sắp xuống lỗ rồi, lớn hơn chị đến mười chín hai mươi tuổi. Đã đành khoảng cách tuổi tác không phải là rào cản cho tình yêu, nhưng sao phải đâm đầu đi chăm sóc một ông già có thể xì hơi, liệt giường bất kỳ lúc nào, thì tôi không thể tìm ra một nguyên cớ chính xác! Hay là có sự rối loạn hóc-môn trong người chị, đang tuổi mãn dục lại nổi lên dậy thì? Dậy thì ở tuổi “tri thiên mệnh” cộng thêm mấy số lẻ, sắp lão bà bà rồi, có lạ không?
Nghĩ lại, cũng thấy tội chị. Tôi phân vân hai hàng, hay là có khổ thêm một chút nhưng còn biết đến mùi đàn ông hơn làm một bà cô trinh tiết, có khi chết xuống còn ấm ức lộn vòng về thưa kiện này nọ?
Đêm nằm ngủ chung, tôi sờ má, ve vuốt ngực, bụng chị như đang sờ sự sống của đứa bé sơ sinh, bất giác nước mắt ứa ra.
Tôi hỏi chị Trâm:
-Sao quen với ổng, rồi sống chung, mà lâu chưa?
-Ba năm. Chị cảm thấy hạnh phúc khi có người hiểu chị, chăm sóc, an ủi chị. Cũng số trời định thôi chứ lựa chọn gì. Quen trong buổi hội thảo văn học gì đó của Mai tổ chức. Em nhớ Mai không? Con bác Chánh, dạy khoa Văn ở đại học Tổng hợp thành phố…
Tôi trở giọng:
-Vậy cũng được. Hôm sớm có nhau, san sẻ những tình cảm buồn vui cho nhau cũng ấm lòng, phải không chị?
Tôi lại suy nghĩ vẩn vơ, không biết cái lão già này có mang những khuyết tật kè kè bên hông như những “chàng” trước kia: trăng hoa, đào mỏ, tham lam… và có bị liệt vào hàng ngũ “hư hỏng, chẳng ra gì”. Tôi chắc là không, bởi vậy chị mới tha về chung sống?
Tôi chưa biết gì về lão, chỉ lờ mờ về nhân thân qua lời chị. Thực bụng thì tôi không ưa lão ngay từ giây phút chạm mặt nhau. Có cái gì đó gần như cao ngạo một cách kỳ bí, khó gần và khó ưa tỏa ra khắp người lão từ mắt, miệng, tóc tai, đi đứng... nhất là cách nói với giọng gai mắt ó như muốn móc lòi thịt da người khác ra làm máu chảy tèm nhẹp mới thôi. Tuy vậy, sự khó chịu này chỉ mới lờ mờ chưa có hình dạng rõ ràng, như phôi trứng gà ấp tới ngày thứ chín, nên không đủ điều kiện để có thể kết luận lão xấu đến cỡ nào?
Bốn ngày sống trong căn nhà xưa với nhiều cảm xúc trái chiều, phần lớn đều dành cho chị Trâm, những bực dọc chỉ khi nào nào chạm mặt lão, một khuôn mặt bí hiểm.
Kể ra, những buổi dùng bữa, ngồi chung bàn, lão đều dành phần mang chén dĩa, dao muỗng, khăn ăn … bày biện tinh tơm; cuối bữa lão thu dọn chiến trường nhanh gọn như một bà nội trợ chỉn chu, nhưng những chuyện vặt này chưa nói lên điều gì và không khỏi làm tôi bớt khó chịu khi mọi người yên vị, lão gọn lỏn hai chữ “xin mời” rồi cắm cúi xuống tô súp hay dĩa thịt bò khoai tây chiên, một tay cầm mẫu bánh mì, tay kia cầm nĩa từ từ chọc mũi nhọn xuống thức ăn, thong thả đưa lên miệng, nhai từ tốn, mắt thì ngó đâu đâu như thể lão đang tìm một tứ nào đó cho câu thơ đang lấp ló trong đầu? Tôi không biết các ông bà viết văn làm thơ có mang kiểu cách thế này không, như thời trước thấy nhiều chàng tóc dài, kiếng trắng (chưa chắc đã cận thị), tay ôm kè kè các quyển tiểu thuyết của Sartre, Sagan hay triết gì đó của Kierkegaard, Marcel, Heidegger… Mà cũng đúng thôi, lão trưởng thành, hít thở không khí thời hiện sinh, buồn nôn , lộn mửa đó mà? Thiệt tình, chị Trâm chịu đựng được cảnh này kể cũng hay!
Ông bà nói “cây kim giấu trong bọc, lâu ngày cũng lòi ra”. Cây kim đó đã lòi ra thật, một cách bất ngờ, khiến tôi khựng người lại như lúc chạng vạng nhìn thấy những trái mướp đắng lòng thòng trên giàn trước sân nhà nội dưới quê, tưởng như bầy rắn đu lên các ô thưa ngang dọc. Đó là một buổi tối, sau bữa ăn, dọn dẹp mọi thứ xong xuôi, tôi cầm bàn chải đánh răng và ống kem xuống lavabo thấy lão đi ngược lên, tay cầm vật cong tròn trăng trắng, há miệng “chào cô” bằng một vòng lợi trên dưới đo đỏ, bầm bầm lấp ló trong đôi môi lợt lạt, thấy gớm hết sức. Không thể tưởng tượng nổi! hình ảnh đó bám vào đầu như con vắt rừng, khiến vừa súc miệng vừa nôn ọe như đàn bà cấn thai.
Trở lên phòng với bản mặt xanh rớt. Chị Trâm hỏi:
-Em sao vậy, có chuyện gì à?
-Dạ, không – nói và lau miệng bằng chiếc khăn giấy.
-Có bầu hả?
-Trời, chạm năm mươi còn bầu bì gì chị, chỉ là em hơi mệt tí thôi.
Tôi nằm xuống giường thở dốc, còn chị Trâm thì lăng xăng cầm chai dầu gió thoa mang tai, trán. Tôi nằm im.
Sự căng thẳng riêng tư xuống thang dần trước khi ra phi trường bốn ngày. Tôi xuống giọng hòa hoãn:
-Chiều nay em mời anh chị qua bên Thanh Đa ăn tối. Con bạn em nói có cái quán gì đó sát bờ sông, nhìn tàu thuyền qua lại, nhìn lục bình dập dềnh cũng hay hay?
Không ai phản đối, nhất là lão già, lại còn đề nghị “tôi biết một chỗ hay hay” ở đó.
Chỗ hay hay của lão là một quán rộng, kèo cột xiên trính dính liền nhau, lợp lá dừa nước, pha trộn giữa truông làng và đường phố, giữa nông thôn và thành thị, cũng thấy lạ. Ông lão chọn chỗ ngồi thoi loi ra sông, đèn hắt xuống xẻ dọc ngang những lớp sóng lăn tăn. Nếu không có mấy chiếc váy cũn cỡn lòi ngực ló đùi và những chiếc áo bà ba cổ quấn khăn rằng của dàn tiếp viên và nhân viên phục vụ hẳn không ai phàn nàn gì…
Trong bữa ăn, lão chỉ uống duy nhất một chai heineken lạnh. Tôi đọc được sự thoải mái ở khóe miệng và ánh mắt lão mỗi khi nhìn vào vật gì hay nói chuyện.
Lợi dụng cơ hội, tôi “tấn công” :
-Chị Trâm giới thiệu anh là nhà văn, chỉ tiếc em chưa được đọc…
-Không sao, tôi sẽ gửi tặng cô, chịu khó mang về bển, tha hồ đọc.
-Dạ, chắc chắn thế - Tôi tỏ ra hiền hơn – sách phát hành nhiều không anh?
Xin hỏi anh câu này, nếu có gì không phải, anh bỏ qua. Có người bảo “làm ông thầy thuốc là để cứu người, nhà văn là để cứu đời”, anh nghĩ sao?
-Là ai đó nói vậy, chứ thực tình làm nhà văn chưa cứu nổi mình thì cứu được ai?
-Nhưng hồi nhỏ, em thấy các anh chị mê mẩn những Sartre, những Nieztche rồi những ông Dostoievsky, Miller, Hesse… gì đó?
-Đó là chuyện khác, không liên quan đến cứu người như cô nói.
-Vậy, mệnh đề trên sai?
-Không sai mà cũng chẳng đúng…
Đột nhiên chị Trâm ôm bụng nhăn nhó, có vẻ đau dữ lắm. Ông nhà văn bỏ lửng câu nói, hốt hoảng nhảy ba bước qua chỗ chị Trâm ngồi. Ông lăng xăng, lo lắng như thể chị Trâm sẽ biến mất trong tích tắc. Túi xách chị Trâm mở ra, chai dầu gió trong tay, miệng gọi nhân viên nhà hàng xin chiếc khăn nóng. Khi nghe câu nói nho nhỏ “anh đưa em đi bác sĩ ngay, ráng chịu chút…” thì lòng tôi như tờ giấy nhốt kín trong phong bì được mở ra.
Chị Trâm bấu vào lưng ông già, cả hai khập khểnh bước trong lối đi bị thu hẹp giữa hai dãy bàn ghế. Ông già ấy, bây giờ trở nên cứng cáp, mạnh mẽ như khúc lõi ké để chị Trâm tựa vào, bước ra khỏi quán.