Thiếu-Tá Cao Văn Khanh, nguyên Chánh Sở I An-Ninh Quân-Đội, Vùng I Chiến-Thuật, từ Đà-Nẵng, được bổ-nhiệm vào làm Giám-Đốc Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia Vùng II Chiến-Thuật, thay-thế viên-chức dân-sự là Kiểm-Tra Nguyễn Bính, sau khi Nha này vừa được lệnh dời trụ-sở từ Buôn Ma Thuột lên Pleiku, để ở sát cạnh Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn II, vào hạ-bán-niên 1967.
Việc thay-đổi này nằm trong kế-hoạch của Thiếu-Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ-Tịch “Ủy-Ban Hành-Pháp Trung-Ương” (tức Thủ-Tướng Chính-Phủ dưới thời “Hội-Đồng Quân-Nhân Cách-Mạng”), bên ngoài là để duy-trì và củng-cố chế-độ Quân-Lực cầm-nắm chính-quyền, bên trong là để loại-trừ Trung-Tướng Nguyễn Văn Thiệu ra khỏi chức-vị Chủ-Tịch “Ủy-Ban Lãnh-Đạo Quốc-Gia” (tức Tổng-Thống).
Cánh tay mặt của Thiếu-Tướng Nguyễn Cao Kỳ là ThiếuTướng Nguyễn Ngọc Loan, vừa là Cục-Trưởng An-Ninh Quân-Đội, kiêm Đặc-Ủy-Trưởng Trung-Ương Tình-Báo, vừa là Tổng-Giám-Đốc Cảnh-Sát Quốc-Gia.
Thiếu-Tá Cao Văn Khanh, nguyên Chánh Sở I An-Ninh Quân-Đội, ở dưới quyền của Cục-Trưởng ANQĐ Nguyễn Ngọc Loan, nay làm Giám-Đốc Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia Vùng II Chiến-Thuật, thì cũng vẫn ở dưới quyền của Tổng-Giám-Đốc CSQG Nguyễn Ngọc Loan.
Rõ-ràng Thiếu-Tá Cao Văn Khanh thuộc phe Thiếu-Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tức thuộc phe Thiếu-Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Và công-tác ưu-tiên trước mắt là chuẩn-bị cho cuộc bầu-cử Tổng-Thống & Phó Tổng-Thống, vào ngày 3-9-1967.
Đây là bước thứ hai và là bước kết-thúc, mà Hội-Đồng Quân-Nhân Cách-Mạng, qua Ủy-Ban Lãnh-Đạo Quốc-Gia và Ủy-Ban Hành-Pháp Trung-Ương, đã nhượng-bộ đòi-hỏi của dân-chúng và giới “Phật-Tử Tranh-Đấu”, chấp-nhận xây-dựng cơ-cấu dân-chủ, thực-hiện xong bước khởi đầu là Hiến-Pháp cho nền Đệ-Nhị Cộng-Hòa (do Quốc-Hội Lập-Hiến [được bầu vào ngày 11-9-1966] thông-qua vào ngày 18-3-1967 và được Chính-Phủ ban-hành vào ngày 1-4-1967).
(Xem bài “Tôi đã góp phần giữ ghế tổng-thống cho ứng-cử-viên Nguyễn Văn Thiệu” – Bấm vào đây)
*
Trong khuôn-khổ cài-cấy các Trưởng-Ty Cảnh-Sát Quốc-Gia (cấp Tỉnh/Thị) bằng người của phe Nguyễn Cao Kỳ & Nguyễn Ngọc Loan, một số Trưởng Ty đã được thay-thế.
Rất nhiều cơ-quan Cảnh-Sát Quốc-Gia thời ấy đều ở trong tình-trạng bất-ổn. Các cấp chỉ-huy từ bên Quân-Lực được biệt-phái qua, gồm nhiều gốc-gác quân/binh-chủng khác nhau – chỉ trừ Nghĩa-Quân là chưa có dịp “nếm cơm Cảnh-Sát” – qua làm “ông Cò” mà thôi.
Sự lấn-cấn & lủng-củng ấy đã để lại trong tôi, và hẳn là trong Thiếu-Tá Cao Văn Khanh, ít nhất là một kỷ-niệm, đúng hơn là một hậu-quả, bi+hài khó quên. Lần đó tôi cùng Ông Nguyễn Khắc Nghị (Chủ-Sự Phòng Nhân-Viên của Nha) tháp-tùng Thiếu-Tá Giám-Đốc Cao Văn Khanh lên Đà-Lạt để ông chủ-tọa lễ bàn-giao chức-vụ Trưởng Ty CSQG Tỉnh Tuyên-Đức & Thị-Xã địa-phương. Từ sân bay chỉ có Ông Vũ Đình Mai là Trưởng-Phòng Nhân-Viên của Ty ra đón, và về tới Ty thì cũng chẳng thấy viên thiếu-tá nào, trong hai nhân-vật tân và cựu Trưởng-Ty, đứng ra tiếp-xúc với Giám-Đốc của mình, mặc dù họ cũng hiện-diện mà với vẻ mặt tỉnh bơ.
Thấy lạ, tôi bèn gật đầu sơ qua như chào hai viên thiếu-tá nhà-binh, xong hỏi Ông Vũ Đình Mai, Trưởng-Phòng Nhân-Viên của Ty:
– Chương-trình thế nào, sao chưa thấy ai đứng ra giới-thiệu gì cả?
Một viên thiếu-tá nói với viên kia nhưng nói lớn tiếng:
– Tao không còn là Trưởng-Ty, tao hết nhiệm-vụ.
Viên kia trả lời:
– Tao chưa nhậm-chức, tao chưa phải là Trưởng-Ty, nên tao chưa thuộc quyền Nha!
Tôi nghĩ chắc họ đều cùng cấp-bậc thiếu-tá như nhau, lại khác binh-chủng, nên chẳng nhường-nhịn gì nhau; nhưng hẳn mỗi người đều có một thế-lực nào khá mạnh nâng-đỡ đằng sau. Kẻ đến thì có chỗ ngồi, thế nhưng người đi thì chưa hẳn đã mất ghế – mà là chuyển vùng tới nơi nào khác béo-bở hơn chăng (?).
*
Với Thiếu-Tá Cao Văn Khanh, ở cương-vị mới, có những cái mới, khác với chốn cũ:
Vùng I chỉ có 6 Tỉnh & Thị; Vùng II có đến 13 Tỉnh & Thị. Địa-thế Vùng II gồm có Cao-Nguyên và Duyên-Hải; đồng-bằng thì có người Chiêm, sơn-cước thì có người Thượng và Phong-Trào “Fulro”. Quân-Đội Đồng-Minh thì có đến 2 Sư-Đoàn (Sư-Đoàn I Bộ-Binh và Sư-Đoàn 101 Không-Kỵ); ngoài Mỹ còn có thêm 2 Sư-Đoàn Đại-Hàn (Sư-Đoàn Bạch-Mã và Sư-Đoàn Mãnh-Hổ). Bên cạnh Cảnh-Sát Quốc-Gia lại có 2 giới cố-vấn Hoa-Kỳ: PSD (Public Safety Division= An-Toàn Công-Cộng [Công-An], phụ-trách Cảnh-Sát Sắc-Phục) và CSD (Combined Studies Division= Nghiên-Cứu Phối-Hợp, tức Phối-Trí-Viên CIA, yểm-trợ Cảnh-Sát Đặc-Biệt).
So với các phần-hành khác, công-tác của Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt có tầm quan-trọng nổi bật về mặt chính-trị cả trong hoạt-động chống-Cộng lẫn về nội-tình dân-chúng và chính-quyền. Do đó, Thiếu-Tá Cao Văn Khanh, trước những vấn-đề mới+lạ, nhất là đối với các Phối-Trí-Viên, thường hỏi ý-kiến của tôi, đi đâu cũng thường kéo tôi đi theo.
Thiếu-Tá Cao Văn Khanh cùng tôi tổ-chức một cuộc hội-thảo An-Ninh và Phản-Tình-Báo (tức Cảnh-Sát Đặc-Biệt) toàn Vùng II, tại “Biệt-Điện Bảo Đại” ở Nha-Trang, với sự tham-dự của tất cả Trưởng-Ty CSQG, Trưởng-Phòng CSĐB, Trưởng-Ban Hoạt-Vụ của các Tỉnh & Thị, mời Thiếu-Tướng Nguyễn Ngọc Loan từ Sài-Gòn ra chủ-tọa.
(Xem bài tường-thuật trong cuốn “Cảnh-Sát-Hóa” – Bấm vào đây)
Cuộc hội-thảo ấy đã đạt được kết-quả tốt-đẹp:
Thiếu-Tướng Nguyễn Ngọc Loan hài lòng, nói sẽ bảo các Vùng khác làm theo, và về Tổng-Nha thì thăng thiếu-tá Cao Văn Khanh lên trung-tá.
Từ đó, uy-tín của Trung-Tá Giám-Đốc Cao Văn Khanh đối với các Trưởng-Ty CSQG toàn Vùng II được nâng cao rõ-ràng.
Và cá-nhân tôi cũng được Thiếu-Tướng Nguyễn Ngọc Loan nhớ mặt nhớ tên, cho nên, sau đó, khi ông họp mật với các đơn-vị-trưởng CSQG và An-Ninh Quân-Đội Vùng II và các Tỉnh & Thị trực-thuộc tại Cam-Ranh, ông đã nói với Trung-Tá Cao Văn Khanh: về bảo “thằng Nhuận” nó lập kế-hoạch chi-tiết [nâng Kỳ hạ Thiệu] gửi gấp cho các Ty thi-hành.
(Đã kể trong bài “Tôi đã góp phần...”nêu trên – Bấm vào đây)
*
Trung-Tá Cao Văn Khanh đến Pleiku cùng với vợ, không thấy có con. Bà vợ thì hay đến ngồi đồng-bóng tại một ngôi đền bên cạnh tư-dinh của Tư-Lệnh Quân-Đoàn II.
Tại tư-thất của giám-đốc, có một toán nhân-viên CSQG, chừng mươi người, bảo-vệ. Có lần tôi đến quan-sát thì thấy có một thanh-nam lạ mặt; hỏi dò thì được biết đó là một người con riêng của ông, từ Sài-Gòn lên, nhưng mang họ là Lê-Bá...
Trong những lần nghe ông nói chuyện với bạn-bè, tôi để ý thấy ông nhắc đến Huế, đặc-biệt là xóm bờ sông Phát-Lác. Đó là con đường men theo con sông An-Cựu (Núi Ngự-Bình: trước tròn, sau méo; sông An-Cựu: nắng đục, mưa trong) ở phía nội-ô thành-phố, từ cầu qua chợ, đến các dinh-thự của các quan-chức thời Pháp-thuộc và Nam-Triều, rồi Trường Tiểu-Học An-Cựu, xuống đến con cầu bắc ngang cái cống gọi là Cống Phát Lác. Tương-truyền trước kia đó là một khu rậm lác, vua Quang-Trung từng dừng chân ở đó, dân-chúng đua nhau đi “phát lác” để có chỗ trống cho binh-sĩ dựng lều trú tạm, và cho chiến-mã uống nước và tắm sạch bụi đường.
Đến khi tôi nghe trung-tá Chánh Sở II An-Ninh Quân-Đội tiết-lộ tên của Trung-Tá Cao Văn Khanh là Vận, tôi bỗng giật mình. Hồi nhỏ, tôi học ở Trường Tiểu-Học An-Cựu; vì tôi học giỏi nên các giáo-viên rất thương và thường đến nhà thăm gia-đình tôi, trong đó có Thầy Trợ Cử (tức Trợ-Giáo Tráng Cử, con của Kỳ-Ngoại-Hầu Cường-Để, thân-phụ của cựu Thiếu-Tá Liên Thành) và Thầy Lê-Bá Vận. Khi Việt-Minh lên, sau cuộc Cách-Mạng Mùa Thu 1945, đa-số các thầy đi theo kháng-chiến hoặc đổi vùng, tôi không còn gặp lại nữa.
Lén dò hồ-sơ cá-nhân của ông tại Phòng Nhân-Viên, tôi thấy ông khai là sinh ở Lào (Ai-Lao). Phải chăng một số cán-bộ Việt-Minh (cộng-sản Việt-Nam), phiêu-bạt qua Lào, rồi người thì sống lưu-vong, kẻ đổi lý-lịch về mật hoạt-động tại Miền Nam nước ta?
Sau đó, có lần theo ông lên Kontum, ghé nhà bà-con của ông, tôi mới biết được đó là người anh của ông, tên Lê Bá L...
Trong vụ Việt-Cộng tấn-công Thị-Xã Pleiku đêm 30 rạng ngày mồng một Tết Mậu-Thân, tư-thất của Trung-Tá Cao Văn Khanh là một mục-tiêu đầu tiên của địch; kết-quả cả 10 nhân-viên CSQG bảo-vệ nhà ông đều bị tử-thương, kể cả con trai của ông, cũng là nhân-viên Cảnh-Sát từ Sài-Gòn lên ăn Tết với ông.
Sau khi ông đã rời khỏi CSQG, có dịp ghé nhà thăm ông tại Sài-Gòn, tôi thấy ông có một người con trai và một người con gái ở đó, không biết con của bà nào; nhưng bà hồi ở Pleiku thì không thấy nữa.
*
Trung-Tá Cao Văn Khanh, thời-gian làm Giám-Đốc Nha CSQG Vùng II Chiến-Thuật, ngoài công-vụ ra, cũng có lem-nhem về tiền-bạc và đàn-bà.
Thí-dụ trong vụ VC tấn-công dịp Tết Mậu-Thân, Ty CSQG Tỉnh Darlac có bắt một số thương-gia Hoa-Kiều, ông đã ra lệnh chuyển hết nội-vụ lên Nha. Không biết ông đã nhận được bao nhiêu, nhưng khi viên Lý-Sự-Trưởng Hoa-Kiều từ Ban Mê Thuột lên xin ký giấy “bảo-lãnh” cho các nghi-can, để trả tự-do cho họ, trong lúc chính tôi không được ông giao thẩm-vấn cứu-xét gì cả, Trung-Tá Cao Văn Khanh đã chỉ vào tôi mà nói với nhà “chạy-chọt”: Gặp riêng Ông Nhuận để lập thủ-tục giấy-tờ, mọi sự đều nằm trong tay của ông ấy đó! (Dù sao đó cũng là một ý “tốt” của cấp chỉ-huy của tôi, muốn giúp cho tôi được dịp có tiền – mặc dù tôi không làm theo.)
Có lần ngủ đêm tại một khách-sạn ở Thị-Xã Quy-Nhơn, Trung-Tá Cao Văn Khanh đã bảo tôi ngủ chung phòng với một nữ-nhân-viên, dù cổ là một người cháu họ xa của ông...
*
Trung-Tá Cao Văn Khanh là người đầu-tiên, có lẽ duy-nhất, áp-dụng quy-chế về cấp-hiệu của CSQG, mang lon 2 sao, không chỉ ở Vùng II mà còn vào tận Sài-Gòn.
💚 Xem hình trên đầu bài này thì thấy (theo trí nhớ riêng của tôi):
Chữ V là Phó Thẩm-Sát-Viên, tương-đương Hạ-Sĩ, Trung-Sĩ, Trung-Sĩ Nhất.
Vạch thẳng là Thẩm-Sát-Viên, tương-đương Thượng-Sĩ, Thượng-Sĩ Nhất, Chuẩn-Úy.
Vạch thẳng có viền là Biên-Tập-Viên, tương-đương Thiếu-Úy, Trung-Úy, Đại-Úy.
Cúc bạc 8 cánh là Quận-Trưởng, tương-đương thiếu-tá, trung-tá, đại-tá. Các Quận-Trưởng Đồng-Hóa (có bằng cử-nhân) bắt đầu mang 1 cúc (thiếu-tá). Khi làm Trưởng-Ty hoặc nhập Quận-Trưởng Chính-Ngạch thì mang 2 cúc.
Sao 4 cánh là Kiểm-Tra, tương-đương thiếu-tướng 2 sao, trung-tướng 3 sao, đại-tướng 4 sao.
Ở Vùng II, có Phó Giám-Đốc (cao hơn Trưởng Ty) Nguyễn Đức Thịnh dưới thời Giám-Đốc Nguyễn Bính mang 3 cúc (đại-tá); Phó Giám-Đốc (cao hơn Trưởng Ty) Lê Tú Trúc dưới thời Cao Văn Khanh mang 3 cúc (đại-tá); nên Giám-Đốc Cao Văn Khanh mang 2 sao (thiếu-tướng).
Sau khi Thiếu-Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị thương, rời khỏi Cảnh-Sát Quốc-Gia, Đại-Tá (về sau là Chuẩn-Tướng) Trần Văn Hai qua thay-thế.
Tôi giúp Trung-Tá Cao Văn Khanh tổ-chức buổi lễ khánh-thành trụ-sở Nha Giám-Đốc CSQG Vùng II Chiến-Thuật tại Pleiku, có Chuẩn-Tướng Trần Văn Hai từ Sài-Gòn lên chủ-tọa.
Xong xuôi, được thăng lên cấp, Đại-Tá Cao Văn Khanh rời khỏi CSQG, được chuyển về làm Phụ-Tá Đặc-Ủy-Trưởng Trung-Ương Tình-Báo, dưới quyền Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình.
Tại Phủ Đặc-Ủy, Đại-Tá Cao Văn Khanh cũng đích-thân tổ-chức các đường dây tình-báo. Ông có một số “nhà an-toàn”, trong đó có một phòng ngủ trên lầu của một khách-sạn lớn ở Sài-Gòn. Là chỗ thân-tình, ông ghi cho tôi số phòng và mật-hiệu để khi tôi đến thì nhân-viên văn-phòng khách-sạn trao ngay chìa-khóa cho tôi. Ông nói:
– Vô đây mà có bồ-bịch thì dẫn đến đó.
*
Rồi Đại-Tá Cao Văn Khanh lại được chuyển qua làm Tổng-Giám-Đốc Quan-Thuế.
Có lần tôi cùng Ông Nguyễn Khắc Nghị, Chánh Sở Nhân-Huấn Bộ Chỉ-Huy CSQG Khu II, nhân có việc vào Bộ Tư-Lệnh, ghé thăm Đại-Tá Cao Văn Khanh tại nhà riêng của ông.
Chúng tôi hỏi đùa về chuyện các bà, các cô. Vị Tổng-Giám-Đốc Quan-Thuế của Việt-Nam Cộng-Hòa đáp:
– Trời ơi, đuổi đi không hết! Có vụ cả mẹ lẫn con đều cùng tranh nhau hiến thân...
Lần khác, riêng tôi với ông, tôi hỏi phải chăng hồi ấy [1967] chính ông đã báo-cáo cho Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu biết vụ Thiếu-Tướng Nguyễn Cao Kỳ, qua Thiếu-Tướng Nguyễn Ngọc Loan, âm-mưu lập-kế giành ngôi tổng-thống, nên tổng-thống [Nguyễn Văn Thiệu] mới dành đặc-quyền đặc-lợi cho ông như thế này, thì ông mỉm cười, gật gật đầu, không trả lời thẳng, mà nói qua chuyện khác:
– Ở Phủ Đặc-Ủy mình chẳng có gì...
*
Và rồi thì xảy ra cuộc đổi đời, đúng nghĩa đổi đời đối với toàn-dân Miền Nam Việt-Nam, trong đó có cựu Đại-Tá Cao Văn Khanh.
Sau hơn 12 năm bị tập-trung “cải-tạo”, về nhà vào năm 1987 thì tôi nhận được thư thăm của nhiều thân-nhân & bạn-hữu ở xa Nha-Trang; nhưng nhiều nhất và liên-tục nhất là nhạc-sĩ Lê Mộng Bảo và cựu Đại-Tá Cao Văn Khanh.
“Anh” Cao Văn Khanh (xưng-hô theo kiểu VC) kể-lể, tâm-sự với tôi thật nhiều, đại-ý là ông bị tù lao+cải xong về mất hết tài-sản, vợ+con, thất-nghiệp, làm thử nhiều nghề, cuối-cùng thì đành giúp việc cho một trại heo kiếm sống qua ngày.
Thư thì thật dày, mỗi tuần mấy lần; tôi thấy ông viết trên nhiều loại giấy, màu mực chỗ đậm chỗ nhạt, nghĩ ông quá nghèo, tôi gửi vào ông mấy chục con tem, ông gửi thư trách, tiếng Huế: Mi coi thường tau, tệ chi đến nỗi không có con tem gởi thơ cho mi?
Trạng-huống của ông khiến tôi ân-hận là mình đã từng có những tháng ngày nghi ông là một điệp-viên nằm vùng của cộng-sản Việt-Nam.
Cuối năm 1991, tôi vào Sài-Gòn để lập thủ-tục đi Mỹ theo diện HO. Tôi tìm thăm ông tại một địa-chỉ mà ông ghi cho. Đó là một ngôi biệt-thự hai tầng vốn rất lộng-lẫy, mà nay xuống cấp như nhiều cơ-ngơi của “người Quốc-Gia” trước kia. Phần chính phía trước đã bị cưỡng-chiếm, chủ-nhân chỉ được chừa cho một phòng phần phụ phía sau.
Tôi đến lúc ông vắng nhà, được một thiếu-phụ tự nhận là vợ của ông. Tôi tự giới-thiệu liên-hệ giữa tôi và cựu Đại-Tá Cao Văn Khanh, bà ấy vui-vẻ như gặp được người “phe ta”, cởi-mở chuyện-trò với tôi.
Bà kể, đại-ý:
Bà là một cô bạn gái của ông từ hồi xa xưa, nhưng vì hoàn-cảnh mà phải xa nhau.
Bây giờ mới gặp lại nhau thì ông không còn trẻ-trai, lại bị quốc-biến mà phải long-đong, tứ-cố vô-thân, mà bà thì cũng gặp cảnh khó-khăn, nên bà mủi lòng thông-cảm đem ông về đây.
Đến đây thì ông về nhà. Tôi đứng dậy chào, bắt tay, ôm nhau thật lâu. Xong tôi ngắm ông, thấy ông hồng-hào, áo quần tươm-tất, lộ vẻ ngạc-nhiên. Như hiểu ý tôi, bà liếc xéo ông mà nói:
– Lúc đầu tôi không nhận ra. Ông đen và hôi như một con heo. Tôi phải tẩy rửa lột xác cho ông, rồi đưa đi sắm áo quần, giày dép, phục-vụ cho ông ăn ngon ngủ kỹ nên mới tươi-tỉnh như thế này đấy.
Cả ba chúng tôi cùng cười.
Vợ+chồng cựu Đại-Tá Cao Văn Khanh mời tôi ở lại ăn cơm. Chúng tôi nói chuyện với nhau thật nhiều, thật vui, và thật thân-mật, ấm-cúng như người trong nhà.
Điều tôi mừng nhất là ông gặp được một người vợ tuy tuổi trung-niên nhưng còn dáng-dấp trẻ-trung, xinh-đẹp, dịu-hiền, đảm-đang, nhất là nồng-thắm yêu ông, để ông từ đây thực-sự đổi đời, làm lại cuộc sống trong hạnh-phúc gia-đình.
Tôi tin ở người bạn đời mới có của ông. Bà ấy ân-cần ngỏ ý mời tôi, và vợ+con tôi, khi vào Sài-Gòn để đợi lên đường thì đến ngụ tạm ở đây với hai ông+bà, chịu chật với nhau, (lời bà) nhưng có như thế thì mới thân, mới vui.
Cựu Đại-Tá Cao Văn Khanh tiếp lời:
– Chúng ta đều cùng cực-khổ, đều cùng đợi ngày ra với Thế-Giới Tự-Do.
Thanh Thanh LXN