văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, July 17, 2012

TÔ KIỀU PHƯƠNG * KÝ GIẢ KỊCH TRƯỜNG NĂM XƯA






Nhà báo Tô Kiều Phương tại Bàn Môn Ðiếm (hội nghị BC 1967 tại Panmunjom-Korea)                 



  
Lời giới thiệu của VTN:
Chưa đầy 1 năm sau khi tôi từ giã Phan Thiết để vào SG tiếp tục việc đèn sách thì tôi và TKP đã trở thành đôi bạn tâm giao.  Thi văn đoàn Tinh Hoa của tôi thành lập năm 1959 được nhiều học sinh biết đến và gia nhập, phải nói phần lớn nhờ sự giúp đỡ tích cực của anh tôi là ký giả, phóng viên chiến trường Anh Thuần và TKP.
TKP gia nhập làng báo rất sớm, khi tuổi đời còn dưới đôi mươi và tiếp tục dấn thân, hội nhập không ngừng trong lãnh vực thông tin báo chí, sinh hoạt sân khấu kịch trường và đã từng tham dự nhiều cuộc hội nghị báo chí quốc tế. Bài viết của anh dưới đây giúp chúng ta có dịp nhìn lại, hiểu biết hơn về những nhà báo lão thành, những người đã tích cực góp phần tạo nên những ngôi sao hàng đầu của ngành cải lương, những nghệ sĩ  vốn được đồng bào ái mộ. Phần sơ lược về tiểu sử tác giả bài viết, VTN xin nhường lại lời ghi nhận của Thanh Dũng, nằm dưới cuối bài. - PBTD

Có thể nói, tờ “Gia Ðịnh Báo” (xuất bản vào năm 1865), là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng phải đến 90 năm sau làng báo mới có trang đặc biệt Kịch Trường, viết về các sinh hoạt  sân khấu kịch và cải lương.
                    
 Nhà báo Thanh Tâm Trần Tấn Quốc, một người rất ái mộ cải lương, đã khai sinh  trang Kịch Trường cho bộ môn ông yêu thích và sáng lập Giải Thanh Tâm. Giải thưởng này đã làm thăng hoa các nghệ sĩ Thanh Nga, Lan Chi, Hùng Minh, Ngọc Giàu, Bích Sơn, Ánh Hồng, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Lệ Thủy, Thanh Sang, Tấn Tài, Phượng Liên, Mỹ Châu.v.v.
                      
Sau đó, nhiều báo lần lượt mỡ trang đặc biệt Kịch Trường mỗi tuần, khiến cho sinh hoạt cải lương thời đó thêm sôi động. Có trang Kịch Trường, các chuyện tình sau bức màn nhung giữa các nghệ sĩ tên tuổi hoặc những lấn cấn trong hậu trường, nhanh chóng được hé lộ . Nào vụ Thanh Nga-Thành Ðược-Ðại úy Mẫn và chủ nhân hảng kem đánh răng Hynos; vụ Hùng Cường đánh hề Thiện Mỹ, đập đờn của một nhạc sĩ mù; vụ bộ ba Thanh Hương-Văn Chung-Hùng Minh. Cả việc 3 ông đại tá ở miền Tây ...lẹo tẹo với 3 nghệ sĩ tài danh cũng được khai thác tận tình...
                   
Thập niên 50, 60 - giai đoạn cực thịnh của làng báo Sài Gòn – nhưng chưa có trường đào tạo ký giả, nên người làm báo phải đa năng mới vươn lên được trong nghề nghiệp. Khoảng 1965,  Liên Ðoàn Ký Giả Quốc Tế IFJ (International Federation of Journalists) mở khóa tu nghiệp duy nhứt  tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, số 15 đại lộ Lê  Lợi, Sài Gòn, dành cho Ðoàn viên Nghiệp Ðoàn Ký Giả Nam Việt đang làm việc ở các tòa báo. Sau đó, Việt Tấn Xã có vài lớp đào tạo phóng viên và hai Trường Ðại Học Vạn Hạnh, Minh Ðức mới mở Phân Khoa Báo Chí, nhưng số Sinh viên theo học không nhiều, do báo chí không phải là bộ môn để... hái ra tiền. Vì vậy, đã là nhà báo chuyên nghiệp, đều có khả năng  viết được nhiều thể loại, từ  tin tức, phóng sự, thể thao, kịch trường, truyện, thơ v.v..Và không ai ngạc nhiên khi thấy ký giả Nguyễn Ang Ca, chủ nhiệm nhựt báo Tin Sớm còn viết bình luận chính trị, phê bình  kịch trường, thể hao      ( bút hiệu Ngọc Kỳ Lân), và là soạn giả các vở cải lương Hoa Mộc Lan, Người Yêu của Hoàng Thượng, Từ Sân Khấu Ðến Cuộc Ðời, Tình Nở Ðào Hoa Thôn v.v..dưới tên Ngọc Huyền Lan (hợp soạn cùng Viễn Châu). Năm 1978  anh Nguyễn Ang Ca cùng gia đình vượt biển sang Mã Lai , rồi định cư ở Bỉ tháng 2/1979. Ra hải ngoại anh viết nhiều báo ở Âu Châu và Hoa K, nhằm tranh đấu cho thuyền nhân còn kẹt lại các trại tỵ nạn Ðông Nam Á và những đồng nghiệp ở Việt Nam. Ký giả Nguyễn Ang Ca từ trần ngày 26 tháng 3 năm 1991 tại Bruxelles, vì bịnh tim, hưởng thọ 65 tuổi . Cùng trường hợp như ký giả Nguyễn Ang Ca có:
                      
 - Nhà báo Lý Thanh Cần, bút hiệu Nguyễn Kiên Giang, chủ nhiệm nhựt báo Thời Ðại, tòa soạn ở số 23 đường Tự Do, cạnh nhà hàng Maxim. Anh viết  kịch trường cho nhựt báo Tiếng Chuông hoặc nhựt báo Thời Ðại, ký bút hiệu Long Mỹ Nhân, vì quê anh ở Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá. Ký giả Nguyễn Kiên Giang còn là Chủ Tịch Nghiệp Ðoàn Ký Giả Nam Việt...muôn năm, nếu Sài Gòn không bị mất tên .Sau ngày 30 tháng 4/1975, anh Nguyễn Kiên Giang bị đi tù mút mùa ở Miền Bắc vì “vô số tội”, tội làm Chủ Tịch Nghiệp Ðoàn Ký Giả, tội trong tổ chức Phục Hưng Miền Nam và...từng làm Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin “chế độ củ”. Khi được thả về, dầu được con bảo lãnh sang Ðức, anh đã không còn đủ sức ra đi và đã mãn phần ngay trên căn nhà của anh trên đường Phát Diệm, quận Nhứt, Sài Gòn.
                      
 - Nhà báo Nguyễn Trung Ngôn, bút hiệu Tam Ðức, chủ nhiệm nhựt báo Tiếng Việt, tòa soạn ở khu báo chí Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình. Ông là một trong những tay tham mưu cho ông Bầu Long, chủ nhân Công ty cải lương Kim Chung. Nhà báo Tam Ðức là thân phụ của nhạc sĩ Bảo Thu (Nguyễn Trung Khuyến). Ông đã dìu  dắt nhà thơ Mai Liên Phượng vào làng ký giả Kịch Trường, lấy bút hiệu Tam Hoa và cũng dìu dắt Tam Hoa làm quen với ả phù dung. Tam Hoa nhanh chóng được “nằm bàn đèn” với ông Bầu Long và một số ký giả bậc thầy, có đi lại với công ty Kim Chung, nhưng có lẽ do quá lậm nha phiến nên anh  mất khi tuổi đời chưa được 40.
                      
 - Nhà báo Tô Yến Châu, chủ nhiệm nhựt báo Thời Sự Miền Nam là một cây viết bản lãnh trước năm 1975; từng viết kịch trường, thể thao cho nhựt báo Tiếng Chuông từ hồi Ðệ nhứt Cộng Hòa và nhiều nhựt báo khác. Nhắc Tô Yến Châu, giới sân khấu cở lớp Năm Nghĩa (thân phụ của nghệ sĩ Bảo Quốc), đến Hữu Phước, Thành Ðược...và giới thể thao như  “ông bầu” Ðinh Văn Ngọc (đã từ trần ở Los Angeles), bầu Võ Văn Ứng, bầu Nguyễn Minh Mẫn v.v.. không thể quên một ký giả có dáng võ biền, trong câu chuyện thường đệm thêm tiếng “Ðan Mạch”, nhưng lại rất vui tính và dễ dàng xúc động, nhỏ lệ bất cứ gặp việc não lòng nào. Ông ở lại Việt Nam và mãn phần tại quê nhà Cần Giuộc (Long An) mấy năm trước.
                      
 - Nhà báo Việt Ðịnh Phương, tên thật là Phạm Thu Trước, chủ nhiệm nhựt báo Trắng Ðen, một trong các nhựt báo có số bán mạnh trước năm 1975. Ông đã điều hành nhiều tuần báo rồi nhựt báo, phụ trách một số trang Kịch Trường và là giám khảo trong Ban Tuyển Chọn Giải Thanh Tâm, trước khi thực hiện nhựt báo Trắng Ðen ở Sài Gòn. Trắng Ðen là một tờ báo có lực lượng ký giả Kịch Trường hùng hậu, ngoài chủ nhiệm còn có các cây viết Nguyễn Việt, Trọng Viễn...đã tổ chức phát giải Kim Khánh cho bộ môn sân khấu.  Ký giả Việt Ðịnh Phương sang Hoa Kỳ từ năm 1975, sống ở Nam California. Ông có ra lại nhựt báo Trắng Ðen một thời gian, rồi lo việc đạo cho đến khi từ trần, ngày 10 tháng 2 năm 2010 tại Orange County.
                         
- Nhà báo Lê Hiền tên thật là Cao Minh Hựu, chủ nhiệm nhựt báo Bút Thép. Trước khi làm Tổng Thư Ký Tòa soạn nhựt báo Công Luận, rồi chủ nhiệm Bút Thép, ký giả Lê Hiền viết kịch trường cho một số báo ở Sài Gòn và trong Ban Tuyển Chọn Giải Thanh Tâm từ năm 1959 trở về sau. Ký giả Lê Hiền hiện sống tại Sài Gòn.
                         
- Kiên Giang Hà Huy Hà, ngoài soạn giả nhiều tuồng cải lương nỗi tiếng, trong đó có vở Người Ðẹp Bán Tơ...còn là một nhà thơ với tập Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, một  ký giả kịch trường kỳ cựu. Các mỹ danh Kiều nữ Bích Sơn, Con Nhạn Trắng Gò Công v.v.. đều do ông đặt cho một số nghệ sĩ  đến ngày nay còn được nhắc nhở.
                        
 - Ký giả Nguyễn Ðức Hiền, một tên tuổi quen thuộc của làng cầu và sân khấu Sài Gòn xưa. Người ta dễ nhận ra ông trên chiếc Vespa với mái tóc rẽ ngôi ở giữa, hàng ria mép tỉa rất khéo và chiếc máy ảnh lủng lẳng trước ngực, lúc vào hậu trưởng hay ra sân cỏ. Ông còn có bút hiệu Thất Hiền, xuất hiện trên các báo Thời Ðại, Tiếng Chuông, Lửa Thiêng ,Thời Sự  Miền Nam...
                        
- Ký giả Phong Vân của trang Kịch Trường Tia Sáng, Tiếng Dội...Sau năm 1975, dầu được các báo mời viết lại, nhưng ông từ chối để về phụ “bà xã” lo việc buôn bán bên Phạm Thế Hiển, quận 8. Ông được các nghệ sĩ và đồng nghiệp coi là một nhà báo có sĩ khí.
                        
- Ký giả Lê Trần tên thật Lê Văn Trình, chuyên viết Kịch Trường cho các báo Tiếng Chuông, Vận Hội Mới (chủ nhiệm Quốc Ấn), Thời Sự Miền Nam... trước khi là Thư Ký Tòa soạn nhựt báo Công Luận năm 1968 đến 1974. Ông mãn phần ở Việt Nam.
                       
- Ký giả Ngọc Ðỉnh viết về kịch trường và phóng viên nghị trường của báo Tia Sáng mà chủ nhiêm là ông Nguyễn Trung Thành. Sau năm 1975, ông sống hẳn với sân khấu và một thời gian dài là Trưởng đoàn Cải lương Sài Gòn 1.
                     
Một số ký giả nữa, vừa viết tin vừa chụp hình trong hậu trường, ở lại trong nước, được hầu hết nghệ sĩ biết tiếng, có Bạch Tùng Hương, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Việt, Thiện Mộc Lan v.v...Người đã mất, người  bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, nên đã giả từ sân khấu, trừ Huỳnh Công Minh đang gom góp hình ảnh ông chụp sân khấu cải lương suốt 50 năm để in các tập ảnh Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Việt thì làm chủ một trang mạng riêng .
                       
Cuộc đời  Ký giả Kịch Trường của Sài Gòn  củ  cũng buồn như sân khấu cải lương về chiều...
                       
Nhà báo Trần Tấn Quốc có phải là Ký giả Kịch trường đầu tiên ?
                   
Nhà báo Trần Tấn Quốc

                                                      
                         
Hơn nữa thế kỷ trước, nhà báo Trần Tấn Quốc, tên thật Trần Chí Thành, còn có các bút hiệu Thanh Tâm, Trần Tử Văn... làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nhựt báo Tiếng Dội, tòa soạn đặt tại số 216 Gia Long (gần rạp ciné Long Phụng chuyên chiếu phim Ấn Ðộ), Quận 1, Sài Gòn. Là nhựt  báo, dĩ nhiên phải nặng phần tin tức, thời sự, nhưng báo Tiếng Dội còn chủ trương phát huy văn hóa, nghệ thuật. Có lẽ đó là nỗi đam mê của nhà báo lão thành nầy, vì ngay khị bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Ðảo, ông cũng từng soạn một số kịch bản và tổ chức cho anh em tù diễn trên sân khấu.
                       
Ra tù, ông Trần Tấn Quốc lại làm báo cùng với các nhà báo tên tuổi Anna Lê Trung Cang, Nam Ðình (Nguyễn Kỳ Nam). Sau đó, vào năm 1940 đến 1945, ông là chủ bút nhựt báo Tin Ðiển.  Thời kỳ nầy bộ môn cải lương đang phát triển tại nhiều tỉnh ở Miền Nam, nhưng những người sinh hoạt nghề xướng ca thường không được coi trọng, nếu không muốn nói bị khinh thị. Bức xúc trước tình trạng như thế, khi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nhự báo Tiếng Dội, ký giả Trần Tấn Quốc mở ngay trang Kịch Trường đầu tiên ở làng báo Sài Gòn, ngoài việc thúc đẩy bộ môn cải lương tiến bộ, còn nhằm giúp độc giả nâng cao hiểu biết về sân khấu. Mạnh dạn thực hiện ý định của mình, vì ông vốn có nhiều bạn bè, là những tên tuổi lớn trên sân khấu cải lương, như Năm Châu, Năm Phỉ, Phùng Há, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Ba Vân...   Ông còn là phu quân của nữ nghệ sĩ Thanh Loan.
                          
Một thời gian sau, các báo miền Nam đều có trang Kịch Trường hàng tuần. Riêng nhựt báo Tiếng Dội, tiếp theo là Tiếng Dội Miền Nam, rồi Dân Quyền tập trung những ký giả kịch trường cự phách, ngoài cây viết Thanh Tâm (Trần Tấn Quốc) còn có Hoài Ngọc, Phong Vân, Tam Ðức, Thiện Hương, Thiện Mộc Lan, Huỳnh Công Minh…. Nhà báo Trần Tấn Quốc nhận xét: “Thành quả đầu tiên và lớn lao nhứt của các trang Kịch trường là đã nối liền được sân khấu và người đời bằng sự cảm thông nghệ thuật, đã lấp  được cái hố sâu cách biệt giữa nghệ sĩ và khán giả bằng tình cảm nồng nàn và sâu đậm. Từ quan niệm lỗi thời đến những danh từ không đẹp gán cho giới sân khấu đã bị báo chí đánh đổ và thay thế bằng những mỹ từ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, soạn giả, ban dàn cảnh vân vân...Chúng tôi tin rằng thiện cảm của báo chí đối với sân khấu như vừa nói, không một ai phủ nhận được.”
                          
Tiếp đến, nhà báo Trần Tấn Quốc  thành lập “Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm” cho sân khấu cải lương. Suốt 10 năm, đến năm Mậu Thân (1968) sân khấu cải lương bị đình trệ, đã có 24 nghệ sĩ được giải Huy Chương Vàng triển vọng gồm:

Nữ  nghệ sĩ Thanh Nga (1958) Nữ  nghệ sĩ Lan Chi  và nam nghệ sĩ Hùng Minh (1959)  Nữ  nghệ sĩ Bích Sơn và nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu (1960)  Nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa (1961) Nữ  nghệ sĩ Ngọc Hương và nữ nghệ sĩ Ánh  Hồng (1962)  Nữ  nghệ sĩ Bạch Tuyết , Kim Loan và Trương Ánh Loan (1963)   Nữ  nghệ sĩ Lệ Thủy và nam nghệ sĩ Thanh Sang (1964) Nữ  nghệ sĩ  Thanh Nguyệt và Bo Bo Hoàng (1965) Nữ  nghệ sĩ Phượng Liên và nam nghệ sĩ Phương Quang (1966) Nữ  nghệ sĩ Mỹ Châu, Ngọc Bích và 2 nam nghệ sĩ Bảo Quốc, Phương Bình(1967)                                                                                                        
                                                    
Ngoài ra còn có 6 nghệ sĩ đoạt giải Diễn viên Xuất sắc:                                                        

Năm 1965: Nam nghệ sĩ Hữu Phước (qua vở Truyện Tình 17) và nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết (vở Nỗi Buồn Con Gái).  Năm 1966: Nam nghệ sĩ Thành Ðược (vở Tiếng Hạc Trong Trăng) và nữ nghệ sĩ Thanh Nga (vở Sân Khấu Về Khuya). Năm 1968: Nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu và nam nghệ sĩ Thanh  Hải.                                                                                                                                                                                                                                          
                       
Những nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm đã làm cho sân khấu cải lương dạo đó sáng chói hơn, nhiều người cho đến hôm nay vẫn còn xứng đáng là thần tượng của khán giả.        
                        
Có lẽ vì những đóng góp lớn lao đó cho bộ môn cải lương, mà nhiều nghệ sĩ , khán giả cũng như bạn đọc nghỉ rằng nhà báo Trần Tấn Quốc là Ký giả Kịch Trường đầu tiên, khi ông xướng xuất ra trang báo Kịch trường trước hơn hết của làng báo Sài Gòn.     
                         
Thật sự không đúng như vậy. Ðiều lý thú là ký giả kịch trường đầu tiên lại là một nhà báo nữ, vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Ðó là nữ ký giả Nguyễn Thị Kiêm, mà các người làm văn hóa biết đến dưới tên Nữ sĩ Manh Manh, và tờ báo bà có bài viết phê bình sân khấu đầu tiên là báo Phụ Nữ Tân Văn .
                         
 Phụ Nữ Tân Văn phát hành số 1 vào ngày 2 tháng 5 năm 1929, tòa soạn đặt tại số 42 đường Catina (trước 1975 là đường Tự Do), do bà Nguyễn Ðức Nhuận làm chủ nghiệm. Ban Biên Tập  là những nhà văn, nhà báo nổi tiếng: Hướng Nhựt, Nguyễn Thị Kiêm (Manh Manh Nữ sĩ), Cao Thị Ngọc Môn, Phan Khôi, Hồ Biểu Chánh, Vân Ðài, Thượng Tân Thị, Tản Ðà, Quách Tấn, Lưu Trọng Lư, Á Nam Trần Tuấn Khải, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại...  

                          
                  
Nhà báo Nguyễn Thị Kiêm sanh năm 1914 tại Gò Công, con ông Tri Huyện  Nguyễn  Ðình Trị, Nghị viên Hội Ðồng Thành Phố Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung năm 1932, bà dạy học Trường Nữ Trung học Sài Gòn một thời gian, rồi chuyển qua làm báo, với bút danh Lệ Thủy, Myn. Ký giả Nguyễn Thị Kiêm nổi tiếng với hàng loạt phóng sự về thành phần bị loại ra bên rìa xã hội như: Người điên ở nhà thương Biên Hòa, Viếng một cái thành sầu, Nhà thương Bạc Hà v.v.. Bà còn là cây viết hiểu biết nghệ thuật sâu sắc, đã phê bình nhiều vở kịch, tuồng cải lương  từ  thời các gánh hát Trần Ðắc, Huỳnh Kỳ, Phước Cương; đặc biệt là tuồng của các soạn giả nổi tiếng như:  Bể ái đầy vơi của Diệp Văn Kỳ, Ai là bạn chung tình của Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), Tứ đổ tường của Ðặng Công Danh.
                            
Sau 6 năm hoạt động, báo Phụ Nữ Tân Văn bị đóng cửa vào ngày 20 tháng 12 năm 1934. Khoảng năm 1950, vì buồn chuyện gia đình, nhà báo Nguyễn Thị Kiêm sang Pháp sống mai danh ẩn tích. Tuy nhiên những người thân của bà cho biết, những năm đầu thế kỷ 21, bà ở vào tuổi 90, vẫn  còn sống trong một Viện Dưỡng  Lão tại Pháp.
                            
Cho nên, ca tụng những đóng góp của nhà báo Trần Tấn Quốc  đối với sân khấu cải lương không sai, nhưng cho ông là ký giả kịch trường đầu tiên thì...có thể phải xem xét lại.   

To Kieu Phuong 


 * Sơ lược về ký giả, nhà báo Tô Kiều Phương.

Trước năm 1975

Tô Kiều Phương sinh hoạt văn giới, báo giới khá sớm. Trong tập “Bến Tâm Hồn - Tôi còn Kỷ niệm”, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2009,  viết về cố nhà văn Tâm Ðạm–Dương Trữ La ghi nhận: “Với bút hiệu Tâm Ðạm, ông gia nhập làng văn, làng báo Sài Gòn cuối thập niên 50 thế kỷ XX, cùng thời với Hoài Ðiệp Tử, Ngô Tỵ, Phan Yến Linh, Trần Xuân Thành, Trương Ðạm Thủy, Thiên Hà, Phương Triều, Tô Kiều Phương, Song Phố, Thanh Việt Thanh, Hoài Hương Tử…”  Nói về giai đoạn nầy có lẽ phải kể thêm  Phan Bá Thụy Dương, Phượng Hải, Anh Thuần, Tô Lãm (sau này là nhạc sĩ nổi danh Trầm Tử Thiêng)…
-1959-1961: Tô Kiều Phương làm Thư ký Tòa Soạn tuần báo Bình Dân (chủ nhiệm là nhà văn Phú Ðức, tác giả tiểu   thuyết võ hiệp nổi tiếng Châu Về Hiệp Phố).
-1962-1963: Cộng tác tạp chí Văn Ðàn (chủ nhiệm là nhà văn, nhà báo  Phạm Ðình Tân).
-Năm 1964-1965: Ký giả nhựt báo Vận Hội Mới (Chủ nhiệm nhà báo Quốc Ấn) và Thư ký Tòa soạn nhật báo Thời Sự Miền Nam (Chủ nhiệm, nhà báo Tô Yến Châu).  
-Năm 1965: Là đoàn viên Liên Ðoàn Ký Giả Quốc Tế IFJ (International Federation of Journalists) và đã dự Khóa tu nghiệp Ký giả do IFJ tổ chức.
-1966-1967: Tổng thư ký Tòa soạn nhật báo Thanh Việt (Chủ nhiệm, ông Hồ Quang An, bào đệ nhà văn Hồ Biểu Chánh); rồi nhật báo Tiếng Việt (Chủ nhiệm, nhà báo Tam Ðức Nguyễn Trung Ngôn).
-1968-1975: Phóng viên Nghị trường và Phóng viên chiến trường các nhật báo Dân Tiến (của ông Nguyễn Minh Châu), Công Luận (chủ nhiệm, Tướng Tôn Thất Ðính ) và Ðại Dân Tộc (chủ nhiệm, Dân biểu Võ Long Triều).

Sau năm 1975

Bị bắt “học tập cải tạo” trong đợt “càn quét Nhà báo, Văn nghệ sĩ chế độ cũ”, cùng Như  Phong Lê Văn Tiến, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Hồ Nam, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh, Sao Biển,  Hồ Văn Ðồng, Cao Sơn v.v...
-1989:  vượt biển đến Philippines, cộng tác các  nhật báo Người Việt (California), Chiêu Dương, Việt Luận (Australia), tạp chí Làng Văn, Nắng Mới (Canada), Ngàn Thông (Oregon-Hoa Kỳ), Diễn Ðàn Việt Nam (Germany)…
-1992: Ðịnh cư  Hoa Kỳ. Cùng các nhà báo Phạm Ðức Hảo, Hoàng Phúc gây dựng tuần báo Lập Trường của Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị  Nam California.
-1993-1994: Làm tạp chí Cuộc Ðời (California)
-1995- 2010: Chủ nhiệm Ðông Phương Thời Báo .
-2010: Cộng tác nhật báo Việt Herald (California)
-Tác phẩm: “Trông vời quê cũ”cùng một số tác giả, Làng Văn (Canada) xuất bản năm 1996

Thanh Dũng
                            

                                                                                                                                                                                                 
      

nguyễn đức nhơn * bốn bài lục bát 4 câu





   
1.
quanh ta trời đất chuyển mùa
gió đêm thu lén về khua lá vàng
sông buồn vắng chiếc đò ngang
hóa ra cuộc rượu đã tàn từ lâu!
 
2.
ngồi nhìn con sóng vỗ bờ
hồn ta dường cũng dật dờ phiêu du
dáng em chừ đã biệt mù
còn ta thì vẫn ngồi ru giấc chiều!
 
3.
vầng trăng khuya sắp lặn rồi
ta như cành lá một đời xác xơ
lòng ta sao cũng mù mờ
biết đâu người ấy còn chờ bên kia!...
 
4.
cánh hồng nhụy trắng tinh anh
có con bướm trắng vờn quanh mấy vòng
chiều nay trời sắp mưa dông
sao con bướm trắng còn không thấy về?!
 
Nguyen Duc Nhon

Monday, July 16, 2012

PHAN ĐỔNG LÝ * Nhớ Phan Bá Thụy Dương






  
 (Kỷ niệm lần tái ngộ sau hơn một nửa thế kỹ 1958-2009)           


Nhớ đến bạn già mà lòng ta ngán ngẫm
Nặng nhẹ bao lần như đàn khảy tai trâu
Miệng phập phì phèo, nặc nồng mùi khói tỏa
Mắt mở mơ màng, trầm mặc cuộc bễ dâu!
Mãi miết rong chơi, trăm đường thành ngõ cụt

Chợt đến chợt đi, chén rượu nồng ấm lòng tri kỹ 
Chiếc bóng phiêu bồng - Đất địa hóa chân không
Ngoảnh mặt nhìn người, hổ phận mình quốc phá gia vong
Nhàn tản nghêu ngao, khéo vẽ chuyện trên trời dưới đất 

Trích tiên tại thế, vấy bụi trần hụp lặn kiếp đam mê! 
Nay quỳnh tương đối ẩm, mai hương sắc giao kề
Lỡ ngồi ôm góc núi, mỉm môi cười nhân thế
Ánh dương quan rực rỡ, sao lại lạc đường về?

Trời xanh chơi ác,
Tuổi thơ ngổ ngáo, già lại ngu ngơ
Trầm thân vào chốn bụi mờ
Bạc đầu lưu lãng làm thơ gọi tình
Xá gì đến chuyện trọng khinh
Cuộc đời điên đảo nhục vinh xoay chiều

Trong tâm thức vết hằn xưa âm ỉ
Cửa tâm tư còn rỉ máu chưa khô
Sức cùng tâm kiệt thực tại hư vô
Mang đánh võng một vòng chơi hạ giới

Phan Dong Ly - Melbourne 7/12


Sunday, July 15, 2012

mhhoàilinhphương * Hạ buồn… bóng nhỏ và tôi…



Hồ Hữu Thủ


Cánh cửa khép lại sau lưng, school-bag trên vai, bước ra khỏi nhà, tôi vừa đi, vừa khóc. Những giọt nước mắt thầm lặng vẫn ứa ra, những lần tôi – con Ốc Hương của Bắc Bình, con Dế Mèn của Bố Mẹ, và cô bé Lọ Lem của anh Kha thấy mình đang buông tay quỵ ngã.

Ngày nào tôi cũng đi biểu tình đình công bốn tiếng đồng hồ với bạn bè ở nơi làm việc, rồi mới đến trường. Cười nói với Rainbow, ca hát với Lynn và hô to khẩu hiệu với Ester. Riêng Bryan luôn ôm chặt tôi những lúc chào nhau hay thay cho lời từ biệt. “ Stay strong together and…poor together…” Tôi thèm cái hồn nhiên ở những người bạn Mỹ, để một khắc giây nào đó cũng đủ lãng quên đời…
Những sáng, những chiều dầm mưa trên phố, những ngày, những đêm sương lạnh gió lùa. Tôi úp mặt xuống bàn khi trên màn ảnh computer những con số bắt đầu nhảy múa, rối ren. Lớp học chiều nay, Wagner – coach của tôi – không đến, nhắn lại một message cho tôi vì đi họp bất ngờ, nên hủy bỏ cái hẹn chuẩn bị Final Test cho tôi.

Bóng nắng ngã dài lung linh ngoài khung cửa kính. Mùa hạ vàng đã đỏ trên những cành cây. Và cứ thế, từng mùa, rồi từng mùa… Có phải đã qua bao nhiêu mùa mưa nắng ở vùng đất tạm dung trong quãng đời lưu lạc? Tôi nghe tim mình nghẹn đắng. Đã nửa năm không cầm viết. Hơn nửa năm rồi với những hệ lụy của văn chương. Tôi tưởng mình đã chết đi với những nghiệt oan của môi cười gian trá, của những dấu che tình nghĩa bọt bèo…

Nửa khuya, một ngày cuối năm âm lịch, từ một nơi chốn bộn bề công việc trở về, tôi ngỡ ngàng im sững nhận thư của anh Kha – lá thư lạ của một người thân. Là một cảm giác bàng hoàng, thảng thốt, là những lằn tên săn đuổi một con thú hoang suốt đời quẩn quanh, lầm lũi ở một cánh rừng thưa. Tôi phải đứng dựa vào bờ tường cho mình khỏi ngã. Và không nhớ bao nhiêu lâu như thế nữa… Vai tôi ướt đẫm. Mồ hôi hay nước mắt của một đêm mùa đông lạnh giá ở âm độ 15. Tôi rùng mình. Tôi không thể tin vào mắt mình. Những trang thư kia là của anh Kha, của một tình anh em hơn ba mươi năm gắn bó. Nhưng làm sao khác hơn được? Làm sao tôi có thể lầm lẫn nét chữ của anh? – Những trang thư dài một thời niên thiếu. Từ Saigon ra Ba-Ngòi, rồi trở về Dalat, Cam-Ranh. Tôi thương anh như thương chính tuổi thơ mình. Con đường Gia-Long với hàng me xanh lá. ..


Có những buổi tan trường về, tìm anh không thấy, tôi nói với với anh: “ Bé định vào rạp Long-Phụng xem phim Ấn-Độ để chờ anh.”  Anh trừng mắt nhìn tôi: “ Đi ngang qua không thấy anh, thì ghé vô, bỏ lá thư vào ngăn tủ, rồi về nhà ngay. Không có lang thang, sẽ ăn đòn nghe không cô bé? “ – “ Nhưng bé đang giận mẹ, nên bỏ cơm từ chiều qua. Vừa đói, vừa tức, ngủ không được. Quên học bài. Sáng nay vào lớp không thuộc Récitation: “ Le corbeau et le renard” của La Fontaine. Soeur Marie Christiane ngạc nhiên, cứ gặng hỏi hoài. Thế nào Soeur cũng gửi sổ liên lạc về cho Ba Mẹ…”

Tôi vừa ngậm ô mai, vừa kể cho anh nghe những nỗi lo lắng, vẩn vơ của một cô bé con nhận ra mình bắt đầu lớn.
“ Không con cà, con kê nữa. Lên xe ngay, anh chở vào Chợ-Lớn ăn mì, rồi về nhà, xin lỗi Ba Mẹ, sau đó học bài, rồi đi ngủ sớm. Có nghe anh dặn dò chưa?”

Cô bé 14 tuổi, con gái trường Soeur, áo đầm trắng trinh nguyên, trong sáng như một thiên thần, quên ngay những giọt nước mắt vu vơ, đầu đời, thơ dại, cười khúc khích trên yên xe của anh, và chỉ cho anh xem những “ người đẹp “ của anh khi xe ngừng ở những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ.

Anh em chúng tôi thường vào mì La-Kay ở đường Nguyễn Tri Phương Chợ Lớn vì anh Kha biết tôi mê món đu đủ ngâm chua ngọt dầm tương đen, tương đỏ, kèm theo những thau nhỏ nghêu, sò, ốc, hến… mời gọi hấp dẫn trước cửa bước vào.
Anh Kha hỏi tôi: “ Cái gì đã xảy ra cho bé? “ Tôi ngập ngừng: “ Ba đọc những bài thơ Phương Khúc của Ái Phương Cơ viết cho bé trên báo. Ba giận dữ. Từ nay bé sẽ không được làm thơ nữa. Và Mẹ có bổn phận phải kiểm soát tất cả thư từ của bất cứ ai gửi về cho bé.” “ Ái Phương Cơ là bạn anh. Để anh nói cho nó biết. Bé chỉ 14 tuổi, bằng cái hạt tiêu. Đừng mơ mộng lẩm cẩm. Có vác gạo nuôi cũng biết chừng nào mới lớn? Tuần này VNTP đăng đến Phương Khúc 15 rồi phải không? “

Tôi gật đầu. Ái Phương Cơ nói với tôi, 15 bài thơ Phương Khúc như một chút quà mừng sinh nhật cho nàng thơ sắp tròn 15 tuổi, với trọn tình anh – một người lính đóng quân ở thung lũng La Ngà mây ngút mắt, bốn mùa nghe gió núi, thương một loài hoa tím dại không tên…

Trong cái đầu bé xíu của tôi, nghe ông cụ tôi răn đe, tôi sợ điếng hồn. Thật ra, những ngày tháng ấy, có rất nhiều người ngộ nhận về tôi. Đọc thơ tôi đăng báo, họ cứ tưởng tôi phải là một thiếu nữ già dặn chuyện tình yêu, với bóng dáng thướt tha, mơ màng “ Em là gái bên song cửa” để họ “ Anh là mây bốn phương trời”, một hình ảnh đẹp lãng mạn trong thơ Lưu Trọng Lư. Cho nên, lãng đãng trong mơ mộng viễn vông, biết bao nhiêu bài thơ xướng,họa và những người lính tiền đồn viết thư về xin được làm quen. Có một lần có một độc giả dân kaki từ miền địa đầu giới tuyến về tìm tôi. Tôi quần short, chân đất, tóc ngắn con trai, vừa đi, vừa huýt sáo ra mở cửa. Họ thất vọng dò hỏi: “ Có “ chị” Dã Thụy ở nhà không bé? “ Nghe vậy, mừng rỡ sẵn trớn tôi lắc đầu luôn cho tiện việc sổ sách. “ Bé nhớ về nói lại,có anh ở mãi Đông Hà ghé thăm…”

Người lính bỏ đi, tôi che miệng cười rúc rích, chẳng biết mình có ác không, nhưng mình con gái vẫn có cái quyền đó – thứ ba…học trò mà!

Trong khi đó, ngày hai buổi, tôi vẫn chân sáo vô tư, hồn nhiên đến lớp. Ô mai me và bò khô lúc nào cũng chất đầy trong cặp. Đến giờ Giáo-Lý của cha C., lôi ra phân phát cho bạn bè, vừa nhai, vừa cười khúc khích cho đỡ ngủ gục khi nghe Cha giảng chuyện thiên đường, địa ngục hai bên…

Ngược lại, một trường hợp ly kỳ khác, một anh chàng đôc giả ái mộ thơ văn tuổi ngọc, nên xin được liên lạc với “ nàng thơ”. Đến khi “nàng thơ” hồi âm, nhìn thấy nét chữ “nàng thơ” cứng cỏi, ngang tàng, khí phách quá, đâm hoảng, đa nghi phán rằng: “ Nét chữ đầy nam tính của cô đã tố cáo cô là một đấng mày râu đội lốt nữ nhi với một bút hiệu và một giọng thơ dịu dàng ru ngủ chúng tôi vào mộng mị, bởi nét chữ viết này không thể nào có được ở một cô bé chưa đầy 15 tuổi. Xin cô đừng tiếp tục lừa dối chúng tôi thêm nữa…”

Bạn bè và tôi một phen cười bò, bàn tán xôn xao, vì chuyện khó tin nhưng có thật Vành Khuyên pha trò: “ Ê, Dã Thụy, mi “ tự thú” với lão mi là…” con trai” đi, cho lão lên mây xanh trong nghề làm lốc cốc tử, mai mốt đi bói bài cho bàn dân thiên ha, xem chừng nào “… Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta… “.

Ngày hôm sau, tan lớp, thấy anh Kha và một ông bạn nhảy dù của anh ngồi uống đậu đỏ, bánh lọt chờ tôi ở hàng bông giấy trước cổng trường. Anh Kha bảo tôi:  “Hôm nay có lệnh cấm quân, Ba không đón bé được đâu. Anh đưa bé về, và còn cho thằng bạn anh về đơn vị của nó.”
“ Anh Kha này, bé đã 15 tuổi, bé lớn rồi. Đừng gọi bé là bé nữa, tụi bạn bé cười.”
“ Đứa nào cười hở mười cái răng, nhớ nói cho anh biết. Cho dù bé có lên đến 70 tuổi, thì với anh, bé vẫn là bé, là cô bé - em anh suốt đời, mãi mãi nghe không? “
Tôi đuối lý, đành im lặng, nhưng cảm thấy thương anh Kha nhiều hơn. Anh đã chăm sóc lo lắng cho tôi như cho chính đứa em gái ruột của mình, dù không liên hệ họ hàng, thân tộc. Có lẽ không ai tin giữa anh em chúng tôi có một mối dây ràng buộc trong sáng và đầy thánh thiện. Tôi vẫn kể cho anh nghe mọi chuyện quanh mình, chuyện nhà, chuyện lớp. Và anh thường tâm sự với tôi về một tình yêu thanh khiết chỉ: “ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư “ với một người con gái Gia-Long mang tên một loại hoa Quỳnh trắng nở rực giữa khuya. Và “ Chú Thu” ở Dalat của anh sau đó, cũng đi lấy chồng, kể cả…tiếng hát học trò một thời thơ mộng cũng đã chắp cánh bay xa…

Tôi thương anh chuyện tình yêu lận đận, và cầu mong cho anh có một bến đời yên. Lo sợ chuyện thơ văn,báo bổ ảnh hưởng chuyện học hành, thi cử, anh thường khuyên tôi gắng học, đừng để hồn lang thang bên ngoài khung cửa lớp…
Tôi lớn lên dần theo năm tháng của vận nước điêu linh. Anh em tôi không còn gần bên nhau nữa. Con sông xưa của một khoảng trời thơ ấu, cũng đã bên lở, bên bồi. Kỷ niệm cho dù có đẹp thì cũng chỉ là kỷ niệm. Có ai đứng lại hoài mãi được ở một sân ga cũ để mong đợi chuyến tàu xưa? …

Tôi biết anh đã chọn được một chỗ dừng chân sau bao tháng năm phiêu lãng, một bến đời yên vui, hạnh phúc. Còn anh, vẫn mong tôi thành danh, đỗ đạt, sẽ đi cùng được một đường với Bắc Bình, cây tùng bách tôi đã trân trọng, yêu thương.

Tôi vẫn nghĩ trong đời tôi, chưa có người đàn ông nào thương và hiểu tôi như anh Kha đã hiểu, và tôi cũng chưa thương và quý ai như tôi đã dành trọn cho anh. Tôi hãnh diện ở một chân tình “ Đào Viên kết nghĩa “. Con đường lá me Gia-Long, nơi anh làm việc vẫn theo tôi suốt bao nhiêu mùa mưa nắng trong một ký ức xa của quá khứ ngọt ngào. Những trái ổi dầm chợ Cũ, những bịch sirop đá nhận, những đồng tiền mừng tuổi mới anh đã cho tôi ở một khoảng trời xa, đã là một niềm an ủi vô biên khi quê nhà đau thương nhuộm đỏ.
Rồi sau đó là lưu lạc, nổi trôi…

Mười tám năm sau, khi ngỡ ngàng chúng tôi gặp lại nhau, tóc anh Kha đã bạc, đã có một hạnh phúc riêng tư, nhưng vẫn không thôi có những băn khoăn của kiếp người lưu vong, tủi nhục. Và tôi, đã qua một thời áo lụa ngà thiếu nữ, tiếng thơ trong vút bay cao, mượt mà tình yêu khi quê nhà chinh chiến.

Tôi đã kể cho anh nghe về Saigon, sau khi anh rời bỏ, kể cho anh nghe về một người đã chia xẻ với tôi trong một đoạn đời đá nát, vàng phai. Nhưng tất cả những thứ đó vẫn không thể giữ chân tôi trong một ngục tù kiên cố giam cầm. Tôi vẫn phải lìa bỏ, ra đi. Anh vẫn với giọng ôn tồn điềm đạm như xưa: “ Sao Lọ Lem ác vậy? Bây giờ người ấy ra sao? “ Tôi cười buồn: “ Không sao hết. Con thuyền đã có một bến đậu. Quên Lọ Lem. Anh thấy không, ai rồi cũng sống hết được đời mình. Mọi thứ đã qua đi, như Bergson đã nói, không ai có thể tắm hai lần trên cùng một giòng nước cũ..”

Tôi trả lại cho anh những tấm hình một thời tuổi trẻ anh đã tặng tôi, để cất giữ vào lưu niệm gia đình, mà ngày 30 tháng 4 ra đi vội vàng, tất cả đã bị thiêu hủy. Anh khen tôi là một người quản gia chu đáo, có thể tin cậy được để giao việc coi sóc cửa nhà, nên anh lại nhờ tôi giữ tiếp cho anh những vụn vặt ở bên kia bờ kỷ niệm. Tôi cười cười, rồi bé cũng phải có đời mình, chứ đâu có ngồi đó giữ mãi “bảo vật gia truyền “ của anh được đâu?  Anh bỗng nghiêm trang, thở dài: “ Rồi cuối đời, chị Mỵ sẽ vào chùa, đó là tâm nguyện của chị ấy. Chừng đó cô phải nuôi tôi. Nhớ đừng quên nói với người bạn đời, cô còn một ông anh từ thời niên thiếu. Cho anh ở một cái xó xỉnh nào đó trong nhà cô cũng được, miễn là anh em còn được gần nhau. Anh bao giờ cũng mong cô hạnh phúc. “ Tôi nước mắt rưng rưng, gật đầu tôi hứa. Lời hứa linh thiêng như một lời nguyền, không biết rằng sau này… tôi đã vẫy vùng trong mối dây oan nghiệt, và ám ảnh theo Kha, người bội ước như một bóng ma…

Bởi tôi định cư ở một thành phố buồn đèo heo hút gió, nên anh thường gửi sách cho tôi đọc. Những thùng sách lớn làm nặng tay người bưu điện già, mà tôi cảm thấy ái ngại, khi tiếng chuông điện thoại ở cổng réo gọi “ Mail Man “. Quả thật như vậy, với anh, tôi vẫn biết mình chưa lớn. Có lần tôi nói: “ Anh Kha này, nhận cái thùng của anh bự quá, mà mở ra không có gì ăn được hết trơn.” Anh cười qua điện thoại: “ Nghĩa là, vẫn chưa hết ăn vặt? Bây giờ còn mê chocolate không?” (Nghe anh nhắc, tôi còn nhớ những ngày còn học Báo Chí ở quê nhà, bạn bè lười đến lớp, thường “ lo lót “ chocolate để tôi lấy cours giùm.” “ Ăn chocolate nhiều, sẽ mập đó nghe không? “ “ Anh yên chí, không diet, nhưng em anh vẫn dậm chân tại chỗ 90 pounds sau nhiều năm ở Mỹ. Mấy đứa bạn Mỹ làm chung vẫn chạy theo hỏi hoài, mày ăn gì mà gầy vậy, chỉ cho tao với. Mỗi ngày tao ăn cơm với cá, ăn cà với dưa… Với tofu thường xuyên và mắm tôm, rau muống. Dù muốn cách mấy,kiếp sau tụi mày cũng chưa ăn được theo cái regime này.”

Và cảm động biết bao nhiêu, mùa Noel tới, anh đã cặm cụi gửi cho tôi một thùng cốc và ổi còn tươi dòn, xanh mướt lá, cùng với một gói muối ớt đã rang khô:
“Món quà Giáng Sinh độc đáo nhất thế kỷ, mà chỉ có anh Kha còm thực hiện được mà thôi!”

Đọc những giòng thư anh, tôi ứa nước mắt. Sao anh vẫn còn thương tôi nhiều đến như vậy? Đứa em gái của anh, đứa em gái một đời lận đận, truân chuyên. Trời chỉ cho tôi một chút tài mọn về văn chương để đa mang nhiều hệ lụy, rồi lấy lại tất cả, tình yêu, tương lai, hạnh phúc… Tôi chỉ còn anh, niềm an ủi còn lại sau cùng và duy nhất. Tôi nghĩ, sẽ không bao giờ mất dù anh có chết đi..

Những người bạn của anh lần lượt nằm xuống ở Peek Family, anh cũng bị dao động theo chuyện tử sinh, - chán nản, mệt mỏi nói với tôi về những mong manh, tạm bợ của một kiếp người. Anh dăn dò tôi nếu đang có một dự tính nào hãy thực hiên ngay đi, anh sẽ phụ giúp cho, lỡ ngày sau … anh không còn lo gì được nữa..
Sao anh nói gì như những lời tuyệt mệnh? Còn hay mất, một cõi đi về nào có nghĩa gì đâu?

Tôi biết anh, như anh đã biết tôi. Năm tháng trôi trên xứ người, nơi chốn mà tình cảm là một thứ gì hiếm quý hơn cả tiền bạc, không dễ gì ai mang đến để tặng riêng ai.

Tôi vẫn đến trường, để bắt đầu lại đời mình một lần nữa. Anh Kha hỏi thăm tôi đủ thứ chuyện khi chúng tôi có dịp nói với nhau. Chuyện trường, chuyện sở, chuyện nhân vật Toàn có thật hay không trong những tùy bút đẫm nước mắt của tôi, và cả Wagner – coach của tôi – người thầy Mỹ, đã dìu dắt tôi trên bước đường học hành hiện tại. Wagner có một tâm hồn sâu lắng, tận tụy với nghề nghiệp, và có một tấm lòng tình nghĩa rất đổi Việt-Nam. Thân thiết với chị em tôi, giới thiệu cho chúng tôi những quyển sách hay, những phim cần phải thưởng thức, những bản nhạc loại “ My heart will go on “, mà mỗi lần nghe tới vẫn xúc động, bồi hồi. Yêu thích những món ăn, và phong tục , tập quán của người VN, từ cưới hỏi đến lễ nghi thường thức, Wagner có ý muốn du lịch VN, và dặn dò chúng tôi nếu có dịp về, đừng quên Wagner rất mong được cùng đi đến đó. Nhưng người thầy vẫn chỉ là một người thầy, cái biên giới đã có, chị em tôi yêu mến và kính trọng Wagner như những ngày đầu tập đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư  “ Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”.

Anh Kha thở dài, có vẻ suy nghĩ về những điểu tôi kể. Anh vẫn theo dõi bước tôi đi, dù đứa em gái không còn nữa ở tuổi chập chững bước vào đời.

Nhưng sao bây giờ lá thư định mệnh này nghiến nát lòng tôi. Trên ý tôi mong. Trên hồn tôi nghĩ. Có thể nào không anh Kha, người anh trai tôi vẫn kính trọng, thương yêu, chỉ là một phường vô liêm sĩ, chà đạp nghĩa nhân? Bàn dân thiên hạ, ai cũng có thể hèn hạ mang giả trá cho nhau để thủ thế cho mình, và bon chen danh lợi. Nhưng ngoại trừ anh Kha,- anh trai tôi - không có quyền bôi mặt để lừa đảo đứa em gái mình, dù chỉ là một thủ thuật riêng để mưu cầu hạnh phúc. Thì ra…anh Kha vẫn là một con người phàm tục, không phải thần, không phải thánh, bình thường đến tầm thường, đáng phỉ nhổ hơn cả những điều phải được phỉ nhổ. Có thể nào như thế này không? Tôi đã làm gì tội tình để anh phải bẻ cong một sự thật, phải đòn phép đóng kịch với tôi? “ Bắt buộc tôi phải viết lá thư này cho cô, tôi không thể nào liên lạc với cô được nữa, bởi tôi là một người đàn ông đã có vợ, tôi vô cùng ân hận và xấu hổ, vì đã có lỗi với vợ tôi. Vợ tôi ghen tuông và không hài lòng khi đọc bài thơ cô viết cho tôi và xưng là “ bé “…”

Tôi đã cười khẩy một mình, vì không ngờ tên đàn ông hèn nhát này suốt bao nhiêu năm lại là ông anh đáng kính của tôi, mà tôi đã vụng tin vào lời đầu môi từ một thời mới lớn. Tại sao và tại sao? Nếu sự có mặt của tôi đã tạo nên những đám mây mù, những cơn giông bão trong đời sống riêng anh, thì Kha ạ, có cần thiết đâu phải dựng nên một vở bi hài kịch mà anh là một diễn viên kệch cỡm không diễn xuất trọn vai trò. Bởi tôi – Lọ Lem, luôn luôn còn một góc tối dành sẵn cho mình, cúi mặt ngậm câm trước những đổi thay, thu mình lặng yên quên đi môi cười gian trá. Sao ta không thể dành cho nhau những gì ngọt nồng, êm ả như ngày mớt biết cho đến lúc lìa nhau? Sao ta không đứng trên những thường tình của nhân thế? Tôi – con Ốc Hương sẽ mãi mãi âm thầm trong hai tầng vỏ cứng để trả lại cho anh một trời xanh hạnh phúc, một cõi ước mơ bình dị trong đời. Tôi đau đớn cười khan, bởi chỉ có tôi – một con bé con khờ khạo, ngu ngơ, đáng thương, tội nghiệp, tin vào chuyện kết nghĩa Vườn Đào của người xưa, liều lĩnh chấp nhận một người đàn ông xa lạ, không liên hệ huyết thống làm anh ruột của mình, cho anh kiêu hãnh say men thắng cuộc trong trò chơi tranh tài một thế cờ cao thấp hơn thua.

Anh can đảm quá, anh Kha, khi tự sỉ nhục tình cảm thuần khiết của anh em mình, khi anh hiểu rõ chưa bao giờ ta dành cho nhau tình yêu đôi lứa.Tôi còn yêu Bắc Bình đến mềm môi nước mắt, còn mong ngóng người về dù trong tuyệt vọng xót xa.  Cũng cám ơn anh đã dạy cho tôi biết tình nghĩa hơn ba mươi năm chỉ là bọt bèo, sương khói, một phút đã tan, một giờ đã mất trong cái bãn ngã cá nhân vị kỷ muôn trùng.

Xin hãy tự hỏi mình, sao bài thơ tôi viết cho anh với tâm tình một đứa em xưa, khi  đươc báo đăng, anh không bao giờ thắc mắc. Rồi cũng chính anh đã tự ý cho in vào tuyển tập riêng mình bằng cả hãnh diện, yêu thương.” Bé cần bao nhiêu quyển anh sẽ gửi cho vì bé như một tấm gương soi, cho anh nhìn thấy lại anh cả một khung trời kỷ niệm…”

Thưa anh Kha, sự nghiệp của một người văn nghệ sĩ để lại cho đời không phải chỉ ở những tác phẩm, và chiều dài sáng tác, mà còn ở cung cách sống. Đứa em gái đã trở thành một vật hy sinh, thì sá gì tình thâm giao, bằng hữu? Thẳm sâu trong lòng một tên cướp vẫn còn ẩn nấp một lòng nhân. Và kẻ tàn phá nhất chính là kẻ ước mơ hàn gắn nhất. Còn anh…sẽ được phán xét ở một ngày nào nhắm mắt, buông tay.

Bánh xe cũ kỹ rồi phải bỏ lại sau lưng, trong cuộc hành trình đi về phiá trước. Chẳng có một lý do gì tôi còn tiếc nuối, ngậm ngùi về một vết hằn từng  làm đau buốt trái tim. Người đâu còn được hưởng nhiều đặc ân trong đời ta đến thế? Đến và đi, sum họp hay chia ly, thôi cũng chuyện vô thường.
Tôi đã rời bỏ một nơi chốn cũ. Một địa chỉ mới. Một nơi ẩn khuất lặng câm. Cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài. Mùa đông đã qua. Mùa hè đã tới. Nhưng tôi bóng nhỏ một mình, có còn lại gì không khi hoa cúc mùa xuân đã lụi tàn kỷ niệm.
Tôi cười vang vang khi chợt hiểu không còn ai bên kia đời để chờ đợi ngóng trông.


M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG

TRẦN VẤN LỆ * Thứ Bảy Ngẩn Ngơ







Hôm nay Thứ Bảy!  Mình nhớ Thời Gian.  Nói thế với Nàng, ôi mùa Xuân cũ… Em còn đang ngủ.  Trong mơ nghe chăng:  tiếng chim hót gần, sát bên cửa sổ? Và em ơi gió, gió khua bình minh, khúc nhạc ân tình, muôn hoa ngước mặt…

Ngày xưa Đà Lạt, gió thơm ngọn đồi, nắng thơm môi người, anh hôn em nhẹ… Đừng thời dâu bể, lòng không tan hoang…Hai chữ Đá Vàng, cảm ơn chưa vỡ! Sáng nay anh nhớ bàn tay em hồng, một chiếc lá thông cầm lên em cắn… Thứ Bảy trời nắng…Cửa sổ phòng em, khép còn che rèm, ngủ ngon em nhé…

Mình hôn thật nhẹ chiếc lá còn sương.  Mình nhớ Thời Gian, gọi nàng nho nhỏ… Con chim song cửa vừa vỗ cánh bay, nó mang theo ngày về đâu sông suối… Tiếng chuông chới với bay theo chim bay.  Phật Chúa vì ai lòng đầy thương mến? Em ơi lưu luyến từng bước Thời Gian.  Em ơi miên man là lòng anh nhớ…


Tran Van leTemple City 07/12