|
Hồ Hữu Thủ |
Cánh cửa khép lại sau lưng,
school-bag trên vai, bước ra khỏi nhà, tôi vừa đi, vừa khóc. Những giọt nước
mắt thầm lặng vẫn ứa ra, những lần tôi – con Ốc Hương của Bắc Bình, con Dế
Mèn của Bố Mẹ, và cô bé Lọ Lem của anh Kha thấy mình đang buông tay quỵ ngã.
Ngày nào tôi cũng đi biểu tình đình
công bốn tiếng đồng hồ với bạn bè ở nơi làm việc, rồi mới đến trường. Cười
nói với Rainbow, ca hát với Lynn và hô to khẩu hiệu với Ester. Riêng Bryan
luôn ôm chặt tôi những lúc chào nhau hay thay cho lời từ biệt. “ Stay strong
together and…poor together…” Tôi thèm cái hồn nhiên ở những người bạn Mỹ, để
một khắc giây nào đó cũng đủ lãng quên đời…
Những sáng, những chiều dầm mưa trên
phố, những ngày, những đêm sương lạnh gió lùa. Tôi úp mặt xuống bàn khi trên
màn ảnh computer những con số bắt đầu nhảy múa, rối ren. Lớp học chiều nay,
Wagner – coach của tôi – không đến, nhắn lại một message cho tôi vì đi họp bất
ngờ, nên hủy bỏ cái hẹn chuẩn bị Final Test cho tôi.
Bóng nắng ngã dài lung linh ngoài
khung cửa kính. Mùa hạ vàng đã đỏ trên những cành cây. Và cứ thế, từng mùa, rồi
từng mùa… Có phải đã qua bao nhiêu mùa mưa nắng ở vùng đất tạm dung trong
quãng đời lưu lạc? Tôi nghe tim mình nghẹn đắng. Đã nửa năm không cầm viết.
Hơn nửa năm rồi với những hệ lụy của văn chương. Tôi tưởng mình đã chết đi với
những nghiệt oan của môi cười gian trá, của những dấu che tình nghĩa bọt bèo…
Nửa khuya, một ngày cuối năm âm lịch,
từ một nơi chốn bộn bề công việc trở về, tôi ngỡ ngàng im sững nhận thư của
anh Kha – lá thư lạ của một người thân. Là một cảm giác bàng hoàng, thảng thốt,
là những lằn tên săn đuổi một con thú hoang suốt đời quẩn quanh, lầm lũi ở một
cánh rừng thưa. Tôi phải đứng dựa vào bờ tường cho mình khỏi ngã. Và không nhớ
bao nhiêu lâu như thế nữa… Vai tôi ướt đẫm. Mồ hôi hay nước mắt của một đêm
mùa đông lạnh giá ở âm độ 15. Tôi rùng mình. Tôi không thể tin vào mắt mình.
Những trang thư kia là của anh Kha, của một tình anh em hơn ba mươi năm gắn
bó. Nhưng làm sao khác hơn được? Làm sao tôi có thể lầm lẫn nét chữ của anh?
– Những trang thư dài một thời niên thiếu. Từ Saigon ra Ba-Ngòi, rồi trở về
Dalat, Cam-Ranh. Tôi thương anh như thương chính tuổi thơ mình. Con đường
Gia-Long với hàng me xanh lá. ..
Có những buổi tan trường về, tìm anh
không thấy, tôi nói với với anh: “ Bé định vào rạp Long-Phụng xem phim Ấn-Độ
để chờ anh.” Anh trừng mắt nhìn tôi: “
Đi ngang qua không thấy anh, thì ghé vô, bỏ lá thư vào ngăn tủ, rồi về nhà
ngay. Không có lang thang, sẽ ăn đòn nghe không cô bé? “ – “ Nhưng bé đang giận
mẹ, nên bỏ cơm từ chiều qua. Vừa đói, vừa tức, ngủ không được. Quên học bài.
Sáng nay vào lớp không thuộc Récitation: “ Le corbeau et le renard” của La
Fontaine. Soeur Marie Christiane ngạc nhiên, cứ gặng hỏi hoài. Thế nào Soeur
cũng gửi sổ liên lạc về cho Ba Mẹ…”
Tôi vừa ngậm ô mai, vừa kể cho anh
nghe những nỗi lo lắng, vẩn vơ của một cô bé con nhận ra mình bắt đầu lớn.
“ Không con cà, con kê nữa. Lên xe
ngay, anh chở vào Chợ-Lớn ăn mì, rồi về nhà, xin lỗi Ba Mẹ, sau đó học bài, rồi
đi ngủ sớm. Có nghe anh dặn dò chưa?”
Cô bé 14 tuổi, con gái trường Soeur,
áo đầm trắng trinh nguyên, trong sáng như một thiên thần, quên ngay những giọt
nước mắt vu vơ, đầu đời, thơ dại, cười khúc khích trên yên xe của anh, và chỉ
cho anh xem những “ người đẹp “ của anh khi xe ngừng ở những ngã tư đèn xanh,
đèn đỏ.
Anh em chúng tôi thường vào mì
La-Kay ở đường Nguyễn Tri Phương Chợ Lớn vì anh Kha biết tôi mê món đu đủ
ngâm chua ngọt dầm tương đen, tương đỏ, kèm theo những thau nhỏ nghêu, sò, ốc,
hến… mời gọi hấp dẫn trước cửa bước vào.
Anh Kha hỏi tôi: “ Cái gì đã xảy ra
cho bé? “ Tôi ngập ngừng: “ Ba đọc những bài thơ Phương Khúc của Ái Phương Cơ
viết cho bé trên báo. Ba giận dữ. Từ nay bé sẽ không được làm thơ nữa. Và Mẹ
có bổn phận phải kiểm soát tất cả thư từ của bất cứ ai gửi về cho bé.” “ Ái
Phương Cơ là bạn anh. Để anh nói cho nó biết. Bé chỉ 14 tuổi, bằng cái hạt
tiêu. Đừng mơ mộng lẩm cẩm. Có vác gạo nuôi cũng biết chừng nào mới lớn? Tuần
này VNTP đăng đến Phương Khúc 15 rồi phải không? “
Tôi gật đầu. Ái Phương Cơ nói với
tôi, 15 bài thơ Phương Khúc như một chút quà mừng sinh nhật cho nàng thơ sắp
tròn 15 tuổi, với trọn tình anh – một người lính đóng quân ở thung lũng La
Ngà mây ngút mắt, bốn mùa nghe gió núi, thương một loài hoa tím dại không
tên…
Trong cái đầu bé xíu của tôi, nghe
ông cụ tôi răn đe, tôi sợ điếng hồn. Thật ra, những ngày tháng ấy, có rất nhiều
người ngộ nhận về tôi. Đọc thơ tôi đăng báo, họ cứ tưởng tôi phải là một thiếu
nữ già dặn chuyện tình yêu, với bóng dáng thướt tha, mơ màng “ Em là gái bên
song cửa” để họ “ Anh là mây bốn phương trời”, một hình ảnh đẹp lãng mạn
trong thơ Lưu Trọng Lư. Cho nên, lãng đãng trong mơ mộng viễn vông, biết bao
nhiêu bài thơ xướng,họa và những người lính tiền đồn viết thư về xin được làm
quen. Có một lần có một độc giả dân kaki từ miền địa đầu giới tuyến về tìm
tôi. Tôi quần short, chân đất, tóc ngắn con trai, vừa đi, vừa huýt sáo ra mở
cửa. Họ thất vọng dò hỏi: “ Có “ chị” Dã Thụy ở nhà không bé? “ Nghe vậy, mừng
rỡ sẵn trớn tôi lắc đầu luôn cho tiện việc sổ sách. “ Bé nhớ về nói lại,có
anh ở mãi Đông Hà ghé thăm…”
Người lính bỏ đi, tôi che miệng cười
rúc rích, chẳng biết mình có ác không, nhưng mình con gái vẫn có cái quyền đó
– thứ ba…học trò mà!
Trong khi đó, ngày hai buổi, tôi vẫn
chân sáo vô tư, hồn nhiên đến lớp. Ô mai me và bò khô lúc nào cũng chất đầy
trong cặp. Đến giờ Giáo-Lý của cha C., lôi ra phân phát cho bạn bè, vừa nhai,
vừa cười khúc khích cho đỡ ngủ gục khi nghe Cha giảng chuyện thiên đường, địa
ngục hai bên…
Ngược lại, một trường hợp ly kỳ
khác, một anh chàng đôc giả ái mộ thơ văn tuổi ngọc, nên xin được liên lạc với
“ nàng thơ”. Đến khi “nàng thơ” hồi âm, nhìn thấy nét chữ “nàng thơ” cứng cỏi,
ngang tàng, khí phách quá, đâm hoảng, đa nghi phán rằng: “ Nét chữ đầy nam tính
của cô đã tố cáo cô là một đấng mày râu đội lốt nữ nhi với một bút hiệu và một
giọng thơ dịu dàng ru ngủ chúng tôi vào mộng mị, bởi nét chữ viết này không
thể nào có được ở một cô bé chưa đầy 15 tuổi. Xin cô đừng tiếp tục lừa dối
chúng tôi thêm nữa…”
Bạn bè và tôi một phen cười bò, bàn
tán xôn xao, vì chuyện khó tin nhưng có thật Vành Khuyên pha trò: “ Ê, Dã Thụy,
mi “ tự thú” với lão mi là…” con trai” đi, cho lão lên mây xanh trong nghề
làm lốc cốc tử, mai mốt đi bói bài cho bàn dân thiên ha, xem chừng nào “… Gỗ
lim thái ghém thì mình lấy ta… “.
Ngày hôm sau, tan lớp, thấy anh Kha
và một ông bạn nhảy dù của anh ngồi uống đậu đỏ, bánh lọt chờ tôi ở hàng bông
giấy trước cổng trường. Anh Kha bảo tôi:
“Hôm nay có lệnh cấm quân, Ba không đón bé được đâu. Anh đưa bé về, và
còn cho thằng bạn anh về đơn vị của nó.”
“ Anh Kha này, bé đã 15 tuổi, bé lớn
rồi. Đừng gọi bé là bé nữa, tụi bạn bé cười.”
“ Đứa nào cười hở mười cái răng, nhớ
nói cho anh biết. Cho dù bé có lên đến 70 tuổi, thì với anh, bé vẫn là bé, là
cô bé - em anh suốt đời, mãi mãi nghe không? “
Tôi đuối lý, đành im lặng, nhưng cảm
thấy thương anh Kha nhiều hơn. Anh đã chăm sóc lo lắng cho tôi như cho chính
đứa em gái ruột của mình, dù không liên hệ họ hàng, thân tộc. Có lẽ không ai
tin giữa anh em chúng tôi có một mối dây ràng buộc trong sáng và đầy thánh
thiện. Tôi vẫn kể cho anh nghe mọi chuyện quanh mình, chuyện nhà, chuyện lớp.
Và anh thường tâm sự với tôi về một tình yêu thanh khiết chỉ: “ Đứng ngẩn
trông vời áo tiểu thư “ với một người con gái Gia-Long mang tên một loại hoa
Quỳnh trắng nở rực giữa khuya. Và “ Chú Thu” ở Dalat của anh sau đó, cũng đi
lấy chồng, kể cả…tiếng hát học trò một thời thơ mộng cũng đã chắp cánh bay
xa…
Tôi thương anh chuyện tình yêu lận đận,
và cầu mong cho anh có một bến đời yên. Lo sợ chuyện thơ văn,báo bổ ảnh hưởng
chuyện học hành, thi cử, anh thường khuyên tôi gắng học, đừng để hồn lang
thang bên ngoài khung cửa lớp…
Tôi lớn lên dần theo năm tháng của vận
nước điêu linh. Anh em tôi không còn gần bên nhau nữa. Con sông xưa của một
khoảng trời thơ ấu, cũng đã bên lở, bên bồi. Kỷ niệm cho dù có đẹp thì cũng
chỉ là kỷ niệm. Có ai đứng lại hoài mãi được ở một sân ga cũ để mong đợi chuyến
tàu xưa? …
Tôi biết anh đã chọn được một chỗ dừng
chân sau bao tháng năm phiêu lãng, một bến đời yên vui, hạnh phúc. Còn anh, vẫn
mong tôi thành danh, đỗ đạt, sẽ đi cùng được một đường với Bắc Bình, cây tùng
bách tôi đã trân trọng, yêu thương.
Tôi vẫn nghĩ trong đời tôi, chưa có
người đàn ông nào thương và hiểu tôi như anh Kha đã hiểu, và tôi cũng chưa
thương và quý ai như tôi đã dành trọn cho anh. Tôi hãnh diện ở một chân tình
“ Đào Viên kết nghĩa “. Con đường lá me Gia-Long, nơi anh làm việc vẫn theo
tôi suốt bao nhiêu mùa mưa nắng trong một ký ức xa của quá khứ ngọt ngào. Những
trái ổi dầm chợ Cũ, những bịch sirop đá nhận, những đồng tiền mừng tuổi mới
anh đã cho tôi ở một khoảng trời xa, đã là một niềm an ủi vô biên khi quê nhà
đau thương nhuộm đỏ.
Rồi sau đó là lưu lạc, nổi trôi…
Mười tám năm sau, khi ngỡ ngàng
chúng tôi gặp lại nhau, tóc anh Kha đã bạc, đã có một hạnh phúc riêng tư,
nhưng vẫn không thôi có những băn khoăn của kiếp người lưu vong, tủi nhục. Và
tôi, đã qua một thời áo lụa ngà thiếu nữ, tiếng thơ trong vút bay cao, mượt
mà tình yêu khi quê nhà chinh chiến.
Tôi đã kể cho anh nghe về Saigon,
sau khi anh rời bỏ, kể cho anh nghe về một người đã chia xẻ với tôi trong một
đoạn đời đá nát, vàng phai. Nhưng tất cả những thứ đó vẫn không thể giữ chân
tôi trong một ngục tù kiên cố giam cầm. Tôi vẫn phải lìa bỏ, ra đi. Anh vẫn với
giọng ôn tồn điềm đạm như xưa: “ Sao Lọ Lem ác vậy? Bây giờ người ấy ra sao?
“ Tôi cười buồn: “ Không sao hết. Con thuyền đã có một bến đậu. Quên Lọ Lem.
Anh thấy không, ai rồi cũng sống hết được đời mình. Mọi thứ đã qua đi, như
Bergson đã nói, không ai có thể tắm hai lần trên cùng một giòng nước cũ..”
Tôi trả lại cho anh những tấm hình một
thời tuổi trẻ anh đã tặng tôi, để cất giữ vào lưu niệm gia đình, mà ngày 30
tháng 4 ra đi vội vàng, tất cả đã bị thiêu hủy. Anh khen tôi là một người quản
gia chu đáo, có thể tin cậy được để giao việc coi sóc cửa nhà, nên anh lại nhờ
tôi giữ tiếp cho anh những vụn vặt ở bên kia bờ kỷ niệm. Tôi cười cười, rồi
bé cũng phải có đời mình, chứ đâu có ngồi đó giữ mãi “bảo vật gia truyền “ của
anh được đâu? Anh bỗng nghiêm trang,
thở dài: “ Rồi cuối đời, chị Mỵ sẽ vào chùa, đó là tâm nguyện của chị ấy. Chừng
đó cô phải nuôi tôi. Nhớ đừng quên nói với người bạn đời, cô còn một ông anh
từ thời niên thiếu. Cho anh ở một cái xó xỉnh nào đó trong nhà cô cũng được,
miễn là anh em còn được gần nhau. Anh bao giờ cũng mong cô hạnh phúc. “ Tôi
nước mắt rưng rưng, gật đầu tôi hứa. Lời hứa linh thiêng như một lời nguyền,
không biết rằng sau này… tôi đã vẫy vùng trong mối dây oan nghiệt, và ám ảnh
theo Kha, người bội ước như một bóng ma…
Bởi tôi định cư ở một thành phố buồn
đèo heo hút gió, nên anh thường gửi sách cho tôi đọc. Những thùng sách lớn
làm nặng tay người bưu điện già, mà tôi cảm thấy ái ngại, khi tiếng chuông điện
thoại ở cổng réo gọi “ Mail Man “. Quả thật như vậy, với anh, tôi vẫn biết
mình chưa lớn. Có lần tôi nói: “ Anh Kha này, nhận cái thùng của anh bự quá,
mà mở ra không có gì ăn được hết trơn.” Anh cười qua điện thoại: “ Nghĩa là,
vẫn chưa hết ăn vặt? Bây giờ còn mê chocolate không?” (Nghe anh nhắc, tôi còn
nhớ những ngày còn học Báo Chí ở quê nhà, bạn bè lười đến lớp, thường “ lo
lót “ chocolate để tôi lấy cours giùm.” “ Ăn chocolate nhiều, sẽ mập đó nghe
không? “ “ Anh yên chí, không diet, nhưng em anh vẫn dậm chân tại chỗ 90
pounds sau nhiều năm ở Mỹ. Mấy đứa bạn Mỹ làm chung vẫn chạy theo hỏi hoài,
mày ăn gì mà gầy vậy, chỉ cho tao với. Mỗi ngày tao ăn cơm với cá, ăn cà với
dưa… Với tofu thường xuyên và mắm tôm, rau muống. Dù muốn cách mấy,kiếp sau tụi
mày cũng chưa ăn được theo cái regime này.”
Và cảm động biết bao nhiêu, mùa Noel
tới, anh đã cặm cụi gửi cho tôi một thùng cốc và ổi còn tươi dòn, xanh mướt
lá, cùng với một gói muối ớt đã rang khô:
“Món quà Giáng Sinh độc đáo nhất thế
kỷ, mà chỉ có anh Kha còm thực hiện được mà thôi!”
Đọc những giòng thư anh, tôi ứa nước
mắt. Sao anh vẫn còn thương tôi nhiều đến như vậy? Đứa em gái của anh, đứa em
gái một đời lận đận, truân chuyên. Trời chỉ cho tôi một chút tài mọn về văn
chương để đa mang nhiều hệ lụy, rồi lấy lại tất cả, tình yêu, tương lai, hạnh
phúc… Tôi chỉ còn anh, niềm an ủi còn lại sau cùng và duy nhất. Tôi nghĩ, sẽ
không bao giờ mất dù anh có chết đi..
Những người bạn của anh lần lượt nằm
xuống ở Peek Family, anh cũng bị dao động theo chuyện tử sinh, - chán nản, mệt
mỏi nói với tôi về những mong manh, tạm bợ của một kiếp người. Anh dăn dò tôi
nếu đang có một dự tính nào hãy thực hiên ngay đi, anh sẽ phụ giúp cho, lỡ
ngày sau … anh không còn lo gì được nữa..
Sao anh nói gì như những lời tuyệt mệnh?
Còn hay mất, một cõi đi về nào có nghĩa gì đâu?
Tôi biết anh, như anh đã biết tôi.
Năm tháng trôi trên xứ người, nơi chốn mà tình cảm là một thứ gì hiếm quý hơn
cả tiền bạc, không dễ gì ai mang đến để tặng riêng ai.
Tôi vẫn đến trường, để bắt đầu lại đời
mình một lần nữa. Anh Kha hỏi thăm tôi đủ thứ chuyện khi chúng tôi có dịp nói
với nhau. Chuyện trường, chuyện sở, chuyện nhân vật Toàn có thật hay không
trong những tùy bút đẫm nước mắt của tôi, và cả Wagner – coach của tôi – người
thầy Mỹ, đã dìu dắt tôi trên bước đường học hành hiện tại. Wagner có một tâm
hồn sâu lắng, tận tụy với nghề nghiệp, và có một tấm lòng tình nghĩa rất đổi
Việt-Nam. Thân thiết với chị em tôi, giới thiệu cho chúng tôi những quyển
sách hay, những phim cần phải thưởng thức, những bản nhạc loại “ My heart
will go on “, mà mỗi lần nghe tới vẫn xúc động, bồi hồi. Yêu thích những món
ăn, và phong tục , tập quán của người VN, từ cưới hỏi đến lễ nghi thường thức,
Wagner có ý muốn du lịch VN, và dặn dò chúng tôi nếu có dịp về, đừng quên
Wagner rất mong được cùng đi đến đó. Nhưng người thầy vẫn chỉ là một người thầy,
cái biên giới đã có, chị em tôi yêu mến và kính trọng Wagner như những ngày đầu
tập đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư “ Tiên
Học Lễ, Hậu Học Văn”.
Anh Kha thở dài, có vẻ suy nghĩ về
những điểu tôi kể. Anh vẫn theo dõi bước tôi đi, dù đứa em gái không còn nữa ở
tuổi chập chững bước vào đời.
Nhưng sao bây giờ lá thư định mệnh
này nghiến nát lòng tôi. Trên ý tôi mong. Trên hồn tôi nghĩ. Có thể nào không
anh Kha, người anh trai tôi vẫn kính trọng, thương yêu, chỉ là một phường vô
liêm sĩ, chà đạp nghĩa nhân? Bàn dân thiên hạ, ai cũng có thể hèn hạ mang giả
trá cho nhau để thủ thế cho mình, và bon chen danh lợi. Nhưng ngoại trừ anh
Kha,- anh trai tôi - không có quyền bôi mặt để lừa đảo đứa em gái mình, dù chỉ
là một thủ thuật riêng để mưu cầu hạnh phúc. Thì ra…anh Kha vẫn là một con
người phàm tục, không phải thần, không phải thánh, bình thường đến tầm thường,
đáng phỉ nhổ hơn cả những điều phải được phỉ nhổ. Có thể nào như thế này
không? Tôi đã làm gì tội tình để anh phải bẻ cong một sự thật, phải đòn phép
đóng kịch với tôi? “ Bắt buộc tôi phải viết lá thư này cho cô, tôi không thể
nào liên lạc với cô được nữa, bởi tôi là một người đàn ông đã có vợ, tôi vô
cùng ân hận và xấu hổ, vì đã có lỗi với vợ tôi. Vợ tôi ghen tuông và không
hài lòng khi đọc bài thơ cô viết cho tôi và xưng là “ bé “…”
Tôi đã cười khẩy một mình, vì không
ngờ tên đàn ông hèn nhát này suốt bao nhiêu năm lại là ông anh đáng kính của
tôi, mà tôi đã vụng tin vào lời đầu môi từ một thời mới lớn. Tại sao và tại
sao? Nếu sự có mặt của tôi đã tạo nên những đám mây mù, những cơn giông bão
trong đời sống riêng anh, thì Kha ạ, có cần thiết đâu phải dựng nên một vở bi
hài kịch mà anh là một diễn viên kệch cỡm không diễn xuất trọn vai trò. Bởi
tôi – Lọ Lem, luôn luôn còn một góc tối dành sẵn cho mình, cúi mặt ngậm câm
trước những đổi thay, thu mình lặng yên quên đi môi cười gian trá. Sao ta
không thể dành cho nhau những gì ngọt nồng, êm ả như ngày mớt biết cho đến
lúc lìa nhau? Sao ta không đứng trên những thường tình của nhân thế? Tôi –
con Ốc Hương sẽ mãi mãi âm thầm trong hai tầng vỏ cứng để trả lại cho anh một
trời xanh hạnh phúc, một cõi ước mơ bình dị trong đời. Tôi đau đớn cười khan,
bởi chỉ có tôi – một con bé con khờ khạo, ngu ngơ, đáng thương, tội nghiệp,
tin vào chuyện kết nghĩa Vườn Đào của người xưa, liều lĩnh chấp nhận một người
đàn ông xa lạ, không liên hệ huyết thống làm anh ruột của mình, cho anh kiêu
hãnh say men thắng cuộc trong trò chơi tranh tài một thế cờ cao thấp hơn
thua.
Anh can đảm quá, anh Kha, khi tự sỉ
nhục tình cảm thuần khiết của anh em mình, khi anh hiểu rõ chưa bao giờ ta
dành cho nhau tình yêu đôi lứa.Tôi còn yêu Bắc Bình đến mềm môi nước mắt, còn
mong ngóng người về dù trong tuyệt vọng xót xa. Cũng cám ơn anh đã dạy cho tôi biết tình
nghĩa hơn ba mươi năm chỉ là bọt bèo, sương khói, một phút đã tan, một giờ đã
mất trong cái bãn ngã cá nhân vị kỷ muôn trùng.
Xin hãy tự hỏi mình, sao bài thơ tôi
viết cho anh với tâm tình một đứa em xưa, khi
đươc báo đăng, anh không bao giờ thắc mắc. Rồi cũng chính anh đã tự ý
cho in vào tuyển tập riêng mình bằng cả hãnh diện, yêu thương.” Bé cần bao
nhiêu quyển anh sẽ gửi cho vì bé như một tấm gương soi, cho anh nhìn thấy lại
anh cả một khung trời kỷ niệm…”
Thưa anh Kha, sự nghiệp của một người
văn nghệ sĩ để lại cho đời không phải chỉ ở những tác phẩm, và chiều dài sáng
tác, mà còn ở cung cách sống. Đứa em gái đã trở thành một vật hy sinh, thì sá
gì tình thâm giao, bằng hữu? Thẳm sâu trong lòng một tên cướp vẫn còn ẩn nấp
một lòng nhân. Và kẻ tàn phá nhất chính là kẻ ước mơ hàn gắn nhất. Còn anh…sẽ
được phán xét ở một ngày nào nhắm mắt, buông tay.
Bánh xe cũ kỹ rồi phải bỏ lại sau
lưng, trong cuộc hành trình đi về phiá trước. Chẳng có một lý do gì tôi còn
tiếc nuối, ngậm ngùi về một vết hằn từng
làm đau buốt trái tim. Người đâu còn được hưởng nhiều đặc ân trong đời
ta đến thế? Đến và đi, sum họp hay chia ly, thôi cũng chuyện vô thường.
Tôi đã rời bỏ một nơi chốn cũ. Một địa
chỉ mới. Một nơi ẩn khuất lặng câm. Cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài. Mùa
đông đã qua. Mùa hè đã tới. Nhưng tôi bóng nhỏ một mình, có còn lại gì không
khi hoa cúc mùa xuân đã lụi tàn kỷ niệm.
Tôi cười vang vang khi chợt hiểu
không còn ai bên kia đời để chờ đợi ngóng trông.
M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG
|