văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, March 3, 2013

TRẦN VẤN LỆ * đường lên núi rừng chập chùng



Đầu năm, nắng mới, cảnh quan đâu cũng đẹp.  Biển đẹp,  Núi đẹp.  Sông đẹp.  Cả những con đường mòn cũng đẹp.  Chúng ta đi xa hơn những nơi đang trước mặt chúng ta, được không?  Được chớ gì!  Ai cấm mình đâu nào…
Bạn nhé, chúng ta đi lên núi chơi!  Đường lên núi rừng chập chùng…Chập Chùng hay Trập Trùng?  Chập Chùng nghe hay hơn.  Cái gì hay, đẹp, chúng ta nên hưởng, trăm năm nào có bao lăm!  Nhưng mà Kho Tàng Thiên Nhiên vô tận, không ai giành giật hết của ai…Chúng ta không nên ích kỷ!
Mời bạn đọc bài thơ này…coi như bước khởi hành:

Vợ Chồng Đi Chợ Xuân

Núi rừng xa mờ xanh với xanh
Đường non như lưng rồng uốn khúc
Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước
Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh.

Vợ chồng xuống núi đi chợ Xuân
Sương sớm còn che như lấp lối
Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân
Vợ thương dừng cương ghìm ngựa lại.

Một dãy rừng mai hoa ướt sương
Đường Xuân đưa vợ chồng xuống núi
Váy vợ phồng căng đầy gió đồng
Đuổi theo vó ngựa mỏi chân chồng.

Vào chợ đổi hang mua vải muối
Mắt đưa nhìn quanh thấy rượu nồng
Chồng ghé vào hang say mấy chén
Vợ bán mua xong dắt ngựa đến.

Thấy chồng dim mắt cười nắng Xuân
Ngã nón tu lờ đưa chồng gối
Xòe quạt bên chồng vợ phe phẩy
Chen chân trong chợ người đi lại.

Rực rỡ đường thêu vòng bạc rung
Gió mát nằm lâu chưa hết say
Nâng chồng lên ngựa chất hang đầy
Vợ đi thong thả theo sau ngựa…

Về núi tay cương chồng lỏng tay…

Bài thơ trên, Vợ Chồng Đi Chợ Xuân, là một bài thơ rất dễ thương của Bàng Sĩ Nguyên, quê Hà Nam, sinh năm 1925, không biết hiện nay, năm 2013, còn sống hay đã khuất.  Dù gì thì bài thơ này sẽ còn mãi…Bàng Sĩ Nguyên là một người tài hoa, vừa là thi sĩ (đã có bảy tập thơ), vừa là văn sĩ (đã có hai truyện dài, ba truyện ngắn), vừa là họa sĩ (có hơn một lần triển lãm tranh).  Tôi không “rành” lai lịch của Bàng Sĩ Nguyên, nhưng tôi biết Bàng Sĩ Nguyên là người miền Bắc của nước Việt Nam mình, Bàng Sĩ Nguyên sinh hoạt trong vùng cai trị của chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đối đầu với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.  Sau 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ, những tác phẩm miền Nam người miền Bắc mới có và ngược lại những gì người miền Bắc làm ra xinh xắn thì người miền Nam tiếp thu vui vẻ.  Tôi gọi bài thơ Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên là một bài thơ xinh xắn.  Nó không chỉ là trang chữ mà nó còn là bức tranh.  Chữ là tiếng nói, là sự thuyết mình lọt vào lỗ tai người.  Tranh…không cần mở mắt nhìn mà thấy khi mình nhắm mắt và tưởng tượng, thì đó cũng là một bức tranh sống động vậy.  Dân tộc mình, Kinh hay Thượng, người Miền Xuôi hay Mạn Ngược, Bắc hay Nam…đều “ấn tượng” cả!

Sẵn đây tôi cũng xin có chút ý kiến về Người Kinh / Người Thượng, Người Miền Xuôi / Người Mạn Ngược.  Người Kinh / Người Thượng là cách phân biệt đồng bào mình ở miền Trung, nơi đặt Kinh Đô Triều Nguyễn, Thần Kinh / Huế.  Thần Kinh là Kinh Đô Đẹp Đẽ, các Vua triều Nguyễn ở đây từ năm 1802 khi vua Gia Long lên Ngôi.  Chúa Nguyễn còn lại để nối dõi duy nhất sau cuộc chiến Trịnh Nguyễn Phân Tranh là Nguyễn Phúc  Ánh.

Cuộc chiến Phân Tranh kéo dài suốt 400 năm, cậu bé Nguyễn Phúc Ánh là người của Tộc Nguyễn duy nhất sống sót (Phúc chớ không phải Phước nha, Phúc và Phước viết và nói khác nhau để phân biệt Vua và Dân –  dân nói nói với nhau thì Phước, khi nói về Vua phải là Phúc, một cách kỵ húy).  Chúa Nguyễn Phúc Ánh vừa chạy trốn quân Tây Sơn, vừa mở mang bờ cõi.  Vào Ninh Thuận, Bình Thuận trà trộn với người Chiêm Thành rồi lấn lướt họ, đồng hóa họ, gọi họ là Người Thổ, tức Dân Bản Thổ, Bản Địa, không phá hủy phong tục và truyền thống của họ.  Cũng thế khi vào Nam, qua Biên Hòa, xuống Định Tường, lên Châu Đốc, ra Sóc Trăng, Trà Vinh…hòa đồng với người Thủy Chân Lạp (một dân tộc anh em / cùng huyết thống với dân tộc Thượng Chân Lạp, tức là người Khờ Me trên vùng cao (ngày xưa ta gọi Cambodge là xứ Cao Mên rồi Cao Miên, nằm trong ý nghĩa của chữ Cao Man – bọn rợ ở vùng cao, Man là Man Di).  Vua Sihanouk của Cambodge (tên nước do Thực Dân Pháp đặt) gửi văn thư ngoại giao yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải nói đúng tên nước láng giềng của Việt Nam Cộng Hòa là Cambodge, không được dùng chữ Cao Miên nữa; năm 1975, Pol Pot bỏ chữ Cambodge đổi lại là Kampuchea, thời Hunsen bây giờ thì nước này tên là Cambodia viết theo lối Mỹ)  Người Miên ở trên nước ta không thích về sống với người vùng cao, họ nhận là Người Thổ như người mình gọi họ và bây giờ thì là Người Khờ Me Kờ Rôm, coi như một Bộ Tộc Miên có truyền thống và tập tục địa phương riêng như hồi xưa….  Các Vua Nguyễn không chủ trương đanh phá để cướp đất của các dân tộc miền núi dãy Trường Sơn, họ, những dân tộc Gia Rai, Kờ Ho, Mờ Nông, Mạ, Chu Ru, Sì Tiêng… tự động xin triều đình Huế cho họ sống bình yên và triều cống hàng năm.  Vua Nguyễn, kề từ Minh Mạng đồng ý, và gọi họ là Người Thượng – dân trên núi, phân biệt với dân đồng bằng nằm trong quản lý của triều đình thì gọi là Người Kinh.  Ở miền Bắc, dân tộc nào sống yên theo dân tộc đó, tuyệt nhiên không có xích mích gì.  Người đồng bằng, tức vùng châu thổ sông Hồng, ở miền xuôi thì là Người Miền Xuôi.  Đi ngược lên thì gặp người Mèo (nay là Hờ Mông), người Thái, người  Dao…Riêng người Nùng, gốc là người Tàu (bọn Rợ Hán phía Bắc nay tự xưng là Trung Quốc) đói quá tràn xuống đất nước ta, sống riêng và dân ta gọi là Người  Nùng, nay gọi là Người Tày, bọn này có thời đánh phá triều Nguyễn, thời Minh Mạng, Tự Đức, cầm đầu là Nông Văn Vân, về thời hậu Tự Đức thì có Giặc Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu.  Dân đồng bằng miền Bắc, đông nhất thì gọi là Người Miền Xuôi, theo triều đình Huế, không gọi là Người Kinh.  Người sống trên miền núi, Trung Du và Thượng Du thì được gọi là Người Mạn Ngược.  Người Pháp thì gọi họ là Người Thiểu Số.  Hiện nay tất cả dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì đều là Người Việt Nam, tuy nhiên mỗi miền Người có Sinh Hoạt Riêng tùy theo Mùa Màng và Lễ Hội, chính quyền Trung Ương không can thiếp mà chỉ giúp đỡ, khuyến khích…hay chấp nhận cho qua biền!  Cũng là một cách “mị dân”!

Nhân “tào lao xịt bộp” chỗ này, tôi cũng muốn bày tỏ thêm cái chuyện Lạc Long Quân buộc vợ là Âu Cơ chia bầy con, nửa theo Lạc Long Quân ra biển, nửa theo Âu Cơ lên núi.  Bầy con theo Lạc Long Quân thật lộn xộn, nay hòa mai nghịch, chiến tranh triền miên, trong khi bầy con theo Âu Cơ thì hòa thuận, ai lo phận nấy, không tranh giành cãi cọ (ngoại trừ Người Nùng gốc gác bền Tàu).  Người mình rất yêu kính bà Âu Cơ, từng gọi Bà là Bà Chúa Ngàn, lạ thay Bà Hiền Từ thế lại không được sử sách ghi là Đức Mẹ Âu Cơ, chúng ta khiếp nhược quá ư? Chúng ta chỉ gọi mẹ Maria, mẹ của Chúa Giê Su là Đức Mẹ thôi, chúng ta Vọng Ngoại đến thế à?  Ngộ nhỉ!

Hiện tại, theo thống kê thì dân tộc ta đang sống chung nhau gồm có sáu mươi ba Dân Tộc, thế là gần đủ Một Trăm tức Nòi Bách Việt.  Chúng ta qua Lào, qua Thái, lên Miến Điện xuống Malaysia, sang Indonesia…vẫn thấy có người nói một phần nào tiếng Việt và phong tục hao hao người Việt, hỏi ra thì tổ tiên họ di cư từ xưa, từ trên xuống, từ Tây qua…Vậy là…ta có đủ Một Trăm Dân Tộc rồi nhé! 

Tôi có hồi ngạc nhiên, thời chính phủ Ngô Đình Diệm, thấy một phái đoàn người Xiêm, tức là Thái Lan, sang thăm Việt Nam gọi là Giao Hảo, ghé Tùng Nghĩa, phía Nam cách Đà Lạt 27 cây số, nơi tập trung người Thái di cư nắm  1954, nói chuyện với người mình thật rôm rả bằng tiếng Thái và cât cho đồng bào mình ở đây một ngôi chùa, nay vẫn còn, gọi là Chùa Thái.  Té ra người Thái ở Thái Lan và người Thái ở Việt Nam cùng một tiếng nói, là cùng “Một Mẹ Mà Ra”!  Dễ thương ghê nơi phải không bạn?

*

Thôi, dài dòng quá không khéo lòng thòng lượt bược, tôi trở lại bài thơ hồi nãy…Bài Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên là một Bài Thơ Hay.  Hay ở chỗ nó không phải là bài thơ Rất Thơ (như bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu hay bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm) mà nó hay ở chỗ Mộc Mạc, Dung Dị - thấy sao thì nói vậy, nghĩ sao thì tỏ bày như vậy, không màu mè, không đẽo gọt.  Đây là một bài-thơ-hình-ảnh.  Nó là một Cảnh Sinh Hoạt hơn là bài ca du dương…Nó cho ta thấy cách sinh hoạt của đồng bào mạn ngược ra sao, cái hiền hòa của họ và cái Tình Yêu Tuyệt Vời…không ảnh hưởng game hay computer chút nào… 

Một bài thơ lồng khung một Thiên Đường Hạ Giới, ta tu ngàn đời chắc chi có được (bởi ta không có Tình Yêu Chân Chính, không có Niềm Mơ Ước Hồn Nhiên).  Cũng sợ lắm nếu mai kia mốt nọ mà trên núi non ta có những phi trường, có những bến xe, và đường núi có nhiều xa lộ, liệu cái Văn Minh Miệt Vườn có còn không đây?  Cái cảnh Chồng thương Vợ để vợ trên ngựa kẻo vợ mỏi chân, cái cảnh Vợ thương Chồng phe phẩy quạt cho bay hơi rượu cho chồng ngủ ngon, tìm đâu ở Người Kinh nhỉ!  Ở Người Kinh:  gây lộn và gây lộn!  Cãi nhau và cãi nhau!  Có theo đạo Thiên Chúa thì cũng cứ ly dị đếch sợ…ông Vua nào!  Do đó mà chiến tranh và chiến tranh!  Do đó mà chỗ nào cũng là chốn Gió Tanh Mưa Máu!

Bàng Sĩ Nguyên làm thơ tưng tửng thế mà không chê được.  Có lẽ nhà thơ để hết cái tình mình vào thơ?  Để hết tấm lòng mình vào thơ?  Ôi Thơ là một cái Nhà Kho chưa cái Tình và Tấm Lòng người ta…đã là nên Thơ rồi.

Tôi “khen” bài thơ của Bàng Sĩ Nguyên, mong bạn đọc đọc bài tôi viết đây cũng nên nhất trí cho tôi vui với.  Đừng đọc bài thơ của Bàng Sĩ Nguyên rồi bĩu môi, miệng nhai ngấu nghiến mấy câu của Trần Thy Nhã Ca nhen:

Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tựa sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ!

*
Tôi hoàn toàn không bình phẩm bài thơ Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên theo cách của nhà phê bình nào.  Bởi bài thơ đó quá dễ thương, tôi muốn nhân đây mời bạn đọc thêm vài bài khác…để thấy thơ nói về rừng núi rất là đáng đọc.  Đường lên núi rừng quả thật chập chùng…

Đây, hai bài “duy nhất” của Đỗ Hữu.  Gọi là Duy Nhất vì có-một-không-còn-hai…lần để thấy Đỗ Hữu khoe thêm thơ của ông.  Đỗ Hữu chết rồi, chắc chết đâu hồi cuối thập niên 1940 của thế kỷ trước. trong cuộc chiến tranh Đông Dương… nếu Bùi Giáng không gom nhặt được thì chúng ta mất đi hai bài thơ rất là dễ thương! 
 
  
Đây này, thưa bạn đọc:


Sầu Ai Lao

Đỗ Hữu



Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt
Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng
Lá vẫn phai chàm trên sắc áo
Mưa nguồn thác đổ đá mù sương.

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mây thuở nào
Với núi xanh lơ chiều tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.

Lưng đèo quán gió mờ hun hút
Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều
Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ
Người ơi, thương nhớ biết bao nhiêu!

Ở đây hơi đá chiều vây khắp
Khép chặt mình tôi giữa núi rừng
Buồn quá ngày đi đêm trở lại
Hoàng hôn hoa bản phấn rưng rưng.

Người có theo tôi lên dốc nắng
Nhìn xem hoa rải sắc trên đường
Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm
Lá đổ sau chân một lối vàng.---

Và…

Chiều Việt Bắc
Đỗ Hữu

Nắng xuống phương nào người thấy không?
Mà đây chiều tím rụng song song
Vàng tuôn mấy lối ngày thu quạnh
Ai liệm hoàng hôn kín mắt trong?

Khói thuốc lên mờ xanh bóng ai
Phương xa chiều xuống ngút sông dài
Đường kia có phải sầu xưa đọng?
Trở bước hoa lau trắng ngập đồi.

Con đường đất đỏ mờ sau bản
Thung lũng vàng tơ nắng trở chiều
Núi biếc chập chùng vây ải lạnh
Dặm về lá đổ phận tàn xiêu…

Rừng núi âm u chiều Việt Bắc
Chầy ngày lạc bước ai ngồi than
Buồn xưa chiều đọng sầu lau lách
Chòi cũ nằm nghe gió dặm trường…

*
Hai bài thơ của Đỗ Hữu không dính dấp gì tới bài Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên, sở dĩ tôi đưa vào đây là…đổi món ăn tinh thần đãi bạn đấy mờ.  Nhưng bài nào thì cũng là Đường Lên Núi Rừng Chập Chùng…Những ngày Tết sẽ không bao giờ chấm dứt khi chúng ta cứ còn gần gũi nhau!  Bạn ơi, hãy nhìn ra bầu trời xem kìa, nắng Xuân rất đẹp.  Những bài thơ tôi mời bạn hôm nay với mỹ ý của tôi muốn bạn thấy tôi là người-có-ích ít nhất cũng cho một thiểu số người-còn-yêu thơ!
Hãy mở lòng ra, ta có Tết.  Hãy mở lòng ra, ta với Xuân!

Trần Vấn Lệ


Nguyễn Văn Lục * Đã một thời như thế: Hiện tượng Phạm Công Thiện

Phạm Công Thiện


Ông Phạm Công Thiện vừa mới qua đời ngày 8 tháng 3, 2011 trong một tình trạng thể xác mà theo gia đình “ông mệt dần, bắt đầu nhập định và ra đi nhẹ nhàng”.

Theo nguyện vọng cuối cùng của ông thi sĩ Phạm Công Thiện, ông muốn “không làm tang lễ rườm rà, chỉ hoả thiêu".

Đỗ Hồng Ngọc * Thư gởi bạn xa xôi



Tình cờ thôi, Phan Đổng Lý (PĐL) ở Melbourne gởi về tặng mình một bài thơ, có tựa là Hành Y (viết cho Đỗ Hồng Ngọc) trùng với ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trùng hợp vì PĐL không hề biết ở VN có một ngày Thầy thuốc như thế. PĐL là bạn bọn mình từ 60 năm về trước, lúc cùng vào đệ thất (lớp 6) Phan Bội Châu Phan Thiết- À, mà chưa, mới 59 năm thôi, vì đó là năm 1954- Không biết PĐL đã “gieo trồng” mầm thơ thế nào mà bây giờ tuổi trên 70 bỗng nổi hứng làm thơ “vịnh” bạn bè, mà bài nào cũng… hay, cũng bộc lộ “bản sắc” của từng đứa!
Phan Đổng Lý có bài thơ “vịnh” Phan Bá Thụy Dương chỉ bằng vài nét chấm phá đủ cho thấy một Phan Bá Thụy Dương khinh bạc, ngang tàng, tài hoa:

Trích tiên tại thế, vấy bụi trần hụp lặn kiếp đam mê!
Nay quỳnh tương đối ẩm, mai hương sắc giao kề
Lỡ ngồi ôm góc núi, mỉm môi cười nhân thế
Ánh dương quang rực rỡ, sao lại lạc đường về?
…………..

Rồi bài thơ PĐL “vịnh” Trần Vấn Lệ, thấy ngay một chàng thi sĩ hào hoa phong nhã, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”:
………..
Ta vốn mịt mờ đường về bến cũ
Nên thuyền tình lơ lửng mãi dòng sông
Ta nào phải kẽ thả mồi bắt bóng
Mệnh an bài nên tình kiếp long đong

Và bài thứ ba, dành cho bạn bè, PĐL ưu tiên “viết cho Đỗ Hồng Ngọc”. Nói ưu tiên vì các bạn người ở Mỹ, người ở Úc, thỉnh thoảng gặp nhau, đầu này, với Đỗ Hồng Ngọc, đã gần 60 năm chưa hề biết mặt, thế mà “thần giao cách cảm”, đọc văn thơ thấy rõ con người. Có lẽ PĐL nhớ Đỗ Hồng Ngọc qua tập thơ “Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác” mà Trần Vấn Lệ bảo khi đọc “…vui vì nghe trái tim mình đập”. PĐL nghĩ đến cuộc đời “hành y” của người bạn thầy thuốc của mình từ y đạo vào tâm đạo. Lấy đạo tâm làm thế đạo tu thân / Mang y đạo vào luân hồi chuyển thế .

HÀNH Y
(Viết cho Đỗ Hồng Ngọc)

Là một kẻ phụng thừa y đạo
Mang huyết tâm trả nợ nhân sinh
Nhìn thai nhi tượng hình trong bụng mẹ
Ta thấy được gì trong cõi u minh

Tiếng u oa, em chừng vừa tỉnh giấc
Mang vào đời chút âm vọng bi ai
Mắt ngấn lệ em nhìn quanh ngơ ngác
Nợ tiền thân có trĩu nặng bờ vai

Ta nhìn em lòng bâng khuâng thương cảm
Mai đây rồi xuôi ngược biết về đâu
Đường vạn lý ta chúc em nhẹ bước
Có hoa vàng nắng rải, ngợp trăng sao

Ta nào phải kẻ bi quan yếm thế
Chỉ xót thương cho tuổi trẻ bạc phần
Vòng tay ta đã bao lần ôm ấp
Những mãnh đời, ôi, ngắn ngủi mệnh căn!

Ta chọn hành y, cứu nhân độ thế
Ta độ được gì, đã cứu được ai!
Đêm chập chờn ta nằm đợi ban mai
Ngày thoi thóp ta lại chờ đêm xuống

Ta đã lớn lên giữa thời lửa loạn
Gió bụi mịt mù Nam Bắc phân ranh
Tim quặn thắt trước cảnh đời tang tóc
Hồn đớn đau cho thân phận Lạc Hồng

Ta vẫn biết hữu sinh thì hữu diệt
Nhưng đầu xanh nào đã tội tình gì
Một chữ Nghiệp có vơi niềm oán khí
Một hồi Kinh có dịu nỗi sầu bi

Ta đã một lần rong chơi địa phủ
Cầu Nại Hà, nhìn sóng gợn lăn tăn
Tâm tĩnh lặng giữa hai bờ sinh tử
Hồn nổi trôi theo con nước bập bềnh

Một kiếp nhân sinh chưa tròn cuộc nợ
Ngày tiếp ngày cười khóc với thế nhân
Lấy đạo tâm làm thế đạo tu thân
Mang y đạo vào luân hồi chuyển thế .

Phan Đổng-Lý
Melbourne Feb. 2013

phandongly

PĐL quá dễ thương phải không. Xa xôi ngàn dặm vậy mà hiểu bạn mình như đi… guốc! Nhưng mình ấn tượng nhất với PĐL là cái tính bộc trực, đôi khi có vẻ như “ngổ ngáo” mà trong lòng tràn đầy cảm xúc của anh. PĐL có lần thư cho Phan Bá Thụy Dương kể chuyện hồi đi học, anh rất ghét thầy Hiệu trưởng LT “ gặp mặt thì làm ngơ” nhưng với cô con gái của Thầy thì anh “gặp mặt mê mẩn ngó theo”. Cái đó anh gọi là “Thù cha mà không ghét con”! Cô bé đó vào trường sau bọn mình vài năm thì phải, nay chắc cũng đã 70 nhưng kiểu này gặp lại, có khi PĐL vẫn còn ngó theo mải miết chớ chẳng chơi! Phan Bá Thụy Dương còn kể cho mình và Huỳnh Ngọc Hùng nghe chuyện hồi đó mỗi lần chào cờ hát bài “Suy tôn” thì PĐL đã sửa lời thành: “PĐL, PĐL muôn năm!” rồi còn hát to lên nên bị thầy bắt phạt!…

*****
Chiều qua ghé thăm nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị. Nhà thơ Hỷ Khương đột nhiên bị điếc tai phải,  không còn nghe gì được nữa, phải đi bệnh viện Tai Mũi Họng truyền thuốc mỗi ngày, lại vừa châm cứu, kết hợp đông tây y!
Mình đùa cho chị vui: Trời cho mình có 2 tai, điếc tai phải còn tai trái. Vui lên mới phải chứ! Ai nói gì dễ ghét thì đưa tai phải ra nghe. Ai nói gì dễ thương thì đưa tai trái ra nghe. Càng hay chớ sao!
Tôn Nữ Hỷ Khương có nhiều thơ, nhưng mấy câu này thì được rất nhiều người nhớ:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời!

Phải, chỉ có tình thương để lại đời thôi. Và bạn bè mà còn gặp nhau, dù trên văn thơ cũng đã tốt quá rồi phải không?
Hẹn thư sau,
Đỗ Hồng Ngọc.

Saturday, March 2, 2013

TRẦN VĂN SƠN * TRẦN PHÙ THẾ: CÂU THƠ GỌI TÌNH NGỌT NGÀO HƯƠNG VỊ PHÙ SA MIỀN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỮU LONG

tranphuthe
  
 Nhà thơ Trần Phù Thế được nhiều người biết đến ở hải ngoại sau khi anh xuất bản hai tập thơ : Giỡn bóng chiêm bao [ 2003 ] , Gọi khan giọng tình [ 2009 ] , những bài thơ đăng

trên các báo Khởi Hành , Văn Hóa Việt Nam , Thư Quán Bản Thảo …  và trên các trang báo điện tử như : Sáng tạo , Da màu , Phố Văn… Anh còn phụ trách trang thơ trên tuần báo Tuổi Trẻ ở Dallas – Texas .

hoànglonghải * hít hà con Chắt Chắt!!! ...

                                                                 VÀI LỜI

Tôi vốn dốt môn sinh vật, cứ tưởng con hến cũng như chắt chắt thuộc loài “giáp xác” như tôm chẳng hạn vì nó có vỏ. Tra tự điển mới biết chúng nó thuộc lài nhuyễn thể có hai miếng vỏ, thuộc bộ Veneroida, xuất hiện nhiều nơi trên mặt địa cầu, kể cả Nam Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi đen.

Có điều lạ, dân các xứ ấy cũng “đói” không khác gì dân Việt Nam ta, họ cũng dùng loài nhuyễn thể nầy làm thực phẩm, nhưng không biết chế biến để làm thành những món ăn ngon như ở nước ta. Không ít người ngoại quốc biết món cơm hến, nhất là những “ông, bà” nào đã đến du lịch Huế. Tiếc một điều, con chắt chắt không thấy xuất hiện ở Huế nhiều, nên Huế chỉ có cơm hến mà không có cơm chắt chắt.

Là món ăn của người bình dân, tôi không thấy con hến hay con chắt chắt xuất hiện trong văn chương bình dân như tục ngữ, ca dao. Món nầy không “gợi hứng” cho các nhà thơ của miền ruộng rẫy hay sao?

Nếu có ai biết, xin chỉ giùm.

Đa tạ


Sông Thạch Hãn cũng như Hiếu Giang là những con sông già, bờ sông không sâu hẳm, lẫn lộn cát với bùn, là nơi sản sinh loại chắt chắt và hến, không nơi nào bằng. Vì vậy, nói tới con chắt chắt, các vùng khác thì mù tịt, nhưng dân Quảng Trị thì lại rất rành. Rành ăn canh chắt chắt và cũng rành “chế biến”, nhứt là kể từ khi “Nhậu để khói sầu lên chất ngất” (NBS). Chiến tranh, đời lính, chết chóc, nghèo khổ sau chiến tranh, nhậu trở thành một “vũ khí chiến lược tiêu cực” để chống lại đói nghèo, vô vọng...

Canh chắt chắt nấu với rau muống hay khế hoặc bầu, thường có nhiều gừng. Gừng là một dược liệu chống hàn, vì con chắt chắt thuộc “giống hàn”. Hàn dễ gây đau bụng - đau bụng chớ không tháo dạ, không thuộc loại “tào tháo đuổi”. Người ta con bảo con chắt chắt sinh ở bùn. Rửa không sạch bùn, canh chắt chắt dễ làm đau bụng. Cũng để bớt mùi bùn, canh chắt chắt phải nấu cay. Trẻ con không ăn cay được thì bên đọi (bát) canh phải có chén nước mắm ớt. Ớt chìa vôi giả dập với nước mắm, nếu nhà giàu, nhà nghèo giả ớt với muối hột.

Mùa hè, gió Lào (còn gọi là gió Nam, “may được nồm nam cơn gió thổi” Nguyễn Khuyến) - nóng nực, buổi chiều ăn cơm với canh chắt chắt là món ăn giải nhiệt “siêu đẳng” của “Quảng Trị tui nghèo đất cày lên sỏi đá”.

Dọc theo bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu, nhiều làng có nghề cào chắt chắt, nhưng nhiều nhất là làng An Giạ, phía dưới ngã ba sông Hiếu và sông Thạch gặp nhau, gần cửa Việt. Gần tới biển nên nước sông không mặn mà cũng không còn ngọt, thường gọi là vùng nước lợ. Nước lợ là nơi “định cư” của loài chắt chắt, không muốn sống nơi “biển mặn”. Đó là nơi hội tụ của bùn và cát, cũng là nơi hội tụ của hàng triệu con chắt chắt cống hiến cho dân quê xứ tôi món canh đặc biệt không nơi nào có.

Đừng lầm chắt chắt với hến. Con hến lớn hơn và cũng nhiều hơn. Cách bán chắt chắt và hến cũng giống nhau. Hoặc bán tươi, từng mớ, để trong rổ, rá, hoặc bán chín. Một đầu gánh là rổ hến đã “trơi” vỏ, đong bằng loon hay chén, đầu kia là hủ đất nung, đựng nước hến. Cái (con chắt chắt hay con hến) mà không có nước thì không ngon vì nước ngọt và mát.

Ở Quảng Trị người ta không bán cơm hến, nhưng Huế thì khá nhiều. Cơm nguội đựng trong chén. Cơm thì ít, hến thì nhiều, thêm rau thơm, bắp chuối xắt lát... Nhiều nhứt là ớt. Ớt rất cay. Người miền Nam đến Huế còn không dám ăn bún bò, huống chi cơm hến cay hơn bún bò nhiều.

Làm ruộng là nghề chính của nông dân, cào chắt chắt hay hến là nghề phụ, chỉ làm mùa hè, là mùa sản vật sinh sôi nảy nở nhiều. Gọi là cào vì người ta dùng cào để bắt chắt chắt hay hến. Dĩ nhiên, cái cào có hình dạng như cái cào, khoảng cách của răng cào nhỏ hơn, nên khi cào, cát bùn thì lọt qua răng, còn con hến hay con chắt chắt thì bị giữ lại.

Chắt chắt, hến sinh sống dưới mặt nước, từ chỗ trên mắt cá đến bụng, ít khi ngang tới ngực. Người cầm cào thường đi lui, cào lui nên người ta thường nói đùa câu “ăn tới làm lui”. Buổi sáng, đàn ông con trai có khỏe thì ra cào chắt chắt, hến. Trong khi các mẹ các chị thì gánh hàng lên bán ở các chợ như Đông Hà, chợ Sòng, chợ Thuận, chợ Sãi và chợ Quảng Trị (thị xã), sau khi đã ngâm nước giếng, lọc gạn sạch cát, đá, bùn...

Những nhà khá giả thường dùng bánh tráng nướng, bẻ thành miếng xúc chắt chắt hay xúc hến mà ăn. Bánh tráng nướng thường là loại bánh tráng mè, dày. Chắt chắt hay hến thì xào với “tóp mỡ”, hành Tây và ớt xắt lắt mỏng, theo chiều dọc của trái ớt.

Chắt chắt là món ăn của người nghèo, bình dân. Vua quan và nhà giàu có không ăn món “quê mùa” nầy bao giờ. Tuy nhiên, có người nói vua Thiệu Trị rất thích canh chắt chắt “hiện diện” trong mâm “ngự thiện” của vua. Có gì đâu! Khi còn trẻ, chưa nối nghiệp vua cha, vua Thiệu Trị thường hay “ra chơi” Quảng Trị, nên cũng đã có lần “thời” món ăn dân giả nầy. Té ra, vua của ta cũng “quê” chớ không “sang trong phú quí cao lương mỹ vị” như các đại gia ngày nay

Xa Quảng Trị, người ta chỉ nhắc lại “món quê” để mà nhớ. Ai đó thèm lắm thì có thể mua vài dĩa “hến xuất khẩu” ở các chợ Việt Nam đem về nấu cơm hến ăn chơi, còn như chắt chắt thì người ta chỉ có thể ăn... hàm thụ mà thôi.

hoànglonghải

Friday, March 1, 2013

Trương Đạm Thủy * NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỌC THƠ

Tr Dam Thuy 5
Trương Đạm Thủy


Người đàn ông gầy còm, mái tóc cắt trùi trủi nên khuôn mặt ông ta trông hóp héo như ruột người bệnh mới từ nhà thương về.
Bốn giờ sáng mà điện đã cúp. Chung quanh trời tối mênh mông. Ông mò cái bật lửa bật lên tìm cây nến. Cây nến nằm trong một góc tủ. Chiều qua hình như ông ta nhậu hơi nhiều nên đến giờ nầy đầu óc vẫn chưa tỉnh táo ra. Vẫn lơ mơ trong đầu ông ta câu chuyện nơi quán rượu. Cái quán nầy như có ma lực khiến ông không thể xa nó, đi đâu ông cũng nhớ nó, nhớ những câu chuyện quanh nó.
Quán nầy lạ lắm, nó được che phủ bởi hai cây si già rể thả xuống đong đưa như một bầy rắn. Thêm một cây cao su ở đâu lạc loài về đây hàng trăm năm, da lên xanh rêu mốc. Về mùa đông xuân lá cây su trở nên vàng ánh bỏ rơi từng bầy lá sau mỗi cơn gió nhẹ. Lá vàng phủ trên mảnh sân rộng, phủ lên bốn năm tảng đá sắp không đều hàng.
Theo một khách nhậu, mấy tảng đá nầy được dựng ở đây một cách có ý thức chớ không phải vô tình: nó được xếp đặt theo phong thủy. Bên cạnh mấy tảng đá buồn thiu ủ dột đó là một cây đàn đá kiểu Nhật Bản có hai chân được chôn sâu dưới đất.
Người đàn ông hay ngồi nơi cái bàn đặt sát cạnh mấy tảng đá bí ẩn bên thềm quán. Một cảm giác lạ lùng đã ám ảnh ông ta không sao rứt ra nổi. Đó là … Ừ, cứ mỗi buổi chiều mưa khi ngồi ở đây rượu đã ngà ngà say, khi một ánh chớp lóe lên ông lại thấy những hòn đá cử động, chúng lắc lư như đang say rượu. Và những lúc đó hình như ông nghe chúng trò chuyện. Chúng cứ thì thầm to nhỏ điều gì đó bí mật trong mưa.
Có một tảng đá thấp gầy nói giọng nữ, một tảng đá cái ư ? Một tảng đá cái duy nhất giữa những tảng đá đực có vẻ gì đó khá bí hiểm hiện ra mỗi lần có một tia chớp lóe lên nhoáng qua mặt sân.
Ông Tư già một khách rượu thường xuyên ở đây trầm trồ về mấy tảng đá : “Ở đây người ta bố trí mấy hòn đá nầy theo phép ngũ hành. Không phải là ngẫu nhiên đâu. ‘I’hế đất ở đây hơi bị hãm nên mới dựng ra mấy viên loạn thạch nầy để trấn yểm lấy lại thế cân bằng. Chủ nhân của ngôi nhà cổ trên mảnh đất nầy hẳn xưa phải là một tay giàu có và rất sành khoa phong thủy. Những viên đá nầy tương sinh tương khắc, vừa nương tựa lại vừa chế ngự lẫn nhau. Và như thế thì ngôi nhà và những người sống nơi đó sẽ được bình an làm ăn phát đạt”.
Người đàn ông cứ bị mấy hòn đá ám ảnh. Cũng theo ông bạn Tư già, trong rừng có thần rừng, trong núi có thần núi. Những viên đá là một phần của núi. Đá lâu năm nó có thần ở trong đó. Vậy nhóm loạn thạch lâu năm nầy nằm đây hẳn phải có một duyên sự gì đó bí mật.
Ở đây khách nhậu đông lắm, quen mặt nhưng khó nhớ tên. Quán chỉ bắt đầu hoạt động lúc 11 giờ sáng đến 10 giờ đêm thì đóng cửa, bất kể xuân hạ thu đông. Không có ngày nghỉ, rượu chảy suốt bốn mùa.
Cô phục vụ tên Phấn kể rằng hồi cô mới vào làm việc bưng bê cô chỉ mới tròn 18 tuổi. Vậy mà nay đã sắp sửa ba mươi, tính ra hai chân cô di chuyển mỗi ngày suốt hơn mười năm bằng con đường vòng quanh trái đất. Đã có bao nhiêu người chọc ghẹo cô, bao nhiêu gả say và giả say tỏ tình với cô, cô quên mất.
Phấn cười nói khi quán rượu đã đầy lúc ấy mắt cô chỉ nhìn thấy mơ hồ những khuôn mặt giống nhau, đỏ khé mờ mịt hơi men. Phấn sợ những đôi mắt soi mói nhưng chủ quán quy định các cô phải mặc áo rộng cổ với lý luận : khách nhậu không chỉ nhậu bằng môi miệng mà còn nhậu với con mắt. Với một phần ngực đẹp của các cô gái sẽ góp phần cho bữa nhậu hào hứng thêm, khí thế thêm.
Vậy đó hơn mười năm áo hở rộng cổ, một phần ngực nửa kín ngửa hở dành cho những cái nhìn chăm bẳ, miễn phí. Phấn đi qua tuổi xuân hồi nào chẳng hay. Bây giờ quen mặt áo rộng cổ rồi; quen những đôi mắt háo hức, Phấn hết còn quan tâm đến bọn đàn ông nhấp nhô trong cái không gian mênh mông của quán rượu.
Người đàn ông mỗi khi đến quán hay ngồi ở cái bàn gần mấy hòn đá nơi những rể si lòng thòng phất phơ trong gió. Người đàn ông gọi Phấn bằng em và xưng mình là bố : “Phấn ơi, em choo bố mấy chali bia”. Phấn đặt hai chai bia với cái ly đá trước mặt ông, nheo mắt cười : “Bia đây mời bố”. Cái nheo mắt, nụ cười và chất giọng thanh tao của Phấn đã thường xuyên đến với ông ta trong những giấc mơ. Có lần trong một cơn say la đà, ông ta đã nói với Phấn như lời thú tội… trước hoàng hôn : “Giá mà bây giờ bố được trẻ lại hai mươi năm tuổi chắc bố sẽ cưới em làm vợ”. Chẳng hiểu Phấn nghĩ gì khi nói nhỏ vào tai ông : “Nếu như bố trẻ lại thì em đâu có cho bố đi nhậu và em cũng sẽ chẳng làm cô gái phục vụ quán bia…”, nói xong em cười và biến đi.
Người đàn ông mơ màng : Ừ, mà trẻ lại để làm gì, để hai đứa được sóng đôi nhau chăng ? Biết đâu sau hạnh phúc lại đến lúc bất hòa rồi ly thân, ly dị… chi bằng mỗi ngày cứ đến ngồi đây nhăm nhi bia bọt, cứ bố bố em em há chẳng hạnh phúc hơn sao ? Người con gái đẹp hay một tình yêu đẹp có lẽ nên có một quãng cách ở ngoài tầm tay với để ta luôn mơ tưởng, chiêm ngưởng nó như chiêm ngưởng một bức tranh một pho tượng quý nơi viện bảo tàng. Cấm sờ nó, cấm sở hữu những báu vật của thế gian, tình yêu thật sự là cái ta yêu và luôn tưởng mơ về nó.
oOo

Ngọn nến chập chờn rồi phụt tắt. Bên ngoài cửa sổ gió nổi to. Trời đang chuyển cơn mưa sớm. Bầu trời chưa kịp sáng đã trở nên tối lại.
Người đàn ông thấy con mắt mình ríu lại. Chợt thấy mình ngồi nơi cái bàn cũ gần bên mấy tảng đá sù sì. Nghe tiếng hòn đá cao to cất tiếng trầm trầm : “Bố yêu em, chúng ta phải đi suối đường trần”. Không thấy miệng đá nhót phép vậy mà lời của nó nghe rõ mồn một. Hình như hòn đá cái ngọ nguậy trong cái khoảng mờ mờ tối đồng thời một giọng nói có vẽ giận dữ : “Xin chớ đụng tôi, hãy lui ra vì tôi sắp vỡ và sắp nổ đây”, “Hãy vỡ và nổ đi, chúng mình sẽ về cõi vĩnh hằng”, tiếng hòn đá đực nói như van lơn. Im lặng một lát giọng nữ lại cất lên : “Hãy lánh xa em bố ạ, em cần có khoảng trống bao la để biến tan trong ánh nắng, hòa chảy trong ánh trăng. Đừng nhìn em như thế”. Hình như trong giọng nói ấm ức có cả tiếng sụt sịt khóc. Ủa lạ, sao giọng người con gái nào lại giống giọng nói của Phấn ?
Bất chợt trời đổ ào mưa. Xuyên qua màn mưa những làn chớp loé sáng. Mưa nhả xuống hiên quán dội trên mấy tảng đá. Gió gầm rú trên cây si làm những chiếc rể si quẩy lộn dữ dội.
Bây giờ là mấy giờ ? Là sáng, trưa hay chiều tối ? Người đàn ông hoàn toàn chẳng còn ý thức được thời gian. Cái quán sao mênh mông và lặng yên một cách kỳ lạ. Khách ngồi giương những đôi mắt sâu hoắm tăm tối hướng ra bầu trời ủ dột mưa như đang chìm đắm vào một mối trầm tư gì đó khó hiểu.
Không nghe tiếng ly cốc khua động, nhưng chai lọ đứng yên trên mặt bàn hứng những làn gió và tia chớp tạt vào. Lẫn trong tiếng mưa lời của một giọng nam cất lên run rẩy : “Em cho bố một cơ hội nếu như bố trẻ lại hai mươi năm tuổi. Bố yêu em, ta đi với nhau đến cuối đường trần nầy”. Tiếng người nữ thút thít : “Xin bố chớ đến gần em, coi chừng hạt linh hồn em bám phải sẽ vươn rất nhanh cành lá, rể quấn nhằng nhịt hút lấy máu bố… “.
Người đàn ông rùng mình. Gió hất đám rể cây si quất vào thềm quán uốn éo như bầy rắn lục đang động tình. Chúng sẽ vươn tới và quấn chặt ông ta. Bầy rắn sẽ hút sạch máu ông ta bởi những cái miệng đỏ như ngậm hòn than nóng. Bất giác ông ta nhích vào phía trong một chút. Gió đột nhiên gồng mình lên gầm rú qua hàng cây xô đẩy, vặn bứt chủng. Có tiếng gãy đứt răng rắc, rồi một súc gỗ thật to bị ném ầm xuống chỗ mấy tảng đá. Súc gỗ nhảy tưng mấy cái rồi nằm im. “Trời đất, nếu như ta chẳng chịu nhích vào một chút thì có lẽ bây giờ hồn đã lìa khỏi xác”, ông ta ôm ngực thở hổn hển.
Có tiếng cười ngặt nghẽo ở đâu đó trong mấy hòn đá nổi lên. Bọn chúng thích chí đang cười cợt ông vừa trải qua một cơn sợ muốn đứng tim. “Phấn ơi, nếu như ban nảy cành cây đòi nạng nầy rơi vào bố thì giờ đây bố sẽ ra sao ? Bố sẽ hóa thành một ngọn gió, một ngàn mây cuồn cuộn bay đi hay một hồn ma ngơ ngác thấy mình bất ngờ bị vất ra khỏi xác ? Liệu lúc đó bố còn nhớ em, còn yêu em như tấm hình hài nầy ?”, người đàn ông nghe thấy tiếng mình buồn bã cất lên trong lòng ngực. Bên trong lòng ngực ông, dường như đó mới chính là con người thật của ông, nó luôn ở bên ông và nói và nghĩ suy thay ông. Yêu thương, giận hờn, mừng vui hay sợ hãi… tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trong cái lồng ngực ấy. Nó vô cùng sống động, vô cùng bao la trong cái cõi gần gũi kề bên mà ông hình như chẳng bao giờ chạm đến được nó.
Người đàn ông bỗng nghe vùng cơ ngực co thắt nhói đau. Tiếng ho của ông làm ông giật mình mở mắt ra ngơ ngác. Ủa, ông đang ở nhà trong buổi sáng trời mưa tơi tả mà.
Đã sáu giờ sống mà trời vẫn tối thầm thầm. Khí lạnh len qua cánh cửa sổ mở hé lọt vào căn phòng yên ắng. Mấy con muỗi vo ve tìm chút máu làm ông tỉnh hẳn. Hóa ra ông vừa rời khỏi một giấc mơ. Mò tìm cái bật lửa thắp lại ngọn nến. Ánh lửa chập chờn soi mặt bàn bừa bộn sách vở. Lâu nay ông thường bị những giấc mơ kéo đến bất chợt. Đang ngồi đọc sách hoặc viết lách đột nhiên ông rơi vào giấc ngủ chẳng biết lúc nào. Và trong mỗi giấc ngủ lại có nhiều mộng mị khác kéo về khiến nhiều khi ông phân vân tự hỏi khi ông đang tỉnh, là lúc ông mơ hay khi đang mơ lại là khi đang tỉnh ?
Ông đứng lên đốt một cây nhang trên bàn thờ vợ ông. Bà mất đã 20 năm rồi, lúc đó ông mới vừa 30 tuổi. Cái chết của bà là nỗi đau thương lớn nhứt đời ông. Nhưng 20 năm qua, vết thương cũ đã lành, ông thôi xót xa. Tuy nhiên nhìn ảnh vợ ông cũng không sao khỏi chạnh lòng. Những ngày yêu nhau, ông cũng si mê bà như bây giờ ông si mê Phấn. Bà cũng hiền từ dễ thương như Phấn, bao giờ cũng chịu thương chịu khó mà nét mặt vẫn tươi cười. Có bà, ông chẳng phải lo nghĩ gì từ miếng ăn giấc ngủ. Bà vừa như một người mẹ lo cho con trai, vừa như người chị chăm nom đứa em nhỏ. Có những lúc vui hay giận ông bà thường trách yêu : “Nếu như không có em chẳng biết anh sẽ sông ra sao ?”. Quả vậy, ông sống một cách phiêu bồng với cây bút ngòi viết, chẳng hề biết sửa cái cầu chì, công tắt điện, chỉnh sửa cái vòi nước hư… áo quần ông mặc vất ra có bà giặt. Thay đồ mới đã có y áo ủi kỹ treo trên móc. Ông đi đâu về gọi “Em ơi đói bụng rồi” là có sẵn mâm cơm. Vậy mà 20 năm nay ông chỉ còn nói chuyện với cái bóng của mình, ông tự kêu đói và tự đi nấu ăn; tự vất quần áo bẩn ra và tự đi giặt lấy…. Thiếu sự hiện diện của bà đời ông bơ vơ, cơ cực. Nhưng nói gì thì nói vết thương của 20 năm cũng dần liền da liền thịt và người đàn ông bắt đầu nghe một mùa xuân mới trở về trên cánh đồng khô hạn của đời mình.
oOo

Ngoài trời vẫn chưa sáng. Người đàn ông dụi mắt thắp lại ngọn nến. Trên bàn trước mặt ông gió lật mấy trang thơ một cuốn thơ cũ ố vàng. Ông ta cúi xuống đọc. Những con chữ như có ma thuật chúng đang nhảy múa. Hình như có tiếng ai đó ca hát ê a trong thơ, giọng lạnh lẽo, gay gay….
Hồi này sao thế, mới tảng sáng mà ông cứ chợt tỉnh chợt mê. Những khoảnh khắc chợt thức chợt ngủ cứ đan nhau làm ông lẫn lộn giữa hư và thực.
Tr Blogger 2Lại nữa rồi, giọng đọc thơ ấy vẳng lên sao giống như giọng nói lạnh lẽo phát ra từ hòn đá cái : “Xin chớ gần tôi, thuyền tôi sắp vỡ”, vừa xua đuổi lại vừa thiết tha van xin ở lại. Những tảng đá ấy không còn yêu nhau nữa chăng ?
Hôm kia Phấn nghiêng người xuống rót rượu cho ông em nói rất nhỏ : “Bố ơi, em sắp sửa xa bố, em đi lấy chồng. Bố sẽ không còn gặp em nữa đâu. Nhưng bố đừng buồn”. “Tại sao không buồn khi chẳng còn em ngày ngày bố gặp ?”, ông nói mà như khóc. Hơi thở Phấn lướt qua trên mái tóc lốm đốm bạc của ông : “Đừng buồn bố ơi, vì sao bố biết không, vì dù em đi lấy chồng nhưng em yêu bố, em yêu bố, em yêu bố…”
Người đàn ong chợt nghe trái tim mình đau thắt, lòng ngực như đang bị ai kéo dãn ra. Trước mắt ông ta có những bóng đen như có bầy ruồi đen bay lơ lững. Ông thấy chếnh choáng như những hôm say rượu, mắt hoa lên. Ông gục xuống cuốn thơ cũ ố vàng dưới ánh nến đang lụng dần, lụng dần….

Trương Đạm Thủy

Phan Đổng-Lý * HÀNH Y



(Viết cho Đỗ Hồng Ngọc)


Là một kẽ phụng thừa y đạo
Mang huyết tâm trả nợ nhân sinh
Nhìn thai nhi tượng hình trong bụng mẹ
Ta thấy được gì trong cõi u minh

Tiếng u oa, em chừng vừa tĩnh giấc
Mang vào đời chút âm vọng bi ai
Mắt ngấn lệ em nhìn quanh ngơ ngác
Nợ tiền thân có trĩu nặng bờ vai

Ta nhìn em lòng bâng khuâng thương cảm
Mai đây rồi xuôi ngược biết về đâu
Đường vạn lý ta chúc em nhẹ bước
Có hoa vàng nắng rải ngp trăng sao

Ta nào phải kẽ bi quan yếm thế
Chỉ xót thương cho tuổi trẻ bạc phần
Vòng tay ta đã bao lần ôm ấp
Những mãnh đời, ôi, ngắn ngủi mệnh căn!

Ta chọn hành y, cứu nhân độ thế
Ta độ được gì, đã cứu được ai
Đêm chập chờn ta nằm đợi ban mai
Ngày thoi thóp ta lại chờ đêm xuống

Ta đã lớn lên giữa thời lửa loạn
Gió bụi mịt mù Nam Bắc phân ranh
Tim quặn thắt trước cảnh đời tang tóc
Hồn đớn đau cho thân phận Lạc Hồng

Ta vẫn biết hữu sinh thì hữu diệt
Nhưng đầu xanh nào đã tội tình
Một chữ Nghiệp có vơi niềm oán khí
Một hồi Kinh có dịu nổi sầu bi

Ta đã một lần rong chơi địa phủ
Cầu Nại Hà, nhìn sóng gợn lăn tăn
Tâm tĩnh lặng giữa hai bờ sinh tử
Hồn nổi trôi theo con nước bập bềnh

Một kiếp nhân sinh chưa tròn cuộc nợ
Ngày tiếp ngày cười khóc với thế nhân
Lấy đạo tâm làm thế đạo tu thân
Mang y đạo vào luân hồi chuyển thế .

Phan Đổng-Lý
Melbourne Feb. 2013