văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, March 3, 2013

TRẦN VẤN LỆ * đường lên núi rừng chập chùng



Đầu năm, nắng mới, cảnh quan đâu cũng đẹp.  Biển đẹp,  Núi đẹp.  Sông đẹp.  Cả những con đường mòn cũng đẹp.  Chúng ta đi xa hơn những nơi đang trước mặt chúng ta, được không?  Được chớ gì!  Ai cấm mình đâu nào…
Bạn nhé, chúng ta đi lên núi chơi!  Đường lên núi rừng chập chùng…Chập Chùng hay Trập Trùng?  Chập Chùng nghe hay hơn.  Cái gì hay, đẹp, chúng ta nên hưởng, trăm năm nào có bao lăm!  Nhưng mà Kho Tàng Thiên Nhiên vô tận, không ai giành giật hết của ai…Chúng ta không nên ích kỷ!
Mời bạn đọc bài thơ này…coi như bước khởi hành:

Vợ Chồng Đi Chợ Xuân

Núi rừng xa mờ xanh với xanh
Đường non như lưng rồng uốn khúc
Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước
Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh.

Vợ chồng xuống núi đi chợ Xuân
Sương sớm còn che như lấp lối
Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân
Vợ thương dừng cương ghìm ngựa lại.

Một dãy rừng mai hoa ướt sương
Đường Xuân đưa vợ chồng xuống núi
Váy vợ phồng căng đầy gió đồng
Đuổi theo vó ngựa mỏi chân chồng.

Vào chợ đổi hang mua vải muối
Mắt đưa nhìn quanh thấy rượu nồng
Chồng ghé vào hang say mấy chén
Vợ bán mua xong dắt ngựa đến.

Thấy chồng dim mắt cười nắng Xuân
Ngã nón tu lờ đưa chồng gối
Xòe quạt bên chồng vợ phe phẩy
Chen chân trong chợ người đi lại.

Rực rỡ đường thêu vòng bạc rung
Gió mát nằm lâu chưa hết say
Nâng chồng lên ngựa chất hang đầy
Vợ đi thong thả theo sau ngựa…

Về núi tay cương chồng lỏng tay…

Bài thơ trên, Vợ Chồng Đi Chợ Xuân, là một bài thơ rất dễ thương của Bàng Sĩ Nguyên, quê Hà Nam, sinh năm 1925, không biết hiện nay, năm 2013, còn sống hay đã khuất.  Dù gì thì bài thơ này sẽ còn mãi…Bàng Sĩ Nguyên là một người tài hoa, vừa là thi sĩ (đã có bảy tập thơ), vừa là văn sĩ (đã có hai truyện dài, ba truyện ngắn), vừa là họa sĩ (có hơn một lần triển lãm tranh).  Tôi không “rành” lai lịch của Bàng Sĩ Nguyên, nhưng tôi biết Bàng Sĩ Nguyên là người miền Bắc của nước Việt Nam mình, Bàng Sĩ Nguyên sinh hoạt trong vùng cai trị của chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đối đầu với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.  Sau 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ, những tác phẩm miền Nam người miền Bắc mới có và ngược lại những gì người miền Bắc làm ra xinh xắn thì người miền Nam tiếp thu vui vẻ.  Tôi gọi bài thơ Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên là một bài thơ xinh xắn.  Nó không chỉ là trang chữ mà nó còn là bức tranh.  Chữ là tiếng nói, là sự thuyết mình lọt vào lỗ tai người.  Tranh…không cần mở mắt nhìn mà thấy khi mình nhắm mắt và tưởng tượng, thì đó cũng là một bức tranh sống động vậy.  Dân tộc mình, Kinh hay Thượng, người Miền Xuôi hay Mạn Ngược, Bắc hay Nam…đều “ấn tượng” cả!

Sẵn đây tôi cũng xin có chút ý kiến về Người Kinh / Người Thượng, Người Miền Xuôi / Người Mạn Ngược.  Người Kinh / Người Thượng là cách phân biệt đồng bào mình ở miền Trung, nơi đặt Kinh Đô Triều Nguyễn, Thần Kinh / Huế.  Thần Kinh là Kinh Đô Đẹp Đẽ, các Vua triều Nguyễn ở đây từ năm 1802 khi vua Gia Long lên Ngôi.  Chúa Nguyễn còn lại để nối dõi duy nhất sau cuộc chiến Trịnh Nguyễn Phân Tranh là Nguyễn Phúc  Ánh.

Cuộc chiến Phân Tranh kéo dài suốt 400 năm, cậu bé Nguyễn Phúc Ánh là người của Tộc Nguyễn duy nhất sống sót (Phúc chớ không phải Phước nha, Phúc và Phước viết và nói khác nhau để phân biệt Vua và Dân –  dân nói nói với nhau thì Phước, khi nói về Vua phải là Phúc, một cách kỵ húy).  Chúa Nguyễn Phúc Ánh vừa chạy trốn quân Tây Sơn, vừa mở mang bờ cõi.  Vào Ninh Thuận, Bình Thuận trà trộn với người Chiêm Thành rồi lấn lướt họ, đồng hóa họ, gọi họ là Người Thổ, tức Dân Bản Thổ, Bản Địa, không phá hủy phong tục và truyền thống của họ.  Cũng thế khi vào Nam, qua Biên Hòa, xuống Định Tường, lên Châu Đốc, ra Sóc Trăng, Trà Vinh…hòa đồng với người Thủy Chân Lạp (một dân tộc anh em / cùng huyết thống với dân tộc Thượng Chân Lạp, tức là người Khờ Me trên vùng cao (ngày xưa ta gọi Cambodge là xứ Cao Mên rồi Cao Miên, nằm trong ý nghĩa của chữ Cao Man – bọn rợ ở vùng cao, Man là Man Di).  Vua Sihanouk của Cambodge (tên nước do Thực Dân Pháp đặt) gửi văn thư ngoại giao yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải nói đúng tên nước láng giềng của Việt Nam Cộng Hòa là Cambodge, không được dùng chữ Cao Miên nữa; năm 1975, Pol Pot bỏ chữ Cambodge đổi lại là Kampuchea, thời Hunsen bây giờ thì nước này tên là Cambodia viết theo lối Mỹ)  Người Miên ở trên nước ta không thích về sống với người vùng cao, họ nhận là Người Thổ như người mình gọi họ và bây giờ thì là Người Khờ Me Kờ Rôm, coi như một Bộ Tộc Miên có truyền thống và tập tục địa phương riêng như hồi xưa….  Các Vua Nguyễn không chủ trương đanh phá để cướp đất của các dân tộc miền núi dãy Trường Sơn, họ, những dân tộc Gia Rai, Kờ Ho, Mờ Nông, Mạ, Chu Ru, Sì Tiêng… tự động xin triều đình Huế cho họ sống bình yên và triều cống hàng năm.  Vua Nguyễn, kề từ Minh Mạng đồng ý, và gọi họ là Người Thượng – dân trên núi, phân biệt với dân đồng bằng nằm trong quản lý của triều đình thì gọi là Người Kinh.  Ở miền Bắc, dân tộc nào sống yên theo dân tộc đó, tuyệt nhiên không có xích mích gì.  Người đồng bằng, tức vùng châu thổ sông Hồng, ở miền xuôi thì là Người Miền Xuôi.  Đi ngược lên thì gặp người Mèo (nay là Hờ Mông), người Thái, người  Dao…Riêng người Nùng, gốc là người Tàu (bọn Rợ Hán phía Bắc nay tự xưng là Trung Quốc) đói quá tràn xuống đất nước ta, sống riêng và dân ta gọi là Người  Nùng, nay gọi là Người Tày, bọn này có thời đánh phá triều Nguyễn, thời Minh Mạng, Tự Đức, cầm đầu là Nông Văn Vân, về thời hậu Tự Đức thì có Giặc Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu.  Dân đồng bằng miền Bắc, đông nhất thì gọi là Người Miền Xuôi, theo triều đình Huế, không gọi là Người Kinh.  Người sống trên miền núi, Trung Du và Thượng Du thì được gọi là Người Mạn Ngược.  Người Pháp thì gọi họ là Người Thiểu Số.  Hiện nay tất cả dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì đều là Người Việt Nam, tuy nhiên mỗi miền Người có Sinh Hoạt Riêng tùy theo Mùa Màng và Lễ Hội, chính quyền Trung Ương không can thiếp mà chỉ giúp đỡ, khuyến khích…hay chấp nhận cho qua biền!  Cũng là một cách “mị dân”!

Nhân “tào lao xịt bộp” chỗ này, tôi cũng muốn bày tỏ thêm cái chuyện Lạc Long Quân buộc vợ là Âu Cơ chia bầy con, nửa theo Lạc Long Quân ra biển, nửa theo Âu Cơ lên núi.  Bầy con theo Lạc Long Quân thật lộn xộn, nay hòa mai nghịch, chiến tranh triền miên, trong khi bầy con theo Âu Cơ thì hòa thuận, ai lo phận nấy, không tranh giành cãi cọ (ngoại trừ Người Nùng gốc gác bền Tàu).  Người mình rất yêu kính bà Âu Cơ, từng gọi Bà là Bà Chúa Ngàn, lạ thay Bà Hiền Từ thế lại không được sử sách ghi là Đức Mẹ Âu Cơ, chúng ta khiếp nhược quá ư? Chúng ta chỉ gọi mẹ Maria, mẹ của Chúa Giê Su là Đức Mẹ thôi, chúng ta Vọng Ngoại đến thế à?  Ngộ nhỉ!

Hiện tại, theo thống kê thì dân tộc ta đang sống chung nhau gồm có sáu mươi ba Dân Tộc, thế là gần đủ Một Trăm tức Nòi Bách Việt.  Chúng ta qua Lào, qua Thái, lên Miến Điện xuống Malaysia, sang Indonesia…vẫn thấy có người nói một phần nào tiếng Việt và phong tục hao hao người Việt, hỏi ra thì tổ tiên họ di cư từ xưa, từ trên xuống, từ Tây qua…Vậy là…ta có đủ Một Trăm Dân Tộc rồi nhé! 

Tôi có hồi ngạc nhiên, thời chính phủ Ngô Đình Diệm, thấy một phái đoàn người Xiêm, tức là Thái Lan, sang thăm Việt Nam gọi là Giao Hảo, ghé Tùng Nghĩa, phía Nam cách Đà Lạt 27 cây số, nơi tập trung người Thái di cư nắm  1954, nói chuyện với người mình thật rôm rả bằng tiếng Thái và cât cho đồng bào mình ở đây một ngôi chùa, nay vẫn còn, gọi là Chùa Thái.  Té ra người Thái ở Thái Lan và người Thái ở Việt Nam cùng một tiếng nói, là cùng “Một Mẹ Mà Ra”!  Dễ thương ghê nơi phải không bạn?

*

Thôi, dài dòng quá không khéo lòng thòng lượt bược, tôi trở lại bài thơ hồi nãy…Bài Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên là một Bài Thơ Hay.  Hay ở chỗ nó không phải là bài thơ Rất Thơ (như bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu hay bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm) mà nó hay ở chỗ Mộc Mạc, Dung Dị - thấy sao thì nói vậy, nghĩ sao thì tỏ bày như vậy, không màu mè, không đẽo gọt.  Đây là một bài-thơ-hình-ảnh.  Nó là một Cảnh Sinh Hoạt hơn là bài ca du dương…Nó cho ta thấy cách sinh hoạt của đồng bào mạn ngược ra sao, cái hiền hòa của họ và cái Tình Yêu Tuyệt Vời…không ảnh hưởng game hay computer chút nào… 

Một bài thơ lồng khung một Thiên Đường Hạ Giới, ta tu ngàn đời chắc chi có được (bởi ta không có Tình Yêu Chân Chính, không có Niềm Mơ Ước Hồn Nhiên).  Cũng sợ lắm nếu mai kia mốt nọ mà trên núi non ta có những phi trường, có những bến xe, và đường núi có nhiều xa lộ, liệu cái Văn Minh Miệt Vườn có còn không đây?  Cái cảnh Chồng thương Vợ để vợ trên ngựa kẻo vợ mỏi chân, cái cảnh Vợ thương Chồng phe phẩy quạt cho bay hơi rượu cho chồng ngủ ngon, tìm đâu ở Người Kinh nhỉ!  Ở Người Kinh:  gây lộn và gây lộn!  Cãi nhau và cãi nhau!  Có theo đạo Thiên Chúa thì cũng cứ ly dị đếch sợ…ông Vua nào!  Do đó mà chiến tranh và chiến tranh!  Do đó mà chỗ nào cũng là chốn Gió Tanh Mưa Máu!

Bàng Sĩ Nguyên làm thơ tưng tửng thế mà không chê được.  Có lẽ nhà thơ để hết cái tình mình vào thơ?  Để hết tấm lòng mình vào thơ?  Ôi Thơ là một cái Nhà Kho chưa cái Tình và Tấm Lòng người ta…đã là nên Thơ rồi.

Tôi “khen” bài thơ của Bàng Sĩ Nguyên, mong bạn đọc đọc bài tôi viết đây cũng nên nhất trí cho tôi vui với.  Đừng đọc bài thơ của Bàng Sĩ Nguyên rồi bĩu môi, miệng nhai ngấu nghiến mấy câu của Trần Thy Nhã Ca nhen:

Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tựa sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ!

*
Tôi hoàn toàn không bình phẩm bài thơ Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên theo cách của nhà phê bình nào.  Bởi bài thơ đó quá dễ thương, tôi muốn nhân đây mời bạn đọc thêm vài bài khác…để thấy thơ nói về rừng núi rất là đáng đọc.  Đường lên núi rừng quả thật chập chùng…

Đây, hai bài “duy nhất” của Đỗ Hữu.  Gọi là Duy Nhất vì có-một-không-còn-hai…lần để thấy Đỗ Hữu khoe thêm thơ của ông.  Đỗ Hữu chết rồi, chắc chết đâu hồi cuối thập niên 1940 của thế kỷ trước. trong cuộc chiến tranh Đông Dương… nếu Bùi Giáng không gom nhặt được thì chúng ta mất đi hai bài thơ rất là dễ thương! 
 
  
Đây này, thưa bạn đọc:


Sầu Ai Lao

Đỗ Hữu



Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt
Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng
Lá vẫn phai chàm trên sắc áo
Mưa nguồn thác đổ đá mù sương.

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mây thuở nào
Với núi xanh lơ chiều tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.

Lưng đèo quán gió mờ hun hút
Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều
Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ
Người ơi, thương nhớ biết bao nhiêu!

Ở đây hơi đá chiều vây khắp
Khép chặt mình tôi giữa núi rừng
Buồn quá ngày đi đêm trở lại
Hoàng hôn hoa bản phấn rưng rưng.

Người có theo tôi lên dốc nắng
Nhìn xem hoa rải sắc trên đường
Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm
Lá đổ sau chân một lối vàng.---

Và…

Chiều Việt Bắc
Đỗ Hữu

Nắng xuống phương nào người thấy không?
Mà đây chiều tím rụng song song
Vàng tuôn mấy lối ngày thu quạnh
Ai liệm hoàng hôn kín mắt trong?

Khói thuốc lên mờ xanh bóng ai
Phương xa chiều xuống ngút sông dài
Đường kia có phải sầu xưa đọng?
Trở bước hoa lau trắng ngập đồi.

Con đường đất đỏ mờ sau bản
Thung lũng vàng tơ nắng trở chiều
Núi biếc chập chùng vây ải lạnh
Dặm về lá đổ phận tàn xiêu…

Rừng núi âm u chiều Việt Bắc
Chầy ngày lạc bước ai ngồi than
Buồn xưa chiều đọng sầu lau lách
Chòi cũ nằm nghe gió dặm trường…

*
Hai bài thơ của Đỗ Hữu không dính dấp gì tới bài Vợ Chồng Đi Chợ Xuân của Bàng Sĩ Nguyên, sở dĩ tôi đưa vào đây là…đổi món ăn tinh thần đãi bạn đấy mờ.  Nhưng bài nào thì cũng là Đường Lên Núi Rừng Chập Chùng…Những ngày Tết sẽ không bao giờ chấm dứt khi chúng ta cứ còn gần gũi nhau!  Bạn ơi, hãy nhìn ra bầu trời xem kìa, nắng Xuân rất đẹp.  Những bài thơ tôi mời bạn hôm nay với mỹ ý của tôi muốn bạn thấy tôi là người-có-ích ít nhất cũng cho một thiểu số người-còn-yêu thơ!
Hãy mở lòng ra, ta có Tết.  Hãy mở lòng ra, ta với Xuân!

Trần Vấn Lệ