văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, March 3, 2013

Đỗ Hồng Ngọc * Thư gởi bạn xa xôi



Tình cờ thôi, Phan Đổng Lý (PĐL) ở Melbourne gởi về tặng mình một bài thơ, có tựa là Hành Y (viết cho Đỗ Hồng Ngọc) trùng với ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trùng hợp vì PĐL không hề biết ở VN có một ngày Thầy thuốc như thế. PĐL là bạn bọn mình từ 60 năm về trước, lúc cùng vào đệ thất (lớp 6) Phan Bội Châu Phan Thiết- À, mà chưa, mới 59 năm thôi, vì đó là năm 1954- Không biết PĐL đã “gieo trồng” mầm thơ thế nào mà bây giờ tuổi trên 70 bỗng nổi hứng làm thơ “vịnh” bạn bè, mà bài nào cũng… hay, cũng bộc lộ “bản sắc” của từng đứa!
Phan Đổng Lý có bài thơ “vịnh” Phan Bá Thụy Dương chỉ bằng vài nét chấm phá đủ cho thấy một Phan Bá Thụy Dương khinh bạc, ngang tàng, tài hoa:

Trích tiên tại thế, vấy bụi trần hụp lặn kiếp đam mê!
Nay quỳnh tương đối ẩm, mai hương sắc giao kề
Lỡ ngồi ôm góc núi, mỉm môi cười nhân thế
Ánh dương quang rực rỡ, sao lại lạc đường về?
…………..

Rồi bài thơ PĐL “vịnh” Trần Vấn Lệ, thấy ngay một chàng thi sĩ hào hoa phong nhã, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”:
………..
Ta vốn mịt mờ đường về bến cũ
Nên thuyền tình lơ lửng mãi dòng sông
Ta nào phải kẽ thả mồi bắt bóng
Mệnh an bài nên tình kiếp long đong

Và bài thứ ba, dành cho bạn bè, PĐL ưu tiên “viết cho Đỗ Hồng Ngọc”. Nói ưu tiên vì các bạn người ở Mỹ, người ở Úc, thỉnh thoảng gặp nhau, đầu này, với Đỗ Hồng Ngọc, đã gần 60 năm chưa hề biết mặt, thế mà “thần giao cách cảm”, đọc văn thơ thấy rõ con người. Có lẽ PĐL nhớ Đỗ Hồng Ngọc qua tập thơ “Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác” mà Trần Vấn Lệ bảo khi đọc “…vui vì nghe trái tim mình đập”. PĐL nghĩ đến cuộc đời “hành y” của người bạn thầy thuốc của mình từ y đạo vào tâm đạo. Lấy đạo tâm làm thế đạo tu thân / Mang y đạo vào luân hồi chuyển thế .

HÀNH Y
(Viết cho Đỗ Hồng Ngọc)

Là một kẻ phụng thừa y đạo
Mang huyết tâm trả nợ nhân sinh
Nhìn thai nhi tượng hình trong bụng mẹ
Ta thấy được gì trong cõi u minh

Tiếng u oa, em chừng vừa tỉnh giấc
Mang vào đời chút âm vọng bi ai
Mắt ngấn lệ em nhìn quanh ngơ ngác
Nợ tiền thân có trĩu nặng bờ vai

Ta nhìn em lòng bâng khuâng thương cảm
Mai đây rồi xuôi ngược biết về đâu
Đường vạn lý ta chúc em nhẹ bước
Có hoa vàng nắng rải, ngợp trăng sao

Ta nào phải kẻ bi quan yếm thế
Chỉ xót thương cho tuổi trẻ bạc phần
Vòng tay ta đã bao lần ôm ấp
Những mãnh đời, ôi, ngắn ngủi mệnh căn!

Ta chọn hành y, cứu nhân độ thế
Ta độ được gì, đã cứu được ai!
Đêm chập chờn ta nằm đợi ban mai
Ngày thoi thóp ta lại chờ đêm xuống

Ta đã lớn lên giữa thời lửa loạn
Gió bụi mịt mù Nam Bắc phân ranh
Tim quặn thắt trước cảnh đời tang tóc
Hồn đớn đau cho thân phận Lạc Hồng

Ta vẫn biết hữu sinh thì hữu diệt
Nhưng đầu xanh nào đã tội tình gì
Một chữ Nghiệp có vơi niềm oán khí
Một hồi Kinh có dịu nỗi sầu bi

Ta đã một lần rong chơi địa phủ
Cầu Nại Hà, nhìn sóng gợn lăn tăn
Tâm tĩnh lặng giữa hai bờ sinh tử
Hồn nổi trôi theo con nước bập bềnh

Một kiếp nhân sinh chưa tròn cuộc nợ
Ngày tiếp ngày cười khóc với thế nhân
Lấy đạo tâm làm thế đạo tu thân
Mang y đạo vào luân hồi chuyển thế .

Phan Đổng-Lý
Melbourne Feb. 2013

phandongly

PĐL quá dễ thương phải không. Xa xôi ngàn dặm vậy mà hiểu bạn mình như đi… guốc! Nhưng mình ấn tượng nhất với PĐL là cái tính bộc trực, đôi khi có vẻ như “ngổ ngáo” mà trong lòng tràn đầy cảm xúc của anh. PĐL có lần thư cho Phan Bá Thụy Dương kể chuyện hồi đi học, anh rất ghét thầy Hiệu trưởng LT “ gặp mặt thì làm ngơ” nhưng với cô con gái của Thầy thì anh “gặp mặt mê mẩn ngó theo”. Cái đó anh gọi là “Thù cha mà không ghét con”! Cô bé đó vào trường sau bọn mình vài năm thì phải, nay chắc cũng đã 70 nhưng kiểu này gặp lại, có khi PĐL vẫn còn ngó theo mải miết chớ chẳng chơi! Phan Bá Thụy Dương còn kể cho mình và Huỳnh Ngọc Hùng nghe chuyện hồi đó mỗi lần chào cờ hát bài “Suy tôn” thì PĐL đã sửa lời thành: “PĐL, PĐL muôn năm!” rồi còn hát to lên nên bị thầy bắt phạt!…

*****
Chiều qua ghé thăm nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị. Nhà thơ Hỷ Khương đột nhiên bị điếc tai phải,  không còn nghe gì được nữa, phải đi bệnh viện Tai Mũi Họng truyền thuốc mỗi ngày, lại vừa châm cứu, kết hợp đông tây y!
Mình đùa cho chị vui: Trời cho mình có 2 tai, điếc tai phải còn tai trái. Vui lên mới phải chứ! Ai nói gì dễ ghét thì đưa tai phải ra nghe. Ai nói gì dễ thương thì đưa tai trái ra nghe. Càng hay chớ sao!
Tôn Nữ Hỷ Khương có nhiều thơ, nhưng mấy câu này thì được rất nhiều người nhớ:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời!

Phải, chỉ có tình thương để lại đời thôi. Và bạn bè mà còn gặp nhau, dù trên văn thơ cũng đã tốt quá rồi phải không?
Hẹn thư sau,
Đỗ Hồng Ngọc.