văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, November 30, 2011

ĐINH HÙNG * Giáp Mặt Phù Dung


Trong im lặng, tôi rùng mình nín thở,
Cầm tay em, nâng từng ngón tay hoa.
Tình yêu tràn trong thớ thịt, làn da,
Tình yêu rợn tự đầu mày, chân tóc.

Thoáng nét sương, nụ cười in khuôn ngọc,
Em bâng khuâng hé nửa cặp môi hồng,
Mắt nhắm nghiền, và sóng ngực rung rung,
Hơi thở ấm não nùng hương phấn dại.


Tuesday, November 29, 2011

VƯƠNG VŨ NGỌC * Anh Thuần: Người Phóng Viên Chiến Trường Can Đảm



Ký giả Anh Thuần tên thật là Phan Bá Thuần Hậu, sinh năm 1937 tại quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trước khi về Phòng Báo Chí QĐ, Cục Tâm Lý Chiến anh đã cộng tác với các nhật báo, tuần báo dân sự như Chuông Mai, Ngày Mới… với bút hiệu Hoàng Long và Phóng Viên Kính Trắng.
Là một ký giả kiêm phóng viên chiến trường độc thân, Anh Thuần luôn luôn có mặt tại Phòng Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến để sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm bằng mọi giá theo các cánh quân hầu kịp thời thâu thập tin tức và hình ảnh để cung cấp cho Đài Tiếng Nói Quân Đội, nhật báo Tiền Tuyến và các báo dân sự khác, kể cả báo của người Trung Hoa.

Monday, November 28, 2011

TRẦN TUẤN KIỆT * Chòi Cô Độc


CHÒI CÔ ÐỘC

Em đến đấy phải không
Dãy thiên hà rực sáng
Trăng sao ôi vô cùng
Với mối sầu vô hạn

Em đến đó phải không
Ru hồn vào cõi mộng
Trời đất buồn phân vân
Xin chúc điệu an lành

Trong đêm xuân hiu quạnh
Em đến trông cuộc đời
Ðắm chìm trong bão tố
Ðôi mắt xa mặt trời

Biển lòng em sóng gió
Em đến đó phải không
Mùa đông sương tuyết rải
Băng gíá dâng đầy hồn
Cô đơn là thế đấy


Trần Tuấn Kiệt

TRẦN VẤN LỆ * Ngày Mùa Đông


Sáu giờ chiều?  Sáu giờ đêm?
Mặt trời mới lặn, mặt thềm sáng trưng!
Bây giờ đang là mùa Đông
Mặt trời đi ngủ khi lưng lửng chiều...

Sáu giờ trời đất buồn hiu
Bảo đêm nghe lỡ, nói chiều ai tin?
Một ngọn đèn bật, long lanh
Hai ngọn đèn bật...một hành lang khuya!

Người đi làm vẫn chưa về
Bữa cơm tối dọn đành chia, đành trừ...
Mùa Đông gặp bữa nào mưa
Đêm thăm thẳm tối, ngày hờ hững mai...

Sáu giờ chiều, tôi đợi ai
Kìa trăng đã mọc, sao cài trời xa
Ai đi làm cũng nhớ nhà
Đồng hồ không thể vượt qua con cầu...

Trần Vấn Lệ

HOÀNG LONG HẢI * Vết nám


(Sự kiện có thật, chi tiết do tác giả hư cấu)

Sau 7 năm tù cải tao, Hữu được tha. Từ trại tù Xuân Lộc, Hữu về thẳng Saigon, địa chỉ của Hữu trước khi “đóng tiền đi ở tù” (1). Tuy nhiên nhà cũ của gia đình Hữu ở đường Trương Minh Giảng không còn. Nhà ấy đã bị tịch thu trong đợt “Đánh Tư Sản” của Việt Cộng hồi năm 1978. Vợ Hữu đem con về ở Cư Xá Thanh Đa, sang lại căn nhà của một sĩ quan chế độ cũ, sau khi, giống như “mèo tha con”, vợ Hữu đem con đi lang thang sống tạm vài nơi ở Saigon.
Từ bến xe, Hữu đi xe ôm về nhà. Xuống xe ngay trước chợ Thanh Đa, nhìn quanh, Hữu nghĩ thầm: “Chỗ nầy không thể để cho các con của mình ở được.” Hữu có một kinh nghiệm sống khi còn đi học, những chỗ chợ búa, không nên để cho trẻ con ở. Hữu cũng bị ám ảnh bởi câu chuyện “Mạnh mẫu dời nhà” trong cuốn sách “Cổ Học Tinh Hoa.”

Friday, November 25, 2011

ĐINH TỪ THỨC * Hồi ức về bài thơ Con cóc

Trong hai tuần lễ đầu tháng Năm vừa rồi, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc liên tiếp viết ba bài về bài thơ “Con cóc”. Ông viết vì bài thơ này đã trở thành nỗi ám ảnh của ông:
Tôi vẫn đọc thơ nhưng hầu như bài thơ nào đang đọc dở dang cũng đều bị cắt ngang bởi một bài thơ rất vô duyên: thơ “Con cóc”. Từ đâu đó, tận trong tiềm thức, bài thơ “Con cóc” nhảy chồm ra, giành giật, chen lấn, xô đẩy, cuối cùng, thật oái oăm, bao giờ nó cũng thắng thế.

Thursday, November 24, 2011

DOÃN QUỐC SỸ * Chuyện Một Người Vợ Hiền


Cô Trang còn độc thân có một cô bạn đã có chồng được hai năm nhưng vẫn chưa có con,
Trang vẫn gọi là “cô bạn hiền” là thấy tính tình hiền, giọng nói hiền, nụ cười hiền… thì gọi là bạn hiền!
Hồn nhiên vậy thôi, chưa bao giờ Trang tự vấn vì sao, vì những đức tính vượt trội nào mà mình lại mệnh danh bạn là “cô bạn hiền”Một ngày kia nhân dịp công việc xong xuôi, trên đường về chợt nhớ tới bạn, Trang bèn rẽ ngay theo con đường đưa đến nhà bạn.Tới nơi, Trang vừa gõ cửa tiếng bạn bên trong đã vang ra:
- Cứ vào!

NGUYỄN HƯNG QUỐC * Con cóc” là một bài thơ hay?

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra

Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó

Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Wednesday, November 23, 2011

NGUYỄN ĐỨC NHƠN * Điền Gia Lạc


“bạch đầu nhân túy, bạch đầu phò, điền gia lạc”

cái thú điền viên hai thằng đầu bạc
bê rượu ra sân chén tạc, chén thù
ngửa mặt lên trời cười đến ngất ngư
xem thế sự như trò chơi con trẻ

cạn chén đi anh bọn mình say một bữa
để thấy đời còn đẹp biết bao!
mái tóc hai thằng bạc trắng như nhau
như những đám mây chiều trôi lãng đãng

đàn vịt rỉa lông trên bờ ao cạn
đàn gà con bươi rác sau hè
chạy quanh sân đàn trẻ nô đùa
giàn bầu, mướp cũng đơm hoa, nở nhụy

cạn đi anh bọn mình say túy lúy
để nghe đất trời thở nhịp thiên nhiên
hãy quên đi những chuyện não phiền
mà uống cạn chén đời trong mộng tưởng

tôi đâu phải là kẻ hằng tâm, hằng sản
mà chỉ là thằng khố rách, áo ôm
mượn chiếc cần ngồi câu áo, câu cơm
đâu có ôm mộng lớn chờ thời như Lã Vọng

đâu có chí lớn vẫy vùng giữa trùng dương dậy sóng
tôi chỉ là thằng con nít sống lâu năm
còn anh? thì cũng là thằng lạc chợ, trôi sông
giả hiền sĩ gạt đời kiếm bữa

dựng lều chõng hai thằng nương tựa
bê rượu ra sân hai đứa khề khà…
“bạch đầu nhân túy bạch đầu phò, điền gia lạc”
cạn chén đi anh bọn mình chén thù chén tạc

đời vui như mở hội đầu xuân
chếnh choáng men say rượu ngọt lạ lùng
chiều xuống thấp đẹp vô cùng anh nhỉ?
gặp bạn hiền rượu ngàn ly chưa phỉ

ngất ngưởng bên nhau nói chuyện bao đồng…
khi trở về có lội suối, qua sông
nhớ chống gậy mà dò sâu, cạn!
“bạch đầu nhân túy bạch đầu phò, điền gia lạc!”

Nguyễn Đức Nhơn

TẠ TỴ * Nguyễn Đình Toàn và nỗi buồn trước mặt


Thấm thoát đã 17 năm rồi đó. 17 năm đi qua trong lòng con người ”thiên lý tương tư” như một khoảng thời gian đầy dẫy buồn phiền. Từng năm, từng tháng nào có nghĩa gì so với nhịp luân hành vũ trụ, mà sao trong đáy sâu tiềm thức, trong hố thẳm nhớ thương, vẫn hiện lên bao nỗi giày vò gần như thê thảm. 17 mùa Xuân đất Bắc đã qua đi. 17 mùa Hạ cũng tàn phai theo từng trận gió Lào hầm hập. 17 mùa Thu chết rụi theo xác lá rơi ngổn ngang trên khắp nẻo đường Hà Nội và 17 mùa Đông với mưa phùn gió bấc thổi buốt ruột gan cũng phai nhoà trong tâm tưởng qua 17 mùa mưa nắng. Lòng người miền Bắc chợt úa héo mỗi lần nghĩ tới.

Tuesday, November 22, 2011

VĂN QUANG * Viết Cho Bạn Và Cho Mình

Trong bài này, xin phép bạn đọc cho tôi được nói một chuyện rất riêng tư. Một thứ chuyện riêng của một người, nhưng có lẽ cũng là chuyện của nhiều người. Đó là chuyện tình cảm, không thể không nói, không thể không viết, bởi nó luôn ám ảnh trong đáy sâu tâm tư, trong cả tiềm thức, khó mà có thể làm được điều gì khi còn vướng víu trong lòng. Bạn đọc đã từng gặp trường hợp một người thân vừa ra đi chắc chắn sẽ thông cảm với tôi. Nhất là đã ở ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” sắp bước sang “bát tuần”, điều ấy còn sâu sắc hơn nhiều.

TIỂU TỬ * con rạch nhỏ quê mình


Mầy còn nhớ không ? Hồi tụi mình còn nhỏ, thời tiểu học, có ngày nào mà tụi mình không đùng xuống con rạch trước nhà để tắm. Mầy còn nhớ con rạch đó không? Nó có cái tên cục mịch và quê mùa : rạch " Cồn Cỏ ". Người ta gọi như vậy bởi vì ở phía sông cái có một cái cồn khá lớn - gần như là một cái cù lao - làm tách con rạch ra làm hai nhánh. Có lẽ hồi xưa, trên cồn chỉ có cỏ nên họ gọi là " Cồn Cỏ ", chớ hồi thời tụi mình, trên đó thấy đầy cây cối mà một số là cây ổi " chim ăn " và cây xoài hột. Mầy bỏ xứ ra đi lâu quá, không biết còn nhớ " ổi chim ăn " và xoài hột không ? " Ổi chim ăn " là loại ổi nhỏ bằng trứng chim cút, bên trong toàn hột là hột nên không có ai trồng. Chim hay mổ ăn mấy trái chín, còn tha đi chỗ này chỗ nọ. Hột ổi rớt mọc lên cây, nhà vườn chặt bỏ để lấy đất trồng thứ khác. Còn " xoài hột " thì như tên của nó nói : trái nhỏ bằng nắm tay con nít, bên trong chỉ có cái hột lớn với chút xỉu cơm ! Người ta cũng gọi là " xoài mút " bởi vì muốn ăn loại xoài đó phải lựa trái chín muồi, lột võ rồi mút cái hột với lớp cơm mỏng dánh dính chung quanh. Người lớn không ai thèm ăn bởi vì ăn không đã miệng mà mút xong một trái là hai bàn tay dơ hầy ! Chỉ có con nít là khoái ! Cho nên vào mùa xoài - cũng là mùa mưa - khi thấy trời nổi gió, trẻ con thường lội qua cồn để lượm xoài, được trái nào là đứng ngay dưới cây xoài mút lia mút lịa. Tao nhớ có lần mầy với tao cởi quần đội lên đầu rồi lội qua cồn cỏ lượm xoài. Mầy nhớ không ? Mình phải đội quần để quần xà lỏn đừng bị ướt bởi vì tụi mình " lội chó " đầu lòi ra khỏi nước. Mới nút được có mấy trái thì trời mưa ụp xuống làm hai đứa ướt ngoi. Lần đó về nhà tao bị bắt quì gối gần nửa tiếng. Tao tưởng mày là cháu đích tôn của ông Cả, được cưng nhứt nhà không ai dám rớ. Té ra hôm sau đi học, mầy kể lại mầy cũng bị ông nội mầy bắt quì cũng như tao ! Mầy coi ! Cái xã hội của mình hồi đó nó tốt như vậy. Quan quyền hay dân dã gì cũng dạy con dạy cháu na ná như nhau hết.

PHAN TẤN HẢI * Kiếm Mã Hành

Nâng ly mời đã mềm môi
Còn tê tê lưỡi đã cười ra đi
Ðường mai gió loạn sá gì
Tóc xanh dẫu bạc an nguy cũng liều

Ta đi rừng núi xanh vầng trán
Thành phố phương nào mây vẫn bay
Dưới trăng cười hỏi ừ rồi máu
Có thơm mùi rượu của đêm nay

Nghiêng ly đổ rượu tràn tay
Say ngàn sóng dữ trả ngày trẻ thơ
Cười vang hỏi bạn say chưa
Ta say nghìn kiếp giữa bờ tử sinh

 Rong chơi vào cuộc lầm gió bụi
Rượu thề pha máu đỏ vầng trăng
Nửa đêm ta gọi sơn hà dậy
Thần mã bay về hí vó trăng.


Phan Tấn Hải

Monday, November 21, 2011

thơ LÝ THỤY Ý


ĐỌC “ GỞI SÀI GÒN “ CỦA THỤC VŨ

Rưng rưng khi đọc thơ Người
Cỏ thiên thu đã kìn nơi anh nằm
Ngậm ngùi chi chuyện trăm năm
Người xưa cũng quá thăng trầm Vũ ơi !

2010


NGƯỜI LÍNH ẤY
- kính tặng anh Hai-T/TPB Trương Huyền Sách

Người lính ấy không còn trẻ nữa
Dấu thời gian hằn những nét vô tình
Nhưng ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Của một thời lừng lẫy đao binh

 
Người lính ấy không nói về cuộc chiến
Chỉ nhắc nhiều đồng đội năm xưa
Nhớ khẩu pháo chưa một lần im tiếng
Dưới đạn thù xối xả như mưa

Người lính ấy lặng thầm và khắc khổ
Ôm nỗi đau dù chưa bại bao giờ
Năm tháng đã xa dần cơn bão tố
Mà trong hồn chứng tích vẫn trơ trơ

Người lính ấy không còn trẻ nữa
Nhưng chiều nay hoài niệm chuyện ngày xưa
Trong ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Hạ Sài Gòn mà thoang thoáng thu mưa

Lý Thụy Ý

Võ Thị Điềm Đạm * NẾU, NẾU NGÀY ẤY…


Minh dặn chị:


- Chút trưa có người hứa đến nhà đề coi miếng đất Vũng Tàu. Em phải đi quận Bảy lo cho xong thủ tục sang tên căn nhà ở Phú Thạnh Mỹ,...lần này không để mất một cách vô duyên nữa. Tụi nó chỉ thừa chút sơ hở của mình là nắm ngay cơ hội trở giọng. Chị tiếp khách dùm em được không?
- Được. Nhưng Thuận phải biết một số chi tiết cần thiết để nói chuyện với khách.
- Địa thế miếng đất, chị đã thấy hôm chị ra Vũng Tàu. Giấy tờ trong tập hồ sơ, giá cả thì em ghi đây. Chị tùy cơ ứng biến, khơi đầu là giá vòng viết xanh, không dưới giá đã được vòng viết đỏ này. Vấn đề chi phí sang tên thì chia hai, mình lo được chuyện này vì em có vài quen biết khu vực đó. Còn nếu họ tự lo được thì giảm năm triệu, tùy trường hợp, có thể họ thấy lời, có quen biết thì rẻ và nhanh.
- Có phải nói trắng thành đen, đỏ thành xanh... cái này là Thuận không làm được à nghen.

KIM TUẤN * Bức Thư Gởi Không Niêm

Anh gửi mùa hè ra ngoài ấy
Để em sưởi ấm nắng Sài Gòn
Để tà áo lụa bay trên phố
Lặng lẽ cười môi đỏ nét son
Anh gửi mùa hè ra ngoài ấy
Gửi trời chợt nắng rồi chợt mưa
Chợt em bỗng nhớ người xa vắng
Thuở đi về trên những lối xưa
Anh gửi mùa hè ra ngoài ấy
Gửi em hoa phượng đỏ trên cành
Gửi thêm tiếng hát con ve nhỏ
Rất nồng nàn như của chính anh.
Con một mình lặn lội với thơ
Mười tám tuổi không về quê như chị
Mẹ ướt mắt khuyên "đừng tập làm thi sĩ
Bạc muôn chừng thân gái con ơi".
Tháng ba đi, hoa gạo nở hết rồi
Mẹ đếm tuổi em bằng cánh hoa mùa cuối.
Thư gửi em chừng là viết vội
Mẹ giục về đi lấy chồng thôi.
Tháng ba buồn dại ý hẳn ngậm ngùi
Nhắc em ngày sinh và hố vôi đầy hoa gạo rớt
Quê em đó, cơn mưa dài không ngớt
Khóc từ lúc sinh em cho đến tận bây giờ
Đành rằng tháng ba vẫn thắp màu hoa cũ
Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa.
Kim Tuấn

PHAN * Vì Em Đã Mang Lời Khấn Nhỏ

Ông Tuấn sống trơ trọi như cây cột đèn đã mấy năm, từ sau bà Tuấn ra đi bất ngờ, con cái đi xa càng xa hơn sau tang lễ mẹ chúng, ngày càng thưa về. Thằng con trai tệ nhất trong mấy đứa con là ăn chơi nhiều hơn ăn học, ông tưởng vợ nằm xuống là khổ với nó vì bà thường bao che cho nó hơn răn dạy. Nhưng mấy năm nay nó cũng chỉ về nhà hôm giỗ mẹ, rồi lại đi. Thật ra bất hoà cha con không phải từ vụ nó mượn cái xe của mẹ đi đỡ, (sau khi bà Tuấn qua đời) và ông đã không cho. Sự bất cần của nó đã làm ông bực từ những ngày nó mới lớn; những ngày gia đình mới sang Mỹ, nó không chăm học như các chị nó trong nhà, hay lêu lỏng bạn bè, đi chơi chán rồi về ngủ vùi, bỏ học, bỏ làm… Cha con gần như không nói chuyện từ hôm ông bảo nó: đi đâu thì đi… cho khuất mắt ông. Và nó đi không qua ngưỡng cửa vì bà Tuấn bao che, nhưng vợ chồng ông Tuấn coi như đã một người qua đời, dù vài năm sau trận cãi cọ kinh hồn đó bà mới đi theo chúa.

Saturday, November 19, 2011

TUỆ SỸ * Mười Năm Trong Cuộc Lữ


Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở của Trường sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thủa dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông Phương

Rồi ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp khói tang thương
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.


Tuệ Sỹ

DOÃN QUỐC SỸ * Dạ Lý Phu Nhân

Năm Giáp thân (1344) niên hiệu Thiệu phong thứ IV đời Trần Dụ Tông, tại kinh đô có mở hội xem hoa vào dịp lễ Nguyên Tiêu, nhà nào nhà nấy treo đèn kết hoa, cảnh tượng thực là rực rỡ, dân chúng tự các phường lân cận đổ về kinh kỳ dự hội đông như nước chảy.
Sao lại có một thư sinh, dáng tư lự, thơ thẩn đi ra khỏi kinh thành?

Friday, November 18, 2011

phan bá thụy dương * trên nỗi tình người 2


cho Lá Thắm

Tạ từ em với sương mai
Anh lên tay súng cất lời hô quân
Tàu đi sông nước chập chùng
Nẻo quan san đó gian truân đã chờ

Trước sau cờ rợp bóng cờ
Ngoài kia chiều ráng nắng mờ hắt hiu
Em về mây gió trôi theo
Nhớ nhau ?
thôi cũng chắt chiu kiếp này

Bên anh đạn réo tên bay
Trăm binh đao với tháng ngày bỏ quên
Quê mình còn đó không em
Cho anh ấp ủ trái tim ngọt ngào 


phan bá thụy dương
Ngày về giải tỏa Mỹ Tho, Tết Mậu Thân 68. [ Tựa cũ trong
tuyển tập Đầu Gió do Hội VNSQĐ/TC.CTCT
ấn hành: "Khi Anh Rời Gò Công Về Khu Chiến".]

TRẦN TUẤN KIỆT * Làm Thánh Hiền Đời Nay Khó Hơn Thánh Hiền Đời Xưa

Trước tiên phải nói ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ ít ai đọc và sống với ông Bùi Giáng, họ đọc tác giả mới trên thế giới đầy rẫy, các loại văn học thời Nieztch, Sartre, Camus, Saint Exupéry và Heidegger họ cũng coi là đã lỗi thời… chứ đừng nói gì tới ông Phật, ông Lão đã quá cách xa với thế giới hiện tiền hằng mấy ngàn năm. Vì thế nhắc tới Bùi Giáng chắc ít người quan tâm. Ở VN thì khác, giới trẻ ngoài học thuyết Lenin, Karl Marx ra trong một thời gian dài không được đọc thêm gì cả. Cho nên một thời người ta ngấu nghiến nhai lại đồ cũ, nhai và nuốt không tiêu nữa, rồi lại mửa ra và đem thứ nôn mửa đó gán ghép tội tình cho ông Giáng họ Bùi. Bởi vì sau ngày 30/4/75 Bùi Giáng như một con người nổi bật trong giới văn học nghệ thuật qua thái độ đùa cợt phản kháng, khinh thế ngạo vật trong xã hội quá đỗi đen tối.

HOÀI KHANH ** Phương Trời Lưu Viễn

biển mù mịt đó mưa đan
tôi ngàn năm nhớ nào tàn mộng xưa
vi vu mầu gió đi mùa
núi non đồng vọng cũng thừa xót thương

đã nghe đất dậy môi trường
cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm
bơ vơ chiều đựng chuông trầm
sông dài trôi quạnh hồi âm nẻo nào

cuối trời nghe rụng vì sao
đêm đi từng giọt sương vào hư vô
là thôi những ý mong chờ
sẽ còn luân lạc bên bờ suối xanh

còn em mộng suốt hồn anh
sẽ bay vào cõi cây cành héo khô
sẽ đi một bóng xa mờ
phương lưu viễn đó hẹn giờ phùng sinh

Hoài Khanh

Thursday, November 17, 2011

MANG VIÊN LONG ◘ bên tách trà khuya

Nghe tiếng ông Cổn từ đầu ngỏ, nhìn thấy dáng ông lừng lững bước vào sân – ông Thạch rất ngạc nhiên. Cảm thấy lạ. Đã chạng vạng rồi, ông ấy còn tìm đến làm gì nhỉ? Bấy lâu nay gặp nhau, hẹn hoài. Rồi trôi đi như bao việc khác đã lạnh lùng trôi đi, nhưng ông Thạch không hề trách bạn. Ông hiểu ông Cổn – coi nhau như ruột thịt, ngay từ lúc ông ta từ miền Bắc trôi dạt về quê…Ông Thạch vẫn nghĩ, cứ để ông ấy muốn đến lúc nào thì tùy, bởi cuộc sống của ông cũng đang bấp bênh, chật vật – đâu có êm ả gì mà giữ đúng hẹn?

BÙI GIÁNG ◙ Tao Ngộ



    Thiên thu một thuở tình đầu
    Tận cùng gió gác trăng lầu tái sinh

    Trăm năm mấy lúc giật mình
    Mười năm vô tận mang tình tự đi
    Bốn mươi năm rượu ly bỳ
    Hồi sinh bất chợt nhu mì thấy em
     
    Rồi có lúc như bây giờ lần nữa
    Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn

    Lời gay cấn đầu thai trong vó ngựa
    Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn

    Bùi Giáng

TƯỜNG LINH ** Cỗ Tự





Con quỳ trước điện nghe kinh
Nhỏ nhoi một chấm nhân sinh tìm về
Mịt mù Tây Trúc cội quê
Thì xin quét lá bồ đề tịnh viên

Bồng lai nước yếu ngăn thuyền
Đành mang áo vá trích tiên cõi người
Thơ nghiêng phía khóc hơn cười
Buồn Chân, níu Ảo buốt mười ngón tay!

Con về góp khói hương bay
Chờ chuông cổ tự cuối ngày vọng thanh
Và quên, dù bại hay thành
Còn đêm đầy gió trăng lành xưa sau

Bụi trần hạt khổ, hạt đau
Hạt thinh lặng ghép theo màu thời gian
Sông mê bờ ngập, sóng tràn
Lời kinh chở ý đạo vàng gọi ai

Tường Linh

Huỳnh Ngọc Chiến dịch: Alexandra David Neel * Câu chuyện tầm sư học đạo kỳ lạ của KARMA DORDJI (1) -


Karma Dordji xuất thân từ một gia đình nghèo hèn. Từ thuở nhỏ ông được cha mẹ gởi vào chùa, và ở đó ông luôn bị đám bạn bè cùng trang lứa thuộc tầng lớp giàu sang chế nhạo, khinh bỉ. Khi ông lớn lên thì đám bạn lại tìm cách xa lánh, không thèm trò chuyện vì xuất thân hạ tiện của ông. Karma Dordji là người kiêu hãnh và có ý chí kiên cường. Ông kể cho tôi nghe rằng ngay từ khi còn bé, ông đã quyết tâm tìm cách vượt lên trên những kẻ đã hạ nhục mình.

Wednesday, November 16, 2011

HOÀNG TRÚC LY ◘ Gặp Người Em

Những người xưa đi rồi không về nữa 
Một mình anh lại gặp một mình em -
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi

Đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
Anh thương em câm nín đến bao giờ.
 
Bởi vì đâu da em xanh giá rét?
Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi

Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi
Em bềnh bồng, anh phiêu lãng về đâu
Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
Không mai sau cho nước chảy qua cầu

Em bảo anh người đi không trở lại

Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
Em giang hồ làm tiếng hát lang thang

Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi

Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt
Anh thương em: máu vọt bốn phương trời.

Hoàng Trúc Ly

Tuesday, November 15, 2011

QUỲNH GIAO * NS Nguyễn Đình Toàn & Âm Nhạc


Ngày còn bé, Nguyễn Ðình Toàn không biết đánh đáo.
Ông đánh mạt chược thuộc loại đáo để và ăn nói còn đáo để hơn trên bàn mạt chược, nhưng Quỳnh Giao nghi là ông không biết đánh đáo. Hoặc có lẽ không thèm đánh đáo. Ở tuổi ấu thơ, Nguyễn Ðình Toàn ham mê chuyện khác, để ý đến chuyện khác, chuyện thi ca chẳng hạn, thơ và nhạc.

TƯỜNG LINH * Uống Rượu Với Ông Lái Đò Bến Cũ


Ngồi nán lại ngắm trăng cùng với lão
Khuya rồi khỏi ngại khách sang sông
Rượu còn hơn nửa chai cũng đủ
Nhớ lung tung và chuyện thêm nồng
    Ngày chú nhỏ bỏ làng đi biệt
    Lão cũng vừa chí tuổi trung niên
    Tuổi đời cách chẵn hai con giáp
    Ba mươi năm, chú lưu lạc bao miền?

    Thưa, cụ vẫn đưa đò không nghỉ
    Đưa đò ròng rã bấy nhiêu năm?

    Cũng như chú nhỏ làm thơ vậy
    Nào khác đưa đò cho thế nhân
    Phần lão đi hoài không thấy đến
    Trên sóng đâu quyền được mỏi chân?

    Chén này chú phải cạn nguyên chén
    Ơ kìa sao mắt lại se buồn?
    Chú về khuya khoắt gay tôm cá
    Chỉ có trăng đầy với rượu suông!

    Cháu hỏi câu này không phải lắm:
    Cụ có bao giờ muốn đổi thay
    Cái nghề đi mãi mà không đến
    Lắm dập vùi xưa, bạc bẽo nay?

    Ông lão ném chai vừa hết rượu
    Làm xao nhẹ mặt sóng lăn tăn
    Trả lời, chỉ tiếng cười khanh khách
    Chỉ tiếng cười lay buốt ánh trăng…

    Tường Linh * Sinh nhật 12.12.1991

HUY TRÂM * * Dòng Sông Xưa


Ta rời một quê hương
trái tim rời chẳng nổi
chiều nay nhớ con đường
giữa đồng nương sớm tối

Quê em gần bóng núi
nơi có một dòng sông
từ thượng nguồn nước trong
chảy xuôi về bến đợi

Ra đi miền đất mới
đâu còn nữa non sông
đâu hương đồng gió nội
ru êm một cõi lòng

Em ơi ! chớ cuồng sinh
chớ xa lìa cội gốc
chớ đạp lên nghĩa tình
chớ giành cơm người khác

Cho dù em chậm chạp
nhưng sau, trước hiền lương
như dòng nước quê hương
vốn trong mà chảy chậm
không tàn ngược bạo cuồng

Huy Trâm
[trong thi tập SXTSM]

Monday, November 14, 2011

ĐINH TỪ THỨC ◘ Obama giết Osama: 10 năm săn thủ phạm 11-9

Lời Giới Thiệu của Tác Giả:
Vụ tấn công giết gần ba ngàn người ngay trên đất Mỹ ngày 11 tháng 9, 2001 được coi quan trọng ngang tầm vụ tấn công vào Pearl Harbor cuối năm 1941. Mỹ chỉ mất gần bốn năm để tóm cổ Thủ tướng Nhật Tojo Hideki, và ba năm xét xử trước khi treo cổ ông ta. Nhưng đã mất tới mười năm để hạ sát Osama bin-Laden.
Một tuần sau vụ 11 tháng 9, tới thăm Ngũ giác đài ngày 17 tháng 9, Tổng Thống George Bush tuyên bố: “Tất cả những gì tôi có thể nói là Osama bin-Laden là nghi phạm chính”. Ông nói, “Tôi muốn công lý. Như cáo thị ở miền Tây từng niêm yết: Cần bắt, sống hay chết”.
Cuộc săn lùng thật ra đã bắt đầu trước 11 tháng 9, 2001, khi bin-Laden chính thức tuyên bố mở đầu cuộc thánh chiến chống lại Hoa Kỳ từ năm 1996. Nhưng cuộc săn bắt chỉ thực sự khẩn trương từ sau vụ 11 tháng 9.
Bài này đã được viết lại, và dịch lại, dựa theo nhiều tài liệu đã công bố trên Washington Post, New York Times, Reuters, nhất là các bài “The Hunt” trên Wasington Post ngày 6 tháng 5, 2011, của Peter Finn, Ian Shapira, và Marc Fisher, bài “Top Secret America: STEALTH MISSIONS” của Dana Priest và William M. Arkin, cũng trên Washington Post ngày 4 tháng 9, 2011, và đặc biệt là bài “Getting Bin Laden” trên tạp chí New Yorker ngày 8 tháng 8, 2011, của Nicholas Schmidle. Các tác giả bài The Hunt đã viết dựa trên các cuộc phỏng vấn trên 20 giới chức cao cấp về chính trị, quân sự và tình báo từ các chính quyền Clinton, Bush và Obama. Riêng bài báo của Schmidle đã được coi như một “coup” ngoạn mục trong làng báo, với nội dung rất phong phú, gồm những chi tiết chưa hề được tiết lộ trước đó.

Saturday, November 12, 2011

thơ Sa Giang TRẦN TUẤN KIỆT


SÓNG KHUYA

Tìm em biển bắc chiều thu
Thành cao bãi lạnh sương mù còn giăng
Tiếng còi khuya động vầng trăng
Nửa vời sóng bủa âm thầm lại đi
Muôn năm dãy núi xanh rì
Sóng xô đầu bể nói gì hỡi em

NGÀY MƯA 1

Em ôm gối mộng bên lầu
Ngủ ngoan em rụng trái sầu bên chăn
Ngủ đi mơ mộng kẻo tàn

Mà hơi sương sớm lạnh tràn xương da

NGÀY MƯA 2

Mưa luồng quãng lộ về xa
Chân im lối cũ ngày qua lặng lờ
Tóc huyền em chảy trong mưa
Nghe như năm tháng sầu xưa đổ về

TRẦN TUẤN KIỆT

Friday, November 11, 2011

HUY VÂN ⎈ đối gương tìm lại bóng mình

nghiêng qua, ngó lại...buồn thiu!
đối gương mới biết tóc nhiều đường mây
thời gian đọng lại chốn này
sợi thương, sợi nhớ, sợi bay nửa đời

trắng như khói quyện mây trời
quạnh hiu như giọt mưa rơi lạc hồn
chập chờn như mới đầu hôm
sớm mai nhận diện phiên buồn tàn vong

tóc sương, sợi nhớ ngập lòng
phất phơ một cõi mênh mông viễn hoài
nhánh đời vương mấy cành phai
bước sông hồ lỡ duyên ngoài dặm xa

tim cằn mơ bóng Xuân qua
đời vô thường quá! Mộng là phù vân!
tịch liêu thay buổi thanh tân
bể dâu, thương hận, bao lần tỉnh, say

nẻo đời qua những đổi thay
ngõ hồn diệu vợi, đắng cay, mỏi mòn
một cầu thề hứa chưa tròn
ngậm hờn qua ải, lòng còn vấn vương

bạc đầu trên bước dặm trường
vòng thời gian khép lại đường tử, sinh
đối gương tìm lại bóng mình
thấy trong đôi mắt tiền thân bụi hồng

bàng hoàng một nắm hư không
mang thời gian đến viễn vông quan hà
thì thôi: bước tận, đường xa
thở dài, cúi mặt chờ qua kiếp này!

HUY VÂN

Thursday, November 10, 2011

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN ** Viết Về Hoàng Hải Thủy


Hoàng Hải Thủy là một trong những nhà văn đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông nổi tiếng trước nhất như một người viết phóng sự, sau đó, như một dịch giả và một người viết tạp văn.
Từ tạp văn ở đây hiểu theo nghĩa, gặp gì viết nấy, trộn lộn cả phóng sự, văn chương, trích dẫn thi ca, âm nhạc, những ngôn ngữ do ông sáng tạo, bịa đặt ra.
Cái cách viết của ông có thể có nhiều người không thích. Nhưng khi người ta nói không thích cách đùa cợt trớt nhả của ông, có nghĩa là người ta đã đọc ông rồi.
Có phải như vậy chăng?

Wednesday, November 9, 2011

PHAN BÁ THỤY DƯƠNG ●● Nói Chuyện Vui Với Chưởng Môn



Với những người hoạt động lâu năm trong giới truyền thông, báo chi...miền Nam thì hầu như ai cũng ít nhiều nghe danh, biết đến cụ Hà Thượng Nhân . Tiên sinh là người nổi tiếng về tài làm thi phú nhanh - có thể nói là xuất khẩu thành thơ - cũng như về đức độ, về tính tình ôn nhu, phóng khoáng đối với mọi người. Ông còn là một vị giám khảo thường trực cho giải Văn chương Toàn quốc - do yêu cầu của Phủ Quốc Vụ Khanh VNCH. Tại quốc ngoại tiên sinh cũng – ít nhất - là giám khảo chi các giải thơ văn cho Phong trào Hiến Chương 2000 ở Canada và cho Cơ sở Văn Thư Lạc Việt tại San José, California.

Monday, November 7, 2011

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM ** Dấn Thân Vào Miền Tuyết Lạnh


  Cõi trần thế lỡ đam mê sa đọa
     Mãi rong chơi ta lạc lối quay về.
     Phan Bá Thụy Dương



    Cái mốt từ hàng trăm năm của người Na Uy vào dịp lễ Phục Sinh là lên nghỉ mát ở miền núi, ở khách sạn, thuê nhà nghỉ mát hay gia đình có nhà nghỉ mát riêng. Nghĩ tới chuyện có nhà nghỉ mát riêng, Thanh cứ cười hoài về cái tội "dại khờ" của ngưới Na Uy, trong đó có chồng mình. Ông bà nội, Thanh quen gọi ba mẹ chồng là ông bà nội, vì ngược ý nhau về chuyện tậu nhà nghỉ mát nên không tát được biển Đông. Cậu con trai duy nhất của ông bà lãnh trách nhiệm làm tròn ước mơ lớn nhất đời người của ba mẹ cũng như đa số người Na Uy. May mắn cho cậu quí tử này là cô vợ chẳng quan tâm gì đến cái chuyện sẽ tậu nhà nghỉ mát ở miền biển, miền suối, cạnh sông hồ hay miền núi cao. Cô nàng càng không có cơ hội dành tới dành lui với chồng để cất nhà nghỉ mát gần quê quán mình như ông nội bà nội của lủ con. Bởi một lẽ đương nhiên là quê cô nàng ở tận Việt Nam, chứ không phải cô nàng hiền lành lắm đâu mà khen là: Đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp theo. 

PHAN BÁ THỤY DƯƠNG ** Gõ Thức Đêm Đen

cho Anh Thuần và Lá Thắm

1-

Lửa đã lịm trong lòng anh đó sao
Mà lời nguyện cầu nghẹn tắt
Tình đã dậy trong tim em đó sao
Mà tiếng ca ấm êm ngọt mật
Anh oằn vai vác gỗ qua sông
Chợt thấy bóng dã nhân
 run run, ngơ ngác
 Đôi chân lạnh hững hờ trên cát
 Lưu dấu mù mờ ấn tích bi thương.

2-

Quanh quẩn đâu đây bên chổ anh nằm
 Tiếng thở dài âm u
của người tù già biệt xứ
Quanh quẩn đâu đây, trong tâm thức anh
Chỉ có đôi mắt em rưng rưng giọt lệ
              Và tiếng hét hận thù
 của bầy ngạ quỷ
 nồng nặc mùi tử khí tanh hôi
 Không còn gì -
không còn gì nữa em ơi.

3-

Quanh quẩn đâu đây
 bên chổ anh nằm
 Đêm tối đen, vắng nhịp chuông gõ thức
 Anh thèm một nụ hôn trên môi, trên tóc
 Thèm một giọt nước cam lồ, cứu rỗi
 Cùng đôi bàn tay dịu mềm
 vỗ về trong cơn khát, đói
 Không có gì -
 không có gì, ngoài âm hưởng xích xiềng rơi
 Lặng câm - tịch mịch - rã rời.

4-

Anh oằn vai vác đá băng rừng
 Con đường mòn khổ dịch
 gập ghềnh - xa xăm - vô định
 Quanh quẩn đâu đây trong tiềm thức anh
 Tiếng hú đồng vọng, tiếng gió qua truông
 Sao rờn rợn, hung hăng
 như ánh mắt ma tinh của loài cú vọ
Hình hài anh và trái tim anh
 Rịn chảy - âm ỉ những giòng máu đỏ
 Mặt trời đã lặn, đã ngủ mê trong cõi chết
 Không còn gì –
 không còn gì nữa đâu em
 Ai - ai sẽ khua trống, chuông đồng
            gõ thức đêm đen ?