văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, November 28, 2011

HOÀNG LONG HẢI * Vết nám


(Sự kiện có thật, chi tiết do tác giả hư cấu)

Sau 7 năm tù cải tao, Hữu được tha. Từ trại tù Xuân Lộc, Hữu về thẳng Saigon, địa chỉ của Hữu trước khi “đóng tiền đi ở tù” (1). Tuy nhiên nhà cũ của gia đình Hữu ở đường Trương Minh Giảng không còn. Nhà ấy đã bị tịch thu trong đợt “Đánh Tư Sản” của Việt Cộng hồi năm 1978. Vợ Hữu đem con về ở Cư Xá Thanh Đa, sang lại căn nhà của một sĩ quan chế độ cũ, sau khi, giống như “mèo tha con”, vợ Hữu đem con đi lang thang sống tạm vài nơi ở Saigon.
Từ bến xe, Hữu đi xe ôm về nhà. Xuống xe ngay trước chợ Thanh Đa, nhìn quanh, Hữu nghĩ thầm: “Chỗ nầy không thể để cho các con của mình ở được.” Hữu có một kinh nghiệm sống khi còn đi học, những chỗ chợ búa, không nên để cho trẻ con ở. Hữu cũng bị ám ảnh bởi câu chuyện “Mạnh mẫu dời nhà” trong cuốn sách “Cổ Học Tinh Hoa.”
Khi Hữu lên tới cầu thang chót của lô cư xá gia đình Hữu đang ở, đứa con gái thứ tư, đang ngồi học thêu với một người quen trong căn hộ ở ngay đầu cầu thang, thấy Hữu, con bé chạy ra hành lang, la to “Ba về! Ba về!” Rồi nó nắm tay chàng dẫn Hữu về nhà, cách đó mấy căn. Đứa con gái giành lấy cái bao nylon trên tay Hữu. Hữu về tay không. Tất cả những cái được gọi là “hành trang” người tù, Hữu để lại cho bạn tù. Đó là những bộ “quần áo lao động”, là những cái áo, cái quần treillis vá chằng vá đụp nhiều lớp vì dùng đã quá lâu, quá cũ, rách, mòn nhiều chỗ. Một ít thức ăn chưa dùng hết do vợ Hữu thăm nuôi tiếp tế cho… Hữu chỉ đem về một cái “gô”, là tiếng gọi tắt tiếng Guigoz, loại hộp nhôm đựng sữa bột của hãng nầy. Hữu có những mấy cái “gô” còn mới, trắng sáng nhưng Hữu để lại cho các bạn dùng. Hữu chỉ đem về cái “gô” dùng lâu nhứt, đen hùi vì khói và móp méo. Hữu muốn giữ nó để làm kỷ niệm mấy năm tù.
Khi ghé lại sang xe ở bến xe Tam Hiệp, Hữu mua một bịch chôm chôm, đem về làm quà cho vợ và các con, như thói quen của Hữu trước khi ở tù, mỗi khi Hữu đi xa về.
Mấy đứa con gái của Hữu có mặt đủ ở nhà. Khi cửa mở và Hữu bước vô, các con chàng reo lên mừng rỡ: “Ba về! Ba về!” Rồi chúng xúm nhau lại, ôm chầm lấy Hữu. Hữu đưa tay xoa đầu các con, từ đứa nhỏ nhất trước, sau tới các đứa lớn. Hữu cảm động, mừng được tha khỏi trại tù, muốn khóc, nhưng cố nín. Khóc trước mặt các con là điều không nên, mặc dù, trong trại tù, nhiều đêm Hữu khóc thầm vì thương - vì thương hơn vì nhớ - các con và vợ Hữu.
Hữu ngồi xuống ghế, sau khi đi lên mấy bậc cầu thang cao, Hữu thấy đau ở mắt cá chân. Đứa con gái ban nãy, lấy cái dĩa lớn, lôi chùm chôm chôm ra khỏi bao nylon, bỏ vào dĩa, đặt lên bàn. Hữu bảo các con ăn, nhưng chẳng đứa nào ăn. Chúng nói: “Chờ má về!”
Mặc dù hôm nay là ngày học, nhưng khi Hữu về tới nhà thì đã quá giờ tan trường, các con đã về đủ, chỉ còn cậu con trai duy nhứt, đi chơi đâu dó, chưa về. Nghĩ tới đứa con trai ấy, Hữu thấy buồn buồn trong lòng. Riêng về các đứa gái, Hữu lại thấy vui vui vì đứa nào cũng học giỏi. Đứa lớn nhứt đang học năm cuối ở đại học sư phạm, thay vì học y khoa như đã ghi trong đơn xin thi, vì lý lịch số 13 (2). Đứa kế, đang học lớp cuối cấp 3, từ kinh nghiệm của chị, nó đang xin mẹ cho vượt biên để được vào đại học.
Đứa con út, con gái, tới đứng sát bên chân Hữu. Hữu đang ôm nó vào lòng. Khi Hữu đi tù, đứa út ấy mới 3 tuổi, chưa đi học. Bây giờ nó 10 tuổi, đang học lớp 5, lớp cuối cấp 1.
Bỗng đứa con thứ hai nói:
- “Ba quên rồi ba?”
- “Ba quên gì?” Hữu hỏi con.
Con bé cười rúc rích, trước khi trả lời:
- “Con út ba nó đang chờ ba chê thúi đó.”
Hữu “à” lên một tiếng, xin lỗi và cười vui:
- “Thôi chết rồi! Ba ở tù lâu quá, ba quên mất rồi.”
Khi chế độ cũ còn, Hữu đang làm việc. Mỗi chiều đi làm về, thay áo quần xong, Hữu ngồi vào ghế xô-pha uống nước, tay vòng ôm đứa con út đứng bên cạnh. Tính Hữu hay đùa. Sau khi hôn con xong, Hữu đưa tay giả bộ bốc vào đít nó một cái, đưa lên mũi ngửi, cười nói: “Đít thúi quá!” Vợ con Hữu xúm lại cười. Hữu nói đùa: “Thúi nhưng ba thích. Ba thích ngửi cái đít thúi nầy!” Tất cả các con phá lên cười. Có đứa còn nói đùa “Ba dơ quá! Ba dơ quá”.
Cái trò đùa “Ba dơ quá” diễn ra mỗi chiều như vậy, sau khi Hữu đi làm về. Con bé út nghĩ rằng qua cái trò bốc thúi đó, nó được ba cưng. Nếu như có một hôm nào đó, chưa kịp “bốc đít” đứa con út thì nó cứ xẩn vẩn bên cạnh, chờ Hữu diễn trò. Những lúc đó, Hũu lại đùa, vừa bốc đít nó mấy cái, vừa xin lỗi, vừa nói: “Đít thúi quá. Thúi quá! Ba thương cái đít thúi nầy quá!”
Bây giờ, đứa con út lại đứng bên cạnh Hữu. Hữu không để ý con chàng nhớ và muốn diễn lại cái trò cũ hay không, nhưng đứa con gái thứ hai, tinh ý, nhớ chuyện cũ và nhắc Hữu. Hữu sực nhớ, bốc vào cái đít nó, lại nói to “Đít thúi quá! Ba thương quá!” Nhưng Hữu chợt thấy cái trò diễn ấy có phần nhạt đi. Đứa con út của Hữu đã lớn, và Hữu thấy cái gì cũng hơi lạ lẫm, ngay cả với con. Chúng đã lớn cả rồi, và Hữu thấy băn khoăn, nghĩ tới tương lai. Trước kia, Hữu ít khi nghĩ xa, nghĩ tới tương lai. Tương lai của Hữu có gì phải lo, phải suy nghĩ. Hữu sống bình thường như mỗi ngày, ăn, ngủ, làm việc chăm chỉ, cần cù và lãnh lương về đưa cho vợ…
Khi chưa lập gia đình, Hữu thường lo lắng cho tương lai của Hữu. Kể từ khi Hữu có vợ, có con, Hữu lo làm việc, việc nội trợ có vợ Hữu đảm đang. Mỗi ngày, Hữu có cơm ăn ngon, có áo quần sạch, ủi thẳng để mặc, cuộc sống êm đềm, có chi phải lo. Vã lại, từ khi đọc câu thơ của Trần Dần “Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người, Người vẫn kinh hoàng trước tương lai” thì Hữu cho rằng, sống trong chế độ đó, người ta mới phải “kinh hoàng trước tương lại.” Câu nói của bà Jacky Kennedy cũng ảnh hưởng tới cách suy nghĩ của Hữu “Đừng đầu độc mình bằng tương lai của mình.” Theo Hữu nghĩ, đó là một câu nói “chống Cộng” nhưng với bản thân Hữu, trong chế độ cũ, Hữu thấy cuộc đời nó như thế, có gì phải bận tâm.
Một lúc sau, đứa con lớn của Hữu nói: “Cuối cùng rồi ba cũng về.”
Tuy Hữu hiểu ý con, nhưng chàng cũng hỏi: “Nếu ba không về thì sao?”
- “Không ai hại mình được cả, nếu trời không muốn.”
Hữu lại hỏi: “Cách mạng” cũng vậy, phải không?”
Con gái Hữu nói: “Nếu “Cach mạng” làm được như họ muốn thì gần hai mươi triệu người miền Nam nầy chẳng ai sống được cả, có riêng gì những người như ba.”
Tránh không muốn nói đến chuyện chính trị với con, Hữu đi tắm rồi ăn cơm. Hữu nói với con gái lớn: “Ba ăn một ít cho đỡ đói thôi, chờ má về rồi ăn chung.”
Đứa lớn nói:
- “Má về trễ lắm ba! Ba chờ được không?”
Hữu nói: “Chờ được chớ! Má đi xa lắm à?”
- “Ngày nào má cũng đi, xa lắm, má xuống tận Cần Giuộc mua gạo rồi về theo ngã cầu Ông Thìn hay qua ngã Phú Lâm. Nhiều ngày Công An bắt dữ lắm, má đi tắt qua ngã Tầm Vu, thuộc Rạch Kiến, qua bến đò trên con rạch nhỏ đầu nguồn sông Bình Giao mà về Saigon, vất vả lắm.”
Hữu ngồi thừ ra. Vậy mà vợ Hữu dấu chàng. Khi thăm nuôi, vợ Hữu nói là chỉ ra tới Phú Lâm mua gạo rồi chở về bán ở Saigon. Từ Phú Lâm về Saigon, chưa dài bằng một phần ba con đường từ Cần Giuộc về. Những con đường vợ Hữu lén Công An đi buôn gạo, Hữu đã từng đi qua. Ngã cầu Ông Thìn thì phải đi qua bót Cảnh Sát Ký Thu Ôn, cửa ngõ Saigon ở quận 6. Qua Phú Lâm là đi trên quốc lộ 4. Ngay cả Tầm Vu, một khu vực nằm giữa Quốc Lộ 4 và cầu Ông Thìn trên liên tỉnh lộ 5A, Hữu cũng đã từng đến rồi. Trong chiến tranh, Tầm Vu là nơi chiến cuộc xảy ra không ít lần, có những trận rất lớn. Hữu từng tham dự vài trận đánh ở đó. Một lần, một đơn vị lớn Việt Cộng chưa kịp rút về mật khu Ba Thu, bị vây ở Tầm Vu. Việt Cộng phản công dữ, đơn vị của Hữu phải xin pháo binh của chi khu Bình Chánh yễm trợ tối đa, lại chi viện thêm 4 khẩu pháo của pháo binh sư đoàn 7 nữa, rồi xin thêm hai phi tuần oanh kích vị trí địch trong rừng dừa nước. Dù sao thì hồi đó Hữu cũng không gian khổ như vợ chàng bây giờ. Di chuyển tới trận địa, Hữu đi bằng xe hơi quân đội. Chỉ khi vô mục tiêu, Hữu mới phải lội bộ với lính. Đường liên tỉnh 5A hay Quốc lộ 4 là đường nhựa. Ở Tầm Vu, toàn đường rải đá, chưa có khúc nào có nhựa, gập ghềnh, khó đi. Vậy mà vợ Hữu ngày nào cũng đạp xe đạp trên con đường đó để trốn Công An. Mỗi ngày, mỗi năm 365 ngày, có lẽ chỉ trừ vài hôm Tết ta, cũng gần năm, bảy năm trời đằng đẵng như vậy, từ Thanh Đa đạp xe đi và về, xe đạp của vợ Hữu phải nuốt một đoạn đường dài hơn 50Km, chở theo ba bốn chục ký gạo trên đường về để kiếm chút tiền lời nuôi con ăn học, và nuôi chồng ở trong tù. Nhìn lại một quá trình nặng nhọc như vậy, hỏi ai không khỏi kinh hoàng. Đúng vậy đấy, đúng là một chế độ “kinh hoàng trước tương lai.”
Mãi đến khi trời chiều bên ngoài cửa sổ xuống đã lâu, nhìn mầu trời thẩm đen dần dần, Hữu thấy lo cho vợ, thì các con Hữu nghe tiếng guốc gỏ nhẹ ngoài hành lang. Chúng biết mẹ đang về, bèn kéo Hữu vào buồng, khép cửa lại đẻ gây cho mẹ sự ngạc nhiên chơi. Hữu ngồi trong buồng, nhìn qua khe cửa. Hữu thấy vợ vào nhà. Vợ Hữu, nón lá cầm tay, áo bà ba mầu xanh sẫm, hình như ướt đẫm mồ hôi ở nách áo, quần đen, guốc cao, trông có vẻ mệt, phờ phạc. Thấy cơm còn để nguyên trên bàn, vợ Hữu hỏi:
- “Răng mấy đứa con chưa ăn, chờ má chi! Ăn sớm lo học bài.”
Vợ Hữu thấy chùm chôm chôm trên dĩa, bèn hỏi:
- “Chôm chôm ai mua? Ai mua ri?”
Các con, đã dặn nhau, không đứa nào trả lời, nhìn mẹ cười. Như có linh tính, vợ Hữu hỏi:
- “Ba về? Ba về phải không?”
Rồi vợ Hữu nhìn vào phòng, qua khe cửa thấy Hữu trong đó, liền chạy a vào, la to: “Ba về! Ba về.” Tiếng la như một sự mừng rỡ, thảng thốt mà thốt ra, chứ mấy đứa con, đứa nào cũng biết “Ba về” rồi, vợ Hữu gọi to với ai. Vợ Hữu, nhanh như một cơn gió, xô cửa chạy vào phòng. Thấy Hữu ngồi ở mép giường, vợ Hữu ôm chầm lấy chồng, nói như đứt hơi. “Anh về, anh về rồi.” Rồi đè ngữa Hữu xuống giường, nằm chồng lên người Hữu. Vợ Hữu tiếp tục nói, mỗi lúc giọng càng nhỏ lại, lã đi vì hồi hộp, sung sướng: “Anh về! … Anh… về…rồi!” Rồi hôn vào mặt Hữu. Hữu có cảm giác rất rõ, những giọt nước mắt của vợ Hữu chảy tràn trụa trên má chàng!
Ngày hôm sau, mừng chồng về, vợ Hữu ở nhà. Cô ta nói với Hữu:
- “Ở nhà một bữa với anh cho vui. Nghỉ một ngày cũng chưa chết ai!”
Các con đi học cả, nhà chỉ còn hai vợ chồng. Hữu nằm nghiêng bên vợ, ôm ngang lưng. Hữu đưa tay sờ từ bụng lên ngực, rồi mặt vợ, Hữu nói:
- “So với các con, em ít khác đi. Các con đứa nào cũng lớn mau quá, còn em thì vẫn cứ như Gina Lollobrigida.”
- “Làm gì?! Già thì xồ xề đi chớ! Nịnh vợ nữa!” Vợ Hữu vừa cười vừa nói.
- “Nịnh đâu! Thiệt mà. Em nhớ hồi đó anh cứ ví em với Gina hay Sophia Loren. Vòng ngực, vòng eo, tưởng như làm nổ mắt mấy thằng chạy theo em!”
- “Nhưng có ai được em đâu! Chỉ có anh không bị nổ con ngươi?”
- “Tại vì, tại vì… anh có… mắt thần! Hồi ấy “Anh theo Ngọ về” muốn gãy cả hai chân. Tiếc hồi đó em không chụp hình để treo chơi.” Hữu nói.
- “Mắc cỡ chết! Ai mà ở truồng cho người ta chụp hình.”
- “Vậy mà hồi đó, anh bạn họa sĩ cùng khóa Thủ Đức, thấy em lên thăm anh, hẹn với anh ra trường sẽ về nhà mình vẽ cho em một bức khỏa thân. Tiếc thiệt!”
- “Tiếc chuyện chi?” Vợ Hữu hỏi.
Hữu nói:
- “Anh bạn đó tên là Quách Hữu Tuyền. Vì bằng tú tài của anh ấy là bằng Tầu, không được bộ Giáo Dục xác nhận tương đương với bằng Việt Nam, buộc anh ta phải đi binh nhì nên anh đào ngũ. Anh ta nói anh trốn về Saigon, hẹn gặp anh ở nhà ca sĩ Th. Th. Ra trường, anh không có dịp tìm anh ta ở chỗ đó. Nếu gặp được, nay em có bức tranh đẹp rồi.”
- “Kỳ chết!” Vợ Hữu trả lời.
- “Kỳ gì! Em nhớ ở quê, cả thị xã, có ai không nói em giống như tài tử ciné.”
Một lúc, Hữu nói:
- “Cho anh nhìn thân hình em lại chút đi, nhớ quá!”
- “Kỳ chết! Ban ngày ban mặt mà anh.”
- “Nếu ban đêm như tối qua thì thấy chi mà coi. Coi ban ngày mới đã con mắt chớ!”
Nói xong, Hữu ngồi bật dậy, từ từ kéo lưng quần vợ xuống. Hữu nhìn vào âm hộ vợ, kéo chân vợ dang ra, và Hữu sững sờ khi thấy một vết nám đen ở phía dưới cái ấy của vợ. Hữu nghĩ ngay đến những đoạn đường dài vợ Hữu đạp xe đạp mỗi ngày. Rõ ràng vết nám nầy là kết quả của những ngày, những tháng, những năm dài đạp xe đạp trên những con đường gian nan, khổ cực của vợ chàng.
Dù Hữu không giàu, nhưng trong những tháng năm vợ chồng sống bên nhau, có bao giờ vợ Hữu khổ như thế, đạp xe đạp nhiều như thế. Hồi mới cưới nhau, đầu thập niên 60, Hữu có chiếc xe Vélo, đi đâu cũng hai vợ chồng đi với nhau, Hữu đèo vợ sau xe. Rồi Hữu sắm xe Vespa, xe Honda, rồi tới chiếc xe hơi Mazda 1200, vợ Hữu bán sau khi Việt Cộng chiếm Saigon. Vậy mà bây giờ, cái vết nám…là chứng tích nỗi gian khổ của vợ. Hữu xúc động mãnh liệt vì cái vết nám chứng tích đó, vết nám chứng tích sự đày đọa của một chế độ hà khắc đối với người dân của nó. Sự hà khắc đó đã đem đối xử với bất cứ hạng người nào, giàu nghèo sang hèn thì cái chế đó cũng cần phả đánh đổ nó đi, không bao giờ người dân lương thiện chấp nhận một chế độ hà khắc với dân, không để cho nó được tồn tại một ngày một giờ nào. Rồi Hữu gục trán vào chỗ u trên âm hộ vợ. Hữu cảm nhận rất rõ những sợi lông mềm cọ vào trán chàng. Hữu thương vợ quá… những ngày dài gian khổ, những đoạn đường dài, đá sỏi, gập ghềnh, khúc khuỷu vợ Hữu phải đạp xe đi qua suốt những mùa mưa nắng, những ngày nóng, ngày lạnh của khí hậu miền Nam. Không ngày nào vợ Hữu không đạp xe đi. Không đạp xe đi lấy gì nuôi đàn con nhỏ, nuôi chồng trong tù.
Hữu có cảm tưởng như mình có thể khóc được, khóc ngay tại chỗ. Nhưng Hữu cố nín. Khóc là xấu hổ, là hèn. Nhưng nếu thương vợ quá mà khóc, nước mắt Hữu sẽ rơi ngay xuống chỗ đó. Vợ Hữu sẽ hiểu. Hữu không muốn để vợ thấy nỗi xúc cảm mãnh liệt của Hữu trong lúc nầy, Hữu cố nín.
Một lúc vợ Hữu hỏi:
- “Cái gì vậy anh?”
Lợi dụng lúc đó, Hữu cởi phăng cái áo may ô ra, kéo lên phía đầu. Trong một tích tắc rất nhanh, lợi dụng việc cởi áo, Hữu đưa áo quẹt nhanh vào hai mắt, lau nhanh, nếu như có giọt nước mắt nào nơi đó. Rồi Hữu quay người nằm chồm lên người vợ. Có lẽ lúc đó vợ Hữu đang nhắm mắt nên không thấy gì. Với lòng thương vợ dào dạt và nỗi uất hận đang dâng tràn lên, Hữu vội vàng vòng hai tay ôm lưng vợ thật chặt, xiết mạnh, trước khi có những hành động nối tiếp khác của một người chồng.

hoànglonghải
(1) Câu nói các tù cải tạo thường nói mỉa về mình
(2) Những học sinh có cha mẹ đi tù cải tạo, đều bị xếp loại lý lịch số 13, không được vào học các ngành “quan trọng” (theo sự phân loại của chế độ) như Y Khoa hay Kỹ Sư. Các học sinh nầy bị chuyển qua học các ngành khác ít “quan trọng” hơn, dù khi thi vào có được điểm cao.