văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, April 12, 2012

HOÀNG LONG HẢI * Nếu ngày ấy....



Hôm ông cựu thiếu tá Trang tổ chức lễ sinh nhựt cho ông đại tá Bill, sau khi ăn uống no say, tặng quà cho ông Bill xong thì đến phần phụ diễn văn nghệ. Nói cho xôm trò như thế, nhưng “phụ diễn văn nghệ” có nghĩa là ai biết hát thì lên hát. Phòng SB có cây đờn ghi-ta của ai đó, ai biết thì cầm đờn phụ họa, ai không biết đờn thì cũng có người đánh xịch xèng hòa theo. Ai may mắn thì được ông Hải Quân thiếu tá Nguyễn Thìn, tức nhạc sĩ Trường Sa, phụ đàn cho.

Ông cựu thiếu tá Cao Dai, hát một bài tiếng Tây quen thuộc, hồi xưa rạp Tân Tân ở đường Trần Hưng Đạo Huế hay cho phát trên loa, trước giờ “vô phim”. Có lẽ hồi đó ông cựu thiếu tá Cao Dai còn là học trò, dạo phố hay đi học ngang qua đường Trần Hưng Đạo, nghe riết thành quen hay ông tập tành bài hát nầy vào một dịp nào đó, riết thành quen, ai mà biết.

Không bàn hát hay hay dở, nhưng thường thì không những dở mà lại còn là dở ẹt, khi hát, ông cựu thiếu tá Cao Dai hướng mặt về phía ông đại tá Bill, ngồi bên cạnh ông cựu thiếu tá Trang. Đó là lịch sự. Ông Dai hát chào mừng sinh nhựt ông Bill thì mặt ông ta hướng về ông Bill. Còn ngoài ra, vì vui mà hát, hay hát để bốc thơm ngày sinh ông Bill một chút, như người ta thường hát để “ca ngợi ngài giáo tổ” trong ngày Phật Đản hay ngày Chúa Giáng sinh, ai biết được.

Có điều, tôi ngồi với ông cựu đại úy Cảnh Sát Tống Văn Thừa, ông kỹ sư Bửu Tộ, ông kỹ sư Nguyễn Dương Hảo và ông cựu trung úy Hồ Đắc Liệu, - thường bị tôi đùa, gọi trại là “lẹo” -, phía sau lưng ông Cao Dai, thấy rõ ông Cao Dai vừa hát vừa run. Ông Bửu Tộ chỉ vào cái chân co của ông Cao Dai cho chúng tôi thấy mà cười. Không cười sao được! Cái chân ông Cao Dai lẩy bẩy như cái càng con châu chấu bị ngứt đầu như người ta thường làm để đút cho con sáo con ăn vậy.

Còn nhạc sĩ Trường Sa, vốn là nghệ sĩ đa cảm đa tình, thấy người ta tiễn nhau đi định cư ở cầu tầu jetty, là nơi tầu “Suma Tăng Cát” đến đón người đi, mà viết một bài hát mới, nhan đề là “Tiễn Em Ra Cầu Nhung Nhớ”. Nhạc Trường Sa thì hay, nhưng giọng ông Trường Sa thì ồ ề, nên trước khi hát, nghe ông giới thiệu bài ca mới sáng tác, mọi người ai nấy vỗ tay hoan hô dữ lắm, nhưng khi nghe ông ta hát, ai ai cũng thất vọng. Giọng hát ông ồ ê, tôi gọi đùa là “giọng độ-ma-jờ”, hát hỏng cái gì được!

Mấy bữa trước, sáng tác xong, ông kêu tôi giới thiệu bài hát mới, tôi đã nói với ông ta rồi: “Nhạc anh hay lắm. Cần giới thiệu, anh nhờ cô Lệ Thu hát cho. Anh hát, không những không hay mà người ta còn cười đấy.” Lệ Thu mà hát nhạc Trường Sa thì cũng giống như Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Có lẽ nhạc sĩ Trường Sa cũng biết vậy thật đấy, nhưng ở trên đảo Bidong nầy, kiếm đâu ra cô Lệ Thu. Có thể có một Lệ Thu nào đó ở đảo, gốc là thị Mít, thị Xoài nào đấy, biết ca cải lương hơn là biết hát nhạc cải cách. Khi đến đảo, cô Mít, cô Xoài bỗng thấy mình lột xác, bèn đặt cho mình một cái tên mới, Lệ Thu hay Lệ Xuân, cũng có thể là Thanh Lan, Thanh Điệp. Tên thì giống nhưng mà hát thì làm sao giống danh ca được. Tiếng con chim quạ, đâu phải đầu hôm sớm mai mà thành con chim hoàng oanh.

Bây giờ tới phiên ông cựu thiếu tá Trang đứng lên trổ tài mừng sinh nhựt ông đại tá Bill. Ông làm ra dáng vẻ một nghệ sĩ, tay ôm đàn, gục đầu xuống, cất giọng: “Ngày xưa có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng...”

Vốn tính hay đùa, mới nghe chừng đó, ông Bửu Tộ lên tiếng: “Ở đây không có động như ở Ngã Ba Chú Ía. Ông Trang lên núi Bidong.”

Ông Liệu lại chen một câu khác:

- “Rán mà hát cho hay, bắt giò cho chặt, hát dở, ông Bill hỏi tại sao thiếu tá mà cải tạo mới có 4 năm rưởi mà đã được tha về, bỏ mẹ luôn! Mục đảo như không!”

Liệu nói thế vì theo “tiết lộ bí mật” của ông Hảo, - bí mật nhưng mà ai cũng biết -, rằng ông Trang khóa 18 Đà Lạt, phó phòng 3 Sư Đoàn Dù, tù cải tạo chỉ có 4 năm rưởi thì được tha.

Hảo khoe với tôi: “Em là vua thuốc Tây chợ trời Saigon. Mỗi sáng em ngồi ở quán càphê mà định giá thuốc cho ngày đó. Thằng nầy (tức là ông cựu thiếu tá Trang), mỗi sáng chạy cái xe Yamaha Dame ra ngồi xớ rớ gần chỗ em họp. Chờ em ra giá xong, báo cho y biết. Y chạy đi thông báo kiếm chút tiền còm về nuôi vợ con. Nó vượt biên với thằng Khoai, đại úy Dù, thằng nầy lại không đi cải tạo, về xứ sở tổ chức vượt biên ở “quê hương Đồng Khởi” đấy. Mẹ vợ bé của ông cựu thiếu tá Trang là thiếu tá Công An Dziệt Cộng nằm vùng. Tôi nói: “Hèn chi thấy ông qua đây, nó gọi ông lên làm phòng SB để trám miệng ông.” Hảo kéo thêm hai người bạn cùng vào làm SB, một là Bửu Tộ, ông kia là ông Liệu. Hai ông Tộ và Hảo đều là kỹ sư Canh Nông làm cho bộ Canh Nông trước 1975. Cựu trung úy Hồ Đắc Liệu là bạn học cũ của ông Hảo hồi ở trường Quốc Học Huế.

Nghe ông Trang hát xong, tôi nói: “Ông ta hát có cảm xúc đấy!”

Tộ lại cười: “Lý thuyết và thực tế không đi với nhau. Nhiều ông thầy chùa giảng “đời là hư vô”, nhưng ông nào ông đó vàng tính bằng cây. Tài sản đất ruộng ông Ngô Đình Thục ở Saigon, ở Vĩnh Long nhiều lắm. Hát “Lên non tìm động hoa vàng” nhưng tranh nhau cái chức trưởng phòng SB.”

Tôi cũng tin ông Tộ nói đúng. Ông Tộ người Huế. Ở Huế người ta biết tài sản ông Thục gồm những gì. Chỉ một cái lầu Jira (?) mà thôi, người ta cũng đã ngán cho một vị tu hành. Tộ cũng phụ trách việc truất hữu chính sách “Người cày có ruộng” của “tông tông” Thiệu, ông ta phải biết chủ điền là những ai chứ! Ở Vĩnh Long “đức cha” cũng có ruộng vậy!!!

Sở dĩ Tộ nói câu “tranh nhau cái chức trưởng phòng SB” là vì mấy hôm trước, tôi kể cho cả đám ông Hảo nghe rằng hôm ông Trang gọi tôi lên phỏng vấn để nhận vô làm phòng SB, ông Trang tự giới thiệu: “Tôi là trưởng phòng.” Tôi hỏi: “Còn ông Khánh sao?” Ông Trang trả lời: “Ông Khánh cũng trưởng phòng.” Vậy là phòng SB có tới 2 trưởng phòng. Đời thuở nhà ai có chuyện lạ đời không?!


Ông Khánh cũng lên hát một bài. Dĩ nhiên, ông Khánh cũng như mọi người hát không hay, nhưng tôi để ý câu sau đây, khi hát, trông ông có vẻ buồn lắm: “Nếu ngày ấy mình đừng quen nhau thì ngày nay có đâu buồn đau...”

Tiệc tùng xong, tôi tính đi tắm. Ở phòng SB, có nước ngọt, tắm “thả dàn”, nhưng vì hôm đó tập trung ăn tiệc nên khi tiệc xong, nhiều người cùng đi tắm nên phòng tắm kẹt. Tôi ôm khăn áo, ngồi chờ trên cái ghế đặt ngang hai gốc dừa ở phòng chờ. Phòng chờ là một cái sàn hơi cao, có mái che, không có vách, rộng bằng nửa cái sân bóng chuyền.

Giữa hai gốc dừa nầy, hình chữ V., ai đó đóng một tấm ván ngang làm chỗ ngồi. Chỗ ngồi nầy khá thoải mái, vì lưng thì dựa vào thân dừa bên nầy, chân gác vào thân dừa bên kia, ngó mông ra biển. Xa xa, bên kia biển là rặng núi xanh xanh, xương sống của bán đảo Mã Lai, giống như khi tôi còn trẻ, ngồi bên bờ sông Thạch Hãn hay sông Hương mà ngó lên dãy Trường Sơn vậy.

Cái tấm ván làm chỗ ngồi được nhiều người chiếu cố, láng bóng lên. Ông Khánh đang ngồi trên đó, nhìn bâng khuâng ra biển xanh.

Tuy tôi không có chỗ ngồi thoải mái như ông Khánh, nhưng cái ghế tôi ngồi bên cạnh ông cũng có lưng dựa. Tôi cũng dựa lưng vào ghế, ngó mông ra biển.

Bắt chuyện, ông Khánh nói với tôi:
- “Anh Hải thấy biển đẹp không?”
- “Biển khi nào cũng đẹp, nhưng tôi không thích biển buổi chiều, gió lộng, sóng dữ lắm. Biển hay làm cho người ta nhớ. Trịnh Công Sơn viết “Biển Nhớ” là nói nỗi nhớ mênh mông như biển hay biển làm cho người ta nhớ...” Tôi nói
- “Nghĩ sao cũng được, cũng có lý cả. Nhớ là quay về dĩ vãng.” Ông Khánh nói.
Tôi nói:
- “Hồi nãy, anh hát “Nếu ngày ấy...” thì cũng là nhớ, là quay về dĩ vãng vậy.”
- “Anh tinh thật.” Ông Khánh khen tôi. “Cải tạo về, tôi đạp xích lô kiếm ăn, thấy người ta chở vợ mình trên xe “Dream”, qua mặt mình, vợ mình ôm eo người ta, tôi tưởng như tôi có thể gục xuống ngay trên chiếc xe xích lô. Đau lắm anh ơi!...”

Tới phiên, tôi chào ông Khánh mang khăn áo đi tắm...


&


Bị ám ảnh bởi cái câu “Đau lắm anh ơi!...” nên mấy ngày sau, sau khi phỏng vấn xong một “kê” (case), tôi nghỉ mấy phút, ra ngồi ngoài phòng chờ cho thoáng mát, vừa cầm ly càphê vừa hát... cho tôi nghe. Dĩ nhiên, tôi hát dở ẹt, nhưng tôi lại là người hay hát. Sợ người ta chê hát dở, tôi thường tự an ủi “Hát hay không bằng hay hát”. Vậy là tôi cứ cái bài ông Khánh hát hôm mừng sinh nhựt ông Bill mà ngâm nga: “Nếu ngày ấy... mình đừng quen nhau.”
Lại cái ông Tộ “nhiều chuyện”:
- “Anh bị con nhỏ nào đá chưa mà cứ “nếu ngày ấy...” hoài vậy.
Tôi cười:
- “Bồ đá đâu có quan trọng! Ông có nghe bọn con gái Huế nói không? “Chẳng thà bồ đá, không bằng hỏng thi.” Tui cũng vậy. Tui con nhà nghèo, “cơm đùm gạo bới” mà đi học. Thi đậu mới là gay, còn em nào cho đi “tàu bay giấy” thì mặc cha nó.”

Nói xong, bỗng tôi nhớ tới việc Tộ bị vợ bỏ. Anh ta là kỹ sư, làm giấy tờ bồi thường truất hữu cho một ông chủ điền. Ông chủ điền cám ơn, gả con gái cho, lại cho thêm mấy triệu. Vậy mà sau 30 tháng Tư, anh ta bị vợ bỏ, buồn tình, anh vượt biên. Ở đảo, tính tình anh ta đôi khi hơi “điện chạm”. Nghĩ chuyện Tộ, tôi nói với anh ta:
- “Tui nói thiệt ông! hồi trẻ tui cũng có mấy con bồ. Khi bị con nào đá, tui cũng buồn sơ sơ. Bây giờ, nhớ lại, đôi khi lại cho là may. Giả thử như tui lấy con đó, mà không lấy vợ tui, chắc đời tui cũng tơi tả lắm!”
Vậy rồi tôi kể lại cái “Đau lắm anh ơi...” của ông Khánh cho ông Tộ và ông Hảo nghe. Khi đó, ông Hảo cũng vừa tới hóng chuyện. Hảo cười, nói to:
- “Người ta đã nói rồi. “Tái ông thất mã”. Chuyện đời biết sao được mà lo!”

Mấy hôm sau nữa, tôi phỏng vấn mọt “kê” xong hơi trễ, chỉ còn ông Trần Quốc Phụ, trưởng ban, chờ tôi giao hồ sơ lại đem cất, và tôi mà thôi, sau khi tôi cho “đối tượng” ra về rồi.
Khi tôi đi ra sân trước thì ông Khánh đang ngồi ở cái ghế giữa hai gốc dừa. Ông Khánh nói với tôi:
- “Có lẽ tôi đi sớm. Hồ sơ USCC bên Mỹ xong rồi.”
Ông Khánh, tới đảo trước ngày “cut off date”, nôm na thường gọi là ngày “đóng cửa đảo”, khỏi bị “thanh lọc”, được định cư sớm. Phái đoàn Mỹ nhận cho đi Mỹ rồi, chỉ cần cơ quan USCC tìm người bảo trợ mà thôi.

Thấy tôi đứng lại nói chuyện với ông, ông Khánh rời khỏi ghế, nói với tôi: “Anh rảnh không? mình ra ngoài kia ngồi chơi.” Tôi “ừ” rồi đi theo ông Khánh. Ra khỏi hàng rào B-40 của phòng SB là tới cái sân trước nhà máy đèn. Ở đó có cái băng dài. Ông ta ngồi xuống một đầu. Đầu kia, ông đưa tay chỉ, ý muốn bảo tôi ngồi xuống.
Tôi nói, như một lời cuối, trước khi chia tay ông ta, về câu chuyện “Đau lắm anh ạ...” của ông:
- “Anh sắp đi rồi, tôi mừng cho anh, làm lại cuộc đời. Mọi việc rồi cũng sẽ nguôi ngoai, sẽ qua đi.”
Ông Khánh nói:
- “Từ lâu, tôi đã cố quên đấy chứ. “Đành quên đi! Thôi còn thương tiếc làm gì!” Anh biết bài hát đó chứ, nhưng mà đêm đêm, nằm chờ ngủ, nhắm mắt, cố quên mà không quên được anh à.”

&

“Trước khi về Lực Lượng Đặc Biệt, tôi phục vụ trong đại đội Trinh Sát Sư Đoàn.” Khánh kể. “tôi đánh nhiều trận căng lắm, “loon” của tôi, hai lần “đặc cách mặt trận.”
“Giữa năm 1965, một trung đoàn Việt Cộng chiếm một phần chân núi Bà Đen. Phía đó, chúng nó có thể quan sát chợ Long Hoa và đường vào “tòa thánh Tây Ninh” rất rõ. Mấy ông “chức sắc” sợ, kêu cứu sư đoàn. Phe ta điều hai tiểu đoàn tới, đánh ba ngày chưa xong.”
- “Mình ở dưới, chúng nó trên, bất lợi.” Tôi góp ý.
- “Vậy thì mình phải trên đánh xuống. Lúc đó, tôi, “loon” thiếu úy mà làm đại đội phó, vì đánh giặc “chì” lắm. Ông tướng gọi tôi tới, hỏi tôi có đủ gan để chỉ huy một trung dội nhảy trực thăng, từ trên đánh xuống không? Tôi ừ liền. “Dzụ nầy dễ ẹt”. Tôi trình với ông tướng. Vậy là tôi có mấy chiếc H-34. Hồi đó mình chưa có HU-1B.
“Sau một đợt của 2 chiếc Skyraider, trực thăng xuống thấp trên sườn núi đá dốc đứng. Làm chi có bãi đáp!!!

Trong khi 2 chiếc Skyraider đè chúng xuống, không cho ngóc đầu lên, 28 người chúng tôi xuống bằng dây. Tới đất, tìm chỗ ẩn núp xong là quan sát. Bọn chúng tôi chỉ xài lựu đạn. Tên nào ngóc đầu lên, bắn lóc cóc là dộng cho nó một lựu đạn. Bây giờ thì tôi lợi thế hơn. Sườn núi dốc bảy tám chục độ, cứ lựu đạn thảy xuống là ăn, ngọt như đường. Bọn tôi xuống lúc 10 giờ, quá 12 giờ trưa, tui cho lính nghỉ xã hơi. Sau một giờ trưa, chơi tiếp đợt hai. Hai tiểu đoàn của mình ở dưới chân đồi cũng chẳng thèm nổ phát súng nào. Chiều lại, mặt trời hơi nghiêng nghiêng, ông tướng gọi tôi đầu máy: “Lựu đạn xài bao nhiêu? Cần thêm nữa không?” Tôi đáp: “Trình chuẩn tướng, còn đủ. Sáng mai còn chơi một trận nữa, xin thêm. Đêm nay chúng nó rút, chịu không nỗi đâu!”

“Tụi tôi gần ba chục đứa, mỗi đứa dộng cho tụi nó gần chục quả. Nội một ngày hôm đó, tụi nó chịu bao nhiêu lựu đạn của chúng tôi, mà trái nào trái đó quăng xuống, chắc như bắp? Chịu không nỗi, đêm đó chúng nó rút thiệt. Sáng hôm sau tình hình êm ru, ngó xuống dưới chân núi, tưởng như súng đạn chưa từng qua nơi nầy.
- “Anh lên đặc cách?” Tôi hỏi.
- “Không những thêm một mai vàng, ông tướng còn cho tôi mười ngàn, cho 3 ngày phép, du hí Saigon. Thế là tôi đến trường đón cô ta.”

Tôi nói chen vào: “Đón em tận cổng trường.”
“Vâng! Đón em tại cổng. Rồi chúng vào ăn nhà hàng Lệ Hoa ở Tổng đốc Phương, nhảy đầm ở Crystal. Vào tới nhà hàng nầy, một cô “tài pán” đến lễ phép hỏi tôi: “Trung úy chọn em nào không?” Tôi cười: “Tôi có đào của tôi rồi, số một đây.” Và tôi chỉ cô ấy. Cô “tài pán” lại chào cô ây rất lịch sự.”
“Anh biết sao không? Đi chơi với cô ấy, đi ăn, đi dạo phố, đi nhảy đầm, bao giờ tôi cũng phải mặc đồ nhà binh. Ý cô ấy muốn vậy.
- “Thần tượng. Thần tượng xã hội. “Xã hội quan văn” qua rồi với cái chết của cụ Ngô. “Xã hội quan võ” lên hương.”
- “Đúng vậy!” Khánh nói. “Người con gái thấy anh nhà binh hào hùng hơn. Thiên thần mũ đỏ, mũ nâu... Thành ra tôi có một “bộ đồ vía nhà binh”, vừa vặn, ủi thẳng, ủi hồ phẳng, huy chương, huy hiệu, lon lá không phải rực rỡ mà rõ ràng để đi phố với bồ, tôi cũng cứ mang “loon” đen, giày “saut” bóng, gỏ chân cồm cộp.
“Tới khuya, gần giới nghiêm, tôi bảo đưa cô ta về. Cô ta không chịu về. Tôi sững sờ! Con gái nhà lành, nề nếp, giàu có, lại hoa khôi của trường, bà mẹ đang chờ kỹ sư, bác sĩ đến hỏi...Tương lai tươi sáng đang chờ, sao lại đi đêm với trai, một anh sĩ quan quèn, súng đạn không chừng đâu biết được, biết có về được hay “bại tướng cụt chân”.
“Bà mẹ biết tôi và cô ta yêu nhau, bà cấm cửa. Vậy mà đêm nay, cô ta dám đi suốt đêm với tôi. Cô ta nói: “Em phải là vợ anh. Em không thể xa anh được. Em liều với anh. Mẹ không chịu cũng phải chịu...”
“Tôi cười: “Em trao cái cán dao cho anh, mẹ cầm đầu lưỡi. Sao em liều vây?”
“Cô ta đáp, bình tĩnh: “Em không dành cái đẹp nhất của đời em cho một người hùng thì em dành cho ai?”
“Chúng tôi cười rúc rích và ghé qua đêm ở một khách sạn hạng sang trên đường Nguyễn Trung Trực.
“Tôi đánh vài trận nữa, không thiếu nguy hiểm và cũng ngon lành, một năm sau, lại thêm một mai và cưới cô ấy. Bà mẹ không cho cưới cũng không được. Ý chí cương quyết của cô ấy và, và... cái bụng lùm lùm!
“Bấy giờ thì tôi thấy ngại cho đời lính. Vợ đẹp, con ngoan, cầm chân mình lại. Tôi chuyển qua Lực Lượng Đặc Biệt, nhưng bấy giờ, loon lá như tôi, trận mạc nhỏ cũng ít đi. Tôi chỉ tham dự những trận lớn. Trận lớn thì tính mạng mình cũng ít ngại hơn. Thế rồi 30 tháng Tư, tôi đang mang “loon” thiếu tá.
- “Anh không có bỗng lộc gì nhiều?” Tôi hỏi.
- “Không anh à. Moi đâu ra tiền? Chúng tôi sống nhờ đồng lương. Gạo, đường, sữa mả thì nhờ Quân Tiếp Vụ. Mẹ vợ tôi qua đời đột ngột, anh em ai có đời nấy, cho nên đến ngày đi tù, tôi không biết vợ tôi lấy gì nuôi con. Học trò xuất thân, vui chơi rồi chăm sóc chồng con… suốt một đời. Khi còn trẻ cũng như khi lấy chồng, cô ấy không biết xoay xở, không biết buôn bán, sống nhờ vào đồng lương của chồng. Cuối cùng, hai đứa con tôi, cô ấy cũng cho được đứa con trai vượt biên, còn chị nó, về ở với bà nội. Cô ta đi lấy chồng.”

Tôi hỏi:
- “Anh trách ai?”
- “Trách ai? Tôi biết trách ai? Trách ai bây giờ? Trách ông Thiệu? Ổng nói rồi mà: “Mất đất nước, mất tất cả.” “Tất cả” là có vợ con mình trong đó. Tôi trách vợ tôi được không?”
- “30 tháng Tư, miền Nam đã chết. Anh em mình chết trong trại cải tạo. Chết liền hay chết dần mòn, cũng là chết vậy.” Tôi nói.
- “Tôi nghĩ nhiều khi người đàn bà đáng trách. Lấy chồng là lấy ông sĩ quan, có xe Jeep, có tài xế, có tà-lọt. Ai chịu lấy một thằng tù ở tận đáy xã hội. Đối với người đàn bà, bên cạnh bao nhiêu cái cạm bẫy của đời, lại còn sách lược của chúng nó nữa. Không những cướp tài sản của “thằng ngụy” mà còn phải xé nát gia đình của “thằng ngụy” ra. Dù không giết nó, không “tắm máu” thì cái “thằng ngụy gia đình tan nát” ấy, chống phá cách mạng được cái gì, bằng cách nào? Trong cái sách lược ấy thì người đàn bà là mục tiêu của chúng nó, có muốn yên thân thì yên được hay sao? Rồi còn cơm gạo, rau cá… Họ cũng phải sống chứ. Chúng ta ở “tù trong”, có “nhà nước” lo, dù khoai mì, khoai lang, cũng đủ ngày ba bữa, năm một bộ quần áo. Họ là “tù ngoài”, - như bọn Công An thú nhận như vậy -. Họ là “tù ngoài”. Họ được cấp khoai lang, khoai mì hay tự kiếm lấy. Vậy là quỵ, ngã quỵ. Hộ khẩu là xiết bao tử lại, là người dân không có con đường nào khác. Đàn bà con gái không làm vợ bé cán bộ thì cũng làm đĩ. Cái kinh khiếp của chế độ Cộng Sản chính là ở chỗ đó. Cả cái miền Nam nầy ngã quỵ xuống, tan nát, có riêng gì một mình vợ anh hay vợ một ai khác!!!???” Tôi nói tiếp.
- “Tôi biết anh à, tôi biết anh à! Nhưng làm sao quên được người vợ cũ để khỏi đau lòng?” Khánh than thở.
- “Yêu nhau là tình, vợ chồng là nghĩa. Càng mất cái nghĩa, anh càng chua xót cho cái tình. Đời vậy thôi! Lý thuyết thì vậy, thì hay, nói thì dễ, quên đi một chuyện tình, một quãng đời lứa đôi hạnh phúc, đâu có dễ gì!!!

Một lúc sau, tôi hỏi:
“Có gặp nhau lần nào nữa trước khi đi?”“Đau lắm. Nhà tôi ở trong hẽm. Tôi ở nhà mẹ tôi. Nhà tôi trong cư xá quânđội bị lấy mất rồi. Nhà cô ấy, do anh chồng lấyđược một cái villa của một ông dân biểu chế độ cũ đầu hẽm. Mỗi ngày mấy lần tôi đạp xích lô ngang nhà cô ấy, ban đầu còn thoáng thấy. Về sau cô ấy tránh mặt. Chỉ một hai lần thấy ông cán bộ chở bà trên xe Dream, tôi đã đau lắm rồi! Sau nầy không thấy nữa. Côấy muốn tránh cái đau cho tôi hay sao? Tôi không biết.”
“Vậy thôi.” Tôi hỏi.
“Gay cấn là hôm đám cưới con gái tôi. Nó buộc tôi và cô ấy phải có mặt, bên cạnh vợ chồng nó. Nó không mời ông cán bộ, nhưng ông ta vẫn đến dự. Khi chụp hình, con rể và con gái tôi đứng giữa. Tôi bên nầy, cô ta bên kia. Và… cô ấy khóc, lấy tay áo lau giọt nước mắt, hình như cố nín. Lòng tôi như xé ra!!! Vậy rồi thôi. Tôi cũng cố tránh người cũ! Gặp nhau nữa mà làm gì?

Tôi hỏi:
“Anh có khóc không?”
“Khóc à?” Khánh nói. “Không biết hồi nhỏ tôi có
hay khóc không nhưng từ khi khôn lớn thì không. Tôi cứ nghĩmình làm mình chịu, tại sao lại khóc? Hồi Mậu Thân,đụng một trận ở ngã ba Cây Thị, tôi nghĩ là tôi có thể khóc mà không khóc được. Một trái B-40 nổ ngang tầm chân phải tôi, tôi tưởng như chân tôi đã cháy thành than, nóng kinh khủng. Tôi nằm lại, không di chuyểnđược. Trước mặt là xác hai thằng lính của tôi, sốcòn lại rút đâu mất tiêu. Dziệt Cộng đang tấn công, chạy qua chạy lại trước mặt. Chúng nó tưởng tôi chết rồi, không bắn. Tôi muốn khóc, không phải khóc vì sợmà vì cái chân đau quá. Vậy mà tôi không khóc. Sau đó, tôi được cứu thoát. Khi đó, thì mặc dù chân còn đau, nhưng tôi lại cười.
“Thế khi ở trong trại tù?” Tôi lại hỏi.
“Trong tù, một thời gian dài, khoảng hơn hai năm,
tôi nằm gần một ông “Thông Thiên Học”. Ông nầy giảng cho tôi nhiều cái hay lắm anh à. Tôi học ở nhà trường,ở đời, ít thông suốt nhiều vấn đề như khi ở với ông. Vì dụ như ông ta nói về đời, cái nhìn rất khoa học.”

Tôi đề nghị:
“Anh giải thích đi.”“Ông ta nói con người có số phận, nhưng cái số phậnấy do tự mình định đoạt ra, không phải do một đấng thiêng liêng nào định ra cho ta cả. Đó là cái mâu thuẫn trong truyện Kiều. Nguyễn Du nói: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Nhưvậy thì phong trần hay thanh cao đều do ông trời địnhđoạt ra cả. Nhưng Nguyễn Du lại viết về cô Kiều “Cứtìm những chốn đoạn trường mà đi.” Vậy thì cáiđoạn trường là do cô Kiều tự tìm đến. Cô ta có thể đến, cô ta có thể tránh đi được. Như thế thì phong trần là do ông Trời định đoạt thế nào được chứ?”

Tôi nói:
“Tui học Kiều, dạy Kiều, đọc nhiều sách về Kiều, nhưng nhận xét về truyện Kiều như anh là mới lạ đấy. Nó gần với nhân quả như trong lời tựa của cụ Trần Trọng Kim.”
“Vâng. Khổng tử bảo là “Khôn chết, dại chết, biết sống.
”Vậy thì con đường đời chúng ta đi là do chúng ta tự vạch ra, trên cái nghĩa “khôn”, “dại”, “biết”như Khổng tử nói, chứ có ai vạch ra cho mình đâu? Ông bà ta cũng nói vậy: “Khôn sống, bống chết”. Thành ra, tạo hóa chỉ cho chúng ta có một điều: Sự sống. Còn ngoài ra, sống như thế nào, là do cho chúng ta tựvạch lấy. Cái số phận, theo nghĩa đó, là chúng ta tựvạch lấy, do cái “khôn”, cái “bống” hay cái “biết”của chúng ta. Thượng đế có đày đọa hay cứu giúp gì chúng ta đâu?! Cái việc tin vào Thượng đế cho ta sốphận là do chúng ta tự vẽ vời ra.”
“Anh có ứng dụng lời nói của ông thầy “Thông thiên học” vào đời sống của anh không?” Tôi hỏi.
“Có chứ sao không? Tôi lấy vợ, chúng tôi yêu
nhau, sống với nhau, tôi đi ở tù, vợ tôi bỏ tôi là do tựchúng tôi cả.”
“Vậy anh chỉ trách vợ mà thôi?” tôi hỏi.
“Cũng không nốt. Cái mình tự vạch ra cho mình, hay một dân tộc vạch ra cho dân tộc đó, trở thành cái nạn chung. Nhân loại nầy rồi cũng vậy anh à. Nhân loại sẽsống chung với nhau trrong hòa bình, hay giết nhau để sinh tồn, là do tự cái nhân loại nầy định đoạt lấy. Chẳng có ông Thượng đế nào nhúng tay vô đây cả.”

Ngoài kia, trời đã tối. Chúng tôi vừa thoát qua khỏi một đoạn đời đầy gian nan, nhìn lại, mặc dù nhân loại ngày nay có hô hào nhiều nhân đạo hơn nhân loại ngày trước, xem ra cũng chưa thấy có một tương lai sáng lạn gì!

Chưa đầy một tháng sau, Khánh đi định cư. Tôi và vài anh em nữa làm việc ở phòng SB, tiễn ông Khánh ra cầu jetty. Đứng bên cạnh cựu Hải Quân thiếu tá Nguyễn Thìn, tức nhạc sĩ Trường Sa, hôm ấy cũng tiễn ông Khánh, tôi hỏi đùa:
“Cây cầu nầy là cầu của anh đây phải không?”
Nhạc sĩ Trường Sa ngạc nhiên:
“Sao cầu nầy là cầu của tôi?
Tôi cười: “Đưa Em Ra Cầu Nhung Nhớ”, không phải cầu nầy của anh thì còn của ai?”

Nghe nói đùa, nhạc sĩ Trường Sa cười hề hề, như cái cười
muôn thuở của ông ta, trong khi ông Khánh đưa tay ra bắt. Có lẽ ông Khánh cũng không hiểu tại sao ông Thìn lại cười hề hề khi hai người bắt tay nhau như vậy!


hoànglonghải