văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, April 27, 2012

Nguyễn văn Lục * Miền Cỏ Nhớ




Lệnh Hồ Xung giữa đời... Le marchand de rêves

Trong 12 pho truyện của Kim Dung, tôi không thấy truyện nào kỳ thú và lãng mạn hơn Tiếu ngạo giang hồ. Có người gọi TNGH là một siêu phẩm. Siêu phẩm TNGH gồm tất cả 40 chương hồi.

Siêu phẩm ấy nếu đo bằng bề dày của tác phẩm thì trọn bộ là 15 cuốn, gồm 2678 trang. Phải nhận đó là một tác phẩm dài hơi. Nhưng truyện với bề dày như thế này lại là chuyện bình thường trong văn học Trung Quốc. Trên thế giới, chỉ có hai nước là Trung Quốc và Nga là có những đại tác phẩm trên 1000 trang.

Tác phẩm lớn với bề dày như thế có thể nói rằng có kích thước lớn, tầm vóc lớn, nhà văn lớn. Nhà văn đó có sức tưởng tượng phi phàm, bộ nhớ và kho kiến thức hơn người, thừa hưởng và kế thừa một nền văn hóa Trung Quốc với những tên tuổi như Lâm Ngữ Đường, Lỗ Tấn, đồng thời kế thừa một nền tiểu thuyết võ hiệp đã có mặt rất sớm trong văn học Trung Quốc. Bấy nhiêu thứ đó đà làm nên tác giả Kim Dung.


Truyện trong TNGH vì thế ta thấy có hằng trăm nhân vật lớn nhỏ, với những cảnh đời, với những thân phận đủ loại, với oan khiên và duyên phận khác nhau. Bi kịch cũng có, chồng chéo éo le cũng không thiếu với hàng ngàn tình tiết. Đó là thứ câu truyện ngàn lẻ một đêm, nói mãi không hết. Thêm vào đó là một kho tàng kiến thức về đạo đức, tôn giáo, chính trị, cách ứng xử ở đời.

Đọc hoài không hết. Càng đọc, ta càng bị triền miên lôi kéo, dẫn đưa tâm trí vào một thế giới con người với những tình huống bi kịch và những lối thoát ai ai cũng mong đợi. Một cách vô tình, người đọc hòa vào trong truyện như người trong cuộc, đồng lõa với tác giả.

Đó cũng chính là sự thành công của Kim Dung.

Thế giới chuyện Kim Dung là một thế giới phi thực mà thực, biết là hư ảo mà vẫn bị cuốn hút. Vì thế mới có hàng tỷ người trên thế giới say mê đọc Kim Dung.

Và cả tỉ người đó, trẻ già, lớn bé đều tự rút ra cho mình được một điều gì.

Nhưng đứng về mặt nghệ thuật, văn chương mà nói, người ta đòi hỏi tác phẩm có tầm vóc không phải chỉ ở bề dày của truyện mà truyện còn phải chuyên chở một nội dung ở tầm mức cao, nói lên được điều gì, gửi tới cho con người một sứ điệp gì? Ở những đòi hỏi này, truyện của Kim Dung cũng đáp ứng được chu đáo. Nó nói lên một khát vọng sâu xa của con người là đi tìm cho bằng được một thế giới người mang tính nhân bản, khát vọng tự do, khát vọng tình người trải qua những chặng đường hạnh phúc có, thống khổ có. Có niềm vui của một Hân Tố Tố. Có nỗi đam mê buồn muôn thuở, tình yêu trắc trỡ, gối đêm khuya đẫm nước mắt của ni nữ Nghi Lâm. Nhưng lại có cái phóng dật đến lãng mạn của Lệnh Hồ Xung, hành xử đẫm nét Khổng giáo lẫn Lão giáo. Cũng không thiếu cái buồn đau đáu của một Kiều Phong, Du Thản Chi.

Và trên hết và tất cả là nỗi đam mê làm người. Ai cũng muốn sống ở đời thì phải thực hiện được một điều gì, phải mơ ước phải đeo đuổi một cái gì đó. Chẳng hạn để cả đời tìm kiếm cho bằng được một tịch tà kiếm phổ, hay suốt đời đeo đuổi công việc cứu nhân độ thế, hay ít ra trót cả cuộc đời đeo đuổi và yêu thương một người như ni nữ Nghi Lâm. Yêu thương mà chưa hề được đáp trả. Mà vẫn cứ yêu. Thế mới là yêu.

Phải chăng đó là nỗi đam mê đẹp nhất, là niềm mơ ước của đời người? Ai trong cuộc đời đã không một lần ước mơ, một lần đeo đuổi, một lần kiếm tìm và như thế cuộc đời đáng sống là đeo đuổi kiếm tìm hơn là tìm thấy?

Thế giới truyện của Kim Dung có thể nói là thế giới của những giấc mơ, những hoài bão lớn nhỏ. Và Lệnh Hồ Xung là kẻ buôn bán mộng?

Nếu có giấc mơ làm người Quang Trung của Duyên Anh, thì tại sao lại không có giấc mơ làm người Việt Nam không cộng sản? Hay là niềm mơ ước báo được thù nhà, nợ nước? Đó là lẽ sống làm người ở đời, để đeo đuổi, để sống còn và để thực hiện làm người-ở-đời.

Và mỗi người sẽ thực hiện giấc mơ làm người theo cách thức của mình.

Và khi làm xong được cái điều đeo đuổi ấy thì cuộc hành trình nhân thế kể như đã xong, rửa tay gác kiếm.

Và phải chăng đó là ý nghĩa đời sống - con người-ở-đời?

Đó là cái làm nên tác phẩm, làm nên vóc dáng truyện chưởng Kim Dung. Và rồi mỗi thời có một Kim Dung đáp ứng trả lời cho khát vọng làm người của thế hệ ấy.

Nếu trước đây, thời 1900, người mình mê truyện Tàu như Đông Châu Liệt Quốc, Du Long Hý Phụng, Chánh Đức Du Giang Nam và nhất là Tam Quốc Chí thì nay mê truyện Chưởng của Kim Dung. Mỗi thời mỗi thứ đam mê. Dù sao, cả hai truyện đều xuất phát từ bênTàu cả. Người mình có cái lạ là tuy ghét người Tàu nhưng không hiểu tại sao lại mê truyện Tàu đến như thế?

Từ cái mê Tam Quốc Chí đến cái mê Chưởng Kim Dung, có điều gì khác biệt?

Mê là vì nó hay, nhưng hay ở chỗ nào? Thật cũng khó trả lời. Hay ở tình tiết câu truyện, về cách dàn dựng hay về nhân vật truyện?

Truyện của Kim Dung hay như thế, vậy mà vẫn không thiếu người chê như trường hợp Vương Sóc. Vương Sóc, một nhà phê bình Trung Quốc gọi tiểu thuyết Kim Dung là một trong”Tứ đại tục”. Đó là một bóp méo thê thảm của giới phê bình Cộng Sản Trung Quốc.

Ở Việt Nam thì Phạm Quỳnh trước đây trong cuốn ký Một tháng ở Nam Kỳ, Nam Phong số 17, 1919 đã miệt thị truyện Tầu, trong đó có Tam Quốc Chí như sau:

Những tiểu thuyết Tàu từ tám mươi đời triều ấy, văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những truyện huyền hoặc quái đản của mấy bác cuồng nho bên Tàu đời xưa ngồi không mà bịa đặt ra để làm khoái trá bọn hạ lưu vô học.Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khá kính thay.

Kể là một lời kết án thô thiển, vì theo Phạm Quỳnh, đọc truyện Tàu được sắp xếp vào loại người hạ lưu vô học.

Thực tế cho thấy ở Sài gòn trước 1975, theo Vũ Đức Sao Biển, người chuyên khảo về Kim Dung kể rằng, người ta chờ đợi xếp hàng đón nhận mỗi ngày 1500 chữ của Kim Dung trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ bay từ Hồng Kông qua Việt Nam. Dịch giả Hàn Giang Nhạn dịch và đọc thẳng cho thư ký là Nguyễn Văn Tâm chép lại trên 10 tờ giấy pelure và 9 tờ giấy than kê dưới. Đã có 44 tờ báo hàng ngày ở Sàigòn đăng truyện chưởng của Kim Dung.

Trong khi đó, dưới căn gác nhà Hàn Giang Nhạn thì hàng chục ông tùy phái người An Nam ta của các tờ báo ngồi chầu chực để nhận một bản dịch Tiếu Ngạo Giang Hồ để đem về đăng trên tờ báo của mình. Giả dụ báo Hồng Không không sang kịp, tờ báo của các ông chủ báo VN dám bán ế vì không có người mua.

Đặc biệt xin nói một dòng về dịch giả Hàn Giang Nhạn. Không thiếu người dịch Kim Dung như Từ Khánh Phụng, Từ Khánh Vân, Phan Cảnh Trung, Lão Sơn Nhân, nhưng cái tài tuấn của Hàn Giang Nhạn là đã dịch thế nào để Kim Dung là Kim Dung. Phải chăng ông vốn gốc người Tàu, nhưng đã tốt nghiệp đại học, dạy toán ở Việt Nam nên đã thấm nhuần cả hai thứ ngôn ngữ một lúc? Điều mà ít người có được

Cũng một cách nào đó, ngày xưa ta có dịch giả Trương Vĩnh Ký ngồi dịch Tam Quốc Chí và đã được đăng dài dài trên tờ Nông Cổ mín đàm từ ngày 1/8/1901 mà số độc giả vỏn vẹn có 350 người mua theo lời rao của tờ Nông Cổ mín đàm. Chẳng những thế, 6 năm sau, truyện dài trên báo được in thành sách vào năm 1907.

Và đây là lần đầu tiên, một truyện dài được đăng trên báo rồi được in thành sách truyện. (1)

Thời VNCH, người ta mê truyện của Kim Dung đến như thế. Mê đến có thể nói nó làm nên sắc thái sinh hoạt văn hóa của miền Nam Việt Nam.

Bài này xin giới hạn vào cái hay của nhân vật truyện.

Thời truyện Tam Quốc Chí, cái hay của truyện ấy là ở cái tình huống lịch sử câu truyện, đến những biến chuyển, những nút thắt gỡ của thời cuộc. Và rồi cũng không thiếu những nhân vật lịch sử đã tạo ra thời thế lúc đó. Có thể nói truyện Tam Quốc Chí đã ảnh hưởng trực tiếp trên cả lối suy nghĩ, thái độ sống, cách ứng xử của con người. Ngay cả trong lối nói thường dùng của người dân giả Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi lối nói, lối viết từ trong truyện. Thật vậy, trong tuần báo Nam Kỳ Địa Phận vào những năm 1899, tác giả Mai Nham, bút hiệu của Trương Vĩnh Ký, đã liệt kê ra được 162 câu nói thông dùng rút ra từ trong truyện Tam Quốc Chí. Ví dụ như : động địa chấn thiên, diệu vũ dương oai, thâm căn cố đế, trung quân ái quốc, trầm cư lạc nhạn, khử tà quy chánh, lộng giả thành chơn, chiêu hiền nạp sĩ, mại chủ cầu vinh, túc trí đa mưu v.v…

Có ai ngờ được, truyện đọc cốt giải trí mà gián tiếp ảnh hưởng tới sinh hoạt làm ăn và giải trí của người dân giả?

Còn đối với truyện của Kim Dung, ông đã tạo ra nhiều mẫu người điển hình, nhiều nhân vật truyện trở thành trung tâm của truyện. Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ, Kiều Phong, Nhạc Bất Quần, Vi Tiểu Bảo, Triệu Minh, Nhậm Doanh Doanh vvv... Dù có hằng trăm nhân vật truyện thì ta vẫn dễ dàng nhận ra những nhân vật chính của truyện. Tôi có thể nói chắc rằng, truyện mà không có nhân vật chính hấp dẫn là chuyện không hay. Những nhân vật khác chỉ là những nhân vật ‘vệ tinh’ quay chung quanh một cái trục xoáy của nhân vật chính. Cho nên, truyện của Kim Dung hay ở nội dung đã đành, mà nó mê hoặc lòng người vì nhân vật truyện. Nó là thứ James Bond của Á Châu.

Riêng trong TNGH, Kim Dung đã đưa ra hai mẫu nhân vật truyện đối nghịch là Lệnh Hồ Xung và Nhạc Bất Quần, như một chính, một tà. Sự yêu ghét đã rõ ràng: người ta yêu LHX và ghét Nhạc Bất Quần. Đến có một cán bộ trí vận Cộng sản sau khi đọc Kim Dunh, phải thổ lộ rằng, nếu phải bị đày ra một hoang đảo, ông sẽ chỉ đem theo TNGH và để mê say LHX và để ghét Nhạc Bất Quần.



Nhạc Bất Quần, một ngụy quân tử

Kim Dung có thói quen đặt tên người theo tính nết người đó. Chẳng hạn tên Điền Bá Quan đam mê sắc dục nên có ngoại hiệu dài thòng là: Giang Dương đại đạo, thái hoa dâm tặc, vạn lý độc hành khoái đao Điền Bá Quan. Hay Dương Bất Hối có ý tỏ là không hề biết hối hận. Bất Giới Hòa Thượng có nghĩa là chẳng có gì cấm cản được.

Đúng là nghe tên biết người.

Nhạc Bất Quần có nghĩa là không chơi với ai cả. Cũng có nghĩa là tránh truyện thị phi, bè phái. Cũng có nghĩa là ăn nói chừng mực, tránh tranh biện vô ích. NBQ cư xử đàng hoàng nên có tiếng trên giang hồ, vì thế mới có ngoại hiệu là Quân Tử kiếm, có nghĩa là không thèm đánh lén. Ngoại hình thì tuấn tú, trẻ hơn tuổi rất nhiều nên người đời quen gọi hắn là Tiên sinh. Tiên sinh Nhạc Bất Quần đã được ngòi bút kỳ tài của Kim Dung tô lên đó một chân dung tiêu biểu khả kính trên chốn giang hồ. Nhưng mặt khác, ngòi bút Kim Dung cũng khéo léo để cho Nhậm Doanh Doanh, thì thầm nói nhỏ vào tai LHX nhận xét của cô về NBQ. Một nhận xét với một tên gọi mà sau này trở thành thời danh: "Hắn là một tên Ngụy Quân tử." Phải thông minh sắc bén như Nhậm Doanh Doanh mới lột được cái mặt nạ của Nhạc Bất Quần. Sau này, danh xưng đó đi liền với NBQ. Chính vợ hắn, Ninh Tung Tắc biết được chồng mình đã luyện được Tịch Tà Kiếm Phổ nên hắn đã trở thành ái nam, ái nữ. Nhưng hắn vẫn giấu. Vì thế làm gì còn có truyện gối chăn bình thường nữa? Đã thế, bà còn khám phá ra mỗi sáng ngủ dạy râu hắn rơi rụng vướng trên chăn gối và tiếng nói thì nay trở thành eo éo.

Chưa ai và chính tác giả cũng không giải thích được tại sao luyện kiếm phổ thì có thể thay đổi giới tính? Như thế thì kiếm pháp có một liên hệ hữu cơ, máu mủ với cơ thể? Luyện đến độ nó nhiễm vào người, thay đổi cả tính nết, liên hệ luyến ái? Biết hệ quả như thế mà người ta vẫn đâm đầu vào luyện tập? Gớm thay cái đam mê kiếm pháp đến hy sinh vì nó? Nó có khác gì các lực sĩ ngày nay uống các thuốc cho tăng cường thể lực? Nhưng dù không được giải thích thì ta vẫn đương nhiên tin điều đó là tự nhiên và có thật? Sau này, Lâm Bình Chi cũng rơi vào số phận y hệt Nhạc Bất Quần khi lấy Nhạc Linh San mà hắn cũng nằm trơ thổ địa trong đêm tân hôn?

Và cũng từ khi nhận ra được bản chất mất nhân tính, bỏ vợ con, rượt đuổi theo danh vọng mà Lệnh Hồ Xung sau này hết còn đem lòng kính phục sư phụ của mình.

Nhạc Bất Quần tuy bị người đời hận ghét lại càng là cái cớ cho người ta nhắc nhở đến hắn. Nhắc tới Nhạc Bất Quần là nhắc tới một thứ ngụy quân tử. Nhiều người ghét. Nhung càng ghét thi nhân vật càng trở thành mẫu mực, điển chuẩn cho những phán đoán của thiên hạ. Đến độ phán đoán về nhân cách một người, thay vì nói tánh nết người ấy. Ta gọn gàng gọi y là một ngụy quân tử, một Nhạc Bất Quần.

Nhạc Bất Quần nói cho cùng chỉ là mặt trái của xã hội mà mỗi ngày chúng ta đang sống và phải đối diện từng ngày?


Lệnh Hồ Xung, một gã lãng tử


Giữa hằng trăm nhân vật truyện ấy nổi bật lên một con người, từ trong bóng tối truyện vốn chỉ là một con người với gốc rễ ti tiện, mồ côi cha lẫn mẹ, rồi đầu quân vào phái Hoa Sơn và tôn Nhạc Bất Quần như sư phụ, coi Nhạc Linh San như em gái. Gã ấy chính là Lệnh Hồ Xung.

Và cứ thế mà gã lãng tử ấy lớn lên và cứ thế mà hắn nổi danh trên chốn giang hồ để sống một cuộc đời phiêu lưu kỳ thú trọn vẹn. Gã giang hồ đó sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp, mê rượu và mê gái cũng có, kết giao rộng rãi có. Chàng không tham lam, không màng danh lợi, vì thế không cúi đầu nịnh bợ để rồi lê gót chân phiêu bạt đi theo tiếng gọi giang hồ.

Lệnh Hồ Xung sau đó đã sẵn sàng rũ áo bỏ đi theo tiếng gọi giang hồ đúng với cái nghĩa của bài hát: Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Ta mê Tiếu Ngạo Giang Hồ là mê Lệnh Hồ Xung, mê phong thái, cách sống, mê cái bạt mạng đến lãng mạn, mê cái tài hoa, cái kỳ tài, mê cái nhún nhường để rồi được đời đưa lên. Không muốn làm chưởng môn mà đời cứ dí vào tay, hết chưởng môn phái Hằng Sơn lại đến trưởng môn ma giáo mà LHX thà chết không chịu nhận, thà phận bạc với Doan Doanh, khước từ cả tình yêu. Cuộc đời của Lênh Hồ Xung có thể tóm trong chữ khước từ. Càng muốn khước từ, nhún nhường và dè dặt thì lại được đời kính nể, tôn sùng và đặt lên ngôi.

Cái pha cuối cùng, gay cấn và gây xung động nhất là ở chỗ LHX hai lần khước từ vai trò lãnh đạo trong Ma giáo mà Nhậm Ngũ Hành giăng ra buộc sống chết LHX phải nhận. LHX đã không nhận. Và cái hình ảnh rất lãng mạn, rất đẹp, khi LHX dẫn đoàn ni nữ kéo nhau xuống núi trong khi Nhậm Ngũ Hành nấc lên thổ máu ra mà chết vì tuyệt vọng.

Nó quá là đẹp khi nghĩ tới cái phong cách ấy, hình ảnh ấy.


Lệnh Hồ Xung, một thứ lãng mạn tôn giáo

Trong Tiếu Ngạo giang hồ cũng như trong 12 pho truyện của Kim Dung, người ta nhận rõ một điều nổi bật là truyện nào cũng bàng bạc tôn giáo, nói rõ hơn là tam giáo đồng môn. Tôn giáo bàng bạc trong Thiên Long Bát Bộ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký và nhất là trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Nhưng đạo Phật tỏ ra ưu thế hơn cả. Đó là hình ảnh đạo Phật thông qua các nhà sư chùa Thiếu Lâm Tự, tỉnh Hồ Nam, Tung Sơn Thiếu Lâm Tự.

Cũng cần phân định cho rõ, người Tàu nói chung và người Việt cũng vậy, tôn giáo mang tính cách thực tiễn như cầu đảo, khấn vái, van xin, cầu phúc lợi, cầu sống lâu trăm tuổi mà không bệnh tật..Ít chú trọng tới chiều kích tâm linh, siêu việt của tôn giáo. Nói khác đi, đó là một thứ tôn giáo thực dụng vì lợi ích con người. Từ đó đi dến chỗ dễ lạm dụng mua chuộc thần thánh, rồi tiến đến phiếm thần, thần nào cũng cầu nếu có lợi và cầu lấy được. Vì thế, không lạ gì ở trong Nam, Phật giáo và Thiên Chúa giáo thật ra chỉ là thiểu số so với các đạo thờ tổ tiên, ông bà, Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa và đủ thứ đạo khác nữa. Vì thế, không thiếu trường hợp bị đả kích bởi các nhà nho như trong thời kỳ Minh Tân, đúng hơn thời Duy Tân với khẩu hiệu: "Chống Chệch, Chống Chà, trả Thích Ca về Thiên Trước, trả Quan Công về Tàu."

Truyện chưởng Kim Dung dù sao đi nữa cũng đã dẫn dắt người đọc làm những cuộc hành trình đi về cội nguồn tư tưởng phương Đông, nơi của Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, nhưng là một thứ Phật giáo, Lão giáo phóng khoáng “cởi trói” như mây trời bay bổng, thong dong thoải mái mà tôi gọi là một thứ lãng mạn tôn giáo.

Có thể nói Phật giáo trong Võ Lâm là thứ Phật giáo bang hội giữa chốn quần hùng, dao kiếm chứ không phải bất cứ thứ Phật giáo chính thống nào? Hình ảnh các nhà sư ở đây là hình ảnh các nhà sư Thiếu Lâm Tự giữa chốn máu tanh hung hiểm vẫn ngồi điềm nhiên tọa thị.

Điều khác biệt cốt tủy là tôn giáo trong truyện Kim Dung vượt quy pháp, không vụ hình thức bề ngoài. Chẳng hạn, mục đích của Bất Giới hòa thượng đi tu là để lấy cho bằng được ni cô, rồi từ đó hai người đẻ ra Nghi Lâm. Nghi Lâm cũng đi tu, nhưng lại yêu thầm nhớ trộm LHX. Biết được điều đó, Bất Giới hòa thượng đi tìm LHX và ép buộc chàng phải lấy con gái mình là Nghi Lâm. Và còn gì xứng đôi vừa lứa hơn ông sư mà cưới bà vãi?

Đã hẳn không thể đòi hỏi truyện của Kim Dung phải có cái căn tính Phật pháp 100%, thật ra Phật mà không Phật đến phản Phật, phản quy môn. Đó là biểu tượng qua nhân vật Bất Giới hòa thượng (hòa thượng mà không theo một giới luật nào).

Đó cũng không phải là thứ tôn giáo tuyệt đối hóa, coi mình là nhất, mình là chính, kẻ khác là tà. Bởi vì sự tuyệt đối hóa chỉ là dấu hiệu bắt đầu của sự sa đọa. Nói cách khác, tôn gíáo cũng như đạo đức đã bị Kim Dung đánh tụt giá và từ đó nó gần con người, mang tính người với đầy đủ ham muốn, yêu thương và giận ghét.

Và đấy lại chính là nét đẹp của Tiếu Ngạo Giang Hồ, mà chính những người con Phật đọc cũng không thấy dị ứng, đôi khi còn mỉm cười rộng lượng khi đọc những tình tiết chướng tai gai mắt trong truyện như sư tăng gì mà rượu thịt thả cửa, thích đủ thứ.

Phải chăng, đó cũng là nét đẹp và thành công của Kim Dung?

Kim Dung đã làm thế nào để tránh được tất cả những búa rìu dư luận khen chê ấy? Kim Dung đã giải hóa được tất cả những mâu thuẫn, những tình huống căng kẹt, khó xử giữa thuyết lý Phật giáo và đời sống? Và ông luôn luôn có những nút gỡ làm thế nào để giải thoát nhân vật truyện ra khỏi những tình huống coi như bí lối, không lối thoát.

Chẳng hạn, Kim Dung đã đặt để câu truyện bắt đầu bằng ni nữ Nghi Lâm. Ni nữ là người tu hành, nương nhờ cửa Phật, nhưng nét đẹp con gái lồ lộ, tuổi 18 xuân thì đã yêu thầm nhớ trộm LHX. Có lần, giữa đêm sao sáng, cô đã quyết định cởi dải áo ra để hoàn thành ước nguyện hoàn tục, nhưng rồi cũng chính cô sợ hãi về những quyết định của chính mình.

Phải nói đây là một đọan văn tả tình rất lãng mạn và rất tới.

Bất Giới hòa thượng, cha đẻ của ni nữ, biết được tấm lòng của con nên bắt tên Điền Bá Quang đi bắt LHX về cho con gái mình. Chuyện đã không thành mà còn bị tên dâm tặc ĐBQ động lòng dâm dục muốn hãm hiếp cô. Đã cho ni nữ đi tu thì tại sao không để ni nữ xấu một chút, ai lại để một ni cô mà xuân thì lộ liễu quá? Không có Điền Bá Quang này thì cũng sẽ có ĐBQ khác. Rắc rối từ chỗ đó. Đã có ĐBQ thì cũng lại phải có một Lệnh Hồ Xung. Điều đó dẫn đưa đến chuyện Lệnh Hồ Xung liều mình cứu ni nữ, một ni nữ trong trắng đến tinh tuyền, như chất ngọc.

Tôi tự hỏi giữa cái nguy hiểm bị ĐBQ hãm hiếp và cái nguy hiểm bị LHX tới tiếp cứu, đường dài cái nào nguy hiểm hơn? Tránh được cái trước một lần thì lại hệ lụy cái sau là cả một đời người? Cái nào là cái khổ, cái bi lụy? Và chính ở chỗ đó mà câu chuyện trở thành lý thú? Tác giả Kim Dung đưa ra hình ảnh đối chọi nhau, một đằng là một một ni nữ chắc là đạo hạnh, nhưng đằng kia hé lộ cho thấy một cô gái xuân thì hứa hẹn, tuổi mà nụ hồng vừa mới hé nụ, cỏ non đồi tình còn mềm nhung lụa? Đó một bãi chiến trường xảy ra cuộc giao tranh giữa những đòi hỏi của đạo và tiếng gọi của bản thể người, của tình yêu lứa đôi. Rồi cô gái đó bị đẩy đưa vào những hoàn cảnh bi kịch. Cô bị xô đẩy vào nơi ô tạp là động điếm Quân Ngọc, nằm dưới chân rặng núi Hành Sơn. Trong khi đó thì tên lãng tử LHX vì ni nữ mà đã bị đâm mười mấy nhát dao chí mạng. Từ nơi đó, bằng cách nào ni nữ phải cứu bằng được cái mạng của Lệnh Hồ Xung? Rồi bất kể chuyện trai gái cận kề mà quy môn nào cũng cấm ngặt, bồng bế Lệnh Hồ Xung lãng tử đến vùng hoàng sơn dã lĩnh. Ni nữ mà bồng bế một trang nam tử như thế thì còn gì là quy pháp? Ni nữ cảm thức được cái tình thế lưỡng nan ấy mà rồi vẫn cứ làm. Vừa sung sướng, vừa e thẹn, vừa bối rối. Rồi nàng phạm giới tiếp là đã ăn cắp dưa hấu để nuôi tên lãng tử. Và cái nghịch lý tiếp tục là vừa tụng kinh cứu khổ cứu nạn Quan Thế âm Bồ Tát nhưng lại vừa ham muốn cầu cho chàng tai qua nạn khỏi. Phật chính thống nào mà chứng giám cho đây? Nhưng chính thái độ một lòng, một tâm cảm tốt lành, rất người mà cũng rất mùi đạo đến con người cũng như thần thánh cũng phải mủi lòng.

Tôi muốn hỏi rằng chỗ nào là chỗ của một ni nữ lòng Bồ Tát hay là chỗ của trái tim dậy thì 18 tuổi mê say một báu vật trên đời là tình yêu?

Giải thoát ni nữ ra khỏi những tình huống bi kịch ấy mà không cần một lời biện giải, không một lời phê phán, người đọc tự hiểu và thấy nhẹ người, thở phào như chính mình là người trong cuộc được giải phóng. Mùi đạo không bị hoen ố, mà trần thế thì vẫn hân hoan, hạnh lạc?

Đó là thứ bi kịch vẫy gọi nhau, có ái ố, có sầu bi, có ham muốn, có thúc đẩy, nhưng cũng có chối từ trong cùng một con người. Nét đẹp tôn giáo không thiếu, nhưng cái cốt chính là con người nguyên vẹn hình thù với đam mê, với dạt dào tuổi trẻ vẫn có mặt.

Bởi thế mà trong văn chương Việt Nam, đã có những nhà văn thi vị hóa, tạo ra được những nét đẹp trong đời sống tu trì. Như hình ảnh cao trọng của sư cụ chùa Long Giáng mà nhiều người không thể quên và không thể không yêu mến và không thể không nhắc tới. Người như tôi, không phải Phật tử, cũng cảm nghiệm đạo Phật qua những nét đẹp văn chương, qua mẫu hình sư cụ, đức cao trọng vọng phi thường hơn là qua Kinh Pháp Hoa hay Kinh Kim Cương hay Niêm Hoa Kinh.

Nghĩ như thế thì Kim Dung là người hoằng dương đạo hơn ai hết?

Nhưng hẳn là có nhiều nét đẹp: cái đẹp trong phong cách của sư cụ chùa Long Giáng là một lẽ và cũng có nét đẹp của phong thái của các nhà sư trong Thiếu Lâm Tự. Nét đẹp trong những chiếc tăng bào mầu vàng hay mầu xám tung lượn, múa gậy, hay ung dung ngồi tọa thiền giữa chốn máu tanh khí sát hừng hực?

Sự nghịch lý của cái khung cảnh bát nháo quần hùng ấy và cái uy dũng của các nhà sư Thiếu Lâm Tự như một truyền thống bất khuất nói lên một vẻ đẹp của những người đức cao trọng. Cái mà Kim Dung thường gọi là những “Núi Thái sơn, sao Bắc đẩu, tinh luyện thành công 72 tuyệt kỹ được gọi là Thất Thập Nhị Huyền Công” (1)

Cái nét đẹp ấy đi ra khỏi cái khuôn khổ thông thường của đời sống tu trì thì tôi gọi nó là lãng mạn.

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, có 5 môn phái là: Thái Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn và Hành Sơn. Nhưng chỉ có Hằng Sơn là theo Phật giáo mà đặc biệt toàn là đệ tử nữ ni cầm đầu môn phái.

Cái trớ trêu là các nữ ni này chấp nhận cả tục gia cho vào môn phái và rắc rối cũng từ đó mà ra.

Câu chuyện bắt đầu từ tên Nhạc Bất Quần với Tịch Tà Kiếm Phổ muốn bá chủ quần hùng. Hắn đã dùng thủ đoạn một mình giết chết các ni nữ Định Tính, Định Nhàn và Định Dật, những người cầm đầu phái Hằng Sơn. Vấn đề là trước khi chết, ba lão ni cô này đã quyết tâm truyền lại chức chưởng môn Hằng Sơn cho Lệnh Hồ Xung.

Thật không thể hiểu được, bằng vào lý chứng nào mà cả ba ni cô này cùng đồng thuận, hầu như không ai bảo ai đã đưa đến quyết định đến ngạo ngược và táo bạo đến như thế? Cứ tưởng tượng ra một bầy ni nữ xinh đẹp, tình tuyền trong trắng, xử nữ còn nguyên vẹn, quây quần chung quanh một chưởng môn đa tình không kém, ngày đêm sớm tối lại cận kề, hầu cận làm sao tránh khỏi chuyện nam nữ thường tình?

Điều mà Kim Dung muốn nhắn gửi là vượt lễ giáo và quy môn? Phải chăng đó là khát vọng tự nhiên của con người?

Và làm thế nào một tên ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần đã bị đền tội dưới bàn tay nhỏ bé của ni cô Nghi Lâm? Xét về mặt tâm lý ở dạng vô thức, việc sát hại Nhạc Bất Quần là nguyên cớ thầm kín để cho nhân vật Lệnh Hồ Xung phải được xuất hiện? Cái chết đó chỉ là cái cớ để cho Lệnh hồ Xung có mặt?

Và đây là những tình huống trớ trêu bầy ra làm khó Nghi Lâm. Nghi Lâm đã được Lệnh Hồ đại ca cứu sống và hắn đã bị thương nặng dưới tay Điền Bá Quang. Sau đó, Nghi Lâm đã nâng Lệnh Hồ đại ca dạy và lấy thiên hương đọan tục giao để cứu sống y. Nghi Lâm đếm cả thảy có 13 vết thương lớn nhỏ trên mình Lệnh đại ca. Tội quá. Chưa hết, lại đến lượt La-Nhân-Kiệt muốn đánh Lệnh Hồ Xung. Ni nữ Nghi Lâm đưa người ra cản. Dám đem cái sống của mình đánh đổi lấy cái sống của người mình yêu trộm nhớ thầm? Còn có hy sinh nào cao quý hơn? Nhờ cái chết đó mà nói ra lời, gián tiếp thú nhận một điều không thể nói ra được? La Nhân Kiệt hiểu ra lẽ thầm kín ấy mới tức mà mắng rằng: "có phải tiểu ni cô thấy hắn bảnh trai mà động lòng phàm tục? Nếu tiểu ni cô không tránh ra thì ta đánh cả ngươi nữa."

Khi hắn mắng xối xả như thế thì hẳn có phần nào nói đúng sự thật chăng? Hình như hắn đi guốc trong bụng ni nữ Nghi Lâm vậy? Cuối cùng thì Lệnh Hồ Xung bị La Nhân Kiệt đâm cho một phát thấu ngực. Nghi Lâm kể đến đây cho sư phụ nghe xong thì những giọt lệ trong như ngọc rớt xuống má. Giọt lệ rớt xuống là bằng chứng của cái gì? Kể xong thì ni nữ lảo đảo ngất đi. Thế này thì quá lắm rồi chỗ nào là chỗ Thần Phật và chỗ nào là chỗ của nhi nữ thường tình? Nào đã hết, khi cùng với Lệnh Hồ Xung nơi chỗ đê tiện kỷ viện thì chẳng may:

Sư phụ đến cứu mình mà mình lại không thưa, cứ ngồi trong kỹ viện với một chàng trai trẻ giữa lúc đêm khuya thì còn ra thế nào? Tuy y vì mình mà bị trọng thương, nhưng bọn đàn ông phái Hành Sơn và phái Thanh-Thành bao nhiêu người ùa vào thì dù mình có đến trăm miệng cũng không rửa được tiếng nhơ, lại còn làm liên lụy cả đến thanh danh phái Hằng Sơn. Thế thì mình còn mặt mũi nào trông thấy sư phụ cùng các vị sư thư nữa?

Nghĩ như thế rồi thì ni nữ thò tay rút kiếm ở sau lưng ra toan đâm cổ tự tử. Khúc Phi Yến xoay tay trái lại nắm lấy cổ tay nàng khẽ quát: Làm thế không được, tiểu muội cùng tỷ tỷ xông ra đi.

Tình tiết cứ thế mà thêm bi kịch đẩy hai người vào con đường cùng. Canh khuya, quần hùng muốn bắt LHX vì hắn đã bị thương. Nghi lâm không còn con đường nào khác bèn

quyết định lấy chiếc khăn đơn, quấn người LHX, ôm xốc lên, thổi tắt đèn, nhẹ nhàng chuồn ra cửa. Cứ thế mà chạy đến trời sáng thì đến một hoang sơn, thạch động âm u...cúi xuống, nhìn LHX thì hắn đã tỉnh dậy, nhoẻn miệng cười. Phần Nghi Lâm thì bối trối, người run lên, sẩy tay đánh rớt người gã xuống. NL phải dùng đến chiêu kính phủng tam bảo mới đỡ được hắn. Rồi nghĩ lại đã ôm gã mà chạy. Rồi hai má ửng đỏ, ửng hồn bẽn lẽn.

Hắn bị thương như thế mà còn nhoẻn miệng cười, tức là hắn đã tỉnh và hắn thích thú với cái tình huống được bế như thế và hắn đã lợi dụng?

Hai má ửng đỏ là một lời thú nhận, không tiện nói ra. Phải chăng, truyện của Kim Dung là những bản tình ca tuyệt vời, tình yêu trai gái nồng thắm ở vào một cái thời như ở Việt Nam, những mối tình trai gái đó là một điều cấm kỵ?

Tôi mê cái bẽn lẽn này và cũng ghen với gã Lệnh Hồ Xung này sao hắn tốt số đến thế? Và còn nhiều lần nữa, đôi má tuổi dạy thì này có dịp ửng hồng. Như khi Điền Bá Quang chớt nhả yêu cầu Lệnh Hồ Xung lấy tiểu ni cô: Nghi Lâm cặp mắt mơ màng, mặt ửng hồng kể. Rồi Nghi Lâm nói tới đây hai má ửng hồng, cúi đầu xuống. Rồi nàng nằm mơ thấy mình mặc bộ áo hoa lệ như một vị công nương tới một tòa cung điện huy hoàng. Đứng bên nàng là một chàng thanh niên tuấn tú đang dắt mình, thanh niên này hao hao giống Le6.nh Hồ Xung.. Tiếp theo nàng thấy dưới chân có đám mây ùn ùn nổi lên cơ hồ đẩy hai người lơ lửng bay lên lưng chừng trời. Nàng cảm thấy trong lòng khoan khoái khôn tả. Đột nhiên một vị nữ ni già trừng mắt giận dữ, chống kiếm đuổi tới. Nghi Lâm giật mình kinh sợ. Nàng nghe rõ tiếng sư phụ quát: Quân tiểu súc sinh nầy. Mi thật là lớn mật, dám giả làm công chúa, lại cùng môt tên lãng tử kề cận với nhau. Mụ nắm lấy tay nàng kéo mạnh một cái. Mắt nàng tối sầm lại, không nhìn thấy Lệnh Hồ Xung đâu nữa. Còn nàng thì lơ lửng trong đám mây đen đang lộn nhào xuống. Nghi Lâm sợ quá la thất thanh: Lệnh Hồ đại ca. Lệnh Hồ đại ca.

Cả đoạn văn này là một bài học sống động, thực tiễn về tâm lý vô thức của Sigmund Freud về 3 tầng lớp của ý thức: Đó là ý thức, tiềm thức và vô thức thông qua sự thể hiện diễn hành của những giấc mơ. Giấc mơ là tầng vô thức, trồi thóat ra khỏi sự khống chế, kiểm soát của ý thức. Mụ nắm lấy tay nàng biểu tượng của tầng ý thức với những luật lệ ngăn cấm


Lệnh Hồ Xung, người tình muôn thuở

Cứ nghĩ đến nhân vật Lệnh Hồ Xung, tôi nghĩ đến Quách Tĩnh. Hai người khác nhau như nước với lửa. Quách Tĩnh thuộc loại gà chết. Bởi vì anh ta thiếu cái hùng tính, thiếu cái tính đàn ông, cái làm đàn ông là đàn ông.

Chính cái nét đẹp nam tính nơi Lệnh Hồ Xung với tính khí ngang tàng, thông minh và đảm lược, hào khí mà đa tình, mê rượu cũng như mê gái, làm cho nhiều cô gái say mê Lệnh Hồ Xung

Cho nên không thể quên được những trang tả tình vừa lãng mạn, vừa ngây thơ say đắm giữa Lệnh Hồ Xung và Nghi Lâm. Chẳng hạn, có lần trong một đêm sao sáng, Lệnh Hồ Xung thấy những ngôi sao đổi ngôi, chàng đã nói với Nghi Lâm là trong vài giây phút vắn vỏi đó, Nghi Lâm phải có một ước nguyện gì? Ni nữ Nghi Lâm đã mơ ước về mối tình si của mình, nhưng chưa kịp ước mơ xong thì ngôi sao sáng đã vụt tắt.

Quả là đẹp cho một mối tình si, có si mê mà cũng có tủi phận.

Lệnh Hồ Xung trở thành người tình lý tưởng của nhiều thiếu nữ vì cái chất nam tính ấy. Trước hết là Nhạc Linh San, mê mà nhẹ dạ đã bỏ đi theo trai. Nhưng không có Nhạc Linh San thì có những cô gái khác như Nhậm Doanh Doanh và nhất là Nghi Lâm

Nhậm Doanh Doanh, một cô gái cực kỳ xinh đẹp, giỏi âm nhạc mà võ công thì cao cuờng, mưu trí hơn người lại đứng đầu bọn bàng môn tả đạo. Kim Dung đã tạo cơ hội để đã có lần Nhậm Doanh Doanh liều mình cứu Lệnh Hồ Xung trong khi hắn bị thương, mất hết công lực. Thoạt đầu, cô tiếp Lệnh Hồ Xung qua một tấm rèm để cho chàng trai lãng tữ này không thấy mặt. Lệnh Hồ Xung đã tặng nàng bộ nhạc phổ nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ và Nhậm Doanh Doanh đã thật sự cảm động khi Lệnh Hồ Xung đã kể lể mối tình phụ và nỗi đau của chàng khi Nhạc Linh San bỏ đi lấy Lâm Bình Chi.

Cũng giống y như hoàn cảnh Nghi Lâm, Nhậm Doan Doanh phải cõng hắn lên chùa Thiếu Lâm để nhờ các nhà sư cứu mạng cho hắn, nhưng đồng thời Nhậm Doanh Doanh phải chịu để các nhà sư bắt cầm tù. Nghĩ đến tình cảnh ngày xưa không có cái cáng mà hay, có cáng thì còn làm gì có những mối tình đẹp nảy sinh ra từ việc cận kề thân xác này.

Khi khỏi bệnh, hiểu được tấm lòng của Nhậm Doanh Doanh đã hy sinh cứu mình, Lệnh Hồ Xung đã huy động toàn thể bọn bàng môn tả đạo lên chùa Thiếu Lâm đòi các nhà sư phải thả Nhậm Doanh Doanh.

Câu chuyện thật hấp dẫn, đầy tính giang hồ. Thấy nguy mà cứu, thấy đúng thì không nề hà xả thân. Tính chất của hành hiệp giang hồ là như thế. Quy luật nơi chốn giang hồ là những quy luật bất thành văn, không nệ vào văn từ, không gò bó khe khắt, không cứng nhắc, xét nét từng câu từng chữ.

Cái xã hội khép kín của xã hội người chúng ta đang sống, tưởng chừng như tốt đẹp thì bên trong lại để lộ ra sử giả hình, ngụy quân tử, nhằm biện minh và phê phán hơn là hành động nghĩa hiệp. Nó lộ ra sự ích kỷ, sự yếu kém và hạ thấp nhân phẩm mà không biết. Điển hình là những giai tầng quý tộc, trưởng giả xã hội xưa và giai tầng trí thức của xã hội hôm nay.

Sau này, Nhậm Doanh Doanh còn thừa tấm lòng nhân, lòng từ bi, mẫn cảm không hề ghen tức với người tình cũ của chàng là Nhạc Linh San. Chính Doanh Doanh đã cứu Nhạc Linh San và còn yêu cầu Lệnh Hồ Xung đến bên giường người chết để nghe Nhạc Linh San giải bày tâm sự

Tình huống còn trở thành một bi kịch tình lụy khi sư phụ hắn bày kế cho hắn để lấy Nhạc Linh San. Nhưng lòng đã định, hắn nhất định phải cứu bằng được cái mạng của Nhậm Doanh Doanh. Về phần Doanh Doanh thì đã nhường ngôi giáo chủ cho Hướng Vân Thiên để có thể làm đám cưới với Lệnh Hồ Xung. Phần Lệnh Hồ Xung thì từ chức chưởng môn phái Hằng Sơn. Sau đó hai vợ chồng đã song tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Cả hai đã chọn lựa dứt khoát cho tự do thay vì vinh quang và quyền lực.

Từ chối vinh danh và quyền lực, phải chăng cả hai tìm cho bằng được cuộc sống hải hồ lang bạt, thỏa mãn khát vọng một tự do vốn tiềm tàng nơi con người? Một khát vọng tự do trong đó bàng bạc tư tưởng giải thoát của Phật giáo hay, một khát vọng vô vi của Lão giáo

Lúc ấy, hai con người, hai tâm hồn, lòng không vướng bận, không ưu tư phiền muộn, không tranh chấp tỵ hiềm. Thong dong và nhẹ tênh.

Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung? Và dấn đi xa chút nữa, Tiếu Ngạo Giang Hồ chứa chất tâm sự tác giả hơn bất cứ tác phẩm nào khác của ông?

Bởi vì chính tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ tấu lên bởi chính tay của Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh đã trở thành khoát hoạt, nguồn cội của hạnh phúc con người ở đời là cuộc sống tự do?

Hình ảnh đôi vợ chồng Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh là những hình ảnh quá đẹp, vừa lý tưởng, vừa lãng mạn, dám từ bỏ tất cả danh vọng, vật chất để nghe theo tiếng gọi của tình yêu?

Còn gì có thể đẹp hơn thế nữa? Nay thì những giấc mơ của Lệnh Hồ Xung, kẻ buôn bán mộng, trở thành hiện thực

Chỉ còn một điều là khi đọc xong TNGH: tiếc thay cho số phận hẩm hiu của ni nữ Nghi Lâm. Và đối với Nghi Lâm, nàng sẽ mãi mãi là kẻ… thương hoài ngàn năm...Còn Lệnh hồ Xung phải chăng hắn chỉ là một tên buôn bán phù du ?


Nguyễn văn Lục