văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, April 30, 2012

HÀ THÚC SINH * Người Hùng Mỹ



Không có anh hùng chẳng có lịch sử. Nhưng một đất nước nhiều anh hùng quá dân cũng đâm kẹt… hộ khẩu. Ở Bắc Hàn, Trung Cộng, Cuba, và Việt Nam đến nay việc được phong anh hùng vẫn còn đòi hỏi phải có tính đảng, tính giai cấp, duy tính người có thể du di. Một khi có đòi hỏi tất đã có giới hạn, đã có giới hạn mà vẫn lâm tình trạng ra ngõ gặp anh hùng thì thử hỏi ở các nước tư bản vốn tự do dân chủ thả cửa, ai muốn phong ai cái gì tùy ý thì ta đừng ngạc nhiên nếu thấy anh hùng lắm khi bò lổn ngổn ngoài đường.

Ông George Washington là anh hùng dân tộc thì đúng rồi vì ông là một trong những cha đẻ ra nước Mỹ sau cuộc cách mạng giành độc lập từ tay người Anh. Audie Murphy là anh hùng thế chiến II cũng không oan vì anh từng là một anh đơ dèm củ bắp, trần xì một khẩu Garant M-1 với hai cấp số đạn nhưng đã thịt đẹp 240 quân Ðức, được Quốc Hội gắn Huân chương Danh Dự là thứ huân chương cao quý nhất; giải ngũ về chẳng cao ráo đẹp trai gì thế mà anh đã trở thành một tài tử xi-nê nổi tiếng đóng  mấy chục phim vừa cao bồi vừa chiến tranh hốt ra bạc. Ngay những Superman, Spiderman, Zorro, Batman, James Bond, vân vân và vân vân cũng có vô số dân Mỹ “thờ phượng” như những anh hùng. Những tài tử xi-nê đóng vai cao bồi bắn nhanh như chớp như Clint Eastwood, hay ném mà như để bóng vào rổ cỡ Magic Johnson, hoặc đấm đá đến khật khà khật khùng như Mohammad Ali, hoặc vừa hát vừa lắc đến muốn văng bánh chè ra ngoài như Elvis Presley… đều từng được tôn vinh anh hùng. Một thiếu niên nhảy cái tòm xuống mương kịp cứu một con chó con sắp chết đuối, cả khu phố, rồi nhân viên cứu hoả, rồi cảnh sát, rồi sở chó mèo vân vân và vân vân xúm lại tán tụng, trao bằng tưởng lục, thế là ngày mai cậu nhảy tót lên trang nhất tờ nhật báo địa phương với danh hiệu “tiểu anh hùng lô-cô sớm phô tài cứu chó” (cho dù cũng có trường hợp người trong cuộc thấy tự ngượng khiêm tốn xin từ chối danh hiệu này).


Ðấy, anh hùng trong xã hội thanh bình của Mỹ, mà nói chung của Anh Pháp Ðức Ý Úc gì gì thì cũng đều một ruột, dễ phong thế đấy. Họ nhiều đến nỗi khi hội đồng thành phố họp bàn nghiêm chỉnh để chọn tên đặt cho những con đường mới trong các khu gia cư tân lập thì không còn biết lấy ai bỏ ai, sau cùng lại phải lôi mấy con số hoặc vần abc ra mà dùng cho xong chuyện. Xin mời quý vị cứ mở bản đồ các thành phố Mỹ ra mà xem. Ðường xá ở các trung tâm thành phố (downtown) phần lớn mang con số hoặc các mẫu tự.

Thôi thì họ tâng bốc nhau anh hùng của họ thế nào, phẩm chất ra sao kệ bụng họ, ta cứ thừa nhận cho nó vui vẻ cả làng, kẻo họ lại truy ra, rồi lại cười mũi rằng, “Gớm, chúng tôi rộng rãi với nhau thì Mít nhà các anh lại chê bai, còn các anh ý à…” thì có phải là dại không.

Vì thế người viết xin trịnh trọng quay lại với các anh hùng Âu Mỹ. Xin nhớ những anh hùng ở đây phải hiểu toàn là đấng mày râu. Lý do lịch sử Tây phương gần như không có chỗ cho các nữ anh hùng (người Việt chúng ta dùng chữ chỉnh và đẹp hơn: bậc anh thư). Ðàn bà mà thò đầu vào? Chết ạ. Ðàn bà nổi lên như Trưng như Triệu của ta đàn ông răm rắp xếp hàng theo đuôi, chứ như Jeanne d’Arc của Pháp, chiến công đến thế rồi cũng chết thảm về tay đám giáo sĩ gian cấu kết với giặc Anh ban cho nàng cái án tử hình; hay như Anne Hutchinson của Mỹ thời Thanh giáo, vừa gồng mình cất tí giọng oanh đòi quyền vượt ra khỏi cánh cửa nhà bếp đã bị ngay đám mày râu ban cho một bản án đi đày đến tan nhà nát cửa.

Vâng, các anh hùng Mỹ thường còn tại thế và có thể ở sát vách hoặc cùng khu phố với ta. Anh có thể là một tài tử mới được tôn vinh anh hùng vì một vai trò gì đó cứu nguy trái đất, ngày mai đã bị còng tay vì say rượu lái xe; hoặc là một anh hùng dân biểu ngày mốt đã có thể thân bại danh liệt vì cao hứng khoe cái thân thể bạc triệu (tính theo tiền cộng hoà xã nghĩa VN) lên facebook cho lũ gái vị thành niên chiêm ngắm; hoặc một anh hùng hớt tóc hôm qua mới từ tiệm lao ra, đẩy một đứa bé khỏi chiếc vận tải đang phóng tới thì ngày kế đã bị xộ khám vì tội giết vợ một cách tinh vi nhằm mưu đoạt cái bảo hiểm nhân thọ đáng giá nửa triệu đô la của nàng, vân vân và vân vân. Thế cho nên danh từ anh hùng được dùng ở đây là một danh hiệu rất dễ vỡ, và chỉ dùng cho giống đực, tức cái giống thực tế vẫn đang hét ra lửa mửa ra khói từ nhà ra đường ở nước Mỹ này.


Vậy phải chăng anh hùng ngày nay, chẳng riêng trong xã hội Mỹ mà gần như ở khắp mọi nơi, không còn là đối tượng đáng kính mà là đáng sợ? Hỏi như thế quả cũng hơi khó trả lời. Nó như hai mặt của một đồng tiền. Phủ nhận mặt nào thì đồng tiền cũng sẽ không còn là đồng tiền nữa. Nhưng cân nhắc kỹ, ta có thể nói cách an toàn rằng anh hùng ngày nay là kẻ hội đủ cả hai yếu tố đáng kính và đáng sợ. Xem, anh công an và tên ăn cướp đều dám liều mạng lao vào nhau bắn giết chí tử. Phần lớn họ đồng hạng máu lạnh cả đấy thôi dù có khác nhau mục đích. Nói như thế quá cường điệu? Thưa không! Một công trình thực nghiệm rất khoa học trong ngành Tội Ác Học (Criminology) có tên là “Stanford Prison Experiment” đã chứng minh được một cách thuyết phục câu nhân chi sơ tính bổn… ác. Ai cũng có thể trở thành một tên công an hay cai ngục gian ác dù vài tuần trước đang là một công chức gương mẫu hay một giáo sư đại học hiền hoà, ai cũng có thể trở thành một nữ tù tuyệt vọng muốn tìm cách tự tử dù mới đây là một nữ sinh hết sức đoan trang, xinh đẹp. Vậy thì giữa anh công an và tên cướp ai đáng sợ hơn ai. Các cụ nhà mình qua ca dao đã trả lời giùm chúng ta thắc mắc này từ năm nảo năm nao: Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân. Rành rành sự khôn ngoan người xưa đã công khai đặt anh công an, tức người anh hùng nhân dân, hay anh cảnh sát Mỹ, tức anh hùng của thành phố vào vị trí còn đáng sợ hơn cả kẻ cướp lâm cơn bần cùng giá như chính quyền của hai ông “bạn dân” trên không phải là một chính quyền biết thượng tôn pháp luật.

Vậy thì, để phòng thân trong một xã hội vào nhà thì đụng mặt ông chồng có thể là anh hùng, ra ngõ thì chạm trán ông hàng xóm cũng có thể là anh hùng nốt, chúng ta, đặc biệt các bà các cô, phải làm cách nào để có thể giữ cho mình mẩy cha sinh mẹ đẻ được an toàn đây? Chẳng lẽ anh hùng thời nay đều là một bọn bất trị?

Hôm nay, dựa vào sự ấm ức của vài ngòi bút nữ, người viết nhân tiện uống tí thuốc liều mách nước cho quý vị vậy. Trị đám anh hùng ngày nay dễ ợt. Cứ nắm cứng lấy cái… sợ có thật của họ mà giật thì họ có mà quỳ lạy chứ đừng nói là còn làm phách làm tàng, xưng hùng xưng bá.

Vâng, anh hùng hay giống đực ở các nước Âu Mỹ cổ kim có cả đống cái hèn yếu, nói cách khác, họ biết sợ nhiều thứ. Ai anh hùng hơn đồng chí Lenin? Thế mà chàng cũng từng thú trong đời có nhiều cái hèn yếu và sợ hãi ướt quần. Thế Lenin sợ gì? Ông tự kiểm rằng ông đã không thể chống cự lại sự say mê nhạc vàng, điển hình là bài “Serenade” viết bởi tên văn hoá đồi truỵ Schubert; còn sợ thì Lenin thú nhận trên đời ông không sợ gì hơn sợ cô nha sĩ của ông! Tổng thống Bush (cha) cũng từng thú nhận đời ông có một nỗi sợ to lớn là ngày còn bé sợ mẹ bắt ăn bông cải broccoli. Sau Bush (cha), tổng thống Clinton từng thú nhận cứ thình lình mở TV thấy hình người đẹp Lewinsky với đôi vú vạm vỡ là ông lại thấy ngay bóng một bà khác lăm lăm con dao phay nơi cửa bếp và gầm: “Còn muốn có hai bàn tay để cầm sandwich mà ăn thì bảo!” Ðấy, cánh Âu Mỹ họ chẳng can đảm như phe ta đâu. Roi roi chứ cà cuống lắm, chết đến đít còn cay. Mỹ trông tay nào tay nấy 200-300 cân Anh, thế mà gan đôi khi như gan chuột. Sự sợ chết của họ hèn đến nỗi từng bị nhà văn Mỹ William Faulkner mắng nặng lời: “Ðiều thấp kém nhất trong mọi điều là sợ hãi.” (The basest of all things is to be afraid!). Mà đã đủ đâu, họ sợ cả sống nữa. Cái sợ này đã bị đệ nhất danh hề cổ kim Charlot (gốc Anh) khám phá ra, và ông ấy đã cầm ba-toong chận ngay đầu ngõ, chỉ mặt mắng tập thể các anh hùng rằng: “Ðừng sợ sống!” (Not to be afraid to be alive!).

Trong một bài báo mới đây, Nikita C. Fernandes, một nữ tác giả thường có bài nhận định về tâm lý người hùng vừa đăng các báo vừa post trên net, viết thế này: “Phần lớn chị em chúng ta đã hiểu sai về người hùng của mình do mình không nhận ra được những định luật giản dị đã cấu thành cá tính con người thật của họ.” Lan man một lát Nikita khẳng định: “Mỗi người đàn ông là một đứa con nít. Rối mù cả lên mà chị em mình cũng cứ phải dành cho họ sự bận tâm hơn cả. Nói thế không có nghĩa mình phải đút bột cho họ ăn (ấy mà cũng thỉnh thoảng phải làm như vậy đấy!), nhưng không lúc nào mà họ không cần tới chúng mình.”

Tại sao? Một nữ tác giả khác, cô Debasmita Chanda khẳng định rằng vì họ sợ. Cô đặt tiếp vấn đề: “Thế cánh người hùng của chúng ta sợ cái gì?” Lẽ tất nhiên họ chẳng còn sợ cô nha sĩ như người hùng cách mạng vô sản Lenin nữa; họ cũng chẳng sợ chết như Faulkner mắng hay sợ sống như Charlot xỉ vả; sợ của họ ngày nay cụ thể hơn nhiều. Theo Chanda, sau đây là bảy cái sợ chính của các người hùng Âu Mỹ thời nay:
1. Sợ già;
2. Sợ hết xí quách;
3. Sợ hao tài;
4. Sợ hói;
5. Sợ chết một mình;
6. Sợ tàn tật;
7. Sợ bị vợ xù đẹp.


Vậy thì, nếu chẳng may vớ nhằm một người hùng, các bà các cô từ đây chẳng có gì mà phải lo nữa. Cứ từng bước nắm vững những cái sợ của họ mà trị:
1) Sợ thứ nhất dễ trị nhất. Lẽ tất nhiên ai lại chả già. Có là rắn đâu mà lột da được. Cứ để mặc người hùng cho thời gian tuần tự nhi tiến xếp vào lịch sử.

2) Cái sợ thứ hai còn dễ trị hơn. Các bà các cô có biết họ hay giấu mấy loại thuốc quái quỷ ấy ở đâu không? Biết rồi thì cứ lặng lẽ lấy quăng quách vào cầu tiêu giật nước cái ào là xong. Nhất cử lưỡng tiện. Ðêm đến người hùng sẽ nằm chết dí và quý bà quý cô dù ngủ chung hay ngủ riêng vẫn cứ yên tâm ngáy o o đến sáng không ai quấy rầy.

3) Còn cái sợ thứ ba, từ đây quý bà quý cô nên mở trương mục riêng và hãy đi mua sắm, đi du lịch cho tưng bừng lên. Ðời ngắn bằng gang tay. Ðừng nuôi ong tay áo nữa. Cứ có đồng nào cũng để người hùng tom góp đem đầu tư, mai kia mốt nọ lăn quay ra đó thì tàu thuyền, bất động sản, cổ phiếu, cổ phần, gì chứ mấy thứ đó bảo đảm thiên đường hay hoả ngục đều không có chỗ chứa.

4) Sợ thứ tư? Quý bà quý cô cứ rình cho sát, người hùng chơi được lọ thuốc mọc tóc nào ta quăng tuốt. Nếu họ bắt được quả tang, làm dữ, hãy lý luận thế này: Sean Connery hói từ tuổi 30 nên đóng James Bond mới mê hoặc được cả thế giới. Tiá cứ bôi thuốc mọc tóc thì đến đời nào má con tui mới có được một James Bond trong nhà?

5) Cái sợ thứ năm là mặc kệ họ. Có ai chết hai mình bao giờ. Mình mềm lòng an ủi vớ vẩn, ông ấy lại tưởng ông ấy là Chế Bồng Nga còn mình là Huyền Trân công chúa tái sinh lại thêm rầy rà hậu sự. Yên lặng là vàng.

6) Còn sợ thứ sáu, sợ tàn tật? Việc này thì có thể khuyến cáo họ đừng sợ gì hết. Tàn tật có cái sướng của nó. Này nhé, đi đâu được phụ nữ mở cửa cho. Ðậu xe có chỗ ưu tiên, chỗ mà ngay cựu tổng thống Mỹ giở trò lạm dụng cũng bị phạt trắng mắt ra. Sướng như thế thì việc gì phải sợ với hãi.

7) Còn cái thứ bảy, cái sợ sau cùng này của họ lại chính là cái kết tốt đen cho quý bà quý cô đấy. Ðiều này người viết xin không lạm bàn, chỉ xin tiết lộ tí thống kê về án ly dị như tặng quý vị một cái phất trần dùng để răn đe, vâng, chỉ để răn đe thôi đấy: xưa nay gần như chưa từng có hai cái án ly dị nào hoàn toàn giống nhau, và không dưới 90% nguyên đơn thắng.

Thực hiện được tất cả các bí quyết đối phó trên, người hùng kiểu Âu Mỹ sẽ hoàn toàn nằm trong tay quý vị.

Hà Thúc Sinh