văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, April 11, 2012

Võ Thị Điềm Đạm * ĐONG ĐANH CHIẾC BÓNG





- Cô phải có giấy tờ chứng minh cô là người được ủy quyền nhận gói hàng này.

Tiếng nhân viên bưu điện không gay gắt nhưng khá lớn trong phòng đợi thưa người, làm chị đang đứng bên kệ cao ngang ngực dành cho khách hàng viết khi cần và lơ đễnh ngó quanh không định hướng vì đoán là phải chờ sáu số nữa mới tới phiên mình, phải quay lai. Ánh mắt chị ngừng lâu hơn vì mái tóc đen thả ngang bờ vai. Tò mò, chờ.

Im lặng.

- Cô có giấy tờ gì không? Như passport hay thẻ nhà băng nhưng thẻ nhà băng phải là loại có hình.
Im lặng.

Chị đứng phía sau lưng, cách chừng hai mét, kín đáo quan sát hoạt cảnh. Những ngón tay vén nhẹ mái tóc qua men tai, cử chỉ thật Việt Nam khiến tầm mắt chị ngừng lâu hơn và không còn làm bộ kín đáo nữa, tai chị lắng đón nghe lời đối thoại để đi đến quyết định là có nên bước tới không. Trong chiếc áo đầm bầu màu nhạt, dáng người vẫn còn nét thanh thản mặc dù cái bụng nhú khá cao, em đứng dựa người bên chân phải. Chị chia sẻ trong đầu, chắc vừa được bảo lãnh qua là có bầu ngay nên không theo kịp khóa học tiếng Na Uy. Cảm giác có hơn mười người đang đứng rải rác đâu đó hay ngồi trên những chiếc ghế nệm xanh dọc hai bức tường có khung cửa kính cao từ nửa thân người lên trần căn phòng đang kín đáo theo dõi và chờ nghe, có người giả bộ ngó lơ, có người im lặng nhưng vễnh tai nhìn, làm chị ái ngại dùm em. Hiểu sự đánh giá của mọi người qua đôi lời giải thích của nhân viên bưu điện về một điều thật đơn giản và đương nhiên, một điều không cần phải biết tiếng Na Uy mới ứng xử hợp lý, làm chị có ý tưởng phải can thiệp cho người đồng hương của mình. Bước chân chị dợm tới nhưng dính chặt lại nền gạch đá bóng. Người ta muốn có sự can thiệp của mình không? Nếu cô này không phải là người Việt Nam thì quê chết.

Im lặng.

- Giấy này không đủ, phải là căn cước hay passport hay thẻ nhà băng có hình.

Im lặng.

Bàn tay hất nhẹ mái tóc đã nằm gọn sau vai. Cử chỉ dư thừa nhưng như để lấy vẻ tự tin làm bước chân nhón đi tới của chị lại ngập ngừng, dừng. Cô nhân viên bưu điện tuổi vừa qua hai mươi nên chắc chưa trải nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, đưa mắt cầu cứu đồng nghiệp ở quầy kế bên và nhận cái lắc đầu chịu thua và im lặng.

- Cô không có giấy tờ gì khác sao? Sự kiên nhẫn vẫn còn đọng đầy trong giọng hỏi của nhân viên bưu điện. Cô có thể chấm dứt hoạt cảnh vô vọng này bằng cách trả lại giấy ủy quyền và giấy báo nhận hàng, nói hai chữ ”xin lỗi” và nhấn đèn cho số chờ kế tiếp vì phòng đợi khá đầy, nhưng cô không làm, cô muốn giúp nhưng không thể vượt qua những luật lệ căn bản mà nghề nghiệp buộc cô phải tuân theo.

Im lặng.

Chị bước tới, ngần ngừ, ánh mắt lướt nhanh khuôn mặt cô nhân viên bưu điện như để dò chừng phản ứng nhưng lại hướng về phía em, hỏi nhỏ nhẹ, hỏi như sợ mình đang làm một điều xổ xàng:
- Em là người Việt? Em có cần chị giúp không?

- Chị giúp em với.

Giọng em vui mừng nhưngkhông vồn vã lắm. Xoay qua cô nhân viên bưu điện, chỉ hỏi:
- Tôi có thể giúp cô được điều gì không?

Ánh mắt cô nhân viên bưu điện sáng lên, gương mặt trông có vẻ linh động hơn, cô hỏi:
- Hai chị nói cùng ngôn ngữ? May quá! Cô này được ủy quyền để nhận hàng, nhờ chị giải thích là tôi cần giấy chứng minh có hình, đây là luật của bưu điện, mong cô ấy hiểu cho.

- Em không đem theo giấy tờ gì sao?

- Đây chị.

Em đưa cho chị xem một tờ giấy cùng khổ như thẻ nhà băng nhưng mỏng như một tờ giấy thường. Đây là mẫu giấy của postbanken (ngân hàng bưu chính) ghi vài dịch vụ của họ, có vài hàng trống để ghi những dữ kiện cá nhân khi người này muốn là khách hàng của postbanken. Mẫu này để trên các quầy ở giữa phòng đợi, cùng với những mẫu giấy khác để mọi người tự tiện dùng khi cần.

- Em mới qua hả?

Gật đầu.

- Em không đem theo passport sao? Có thẻ nhà băng chưa?

Lắc đầu, chỉ cái thẻ vừa đưa. Nhìn hàng chữ nắn nót đầy nữ tính ghi tên họ và ngày tháng sanh, chị thấy thương cho sư ngây thơ của em nhưng lại thắc mắc về sự kém hiểu biết của người bảo lãnh em qua đây.

- Giấy này không dùng để làm giấy chứng minh được đâu em. Em qua đây theo diện đoàn tụ gia đình? Chồng em bảo lãnh?

- Dạ.

- Sao chồng em không tự đi nhận hàng?

- Anh đi làm chị ạ.

- Vậy ngày mai em đem theo passport của em, passport Việt Nam cũng được.

Ngập ngừng, em nói nhỏ, như sợ người khác nghe dầu em biết là không ai hiểu tiếng Việt.

- Em không có pass, chị.

- Ô? Vậy làm sao em qua đây?

Lắc đầu.

Lạ quá! Vào phi trường ở Việt nam để xuất ngoại là phải có passport. Có vấn đề chi đây? Chị đề nghị:
- Vậy thì chồng em phải tự đi nhận hàng.

- Dạ… anh đi làm về trễ lắm.

- Bưu điện mở cửa đến 8 giờ, thứ bảy cũng mở cửa đến 6 giờ, chồng em phải tự đi nhận thôi.

- Chị nói dùm với cô này cho em nhận… đó… đó… chị nói với bà kia kìa chị… kỳ trước bà đó cho em nhận… bà đó tử tế lắm chị.

Em chỉ một nhân viên tuổi khoảng sáu mươi vừa đi thoáng qua ở phía trong. Em nhìn theo bà ấy như nhìn một người thân quen, nhón chân như muốn bà ấy nhận ra mình rõ hơn, cho bà bước ra can thiệp dùm mình.

- Không được đâu em. Hoặc là em phải có giấy tờ chứng minh hoặc là chồng em phải tự đi nhận.

- Kỳ trước bà đó cho em nhận.

- Vậy là kỳ trước em hên đó, chứ khi dùng giấy ủy quyền là phải có passport hay thẻ nhà băng có hình.
Cô nhân viên bưu điện nhìn chị, chờ một lời giải thích. Chị lắc đầu, nói:
- Mai mốt, cô này sẽ đem theo giấy tờ cần thiết để nhận hay chồng cô ra nhận.

Em đi ra khỏi bưu điện trong khi chị làm thủ tục gởi thư bảo đảm cho cô gái út đang học ở Perth. Nhưng em không về, em ngồi ở băng ghế trước tiệm rượu ngay lối đi ra của bưu điện. Thấy chị vừa ra khỏi khung cửa kính tự động, em quắt tay kêu, giọng mừng rỡ:
- Chị… chị…

- Ủa còn ở đây hả? Nhà gần đây không?

- Dạ, em ở gần đây. Chị giúp em nhận dùm nha chị.

- Không được đâu em, nếu giúp được là chị đã làm rồi.

- Chị có giấy tờ, chị vô nhận hàng dùm em.

- Không được đâu em, người được ủy quyền không phải là chị.

- Kệ, chị giúp em được mà, chị cầm cái giấy nhận hàng này là chắc được mà.

- Không được, chị xin lỗi là không giúp được em. Mai mốt chồng em đi lãnh cũng được mà. Em qua đây diện gì mà không có passport?

Nét mặt thất vọng, ánh mắt nhìn quanh như muốn lẫn tránh câu hỏi của chị. Chiều bốn giờ nên khu thương xá trở nên tấp nập hơn. Coi đồng hồ thấy còn hai mươi phút nữa mới đến giờ hẹn đón anh nên chị hỏi:
- Em có cần chị giúp chuyện gì không? Nếu trong khả năng của chị thì chị sẵn sàng, em mới qua chắc còn nhiều bỡ ngỡ.

- Dạ… chị ở gần đây?

- Ờ, em cũng ở gần đây.

- Đi bằng gì ra đây?

- Em đi bộ cho khỏe người, ngày nào em cũng đi.

- Em không có giấy tờ gì hộ thân sao?

- Dạ không.

- Không giấy tờ gì hết?

- Dạ không.

- Vậy em qua Na Uy bằng cách nào?

- Dạ… Dạ… Hai người đàn ông da đen hỏi sao em muốn qua Na Uy, em nói vì em nghe Na Uy hiền và tử tế, thế là họ cho em đi theo. Họ tử tế lắm chị, họ cho em đi xe chung, họ cho em ở trong một cái nhà, ở một nơi nào đó xa lắm. Được sáu ngày thì họ chở em đến Oslo, bỏ em ở đó, họ biểu là em không được đi gặp cảnh sát rồi họ đi mất.

Em nói gì? Sao có hai người đàn ông da đen? Em gặp họ ở đâu?Trước đó em ở đâu? Sao họ lại bỏ em ở Oslo? Lạ quá! Như phim! Không thể tưởng nổi! Dấu hỏi, dấu chấm than đánh qua đánh lại trong đầu chị nhưng chị không dám hỏi nhiều, không biết tại sao. Nghĩ đến cảnh em đứng bơ vơ giữa rừng người, lòng chị chùng xuống, hỏi:
- Rồi em ngủ đâu, lấy gì ăn? Em có người thân ở Oslo không?

- Em làm mướn cho nhà này vài tháng, giữ con cho người kia vài tháng, người ta cho ăn, cho chỗ ngủ, được hai năm thì gặp anh này. Anh thương em, đem em về ở tới bây giờ. Em có con thì Na Uy cho em ở, phải không chị?

Nhìn cái bụng cũng được năm-sáu tháng không chừng và cảm nhận được niềm hy vọng trong giọng hỏi, tim mềm biểu chị gật đầu cho em vui, nhưng cái đầu nhìn chị với ánh mắt nghiêm khắc, chị nhìn em, nói:
- Không dễ như em nghĩ đâu em ạ. Chồng em có quốc tịch Na Uy?

- Dạ… đây chị coi.

Cái passport vẫn còn giữ được màu đỏ, nhưng có vẻ được dùng rất nhiều nên trông lếch thếch như một lữ hành với bộ áo quần duy nhất, nay ngủ góc phố này, mai ngủ thềm nhà kia. Lật ra, sanh 1972 vậy lớn hơn em ít ra cũng một con giáp, Lê Văn Tân mình không quen ai tên này, passport cấp năm 2005 vậy sống ở Na Uy ít nhất là mười hai năm sao không hiểu những luật lệ cơ bản là người được ủy quyền phải có giấy tờ chứng minh, nếu qua Na Uy khoảng năm 1998 thì trong diện nào? Không phải là tị nạn từ Hongkong, càng không phải theo diện đoàn tụ gia đình. Từ Đông Âu chăng?

Nhìn em, gương mặt dễ nhìn, trắng trẻo và không chút son phấn, chị hỏi:
- Em không thể sống lâu dài ở Na Uy mà không có giấy tờ gì cả, tụi em tính sao?

- Dạ… cùng quá thì họ đưổi em về… nhưng con của ảnh, vậy con được ở lại Na Uy thì em cũng được ở lại Na Uy, phải không chị? Ảnh nói vậy. Tới đâu hay tới đó chị ạ. Nếu họ đuổi em về Việt Nam, ảnh sẽ bảo lãnh cho mẹ con em sau. Em lo chị ơi, thời gian bảo lãnh nghe nói mất bốn-năm năm, lòng người đổi thay, biết ảnh có còn muốn bảo lãnh mẹ con em qua không?

Giọng em bỗng nhiên gằn mạnh, như tự gằn:
- Tốn kém biết bao nhiêu mà phải về lại Việt Nam thì tức chết được.

Giọng mềm lại:
- Có con thì hy vọng được ở lại Na Uy, phải không chị? Người ta nói vậy.

- Ai nói với em như vậy?

- Ở nhà thờ. Gia đình em theo đạo thờ ông bà nhưng em đổi theo đạo Tin Lành để được giúp đỡ ở Na Uy.
Các cô ở nhà thờ giúp em nhiều thứ.

- Quê em ở đâu?

- Dạ… dạ… Nghệ An, nhưng em đổi giọng.

- Ô!? Sao lại phải đổi giọng?

- Cho dễ giao thiệp với người Việt Nam ở đây, chị.

Có chuyện này ở Na Uy này nữa sao? Nhớ mấy người bạn than thở trong lần về Sài Gòn cách đây vài năm: ”Dần dần, dân Sài Gòn cạnh mặt kiểu mà ăn điểu cáng của mấy người ngoài bắc, dính vô họ thì không vỡ đầu cũng chảy máu tay. Chỉ cần nghe giọng ngoài ấy là lánh xa. Bây giờ họ đổi giọng nam khi giao thiệp làm ăn nên mình cũng không biết đâu là phòng ngừa. Mệt lắm!”

- Em có bà con ở đây không?

- Không ai cả, chị.

- Chị phải đi, em ghi số điện thoại của chị, cho chị số điện thoại của em, chị sẽ liên lạc với em sau, nha. Nếu muốn, cứ gọi cho chị. Đây là số nhà, số di động.

Bao nhiêu câu hỏi làm chị bần thần. Bao nhiêu cảnh tượng diễn ra trong đầu, những bài tường thuật về số phận ”nhóm người rơm” trong rừng ở Pháp canh chờ cơ hội đeo theo xe hàng qua Anh làm công cho tổ chức trồng á phiện lậu, những đường dây buôn người ở tầm mức buôn thú từ Việt Nam qua Tàu Cộng hay Đông Âu, những phương cách bóc lột tận xương tủy của môi giới qua tên gọi mỹ miều ”xuất khẩu lao động”… làm chị thở dài. Suốt chiều hôm đó. Anh thở dài đồng cảm nhưng căn dặn là không được nhận dùm hàng ở bưu điện, coi chừng mang họa vô thân khi thấy chị gọi điện thoại cho em.

Gọi tới gọi lui, lời giải thích lập đi lập lại: ”Số này không còn dùng nữa.”
***

Cũng băng ghế bên ngoài bưu điện, em ngồi đó, gương mặt tươi lên khi nhận ra chị đang đi vô. Niềm vui tương đồng. Sau hai tuần đi nghỉ mát về, mỗi lần có dịp vô khu thương mại, chị chọn hướng vô này với hy vọng gặp lại em. Chỉ sau một tháng mà cái bụng tròn lẳng chiếm đầy bề rộng cái áo đầm bầu màu xanh lá cây lợt và làm cái áo khoát không cài được.

- Mấy tháng rồi?

- Dạ chắc bảy hay tám tháng chi đó.

- Em khỏe không? Con đạp mạnh không? Soi vi âm thấy trai hay gái không?

- Em… em không đi soi vi âm nhưng thấy nó đạp mạnh là nó khỏe hả chị.

- Ủa… từ bốn tháng là được kêu đi soi vi âm mà, sao lạ vậy?

Hiểu rồi… nhớ rồi… tội chưa… không giấy tờ thì làm sao được hưởng những chăm sóc hoàn toàn miễn phí khi mang thai của một xã hội có hệ an sinh cao nhất thế giới, ở một xã hội tự do nhưng được kiểm soát rất chặt chẽ. Tim chị nhói đau, nắm tay em, hỏi:
- Nhưng… nhưng… như vậy là em không được đi bác sĩ, không được khám thai rồi… rồi đến chừng sanh… em làm sao?

- Em liều chị ạ. Tụi em tính rồi, chừng em chuyển bụng thì ảnh gọi taxi chở em lại bệnh viện. Ảnh có quốc tịch Na Uy thì con ảnh cũng là người Na Uy, phải không chị?

- Người đàn ông không thể nào tự họ có con. Như vậy khi em sanh là bệnh viện khám phá ra hoàn cảnh của em. Chị biết chắc là lương tâm nhân viên bệnh viện không cho phép họ từ chối em, họ sẽ chăm sóc em và con chu đáo như bất kỳ người nào. Ở đây, khi vào bệnh viện, con bộ trưởng hay con thường dân đều sẽ được chăm sóc đầy đủ như nhau và hoàn toàn miễn phí, em đừng lo chuyện này.

- Dạ… Nó là con của ảnh, ảnh có pass Na Uy thì người ta cho Nó ở Na Uy, vậy em cũng được ở lại Na Uy chớ hả chị?

- Phần con của em thì chị nghĩ đúng nhưng phần em thì chị phải thú thiệt là vấn đề không như các em nghĩ. Em có nghĩ là có thể em bị đuổi về Việt Nam không?

- Dạ, em liều chị ơi.

- Tụi em tính vậy thì chị cũng không biết giúp gì hơn. Như vầy, coi bộ cũng gần sanh, chừng nào chuyển bụng gọi điện thoại cho chị nha. Mà sao số em cho, chị không gọi được? Đúng số này không?

- Chắc bữa đó em không mở máy. Em ngại gọi chị, lỡ chồng chị bắt điện thoại thì em biết nói sao đây.

- Gọi di động, em có số di động của chị mà, cứ gọi, đừng ngại gì cả.

- Dạ.

***

Một tháng, hai tháng, không một tin nhắn, câu trả lời tự động ”Số này không còn dùng nữa.” được nhắc đi nhắc lại.

Em!

Không lường trước được những gì sẽ xẩy ra khi em được đưa vào bệnh viện, chị định bụng sẽ thu xếp để theo em đến bệnh viện khi em chuyển bụng, thử xem chị có giúp được gì không, tệ lắm thì thông dịch dùm. Biết là mình chỉ là người xa lạ nên chị dự định sẽ cẩn thận, chỉ ”ra tay” khi thấy cần và sẽ lặng lẽ rút lui khi cảm thấy thừa thãi. Biết rằng hành động này có thể bị xem là xổ xàng nhưng chị lại không muốn để lòng mình cắn rắn. Và nếu là thừa thãi thì lòng mình sẽ nhẹ đi. Cho mình! Vậy thôi!

Nhưng…

Em!

Không có số căn cước, cuộc sống hàng ngày của em sẽ như thế nào đây. Xã hội này, mọi dịch vụ đều đòi hỏi số căn cước, số căn cước là một chứng minh cho sự hiện diện trong xã hội. Không được học khóa tiếng Nauy, không được đi khám ở bất cứ một phòng bác sĩ hay nha sĩ nào, không được xin việc làm, không được có trương mục… không được hưởng một qui chế an sinh nào cả.

Em như chiếc bóng, hiện hữu mà vô hình. Bước chân em không để lại một dấu tích nên bước chân em có mất đi thì cũng không ai bận tâm đến. Dầu cho em có làm chuyện gì để bị gọi là phạm pháp hay không thì hoàn cảnh sống ngoài vòng pháp luật của em là hoàn cảnh một đứa trẻ mồ côi không ông bà cũng không cha mẹ từ thủa chào đời và bị đem bỏ nơi xa lạ.

Em như chiếc bóng được tạo bởi ánh sáng phát xuất từ lòng tử tế của người đàn ông em gọi là chồng. Mức mờ đậm, độ dài ngắn của cái bóng đong đanh theo buồn vui nguồn sáng.

Em như dây tầm gởi sống nhờ ơn mưa móc của một người đàn ông. Em không có một vũ khí tự vệ và không có quyền tự vệ. Trong bốn bức tường, sáng trưa chiều tối, đâu là chỗ đứng của em, kích thước em chiếm bao nhiêu phần, âm thanh lời em nói vọng tới đâu… Thân đàn bà!

Bây giờ em có con. Mọi ưu đãi dành cho con trẻ ở một xã hội đặt nhu cầu trẻ em lên hàng đầu đều dựa vào sư hiện diện của người mẹ. Người mẹ là sợi dây nối giữa đứa bé với mọi dịch vụ về tài chánh cũng như sức khỏe mà xã hội dành cho đứa bé ấy. Sợi dây này vô hình, sợi dây này không có số căn cước nên sợi dây này hoàn toàn dựa vào lòng nhân đạo và lòng thương hại. Ở một đầu, sợi dây mong manh này quấn chặt vào đứa bé nhưng lại lỏng thỏng bên mép của xã hội ở đầu dây kia. Có đêm nào em được ngủ bình an? Có sáng nào em hân hoan đón ngày mới mở?

Con em, như tấm ván mà em đã ngoi lên ngớp xuống, vươn tới, và cuối cùng bám được trên dòng nước lũ đêm mưa bão. Con em. Với em như một chìa khóa bằng sắt cứng trước ngưỡng cửa Na Uy. Nhưng với luật pháp thì con em là một chìa khóa làm bằng nhôm nên khi đưa vào ống khóa dễ bị gẫy cong. Con em, là tất cả em có trên đời này, không chỉ là tình mẫu tử mà là một cứu cánh.

Chị cầu xin lòng thương yêu của người đàn ông em đang sống chung mang đến cho em một cuộc sống có giá trị của một con người, ít ra thì cũng trong bốn bức tường nhà em. Chị cầu xin mảnh gỗ em bám được sẽ giúp em vượt qua con sông trong mùa bão lụt này. Chị cầu xin chiếc chìa khóa bằng nhôm mong manh ấy tìm được đúng ống khóa, mở cánh cửa cho em tìm được một cuộc sống là một công dân của nước Na Uy.

Lạy Trời!

Võ Thị Điềm Đạm