văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, April 10, 2012

NGUYỄN VĂN LỤC * Nhật ký của im lặng

Đinh Cường

1. Nỗi vui một nửa

Bọn trí thức bốn tên:
Có những nỗi vui, cái thích chả cắt nghĩa được. Nhớ lại có một lúc nào đó xuất hiện các tên Trung TR rồi Chung CH đồng loạt. Nhất là sau 1963. Thật khó cùng một lúc có những tên tuổi như thế nổi lên cùng thời. Đến nỗi, ông Thiên Hổ, chủ bút báo Xây Dựng đã viết chửi gom cùng một lúc bốn tên Trung, Chung như sau: "Tất nhiên rồi. Những Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các anh em có tên Chung hay Trung cũng như các đứa con chỉ được quen mồm gọi thằng Cu như Thiên Hổ, nghĩa là đại đa số con dân Việt Nam ở ba miền Trung Nam Bắc, vẫn muốn là (những người ở giữa) thì câu đó nông a lê ù, mà còn tổ làm cớ cho Cộng sản nó khai thác. Nhà dân biểu hăng say Lý Quí Chung vì dân tộc, với dân tộc hẳn đã nghĩ đến điều đó. Dù sao Thiên Hổ cũng xin phép nói trước, sợ đàn anh quá sốt sắng đến thành ngây thơ. Chết cho dân tộc chúng em đấy. Thiên Hổ.

Có điều cả bốn người họ đều nổi cộm lên, đều viết được. Phải nói họ đều viết hay mới đúng. Trong hồi ký của Lý Quí Chung cũng đã có lần nhắc đến cái cụm bốn Trung, Chung rất là lạ, rất là kỳ cục như thế. Trong cả bốn, Nguyễn Hữu Chung sau này ở cùng chỗ với tôi, lại có viết chung trên Tạp chí Đi Tới. Anh viết ít. Nhưng nhiều lúc anh hạ một con chữ, tôi đọc thấy cũng đã lắm.

Đến lúc Lý Quí Chung cho ra cuốn: "HỒI KÝ KHÔNG TÊN", rồi Talawas cho đăng lại. Tôi theo dõi mỗi ngày với sự thích thú. Nay đã đọc xong, xin ghi lại một số cảm nghĩ của mình.
Thể văn hồi ký tự nó có sắc thái đặc biệt. Đó là thể văn cho người đã xế chiều. Viết để nhớ lại và gửi gắm. Đọc nó, giúp ta hiểu đời sống một người đồng thời hiểu một giai đoạn mà tác giả sống, nhất là về phương diện chính trị, xã hội hay văn học. Nhưng theo tôi, đó là một thể văn gay go nhất, vì nó đòi hỏi người viết một nguyên tắc khá quyết liệt: Viết thật thà, viết với lòng trung thực, viết không phải để tô son đánh bóng mình. Hầu hết các cuốn hồi ký từ trong nước đến hải ngoại đều vấp phạm phải lỗi lầm này. Đến không thể kể ra cho hết được. Thế là cuốn hồi ký trở thành vô giá trị, cùng lắm đọc chơi, đọc để giải trí.

Riêng cuốn hồi ký của Lý Quí Chung tôi nghĩ nó đạt được nửa điều trung thực, nửa điều thật thà. Nửa kia phải nín thở qua sông. Lỗi không phải ở tác giả. Bởi vì nó che dấu nhiều thứ. Có những điều cần nói đã không nói ra. Bắt đầu từ chương: Sau ngày 30.4.1975. Đến ngót nghét 30 năm mà như thể không có điều gì để nói.

Tôi tự hỏi mình, ông viết vào cái lúc sắp sửa bước chân vào cõi bên kia. Còn gì để ông vướng bận? còn gì để ông e ngại mà không trải lòng mình ra? Cái chúc thư mà ông gửi đến người đọc là chúc thư gì? Nội dung nhắn gửi có đủ chưa, có còn gì để nói nữa? Điều gì đã làm ông phải lựa chữ, lựa lời, lách chữ để có mặt? Để ít ra còn được lên tiếng?

Nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng vẫn đọc ông với niềm trân trọng nhất là khi ông viết những dòng trăn trối như thế này:
"Tôi có ý định viết lại phần đời sau 30 tháng Tư 1975 này, thành một tập hồi ký riêng. Nhưng tôi hoài nghi mình sẽ không còn thời gian đủ để làm việc đó. Tôi vừa thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo, không biết thời gian tạm ứng tiếp cho tôi sẽ được bao lâu. Phần một của tập Hồi Ký tôi mất một năm rưỡi để viết. Tôi đã bắt đầu ngay khi vừa phục hồi sức khỏe từ cuối tháng 12.2002. Khi viết những dòng này, ngày 01.3.2004, tôi được tin người bạn thân và đồng hành với tôi trước 1975 trong thời gian chống Mỹ-Thiệu, cựu dân biểu Nguyễn Hữu Chung, đã mất ngày 26-2004."

Có thể thời gian còn lại quá ít để ông không có thì giờ viết nữa?
Nhân tiện đây xin trích dẫn một người bạn thân Nguyễn Hữu Chung của ông. Lối viết rất Nam Kỳ, rất Nguyễn Hữu Chung, rất trung thực trong một lá thư trước khi ông mất. Lá thư này coi như chúc thư gửi cho ông chủ bút , nhưng cũng là gửi cho mọi người để cùng nhau suy nghĩ.

Anh Hóa.
Bác sĩ cho "moi" 12 tháng, "moi" xài hết 6 tháng rồi. Anh kêu tôi viết, tôi cám ơn anh, nhưng tôi nghĩ mình viết cái gì bây giờ?
Mình viết về một dân tộc mà mình biết có một phân nửa. Mình viết về một đất nước mà mình biết có phân nửa. Mình viết về thế hệ tương lai, tính từ 75, đã một thế hệ sanh ra và lớn lên mà cả hai thế hệ này... nó không biết mình là ai, mà mình cũng không biết nó là ai.
Anh thấy không, anh kêu tôi viết về tuổi trẻ, về tương lai, về một thế hệ mà đã hơn một phần tư thế kỷ mình không ở đó, cái điều đó có thể cũng không sao, nhưng quan trọng hơn, là mình không dự phần, mình không chia xẻ, thì bây giờ viết cái gì bây giờ. Tôi đi năm 75, ở cái tuổi sung mãn nhứt của đời người thì… chỉ để kiếm cơm. Bây giờ về hưu rồi, hết rồi "toa" (…) Nhưng anh cứ nói cho tôi biết, tôi phải viết cái gì bây giờ?
Nguyễn Hữu Chung,
Montréal, một ngày tháng Tư 2003
(Trích một lá thư gửi Đoàn Minh Hóa, chủ nhiệm, chủ bút Tạp chí Đi Tới, Montréal, Québec, Canada)


Trích dẫn cả hai đọan văn trên để nhớ cả hai người đã một thời tuổi trẻ, đã có mặt, đã tham dự một phần vào lịch sử miền nam vào những ngày trước 30.4.75.

Những trí thức trẻ tạo nên thời cuộc

Dựa theo Hồi Ký Không Tên của Lý Quí Chung, tôi nhớ lại sau 1963 xuất hiện một loạt những khuôn mặt chính trị non trẻ, không có một tý bề dày kinh nghiệm chính trị gì cả. Vốn liếng chính trị rất mỏng. Kinh nghiệm sinh hoạt nghị trường v.v... cũng không có. Kể như là những tay mơ. Họ là giới thanh niên trí thức trẻ của cả một thời, đánh dấu một thời kỳ của ho. Họ là những Ngô Công Đức, Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Phạm Thế Trúc (sau trốn sang Nhật không dám về) Nguyễn Hữu Hiệp, Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Cứ, Hoàng Ngọc Biên, Dương Văn Ba, Dương Minh Kính, Nguyễn Văn Châu, Bành Ngọc Quý, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Tấân Mẫm, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Văn Binh (đại tá). Dĩ nhiên, phải nhìn nhận rằng, họ có mặt là do sự hỗ trợ đằng sau của Công giáo hay Phật giáo hoặc do nhãn hiệu Nam, Bắc hay Trung. Thời cuộc thay đổi, tình hình chính trị thay đổi. Họ thay thế các khuôn mặt chính trị lớp cũ, nhiều khuôn mặt quá quen thuộc tỏ ra lỗi thời. Họ thiếu kinh nghiệm, nhưng xông xáo, học bài rất nhanh. Cộng thêm họ lý tưởng, có một tấm lòng. Nhiều người trong họ, với kinh nghiệm thu tập trong nghị trường, trong mặt trận báo chí, trong các phong trào phản chiến, đứng giữa hay thành phần thứ ba. Chẳng mấy chốc, họ trưởng thành qua kinh nghiệm, trở thành những khuôn mặt chính trị đại diện giới trí thức trẻ khuynh tả của miền Nam lúc bấy giờ.

Đại diện trong đám họ, tiêu biểu có thể là mẫu người như Lý Quí Chung, vừa là nhà báo như các người trẻ khác như Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Nguyễn Vạn Hồng, Nguyễn Bá Thành. Vừa là nhà chính trị như một số dân biểu vừa nêu trên. Ông là mẫu người lý tưởng, hăng say, dấn thân nhập cuộc.

Những điều mà ông Lý Quí Chung viết về giai đoạn ấy khá trung thực. Trung thực khi viết về chính bản thân mình như học dở dang, chưa ra ông ra thằng. Vào đời vỏn vẹn có mảnh bằng Tú tài 1, chương trình Pháp. Tay nghề làm báo kể là số không. Lăn vào chính trị như một tình cờ, một dun dủi. Đi từ trí thức khuynh tả nhảy sang đứng giữa rồi thành phần thứ ba.
Nhưng qua những điều ông kể, đánh giá người này, người kia, đánh giá sự việc, đánh giá một tình huống. Phải nhận ông là người có tài, người có một tấm lòng, người thẳng thắn, tạo cho mình một bản lãnh, một thế đứng chính trị, phản ứng ăn nhịp với xu hướng chính trị, thời cuộc. Đó là trí thức khuynh tả, thành phần thứ ba.

Chập chững vào nghề: Hứa hẹn vóc dáng một tên tuổi đầy hứa hẹn
Tôi còn nhớ vào những ngày trước biến cố Phật giáo 1963, một số tờ báo vẫn có thói quen ca tụng chế độ Ngô Đình Diệm. Tờ Sàigòn Mới là một trong số những tờ đó. Nhưng khi ông Diệm, ông Nhu bị thảm sát xong. Diện mạo, cung cách, giọng điệu một số tờ báo đã khác. Họ đổi chiều, trở giọng nhanh như chớp đến đáng khinh. Vô số những bài phóng sự mới ra lò bôi nhọ chế độ ông Diệm. Không ai cấm họ làm như thế với điều kiện trước đây họ đừng có khen hay nịnh bợ. Khinh họ là ở chỗ đó. Chỉ trong một đêm. Giọng điệu đang rỉ rả ca tụng thành chửi bới, bôi nhọ. Tôi cảm thấy ngầy ngật về nhân cách của một số tờ báo thời đó.

Vì thế, tôi đọc hồi ký của Lý Quí Chung trong chương: Chập chững vào nghề báo. Tôi nghĩ rằng, ông là nhà báo trẻ và duy nhất không nói và về hùa theo đám đông. Bài báo viết về vụ ông Cẩn của ông có cách nhìn riêng, khá nhân bản và can đảm. Có lẽ cả cuốn hồi ký, phần này nói lên cái nhân cách của Lý Quý Chung sau này. Lý Quí Chung vượt trên cái nhãn thức bình thường của các ký giả viết chạy theo thời cuộc, viết a dua, viết chạy theo đám đông, viết bôi bác lem nhem, nhãn thức thiển cận hẹp hòi không có trình độ, thiếu một cái nhìn sắc bén về cá tính ông Ngô Đình Cẩn. Lý Quí Chung biết nhận ra ở ông Ngô Đình Cẩn lúc ra tòa, lúc ở cái thế kẻ thua cuộc. Ông Ngô Đình Cẩn vẫn tỏ ra cho thấy một con người có bản lãnh, có cá tính, có uy lực, coi thường những kẻ đang xử án mình và coi khinh những nhân chứng trước đây ra vào nhà ông qụy lụy. Từ tư thế một tội nhân, bị xử án, ông Cẩn ở tư thế một người biết chấp nhận thua được một cách bình thản. Khó chứ không phải dễ. Người ta có thể oán hận ông, có thể kết án ông điều này điều nọ. Nhưng trước tòa án xử ông, ông chứng tỏ một nhân cách đáng nể. Điều đó không thể phủ nhận được.

Lý Quí Chung viết: "Tôi vẫn nhớ thái độ ông Cẩn trước tòa án rất ngạo mạn, ông chẳng quan tâm gì đến diễn tiến phiên tòa. Chẳng chú ý tới các lời buộc tội ông. Ông mặc bộ đồ bà ba lụa mầu trắng, mắt nhắm nghiền như ngủ qua suốt các phiên xử. Nhiều lúc còn có cử chỉ tỏ vẻ khinh khi các tướng tá đang ngồi xử mình.. Và lúc bị đưa ra hành quyết, Lý Quí Chung viết: "Ông bị trói chặt vào cột hành quyết và lúc sắp sửa bị bịt mắt bằng vải đen thì ông ta phản ứng. Ông nhất định không để bị bịt mắt, muốn được nhìn tận mắt cuộc hành quyết mình. Nhưng người thi hành án giải thích với ông rằng luật lệ không được phép cho họ làm khác. Người ta vẫn bịt mắt ông và một loạt súng kết liễu mạng sống của người thứ ba và là em út trong dòng họ Ngô từ sau cuộc đảo chính 1.11.63. Bài tường thuật của tôi nhấn mạnh hai điểm: ông Cẩn không sợ cái chết và tỏ vẻ khinh khi những người xử ông tại tòa.
Bài viết này làm nên vóc dáng Lý Quí Chung sau này trong nghề làm báo và chính trị, khởi đầu một cuộc hành trình trí thức trẻ, dấn thân và nhập cuộc. Đó là bài báo như bước chân khổng lồ vào đời, xác định được thế đứng, góc nhìn và vóc dáng của một nhà báo trẻ. Bài báo đó báo hiệu tương lai một người tuổi trẻ lý tưởng và hăng say, can đảm và trung thực.
Vào lúc đó, ngoài Lý Quí Chung, còn có tờ Tiếng Nói Dân Tộc, số kỷ niệm ngày 1.1.63 có ghi lại cảm tưởng như sau: "Vô cùng kinh ngạc vế thái độ dửng dưng và thật trầm tĩnh của con người được mệnh danh là Út Trầu, lúc mà Cẩn biết bị bác đơn ân xá" .

Khoảng gần 30 năm sau. Trong hồi ký Luật Sư: Nghề hay Nghiệp, hồi ký về vụ án ông Cẩn đăng trên tờ Thế Giới Ngày Nay ở Kansas, Hoa Kỳ, năm 1992, Luật sư Võ văn Quan viết: "Ông Cẩn im lặng nghe đọc bản án bác đơn xin ân xá. Quá cảm động, tôi chỉ biết nói câu an ủi tầm thường: "Thôi ông cố vấn đừng quá đau buồn. Trên cõi đời này sớm muộn gì rồi cũng phải ra đi." Ông nhìn tôi điềm tĩnh nói: "Luật sư đừng có buồn cho tôi. Tôi đi theo mấy ông anh của tôi. Tôi trở về cõi Chúa. Tôi không sợ chết đâu, nhưng tôi lo cho luật sư. Luật sư đụng chạm tới họ không biết luật sư ở lại có bi họ làm khó dễ hay không.." Tôi ứa nước mắt nói không sao đâu, ông cố vấn đừng lo cho tôi. Xin cầu chúc ông cố vấn được vào nước Chúa". Người lính đem khăn vải đen bịt mặt ông. Tới lúc đó, ông không còn giữ im lặng lắc đầu nói lớn, tôi không chịu bịt mắt đâu, tôi không sợ chết, nhưng người ta vẫn buộc. Bị bịt mắt, ông Cẩn vẫn lên tiếng phản đối vùng vẫy cái đầu. Một tiếng hô, một loạt súng nổ. Đạn bắn mạnh vào làm cho thân hình người tử tội bật ngược lên, dãy nảy rồi rũ xuống như một người máy bị đứt dây thiều. Viên sĩ quan chỉ huy đội hành quyết bước tới cọc, lạnh lùng bắn phát đạn ân huệ. Đầu ông Cẩn dãy lên rồi gục xuống. Hoàng hôn chụp xuống ảm đạm tang tóc".

Ông kết luận: "Tối hôm xử bắn, tôi đã uống thuốc để cố gắng tìm giấc ngủ, vẫn trằn trọc thao thức suốt đêm vì bao hình ảnh vụ án cứ dồn dập quay cuồng trong tâm trí và ông nhận ra tình cảm cũa ông đối với bị cáo đã thay đổi: Lúc đầu ác cảm phẫn nộ, đến khâm phục và thương tâm.
Con đường làm chính trị thông qua cửa ngõ nhà thờ, hoặc nhà Chùa.
Qua Hồi Ký Không Tên giúp chúng ta hiểu khá rõ quá khứ của những sinh hoạt chính trị sau năm 1963. Tôi còn nhớ đến ngạc nhiên là tự mọi nơi chốn, những người trẻ quen cũng như không quen, như một lớp sóng trào nhảy vào chính trị rất là ngang xương, rất là " blanc- bec". Nguyễn Hữu Hiệp, dáng thư sinh học trò, con cháu của Molière và học trò của Aristote, Platon đã dùng cú đá song chảo đá văng những nhà chính trị lão thành tăm tiếng như bác sĩ Hoàng Cơ Bình. Châu Nguyễn ở Đà Lạt cũng vậy. Dưới tỉnh, những Bành Ngọc Quý, Dương Văn Ba đã có lá bài "Miền Nam" hay "Liên Trường", hay địa phương. Những Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Văn Binh, Lý Quí Chung, Dương Minh Kính thì đúng ra mỗi người có những lá bài "tẩy", những lá dù che của thời kỳ đó.

Họ muốn lọt vào sinh hoạt chính trị, không có con đường nào khác qua cổng chùa hay cổng nhà thờ. Một điều như thể bắt buộc, không làm khác được. Cha Cố, sư sãi có giá. Điều đó chứng tỏ một chính quyền, một chế độ non nớt. Uy quyền Quốc Gia không có. Tôn giáo, thần quyền dính vào thế quyền, chia xẻ quyền lực rất tay ngang và không bình thường. Cổng chùa, cổng nhà thờ nay ra vào không phải là những Phật tử hay con chiên ngoan đạo nữa. Thêm vào đó là những nhà chính trị, trẻ có, già có đi tìm một tấm giấy thông hành chính trị. Không ai có thể ra vào Hạ Viện, Thượng Viện mà thiếu một tấm giấy thông hành. Hạ Viện thì đám người trẻ như tác giả Lý Quí Chung. Rất năng động, rất xôm tro, rất nổi đình đám. Hoặc như các dân biểu Đinh Văn Đệ, Nguyễn Phúc Liên Bào, Phan Xuân Huy, Đinh Xuân Dũng, Kiều Mộng Thu, Trần Ngọc Châu trong vai trò dân biểu đối lập. Hoặc có những người ít xuất hiện công khai như Dương Văn Tòng, Trương Lộc, Hoàng Ngọc Biên v.v.. Hoặc trong bóng tối với tư cách người Cộng sản như: Trương Bá Cần (hay Trần Bá Cường), Vương Đình Bích, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ. Bốn người này đều có thẻ đảng và nắêm tờ Công giáo và Dân Tộc từ sau 75 cho đến hiện nay.

Thượng Viện thì thầm lặng hơn với đám sồn sồn, trí thức salông. Họ bỏ nhà thương, bỏ tòa án, bỏ quân ngũ, bỏ trường học để ra ứng cử và xếp hàng dưới hai nhãn hiệu: Liên danh của Công giáo hay Phật giáo. Chỉ cần người đứng đầu có tên tuổi như Trần Văn Lắm, Vũ Văn Mẫu, Dương Văn Minh v.v.. gắn thêm cái mác tôn giáo. Thế là xong. Ngay cả những liên danh quân đội của các tướng như Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính thì cũng không thoát nổi cái dù che của Cha cố, Sư sãi. 9 người còn lại đều có nghề nghiệp chuyên môn, có tuổi, có tên, nhưng mà chưa có tên tuổi. Họ là những nhà chính trị giả hiệu, thiếu tay nghề, thiếu kinh nghiệm nghị trường. Cùng lắm là những nghị gật.

Và đây là lời xác nhận của ông Lý Quí Chung về điểm này: "Trong khi chuẩn bị cuộc vận động cho liên danh Dương Văn Minh với tư cách đại diện báo chí cho liên danh này, tôi đã tiếp cận với Phật giáo Ấn Quang tìm sự ủng hộ của lực lượng Phật giáo có hậu thuẫn quần chúng lớn nhất. Hình như dân biểu đơn vị Huế là Trần Ngọc Giao cũng có giới thiệu tôi với Thượng tọa Trí Quang lúc này đang ở chùa Ấn Quang"
Dân biểu Lý Quí Chung nhận xét tiếp: "Lần đầu tôi gặp 'Người làm rung chuyển nước Mỹ', Báo Newsweek đã gọi Thượng tọa Trí Quang như thế. Khi đã tiếp xúc thì con người ấy đã toát lên một thứ thần sắc khác thường. Ánh mắt như sao băng, chiếu thẳng vào người đối thoại như nhìn thấu những suy nghĩ của họ. Tôi nhớ mãi ấn tượng đầu tiên ấy khi lần đầu gặp nhà tu hành nổi danh."
Khi ra Huế, dân biểu Lý Quí Chung đưa ra một nhận xét khá đặc biệt khi gặp Đức Tăng Thống: "Trong chùa Bảo Quốc chỉ treo một bức ảnh chân dung duy nhất trên tường. Đó là chân dung Thượng tọa Trí Quang. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của thầy Trí Quang với người lãnh đạo tinh thần cao nhất Giáo Hội Phật Giáo là như thế nào."

Nay thì quyền lực thế trần nắm trong tay các vị lãnh đạo tôn giáo, thay cho quyền lực siêu nhiên. Hay có thể là cả hai mà tự bản chất của các tôn giáo, hai quyền lực đó không thể dung hợp nhau được. Hoặc có cái này thì không có cái kia, có loại trừ, không làm tôi hai chúa được. Đó cũng là lựa chọn đau xót mà mỗi người tu hành bước qua ngưỡng của tôn giáo phải tuân thủ. Bước đầu của việc tu trì là rũ áo, bỏ đời mà đi trong tấm lòng thanh thản, không còn nuối tiếc trần thế nữa.

Cho nên, đừng ai nói hay. Tôn giáo mà đi đôi với thế quyền, cộng thêm tiền bạc thì khó tránh khỏi nguy cơ của sự sa đọa trần thế. Sa đọa quyền lực, lẫn lộn vai trò lãnh đạo tôn giáo và vai trò lãnh đạo chính trị. Một thứ chính trị như ban phát ơn, thiếu lành mạnh, thiếu dân chủ chỉ xảy ra ở VN trong một tình huống khá đặc biệt. Nhìn lại cho thấy đó là một giai đọan tồi tệ vì một khủng hoảng quyền lực, khủng hoảng uy quyền Quốc Gia. Chúa Phật chỉ có nước bỏ chùa, bỏ nhà thờ mà đi lang thang.

Hồi ký của Lý Quý Chung khá lý thú kể về người, về việc, về từng biến cố với tư cách người trong cuộc. Nhất là nêu bật được cái hay, cái dở, cái yếu của cái cơ chế của sinh hoạt chính trị thời đó.

Tôi cũng nhận ra rằng, trong cuốn Hồi Ký Không Tên, phần viết về những năm hoạt động báo chí và làm dân biểu, Lý Quí Chung viết rất thong dong, thoải mái, rạch ròi từng sự việc, từng người, phê phán thẳng thắn theo cái kiểu "Có sao nói dzâïy". Từng nhà báo, từng tờ báo, từng nhân vật như ông Thiệu, ông Kỳ. Nêu bật được cá tính, cái hay lẫn cái dở của họ. Về những hoạt động chính trị của ông với tư cách một dân biểu đối lập, về các đồng sự, về các cuộc chống đối biểu tình được nhìn từ bên trong với tư cách người trong cuộc.

Ông không ngại nói hết, kể hết cho thấy vai trò của ông trong các biến động ấy. Đấy là những trang hồi ký sống động, một thứ sản phẩm còn nguyên vẹn được bóc trần ra, ít lắm cũng có thêm những chi tiết mà phải là người trong cuộc mới biết được. Chẳng hạn như cái chương 25, Thời khắc Lịch sử: Đầu hàng. ông đã tận dụng ngòi bút để nhấn mạnh vai trò nhân chứng của mình, từng chi tiết nhỏ một. Dù là nhân chứng một vụ việc rất là nhỏ, chẳng đáng nói. Chẳng hạn chi tiết hướng dẫn một ngườøi lên sân thượng để treo lá cờ Giải phóng, thay lá cờ Quốc gia.

Chi tiết lá cờ Giải Phóng, nửa xanh nửa đỏ treo lên ở Dinh Độc Lập khá là quan trọng và mang nhiều ý nghĩa lắm. Ở những ngày sau 30-4. Sàigòn rợp bóng cờ mầu xanh. Phố phường, nhà nhà mầu xanh, mầu đỏ, xe cộ chạy rần rật trên đường phố phất phới mầu xanh. Trẻ con cầm lá cờ đi phất phới khắp nơi. Cũng mầu xanh và đỏ. Cũng lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam. Vậy mà, chẳng bao lâu sau, trong vài tuần lễ, không kèn không trống.. Những lá cờ mầu xanh và đỏ đó biến đâu mất.

Phải nói lại, miền Nam có hai lần giải phóng cờ: 30-4, giải phóng cờ Quốc Gia, cờ mầu vàng ba sọc đỏ. Sau một tháng, giải phóng cờ một lần nữa. Lá cờ mầu xanh đỏ thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng. Cùng với sự biến mất lá cờ mầu xanh cũng dần biến mất những nhân vật đã từng nhân danh chiến đấu dưới nhãn hiệu lá cờ xanh, đỏ đó.

Cũng qua cuốn Hồi Ký, mặc dầu chỉ trong vài dòng, ông cũng lột mặt nạ một số trí thức theo đuôi, không khỏi có những nhố nhăng khó tránh khỏi. Ta hãy nghe ông kể: "Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe Jeep của bộ đội. Còn tôi đi theo trên một chiếc xe jeep khác của các nhà báo Đức. Khi tôi đến đài phát thanh thì hai ông Minh và Mẫu đã vào bên trong. Tôi vừa bước vào sân thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi: "Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại." Lúc này thật khó biết ai là ai, ai có đủ thẩm quyền quyết định chuyện này chuyện nọ. Ai cứ bảo là Lý Quí Chung ra đòn không thâm?

Cũng qua cuốn hồi ký, tôi nhận ra một điều là trí thức miền Nam như những Lý Quí Chung chủ trương chống Mỹ và chống Thiệu. Chống Thiệu thì rõ ràng rồi, không có gì để phải nói. Chống Mỹ thì có hai mặt: Chống đường lối, chính sách của Mỹ chung chung. Nhưng mặt khác lại giao du khá thân mật với các ký giả, nhà chính trị Mỹ. Và coi những người này như những người bạn tâm giao, nếu không nói là hãnh diện về những mối liên lạc này. Trong suốt hồi ký, tác giả đã không quên nhắc đến người này, người kia trong sự trân trọng và quý mến. Họ như thể nằm trong cái vốn chính trị của tác giả như một thành quả trong những năm hoạt động chính trị của mình. Chống Mỹ mà vẫn yêu Mỹ, tin Mỹ, mà vẫn chơi với họ..Chống hời hợt. Không có chỗ nào cho thấy trực diện chống Mỹ, nếu không nói là để cho Mỹ giật giây.

Nó có một cái gì đấy cho thấy việc chống Mỹ chưa đủ căn cơ, mức độ. Nhiều lúc tự hỏi, ông đã viết được một bài báo hay một cái gì đó tương tự trong đường lối chống Mỹ? Chống cái gì? Chống chung chung? Từ đó dẫn đưa đến những ngờ vực.

Ông để ra hai chương nói về: Những ngày cuối cùng của Tổng thống Thiệu và cuộc "trốn chạy" của Nguyễn Văn Thiệu. Có những điều thật sự nó không phải là hồi ký của chính ông kể lại hoặc do nghe được, chứng kiến. Có nhiều đọan, ông trích dẫn lại hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ hoặc trích dẫn Christian G. Appy trong The Viet Nam war rememberd from all sides hay của Frank Snepp trong Interval Decent (sách đã được dịch ra tiếng Việt), hay của Henry Kissinger trong Ending The War, hoăïc của Tiziano Terzani trong Three days and Three months. Những trích dẫn nhiều như thế làm mất cái đặc sắc của vai trò nhân chứng của ông.

Nhưng nói chung, nếu nhìn toàn diện những chương viết về giai đoạn trước 30.4. Cuốn hồi ký của tác giả ít lắm nêu bật được những điểm quan trọng sau đây:
- Vai trò của trí thức trẻ miền Nam Việt Nam
- Bộ mặt thật của sinh hoạt chính trị miền Nam dưới thời đệ nhị Cộng Hoà.
- Vai trò chủ động không chối cãi được của người Mỹ trong những yếu tố quyết định số phận miền Nam.
- Tính cách con rối của toàn bộ sinh hoạt chính trị ấy.

2. Một Nửa Buồn

Nửa phần bài viết này sẽ được trình bày về chương: Sau ngày 30.4 và chương phụ lục.

Về chương phụ lục, thật ra phải cám ơn Talawas về cái chương phụ lục này. Và đối với tôi, đây là chương quan trọng nhất. Tôi dành phần còn lại của bài để nói về chương này và để thấy rằng có nhiều điều Lý Quí Chung đã không dám nói thật, nói hết, nói đủ.

Cuộc đời làm báo, làm chính trị của tác giả chia ra hai giai đoạn. Dứt khoát và rõ rệt. Giai đoạn 13 năm trước 30 tháng Tư mới đúng là con người Lý Quí Chung. Một thanh niên lý tưởng, hăng say, dám nói, dám làm, dấn thân, nhập cuộc. Không ai chối cải điều đó. Rất trân trọng. Và gần 30 năm sau ngày 30 tháng Tư, tác giả dù cố gắng cũng không viết nổi, vỏn vẹn chưa tới 20 chục trang. Với lời thú nhận: Thận trọng lúc này là cần thiết. Đó không phải là Lý Quí Chung. Đó là ai khác. Đúng như tác giả viết: "Nói cách nào đó, tôi có hai cuộc đời. Trước và sau năm 1975. Chỉ không quyện vào nhau như tác giả nghĩ.

Trước hết, hãy nói về những gì Lý Quí Chung viết về giai đoạn sau ngày 30.4. Nói chung, đó là những lời lẽ khá nhún nhường, quá bài bản đến không thật như: "Thật là mãn nguyện khi được tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất.. sự kiện đó có một ý nghĩ lớn.. có mặt trong một hội nghị như thế là một sự thỏa mãn tinh thần cực kỳ lớn.. tôi vô cùng thỏa nguyện được sống trọn vẹn với nghề này.. và tôi không thể tưởng tượng được ở đó tôi còn cơ hội gặp lại lần lượt tất cả những nhân vật huyền thoại mà tôi cứ ngỡ rằng đã thuộc về lịch văn học xa xôi, chỉ tồn tại trong sách vở như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận.. Cái nghèo, cái cực khổ của Hà Nội mà tôi chạm mặt lần đầu không hề gây sự thất vọng cho tôi, mà trái lại là sự cảm phục. Những ngày làm báo từ Tin Sáng 75-80 sang Tuổi Trẻ 80-90, tôi vẫn không một ngày nào thiếu hăng hái hay mất niềm tin.. đồng lương thì chỉ đủ ăn sáng, nhưng cống hiến thì vẫn hết mình. Vợ con tôi chịu đựng cũng rất giỏi, nhung bán mãi rồi cũng không còn gì để bán nữa.. ngay chỉ còn cái đàn piano, niềm vui sau cùng của các con tôi cũng không thể giữ nổi.. để lo cuộc sống hằng ngày, chúng tôi đành phải bán nó đi. Tại tòa báo vào thời điểm đó, tôi tuyên truyền cho các cuộc cải tạo tư sản mại bản, công thương nghiệp tư sản, tư doanh.. vậy mà chính nhà ba của ông bị đóng chốt để cuối cùng ông cụ bị lên huyết áp và đột qụy, cụ gặp đứa con đã giận dữ nói: "Tao không muốn gặp mày nữa. Gia đình mày đã ra thế này, cha mày đã ra thế này, mà mày còn viết báo cho Cộng sản. Cha mày từ mày". Còn các em trai của tôi thì không tin vào người anh trai của mình nữa. Chỉ làm thinh để chuẩn bị vượt biên. Như vậy, cùng một lúc, tôi" mất" bảy đứa em.

Không phải là một đảng viên Cộng sản nhưng tôi tin vào những lý tưởng xã hội tốt đẹp cho bất cứ xã hội nào muốn tiến lên công bằng xã hội và nhân bản hơn. Tôi vẫn giữ niềm tin đó ngay cả sau khi chế độ Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bị xụp đổ… nhìn đất nước nối liền từ Nam chí Bắc hiện nay, đến bây giờ, tôi vẫn tưởng nằm mơ.. Hà Nội bây giờ như một thiếu nữ đẹp, duyên dáng và tràn đầy sức sống. Và Sài Gòn mạnh mẽ hơn nhiều và tự tin hơn nhiều trong cuộc hành trình mới, bởi sự tồn tại của thành phố này không còn nhờ vào sự "tiếp máu" của người khác.

Đọc những dòng chữ trên của ông, tôi cũng tưởng mình đang nằm mơ tự hỏi có phải đó là Lý Quí Chung hay không? Dù sao, cũng rất may, ở vào thời điểm đó, các trí thức miền Nam gặp được một người như ông Võ Văn Kiệt. Ông là cái dù che chắn cho trí thức miền Nam khỏi phải bị dập vùi thê thảm.. Không có ông, số phận nhiều trí thức trẻ miền Nam đã không được như ngày nay. Họ sẽ phải đi học tập, tệ nữa bị kiểm soát, canh chừng hoặc tù đầy, bắt cóc, hành hạ, tra hỏi, trục xuất khỏi nhà..
Vì thế, không thể không nhắc tới tấm lòng ưu ái của ông Võ Văn Kiệt đối với trí thức miền Nam.

Về tờ Tin Sáng.

Đây là một niềm hãnh diện của ông và một số bạn bè của ông. "Le Tin Sáng est le seul journal non communisme dans une société communiste. (Tờ Tin Sáng là tờ báo duy nhất không Cộng sản trong một xã hôi Cộng sản). Từ đó ông hết lời tán dương: "Comme la plupart de mes amis ici, J'ai vécu l'experience des deux régimes de presse. Tu connais le mot de Đuc, notre directeur: auparavent, nous étions des bucherons, aujourd'hui, des menuisiers. Le comportement est radicalement différenr. C'est dans la construction que nous nous sommes lancés. Aujourd'hui, je me sens beaucoup plus utile pour la société Vietnamienne, pour mon peuple, plus lié à la vie de la nation, plus responsable, oui, c'est le mot. (cùng sách vừa trích dẫn).

Câu nói trên cho thấy ông phủ nhận toàn bộ gia tài làm báo, làm chính trị dưới thời Đệ nhất Cộng hoà của chính ông. Ông còn cho rằng trước đây cùng lắm ông làm thợ bửa củi. Đi biểu tình, tranh đấu trước diễn đàn Quốc hội, họp báo, tiếp xúc, diễn thuyết, phân phát truyền đơn, chống luật báo chí, chống tham nhũng, chống đối bầu cử độc diễn, chống độc tài, chống dân biểu gia nô, nghị gật, chống Nguyễn Văn Thiệu, chống Mỹ, nằm trong lực lượng thứ ba đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Tất cả công việc vừa nêu trên chỉ là đáng được coi là công việc bửa củi thôi sao? Bẽ bàng thế? Có thể phủ nhận chính mình, tự hạ thành con dun, con dế? Ai dãõ đẩy ông vào tư thế phải nói như vậy? Bây giờ làm thợ nề, thợ nề để tán tụng, để cúi đầu, để vâng phục. Thử hỏi ông đã làm được gì trong suốt 30 năm làm thợ nề? Kể là đau xót. Ai đó đã bắt ông phải hạ mình nói như thế ?
Viết như thế, tôi không hề có ý chê trách ông, vì một lẽ dễ hiểu, ông đang sống trong một xã hội toàn trị, với khủng bố và đe dọa tinh thần. Đúng như ông vẫn nói: Cái ung thư bướu là người của chế độ cũ luôn luôn vẫn còn đó, ám ảnh và gây phiền hà cho ông. Chả lúc nào, ông được yên.
Cho đến năm, 1980, lúc mà tờ báo sắp đóng cửa theo 3 cái nguyên tắc đề ra ở thời kỳ đó: để cho làm, phạm sai lầm thì đóng cửa. Dùng cho đến khi nào thấy không cần thiết thì vứt kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Ba tạo một tương quan tin tưởng tốt vào nhau.

Rõ ràng việc đóng cửa là dựa vào nguyên tắc thứ hai. Đã không có quý ông nào dám lên tiếng. Trong khi đó, tôi đọc được như sau: "Cinq années se sont passés. Le Tin Sáng de Ngô Công Đức et de ses amis parait toujours. Le test est il positif?" (Trích dẫn như trên) Hỏi là trả lời. Cái test cho thấy một thất bại ê chề của trí thức cũ làm việc dưới chế độ mới. Chả nhẽ nói bị lừa, bị bội phản. Dù sao, 5 năm cũng là thời gian khá dài so với tờ Đứng Dâïy của Nguyễn Ngọc Lan. Số phận nó chỉ thoi thóp chưa tới một năm. Sau 5 năm. Tất cả trí thức cũ chỉ còn là những quả chanh chắt đã vắt vỏ. Quả chanh Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Huỳnh Tấn Mẫm (sau Huỳnh Tấn Mẫm bị quản chế cùng với những người như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, vì cái tội dã tiếp xúc với báo chí ngoại quốc, hay phê bình và đòi hỏi cải tổ nhanh guồng máy kinh tế và chính trị. Những vụ quản chế này không được loan báo công khai và nơi quản chế cũng vậy). Quả cóc Nguyễn Hữu Thái. Quả bưởi Nguyễn Ngọc Loan, Chân Tín. Quả đu đủ Lý Chánh Trung. Quả dừa Huỳnh Công Minh, Trương Đình Hoè, Phan Khắc Từ. Quả ổi Dương Văn Ba.

Các ông chẵng còn gì để vắt nữa. Rồi cuối cùng phải nhìn nhận như Ngô Công Đức thôi: "Nous avons surmontés les difficultés, mais non sang certains dégats. Quelque-uns, parmi nous, sont partis à mi chemin, d'autres ont vacillé". Và đây cũng là yếu tố góp thành sự đóng cửa tờ Tin Sáng, vì có nhiều người trong đám trí thức thành phần thứ ba thất vọng, chao đảo hay bỏ ra đi.

Nhưng vì lý do gì nó phải ngừng bản và chuyển một số bộ phận sang tờ Tuổi Trẻ. Ông đã cố dấu kín. Ông đã viết một cách úp mở như sau: "Với các anh em trong Tin Sáng cũng có nhiều quan điểm, thái độ khác nhau đối với hướng đi và cách quản lý tờ báo". Oâng buộc lòng không dám nói thẳng ra là có sự bất đồng quan điểm về hướng đi tờ báo kể từ khi có biến cố Đông Aâu cũng nhu sự xụp đổ bức tường Bá Linh.

Về lá thư Lettre aux amis d'occident.

Trong lá thư này, có hai điểm gửi cho giới trí thức Âu châu mà tôi không đồng ý: Đó là việc học tập cải tạo và vấn đề thuyền nhân.

 Về các trại học tập: Trong lá thư mà không biết ai là người thảo lá thư đó, một số trí thức miền Nam đã phủ nhận đó không phải là nhà tù, không phải trại tập trung thì nó là gì? Là trung tâm cải tạo? Người đi tù cải tạo không phải người tù chính trị, cũng không phải kẻ bị khổ sai (Forcats). Đó chỉ là những lý lẽ tiểu xảo chơi chữ, trốn tránh và biện hộ cho chế độ. Các ông đã che đậy cho những chính sách của Hànội. Thực tế họ là những người tù khổ sai, không có ngày về. Nhiều người đã chết vì bệnh tật, đói ăn ở đó? Các ông biết rất rõ. Vậy mà vẫn phải nhắm mắt bênh vực chế độ.

 Về người di tản: Cũng lá thư đó đã đổ lỗi cho chế độ cũ, đổ cho sự tuyên truyền của Mỹ, đổ cho chính sách người Hoa của Trung Quốc. "En fin, comme il a été dit plus haut, ce sont les dirigeants de Pékin qui ont provoqué l'exode massif des résidents Chinois pour pouvoir nous accuser ensuite de 'terroriser et de chasser les Hoa', justifie ainsi leur polique inamicale (cessation de L!aide économique) puis ouvertement agressive à l'égard du Viet Nam". (sách trích dẫn ở trên)
Đây là một biện hộ không chấp nhận được. Tất cả những người Việt Nam vượt biển (chánh thức và bán chánh thức) thì đều biết rõ là phải đóng tiền cho chính quyền địa phương để được phép rời Việt Nam.
Một số tên tuổi trí thức miền Nam đã ký trong danh sách này. Thật khá thất vọng.

Nhưng nói cho cùng thì những trí thức miền Nam ở lại, theo chế độ mới làm gì được? Kết án họ ư? Kết án thì cũng dễ, nhất là ngồi ở ngoại quốc mà chửi vọng về. Phải là người trong cuộc, phải sống dưới chế đó toàn trị đó. Nào ai có thể nói hay được.

Nhà văn Nguyễn Tuân, nổi tiếng ngang bướng cao ngạo, sau mấy chục năm sống nín thở qua sông, vào đến miền Nam đã phát ra một câu nói để đời. Phải nhịn mấy chục năm nay mới dám nói : « Tao còn sống đến ngày nay là nhờ biết SỢ. » Nói xong chiêu một ngụm rượu, ngửa mặt, vuốt râu, nhìn lên trời cười ha hả.
Phải chăng các trí thức miền Nam cũng đã học qua bài học triết lý biết sợ đó?
Nghĩ như thế mà thương cho họ, thương cho mình, thương cho dân tộc mình . Và hiểu cho Nguyễn Tuân, hiểu cho trí thức miền Nam. Phải biết sợ, mới sống được.

Còn lại phần bài viết sau đây sẽ được trình bày về Chương Phụ Lục. Thật ra phải cám ơn Talawas về cái Chương phụ lục này.
Và đối với tôi, đây là chương quan trọng nhất.
Tôi dành phần còn lại để chỉ nói về chương này và để thấy rằng có nhiều điều Lý Quí Chung đã không nói thật, nói hết, nói đủ chỉ vì nó.

 Về 13 trang phụ lục:
Đây là 13 trang bị cắt ra khỏi bản thảo. Chẳng khác khối ung thư của Lý Quí Chung được Đảng Cộng sản cắt dùm. Nó nói lên nhiều điều lắm. Ta muốn biết sự thật thì phải tìm đọc từng dòng của những điều bị cắt bỏ, những điều non-dits. Chỉ cần đọc13 trang này, ta mới hiểu thấu được chế độ và thương xót cho những người như Lý Quí Chung.

Trước hết:
- Chương về: phần lời giới thiệu của nhà xuất đã bị sửa, bị cắt kể như toàn bộ. Trong đó có đoạn sau đây khá ý nghĩa đã bị cắt:
"Ngày toàn thắng của năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: thần tốc-táo bạo-bất ngờ-chắc thắng, qua 55 ngày đêm chiến đấu (từ 9.3 đến 30.4.1975), quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân đội ngụy, đập tan bộ máy chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ… Là hồi ký cá nhân, không phải một biên niên xử, tất nhiên, nên không tránh khỏi cách nhìn, cách phân tích chủ quan..

Trong phần mở đầu cuốn sách, cho thấy họ vẫn huyênh hoang đến nhàm chán, không biết ngượng. Vẫn giọng điệu mạ lỵ miền Nam Việt Nam. Rồi cũng bài bản chê nhẹ tác giả không khỏi cách nhìn chủ quan. Cũng vì phần giới thiệu quá huyênh hoang trống rỗng, họ đã viết lại cho chừng mực hơn.
Bản lời giới thiệu mới bớt huyênh hoang, nhưng vẫn cái bệnh phải dạy đời một tý: "Hồi ký là một góc nhìn…, đánh giá mang tính chủ quan cũng là điều có thế chấp nhận. Xét cho cùng cũng là việc mà người đọc nên "rộng rãi" khi đọc.

Phần lời giới thiệu của Trần Bạch Đằng bị cắt bỏ vì nói sai: Cách mạng Việt Nam đa dạng. Góp phần vào bức tranh đa dạng ấy những đường nét riêng.. Làm gì có đa dạng được, chỉ có một đường lối cách mạng thôi, vì thế, cũng cắt kiểm duyệt phần nói về các hồi ký của Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận.

 Chương 14 đã bị cắt khá nhiều, khá dài về việc trích dẫn hồi ký của Hồ Ngọc Nhuận và bà Ngô Bá Thành. Vấn đề tìm hiểu xem các nhân vật đó có còn có trong mắt đảng hay không?

 Chương 17. Ông Lý Quí Chung nhắc tới thành phần thứ ba, hay lực lượng thứ ba. Thế là phạm giới, phạm quy rồi.. Đối với nhà nước Cộng sản, chỉ có lực lượng của phong trào đô thị là lực lượng nòng cốt trong sự sụp đổ của nền Đệ nhị Cộng hòa. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng mắc phải sai lầm này khi đề cao và đánh giá lực lượng thứ ba trong vai trò dứt điểm miền Nam. Ông Nguyễn Khoa Điềm đã kiểm duyệt và cắt bỏ những lời tuyên bố của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đề cao vai trò của thành phần thứ ba là đặt lại vai trò của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong công cuộc chấm dứt chiến tranh ngaỳ 30.4.

 Chương 19. Sang đến chương 19, Ông Lý Quí Chung lại vướng mắc vào cái bướu ung thư thành phần thứ ba, mà đảng muốn cắt bỏ. Khi ông viết: "Từ 1973, đâu đâu cũng thấy những cá nhân tự xưng mình là thành phần thứ ba. Với Hiệïp định Paris, tình hình miền Nam mở ra nhiều khả năng khác nhau. Khi ấy, tôi nghĩ, lạc quan nhất lúc này là giải pháp một chính phủ hòa giải, hoà hợp gồm ba thành phần. Nhưng không ai mường tượng cái chính phủ vận hành thế nào.. còn thành phần thứ ba thì không biết sẽ lựa chọn như thế nào"

Ông vẫn còn ngây thơ quá, chưa nắm được ý đồ của đảng muốn gì. Thành phần thứ ba là một quả chanh đã vắt vỏ, đã vắt kiệt.. Riêng các ông trong tờ Tin Sáng thì được vắt thêm 5 năm nữa. Đã quá đủ, quá nhiều. Đóng cửa tờ Tin Sáng là phải. Đã đến giờ rồi.

 Chương: Phần sau ngày 30.4.1975.
Cái hớ hênh của một Lý Quí Chung sau 30 năm sống dưới chế độ mới vẫn chưa đủ. Thận trong, gạn lọc, ngó trước dòm sau mới viết mà vẫn có kẽ hở. Ông vẫn muốn nhắc đến ngày Đại hội Hiệp thương Thống nhất. Đây cũng là điều đảng không muốn nói tới nữa. Có hội nghị hay không thì Việt Nam cũng đã thống nhất rồi. Muốn thống nhất thì phải xoá tan những chiêu bài trước đó đã đặt ra như Mặt trận Giải Phóng Miền Nam v.v.. Thật là không có gì là khó hiểu.

Đảng cũng kiểm duyệt những tình cảm sau giải phóng trong gia đình ông như: "Những chuyện trong gia đình tôi đã biến cha tôi từ một người hồ hởi đón nhận chào cách mạng, biến thành một người ác cảm với Cộng sản."
Một đoạn văn như thế thì cắt là phải rồi. Còn kêu ca nỗi gì nữa.
Phần gia đình thân yêu.

Trong phần này nhẽ ra không cần đọc, vì có gì đụng chạm đến chính trị. Nhưng dù thế, nó cũng bị cắt đi ngót nghét một trang. Trong đó có một câu vài chữ không đáng gì. Nhưng nếu suy ra thì viết một cuốn sách cũng không đủ. "Các em tôi đều thành đạt tại Mỹ Canada.." Thế là cả đoạn văn sau đành cắt hết, đục bỏ hết chỉ vì cái chữ thành đạt. Nói thành đạt là nói ngược lại Nhà nước Việt Nam thất bại. Cẩn thận lắm mới được. Viết thật cẩn thận.

Ngòi bút của Lý Quý Chung có lệch cũng chỉ vì 13 trang cắt bỏ này. Điều mà Lý Quý Chung không dám nói, điều mà Lý Quý Chung bị cắt trong 13 trang một cách không ngờ trở thành lời tố cáo chế độ ngoài cả ý muốn của người viết cuốn hồi ký. Không ngờ đến cuối đời, cuốn Hồi Ký không tên trở thành một chúc thư gửi lại cho đời mà tôi xin được phép đổi lại tên cuốn Hồi ký không tên: NHẬT KÝ CỦA IM LẶNG, vì im lặng cũng là một cách nói.

NGUYỄN VĂN LỤC