Từ trước tới giờ, tôi ít đọc thơ vì tự thấy mình có chút thiếu “hồn thơ lãng mạn”. Dù vậy, tôi là người hâm mộ âm thầm nhiều năm của Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, không chỉ với sách của Anh mà cả với các bài thơ Anh viết. Anh làm thơ cũng như viết văn, nghiêm túc mà dí dỏm, nhẹ nhàng mà sâu sắc, ngắn gọn mà vô số “ý ở ngoài lời”. Anh còn giảng và viết nhiều bài về Phật pháp rất hay, nhưng tôi thích học Phật qua thơ của Anh hơn.
Như bài “Nỗi nhớ” in trong tập Vòng quanh (NXB Trẻ 1997 tr. 38) chỉ có 6 câu:
“Thôi hết cồn cào
Thôi không quặn thắt
Chỉ còn âm ỉ
Chỉ còn triền miên
Thì thôi cấp tính
Thì đành kinh niên.”
Lần đầu đọc khi còn trẻ, tôi bật cười, nghĩ tác giả chắc “méo mó nghề nghiệp”, tả nỗi nhớ mà cứ như tả cơn đau thể chất vậy, nhưng tác giả cũng thật tài tình, chọn từ và vần điệu làm sao mà người đọc cảm nhận được từ cơn đau ít tới cơn đau nhiều, từ “bệnh” nhẹ tới “bệnh” nặng. Lần thứ hai đọc ở tuổi trung niên, tôi cảm thán tác giả “hiểu đời” ghê, bởi từng trải rồi mới biết “nhớ” cũng đau “quặn thắt ruột gan” chớ không vừa. Lần thứ ba đọc, tôi liên tưởng tới bài hát “Đưa em tìm động hoa vàng” (nhạc Phạm Duy, lời Phạm Thiên Thư):
“Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi.”
Nỗi nhớ của Phạm Thiên Thư dù nói “chỉ là phù vân, có ngần ấy thôi” sao vẫn có cảm giác day dứt luyến tiếc không đành lòng, dù lặp đi lặp lại “thôi” rất nhiều lần mà vẫn chưa “thôi” thật sự. Đúng là nghệ sỹ mà, cho nên mới… khổ! Ngược lại nỗi nhớ của Đỗ Hồng Ngọc rất tỉnh táo “rằng đau thì biết là đau”, chuyện xác nhận “thì thôi cấp tính thì đành kinh niên” cũng mang vẻ an nhiên. Chính nhờ chấp nhận nỗi đau đó sẽ ở với mình vĩnh viễn mà lòng mình trở nên bình tĩnh hơn để chuyển hóa “rác thành hoa, đau khổ thành an lạc”. Đây chẳng phải “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” trong Tâm Kinh đó sao?
Anh Ngọc quê La Gi, còn tôi sinh Phan Thiết, lớn lên ở Nha Trang nên khi tình cờ đọc bài “Giả sử” của Anh, tôi sém chút la lên “ôi bài thơ của đời tôi”:
“Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang
Ập vào Mũi Né
Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng
Vút qua những ngọn dừa
Những đồi cát trắng
Em nhớ mang theo đôi quả trứng
Vài nắm cơm
Vài hạt giống
Đừng quên mấy trái ớt xanh…
Biết đâu mai này
Ta làm An Tiêm
Trở về làng cũ
Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang
Nơi kia gọi là Mũi Né…
Cho nên
Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?”
(4/2011, đăng 13/9/2020 dohongngoc.com)
Hồi nhỏ nhà tôi ở sát biển nên tôi rất sợ sóng thần. Lâu lâu tôi lại nằm mơ thấy sóng thần ập vô cuốn trôi mọi thứ, nghĩ mà rùng mình. Sau khi đọc bài “Giả sử”, tôi viết email cám ơn Anh Ngọc đã giúp tôi hết sợ sóng thần. Anh đùa: “Hết sợ sóng thần vì đã sẵn thuyền thúng ở trong nhà và đã cụ bị sẵn các thứ, nhất là ớt xanh rồi phải không? Dân Phan Thiết có khác!” Trời, sao Anh đi guốc trong bụng tôi vậy? Thì Anh đã chọn mọi thứ chu đáo quá mà: đôi quả trứng đặng sau này còn nở ra gà con nè, vài nắm cơm vắt ăn đỡ đói lòng những ngày “lênh đênh” nè, rồi hạt giống để trồng lại vườn cây nè, có cả mấy trái ớt xiêm xanh – món “tủ” của dân Phan Thiết và Khánh Hòa nữa.
Nói nhỏ nghen, thiệt ra tôi tâm đắc nhứt câu cuối cùng “sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?”. Lúc đó, tôi viết cho Anh cách hiểu của tôi như vầy: “Sóng thần, hay sóng cuộc đời có dữ dội cách mấy, mà có một người nắm tay đi với mình, thì có gì phải sợ phải không Anh?” Anh cười không trả lời. Giờ tôi mới nhận ra, cái “thương” mà Anh nói không chỉ là tình yêu trong gia đình mà chính là “tình thương của Bụt” – từ của thiền sư Nhất Hạnh. Đó là “từ bi hỷ xả”, gồm khả năng hiến tặng niềm vui, làm vơi nỗi khổ, tình thương mang lại hạnh phúc và tự do. Vậy sao không “sớm mà thương nhau hơn” thì đời sẽ thêm nhiều an lạc, đợi chi tới sóng thần?
Tháng 12/2020, Anh Ngọc viết bài “Biết rồi còn hỏi!”:
“Tôi ngồi trước tượng Phật
Viết lăng nhăng mỗi ngày
Để khi nào bí thì hỏi
Phật tủm tỉm cười
“Biết rồi còn hỏi!”
Sáng ra đường phố
Từng bước như đi dạo
Không thấy nở hoa sen
Ngước mắt nhìn lên
Một tấm biển to chữ đỏ
“Đồ ngu cao cấp”
Cửa hàng Fashion
Rơi dấu hỏi…
Đâu cần trốn ra khỏi cổng thành
Xóm nghèo nơi tôi ở
Bên phải là nhà bảo sanh
Bên trái là bệnh viện
Đằng kia lớp dưỡng sinh
Đằng nọ nhà quàn vô lượng thọ…
Hằng ngày nghe tiếng khóc trẻ con
Nghe tiếng rên người lớn
Tôi nhắc Phật đừng buồn
Không được quạu quọ, không được cau có
Không được nhăn nhó…
Phật cười
“Phải! Nó vậy đó”.”
(dohongngoc.com 4/12/2020)
Bài này dễ hiểu, nhưng hiểu hết lại không dễ. Mấy chỗ “bí thì hỏi”, mà Phật chỉ tủm tỉm “biết rồi còn hỏi!” nghe đơn giản chớ đúng phóc nha. Càng sống lâu càng có nhiều chuyện tưởng “bí”, thiệt ra mình đã “biết” rồi, chẳng qua tâm không đủ tịnh để “hiểu” thôi. Khổ thơ thứ hai chắc tác giả vừa viết vừa cười mím chi, té ra “thiếu dấu hỏi” thì thành “ngu”, mà đời này, thiếu gì chuyện thắc mắc mà không dám hỏi, nên mình chắc “ngu trường kỳ”. Khổ thứ ba tả “sinh, lão, bệnh, tử” – những cảnh ngay trước mắt ta đó thôi. Rồi khổ thơ cuối cùng, giữa “sinh, lão, bệnh, tử” vẫn giữ được tâm an, không “buồn, quạu quọ, cau có, nhăn nhó” thì thành “bụt” rồi, “bụt” là vậy đó! Từ ngữ bình dị, nhịp thơ thong thả, tự nhiên không gò bó nhưng âm điệu bằng trắc nhịp nhàng, láy vần rất duyên dáng. Đây là một trong những bài tôi thích nhứt trong thơ Anh Ngọc bởi nó đại diện cho sự đặc biệt hiếm thấy trong thơ: nội dung dí dỏm mà thâm thúy, từ ngữ, tiết tấu, âm vần đều được chọn rất nghệ thuật mà vẫn trôi chảy tự nhiên mới hay.
Người ta hay nói “thơ là tiếng lòng”. Đã là âm thanh thì phải có tần số, và cái radio trong mỗi chúng ta tùy theo tuổi tác, kinh nghiệm sống và tính cách mà “bắt” được những tần số khác nhau. May mắn thay, cái radio cọc cạch của tôi lại bắt được chút xíu “tần số” trong thơ Đỗ Hồng Ngọc, và từ đó học được chút xíu “suy nghĩ của Bụt” từ thơ Anh.
Mong Anh luôn khỏe, an lạc và tiếp tục sáng tác thêm nhiều “tiếng lòng” truyền cảm!
Minh Lê (Suối Tiên, 7/2021)