Tôi về quê và ngồi tại bến sông vào một buổi mai của ngày đầu xuân . Dấu vết nhói lòng của mùa lũ chồng lên lũ năm qua còn lưu dấu nước phi lý đến hãi hùng là những khoanh rác nếu còn vắt tận đầu ngọn cây gáo đứng lâu đời tại bến sông . Nước lũ lên tới đó ư ? Vậy thì còn chỗ nào không ngập ! Quê tôi vốn là rốn lũ nhưng sức chịu đựng của con người đâu phải là ô hạn ?
Tôi đưa mắt nhìn hàng cây bói giữ đất dọc mé sông và cả rặng tre lâu đời vẫn chưa đủ thời gian tăng lực đứng thẳng lại như trước .
Bến sông lúc này đã được dòng nước trả lại gộp đá nhẵn thín để bà con tiếp tục chải xà-phòng , giặt quần áo . Màu nước đã trở lại trong xanh và dòng nước hiền hòa trôi chảy khiến tôi nhớ tới hai câu thơ nói về trận lũ lịch sử khủng khiếp đau thương tại quê nhà năm Giáp Thìn 1964 cách nay hơn 4 thập kỷ :
Trót lầm lỡ sông Thu Bồn bẽn lẽn
Lui xa bờ êm ả lượn quanh quanh .
Làng quê đất Quảng Nam ở dọc các con sông lớn đều có những bến sông . Bến chính là làng và cả một xóm vạn “thượng gia hạ thuyền” , ghe đò đông đúc và đây cũng là bến chợ , bến đò ngang đò dọc …Thêm vào đó còn có những bến của các xóm dân cư ít khi có bóng ghe thuyền . Những bến này chỉ để cho ngời tắm giặt hoặc chuyên chở vậy dụng đột xuất bằng thuyền đi hay đến .
Cái bến nơi tôi trở về và đang ngồi là loại bến thứ hai , bến nhỏ , nhưng với tôi thực sự là bến quê nhà .
Cảnh vật hữu tình . Niềm quê man mác . Tôi muốn ví von một chút rằng Nàng Xuân đã hiện về với màu áo xanh dịu hiền , tỏa rộng , thật rộng .Trời xanh . Nước xanh . Núi xanh . Làng mạc xanh . Màu xanh của mùa xuân cực kỳ giáu có . Ở từng hiện tượng xanh ấy như có tiếng nói riêng , điệu ca riêng họp thành khuc xuân ca trữ tình với vô vàn giai điệu .
Quê ngoại của tôi ở bên kia sông , nơi được mệnh danh là “ Làng quả Nam Bộ tại Quảng Nam” . Làng là cả một quần thể vườn cây rộng lớn , xanh mướt nhìn từ xa chẳng thấy có ranh giới giữa các vườn của tư nhân .Dọc theo mé bãi cát bìa làng là cây bói đời đời truyền lưu sức sống chống xói mòn , sạt lở cho làng . Ở độ thấp hơn , đầu bãi cát của làng là một đám cây rì , một loại thủy thảo nhưng lớn như cây , có sức dẻo dai đến lạ kỳ khiến mọi cơn bão to , lụt lớn , đều bất khả khuất phục . Lụt ngâm cả tháng trời , rì vẫn không chết như mọi thảo mộc khác . Lũ lớn có thể xé toạc những mảnh thôn xóm bên sông , nhưng lũ mạnh đến mấy cũng không thể bứt lìa chỗ đứng của mỗi cây rì . Rì thường mọc thành đám tại đầu bãi cát để giữ cho bãi cát thành “cái chân” của thần trấn địa duỗi ra giữ cho làng trụ vững thiên thu . Thật đau lòng khi nghe đâu đó có những bãi cát ven làng như thế này bị cho xúc bán . Chân thần trấn địa bị hoại tử . Đất làng mất chân . Hành vi này chẳng khác gì kẻ bóc gạch nền từ đường đem bán ve chai !
Tôi nhìn xuống dòng nước trong vắt ngay dười chân tôi . Từng bầy cá hanh , cá mương , có cả cá chày nữa ,cứ từ phía dưới tuôn lên rồi thả trôi trở xuống . Cứ thế , rất nhiều lẩn . Dường như chúng chỉ bơi lên , thả xuống chỉ để …chơi vậy thôi chứ không phải tìm mồi . Chúng đang còn no sau cữ ăn sáng hoặc chưa đến giờ chúng làm việc ấy chăng ?
Mấy chục năm rồi , tôi mới được nhìn lại cảnh tượng ngoạn mục ấy .
Bến sông này có rất nhiều kỷ niệm với tôi thuở thiếu thời . Tôi nhớ từng người bạn “ chủ nhật đi câu , tắm sông , leo núi” của xóm xưa cùng bơi lội , đùa nghịch tại đây .Những Tùng , Phương , Đức , Bằng …đã không còn nữa . Những cô Nho , chị Lan ngày vu quy xa xưa đã xuống bến , lên thuyền về nhà chống , kẻ ngược nguồn , người xuôi biển rồi không một lần về lại …
Sinh thời , mẹ thường kể cho anh em tôi nghe hai chuyến thuyền hoa rước dâu về bến này . Thuyền lần trước là của họ nhà trai sang cuối làng ngoại tôi để rước mẹ tôi . Thuyền lần sau là của cha mẹ tôi xuôi tận làng phía dưới để đón chị dâu tôi . Quê nhà hồi ấy rất hiếm hoa tươi . Mui thuyền hoa được phủ tấm vải hoa giả gấm màu vàng . Một dây hoa kết toàn tường vi đỏ và cúc vàng đại đóa kéo quanh mạn thuyền . Hai phía cửa hông thuyền có màn đỏ kết tua che phủ . Chỉ có vậy thôi . Khi thuyền hoa ngược dòng , cứ đến một quãng sông lại đốt một dây pháo . Thuyền cập bến , lại một dây pháo dài hơn được nổ vang rơm rả .
Mẹ trồng hai loài hoa ký ức ấy trước hiên nhà , mùa nào cũng được mẹ giữ tươi tốt . Rồi hai mươi bốn năm sau đó, mẹ trồng hai loại hoa ấy quanh mộ phụ thân tôi . Tôi vẫn chưa làm được điều này tại mộ phần mẹ trên đất Đồng Nai , dù mẹ qua đời gần trọn 3 năm : “ Ba năm mãn khó , giỗ đầu”…
Tôi giật mình khi nghe tiếng “bộp” khá lớn vang lên rồi loang trên mặt sông bình lặng . Bên kia sông , một thiếu phụ đang giặt chiếu đã được gấp lại rồi giơ cao đập xuống nước mấy lần . Ngày xưa , mẹ tôi cũng thường giặt chiếu như vậy tại bến sông này .
Cũng đã mấy chục năm rồi tôi mới thấy và “nghe” lại cách giặt chiếu dễ thường chỉ có ở quê tôi . Chẳng thế mà vài năm trước đây , một cô giáo ở Bảo Lộc ki đọc hai câu thơ nói về Trung Phước quê tôi “Trời đưa thoi cánh yến vàng / Bến sông ai đập chiếu vang đôi bờ” đã thắc mắc rằng làng Trung Phước đâu có nghề dệt chiếu mà lại đem chiếu ra sông để ..đập ?
Nắng ấm dần . Mặt trời đã lên nhưng chưa chườn khỏi ngọn cây sợp cổ thụ đứng tại đầu đường xuống bến . Trời hấu như đã hết lạnh . Tôi để nguyên dép dầm cả hai bàn chân xuống nước . Mấy chú cá nhỏ xíu như tăm hương cứ lao lại mổ chân tôi . Nhột nhột mà vui vui . Tôi cố nhớ tên loài cá này . A , cá kim ! Lại một cảnh quen thuộc thời thơ ấu tại bến quê nhà được tái hiện với riêng tôi .
Có lẽ ai ngồi bên sông cũng nhớ và nghĩ về câu : “Đời người không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Sao nghe buồn đến thế nhỉ ? Nếu là nghĩa bóng , ta có thể hiểu đây là cách nói về những phận người luân lạc giang hổ như bèo giạt , mây trôi . Còn với nghĩa đen ? Tại sao ta không tìm về tắm lại dòng sông xưa ngay nơi bến sông quê ? Thì đây , chỉ giây lát nữa thôi , chờ nắng lên chút nữa , tôi sẽ nhảy ùm xuống nước , bơi ngược , bơi xuôi , lặn ngụp thỏa thích . Chỉ có điều là anh không thể tắm thêm lẩn nữa , gặp lại lần nữa những luồng nước đã chảy qua thân thể , chảy qua đời ta từ những năm tháng mù xa . Sông xưa và quê nhà vẫn trông chờ ta đấy chứ ?
Tôi kính chào và nhận đủ thứ hạnh phúc của bến sông quê vào một ngày đầu xuân đẹp nắng .
TƯỜNG LINH
|